Thứ Năm, 23 tháng 7, 2009

Điền chủ Nguyễn Thị Năm một nhân vật Lịch sử

Điền chủ Nguyễn Thị Năm một nhân vật Lịch sử

Nguyễn Quang Duy
 

Khai mạc cuộc triển lãm Cải cách ruộng đất (CCRĐ), ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết cuộc triển lãm không nhằm mục đích nói về những sai lầm hay oan khuất của những người bị thiệt mạng, mà “…chỉ chọn những gì tích cực nhất mà cải cách mang lại”.
Vì không trung thực nên cuộc triển lãm nói trên đã nhận nhiều phê phán, tạo một dư luận quan tâm đến biến cố CCRĐ và chỉ sau 4 ngày khai mạc phải đóng cửa.
Nhiều người xem triển lãm ngạc nhiên vì rất ít hình ảnh trong đó có nhân vật lịch sử Hồ chí Minh. Tối đến đài truyền hình cho chiếu đọan phim ông Hồ phát biểu: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng…” Thế một người dấu diếm tội ác của mình thì là người thế nào?
Tạo Huyền Thọai Xóa Tội Ác.
Hai phóng viên Báo Tuổi Trẻ Hà Hương và Ngọc Hà đã phỏng vấn ông Nguyễn Thủy Chung là cháu nội của cụ Nguyễn Thị Năm, tức Cát Hanh Long, người hơn 60 năm trước đã bị xử bắn.
Ông Long cho biết: “Những tư liệu được đưa ra cho công chúng xem vẫn không khác gì cách nhìn rụt rè về cải cách ruộng đất từ... 50 năm trước”.
Điền chủ Nguyễn Thị Năm là một người đã từng chứa chấp nuôi dưỡng hầu hết các các cán bộ cao cấp cộng sản và đã đóng góp rất nhiều cho Việt Minh.
Một tài liệu do Xuân Ba phổ biến vừa cho biết khi bà Năm bị đấu tố, ông Lê Đức Thọ lúc ấy đang ở miền Tây Nam Bộ được ông Hồ Viết Thắng từ Bắc gọi điện thọai chất vấn: “bà Nguyễn Thị Năm Cát Hanh Long có cho đồng chí cái gì khi đồng chí ở nhà bà ấy không?”
bà Nguyễn Thị Năm Cát Hanh Long
Blogger J.B Nguyễn Hữu Vinh cũng phỏng vấn ông Lê Đình Phúc, là con của cụ Lê Đình Hàm, một địa chủ có công với cộng sản và tuyệt đối tin tưởng vào "bác Hồ". Cụ Hàm bị đấu tố và bắn chết vào ngày 09 tháng 7 năm 1953.
Ông Vinh đặt câu hỏi: “Vậy bác Hồ là người đứng đầu chính phủ lúc bấy giờ có chịu trách nhiệm gì về vấn đề này không?”
Ông Hàm trả lời: “Nói thế thì... hôm nay tôi không mang tài liệu của Hoàng Tùng nói về việc này...” Có vậy mới thấy ảnh hưởng sâu đậm của huyền thọai.
Ông Hoàng Tùng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, là người đã vẽ ra huyền thọai: "Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào một người đàn bà, mà người ấy lại cũng giúp đỡ cho cách mạng, người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ là đánh bằng một cành hoa.”
“Sau cố vấn Trung Quốc là Lê Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: Tôi theo đa số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải. Và họ cứ thế làm".
Ông Trần Huy Liệu tham dự buổi đấu tố bà Nguyễn Thị Năm, ước tính số người tới dự độ một vạn trở lại. Trong thời chiến một vạn người tập trung tại Đồng Bẩm, Thái Nguyên, cách Hà Nội vài chục cây số, đã đủ thấy tầm mức quan trọng của vụ đấu tố này.
Trong quyển Đèn Cù ông Trần Đỉnh cho biết cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh đều đã trực tiếp tham dự buổi đấu tố: “…Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt”.
Ông Trần Đĩnh cho biết đã được Trường Chinh phân công viết bài cho báo Nhân dân: “Chi tiết thì khai thác Văn, người anh nuôi cấp dưỡng đi theo Trường Chinh, còn tội ác thì cứ theo tài liệu”.
Ông Trần Đĩnh cho biết: “Có lẽ để phối hợp với bài báo của tôi, C.B. (Bác Hồ) gửi đến bài “Địa chủ ác ghê”… rồi nhận xét: “… Hoàng Tùng vô tình hay cố ý quên bài báo bác gây căm thù cao độ này.”
Năm 2007, khi tìm hiểu về Hồ Chí Minh tôi đã phát hiện bài báo “Địa chủ ác ghê” của C.B., trên báo Nhân Dân 21 tháng 7 năm 1953 và đã cho phổ biến trên talawas “Vai Trò Hồ Chí Minh Trong Cải Cách Ruộng Đất”.
Sau này ông Nguyễn Minh Cần nhớ vào năm 1953 ông cũng đã được đọc bài "Địa chủ ác ghê" từ nội san Cải cách ruộng đất.
Bộ sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử tập 5 trang 418, cũng đề cập đến bài “Địa chủ phản động ác ghê”, ký bút danh Đ. X. đăng trên báo Cứu Quốc, số 2459 ngày 2/11/1953.
Về C.B. ông Bùi Tín cho biết: " lúc bấy giờ ở báo Nhân Dân, tất cả những bài nào đề chữ "C.B." là "Của Bác", là coi như thiêng liêng, là phải in ngay ở trang một, ở ngay dưới măng-séc, không được sai một dấu chấm, dấu phẩy nào".
Qua phỏng vấn Báo Tuổi Trẻ, cháu nội bà Năm ông Nguyễn Thủy Chung cho biết: “Từ một chủ hiệu buôn Cát Hanh Long lừng lẫy đất Hải Phòng, từng là người đóng góp tiêu biểu cho “Tuần lễ vàng” đầu tiên của đất cảng với hơn 100 lượng vàng, SAU NĂM 1945 cụ Năm tản cư theo cách mạng lên chiến khu, tiếp tục dựng nghiệp với hai đồn điền lớn mua lại của “một ông Tây què” tại Thái Nguyên.
Chi tiết ông đưa ra rất khác với bản án Của Bác (C.B.) khép cho bà Năm:
“Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:
  • Giết chết 14 nông dân.
  • Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.
  • Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người - năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.
  • Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân - Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang.
  • Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng.
Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào!”
Ông Trần Huy Liệu giải thích “tội ác” bà Năm như sau: “Sự thực thì hồi ấy dân chết đói nhiều quá, bọn thống trị Pháp, Nhật muốn che lấp tội ác của chúng, bắt các chủ đồn điền phải hàng ngày xuất ra một số gạo phát chẩn cho dân. Thị Năm đã bớt và khai man số gạo này, nghĩa là ăn cắp số gạo mà dân đói đáng được hưởng để chết đói thêm.”
Tiêu Lang báo Cứu Quốc người đã chứng kiến vụ xử bắn bà Năm, cho ông Trần Đĩnh biết vì áo quan cho bà Năm quá nhỏ nên: ‘Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: “Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?”. Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy…. cuối cùng bà ta cũng lọt vào nằm vẹo vọ….” !’
Nhằm phóng tay phát động CCRĐ, buổi đấu tố bà Năm đã đựơc đưa vào sách giáo khoa môn Quốc Văn, Bài tập đọc Số 8 “Ấn Cổ Bọn Nó Xuống”, trong mục “Vạch mặt Địa Chủ Cường Hào Gian Ác”, Bộ Giáo Dục xuất bản năm 1953, để dạy cho học sinh.
sách giáo khoa môn Quốc Văn
Trên là cách đối xử của phía cộng sản, còn đối với người dân ông Trần Đĩnh cho biết: “Nhưng dân Đồng Bẩm thì không quên. Ở xã này có một quả đồi được dân tự động đặt cho nó tên một nạn nhân lớn: đồi Nguyễn Thị Năm.”
Ngòai huyền thọai Của Bác về điền chủ Nguyễn thị Năm, còn một số các huyền thọai khác cũng xin vắn tắc nêu ra.
Nhận “Sai Lầm” và “Sửa Sai”
Ông Nguyễn Minh Cần cho biết việc “sửa sai” thi hành kỷ luật các lãnh đạo CCRĐ như sau:
Thứ nhất, ông Trường Chinh mất ghế Tổng bí thư, nhưng lại vẫn là uỷ viên Bộ Chính Trị, chuyển sang ngồi ghế Chủ tịch Quốc hội, phụ trách công tác tư tưởng, rồi cùng Tố Hữu bày ra vụ Nhân Văn - Giai Phẩm đàn áp quyết liệt tầng lớp trí thức văn nghệ sĩ;
Thứ hai, ông Hoàng Quốc Việt, người nổi tiếng ác nhất, bị đưa ra khỏi BCT trao chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao là chức vụ nắm quyền sinh quyền sát con người;
Thứ ba, ông Lê Văn Lương chịu trách nhiệm về Chỉnh đốn tổ chức đã làm cho nhiều cán bộ đảng viên ở xã bị bắn giết, bị tù đày, phải ra khỏi BCT, nhưng được đưa về làm bí thư Thành uỷ Hà Nội;
Thứ tư, ông Hồ Viết Thắng bị đưa ra khỏi TW Đảng thì lại cho làm uỷ viên thường trực Uỷ ban Kế hoạch nhà nước.
Còn ông Hồ vẫn tiếp tục giữ chức chủ tịch và vẫn là uỷ viên Bộ Chính Trị.
Về việc Hồ chí Minh khóc, ông Nguyễn Minh Cần cho biết như sau:
Ấn Cổ Bọn Nó Xuống
Ngày 29-10-1956 – mít tinh lớn tại Nhà Hát Nhân dân Hà Nội, uỷ viên BCT đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh và TW ĐLĐVN chính thức công nhận những sai lầm nghiêm trọng trong CCRĐ.”
“Nhân đây, xin nói rõ: một vài người viết không đúng là cuộc mít tinh tổ chức tại sân vận động Hàng Đẫy và ông Hồ đã đến dự và khóc trước dân chúng. Hà Nội được giao cho việc tổ chức mít tinh nên tôi biết rõ. Hồi đó, chúng tôi được giải thích: ‘Bác đến không tiện’, nhưng chúng tôi đều hiểu là ông Hồ muốn đưa ông Giáp ra ‘chịu trận’ thay mình, nên không hề có việc ông Hồ khóc trước dân chúng.
Ông Cần cũng cho biết: “…ảnh ông Hồ khóc thì tôi không biết ông khóc ở đâu? Hoặc người ta đóng lại sau này mà tôi không rõ. Cũng như chuyện ông Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 mà sau này ta thấy phổ biến một bản ghi âm và ghi hình thì tôi biết rõ đó là ông đóng lại cho người ta quay phim và ghi âm (hồi đó có người nói lại với tôi), chứ hồi năm 1945 làm gì có chuyện vừa quay phim vừa ghi âm như thế được.”
Để ý phim và hình thì khi ông Hồ khóc, phía dưới người tham dự thay vì xúc động theo ông, thật kỳ lạ họ lại vỗ tay như khán giả xem kịch vỗ tay tán thưởng!!!
Thắng Lợi Kinh Tế Miền Bắc Sau CCRĐ
Nếu chỉ dựa trên báo cáo thành tích hay tuyên truyền thắng lợi CCRĐ mọi người rất dễ bị lạc vào huyền thọai: sau CCRĐ nông dân miền Bắc đã có được đời sống tốt hơn xưa.
May mắn thay huyền thọai này đã bị chính ông Hồ phá vỡ. Biên bản Hội Nghị Bộ Chính Trị, Hồ Chí Minh Biên Niên Tiểu Sử, tập 8, trang 272, ông Hồ phát biểu:
Từ ngày hòa bình lập lại năm nào cũng thấy có thuận lợi, có khó khăn và năm nào cũng không đạt kế hoạch. Tình hình mỗi ngày một căng thẳng. Ta phải tính cách nào, nếu cần có thể phải giảm bớt một phần xây dựng để giải quyết vấn đề ăn và mặc cho quần chúng được tốt hơn nữa, đừng để cho tình hình đời sống căng thẳng quá.”
Các tầng lớp địa chủ, trí thức, thương gia miền Bắc nếu không bị cộng sản tiêu diệt thì cũng đã di cư vào Nam. Thiếu các tầng lớp có khả năng làm ra của cải vật chất và điều hành quản lý kinh tế là lý do đầu và quan trọng nhất miền Bắc rơi vào lạc hậu và nghèo đói.
Sai Lầm Hay Tội Ác?
Đã 60 năm con số người bị giết và nạn nhân CCRĐ vẫn chưa được chính thức công bố.
Gần đây ông Đặng Phong, chủ biên quyển Lịch sử Kinh tế Việt Nam 1945-2000, đưa ra số thống kê 172.008 người bị quy là địa chủ hay phú nông, trong đó có 26.453 người là địa chủ cường hào ác bá.
Những người bị quy là địa chủ cường hào ác bá đều bị xử tử. Như vậy ít nhất đã có 26.453 người bị xử tử.
Ngòai số người tự tử chết và chết trong tù, các nhân chứng cho biết có nhiều cách xử tử khác nhau: xử bắn, xử chặt đầu, xử chấn nước đến chết, xử treo lên ngọn tre và bị đâm cho đến chết, xử chôn phần mình để lộ phần đầu đội cải cách dùng cày, cày cổ nạn nhân và nhiều lối xử “đầy sáng tạo” khác…
Ông Nguyễn Minh Cần cho biết tỷ lệ 5% dân số là địa chủ, mà Hồ Chủ Tịch đưa ra không có dựa trên một cơ sở điều tra nào cả.
Ông Cần còn cho biết ông Hồ chưa hề ký một lệnh ân xá nào. Chỉ từ sau Đại hội lần thứ 20 đảng Cộng sản Liên Xô và sau hội nghị cán bộ cao cấp và trung cấp (từ 28.04 đến 03.05.1956), do phản ứng rất mạnh của cán bộ mới có lệnh tạm thời hõan thi hành các án tử hình.
Thống kê số địa chủ
Cũng theo ông Đặng Phong, CCRĐ đã được thực hiện ở 3.563 xã, số địa chủ đã “vựơt chỉ tiêu” lên đến 5,68% dân số miền Bắc 13.574.000 người (năm 1955). Như thế số nạn nhân thực sự lên đến trên nửa triệu.
Khi đã bị quy là thành phần địa chủ họ và thân nhân bị cô lập, bị phân biệt đối xử và bị cướp hết tài sản. Nhiều người chết vì đói, vì bị ức hiếp, bị hãm hiếp. Cho đến ngày nay con cháu họ vẫn bị kỳ thị.
Những người không thuộc thành phần địa chủ, nhưng không chấp nhận đấu tố CCRĐ đều có thể trở thành nạn nhân của cuộc đấu tranh tiêu diệt giai cấp địa chủ này.
Cùng lúc đảng Cộng sản đã cho tiến hành một cuộc chỉnh quân chỉnh huấn, theo báo cáo của Bộ Chính trị đến tháng 10 năm 1956 thì chỉ riêng tổng số đảng viên bị "xử trí" đã lên tới 84.000 người. Số ngươi bị giết cũng có thể lên đến hằng chục ngàn người.
Theo số liệu ông Đặng Phong đưa ra có đến 71,66% địa chủ là bị quy sai thành phần.
Quy thành phần dựa trên quan điểm đấu tranh giai cấp và sách lược chia để trị hiện vẫn còn được sử dụng. Trên thực tế, các nạn nhân CCRĐ đều không có một tấc sắt trong tay, không chống đối và đều là những người đã chấp nhận sinh sống trong khu vực Việt Minh.
Những người không chấp nhận Việt Minh đều đã bị giết hoặc đã bỏ về thành. Bởi thế hằng nửa triệu nạn nhân, hằng trăm ngàn người bị giết là một cuộc diệt chủng khủng khiếp chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam.
Viết Lại Sử Việt
Rõ ràng vụ đấu tố bà Nguyễn Thị Năm nhằm phát động CCRĐ là trọng tâm một biến cố lịch sử gây chết chóc tang thương cho tòan miền Bắc mà dư hưởng vẫn còn đến ngày nay. Điền chủ Nguyễn Thị Năm đã trở thành một nhân vật lịch sử.
Viết sử cận đại mà bỏ qua cuộc CCRĐ, thì không khác gì viết về CCRĐ mà không hiểu rõ vụ đấu tố bà Nguyễn Thị Năm hay viết về tiểu sử Hồ Chí Minh mà thiếu vai trò Của Bác (C.B.) trong cuộc CCRĐ.
Các tài liệu về vụ đấu tố bà Nguyễn Thị Năm vừa được phổ biến giúp hóa giải một số huyền thọai, làm sáng tỏ một phần quá khứ, giúp viết lại trang sử bi thương dân tộc, giúp các thế hệ hậu sinh xây dựng lại đất nước trong tình người và tránh xa những tội ác mà người đi trước như Hồ Chí Minh đã mắc phải.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
29/9/2014
Tài Liệu Tham Khảo
- BBC, 2014, Đèn Cù 'giải ảo Hồ Chí Minh'
- C.B., 1955, Phát động quần chúng và tăng gia sản xuất, Báo Nhân Dân.
- Đặng Phong, 2004, Lịch sử Kinh tế Việt Nam 1945-2000, viết về giai đoạn 1955-1975, xuất bản tại Hà Nội, Tập 2.
- Hà Hương và Ngọc Hà, 2014, Triển lãm Cải cách ruộng đất: Cần sòng phẳng với lịch sử, Tuổi Trẻ.
- Hoàng Tùng, Những kỷ niệm về Bác Hồ.
- Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, talawas
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, 1995, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- JB Nguyễn Hữu Vinh,2014, Triển lãm CCRĐ: Khoét thêm vết thương để bao che tội ác?
- Trần Đĩnh, 2014, Đèn Cù, Nhà Xuất Bản Người Việt.
- Trần Huy Liệu, 2010, Trích Nhật ký Cải cách Ruộng đất, Về chuyện đấu tố bà Nguyễn Thị Năm - talawas.
- Trinh Nguyễn, 2014, Lần đầu triển lãm về cải cách ruộng đất, Báo Thanh Niên Online.
- Nguyễn Minh Cần, Xin đừng quên tội ác! ... Nửa thế kỷ trước.
- Nguyễn Quang Duy, 2010, Huyền thoại và sự thực: Hồ Chí Minh trong Cải cách Ruộng đất, danchimviet.info
- Nguyễn Quang Duy, 2007, Vai trò của Hồ Chí Minh trong Cải cách ruộng đất, talawas.
- Xuân Ba, 2014, Chuyện về người phụ nữ đầu tiên bị bắn oan, Nguồn: Quê Choa.
Nguồn:
http://doithoaionline2.blogspot.com/2014/09/ien-chu-nguyen-thi-nam-mot-nhan-vat.html
 

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

Mỹ: Nổ tại Quảng trường Times






Người bảo vệ

Ông mở cửa cái văn phòng chi nhánh của công ty, để nhóm chúng tôi vào làm phần trang trí quảng cáo. Trong khi tốp thợ đang làm, ông pha chè mang ra bảo chúng tôi- uống chè đi, mới pha ngon lắm, chè loại ngon đấy- Trước đó ông ta hoạnh họe chúng tôi đủ điều. Công việc của chúng tôi bao giờ cũng bị đối tác hoạnh họe như vậy, mà càng nhân viên quèn thì càng hoạnh hoẹ. Phần quảng cáo này do công ty mẹ bỏ tiền tài trợ cho các chi nhánh đại lý. Đại lý không mất tiền mà được trang bị, không vì thế mà họ dễ dàng với chúng tôi. Vì họ nghĩ thà công ty mẹ lấy cái số tiền trang hoàng cho bộ mặt đại lý ấy cho luôn họ thì tốt hơn. Đáng ra họ phải biết là họ cũng hưởng lợi lớn. Khi cửa hàng đẹp, bắt mắt khách hàng sẽ vào mua hàng nhiều hơn, còn chúng tôi có được cả số tiền ấy đâu. Chúng tôi phải trả tiền vật liệu, xe cộ, máy móc và công sức bỏ ra nữa. Tuy nhiên tính của nhân dân ta là cứ phải thấy tiền trước mắt đã, bởi vậy chúng tôi và họ thường bất hoà.

Tôi ngồi uống trà với ông ta một lát thì bảo người ra mua bao thuốc vào biếu ông ta. Bây giờ thì thái độ ông ta dễ chịu hẳn đi. Con người này không vì tiền mà có thái độ trịch thượng, mà ông ta muốn bọn tôi phải biết nể sợ ông ta thì đúng hơn. Biết vậy tôi bắt đầu chiến dịch tâng bốc ông ta, đó cũng là việc chính của tôi trong anh em. Mọi người thì làm , còn tôi có trách nhiệm hòa giải những bất đồng giữa hai bên. Tôi hỏi

- Chú chắc cũng công tác trong biên chế, làm quan chứ chả phải thường chú nhỉ?

ông ta nở nụ cười tươi, nghe thì có vẻ khiêm tốn nhưng thật sự là khoe khoang

- Tôi thì trước làm ở ban tuyên huấn của thành ủy Hải Phòng.

Tôi tròn mắt ngạc nhiên, đầy vẻ khâm phục như mình đang đối diện với cựu ủy viên thành ủy Hải Phòng. Rồi đầy kính trọng như kiểu học sinh ta học sử nghe cô giáo kể về Lê Văn Tám hay Phan Đình Giót hoặc bất kỳ anh hùng chốngg đế quốc, thực dân nào. Tôi giỏng đôi tai, mở to con mắt nghe ông ta thao thao về tiểu sử của gia đình nhà ông ta.


- Bà mẹ tôi là cán bộ tiền khởi nghĩa, tôi sinh năm 1946 tuổi Chó. Học phổ thông xong tôi đi học lớp tuyên huấn. Từ đó công tác tại thành phố đúng 37 năm mới về hưu. Tôi thì chỉ có bằng khen , mẹ tôi thì huân huy chương, giấy khen nhiều lắm. Cụ năm nay vẫn còn mạnh khỏe tuy rằng hơn 90 tuổi rồi. Đảng và nhà nước cũng quan tâm đến quyền lợi của cụ. Nhà mà tôi ở hiện nay là do cụ được phân. Chứ tôi về hưu xong là hai bàn tay trắng. Tính mình hiền lành nên cũng chẳng được vào cơ cấu gì mè lên nữa. Làm cái chân tuyên huấn, hết Đoàn đến Đảng, quanh đi quanh lại đến tuổi thì về hưu. Tôi cho các con đi học làm bác sĩ, kỹ sư chứ nghĩ chúng nó cũng hiền lành như mình. Vào nối nghiệp bố cũng chẳng khá hơn.

- Chú còn sinh hoạt chi bộ không ?

Tôi rót nước và bật lửa mồi thuốc cho ông ta để chờ nghe tiếp một hồi dài. Ông ta nhả khói lên trần như ngẫm nghĩ bắt đầu một chuyện quan trọng như thế nào cho bọn trẻ kính nể.

- Tôi vẫn sinh hoạt chi bộ đều chứ anh, có cái mình trung dung không hay khiếu kiện như người ta. Vẫn bảo họ rằng, mình về thì thôi, đánh cầu lông, đọc sách chơi với con cháu. Người ta đương chức nhiều việc mệt bỏ xừ. Mình khiếu nại họ lại nhức đầu. Tôi làm tuyên huấn tôi biết. Một cái đơn từ cơ sở lên khó chịu lắm. Không giải quyết là ảnh hưởng nhiều. Ấy ví dụ thằng chủ tịch phường, nó lương là bao nhiêu, có chấm mút một tí thì cũng bỏ qua cho nó. Nói với các ông ấy rằng. Các ông nhìn cái bể bơi, một cái cục.. trong bể gây cảm giác bẩn. Chứ thật ra nó bẩn được cả cái bể là bao đâu.

Tôi nghe đến đây thì cười nhạt

- Chú ạ, các ông ấy kiến nghị là đúng. Vì có các ông ấy kiến nghị. Đáng lẽ nó ném cả c.. cả bánh mỳ, rác..nó thấy kiến nghị nó chùn chỉ ị một cục..thôi. Còn chú muốn khuyên các ông ấy thì phải khuyên thế này. Cả cái bể nước đầy rác rồi, các ông bây giờ kiến nghị gì thì cũng phí sức. Để công đấy mà chơi với con cháu. Còn muốn thì thay cái bể khác đi

Ông ta giật mình, lắc đầu nguầy nguậy

- Không, thay là thay thế nào ? Từ mẹ tôi đến tôi đều là đảng viên gương mẫu. Đôi khi các con tôi có ý, tôi liền bảo với chúng nó rằng. Chừng nào còn treo cờ đỏ sao, sao vàng chừng ấy nhà mình còn có quyền lợi, các con nhớ đấy.


Đến đây thì tôi chả muốn nói chuyện gì với ông ta. Lúc trước ông ta có kể gia đình ông ta được quan tâm. Đó là cái nhà mặt tiền 146 NGuyễn Đức Cảnh rộng gần 100 mét vuông. Nói chung Đảng ta cũng công bằng với mẹ con nhà ông Nguyễn Mạnh Thắng này, trong sạch cho nên được cái nhà đẹp trị giá bạc tỷ đến vậy. Nhưng cái cách ông ta nói chuyện khiến tôi nghĩ

-Có thể thời ông ta tại chức dân trí thấp và cả tin hơn bây giờ.

Đi làm thôi

Loanh quanh HS-TS rồi đi chơi Sài Gòn mất đứt 1 tháng. Hôm nay đi làm, con thấy bố mặc quần giả vờ hỏi.

- Bố lấy quần áo đi tắm.?

Bố nói là bố đi làm, ông con giật phắt lấy áo bố giọng như ra lệnh.

- Bố không đi làm, bố ở nhà.

Phải giải thích mãi, ông con 2 tuổi mới chấp nhận buông ống chân bố ra. Mặt mũi phụng phịu gỡ gạc một câu.

- Bố đi làm lấy tiền mua bim bim cho Tí Hớn.

Đến công ty, nhìn trên bàn thấy cái hợp đồng phòng kinh doanh chuyển đến. Thời hạn thi công là 1 tháng. Kinh, Tết đến nơi rồi làm có kịp không. Mà làm có kịp thì chắc cũng méo mặt vì qua Tết mới được thanh toán.

Giờ này anh ở đâu




Hôm nay gặp Argus( gọi là A gù phiên âm tiếng Việt). Hai anh em kéo nhau đi uống cà fe. A Gù kể

- Hôm em bj bắt ,có tay công an cho em số điện, bảo bao giờ mày ngồi uống nước ở đâu với thằng NBG gọi tao ra. Mày nói tao là làm du lịch giống mày . Để tao xem thằng đấy thế nào?

NBG buồn cười quá, công an gì mà cả tin thế. A Gù là chiến hữu của NBG từ bao năm nay Rượu chè, karaoke, mát - xa có hết tình nghĩa thâm sâu. Lẽ nào vì một câu ra lệnh của công an mà đưa NBG vào cảnh trớ trêu. Vì chán gặp công an, suốt mấy hôm nay hộ tịch hỏi thăm đủ thứ. Thậm chí hết chuyện cậu ý còn hỏi cái cửa hàng mình để không thì cho bạn cậu ấy thuê mở cửa hàng nữa. NBG không có ý muốn gặp công an trong một ngày đông nắng hiếm hoi rực rỡ thế này. Cho nên hai anh em rủ nhau đi mua sách, uống cà fe. Nghe A Gù kể lại chuyện vừa qua.

A Gù làm hướng dẫn viên du lịch, đang đưa khách đi dạo phố cổ Hà Nội, đến đoạn Bát Đàn thì thấy Trang Hạ bảo ở đâu gặp để lấy nốt đề can. Giọng Trang Hạ trong máy nói như là bảo công an đang ở đây, bắt tôi nói thế. A GÙ hiểu ý, nhưng cậu ta nghĩ chẳng có tội gì phải tránh. ( Cái này hơi dở, chắc thiếu kinh nghiệm, chứ phải NBG thì đi kiếm chỗ sới nào kín đáo khoanh chân ngồi đợi con Chi lên đúng cửa Chì làm cái gà Bạch Thủ,, chứ công đâu mà lên công đường nghe hạch tội). Thế là A Gù nhà ta bảo đang ở Bát Đàn. Lập tức một tiểu đội công an, già trẻ, nam nữ có tất xuất hiện tức thì kèm theo nhà văn Trang Hạ. Trong quán cà fe Trang Hạ nnhìn A Gù chả nói gì. Sốt ruột một nữ chiến sĩ an ninh nhắc nhở TRang Hạ

- Chị bảo anh ấy đưa đề cán đi, chị muốn sớm về với con không?

Nữ nhà văn Trang Hạ dường như ức chế suốt từ sáng vì bị giam hãm, chị đã bị hai tay công an trẻ măng nhờ dán đề can lên mũ.Dán xong bắt chị luôn.Bây giờ lại bảo chị đổi vai diễn hại đồng bào, làm gì chị chả tức. Bởi vậy chị gắt gỏng nói

- Không, tôi không bảo, các cô muốn thì đi mà bảo

Nghe đến câu này chú A Gù biết chẳng phải chuyện chơi rồi, chú ta nhanh nhẩu đứng dậy tính bài chuồn. Chú nói

- Thôi, không có gì tôi đi làm đây.

Nhưng đời đâu có dễ, chú ta vừa đứng dậy thì chục chàng công an thường phục đã ốp tới túm tóc, xốc nách. A lê hấp lên quận đã nhé. A Gù bé như con thỏ, dẫy không nổi bị công an thò tay lục túi. Tóm được 250 cái đề can. Cả hội công an mặt mày rạng rỡ tang chứng, vật chứng rành rành nhé. Thế là các công sai điệu A Gù đi đến nhà NBG. A Gù xin phép tạm biệt và dặn dò đám khách du lịch người nước ngoài. Anh công an già nhất hội nói

- đéo cần, đm vỡ tua này tao chịu, mày đưa số điện giám đốc công ty mày đây.

A Gù vớt vát nhờ cậu lái xe đưa đoàn khách đi nốt mấy nơi cho đúng lịch. Rồi cun cút đi dưới đoàn hộ tống đến nhà NBG.

Nhờ ăn ở phúc đức, thế nào lúc ấy NBG đã đi xa cả ngàn dặm rồi. Các công sai ào ạt đậu xe trước của nhà NBG xồng xộc đi vào.Nhà NBG cửa mở toang hoang chẳng có ai trong nhà. Các vị công sai lạ lắm, bèn hỏi hàng xóm bên cạnh mới biết là NBG chim trời, cá nước rồi. Họ tưởng bà hàng xóm nói dối liền hắng giọng quát

- Chúng tôi là công an đây, bà nói thật không?

Nào ngờ bà hàng xóm chẳng sợ. Vì cái đất NBG ở người ta tiếp xúc với công an thường xuyên. bà hàng xóm bảo một câu chỏng lọng .

- Không tin thì đừng hỏi nữa .

Một công sai nữa hỏi .

- Thế nhà nó không có ai, mở cửa thế này à ?

Bà hàng xóm .

- Các anh nhìn thì biết.

Công sai chán quá, quay sang chửi A Gù

- Đm thằng này đánh động nó trốn mất rồi.

Khổ thân A Gù chả biết giải thích thế nào, chàng thanh minh là NBG đi từ sáng sớm. Có phải trốn tránh gì đâu. Công sai bảo A Gù gọi điện hỏi xem NBG ở đâu, họ nói biết đâu thằng này vẫn quanh đấy, nghe tin nó trốn đâu đó nói láo là đi Sài Gòn. Họ bắt A Gù phải bật loa lên để họ cùng nghe, thấy NBG trả lời máy. A Gù quát .

- Anh ở đâu, Anh ở đâu ?

NBG nghe tiếng quát chột dạ, làm gì mà thằng em của mình vốn ngoan ngoãn từ xưa đến nay.Con nhà gia giáo, nói năng bao giờ cũng nhẹ nhàng. Bỗng dưng quát mình , chả êm như Thanh Tuyền hát, giờ này anh ở đâu, anh ở đâu, dù rằng anh ở đâu, vẫn yêu anh hoài, yêu suốt đời.. lại nghe tin Trang Hạ bị tóm ( hay mời cũng thế thôi) NBG nói

- Tao đang ở Sài Gòn, công an đang ở cạnh mày à, bảo các anh ấy mấy hôm nữa tao về sẽ xin gặp. Bây giờ đang bận việc ở đây. Tao đang ngồi chơi với anh Điếu Cày .

A Gù sợ NBG hứng chí nói luyên thuyên nữa bèn hét vào máy .

- Chúng nó bật loa đấy

Tức thì NBG nghe trong máy có mấy tiếng đốp đốp. Thì ra A Gù bị ăn mấy cái bợp tai. Công sai đầu đảng nói .

- Truy xét thằng Điếu Cày

Ngay lập tức công sai trẻ bước ra láu táu .

- Em biết thằng Điếu Cày này, thằng này vào kia gặp Điếu Cày chứng tỏ bọn này có tổ chức. Tí nữa em sẽ báo cáo anh về thằng Điếu Cày này....


Anh ở đây




Anh ở đây
Bạn bè anh cũng ở đây
Áo rách xác xơ vai gầy
Cùng chung số kiếp lưu đầy....

( trích ca khúc Anh Ở Đây do Đoàn Chinh thực hiện)

Sau khi không tìm được NBG. Các chiến sĩ công an triệu ngay thổ địa hộ khẩu đến để truy xét nhân thân. Hộ khẩu đúng là thần Thổ Địa nhanh chóng cấp đầu đủ thông tin, hồ sơ về NBG. Các chiến sĩ đọc qua bực mình quát

- Đm thằng lưu manh này sao quen lắm bọn văn nghệ sĩ thế, nó quen làm gì cơ chứ. Đúng loại phức tạp.

Đoạn quay sang hỏi A Gù

- Mày biết thằng này phức tạp thế không ?

A gù gật đầu

- Thế mà mày còn chơi với nó ( hè, các bác trên mạng đọc xong nhớ tránh xa nhà em ra nhé, phức tạp lắm đấy)

A gù ngạc nhiên

- Em chơi thì có làm sao, anh ấy gần nhà em, lại thích đọc sách giống em.

Các công sai chỉ thị cho thổ địa liên hệ gấp với NBG, Thổ địa gọi được NBG mắng

- Ông quan hệ với con bé nhà văn nào, tuyên truyền cái gì thế,ầm ĩ hết cả lên. Giờ ông ở đâu ?

NBG

- Đang ở Sài Gòn rồi, không có gì đâu. Mấy cái đề can Trường Sa- Hoàng Sa có phạm pháp gì đâu

Thổ Địa

- Biết là thế, nhưng bao giờ ông về?

NBG

- Bốn ngày nữa.

Thổ Địa

- Bao giờ ông về gặp tôi giải quyết cho xong vụ này rồi đi đâu hẵng đi .


Đến đây thì chúng ta quay lại với số phận của anh chàng hướng dẫn viên nhỏ bé A Gù. Anh ấy về bót ngồi , bị chuyển hết phòng này qua phòng khác. Bao nhiêu người thẩm vấn. Họ hỏi

- Mày có biết cái đề can này in bao nhiêu tiền một cái không ?

A Gù sài lắc

- Nhiều tiền lắm đấy, in một đống thế này mất khối tiền ( thật ra hết khoảng 80 nghìn thôi, khoảng 6 bát phở Thìn Bờ Hồ )

- Mày có đọc blog thằng NBGkhông, nó là Người Buôn Gió đấy. Đm thằng này lắm bài viết nhạy cảm, phức tạp lắm

A Gù sài lắc, giọng ngây thơ

- À thế à, em cũng ít đọc, thế anh ấy viết gì?

Công an mở máy tính cho A Gù xem. A Gù mắt cận, lại không mang kính. Cứ giả vờ nhìn màn hình một lúc nói

- Em có thấy gì phức tạp đâu?

Công an

- Đm mày đọc kỹ mới thấy, thằng này cực kỳ nguy hiểm, không chơi với nó được đâu. Mày đừng giao du với nó nữa.

Công an khác

- Mày làm hướng dẫn có thẻ không?

A Gù trình thẻ. Công an xem xong nói

- Mày liệu hồn nhé, chỉ cú điện của tao là không công ty du lịch nào nhận mày làm đâu.

Cho A Gù ngồi mốc mõm một lúc, các công an đi ăn. Lát sau về nước nôi, đánh tăm tanh tách. Một anh chợt nhớ A gù chưa ăn gì động lòng nhân nghĩa hào hiệp hỏi

- Mày ăn bánh mỳ không tao mua.

A Gù cảm động rơi lệ, không ngờ các chiến sĩ công an thương người như thể thương thấn. Vì quá đỗi xúc động nên cậu ta từ chối

- Thôi em không dám phiền anh

Anh công an kia nói

- Ờ, mày không ăn thì thôi.

Lát sau có công an khác giở máy tính ra reo

- A thằng này cũng đi biểu tình

A Gù sợ tái mặt, thôi bỏ bu rồi. Công an sáp lại giọng uy hiếp

- Ai cho mày đi biểu tình, mày biết biểu tình là phải xin phép, biểu tình mục đích gì, bao nhiêu người, thời gian bao lâu. Bọn mày muốn thì phải làm đơn xin phép chúng tao. Chúng tao thấy được cho ngay. Thế này là chúng mày tụ tập trái phép. Chúng tao có ảnh đây, những đứa nào đi biểu tình bọn tao biết hết....

Một công an khác lại nhẹ nhàng

- mek, mày tưởng bọn tao không yêu nước, không bực vì TS-HS à ? Bọn tao cũng ức chứ. Nhưng làm gì thì làm, phải có phép tắc. Không thể bừa bãi loạn xạ được.


Đến khuya A Gù làm xong bản cam đoan không đi biểu tình, không HS-TS gì hết mới được về.


Lại nói đến NBG thấy anh em, bè bạn vào bót hết. Lo lắm, lo cho các chiến hữu lại còn lo thân mình. Rủi bây giờ có mệnh hệ nào thì vợ con bơ vơ nơi đất khách quê người. Bởi không quen biết ai, chỉ nghe tiếng bác Điếu Cày trên blog. Đành phải đến nhờ vả, chứ nào có phải tổ chức hay bàn mưu tính kế gì đâu. NBG gặp bác ĐC lớn tuổi, thấy hình dong tuấn tú, dung mạo tươi tỉnh. Nhìn rõ biết ngay con người đàng hoàng, tốt tính mới lựa lời nhờ vả

- Thưa , bác biết cảnh em rồi đấy, em có thế nào cũng không sao. Ngặt vì con vợ con đây bơ vơ cũng tội. Nếu em có mệnh hệ gì ( hức hức ) bác giúp đỡ chúng nó.

Bác ĐC nâng NBG dậy khảng khái nói

- Em yên tâm, các anh chị trong này tuy chỉ biết em qua blog, nhưng nếu cần gì nhất định sẽ giúp đỡ hết mình.

NBG nghe bác ĐC nói vậy, trong lòng cũng vơi bớt phần nào. Về đến khách sạn bảo vợ con

- Em ơi. ! Tình hình đang căng, hôm nay thứ bảy, mai là chủ nhật. Công an làm căng để dập biểu tình. Chỉ cần anh qua được đến trưa mai là trời yên biển lặng. Mấy hôm nay anh nghe tin bộ chính trị toàn họp đến 1 ,2 giờ đêm. Bàn mỗi cái việc cho hay không cho biểu tình tiếp tục. Rút cục là họ không cho. Bởi thế công an sẽ làm ráo riết, bắt càng nhiều càng tốt, cốt để suy sụp và tan rã tinh thần những người biểu tình. Xong rồi họ cũng thả hết, vì họ biết chẳng ai có tội gì với đất nước. Chẳng qua họ phòng ngừa biểu tình diễn biến xấu đi. Biết thế nhưng anh cứ phải né thôi, vì ra đồn rách việc lắm. Đêm nay em và con ngủ đây, anh tạm đi.

NBG xoa đầu con thơ, nói dối bố đi xuống đường mua thuốc lá. Dông thẳng một mạch ra chợ Bến Thành, thấy ông bơm vá xe đạp áo rách lỗ chỗ. Động lòng ngồi xuống bên cạnh hỏi han, kết thân rủ nhau đi kiếm quán cóc nào nhậu. Rồi cùng ông ta đi lang thang hết đêm đến 9 giờ sáng mới mò về khách sạn. Định đưa vợ con đi chơi, nghĩ thế nào lại ngứa nghề bảo tắc xi lượn qua Lãnh Sự Quán Trung Của. Thấy công an nhiều như lá rừng. Người đi biểu tình thì lác đác, tỉ lệ 10 chú công an thì 1 chú biểu tình. Chán quá đưa vợ con chuồn ra ngoại ô chơi . Đánh chén say sưa xong về khách sạn ngủ bù một giấc. Đến chiều dậy vợ đi có việc, dẫn con ra Thảo Cầm Viên chơi. Hai bố con lang thang mãi đến tối mới về khách sạn. Hôm sau cả nhà bay ra Đà Nẵng.

Về đến Ha Nội, Thổ Địa đến ngay, hỏi gia đình đi chơi Sài Gòn vui vẻ chứ . Gật đầu bảo vui lắm, sướng lắm, thoải mái đầu óc. Vợ con tắm biển Đà Nẵng thích quá không muốn về. Thổ Địa nghiêm giọng hỏi về vụ dây dưa với em Trang Hạ và cậu A Gù. Trình bày xong, Thổ Địa lừ mắt nói

- Ông liệu cái thân ông, đừng có mà giao du linh tinh bọn phản động nó lợi dụng là chết đấy. Hôm vừa rồi tận trên Cục, trên Sở người ta về tận đây tìm ông. Lần sau còn thế là ông đi luôn đấy.

Tưởng thế là xong, ai ngờ hôm sau lại bị gọi lên công đường nghe tri huyện mắng như tát lửa vào mặt.

- Mày quá quắt vừa thôi, đừng để người ta khiến trách chúng tao không quản lý người chặt. Mày thừa cơm rửng mỡ à. Có phải không thì để tao liệu cách.

Vâng , dạ lủi thủi về đến nhà chưa kịp ngồi mẹ và chị nói như hắt nước vào mặt

Rồi chị và mẹ lại van xin, than thở là con ơi, em ơi mày lớn đầu mà dại. Tự dưng đi lao vào ba cái trò nhố nhăng. Công an đến tìm mày làm hàng xóm chết khiếp. mày thương mẹ, thương chị thương vợ con mày thì đừng làm gì linh tinh. Khổ lắm.

Đi ra đường hàng xóm chung quanh nhìn NBG cứ như thằng tội phạm hay thằng hâm ở nhà thương điên Trâu Quỳ về.

Tóm lại hôm nay gặp thằng A Gù trao đổi rút ra kinh nghiệm công an dạy

- Không chơi với nó vì nó là phần tử....

Còn thằng A Gù cũng được công an bảo

- Không giao du với thằng NBG vì loại.....

Linh tinh...

Sau khi Trần Anh Tú hội trưởng sinh viên Việt Nam tại UK, người trả lời phỏng vấn BBC: đi biểu tình phản đối trung quốc xâm lược là làm xấu hình ảnh VN.


Nhà báo Xuân Bình đã trả lời bằng một bài thơ trên blog của anh.

Đại trượng phu đã không hay xé gan bẻ cật phò cương thường
Sao lại tiêu dao bốn bể luân lạc tha phương
Trời Nam nghìn dặm thẳm
Mây nước một màu sương
Công chưa thành danh chưa đạt
Trai trẻ bao năm mà đầu bạc
trăm năm thân thế bóng tà dương
vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi:
Trời đất ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Hồ trwngf! Hồ trường ! ta biết rót về đâu?
Rót về phương Đông?
Nước biển Đông chảy xiết sanh cuồng lan
Rót về phương Tây?
Mưa Tây Sơn từng trận chứa chan!
Rót về phương Bắc?
Ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát tuông
Rót về phương Nam?
Trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng!
Nào ai tỉnh nào ai say?
Chí ta ta biết, lòng ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây

Tiếp sau trên báo Sài Gòn Tiếp Thị ra ngày 3-1-2008, nhà báo Huy Đức nói về cuộc biểu tình.

Tưởng, trong cuộc sống hối hả hôm nay, ai cũng chỉ lo “vợ bịu, con ríu”, nào hay, hàng triệu trái tim Việt Nam đã cháy, sau những lời hống hách, gợi nhớ: đảo xa vẫn “nghênh ngang” hình bóng “cú diều”. Lòng yêu nước trong những ngày cuối năm: điệp khúc mà không hề sáo rỗng; dấy lên mà không lệ thuộc bất cứ một nghi thức bao cấp nào. Dân ta lại yêu nước nồng nàn, đúng như tiên liệu của Hồ Chí Minh, mỗi khi bàn đến vấn đề “đất đai của tổ quốc”.

Chỉ vì en try Một Tấc Bản Đồ, Vạn Tấc Quê Hương mà NBG cùng với nhiều bạn nữa bị lao đao, thì hôm nay trên mục Chào Buổi Sáng, trang nhất báo Thanh Niên có bài Trường Sa, Vạn Tấc Quê Hương mở đầu bằng câu thơ

Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương

Một tấc lòng vạn tấc nhớ thương.

Ô Hô, hoá ra mình không có tội gì cả, bạn bè mình cũng không có tội gì cả. Vậy có nhầm lẫn ở đâu không .


Chưa hết, vừa xong một ông em mang đến cuốn Du Lịch số đặc biệt Tết dương lịch lại chơi câu Một Tấc Bản Đồ, Vạn Tấc Quê Hương to đùng trên trang bìa. Với hình ảnh người lính đảo Việt Nam đang bồng súng giữ cột mốc Trường Sa.


Khổ nhất Trang Hạ sau vụ bắt bớ đấy. Tiền Phong không nhận hợp tác, VTV6 chấm dứt hợp đồng vì liên quan đến đề can Một Tấc Bản Đồ, Vạn Tấc Quê Hương. Oan uổng quá, oan uổng quá