Thứ Hai, 31 tháng 12, 2007

Gặp bạn bè




Tới trưa vào Sài Gòn, lúc này ngoài Hà Nội trời rất lạnh, thế mà đi hơn tiếng đồng hồ là đến vùng mặc áo cộc tay. Mở điện thoại lên đầu tiên là cô em báo

- Anh ơi ! Hôm nay em phát đề can và bán sách, tự dưng công an bắt về quận HK anh ạ

Phải an ủi cô em, thôi em bình tĩnh. Mình chẳng có tội gì, chắc họ làm thế để ngăn chặn ngày mai không diễn ra gì thôi. Nói thế nhưng vẫn lo lắm, em gái mình chỉ viết lách, nào có ra công an bao giờ đâu. Chắc lo lắm, mình gọi điện luôn mấy người ngoài đó qua đấy xem em thế nào. Gọi tắc xi về khách sạn, vừa cất đồ vào phòng thì mấy bạn bè gọi điện tơi tới. Chẳng kịp ăn uống gì bạn đến kéo đi luôn. Cậu bên trái là Khánh người SG kỹ sư xây dựng. Đợt ra Hà Nội vì công việc biết nhau, sau thành thân thiết như anh em. Mặc dù vụ làm ăn ấy chẳng lờ lãi tí nào, đổi lại có thằng em thân thiết. Cô gái ngồi cạnh đang nhìn mình cười cợt, trêu ngươi ông anh lâu ngày không gặp mà mặt ông anh cứ đăm đăm. Nào cô có biết đâu ông anh lòng dạ còn để hết ngoài Hà Nội , trong công an HK nơi cô em Th và chú em T đang ngồi đó từ sáng chẳng biết đã cơm cháo gì chưa?. Cô em làm một tờ báo, hồi xưa mới làm biên tập báo thiếu bài, nhờ mình viết cho một loạt bài, thượng vàng đến hạ cám. Từ thú ngao du sơn thuỷ đến sưu tầm sách quay sang bóng đá cá độ. Bên canh cô là anh chàng nghe điện thoại là kỹ sư tin học cùng toà báo với cô. Hình như anh ấy có vẻ mê cô em Bắc Kỳ nho nhỏ của mình lắm. Anh ấy săn sóc cô em mình nhiệt tình chu đáo phết.

Còn thằng chụp ảnh là một ông em, làm thơ hay, chụp ảnh đẹp tính cũng hào sảng. Trai Hà Nội hào hoa, phong nhã lịch thiệp. Lần nào gặp nhau ở quán nó cũng trả tiền, ngại thế chứ. Anh em mới gặp nhau đôi lần nhưng đã quý nhau như bạn tâm giao. Đang có việc đi Thủ Đức lại gác lại để hàn huyên với anh. Phải nói lúc mình không lo nghĩ gì, ba hoa cũng được nhiều chuyện ,đâm bạn bè thích tụ tập. Mẹ kiếp, nhưng hôm ấy là thứ bảy, thân trong này nhưng hồn để ngoài kia. Người cứ ngơ ngẩn ngồi ỳ chả biết nói chuyện gì với các em. Khổ thân chúng nó, tưởng gặp anh ngoài Bắc vào có khối chuyện. Nào ngờ anh ỉu xìu. Anh pos cái en try này xin lỗi các em vì thái độ thiếu tập trung hôm đó. Đê lần khác thanh thản anh đi một mình vào đó tụ tập nói phét với các cô chú vậy nhé.

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2007

..




Thằng bé này con nhà ai, giữa sân bay quốc tế Nội Bài mà dám đẩy hành lý dán đề can Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2007

Chào em cô gái...

Thế là em quyết định ra đi. Không phải Hà Nội bạc bẽo với em. Mà lòng người đã bạc .

Ngày 23-12 , ngày mà những người tâm huyết với đất nước tuần hành để thể hiện một tinh thần bất diệt. Một tinh thần anh dũng của dân tộc đã truyền nhau mấy nghìn năm lịch sử. Một tinh thần tưởng như đã bị mất bởi một bộ máy tuyên truyền khổng lồ. Cái bộ máy tuyên truyền hướng con người đến thụ động, an phận và cuối cùng là thành bầy cừu ngoan ngoãn.

Đáng ra anh phải khuyên em đừng đi, đừng tham gia, đừng thể hiện lòng yêu nước vào ngày ấy. Vì em có quá nhiều cái để mất. Bao nhiêu năm gian khó em mới tạo cho mình một chỗ đứng. Giờ sạch trơn, người ta phủi tất cả những gì em đã đổ mồ hôi, nước mắt tạo dựng lên.

Anh không ngờ họ đánh đồng cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc ấy là nguy cơ gây mất quyền lực của họ. Bởi vậy họ đã dùng mọi thủ đoạn để trừng trị những người tham gia, nhất là những người có danh tiếng. Họ không hề nghĩ đến Hoàng Sa- Trường Sa đâu em. Họ chỉ nghĩ làm sao họ và con cháu họ đời đời ngự trị trên đỉnh cao quyền lực ở đất nước này thôi.Chúng ta phải nhìn nhận rằng, kẻ thù cướp mất đất đai ta không phải là bọn giặc Tàu thâm hiểm. Mà còn bọn anh em thân thiết với chúng nữa.

Mong cho em được nhiều may mắn.

Dẫu thế nào, dù ở đâu, chúng ta không làm những con cừu em nhé

Việt Nam sẽ có thêm 3 cơ quan quản lý báo chí




Báo chí tại Việt Nam do Đảng Cộng Sản độc quyền quản lý.


HÀ NỘI – Trong một bài trả lời phỏng vấn của VNExpress hôm 25 tháng 12, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Việt Nam, ông Lê Doãn Hợp cho biếtsẽ thành lập thêm 3 cơ quan quản lý báo chí tại Việt Nam.

Ba cơ quan mới này sẽ là “Cục Thông tin đối ngoại”, “Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử” và “Cục An toàn thông tin”.

Hiện nay Bộ Thông tin Truyền thông (tách ra từ Bộ Văn Hóa Thông Tin) đang có một cơ quan quản lý báo chí là Cục Báo Chí. Cơ quan này hiện quản lý 702 cơ quan báo chí với hơn 15,000 người được cấp thẻ nhà báo.

Mục đích thành lập các cơ quan mới này được VNExpress trích lời ông Lê Doãn Hợp là để: 'Báo chí sẽ có hành lang phát triển tốt hơn, đúng hướng hơn. Những tờ báo tốt sẽ được tôn vinh và những tờ báo còn hạn chế sẽ được chấn chỉnh'.

Theo lời ông Hợp: “Cục Thông tin đối ngoại ra đời sẽ có trách nhiệm đưa thông tin trong nước đến đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử sẽ quản lý và chỉ đạo toàn bộ mảng phát thanh, truyền hình và thông tin trên mạng. Cục An toàn thông tin để đảm bảo mọi thông tin đưa ra chính xác, có cơ chế để xử lý những người đưa tin sai lệch. Bộ cũng sẽ nâng cấp, kiện toàn Cục Báo chí hiện nay để làm tốt chức năng quản lý báo viết”.

Bốn cơ quan quản lý này, dự kiến hoạt động đầu năm 2008, nếu làm tròn chức trách, nhiệm vụ thì báo chí sẽ có hành lang phát triển tốt hơn, đúng hướng hơn, tôn vinh những tờ báo tốt, góp ý chấn chỉnh những tờ báo còn hạn chế.

Tưởng cũng nên nhắc lại, ông Lê Doãn Hợp khi mới nhậm chức Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Việt Nam vào năm nay đã có câu nói “để đời” về tự do báo chí tại Việt Nam: “Báo chí sẽ có tự do nếu đi đúng lề đường bên phải”. “Lề đường bên phải” ở đây là làm đúng theo mệnh lệnh và sự chỉ huy của Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Trong vài năm trở lại đây, báo chí tại Việt Nam đã có những phát triển mạnh mẽ và có nhiều tờ báo đã có những biểu hiện “vượt rào” như ông Lê Doãn Hợp thừa nhận: “Về mặt quản lý, thời gian qua, các cơ quan nhà nước đang 'đuổi theo' sự phát triển mạnh mẽ của báo chí”.

Và việc ra đời các cơ quan này nhằm siết báo chí hơn nữa như lời ông Hợp: “Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của Bộ Thông tin Truyền thông, chúng tôi sẽ lập thêm một số đơn vị chuyên môn, thông qua đó quản lý báo chí sâu hơn và chuyên nghiệp hơn”.

Báo chí tại Việt Nam hiện nay vẫn do Đảng Cộng Sản Việt Nam nắm trọn quyền kiểm duyệt. Tuy nhiên, nhiều nhà báo tại Việt Nam đã kêu gọi nhà cầm quyền nên xóa bỏ việc kiểm duyệt. Trong một bài phát biểu hôm 25 tháng 12 tại “Hội nghị toàn quốc tổng kết tám năm thi hành Luật báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí” ở Hà Nội, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ
Ông Lê Hoàng đã kêu gọi “xin đừng kiểm duyệt”.

“Qui định về bảo đảm quyền tự do của báo chí, Luật báo chí nêu rõ báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng nhưng trên thực tế có những trường hợp phóng sự truyền hình nhiều kỳ, bài viết nhiều kỳ... vẫn bị yêu cầu dừng lại. Việc dừng ngang các loạt bài đó vì lý do nào đó thường gây cảm nghĩ rất xấu trong công chúng về tự do ngôn luận.”

Chính vì chịu sự kiểm duyệt của Đảng, trong tháng 12 vừa qua, hơn 700 cơ quan truyền thông của Việt Nam đã bị “bịt miệng” trước hai cuộc biểu tình của các sinh viên và trí thức trong nước trong hai ngày 9 và 16 tháng 12 phản đối Trung Quốc chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tất cả báo chí trong nước đành bất lực đứng nhìn khi những bài viết hình ảnh biểu tình được các Blogger đưa lên Internet và sau đó tràn ngập báo chí hải ngoại.



Nguồn Nguoi-viet.com

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2007

Tại sao nhà nước cấm biểu tình Hoàng Sa Trường Sa...




Bảng “Ghi Nhận Công Ðức” tại chùa ở Gò Công, ghi công Phật tử đóng góp cho chùa “theo tinh thần tự lực cánh sinh của Ðảng và Giáo Hội đã chỉ đạo.” (Hình: Vũ Quí Hạo Nhiên)

Tại sao nhà nước cấm biểu tình Hoàng Sa Trường Sa?: Không phải vì sợ kích động hay vì sợ Trung Quốc

Vũ Quí Hạo Nhiên

Trước cảnh nhà nước Việt Nam ngăn chặn và cấm đoán, thậm chí bằng bạo lực, không cho người dân tuần hành biểu lộ lòng yêu nước và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, người dân đã có nhiều phản ứng - từ ngạc nhiên, hoang mang, tới tức giận, chống đối. Và tất nhiên là có phản ứng đồng ý, chấp thuận, cho việc làm của nhà nước là đúng.

Nhưng trong tất cả các phản ứng đó, không ai đặt câu hỏi - là “tại sao?”

Tại sao nhà nước lại phải phản ứng như vậy? (Tôi dùng chữ “nhà nước” để nói chung cho giới cầm quyền, gồm cả Trung Ương Ðảng và các cơ quan đầu não như thế) Lý do gì? Ðộng cơ nào?

Phía nhà nước thì nói là để tránh phần tử xấu kích động. Phía biểu tình thì mỉa mai là vì sợ ông “anh cả” Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu xét cho kỹ, cả hay lý do đều không hợp lý. Thật ra, nhà nước hành động như vậy vì một lý do căn bản hơn nhiều.

Ngoài mặt, lý do nhà nước đưa ra là để tránh cho thanh niên không bị các phần tử xấu kích động. “Phần tử xấu” này có lúc chỉ nói chung chung, lại có lúc nói cụ thể là nhóm này nhóm kia, trong đó có: “hải ngoại kích động,” Việt Tân, Khối 8406, Nguyễn Tiến Trung, Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ, diễn đàn X-cafe, và thậm chí “một số trang blog trên Yahoo 360.”

Nhưng đó chỉ là cái cớ. Trên thực tế thì tất cả những nhóm trên đều bị vô hiệu hóa ngay từ đầu. Hai Luật Sư Nguyễn Văn Ðài và Lê Thị Công Nhân đã nằm tù. Nguyễn Tiến Trung bị quan chức địa phương, gồm cả ủy ban, Ðảng ủy, công an, đến nhà từ tối hôm trước áp lực không được đi biểu tình. Luật Sư Lê Quốc Quân bị quản thúc, còn em luật sư đi tham gia biểu tình thì sau đó bị bắt.

Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn ở Hà Nội mang bảng “Ðừng coi thường người Việt Nam” tham gia biểu tình thì bị một nhóm thanh niên (theo lời kể của một người trong nhóm này) “đè ra, giật biểu ngữ và đẩy ra một xó... chửi... hấp diêm tàn bạo. Mấy chú thường phục đi gần em đã chụp ảnh và cười tủm tỉm rồi ạ!” Sau này, họ giải thích rằng tuy họ dùng những chữ như “đè” và “hấp diêm” thực ra họ chỉ nói chuyện ôn hòa. Nhưng dù nhóm thanh niên này đã làm hay không làm gì đi nữa, kết quả vẫn là Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn không được tham gia biểu tình, bảng hiệu bị giật xé, và “mấy chú thường phục” đã an tâm và hài lòng.

Còn “một số trang blog trên Yahoo 360” thì ai cũng biết, và chắc hẳn nhà nước cũng biết, chả có chút thực lực nào. Ngay cả “hải ngoại kích động” thì nhà nước cũng biết là không đi đến đâu. Như một cuộc thăm dò trên Người Việt Online cho thấy, 42% người trả lời không chấp nhận việc hành động chung giữa cờ vàng hải ngoại và những lá cờ đỏ của thanh niên biểu tình trong tầm ngắm của lực lượng công quyền vũ trang đến tận răng.

Nói cách khác, nhà nước thực sự không sợ gì có sự kích động. Các nhà dân chủ thì nhà nước đã tóm nó rồi. Còn lại ai trong lúc biểu tình thấy có vẻ biểu hiện tính năng động, được thanh niên nể nang (như nhạc sĩ Tuấn Khanh, chị Hồ Lan Hương), nhà nước cũng cho an ninh tới quản thúc tại nhà luôn.

Vậy việc gì mà phải cấm? Không sợ kích động thì sợ ai?

Có người mỉa mai cho rằng nhà nước cấm vì Anh Cả bảo thế; vì phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Tần Cương sau kỳ biểu tình đầu tiên ngày 9 đã đòi hỏi phía Việt Nam “có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn” vụ biểu tình.

Cũng không hẳn. Cuộc biểu tình từng bị cản ngăn từ trước khi Trung Quốc nói lời nào. Từ trước cuộc biểu tình ngày 9, đã có tin nhắn qua Internet kêu gọi đừng đi biểu tình. Công văn một trường đại học tại Hà Nội, ký ngày 7 tháng 12, yêu cầu “Cán bộ, sinh viên, học viên cao học trong trường thực hiện đúng chủ trương của Ðảng và nhà nước đối với sự kiện này để tránh bị kích động, lôi kéo thực hiện những hành động đi ngược chủ trương trên”.

Hơn nữa, nếu ngăn chặn chỉ vì muốn lấy lòng Trung Quốc, muốn “bày hàng” hay “xoa dịu” hay “kiếm điểm” với người láng giềng khổng lồ, thì nhà nước đã không cấm đoán một số hành vi mà Trung Quốc không biết đến (tức là không trách gì được).

Nhà văn Trang Hạ đã bị bắt chỉ vì dán đề can “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam”. Ðây là lời lập lại gần như nguyên văn lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam - nếu ngại Trung Quốc, Lê Dũng đã không nói thế.

Ông Lê Dũng nói (Trung Quốc nghe) thì được, mà nhà văn Trang Hạ nói (chưa chắc Trung Quốc đã nghe) thì lại không được. Câu trả lời “vì sợ Trung Quốc” không giải thích được vụ này.

Những hành vi như đưa các bác lão thành cách mạng tới thuyết phục nhạc sĩ Tô Hải đừng đụng đến Hoàng Sa Trường Sa nữa, là gây phản cảm một cách không cần thiết - nếu mục đích chỉ là làm vừa lòng Trung Quốc.

Vậy bảo nhà nước cấm vì sợ Trung Quốc là một câu trả lời ngây thơ nhưng không chính xác. Nói như vậy chỉ làm tăng oai quyền (không có thật) của Tần Cương, chứ không giải thích được hành vi ngăn chặn biểu tình.

Câu trả lời

Nếu cả hai lý do đều không thích hợp, điều nào giải thích cho hiện tượng nhà nước buộc nhà văn Trang Hạ phải “ngồi đợi giấy mời yêu nước” - cho rằng chị Hồ Lan Hương “yêu nước là có tội” - khiến nhạc sĩ Tô Hải bất bình “Tại sao lại bắt người yêu nước”? Nếu không phải vì sợ kích động hay sợ Anh Cả Trung Quốc, thì tại sao?

Tôi cho rằng câu trả lời nằm ở một sự thật sâu đậm hơn, nằm ở ngay bản chất của chế độ cộng sản.

Ta hay nói chế độ cộng sản là một chế độ độc tài, nhưng điều đó chỉ đúng một nửa. Chế độ kiểu cộng sản của Stalin, Mao, Hồ Chí Minh, khác với chế độ độc tài kiểu Franco, Pinochet, Tưởng Giới Thạch, hay Myanmar-Miến Ðiện hiện nay.

Chế độ độc tài kiểu cộng sản, phát sinh trong thế kỷ 20, khác các chế độ độc tài phát sinh từ thế kỷ 19. Nếu các nhà khoa học chính trị dùng chữ “authoritarianism” để miêu tả chế độ độc tài kiểu cổ điển, thì tên gọi cho chế độ độc tài kiểu cộng sản, là chế độ toàn trị - “totalitarianism.”

Tên gọi này chỉ mới sinh ra sau thế chiến thứ nhì, và tác phẩm kinh điển phân tích một chế độ toàn trị là cuốn “Totalitarian Dictatorship and Autocracy” của hai tác giả Carl J. Friedrich và Zbigniew Brzezinski. Tiến Sĩ Brzezinski sau này là cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng Thống Carter.

Một chế độ toàn trị là một chế độ trong đó nhà cầm quyền nắm toàn bộ các sinh hoạt của người dân, kể cả những sinh hoạt không liên quan gì tới chính trị hay quyền lực. Dùng một lý thuyết kinh tế chính trị xã hội bao quát, chế độ toàn trị phá hủy cả hệ thống xã hội dân sự cũ và thay vào đó một xã hội mới phục vụ cho việc nắm quyền của nhà nước.

Ðộc tài kiểu Tưởng Giới Thạch hay Pinochet không phải toàn trị. Vị thống chế Ðài Loan và tướng bốn sao Chile chưa bao giờ áp đặt một lý thuyết nào đó lên xã hội dân sự, lên các tôn giáo, các mối quan hệ làng xã, gia đình. Khác với Trung Quốc và Việt Nam, giáo hội Phật Giáo tại Myanmar có thể đang bị đàn áp, nhưng hàng giáo quyền Phật Giáo Myanmar chưa hề phải phục tùng mệnh lệnh của nhà cầm quyền.

Chế độ cộng sản, theo mô hình Stalin và được áp dụng ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam (tất nhiên là có khác chút đỉnh) không giống các chế độ độc tài kiểu quân phiệt. Chế độ cộng sản có một lý thuyết Mác-Lênin bao trùm hết tất cả các sinh hoạt kinh tế, chính trị, xã hội, và cả tư duy, tinh thần của người dân.

Với lý thuyết này trong tay, chế độ cộng sản kéo sập toàn bộ xã hội dân sự cũ và dựng lại một xã hội mới thích hợp với sự cai trị của mình. Cả một “con người mới xã hội chủ nghĩa” được dựng nên dựa trên mô hình Thép Ðã Tôi Thế Ðấy và các phiên bản Việt Nam như Mùa Lạc của Nguyễn Khải, Bão Biển của Chu Văn, hay bài thơ Tiếng Hát Con Tàu của Chế Lan Viên.

Nếu ai thấy tình trạng con đấu tố bố, vợ đấu tố chồng, cháu đấu tố ông bà trong Cải Cách Ruộng Ðất là tệ hại, người đó chưa biết đến một Pavel Morozov đã được tuyên dương làm gương cho thiếu niên Liên Xô vì tố cáo cha mẹ cho công an của Stalin.

Không phải tình cờ hay ngẫu nhiên mà giềng mối gia đình bị xé nát từ Nga tới Tàu tới Việt. Không, giềng mối này bắt buộc phải bị xé bị cắt, để thay vào đó những mối liên hệ mới giữa người với người theo kiểu xã hội chủ nghĩa.

Tất cả những gì trong xã hội mà có thể có ảnh hưởng, hay chỉ có uy tín, với người dân, đều bị nhà cầm quyền dẹp bỏ và thay vào đó là “của mình.” Báo chí tư nhân bị cấm (điều đã không xảy ra trong thời mang tiếng là “gia đình trị” của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, hay cả tại Myanmar hiện nay); Nhân Văn-Giai Phẩm là những tờ báo độc lập cuối cùng của Việt Nam Cộng Sản.

Tôn giáo cũng bị khống chế. Stalin áp đặt một giáo hội Chính Thống Nga trực thuộc nhà nước. Phật Giáo và Công Giáo tại Trung Quốc là của đảng Cộng Sản. Phật Giáo tại Việt Nam bị gom và một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và ai không vào thì bị xem là phạm pháp.

Ở Hà Tây, tôi thấy trong tủ kính một người họ hàng mấy tờ “Ghi nhận công đức” do một số chùa cấp, có chùa ngoài Bắc, có chùa trong Nam. Tờ “Ghi nhận công đức” có dòng chữ: “Ðã có đóng góp phát tâm vào ngôi Tam Bảo. Mua hương giúp Chùa (tên chùa) theo tinh thần tự lực cánh sinh của Ðảng và Giáo Hội đã chỉ đạo.” Xin nhắc lại: “theo tinh thần tự lực cánh sinh của Ðảng và Giáo Hội đã chỉ đạo”!

Trong bối cảnh khác, một câu như vậy chỉ là chuyện lạ, chuyện ngộ ngộ, buồn cười. Nhưng trong bối cảnh một nhà nước toàn trị, đó là chuyện đương nhiên, chuyện tất nhiên, chuyện dễ dàng đoán trước.

Những thí dụ này cho thấy, chuyện “yêu nước cũng phải xin phép” - “yêu nước cũng phải chỉ đạo” - “yêu nước cũng phải theo lề phải” - là chuyện đương nhiên trong một chế độ toàn trị.

Lề bên phải bảo vệ cả chế độ

Chế độ toàn trị sinh ra là để khắc phục khó khăn của chế độ độc tài kiểu cổ. Trong chế độ độc tài kiểu cổ, cứ hở ra cái gì, là cái đó thành nguy cơ cách mạng. Nền cộng hòa của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, tuy mang tiếng độc tài, nhưng ông Diệm không hề có ý định áp đặt sự cai trị của ông lên giáo hội Phật Giáo. Rốt cuộc, sự bất mãn của Phật Giáo là mồi châm cho cuộc đảo chánh 1963.

Chế độ toàn trị muốn lấp hết các lỗ hổng đó. Nếu không hở ra cái gì cả, thì sẽ không sợ bị ai lật đổ cả.

Nhưng lịch sử đã chứng minh chế độ toàn trị không thể bịt được hết các lỗ. Mà càng toàn trị thì sinh hoạt kinh tế - vốn không tuân theo nhà nước nào mà chỉ tuân theo cung-cầu vốn nay khác mai khác - lại càng yếu kém.

Sự thất bại của kinh tế khiến Liên Xô không thể duy trì cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ; cuộc thí nghiệm hỏng bét của Bước Tiến Nhảy Vọt tại Trung Quốc; và sức ép phải “đổi mới” kinh tế tại Việt Nam. Tất cả những chuyện đó không phải trùng hợp tình cờ, mà là bắt buộc kinh tế không thể phát triển nổi trong một chế độ toàn trị.

Sau đổi mới, Việt Nam biến thành một chế độ toàn trị nửa vời: Toàn trị hết tất cả các thư,Ô trừ kinh tế. Vì phải đổi mới kinh tế thôi. Không đổi mới là mất chế độ.

Nhưng rồi Việt Nam đã không thể tách rời hoàn toàn kinh tế (đổi mới) với các thứ khác (không đổi mới). Chế độ tự do trong kinh tế đã đem đến thông tin mới, khái niệm mới, tư duy mới cho người dân. Cả trong chính trị và tư tưởng, Việt Nam đã phải thay đổi (nhiều hay ít thì tùy người quan sát).

Trong hơn 40 năm, bộ máy tuyên truyền và giáo dục của Việt Nam lập đi lập lại khẩu hiệu “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội.” Khẩu hiệu này giờ đây đã hiếm thấy. Ðó là một tiến bộ.

Nhưng trong tiềm thức, nhà nước Việt Nam vẫn cần phải giữ lại khái niệm “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội.” Vì nếu không, thì hở ra cái yêu nước là cái yêu nước sẽ trở thành nguy cơ cách mạng.

Chính vì vậy, nếu nước ngoài hay cộng đồng hải ngoại chỉ trích gì chính quyền trong nước, là báo chí nhất loạt gọi đó là “bêu xấu Việt Nam.” Biết không thể công khai đòi hỏi “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” được, bộ máy tuyên truyền chuyển qua mệnh đề tương đương về logic và do đó cũng sai không kém: “Chống chủ nghĩa xã hội là chống tổ quốc.”

Chính nhu cầu toàn trị trong tất cả mọi thứ trừ kinh tế, dẫn đến việc bủa vây và ngăn chặn người biểu tình chống Trung Quốc. Câu nói bâng quơ của người công an bắt giữ nhà văn Trang Hạ, thoạt nghe thì có thể vớ vẩn, nhưng thực ra là rất chính xác. Viên công an đó muốn bắt Trang Hạ không được tham gia biểu tình, và bảo thế này:

“Nói chung là không tham gia vào tất cả những cái gì liên quan đến Trường Sa Hoàng Sa. Bao giờ chính phủ tổ chức và mời chị thì chị mới được đi biểu tình.”

Câu nói này cực kỳ chính xác: Yêu nước mà không yêu chế độ, là một lỗ hổng không thể chấp nhận được. Yêu nước cũng phải xin phép, cũng phải chỉ đạo, cũng phải theo lề bên phải, vì nếu không thì cả chế độ sẽ lâm nguy.

Cho nên, rốt cuộc, cái thâm của Tần Cương là ở chỗ đó. Khi đòi hỏi Việt Nam phải “có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn” vụ biểu tình, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã làm một hành vi mà nếu nói kiểu dân dã là rất điếm.

Như trò chơi trẻ con vậy. Ðứa bé đến trạm xe buýt gần nhà thì xuống, bạn bè liền đùa, “Tao ra lệnh cho mày phải xuống xe buýt.” Hay một cầu thủ đá banh rất giỏi, khi sút vào gôn thì khán giả giỡn, “Tao ra lệnh cho mày phải sút vào gôn.” Hay học trò bị cô giáo gọi lên trả bài, bạn bè giễu, “Tao ra lệnh cho mày phải trả lời cô giáo.” Tất nhiên, nếu đứa bạn có sẵn bè phái hoặc to lớn mạnh khỏe, sẽ không sợ đứa học trò tới giờ ra chơi đánh cho dập mũi.

Tần Cương cũng vậy, thừa biết là nhà nước Việt Nam sẽ phải dẹp các cuộc biểu tình, không phải vì Tần Cương bảo vậy, nhưng là vì sự sống còn của chính nhà nước Việt Nam. Ðục nước thả câu, và lợi dụng sức mạnh của đảng Cộng Sản Trung Quốc, Tần Cương phát ngôn những câu thật xấc xược, để làm le với thế giới, và nhất là với Mỹ, rằng Trung Quốc nắm cái thóp của nhà cầm quyền Việt Nam và có thể bóp bất cứ lúc nào.

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2007

Biết nói gì đây

Biết nói gì đây


Sáng tác: Huỳnh Anh

Trình bày: Hương Lan



Biết nói gì đây,
Khi hai đường đời ngăn chia mình rồi.
Bao nhiêu thương nhớ,
Bao nhiêu đợi chờ chưa hoen lối đi.
Đêm đêm anh nhắn gió
Gởi mây về cho em.
Trao cho em tiếng hát
Mình yêu nhau ngày ấy.
Nhưng nay xa nhau rồi,
Mà một hình bóng chưa nhòa trong nhớ.

Tháng chết về năm,
Sao thương còn hoài, thương mãi một người.
Bao nhiêu câu nói
Thương nhau trọn đời chưa phai tháng năm.
Nhưng đêm nay tiếng hát
Biết trao về nơi đâu.
Đêm đêm qua ngõ vắng
Đường khuya anh một bóng.
Dư âm chưa phai nhoà
Một người một lối đi sầu riêng tôi.

Hôm nao mình dìu nhau
Phố cũ hoa bay nhiều.
Tay cầm tay chung bước ,
Nói ngàn câu mến thương.
Nhưng hôm nay mình gặp đây.
Phố cũ hoa phai màu.
Mắt nhìn nhau không nói.
Ngỡ ngàng như mới quen.

Hãy nói một câu
Cho vơi cạn sầu quên đi một đời.
Duyên ta không thấm
Cung thương lỡ làng, anh không trách em.
Đêm đêm anh vẫn hát
Nếu ta đừng quen nhau.
Đêm nao em đã nói,
Mình yêu nhau rồi đó.
Nhưng nay ta xa rồi,
Đường đời còn thấy đâu ngày vui xưa.


Trời mưa phùn chẳng muốn đi đâu, tự dưng nghe bài này, trời thì âm u. Pha ấm trè , châm thuốc rồi nghe nhạc. Trong đầu cứ loáng thoáng tin

Trung Quốc đưa thêm quân tới Hoàng Sa, gồm 100 lính gọi là các chiến sĩ tiền tiêu. Dư luận Trung Quốc chê trách bộ Ngoại Giao Trung Quốc trong việc dự đoán và ứng xử châm chạp về các vụ biểu tình phản đối ở Việt Nam, đồng thời khen ngợi hải quân Trung Quốc đã có biện pháp thiết thực để khẳng định cái gọi là Tam Sa này.

Trong nước Việt Nam. Trường Sa và Hoàng Sa là tên huý. Y hệt như những tến huý ngày xưa, kẻ biết chữ cố mà tránh cấm nhắc tới

Thân phận con kiến, càng đi tìm hiểu càng thấy mình nhỏ nhoi. Một cái di chân là toi đời con kiến.

Sáng nay đọc một mạch xong tiểu thuyết La condottiera . Bật miệng chửi thề

- Đm đúng là thân phận con kiến

ừ thôi em về...




Ừ thôi em về
Chiều mưa giông tới..

Thế là mình bỏ cuộc, từ giờ không Hoàng Sa- Trường Sa nữa. Tạm thời nghỉ nốt không làm ăn gì. Đợt này về Hà Nội chỉ đọc sách và chăm con.

Mấy người bạn bè bây giờ ngại không dám gặp mình nữa. Khổ thân họ, họ sợ mình làm liên luỵ.

Nghĩ lại thì mình đã làm cái gì mà đáng sợ thế nhỉ? Bao nhiêu người nói đến vấn đề HS-TS đâu riêng gì mình.

Nhìn cái ảnh cổng chùa cũ kỹ đang mai một theo thời gian... thấy yêu và thương quê hương mình quá. Chẳng lẽ lại chia tay nốt với cả tình yêu quê hương, đất nước?


Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

Con ong, thằng bé và cơn mưa

Con ong lượn mấy hôm trong nhà. Tí Hớn bị bà doạ mắt thấp thỏm lo sợ, bà giúp việc trông Tí Hớn chỉ ong nói

- Ong đốt đấy, đốt đấy sợ lắm

Tí Hớn dõi mắt theo con ong đang bay, mặt bợt ra vì sợ. Mỗi lần ong lượn sát xuống gần là Tí Hớn nháo nhào tìm chỗ nấp, Tí Hớn nhảy bổ vào lòng bà rồi nhao ra sau lưng bố, miệng lắp bắp

-ong đấy, sợ lắm, đốt đấy, sợ lắm.

Ong lượn mấy hôm thì tìm dược chỗ ưng ý làm tổ, nó làm ngay mép cửa sổ. Nơi Tí Hớn hay đứng dòm xuống đường. Thì ra dó là một con ong mẹ đang làm tổ để đẻ.Ong rất chăm và nhanh. mấy hôm đã được cái tổ xinh xinh bằng ngón tay cái bố. Cái tổ có 12 ngăn, trong mỗi ngăn có mẩu trắng bằng đầu que tăm, không biết có phải là trứng không. Hàng ngày buổi sớm ong bay đi, đến chiều lại bay về. Nhưng ong không bay đi cả buổi mất hút, mà nó bay đi một chốc lại tha cái gì về loay hoay bên tổ.

Tí Hớn nhìn ong có vẻ khiếp, nhưng mấy hôm không thấy ong làm gì mình. Tí Hớn mon men đến gần ngước mắt nhìn ong quát

- Ong, ong

Con ong giật mình thì phải, nó rời cái tổ bay một vòng. Tí Hớn ba chân, bốn cẳng bổ nhào tìm chỗ nấp, miệng la

- Ong cắn, ong cắn rồi

Ong chưa cắn Tí Hớn, ong chỉ lượn ba vòng rồi lại đậu trên miệng tổ xoay người vòng tròn. Mẹ Tí Hớn bảo bố Tí Hớn

- Mình dứt cái tổ ong đi, có ngày nó đốt con đấy

Bà giúp việc đế thêm vào

- Bà dứt mấy lần rồi nó vẫn làm đấy, lúc nó mới làm ý.

Bố Tí Hớn ậm ừ rồi lặng thinh. Mẹ Tí Hớn thấy mấy hôm cái tổ ong còn nguyên gắt. Bố Tí Hớn nói

- Ong nó đang nuôi con, dứt đi tội lắm

- Để nó đốt con mình thì sao anh?

Bố Tí Hớn chẳng nói gì, ôm Tí Hớn vào lòng nói với con

- Ong đấy, ong mẹ đang nuôi ong bé đấy Tí Hớn ạ.

Trời mưa, sấm sét ầm ĩ, bố Tí Hớn không thấy ong mẹ về. Bố mở toang cửa sổ nói với mọi người cho mát, bố nói thích hơi nước mưa phả vào nhà. Mọi người nghĩ bố lẩn thẩn. Bố ôm Tí Hớn ngồi trông mép cửa sổ. Mưa càng ngày càng ào ạt như thác đổ, sấm nổ rền khiến Tí Hơn rúc đầu vào ngực bố khép nép. Lát sau Tí Hớn ngủ ngon lành trong lòng bố.

Bố Tí Hớn ngồi ôm con trong lòng, ngóng cửa sổ đợi ong mẹ về.Cơn mưa đã tạnh từ lâu. Bố gượng nhẹ tìm thế đứng dậy tay vẫn ôm con. Bố bế Tí Hớn sang phòng ngủ rồ quay lại,pha chè, châm thuốc hút. Ánh lửa lập loè soi thấp thoáng khuôn mặt đầy lo âu, trắc ẩn. Bố nhìn đăm đăm về mép cửa sổ, nhìn vào cái tổ ong có những con ong non như con sâu đang nằm thiêm thiếp ngủ. Nếu ong mẹ không về thì chúng ra sao, nghĩ đến đó bố Tí Hớn rùng mình

.. bố Tí Hớn không phải là người lẩn thẩn mà tại vì bố đang nghĩ đến những cuộc đi, những con người đi mãi không về. Những con người có con nhỏ, có mẹ già, có vợ dại hay cả những con người chưa có gia đình, chưa một lần yêu. Bố thấy trong đêm mưa này, ngoài cửa sổ đằng kia là những ngọn đồi đất , trên ngọn đồi đó có những nấm mộ của những người sinh ra lớn lên dưới xuôi, họ lớn lên vào đời. Và giông tố cuộc đời đưa họ rời quê hương. Họ rời quê hương một cách mà chính họ cũng thấy bất ngờ, có thể là vào một đêm đang ngon giấc cạnh vợ con. Có thể là buổi chiều đang lê la ngồi hàng nước, hay đang nằm đọc cuốn sách Chiếc Lá Cuối Cùng trên chiếc phản cánh lim đen bóng. Thế rồi những chiếc xe bít bùng có lính lăm lăm súng chở họ về đây. Để họ sống một cuộc đời cực khổ, tranh giành , đâm chém nhau vì một miếng thịt bằng hai ngón tay một chỗ nằm gần cửa sổ, ốm đau, bệnh tật. Đủ thứ có ở đây đang dồn lại đưa con người ấy ra đi vĩnh viến khỏi thế gian. Xác họ vùi trên đồi cằn trong chiếc quan tài bẵng thứ gỗ tồi tệ, chẳng được bào cho nhẵn nhụi, cong vênh. Những ngọn đồi mãi nhấp nhô như nuớc mắt bà mẹ khóc con chảy trên đôi gò má nhăn nheo.

Sáng sau ong vẫn chưa về, bố tần ngần đứng nhìn tổ ong, Tí Hớn đã dậy đến bên bố. Nhìn theo bố một lúc, Tí Hớn hỏi bố

- Bố Bố, ong đâu ?

Bố Tí Hớn đặt tay lên đầu con xoa nhẹ, bố nói với Tí Hớn mà như nói với mình

- Ong chưa về con ạ, ong mẹ không về thì ong con sẽ bị đói đấy, không được ti mẹ, ong con đói

Tí Hớn làm bộ khóc nhè, trễ miệng kêu

- Ong con đói, ong con khóc è è

Đến chiều tối ong mẹ không về, bố Tí Hớn đã biết điều gì xảy ra. Cơn bão hôm qua đã giết chết ong mẹ. Chỉ có cái chết mới khiến ong mẹ không về được tổ với ong con. Bố Tí Hớn thôi không nhìn tổ ong nữa, bố ôm Tí Hớn vào lòng ru, tiếng ru của bố nghèn nghẹn như người đang ốm

-à ơi, con cò mày đi ăn đêm

đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ai

Ông ơi ! ông vớt tôi nào

Tôi có lòng nào ,ông hãy sáo măng

Có sáo thì sáo nước trong

Đừng sáo nước đục đau lòng cò con.

Tí Hớn ngái ngủ, khi cơn ngủ sắp tới, Tí Hớn còn lải nhải theo bố câu cuối

- Au òng ò on, au òng ò on

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2007

........

Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
Ly tán vì cơn gió bụi này
Người ơi ! Buồn lắm mà không khóc
Mà ..................................................

( hành phương Nam của Nguyễn Bính)

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2007

Quốc nạn Hoàng-Trường Sa, nguồn gốc và lối ra

Bùi Tín


Tổ quốc ta đang trải qua quốc nạn. Hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ thiêng liêng nước ta từ lâu đời đang bị ngang nhiên chiếm đoạt.

Kẻ bành trường già đời bỗng tỏ ra ngạo mạn lấn tới.

Gần đây, là những bước lấn lướt có sắp đặt.

Tháng 8-2007 Bắc Kinh loan tin tuyến du lịch Trường Sa sắp mở đón du khách viếng cảnh đẹp của tổ quốc Trung Hoa nơi tận cùng xa xội phía Đông Nam. Đây có thể coi là bước thứ nhất để thăm dò.

Tháng 11 hải quân Trung Quốc thuộc hạm đội Nam Hải tập trận, thao diễn, ồn ào, khuấy động, bắn súng lớn, diễu võ dương oai ngay giữa quần đảo Trường Sa. Đây là bước thứ hai;

Tháng 12 cơ quan hành chính quyền hành cao nhất là Quốc Vụ Viện ra quyết định thành lập thành phố Tam Sa để cai quản toàn bộ các quần đảo Tây Sa (chỉ Hoàng Sa), Nam Sa và Trừơng Sa. Có thể coi như bước thứ ba.

Kẻ bành trướng nước lớn quen ngạo mạn không giới hạn, ngang nhiên thách thức nhân dân Việt Nam ta, thách thức luôn các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền trong vùng và đã cùng nhau cam kết không dùng vũ lực lấn chiếm các đảo, ngang nhiên thách thức toàn thế giới.

Đây không phải lần đầu. Đã bao lần kẻ bành trướng nước lớn dở trò bạo ngược và hung hãn. Cuối năm 1974 chúng đã mang tàu thuyền, cậy số đông chiếm quần đảo Hoàng Sa. Anh em hải quân ta ở miền Nam đã dũng cảm giáng trả buộc chúng phải chịu tổn thất sâu cay. Tháng 2 và tháng 3 - 1979 chúng xua quân vào 6 tỉnh biên giới miền Bắc, bị quân và dân ta chống trả quyết liệt, tháo chạy tơi bời.

Vì sao nên nỗi?


Nay kẻ bành trướng nước lớn lại giở trò bắt nạt lấn lướt nước ta, trước hết vì chính quyền ta tỏ ra yếu đuối, khiếp nhược.

Còn nhớ vào đầu năm nay, khi chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sang thăm Bắc Kinh, xảy ra xung đột nhỏ trong vịnh Bắc bộ, tàu vũ trang Trung Quốc bắn vào thuyền đánh cá ta. Phía ta phản đối. Phía họ vừa ăn cướp vừa la làng. Ngay khi ông Trọng gặp chủ tịch quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc, Tân hoa xã loan tin công khai: "lãnh đạo ta đã lưu ý nghiêm khắc phía Việt Nam không để xảy ra chuyện như thế nữa''. Họ uốn lưỡi cú diều. Vậy mà ông Trọng vẫn cúi đầu cười nịnh. Đường đường là chủ tịch quốc hội mà hèn hạ, hay dốt nát đến thế, thì làm nên chuyện gì được!

Nhưng đó chưa phải là nguyên nhân cơ bản.

Xin phơi bày ra thanh thiên bạch nhật để đồng bào trong và ngoài nước, để anh em cựu binh sỹ của cả 2 miền, ở cả 2 bên chiến tranh khi xưa, nay tôi coi đều là anh em ruột thịt, biết rõ rằng quốc nạn Hoàng Sa - Trường Sa hiện nay bắt nguồn từ tình trạng kéo dài hơn 16 năm nay là thế lực bành trướng nước lớn đã cắm sâu một nhóm tay chân thân tín người Việt nằm ngay trong Cung đình cộng sản Hà Nội.

Bố mẹ tôi dạy tôi nói thẳng. Sách vở đạo lý dạy tôi nói thẳng. Đạo Phật dạy tôi nói thẳng. Đã đến lúc tôi phải nói rõ sự thật này. Không ít người đã biết qua, nhưng còn tờ mờ lắm.

Sự thật là 14 vị trong bộ chính trị hiện nay về danh nghĩa là có quyền lực cao nhất, nhưng lại không phải vậy. Vì đằng sau nó còn cái ''chính phủ M+A'', ma quái, ma trơi, ma xó, do 2 nhân vật Mười và Anh kết liền thành một cặp. Họ bắt đầu thần phục thiên triều từ bao giờ ? Xin thưa từ khi ông Đỗ Mười mang danh nghĩa thủ tướng cùng tổng bí thư Nguyễn văn Linh và cố vấn Phạm Văn Đồng đến Thành Đô, thủ phủ Tứ Xuyên, để gặp và hội kiến bí mật với tổng bí thư Giang Trạch Dân và thù tướng Lý Bằng, vào 2 ngày 3 và 4 tháng 9-1990.


Ngay sau Đại hội VII (24-27 tháng 6-1991), Đỗ Mười lên chức tổng bí thư thay Nguyễn văn Linh, liền cất nhắc ngay Lê Đức Anh bộ trưởng Quốc Phòng, ủy viên bộ chính trị kiêm thêm ủy viên thường trực của bộ chính tri; Đỗ Mười tự ý phong Lê Đức Anh là nhân vật ''số 2'' (chưa từng có trong đảng), đảm nhận luôn khối quân sự, an ninh, tình báo, đối ngoại, để rồi tháng 3-1991 đưa lên làm Chủ tịch nước, dù cho lý lịch không rõ ràng, khai ngày vào đảng mơ hồ, không có người giới thiệu.

Ngay sau Đại hội VII, mặc dù quan hệ Việt - Trung căng thẳng 12 năm qua, chưa bình thường hóa, Đỗ Mười hăm hở cử Lê Đức Anh cùng trưởng ban đối ngoại trung ương Hồng Hà sang ngay Bắc kinh, báo cáo với Giang Trạch Dân và Lý Bằng mọi sự diễn ra trong đại hội VII, kể cả những cuộc tranh cãi trong nội bộ, cho đến việc ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch bị truất phế vì tỏ ra không mặn mà với Trung cộng. Ngay sau đó Lê Đức Anh gặp trợ lý bộ trưởng ngoại giao Từ Đôn Tín (nói sõi tiếng Việt, từng nhiều lần sang Hà Nội) để 2 lần hạ mình tạ lỗi (!), màu mè rằng: ''năm ngoái đồng chí sang Việt Nam xảy ra một số trục trặc không hay lắm do chúng tôi gây ra; trục trặc trong quan hệ là việc rất đau lòng , nhất là giữa những người cộng sản...''.


Từ đó, Lê Đức Anh và Hồng Hà gọi Từ Đôn Tín là ''anh'', không gọi là đồng chí nữa, cho cực kỳ thân thiết như trong gia đình vậy. Đối với đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội Trương Đức Duy cũng thế, Lê Đức Anh chuyện gọi bằng ''anh'', còn dặn rằng có gì Anh cứ đến gặp tôi, không cần qua bộ ngoại giao.(xin đọc kỹ Hồi ký Trần Quang Cơ, thứ trưởng ngoại giao)

Từ Đại hội VII đến đại hội X, từ 1991 đến 2007, bộ chính trị qua 16 năm, 4 khóa vẫn bị chi phối bởi cặp bài trùng Mười Anh, thân thiết cực kỳ với Thiên triều. Sau đại hội VII, Đỗ Mười làm Tổng bí thư, Lê Đức Anh làm chủ tịch nước lại ôm cả mảng Nhà nước, Quốc phòng, An ninh, Tinh báo, Đối ngoại, quan hệ Việt - Trung còn chặt hơn. Mười + Anh còn mong Trung Quốc sẽ thay Liên Xô làm chỗ dựa mới cho phong trào cộng sản quốc tế. Khi Lê Phả Phiêu làm tổng bí thư, Mười + Anh đổ tội cho Phiêu nhượng đất và biển cho Tàu thì Phiêu trả lời rõ rằng chính Anh đã xui Cầm ký cho nhanh cho xong. Chính Mười và Anh chọn Nông Đức Mạnh lên thay Phiêu vì Mạnh ''yếu toàn diện'', sẽ dễ sai bảo. Quả nhiên là vậy. Mười + Anh cho con Mạnh là Nông Quốc Tuấn vào Quốc hội, không hỏi tội con rể và con gái của Mạnh trong vụ Bùi Tiến Dũng. Mạnh chỉ mong sang năm hạ cánh an toàn vào giữa nhiệm kỳ.

Chính con bài Nông Đức Mạnh là con bài còn rớt lại của Mười + Anh. Một con người cực kém hiểu biết, không viết nổi một bài báo, nói chuyện không có một ý riêng, không trả lời phỏng vấn nước ngoài, không bao giờ cầm đến một tờ báo nước ngoài, chuyên đọc những dòng trợ lý viết, vẫn là nhân vật số 1 của đảng. Tôi không chút ghét bỏ tư thù ông Mạnh, nhưng sự thật là thế.

Trước Đại hội X, các uỷ viên bộ chính trị Trần Đình Hoan, Phạm văn Trà, Nguyễn Khoa Điềm và Trần Đức Lương thay phiên nhau vào Phủ Chúa M+A để mật báo mọi điều và xin chỉ giáo. Từ sau Đại hội X, cả 4 vị rơi rụng, một mình Nông Đức Mạnh đích thân làm việc ấy. Phủ Chúa càng muốn duy trì tổng Mạnh làm tay chân đắc lực. Cứ có họp lớn là Mạnh mời Mười + Anh đến ngồi trình diễn ở hàng đầu, chính giữa để ra uy và trấn an bộ hạ, dù cho chỉ ngồi ngủ gà ngủ gật và không ai buồn hỏi chuyện.

Lối thoát khỏi quốc nạn.

Quốc nạn có thể thành dịp may nếu như toàn dân thức tỉnh. Và từ toàn dân thức tỉnh kéo theo người lãnh đạo tỉnh ngộ.

Toàn dân hãy đặt vận nước lên trên hết. Việc khẩn cấp là điểm rõ mặt nhóm bộ hạ của Thiên triều phương Bắc đang mai phục giữa cung đình Hà nội. Vô hiệu hóa kẻ mất gốc dân tộc.

Nước lớn mà phi nghĩa không đáng sợ. Xưa kia cha ông ta chưa có cả thế giới bên ta còn không sợ nữa là.
Nay ta có cả thế giới tiến bộ bên ta, ta có Liên Hợp Quốc, có Pháp luật quốc tế, có các nước bạn Đông nam Á bên ta.

Hãy có dũng khí phủ nhận những hiệp định bất bình đẳng, những sai lầm lịch sử do chính quyền cũ để lại, dù đó là những chữ ký của những Phạm Văn Đồng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Dy Niên..., hãy đưa ra công luận, ra Tòa án Quốc tế sự kiện bất công, bất hợp pháp này.

Ta không gây sự với nước láng giềng nào, giữ quan hệ bình thường, hữu hảo với nhân dân mọi nước, nhưng một tấc đất quyết không từ bỏ.

Nhân thời cơ Quốc nạn này hãy sáng suốt phóng tầm nhìn ra xa, thắt chặt tình đoàn kết thống nhất dân tộc, trong ngoài nước, dù cho trước kia có chống đối nhau, tay phải đánh vào tay trái, thì nay càng thêm yêu quý nhau bền chặt vì chúng ta chung một Mẹ Tổ quốc.

Người lãnh đạo có dám đi đầu, mở đường cho một trào lưu đoàn kết dân tộc trên nền tảng thương yêu, bình đẳng, nhân phẩm như nhau, không ai hơn ai kém, không ai đúng ai sai, không ai thắng ai thua, không ai vinh ai nhục. Cả dân tộc toàn thắng chia rẽ và đố kỵ. Nước Việt nam mà mọi người toàn thắng chia rẽ sẽ lập tức mạnh ít nhất gấp đôi, thanh thế cũng gấp đôi.

Và cũng nhân thời cơ này hãy bừng tỉnh dậy gia nhập Câu lạc bộ các nước Dân chủ thật sự trên nền tảng đa nguyên đa đảng, rút chân khỏi hàng ngũ các nước độc đoán độc đảng, nơi người dân bước vào thế kỷ 21 vẫn còn thèm khát tự do báo chí, tự do lập hội và tự do bầu cử đã thành nếp sống tự do bình thường của hơn một trăm nước khác. Nước Việt Nam sẽ vụt lớn như có phép lạ. Phép lạ trong tầm tay.

Thoát quốc nạn Hoàng Sa - Trường Sa trong tầm tay.

Paris 21-12-2007

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2007

Tin khẩn

Vừa xong NBG có gọi điện thoại cho nhà văn Trang Hạ, được biết chị đang được công an quận Hòan Kiếm thành phố Hà Nội giữ lại để làm việc.

Sáng nay Trang Hạ bán sách và phát đề can Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam. Khi đang phát và bán sách thì công an Hoàn Kiếm mời chị về trụ sở làm việc. Tai đây họ đề nghị chị tường trình lại những việc đã làm sáng nay. Công an quận Hoàn Kiếm đã kiểm tra máy đt để tìm hiểu về việc họ muốn tìm hiểu.

Đến trưa nay thì Trang Hạ vẫn đang trong trụ sở công an để trả lời về nguồn gốc số đề can trên.

Hình ảnh về tấm đề can này NBG đã pos ở en try trước,nội dung hoàn toànphù hợp với chính sách, đường lối đảng và nhà nước ta.

Sự việc này có thể gây hoang moang dư luận, ảnh hưởng đến cuộc mít tinh mà những người thanh niên yêu nước đang có ý định vào ngày mai.

Kính mong cơ quan công an quận Hoàn Kiếm,sớm làm rõ sự việc này

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2007

Tin cũ nhìn lại

.

Đáng chú ý là trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào năm ngoái, hai bên đã ký kết được 14 văn kiện hợp tác.

Sau các cuộc gặp gỡ cấp cao đó, quan hệ hợp tác song phương giữa các ngành quan trọng như ngoại giao, quốc phòng, an ninh, v.v. được tăng cường thêm một bước, quan hệ thương mại có bước đột phá với việc đạt kim ngạch mậu dịch song phương 8,739 tỷ USD.

Hai bên nhất trí và đang nỗ lực hoàn thành trước thời hạn mục tiêu nâng kim ngạch mậu dịch song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2010 chứ không phải là năm 2015 như kế hoạch trước đây.

Trước ngày Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tới thăm Trung Quốc lần này, ông Vương Gia Thụy, Trưởng ban liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nói với các phóng viên:

“Chúng tôi nhiệt thành mong đợi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tới thăm Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào”.

Ông Vương Gia Thụy cho rằng Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là người bạn tốt, người bạn cũ của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, là người ủng hộ và thúc đẩy kiên định sự nghiệp hữu nghị Trung –Việt.

Ông nêu rõ việc sau khi được bầu lại làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chọn Trung Quốc là quốc gia đến thăm đầu tiên đã thể hiện sự coi trọng cao độ của cá nhân Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng như tập thể lãnh đạo Trung ương khóa mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ Trung - Việt.

nguồn ; http://vietnamnet.vn/chinhtri/doingoai/2006/08/604425/



Soạn: HA 957749 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2007

Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương




Năm ấy tôi thi vào cấp 3. Thời điểm ấy thi từ cấp 2 lên cấp 3 chỉ có 2 môn văn và toán. Đề thi môn văn năm ấy có mấy phần. Tôi nhớ nhất phần 3.

Em hãy kể những câu văn, thơ khiến em thấy yêu quê hương, đất nước.

Tôi lấy bài thơ của một người Nga lưu vong trên đất Mỹ trong tác phẩm Nguyệt Thực, bài thơ đến giờ tôi vẫn nhớ dù đã hơn 20 năm trôi qua

- Tấm bản đồ Pê Téc Pua hoa lệ
Bất ngờ tôi gặp chốn tha phương
Trên mảnh giấy úa vàng cũ kỹ
Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương

Và lớp lớp bỗng hiện về ký ức
Chân sững sờ, mắt lệ rưng rưng
Rồi nỗi buồn bỗng trào lên thổn thức
Một tấc lòng, vạn tấc nhớ thương.

Tối qua, Hà Nội mưa phùn nhẹ, trời lạnh buốt. Dòng người hối hả chen chúc nhau trên đường Đại Cồ Việt. Bỗng dưng người con gái đội mũ bảo hiểm đi trước tôi phanh gấp làm tôi loạng choạng tay lái. Tôi nhìn lên, phía sau mũ cô có dán miếng đề can nhỏ màu đỏ chữ vàng. Ghi dòng chữ

- Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam


user posted image


Bàng hoàng , ngỡ ngàng trong giây lát, cảm xúc mừng vui ngập tràn. Một đốm lửa nhỏ xíu thôi, nhưng cũng khiến tôi ấm lòng quên đi cái đói và lạnh, cái mệt mỏi sau một ngày vật lộn với manh áo, miếng cơm. Cứ chầm chậm đi đằng sau cô để chiêm ngưỡng hình ảnh về tinh thần dân tộc không bị quên lãng trong dòng đời xô bồ này. Mảnh đề can bé nhỏ thôi, nhưng cũng như người Nga lưu vong kia bắt gặp tấm bản đồ quê hương.Tôi bắt gặp một tinh thần dân tộc Việt Nam đang cháy bừng lên. Nếu nói sự xúc cảm về quầng lửa do mấy trăm con người trên đường Giảng Võ hôm 19-12 là dạt dào, ngây ngất. Thì sự xúc cảm của tối qua là lâng lâng, khoan khoái nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Đến ngã tư Đại Cồ Việt, đường Giả Phóng cô rẽ sang hướng khác. Tôi đi đường về nhà nghĩ mãi về tâm trạng của người trong bài thơ trên.


user posted image

Thật tình cờ khi en try này được pos lên chưa đến 15 phút. Các bạn đọc đã liên hệ cho tôi nói chuyện với cô gái ở tấm hình trên. Khi hỏi lý do và em nghĩ gì khi dán tấm đề can ấy. Cô gái nói

- Chỗ em có nhiều người dán lắm, có chị còn dán cả lên mũ của cậu con trai. Em thấy dán cái này ý nghĩa lắm, cảm thấy tinh thần hừng hực như Segame. Cũng là cách thể hiện tinh thần yêu nước, em nghĩ nếu có miếng đề can này thì nhiều người cũng sẵn sàng dán ngay.


Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh trong mắt Trung Hoa

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh – "nhà cải cách ôn hòa" trong mắt học giả Trung Hoa
06:00' 11/09/2007 (GMT+7) Nguồn :http://www.lanhdao.net/leadership/home.aspx?catid=50&msgid=10844

Đã hơn 20 năm kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp đổi mới, chưa bao giờ ở Việt Nam, người ta thấy một bộ máy trẻ trung và tràn đầy năng lượng như hiện nay. Chính phủ đang có những bước chuyển mình đáng ghi nhận. Trong công cuộc đó có dấu ấn của một người lãnh đạo- Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Hình ảnh của ông được các học giả Trung Quốc nhìn nhận như một nhà cải cách ôn hoà. Dưới đây là những gì mà Nam phương nhật báoViện Nghiên cứu châu Á - Thái bình Dương (Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) viết về ông.

Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Nông Đức Mạnh

Vị lãnh đạo phong độ thời đổi mới

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh từ trước đến nay luôn được thế giới nhận định là một nhà cải cách ôn hoà và ổn định. Nói như vậy là để so sánh với phong cách mạnh bạo, quyết đoán của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Với cương vị là người đứng đầu Đảng Cộng sản tại Việt Nam - chính đảng nắm giữ vai trò kiến trúc sư về tư tưởng và đường lối cho một làn sóng cải cách mới - sự trầm tĩnh, thận trọng của ông là hoàn toàn có thể lý giải được.

Việt Nam đang tiến hành một loạt cải cách, cả về hành chính, cơ cấu tổ chức nhân sự lẫn lề lối làm việc ở các cơ quan quyền lực. Điều này đòi hỏi lãnh đạo cấp cao làm việc táo bạo hơn, quyết liệt hơn, cởi mở hơn, đồng thời cũng thận trọng hơn trước thời buổi hội nhập toàn cầu. Song có một điều đáng mừng đánh dấu sự vững vàng về uy tín của các nhà lãnh đạo: các nguyên thủ cấp cao nhiệm kì trước như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh vẫn tiếp tục đảm nhận cương vị và nhiệm vụ to lớn mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Sinh ngày 11/9/1940, giống như nhiều nhà lãnh đạo khác, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tham gia cách mạng từ rất sớm và trưởng thành vững vàng thông qua những năm tháng làm công tác đoàn thể xã hội. Gia nhập Đảng Cộng sản tháng 7/1963, ông đã trải qua rất nhiều vị trí khác nhau trong bộ máy chính quyền. Là cán bộ cấp cao xuất thân từ dân tộc Tày, với cá tính ôn hoà, khiêm tốn, người dân đã quen với hình ảnh Tổng bí thư trong bộ trang phục ka-ki với nụ cười cởi mở. Kể từ khi nhậm chức đến nay, Tổng Bí thư đã công du chính thức nhiều quốc gia trên thế giới.

Được đào tạo chuyên về nông nghiệp rồi sau đó rẽ sang con đường chính trị, Tổng bí thư được nhiều nhà quan sát đánh giá là "cá nhân tiên tiến trong cộng đồng dân tộc thiểu số đã vươn lên củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc thiểu số tại Việt Nam". Đồng thời, ông cũng tạo cơ hội mạnh mẽ cho thế hệ trẻ - những người được sinh ra sau chiến tranh, khôn lớn trong hoà bình và được hưởng một nền giáo dục hơn hẳn cha anh đi trước.

Niềm hi vọng mới

Ngay từ khi tham gia công tác đoàn thể, xu hướng cải cách đã hình thành rất rõ ở nhà lãnh đạo này. Không những thường xuyên đưa ra những sáng kiến cải tiến, ông còn nổi tiếng với phong cách làm việc giữ hoà khí và rất mềm mỏng của mình, xử lý linh hoạt công việc. Cấp tiến nhưng vẫn ưa thích sự ổn định, đây cũng phần nào khiến mọi người ấn tượng về sự trầm lặng của ông trong thời gian gần đây.

Trong thời gian làm Chủ tịch Quốc hội, ông đã đưa ra các đề xuất tăng cường hơn nữa sự giám sát của nhân và các tổ chức với cơ quan lập pháp. Với vai trò chủ toạ, ông khuyến khích báo đài đưa tin tường thuật các buổi họp quốc hội, tổ chức chất vấn thường xuyên với các bộ trưởng. Tiền lệ này tiếp tục được duy trì và phát huy từ đó đến nay.

Chính thức trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2001, sự kiện này cũng là dấu mốc cho nhiều đổi mới cả về chất và lượng của Việt Nam. Đã có một thời kì dài những lãnh đạo cấp cao của Việt Nam trên 70 tuổi. Điểm lại quá trình lịch sử hơn 20 năm Đổi mới vừa qua của đất nước này, có thể thấy quá trình trẻ hoá, tri thức hoá đang diễn ra tích cực. Hình ảnh một vị Tổng bí thư cao lớn hơn, với cặp kính trắng, giọng nói hào sảng và nụ cười rộng mở tự tin càng hứa hẹn một kỉ nguyên phát triển mới của Việt Nam.

Mỹ Trang
Dịch và tổng hợp từ: Nam phương Nhật báo
Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương (Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc)



Bài viết hay về Trường Sa




http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2007/12/071217_ngothevinhbiendong...

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2007

điểm báo

Hôm nay trên Việt Nam Nét có đưa tin

Việt - Trung đàm phán biên giới trên biển và đất liền
19:38' 29/11/2007 (GMT+7)

(VietNamNet) - Từ 27-29/11, hai trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc đã cùng trao đổi, thảo luận một cách toàn diện, thẳng thắn, và sâu rộng về biên giới hai nước, đặc biệt là vấn đề trên biển.

Hai nước Việt - Trung sẽ hoàn thành phân giới, cắm mốc trên bộ trước cuối 2008. Ảnh: Monre

Liên quan đến phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền, hai bên khẳng định quyết tâm hoàn thành công tác này trước cuối năm 2008 như lãnh đạo cấp cao hai nước đã thoả thuận. Hai bên đã thống nhất các biện pháp cụ thể để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân giới, cắm mốc trên thực địa.

Về vấn đề Vịnh Bắc Bộ, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai các lĩnh vực hợp tác về điều tra nguồn lợi thủy sản, tuần tra liên hợp giữa hải quân hai nước và thăm dò các cấu tạo dầu khí nằm vắt ngang đường phân định. Đồng thời, hai bên thỏa thuận sẽ tiến hành sớm vòng 4 đàm phán cấp chuyên viên về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh và trao đổi khả năng hợp tác cùng phát triển ở khu vực này với phạm vi, nội dung và phương thức mà hai bên đều chấp nhận được.

Về vấn đề trên biển, hai bên thống nhất tăng cường chỉ đạo, giải quyết thoả đáng các vấn đề nảy sinh trên tinh thần láng giềng hữu nghị, đồng chí anh em, chân thành và tin cậy lẫn nhau để không làm phức tạp thêm tình hình, mở rộng tranh chấp ở Biển Đông, làm ảnh hưởng quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Hai bên cũng tiếp tục trao đổi tìm kiếm hình thức hợp tác phù hợp trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, và nhất trí sớm tiến hành vòng 12 đàm phán cấp chuyên viên về vấn đề trên biển.

Hai Trưởng đoàn thoả thuận sẽ tiến hành vòng 14 Đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc vào đầu năm 2008 tại Việt Nam

-------------------------------------------------------------------------

Sáng nay diễn đàn www.ttvnol.com một diễn đàn quy tụ nhiều học sinh, sinh viên yêu nước không truy cập được vì báo lỗi. Đây là diễn đàn có độ bảo mật cao và đội ngũ kỹ thuật tin học trình độ cao

Hôm qua thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh đã tiếp và làm việc với đoàn quân sự cấp cao Ấn Độ. Hai bên đã bàn bạc , trao đổi nhiều vấn đề hợp tác quân sự, trong đó có hải quân, hải phận..Bản tin này được phát nhanh trên truyền hình. Nhưng sáng nay các trang tin điện tử lớn như Vietnam net, Dan tri, Vnexperss.. không nhắc đến

Trong nội các chính phủ Việt Nam thì hai nhân vật này ít hoặc hầu như là chưa lần nào sang thăm hay làm việc với nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa,thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Trung Quốc để dự hội chợ và hội nghị thượng đỉnh về thương mại về đầu tư Asen và Trung Quốc lần thứ tư tổ chức tại Nam Ninh ngày 27-10 -2007. Theo tra cứu thìThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chưa đi thăm chính thức và làm việc quan hệ cấp cao với Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Trong giới quân đội gần đây chỉ có Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu từng là thượng tướng chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam và đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sang thăm và làm việc với cộng hoà Nhân Dân Trung Hoa.

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2007

India to supply warship spares to Vietnam

New Delhi, (PTI): As part of measures to boost strategic defence ties with Vietnam, India will supply vital spares of Russian origin Petya class warships and send an expert team to train army of the country.

The announcement to supply 5000 essential spares, which would enable Vietnam to again operationalise its Russian anti-submarine warships, was made by Defence Minister, A K Antony, after a meeting with his Vietnamese counterpart General Phung Quang Thanh in Hanoi.

Antony, on his first visit to Vietnam, also said a four-member army team would go to Hanoi in the first half of next year to train Vietnamese army on conduct of UN Peacekeeping operations.

The two countries also agreed to set up a Joint Working group to frame to form a framework for boosting further defence cooperation, a defence ministry release said here.

Vietnam, which has been a close ally of India, evinced interest to take Indian help in application of information technology in defence and technical support to the country's navy.

The Vietnamese Defence Minister also suggested increase in Joint Naval and Military level exercises between the two countries.

Source: The Hindu

Hoàng sa,Trường Sa & Thuyết Estoppel




Nguồn blogger Áng Mây Bay

Mời đọc bài viết do chính quyền CSVN ra sức phủ nhận Công Hàm bán nước của PVĐ qua bài viết lắt léo, công phu của Đặng Minh Thu tại đây.

Thứ nhất ,để bác bỏ "tích cách pháp lý" của Công Hàm 1958 , bây giờ Hà Nội lập luận rằng : Vì HS không thuộc chủ quyền của NƯỚC VNDCCH mà thuộc chủ quyền của NƯỚC VNCH thì như thế ,họ mặc nhiên công nhận rằng trên Pháp Lý và trên thực tế thì VNDCCH và VNCH là hai Quốc gia riêng biệt ....Điều này dẫn đến việc NƯỚC VNDCCH mang quân tấn công NƯỚC VNCH là một hành động Xâm Lăng .
Thứ hai : Ông Hồ bán (chuyển nhượng) món hàng không phải của mình như lời giải thích của Monique Chemillier-Gendreau thì có hai giả thiết : hoặc là ông Hồ tưởng món hàng đó (Hoàng Sa) là của VNDCCH ... Ha ha ha ha! Nếu ông tưởng và đinh ninh là của mình nên mới bán thì rõ là BÁN ...NƯỚC rồi ! Còn như ông Hồ Biết rõ Hoàng Sa là của "người ta" nhưng ông cứ bán (để lấy tiền mua vũ khí và "mua" tình đồng chí ,tình anh em môi & răng với Trung quốc) ...Hmmmm ...Không biết phải gọi ông là gì ?

Tuy nhiên ,Nói gì thì nói ,Nếu là một người yêu nước thật sự (chân ái quốc) thì dù Hoàng Sa là của VNCH hay của VNDCCH thì cũng là của Việt Nam ,đồng thời ông Hồ cũng đã có câu rằng "Nước Việt Nam là Một....Blah blah blah..." ,và ông còn khẳng định rằng "Công cuộc giải phóng miền Nam ,thống nhất tổ quốc nhất định sẽ thành công" (dù phải đốt cả dẫy Trường Sơn)...cơ mà ,có nghĩa là ông biết chắc chắn Hoàng Sa là (sẽ là) của nuớc Việt Nam (thống nhất) ,nhưng ông cứ....bán ; Bây giờ lấy ví dụ tôi,cho dù không là cái thớ gì ,nhưng nếu ngu xuẩn tuyên bố rằng : Lạng Sơn là của Trung Quốc ..thì Tôi sẽ được nghe "chửi" như thế nào ? Huống chi ,ông Hồ tự xưng là "cha già dân tộc" mà lại đi tuyên bố một phần lãnh thổ (mà ông biết chắc) của VN là của Trung Quốc thì là ý gì ???? Hay lấy ví dụ mấy hôm nay ,nếu Người Việt Tỵ Nạn Công Sản mà im lặng lấy lý do HS&TS là của VC ,không mắc mớ gì đến chúng tôi thì thử hỏi có đáng chửi hay không ?
Tóm lại ,nếu lấy lập luận của Đặng Minh Thư để (cố gắng) "vô hiệu hoá" Công Hàm 1958 thì CS Ba Đình (ít nhất) phải chấp nhận ba điều :
1/ VNCH vốn là một quốc gia có chủ quyền !
2/ Về pháp lý ,việc Hồ Chí Minh ra lệnh cho Phạm Văn Đồng Ký Công Hàm 1958 là hành động Gian Dối (fraudulently) để thủ lợi trong việc bán...khống đồ không thuộc quyền sở hữu của mình .
3/ Về mặt đạo đức thì (dù sao) HCM qua PVĐ vẫn mang tội ....BÁN NƯỚC ,và ông (muôn đời) phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc .

Lại thêm một ví dụ khác :
Trường hợp 1 :
-Ông Minh có hai đứa con ,chẳng may đứa lớn bị bệnh ,cần có tiền để chữa chạy (mà theo ông ,nếu không chữa chậy thì phải chết) ; Túng phải tính ,ông nghĩ thế nên bèn mang đứa con gái nhỏ bán cho thằng ma cô ,và sau đó, dù ông cứu được đứa con lớn nhưng đứa nhỏ đã bị thằng ma cô "lấy" đi mất rồi ....; Hành động bán đứa con này để cứu đứa con kia của ông Minh có chấp nhận được không ?
Trường hợp 2:
-Ông Thu và người em được cha mẹ để cho hai căn nhà ...chung vách ,một hôm vì cần tiền ,ông Thu bèn kêu người ta tới đề bán mảnh vườn của.... thằng em và không ngờ ,sau đó ít lâu ,thằng em của ông bỗng dưng (bị ông đá) chết ngắc ,thế là ông hưởng trọn gia tài và rồi khi người mua mảnh vườn tới để "cắm dùi" thì ông giẫy nảy lên mà rằng :"Khi tôi bán cho ông thì em tôi còn sống ...do vậy ,mảnh vườn lúc đó là của nó ,mà của nó thì tôi không có quyền bán và ông mua của tôi ,ông cũng là bất hợp pháp ,cho nên cái văn tự tôi ký lúc đó là không có giá trị gì cả ....Cũng như chuyện mua phải hàng giả mà thôi ,...bổn hiệu không chịu trách nhiệm ,xin thông cảm !!!!
Ha ha ha ha ha!

Từ Đặng Minh Thu

“Ngày 14 thágn 9 năm 1958, trong bối cảnh của thời kỳ chiến tranh lạnh, khi Mỹ bắt đầu can thiệp vào Việt Nam, tuyên chiến với Trung Quốc, và hạm đội Mỹ đi lại tuần tiễu trên eo biển Đài Loan, Trung Quốc bèn tuyên bố lãnh hải của mình là 12 dặm. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi bức công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai…” (lời tác giả Từ Đặng Minh Thu)

Tác giả Từ Đặng Minh Thu thiếu sòng phẳng (và cố tình lấp liếm) khi nói như trên. Thực chất của Tuyên bố của nước CHND Trung Quốc về Lãnh Hải ngày 4/9/1958 là để chiếm một vùng biển rộng mênh mông trên Biển Đông, trong đó có luôn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Việc Mỹ với Tàu kình nhau trong chiến tranh lạnh thời đó chẳng ăn nhậu gì tới hai cái quần đảo của VN cả. Trong điều 1 và điều 4 của bản Tuyên bố 4/9/1958 của TQ, Tàu nó nói rõ tên các đảo và quần đảo của nó, trong đó có quần đảo Tây Sa (tức là Hoàng Sa) và Nam Sa (tức là Trường Sa). Chỉ trong 10 ngày, cả Hồ Chí Minh và 14 tên Việt gian trong Bộ Chính Trị đảng Lao Động VN (tức là đảng CSVN còn giấu tên) thời đó nhanh nhẩu ra lệnh cho Phạm Văn Đồng gửi Công hàm cho Chu Ân Lai “tán thành” bản Tuyên bố lãnh hải của Tàu. Ngoài ra, Tàu nó còn kèm theo bản Tuyên bố này cái bản đồ chó chết (gọi là bản đồ “Lưỡi Rồng TQ”, hay đáng lý ra là “Lưỡi Chó TQ” mà các nhà nghiên cứu quốc tế còn gọi là “bản đồ hình chữ U” (U-shape map). Kụ Hồ và bác Đồng thừa nhận cái bản Tuyên bố này là thừa nhận luôn cái vùng biển mênh mông đầy tài nguyên và có giá trị chiến lược vô cùng to tát đối với VN ta bên trong cái bản đồ định mệnh này là vùng biển của nước anh em đồng chí TQ. Bởi vậy, trong vài năm qua, ngư dân VN vô tội, khi chài lưới kiếm ăn trên vùng biển truyền thống của Tổ quốc, vô phúc lọt vào vùng này là, a lê hấp, bùm bùm bùm, lính Tàu nó nỗ súng bắn tan xác, còn thuyền bè thì tịch thu. Ai may mắn còn sống sót, thì phải nộp tiền chuộc nó mới thả cho về. Cũng có người xui hơn, như gần đây đã đóng tiền chuộc, nhưng Tàu nó vẫn không chịu thả. Thế nhưng vì nễ 16 chữ vàng của kụ Giang Trạch Dân, đảng “ta” nín thinh, nín thít, chỉ cho ông Lê Dũng lên nói vài câu chiếu lệ cho qua cơn khốn khó.
Rất may là chính phủ VNCH cương quyết trước sau như một, tuyên bố chủ quyền trên các quần đảo này, nên nay đồng chí Minh Thu mới có cơ hội “ný nuận” với thế giới về chủ quyền của VN. Thế nhưng bọn cộng sản VN lại xảo trá vô cùng. Một mặt thì cho người nói với quốc tế“Ô, hai cái đảo này là của VNCH, tui đâu có quyền gì mà gìao cho người khác”, nhưng đối với đồng bào ta trong nước thì từ thời kụ Hồ, qua thời anh Ba Lê Duẩn, cho tới thời chú mán Nông , đảng “ta” nhất mực không thừa nhận là có một thực thể hiện diện trên quả đất là chính phủ nước VNCH từ năm 1954 tới năm 1975. Cả cái Quốc Gia VN của Cựu hoàng Bảo Đại (tiền thân của VNCH) bọn CSVN cũng phủ nhận tuốt luốt. Ngay cả cái Nghĩa trang của Quân đội VNCH, những người đã đổ máu để bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, bọn chúng cũng muốn phá bỏ, đổi tên và làm nhục anh linh những người đã khuất.

Thuyết estoppel

Nếu đặt giả thuyết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thì dựa trên luật quốc tế, những lời tuyên bố đó cũng không có hiệu lực. Tuy nhiên, có tác giả đã nêu thuyết “estoppel” để khẳng định những lời tuyên bố đó có hiệu lực bó buộc đối với Việt Nam, và Việt Nam bây giờ không có quyền nói ngược lại.
Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết “estoppel” . Điều 38 Quy chế Toà án Quốc tế không liệt kê những lời tuyên bố đơn phương trong danh sách những nguồn gốc của luật pháp quốc tế. Estoppel là một nguyên tắc theo đó một quốc gia không có quyền nói hoặc hoạt động ngược lại với những gì mình đã nói hoặc hoạt động trước kia. Câu tục ngữ thường dùng để định nghĩa nó là “one cannot at the same time blow hot and cold.” Nhưng thuyết estoppel không có nghĩa là cứ tuyên bố một điều gì đó thì quốc gia tuyên bố phải bị ràng buộc bởi lời tuyên bố đó.Thuyết estoppel bắt nguồn từ hệ thống luật quốc nội của Anh, được thâu nhập vào luật quốc tế. Mục đích chính của nó ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác. Vì vậy, estoppel phải hội đủ các điều kiện chính:
1. Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu, và phải được phát biểu một cách minh bạch (clair et non equivoque).
2. Quốc gia nại “estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động. Yếu tố này trong luật quốc nội Anh-Mỹ gọi là “reliance” .
3. Quốc gia nại “estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó.
4. Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và trường kỳ. Thí dụ: bản án “Phân định biển trong vùng Vịnh Maine”, bản án “Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua”, bản án “Ngôi đền Preah Vihear”,…
Ngoài ra, nếu lời tuyên bố đơn phương có tính chất một lời hứa, nghĩa là quốc gia tuyên bố mình sẽ làm hoặc không làm một việc gì, thì quốc gia phải thực sự có ý định muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó, thực sự muốn thi hành lời hứa đó.
Thuyết estoppel với những điều kiện trên đã được án lệ quốc tế áp dụng rất nhiều. Trong bản
án “Thềm lục địa vùng Biển Bắc” giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Đan Mạch/Hà Lan, Toà án quốc tế đã phán quyết rằng estoppel không áp dụng cho Cộng hòa Liên bang Đức, mặc dù quốc gia này đã có những lời tuyên bố trong quá khứ nhằm công nhận nội dung của Công ước Genève 1958 về thềm lục địa, vì Đan Mạch và Hà Lan đã không bị thiệt hại khi dựa vào những lời tuyên bố đó.
Trong bản án “Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua” giữa Nicaragua và Mỹ, Toà đã phán quyết như sau: “… ‘Estoppel’ có thể được suy diễn từ một thái độ, những lời tuyên bố của một quốc gia, nhằm chấp nhận một tình trạng nào đó; thái độ hoặc lời tuyên bố không những phải được phát biểu một cách rõ rệt và liên tục, mà còn phải khiến cho một hoặc nhiều quốc gia khác dựa vào đó mà thay đổi hoạt động, và do đó phải chịu thiệt hại” .
Áp dụng những nguyên tắc trên của estoppel vào những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta thấy thiếu điều kiện 2/ và 3/ đã nêu ở trên. Năm 1956, năm 1958 và năm 1965, Trung Quốc đã không có thái độ nào, hoặc thay đổi thái độ vì dựa vào lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và Trung Quốc cũng không thể chứng minh được rằng mình bị thiệt hại gì do dựa vào những lời tuyên bố đó. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không được hưởng lợi gì khi có những lời tuyên bố đó. Lúc đó hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa rất thân thiện, “vừa là đồng chí, vừa là anh em” . Những lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn do tình hữu nghị Hoa-Việt. Hơn nữa, lời văn của bản tuyên bố không hề nói rõ ràng minh bạch là công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Hoàng Sa. Bức công hàm chỉ nói: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy (quyết định ấn định lãnh hải 12 dặm của Trung Quốc), và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc…”.
Lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng có thể hiểu là một lời hứa đơn phương, một lời tuyên bố ý định sẽ làm một việc gì (declaration d’intention). Thật vậy, đây là một lời hứa sẽ tôn trọng quyết định của Trung Quốc trong việc ấn định lãnh hải của Trung Quốc, và một lời hứa sẽ ra lệnh cho cơ quan công quyền của mình tôn trọng lãnh hải đó của Trung Quốc.
Một lời hứa thì lại càng khó ràng buộc quốc gia đã hứa. Toà án Quốc tế đã ra thêm một điều kiện nữa để ràng buộc một lời hứa: đó là ý chí thực sự của một quốc gia đã hứa. Nghĩa là quốc gia đó có thực sự muốn bị ràng buộc bởi lời hứa của mình hay không. Để xác định yếu tố “ý chí” (intention de se lier), Toà xét tất cả những dữ kiện xung quanh lời tuyên bố đó, xem nó đã được phát biểu trong bối cảnh, trong những điều kiện nào (circonstances). Hơn nữa, nếu thấy quốc gia đó có thể tự ràng buộc mình bằng cách ký thoả ước với quốc gia kia, thì lời tuyên bố đó là thừa, và Toà sẽ kết luận là quốc gia phát biểu không thực tình có ý muốn bị ràng buộc khi phát biểu lời tuyên bố đó. Vì vậy, lời tuyên bố đó không có tính chất ràng buộc.

Trong bản án “Những cuộc thí nghiệm nguyên tử” giữa Úc/Tân Tây Lan và Pháp, Pháp đã tuyên bố là sẽ ngừng thí nghiệm nguyên tử. Toà án đã phán quyết rằng Pháp bị ràng buộc bởi lời hứa vì Pháp thực sự có ý muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó.
Trong trường hợp Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi tuyên bố sẽ tôn trọng lãnh hải của Trung Quốc, không hề có ý định nói đến vấn đề chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa. Ông đã phát biểu những lời tuyên bố trên trong tình trạng khẩn trương, chiến tranh với Mỹ bắt đầu leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ hoạt động trên eo biển Đài Loan và đe doạ Trung Quốc. Ông đã phải lập tức lên tiếng để ủng hộ Trung Quốc nhằm gây một lực lượng chống đối lại với mối đe doạ của Mỹ.
Lời tuyên bố năm 1965 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như vậy. Động lực của lời tuyên bố đó là tình trạng khẩn trương, nguy ngập ở Việt Nam. Đây là những lời tuyên bố có tính chính trị, chứ không phải pháp lý.

Nếu xét yếu tố liên tục và trường kỳ thì ba lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không hội đủ tiêu chuẩn này. Estoppel chỉ đặt ra nếu chấp nhận giả thuyết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một; và cả Pháp trong thời kỳ thuộc địa, và Việt Nam Cộng hoà trước năm 1975 cũng là một đối với Việt Nam hiện thời. Nếu xem như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia riêng biệt với Việt Nam hiện thời, thì estoppel không áp dụng, vì như đã nói ở trên, lời tuyên bố sẽ được xem như lời tuyên bố của một quốc gia không có quyền kiểm soát trên lãnh thổ tranh chấp. Như vậy, nếu xem Việt Nam nói chung như một chủ thể duy nhất từ xưa đến nay, thì ba lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ là một sự phát biểu có ý nghĩa chính trị trong đoản kỳ thời chiến, so với lập trường và thái độ của Việt Nam nói chung từ thế kỷ XVII đến nay.

Tóm lại, những lời tuyên bố mà chúng ta đang phân tích thiếu nhiều yếu tố để có thể áp dụng thuyết estoppel. Yếu tố “reliance” (tức là quốc gia kia có dựa vào lời tuyên bố của quốc gia này mà bị thiệt hại), và yếu tố “ý chí” (tức là quốc gia phát biểu lời hứa có ý muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó) rất quan trọng. Không có “reliance” để giới hạn sự áp dụng của estoppel thì các quốc gia sẽ bị cản trở trong việc hoạch định chính sách ngoại giao. Các quốc gia sẽ phải tự ép buộc cố thủ trong những chính sách ngoại giao lỗi thời. Khi điều kiện chung quanh thay đổi, chính sách ngoại giao của quốc gia kia thay đổi, thì chính sách ngoại giao của quốc gia này cũng phải thay đổi. Các quốc gia đổi bạn thành thù và đổi thù thành bạn là chuyện thường.
Còn những lời hứa đơn phương trong đó quốc gia không thật tình có ý muốn bị ràng buộc, thì nó chẳng khác gì những lời hứa vô tội vạ, những lời hứa suông của các chính khách, các ứng cử viên trong cuộc tranh cử. Trong môi trường quốc tế, nguyên tắc “chủ quyền quốc gia” (état souverain) rất quan trọng. Ngoại trừ tục lệ quốc tế và những điều luật của Jus Congens, không có luật nào ràng buộc quốc gia ngoài ý muốn của mình, khi mà quốc gia này không gây thiệt hại cho quốc gia nào khác. Vì vậy ý chí của quốc gia đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định tính chất ràng buộc của một lời hứa đơn phương.

Tổng Biên Tập VNN

Ngày hôm nay, trên BBC mới đưa tin nhà báo, tổng biên tập Việt Nam Nét bị kỷ luật của cục Báo Chí.

dưới đây là bài báo đã dẫn đến việc kỷ luật vị tổng biên tập này

Bài (gồm cả hai bức ảnh) đăng trên VietNamNet ngày 10/12/2007
nhưng sau khoảng sáu tiếng đồng hồ thì bị rút xuống

VietNamNet

Sức mạnh đồng thuận Việt Nam: Nhìn từ Hoàng Sa -Trường Sa
10/12/2007 12:41 (GMT + 7)

Cho dù nhiều giá trị có thể bị lẫn lộn, nhiều đường biên quốc gia mờ nhoà trong thời toàn cầu hoá thì lòng yêu nước sẽ và mãi là những giá trị trường tồn. Và mỗi khi chủ quyền dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước bị xâm phạm, là lúc những người Việt, trong và ngoài nước, ở mọi thành phần, mọi lứa tuổi, bằng cách này hay cách khác đã lên tiếng!

Tình yêu nước và ý thức dân tộc không phải của riêng ai. Và mỗi người, khi mang trong mình dòng máu Việt, đã chọn cách không im lặng.

Trong hàng nghìn lá thư của độc giả trong và ngoài nước gửi về Tuần Việt Nam - VietNamNet những ngày qua, kể từ khi sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa xảy ra, thấy gì?

Trên các diễn đàn mạng tràn ngập cờ Tổ quốc và những bài viết về Trường Sa, Hoàng Sa của cộng động mạng Việt Nam, thấy gì?

Trong cuộc biểu tình hoà bình của người dân hôm qua (8/12), thấy gì?


Chiến sĩ ở đảo Trường Sa (Ảnh: Phạm Tuấn)

Đó là lòng yêu nước cháy bỏng, sục sôi trong từng lời từng chữ. Là nỗi đau đớn khi chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc bị xâm phạm. Là sự đau đáu đến vận mệnh đất nước, ở ngay những người trẻ, mà những tưởng cuộc sống bộn bề lo toan và đề cao hưởng thụ cá nhân này đã làm phai nhoà.

Và sau mỗi dòng thư, đó còn là lời khẳng định ý sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc.

Không cần một lời hiệu triệu. Cũng chẳng cần những sự hô hào. Bạn và tôi, bất kể quá khứ hay chính kiến khác nhau, đã cùng nhìn về một hướng. Để nói lên rằng: Tình yêu với đất nước này, dân tộc này, ngôn ngữ này là vĩnh cửu. Để nói rằng: khi chủ quyền bị xâm phạm, mọi người Việt, dù đứng ở vị trí nào sẵn sàng đoàn kết một lòng vì sự tồn vong của dân tộc!

Trong những dòng thư tâm huyết gửi về, nhiều nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước thiết tha kêu gọi, hơn lúc nào hết, người Việt hãy cùng nhau đoàn kết một lòng vì lợi ích dân tộc. Chính những người Việt ở nước ngoài sẽ là những đại sứ góp phần vận động bạn bè thế giới hiểu và ủng hộ Việt Nam. Vượt qua những khác biệt và quá khứ, rất nhiều người đang âm thầm tự nhận lãnh sứ mệnh "bảo vệ Tổ quốc từ xa" như lời cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói về họ.

Chỉ người Việt Nam mới thương lấy nhau, mới thiết tha và sẵn sàng xả thân bảo vệ lợi ích dân tộc. Chân lý bất biến đó, phải qua nhiều trả giá đau đớn mới được vỡ lẽ.

Trong suốt thế kỷ XX đầy bão táp, đã chứng kiến bao nhiêu cuộc móc ngoặc, mặc cả và chia chác của các nước lớn trên lưng dân tộc nhỏ bé này?

Khi hai cuộc chiến tranh khốc liệt bước vào giai đoạn kết thúc, khi các bên đã ngồi vào bàn đàm phán cho một kết cục hoà bình thì phía hậu trường, những đồng minh tưởng như thân tín cũng bước vào cuộc mặc cả sau lưng chúng ta.


Trường Sa - đảo thuộc chủ quyền Việt Nam (Ảnh: Phạm Tuấn)

Đương nhiên, chẳng có gì là khó hiểu khi các nước lớn sẵn sàng hy sinh lợi ích của nước khác, vì lợi ích của chính mình. Lợi ích quốc gia đã biến những khẩu hiệu về tình đoàn kết thuỷ chung như nhất, những mỹ từ của đồng minh duy nhất, đồng minh truyền thống trở thành sáo rỗng.

Ngày nay, không còn dễ dàng cho một nước, cho dù quyền lực có lớn mạnh đến đâu có thể xâm lược các nước khác. Nhưng trong một thế giới toàn cầu hoá, khi chủ nghĩa nước lớn ngày càng có nhiều hình dạng mới, khi những hành động xâm phạm chủ quyền dân tộc ngày càng trở nên tinh vi hơn, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và độc lập toàn vẹn (về cả lãnh thổ cũng như về tinh thần) của một quốc gia nhỏ, yếu vì thế phải đối mặt với những khó khăn khôn lường.

Yếu thực lực thì luôn bị chèn ép, lấn lướt. Yếu thực lực đồng nghĩa với chấp nhận thiệt thòi trong mọi tranh chấp. Đó là thực tế hiển nhiên dù vô cùng cay đắng.

Một nhà lãnh đạo thuộc cấp cao nhất Việt Nam, khi nói về thực tế này, đã kết luận: Muốn thoát khỏi mọi uy hiếp, muốn phát triển được để tồn tại trong thế giới này, muốn bảo vệ được chủ quyền và độc lập dân tộc thực sự, toàn vẹn, nhất thiết dân tộc này phải phấn đấu bằng mọi giá thoát ra khỏi nỗi nhục nghèo, hèn.

Đất nước này phải mạnh lên!

Đột phá để phát triển, giải phóng mọi nguồn lực, trong đó có tiềm lực con người để thoát khỏi thân phận nghèo hèn, chính là sứ mệnh lịch sử của những thế hệ ngày hôm nay.

Hãy để sự kiện hôm nay, như lời giục giã đối với mọi người dân Việt lên đường cho cuộc dấn thân vĩ đại đó.

Minh Anh

( Nguồn : Tuần Việt Nam - VNN )

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2007

Trang Hạ trả lời BBC

Trong đoàn người tuần hành phản đối Trung Quốc xâm chiếm hai quần đảo Việt Nam ngày 16-12 vừa qua có một số ít nhà văn , nhà báo đã tham dự. Họ mặc áo đỏ, những chiếc áo đã in khẩu hiệu và lo go liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa.

Trong số hai nữ nhà văn đưa con đi theo đoàn người, người phụ nữ đi đầu hàng đoạn Chu Văn An là mẹ con nhà văn, nhà báo Trang Hạ. Chị và cháu Nhím có mặt rất sớm ở khu vực Điện Biên Phủ - Hùng Vương, sau khi nhận áo từ toán người tập trung ở 32 Điện Biên Phủ chị sát nhập cùng đoàn tuần hành ngay từ phút đầu tiên Chị giơ cao tấm khẩu hiệu viết bằng tiếng Trung Quốc trên đầu cùng hô vang với những nam ,nữ thanh niên yêu nước, con gái chị theo sát bên mẹ. Cả hai cùng mặc chiếc áo màu đỏ có in hình bản đồ Việt Nam và ngôi sao vàng năm cánh. Trang Hạ hiện có một con gái, có lần chị đã tâm sự

- Tôi muốn sinh con trai, để nếu cần nó sẽ cầm súng bảo vệ tổ quốc này.

Hôm nay 17 -12 phóng viên của hãng truyền thông BBC đã có cuộc phỏng vấn chị. Trả lời BBC, Trang Hạ nói

- Chúng tôi đi tuần hành ủng hộ chính phủ trong quan điểm Hoàng Sa- Trương Sa là của Việt Nam. Không phải biểu tình như nhiều nơi đã nói. Vì tuần hành cho nên các cảnh sát đã bảo vệ đoàn chúng tôi qua các nút giao thông. Họ ngăn các dòng xe đang lưu thông trên đường để chúng tôi đi an toàn. Đây là cuộc tuần hành có trật tự và ôn hoà không có trường hợp quá khích Tôi dẫn con tôi đi là để cháu có bài học về địa lý , về tinh thần yêu nước. Để cháu hiểu cháu là một phần của dân tộc này. Về sau có nhiều điều cháu cần phải học nốt, còn quan điểm của cháu lớn lên thế nào là tuỳ cháu. Tôi không ép cháu theo quan điểm của mình.

Các bạn sẽ được theo dõi trong thời gian sớm nhất về buổi phóng vấn này trên BBC. Dưới đây là link đến blog của nhà văn Trang Hạ

http://360.yahoo.com/profile-Vu7viS0laaeZd4RQ7woX3YU-?cq=1

bản tin trước giờ G

Sau khi thay hai nhân vật đầy kinh nghiệm làm báo lâu năm, nhưng không giữ vững tinh thần báo chí cách mạng là Quang Vĩnh, Sơn Phước. Thay vào hai nhân vật cán bộ Đoàn rất Hồng nhưng chưa Chuyên. Lập tức hai cán bộ này đã tô Hồng tờ báo Tuổi Trẻ bằng cách nhại lại lời của Công an Thành Phố Hồ Chí Minh trong một thông báo ra ngày hôm nay

----------------------------------------

Thứ Bảy, 15/12/2007, 16:45 (GMT+7)

Thông báo của Công an TP.HCM:

Phát hiện âm mưu kích động tuần hành, biểu tình

Trong những ngày gần đây, Công an TP.HCM phát hiện âm mưu, ý đồ và kế hoạch của các thế lực thù địch, phản động, trong đó có tổ chức phản động khủng bố “Việt Tân”, trang web “Tập hợp thanh niên dân chủ”, diễn đàn X-caphe và một số trang blog trên Yahoo 360o… lợi dụng mạng internet để kích động thanh niên, sinh viên, học sinh xuống đường tuần hành, biểu tình phản đối Trung Quốc.

Việc lợi dụng kích động tuần hành, biểu tình gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố là vi phạm pháp luật Việt Nam.

Công an TP.HCM kêu gọi thanh niên, sinh viên, học sinh bình tĩnh, kìm chế, tuân theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tỉnh táo không nghe theo âm mưu kích động của các thế lực thù địch, phản động.

Theo Báo CATP.HCM

-----------------------------------

Thật kỳ lạ, là các đồng chí công an TPHCM đã phá một vụ án khó khăn, tinh vi, phức tạp. Tin tức biểu tình được các thanh niên tham gia dấu kín , chỉ bàn trên mạng TTVN, X-cafe và các blog mở. Thế mà các anh đã tìm mọi cách khắc phục khó khăn , phải dùng biện pháp nghiệp vụ tin học mới vào được nhưng nơi đó. Và đã phát hiện ra thủ đoạn tinh vi của những người đang bàn bạc tố chức biểu tình. Kịp thời đưa ra thông báo kêu gọi thanh niên, học sinh, sinh viên đừng tham gia biểu tình âm mưu của các thế lực thù địch.

Nhiệt liệt chào mừng chiến công xuất sắc của các anh công anh TPHCM. Hoan nghênh tinh thần Hồng của Tuổi Trẻ đã công bố thông báo này. Được những người như các anh, thiết nghĩ bọn thế lực thù địch, phản động nào mà gây rối an ninh của tổ quốc được.

Không những chúng tôi hoan hô các anh không thôi, mà kẻ đang cướp đất nước ta cũng phải hoan hô vì ,các anh đã tự nguyện làm theo lời của Tần Cương-Nhà nước Việt Nam đừng để xảy ra chuyện biểu tình nữa Trung Quốc không muốn thế.

Một lời của viên phát ngôn ngoại giao Trung Quốc, mà công an và báo chí Việt Nam ở Thành Phố mang tên Bác đã phối hợp nhịp nhàng thực hiện. Quyết tâm dẹp bọn biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm hai quần đảo Việt Nam. Hỏi còn gì đáng mừng hơn khi quan hệ hai nước đã tiến triển đến mức mật thiết như vậy.

Nếu tôi là ông Lê Dũng, tôi thử phát ngôn rằng : đề nghị đoàn thanh niên cộng sản Mao Trạch Đông tổ chức biểu tình phản đối Quốc Vụ Viện Trung Quốc quyết định sát nhập đất đai của Việt Nam thành của Trung Quốc.Cho nó công bằng tình hữu hảo hai nước láng giềng anh em. Nếu bên ấy họ cũng nghe lời ông Lê Dũng như chúng ta nghe lời Tần Cương thì bộ óc trào phúng nhất thế giới người Thổ Nhỹ Kỳ , a zit ne din cũng phải ngả mũ kính phục hai ông Tần, Lê này.

-----------------------------------------------

Trên Tờ Tuần san Châu Á (Asia Weekly [Yazhou Zhoukan )của Hồng Kông vừa ra ngày hôm nay ( chính xác cách đây 6 tiếng đồng hồ) có tiêu đề '' đằng sau vụ tranh chấp Trung - Việt" có nói đến cuộc biểu tình của những người Việt Nam vào ngày 9-12. Theo tờ báo này thì Trung Quốc rất bất ngờ vì vụ biểu tình đó, tờ báo này quy kết rằng nhà nước Việt Nam đứng đằng sau tổ chức. Họ cho rằng cuộc biểu tình này sẽ ảnh hưởng tới cái ghế uỷ viên thường trựuc HĐBA Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đang hướng tới.

Cũng theo tờ báo này nói rằng. Khi Trung Quốc thông báo quyết định thành lập thành phố Tam Sa thì Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã ngay lập tức mời hai vị đứng đầu đại sứ quán Hà Nội và lãnh sự quán TP Hồ Chí Minh tới để giải thích hành động của Quốc Vụ Viên Trung Quốc. Nhưng hai vị đại sứ Trung Quốc này đã yêu cầu ngược lại, đòi Việt Nam giữ đúng cam kết năm 2002. Tờ báo này chỉ nói qua rằng đó là hiệp ước có Trung Quốc và 10 nước ở khối Liên Hiệp đông Á ký có tên là '' hiệp ước hành động biển Đông.

-------------------------------------------------

Liệu nhà nước Việt Nam có công bố những hiệp ước đã ký liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa đang tranh chấp không ?