Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2007

Tiếng rao

Những đêm mùa đông , lúc mà cây cầu Chương Dương chưa xây, đằng trước nhà là con đê ngập cỏ. Gió từ sông Hồng thổi lên lạnh buốt từng cơn như cắt da thịt. Cả khu phố im lặng đến hoang vắng. 11 giờ đêm, chỉ có tiếng gió rít ù ù ngoài đường. Thảng có tiếng xích xe đạp của người đi làm ca kẽo cọt như tiếng rên của một người đã tuyệt vọng đang đi dần vào cõi tận sinh. Chúng tôi nằm trong chăn bông, con mèo già hết trèo lên người tôi lại lên người thằng em tìm chỗ ấm nằm, tôi nghĩ đến con ma mà mọi người hay kể đang cô độc trên ngọn cây xà cừ già đầu phố, rét thế này chẳng ai đi ngoài đường để nó lè lưỡi đỏ lòm ra trêu. Có khi nó ngủ rồi cũng lên.

-ai ngô rang hạt dẻ naoòo....

Tiếng rao ngân dài trong đêm, tiếng của một người phụ nữ trẻ có âm điệu ngân nga,lanh lảnh nhưng dường như đang chất chứa nỗi nhọc nhằn cơm gạo, có phần ai oán thân phận. Cứ im một vài phút tiếng rao lai vang lên, buồn nhất lúc tiếng rao cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi tắt hẳn.

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Hồi ấy tôi nghĩ câu ấy là nhiều người như tôi đang nằm trong chăn, còn những người có tiếng rao kia đang ở ngoài đường chịu rét mướt , gió sương. Hôm nay tôi về Hà Nội đã gần 11h, khi thấy những ánh đèn muôn màu của khu phố cổ. Tôi rùng mình thèm nghe một tiếng rao ngày xưa, thứ tiếng rao không bị còi xe máy, tiếng rú ga lấn át, tiếng rao ngân dài thật thà không qua loa phát băng ghi sẵn

Tôi ước có thời gian để viết về những tiếng rao, nhưng quả là quá bận. Có lẽ nào những tiếng rao ấy đã mai một dần trong tôi

Tây Bắc ký ( trích trong tập Đi Tìm Thương Nhớ) viêt 2-2003




......Với nụ cười hồn nhiên chất phác,những nụ cươi tươi roi rói luôn bắt gặp trên mảnh đất heo hút này,ngưòi đàn ông xăm xăm vác dao xuống sau nhà,một lát sau đãi thịt gà luộc và chai rượu được bày ra,trong bầu không khí thân thiện quanh bếp lửa,câu chuyện cởi mở.tôi nghe về con đường và cơn lũ,người ta làm đường giở chừng rồi lập một ê kíp ,cũng nghiệm thu,cũng quyết toán và đợi những cơn lũ khắc nghiệt không báo trước tàn phá hoa màu ,cuốn trôi gia súc và cũng phi tang luôn con đường.Biết vậy nhưng ai kêu,người đàn ông ngậm ngùi nói.ngay như phong trào xoá nạn mù chữ chỉ sáng ngời trên báo cáo học sinh đăng ký hôm khai giảng,sau đó ở nhà triền miên để chăn trâu,đi hái lá chít,chặt củi,đến kỳ thi lại lọ mọ đến trường ngồi đợi các thầy cô làm bài hộ.Trong câu chuyện là rượu,rượu êm và ngọt,gà thả rông trên núi thịt chắc và thơm,chuyện khơi đúng nguồn của người hỏi và người nghe,ngoài hiên núi rừng bao la mênh mông ,hùng vĩ,trùng trùng điệp điệp,những đám lá vàng xen lẫn trong thảm rừng xanh như nét chấm phá của bức tranh Le Vi tan.Buổi trưa tôi đã dừng xe đắm đuối ngắm cái màu vàng lạ lùng xuất hiện giữa mùa xuân,tôi cố chụp một kiểu ảnh đẹp bất ngờ ấy,nhưng sương mù giăng khắp đỉnh núi làm tay phó nhòm nghiệp dư không nắm bắt được cái đẹp hiếm hoi ấy.Nhưng đằng sau (bây giờ tôi mới được biết,) đó là một sự mất mát,những rừng nứa già cỗi ,úa vàng,chúng quá già,cái chết đã cận kề bên chúng.không còn lớp kế tiếp,người ta thi nhau bẻ những ngọn măng để ăn,để bán.những củ măng bày bán đầy phố huyện được gom hàng sọt về xuôi.cây nứa già ngắc ngoải trong cái chết quặn mình nhìn con cháu chưa kịp chào đời đã bị bóp chết lúc bào thai.bóc ngắn cắn dài,hàng đêm,cho dù các trạm kiểm lâm có rào chắn và đội ngũ hùng hậu ,trang bị tươm tất,nhưng gỗ trên xe MINSK tròn trùng trục,gỗ trên xe ô tô dài thượt thượt bất chấp tất cả lũ lượt đi trên con đường độc đạo.khó hiểu và dễ hiểu,không có kiểm lâm có khi rừng còn bị chặt ít hơn,có kiểm lâm những tay lâm tặc càng tự tin hơn vì có người che chở.



-Năm 1965 khi làm căn nhà này bố tôi lấy gỗ quanh đây,ngay phía sau nhà tôi cây to một người ôm mọc đầy,chúng tôi làm căn nhà này vật liệu không xa quá một cây số,thế mà bây giờ

,người đàn ông đưa ánh mắt qua khung cửa sổ gỗ chò chỉ nhìn đại ngàn,thở dài não nuột

- Chẳng còn cây to nào xung quanh đây 20 cây,vào sâu nữa thì còn nhưng người ta ta cấm dân chặt vì để bảo vệ rừng đầu nguồn,và song song với việc đó là người ta chặt đẻ tuồn cho bọn đầu nậu gỗ.Kẻ trông giữ là kẻ phá hoại.

Trời về chiều,không thấy mặt trời đâu,mây xám vẫn vũ,trên đỉnh núi cao cuộn cuộn luồng khí đen bao bọc.Chúng tôi lang thang trên bãi bồi ,con sông xanh ngắt lạnh lẽo chảy kế bên,một cánh cò trắng lẽ loi bay ngang đầu.Bãi bồi rộng mênh mông,những mầm ngô mới nhú chừng đốt ngón tay phất phơ lay lắt trong gió.trong đám cuội ven sông,một đàn nòng nọc lúc nhúc luồn lách trong các khe hở của những viên cuội.Không gian vắng lặng,đìu hiu ,thằng X ngồi thẫn thờ bên bờ sông hướng về phía Hà Nội rít từng hơi thuốc,nó ngửa cổ thả lên trời,chắc nó thấy bầu trời xám xịt và ảm đạm quá,lên lại cúi mặt xuống ngắm dòng sông.Tôi bảo nó dẫm cái giày khủng bố xuống nước,giữa cái thanh bình,nhởn nhơ như trêu ngươi của lũ nòng nọc để chụp một kiểu ảnh.Thằng X miễn cưỡng thò chân xuống nước,đàn nòng nọc táo tác bơi.

Nó lếch thếch đi ven bờ sông,cái dáng cao gầy lòng thòng trên bờ đất mấp mô,tay cầm cây gậy chống,xiêu vẹo trong không gian bao la,giữa lúc hoàng hôn hiu hắt của vùng cao đang bao trùm tất cả,cái tranh tối tranh sáng nhập nhoạng đến não lòng.Mới có 4 hôm thôi,mấy ngày qua tôi thấy chốc chốc nó lại mang máy ĐT ra xem.nó mất trí rồi hay sao,đi vào vùng không có sóng 3 hôm rồi mà.

Mặc kệ nó,tôi ngồi nhìn con sông,ơ! đằng kia có một người con gái,cô ấy đang lội qua sông,đến ngang dòng có một hòn đá bằng chiếc bàn khá phẳng,cô ấy leo lên rồi xổ mái tóc dài hơn cả thân người xuống nước,cô cúi người từ từ.Tôi đến gần nhìn thấy dòng tóc đen hoà với dòng nước xanh,lả lướt và mềm mại,muốn chụp một kiểu nhưng ống kính không thu nét được quá 10 mét,và ánh sáng của không gian nhập nhoạng không đủ nữa.Cô vò nhẹ mái tóc mình đang đắm trong làn nước,không biết bao tuổi,nhìn cái đôi má hồng hồng và tươi sắc kia ,tôi đoán cô ấy không quá đôi mươi,chắc chắn là một trinh nữ,vì ở những ngưòi trinh nữ làn da trên mặt họ toát lên một vẻ gì đó tươi sáng và hồn nhiên,thánh thiện.Tiếc quá! không ghi lại được khoảnh khắc ấn tượng.Một người trinh nữ của miền sơn cước đang xoã tóc bên dòng sông vắng lặng ,tịch liêu.Khung cảnh hoang sơ,con người chất phác khác xa những gì ở nơi mà tôi đang sống,nhớ Hà nội ư? Tôi chả nhớ được cái quái gì,đối với tôi ở đâu cũng như nhau cả.

Bên kia bờ sông là vách đất dựng đứng,sạt lở cây cối um tùm,đúng là dòng sông bên lở bên bồi.Không biết thằng X trong lòng có dang lở gì không? Từ con lối mòn giữa lùm cây,một toán người xuất hiện đột ngột.thì ra một đám đàn bà con gái đi làm nương về,họ rửa chân,cười nói ríu rít,âm thanh vang xa,nhưng chẳng rõ tiếng Kinh hay Tày,họ làm người con gái đang mê mải với suối tóc phải ngẩng đầu lên,cô ấy nhìn thấy tôi,thẹn thùng nở nụ cười.

Nửa đêm thằng x loay hoay không ngủ được,nó chồm dậy định đánh thức tôi,nhưng thấy tôi vẫn mở mắt trừng trừng nhìn nóc nhà,nó bật cười rủ "" anh ơi ! nướng sắn ăn đi '''

-Phải đi đào,buổi chiều tao thấy ông già đang nhổ sắn,tao hỏi làm gì,ông ấy bảo cho lợn.

x cười thảm hại;
-Thảo nào em xin sắn để ăn họ không cho,chắc họ ngại mang tiếng,thèm sắn nướng quá,đi đào đi anh.

Trời lâm thâm mưa.tôi cầm dao ,nó cầm đèn pin ra đến bãi sắn,màn đêm đen kịt.Khoảnh đồi trồng sắn khá cao,gió thổi ù ù.Thằng x soi đèn cho tôi đào,cây đầu tiên nhổ lên chẳng thấy củ,khoét rộng bằng cái thúng cũng chẳng thấy củ nào,may là đất cũng mềm,có thể do trời mưa.Đất ở đây gặp lúc trời khô thì rắn như đá,lúc trời mưa thì mềm xốp như mùn cưa.Mấy cây sau ,tôi cứ nhằm cây nào thân to thì nhổ rồi đào ,bới mỗi cây chỉ được một củ.Chẳng giống như tôi xem ti vi trhấy họ nhổ một gốc lên thấy 4 ,5 củ.Đang đào bằng dao,thỉnh thỏang lại thò tay bới,chốc lại không thấy ánh đèn bực quá gắt
- mày soi đèn đi đ. đâu đấy ?

-Em xem có rắn không?

Hoá ra nó soi đèn quanh chân nó,thằng vớ vẩn thật
-rắn mà có thì cũng xuống Lệ Mật cả đi Trung Quốc rồi,mấy trăm nghìn một con,còn đâu để mà cắn người nữa,mày cầm mấy củ kia,lên trên cao đào tiếp.

Đất bết dưới đế giày,đi lại hơi khổ sở,đào được một củ to,vớ được đoạn xương chó ,mèo gì đấy.Giơ lên ngắm rồi hỏi X

- Nếu bây giờ mà đào được người thì sao?

Thằng X mặt biến sắc,ánh sáng ngọn đèn chợt hướng về lối đi phía nhà sàn ,
- Em chạy

- Tao chỉ sợ đào được ngưòi mới chết đang thối rữa,vì mùicủa nó khó chịu và phải trình báo lằng nhằng

-Nếu vớ phải bộ xương thì em cũng chạy

Tôi nhìn mặt nó,không rõ lắm vì tối,khoảng sáng của ánh đèn pin hắt ra
- Xương khô thì làm gì được ai,nếu đào được bộ xương( tôi vừa đào vừa nói) tao sẽ lấy cái đầu lâu,cạo qua lớp đất,rồi về lấy cái máy ảnh.Tao sẽ đặt cái đầu cạnh bao Vi - Na chụp lấy một kiểu.Đem cái đầu chôn lại chỗ cũ.Sau này đem cái ảnh đi khảo nghiệm,nếu mà đầu của bọn Pháp -Mỹ thì anh em mình cũng kiếm được tí ti,còn đầu của người tiền sử thì cũng khá.Còn của Việt Gian hay Việt cộng thì chả giải quyết việc gì.Kệ mẹ cho nó nguyên vị ,dù sao nó cũng nằm đây lâu rồi,đưa về đâu cũng mất công xây cất,cải táng.

Chúng tôi rửa sắn và chân tay ở khe nước,những củ sắn mập mạp sờ đã thấy thích.sắn được lùi trong bếp lửa,trên này nhà dân để bếp cháy cả ngày lẫn đêm.Chúng tôi pha ấm chè,hút thuốc đợi sắn chín.Tôi tranh thủ lấy giấy bút ra chép lại câu chuyện với những người dân vùng cao lúc sáng.Ôi cái chuyện một chi bộ của thôn phải có đủ ba người,rồi một chi bộ mà ba đảng viên là hai bố con cùng với một ông con rể.Một ông chủ tịch huyện có ba thằng con trai,thằng nào cũng lông bông nhăm nhăm tán gái.Còn nhà khác thì cũng ba thằng con,thằng nào chớm đến tuổi là bị xích cổ đi đóng góp nghĩa vụ quân sự.Sự bất công không từ chối mảnh đất heo hút này.Sắn đã chín,vỏ vàng rộp,bùi và nhiều bột,không có sơ.Chúng tôi ăn và hình dung tới người nguyên thuỷ xa xưa.Chắc họ cũng như mình bây giờ.Bà cụ nhà đã lọ mọ dậy,cụ bắc lên bếp nồi bánh gói như kiểu bánh gio bằng gạo nếp để cúng rằm ngày mai ,cụ thấy chúng tôi đang ăn sắn bèn lấy cho ít mật ong đổ vào cái đĩa,món sắn nướng phết mật ong có ngon nhưng rất khé cổ,chốc lại phải chao miệng bằng ngụm nước chè .Tiếng gà gáy lác đác,ở đây toàn những con gà nhỏ xinh xắn mà bọn trẻ Hà nội gọi là gà Tre,điều khác là ở đây người ta nuôi để thịt chứ không làm cảnh.Cụ già bảo,đó là gà lai rồi,gà Tre thật nhỏ bằng nắm tay thôi.

Ngày mai chúng tôi trở về Hà Nội,tôi nghĩ đến bữa rưọu chia tay mà rùng mình.Cứ mỗi bữa rượu là lại có một người họ hàng hay hàng xóm ở đâu đến,thế là chén đầu tiên,chén hỏi tên,chén biết nhau rồi cuối cùng là chả lý do nữa,cứ ngửa cổ mà nốc cho đến khi úp cái chén chỉ rỏ ra cùng lắm là một giọt rượu,lúc nào không ngồi được bò lê lết ,hoặc gào hét toáng cả nhà lúc đó mới được công nhận là hết mình.Một nền văn hoá đẫm mùi rượu,nhưng đó cũng là sự nồng hậu ,chân tình ,chất phác của tích cách dân vùng cao.

Biết đâu về đến nhà,tôi lại nhớ những người dân nơi đây,và cả cô gái gội đầu bên suối có đôi mắt đen lấp lánh nữa.

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2007

Ngõ Tôi

Theo nhà địa dư học Nguyễn Vinh Phúc trong tập phố và đường Hà Nội thì cái tên Ngõ Phất Lộc xuất phát từ một làng ở Thái Bình thuộc huyện Đông Quan, một người dân ở làng đó họ Bùi ,vào thế kỷ 18 theo học ở Quốc Tử Giám rồi ở lại. Dân làng kéo nhau lên ở tự gọi là làng Phất Lộc. Ở số nhà 30 còn nhà thờ tổ của họ Bùi đến nay vẫn tổ chức giỗ tổ hàng năm.


Bây giờ là năm 2006. Nhà thờ tổ họ Bùi vẫn còn do anh Bùi Huy Kế làm trưởng họ. Anh Kế trước lái xe quá cảnh sang Lào thời bao cấp, mỗi khi anh trở về qua nhà, trên ca bin xe gài một khẩu AK và vô số thứ chuyện hấp dẫn làm lũ thanh niên dẩu mỏ lắng nghe quên rít thuốc lá đầu lọc A Lào hay No1 mà anh Kế mang về làm quà. Năm 80 anh Kế lấy vợ , tổ chức cả giàn nhạc sống, kẹo bọc giấy bóng kính, thuốc lá toàn Bông Sen, Du Lịch. Cô dâu ở ngõ trên, xinh xắn, bụ bẫm làm nghề cuốn thuốc lá cuộn. Hồi ấy thì hầu hết đám đàn bà, con gái đều làm nghề cuộn thuốc lá. Thứ thuốc lá hai đầu là sợi vàng ươm, ruột là loại thuốc vụn đen sì. Đám cưới không cần đến xe Ba Đình vì hai nhà gần nhau.

10 năm sau. Người ta gọi anh là Kế hâm. Vợ anh đốt hết tiền của anh dành được sau những chuyến quá cảnh đánh tông Lào, quần Zin vào lô đề, quay sang đi buôn Lạng Sơn gỡ gạc. Cặp với trai. Anh Kế mất vợ, vay được chút tiền tậu cái xe uoát cũ rích. Một ngày chạy , ba ngày sửa. Đêm vác chăn ra ngoài xe ngủ, gặp đêm mưa tạt , nước ngấm qua thành xe không còn chỗ nằm, thu lu ngồi trên ghế. Ngẫm sự đời thấy hay hay bật cười ha hả, mắt long lanh. Tôi thức vì tiếng cười ấy, chạy ra leo lên xe anh xem sao. Anh Kế hoàn toàn bình thường. Anh ấy chỉ cho tôi xem vì sao anh ấy cười

- Mày nhìn con chó nhà bà Hàn, cậu ấy đi chơi gái, giờ đóng cửa đẽo về được. Thành ra cứ loanh quanh mãi. Mấy lần cào cửa. Trông buồn cười quá.

Nói xong anh cười ngặt ngẽo, hồn nhiên như đứa trẻ lên ba.

Thằng Bình nhà Bính là dân lái xe khách, ở nhà 28 nghĩa là sát nhà anh Kế. Thuộc loại có máu mặt. Nó ngồi hàng nước đầu ngõ nhìn cái xe xập xệ đời thế chiến thứ 1,5 của anh Kế phán

- Cái họ Bùi này điên hết rồi.

Tôi thì không tin anh Kế điên. Nhưng từ ấy bọn dân trong ngõ cứ gọi họ Bùi một cách mỉa mai, làm đề tài gán ghép cho mọi câu chuyện vớ vẩn. Nhất là thằng Tuấn cũng lái xe buýt. Nói qua một chút, dân Phất Lộc thời Pháp toàn làm nghề xích lô, ba gác. Cho nên nối nghề nhiều anh sau này đâm mê cái nghiệp chở khách. Cánh lái xe này không biết vì nguyên nhân gì hay chế giễu anh Kế ra mặt. Tự chúng gọi nhau là họ Bùi, thằng này gọi thằng kia là Bùi Gia Minh Đệ, Bùi gia minh Vương, Bùi gia Minh tuốt tuột là họ Bùi gia minh.. hết.

- Dòng họ Bùi ở cái làng giếng chùa này, sắp phất đến nơi rồi

Tuấn cả đẫn cho miếng thịt chó vào mồm nhai rau ráu nói. Cả hội ngồi đầu ngõ, thịt chó chặt chợ hàng Bè. Rượu cuốc lủi Bắc Ninh, mặt mũi phừng phực. Thành Bống nhếch mép cười hềnh hệch hỏi

- Sao mà phất, trúng độc đắc à?

Tuấn cả đẫn

- Vừa rồi có bọn Tây định mua lại cái nhà thờ tổ họ Bùi, anh em mình rượu xong phải vào bảo thằng Kế chia ít của thừa kế. Phần tao chỉ lấy mỗi cái nậm rượu

- Còn tôi lấy cái bát hương. Cái bát ấy bét cũng phải hai cây vàng- Đệ sẹo thêm vào

Thành Bống nốc rượu, hít hà ngọn lá ngổ như đang ngửi mùi tiền

- Kệ các ông, tôi chỉ lấy hai con hạc đứng trên con rùa. Lúc nào hết tiền bán đồng nát cũng được dăm chục.

Chúng bàn với nhau y như chuyện Tây mua nhà thờ tổ họ Bùi là có thật, y như là trong cái nhà thờ tổ ấy có nậm rượu, bát hương, đôi hạc đồng thuộc loại cổ vật. Và y như chúng đang mang họ Bùi thật sự. Tất nhiên là chả có cái gì là thật hết. Nhưng chuyện của họ Bùi là mồi dẫn rượu cho chúng bàn lấy vui.

Anh Kế biết chuyện chỉ cười. Tính anh hiền lành, vả lại thời buổi này đâu có phải vì câu khích bác về họ hàng mà vác dao bầu xả nhau được. Anh nói với tôi

- Chúng mày uống lắm sẽ bị bệnh gan.

Nói xong anh cười sằng sặc khoái chí vì câu nói của mình.

Anh Kế bán xe uoát mua xe máy đi làm xe ôm, đứng đầu ngõ dưới gốc cây bàng. Nhập cùng với hội xe ôm do Tuấn cả đẫn làm. Xe xếp thành dãy, khách lạ thì ai ở đầu dãy đi. Còn khách quen thì của ai người nấy đi. Lúc anh Kế ra làm, bọn này cứ tảng lờ anh mà xếp chặn đầu, khoá đuôi. Vài lần biết ý chúng, anh dựng xe ở cửa nhà, trong giỏ xe đặt cái biển bằng bìa các tông có sơn chữ xe ôm màu đỏ. Hàng xóm ai đi thì đứng cửa gọi. Khách của anh phần nhiều là các bà già vì họ tin anh tay lái cẩn thận. Thu nhập cũng nhì nhằng. Buổi đêm anh vác cần ra hồ Hoàn kiếm câu cá trộm. Khoản thu nhập này cũng được dăm ba chục một đêm, thêm vào cái thu nhập chung khiến anh cũng đỡ phải chường mặt bon chen với đời. Nhiều đêm lang thang quanh hồ đợi bảo vệ, công an đi để hành sự, anh Kế quen một lão già phiêu bạt làm nghề thầy bói rong. Nhiều lần hàn huyên anh Kế có thêm nghề xem bói, hầu đồng, chọn ngày giờ tốt xấu. Anh kể với tôi về cái số của mình

- Anh biết là con Thuỷ ( vợ cũ anh) trước sau cũng không ở với anh. Trai Đinh , Nhâm , Quý thì sang. Gái Đinh , Nhâm , Quý sang hai lần đò. Số anh là vậy, da con heo bọn xương hổ. Làm mãi cũng chả giàu. Thôi thì trời bắt vậy mình không cưỡng. Chả hại gì ai là để phúc cho con cháu rồi

Đoạn anh nở một nụ cười bí hiểm ghé tai tôi nói

- Này nói cho cậu biết, nhà anh còn khối đất dưới ngõ Liên Phái. Ông nội anh cho thuê, giờ anh đang viết đơn đòi. Quả này mà xong, anh cho khối thằng ngõ này lác mắt.

Anh lôi tôi vào nhà, chìa cho xem một đống giấy tờ lằng nhằng nào đáy chứng minh rằng anh có quyền sở hữu đất dưới ngõ chùa Liên Phái. Khỏi cần xem tôi cũng biết là ông nội anh có đất dưới đấy thật. Nhưng đòi được không thì là cả vấn đề. Bọn quan lại đặt vấn đề chia một nửa, bọn dân ở lỳ thì xin trả 1/3 thậm chí là 1/5. Dẫu thế nào anh Kế cũng có tí chút, nhưng anh đồng ý với phương án nào là tuỳ anh. Nghe đâu còn lằng nhằng lắm.

Một đêm tôi về khuya, gọi cửa mấy câu không thấy mẹ dậy. Ngại chả dám gọi nữa, nằm trên yên xe chờ trời sáng. Cả con ngõ yên ắng tĩnh mịch, dáng vẻ hiền lành dưới ngọn đèn đỏ leo lét trên hai cái cột điện. Anh Kế vác cần câu về, thấy tôi nói

- Vào nhà anh mà nằm

Tôi nhỏm dậy dắt xe theo anh, ở cái ngõ này thì tôi có thể tá túc ở nhiều nhà hàng xóm. Tôi vào nhà ai đó buổi trưa hay chiều,ăn hay ngủ chẳng thành vấn đề. Toàn hàng xóm lâu năm, với cả họ chứa tôi vì tôi cũng có làm lắm nghề linh tinh. Tính tôi hay giúp đỡ mọi người. Cũng là có đi có lại.

Anh Kế ở một mình trong căn buồng nhỏ. Cái nhà thờ thì rộng mênh mông, nhà xây kiểu cổ nhiều năm, rêu và hơi ẩm làm nó trở thành một chốn âm u. Xếp đồ đi câu vào góc nhà, quay sang anh bảo

- Này, có biết đứa bán bánh mỳ đầu Mã Mây không

- Biết, cái con béo ịch bán thuê cho nhà ba Tây Lai chứ gì, nó bỏ chồng hay sao ý anh ạ.

-Chồng nó ở quê, thằng ấy cờ bạc kinh quá. Con này phải bỏ lên đây. Anh sắp lấy nó. Bây giờ chỉ đưa nhau về ở thôi.

Tôi cười,

- thôi thì kiếm con osin giặt quần áo, làm đệm thịt cũng tốt chán. Cảm thấy tử tế thì cho ở, không thì lại trả về địa phương quản lý.

Tuần sau mụ Hải giã từ nghề bán bánh mỳ batê thuê, xách một bọc quần áo về nhà thờ tổ họ Bùi làm chấp chính. Tuần sau nữa vợ chồng nhà Kế khệ nệ khiêng một cái bàn, mấy cái ghế khai trương cửa hàng bán bánh mỳ ba te, trứng ốp lết ngoài đường. Mụ Hải mắt lúng liếc , đen láy. Gần 40 tuổi, người lẳn chắc đầy sức sống của thiếu phụ nông thôn từng lam lũ đồng áng. Cộng thêm cái văn hoá thu nhập thêm chốn thành thị và cái khao khát muốn có chỗ trụ vững chắc ở thành phố mụ Hải nhanh chóng hoà nhập với cuộc đời mới. Hải Kế xã giao hồ hởi với mọi người. Đám xe ôm bắt đầu lọ mọ kéo đến lai rai. Câu vào câu ra. Lại là Tuấn Cả Đẫn mở màn

- Em biết không, cái họ Bùi ở làng giếng chùa này là có gốc bị bệnh điên. Anh không nói sai đâu. Em cứ hỏi mọi người thì rõ, thằng Kế nhiều đêm ra ngõ, ngửa mặt đếm sao rồi cười khúc khích. Chắc là bị ma nhập.

Đệ Sẹo, thằng này 48 tuổi chưa vợ, kém đàn anh Cả Đẫn 4 tuổi. Nhưng mồm miệng không hề thua. Thêm lời

- Em biết vì sao vợ trước bỏ nó không, tại vì thằng này có tật cứ nửa đêm dậy thắp hương, khấn vái dưới ban thờ. Vợ nó lâu ngày thấy thế thành sợ bỏ chạy mất dép.


Vài hôm sau, lại chính cái miệng đấy nói rằng

- Con này vớ thắng Kế chẳng qua muốn kiếm chỗ ở Hà Nội

- Ối trời, nó thuộc loại quái thủ đấy, nó biết thằng này sắp đòi được đất, có vốn làm ăn.

- Trông nó dâm lắm, gạ đi là ăn được đấy.

Tôi phải đi xa ngõ mấy năm, lúc trở về thấy mụ Hải đã sinh một cậu bé bụ bẫm bốn tuổi. Thằng bé thật ngộ, bố mẹ gọi nó là Bầu. Tôi thấy nó chạy ra ngoài đường, vội chạy lại tóm gọn cu cậu lôi ra hàng nước mua bim bim dụ dỗ làm quen. Bà bán nước nói

- Trông chả giống bố tí nào, giống thằng Đệ sẹo.

Đêm đầu tiên sau nửa thập kỷ xa nhà dễ gì ngủ được, trời đã vào giữa thu, không khí trong lành, thoáng đãng. Trong ngõ đã nhiều nhà xây dựng làm bộ mặt khác hẳn, nhà cao ngút hai bên khiến khoảng không gian giữa ngõ như trong đường hầm. Mụ Hải bây giờ chuyển sang bán phở mỳ xào buổi tối. Tôi đứng trên ban công hút thuốc nhìn thấy Đệ sẹo đang giúp mụ Hải dọn hàng. Thằng Bầu ngồi trên cái xe máy của Đệ Sẹo hý hoáy nghịch tay ga.

Sáng gặp anh Kế đi làm về, hỏi chuyện mới biết giờ anh đã làm ở công ty xe buýt. Nhưng làm ở chỗ giữ xe, buổi đêm anh phải đánh vào, đánh ra hàng chục cái xe buýt để sắp chỗ, mệt phờ người. Ngày về ngủ, đến chiều dọn hàng cho vợ xong là đi làm. Anh tâm sự

- Bây giờ khó kiếm tiền lắm em ạ, mật ít ruồi nhiều. Mà anh trông cậu còn khoẻ mạnh hơn xưa đấy. Kiếm việc gì làm túc tắc rồi lấy vợ đi. Đấy như anh bây giờ chỉ làng nhàng thế này thôi là tốt rồi, còn hơn khối thằng thất nghiệp ngồi hàng nước. Ban ngày anh toàn ngủ, đi đâu lấy xe anh mà đi.

Anh ngừng lại rồi ghé tai tôi như bầy kế bí mật, cho dù xung quanh chẳng có ai

- Hay là cậu lấy xe anh, ban ngày chạy vài cuốc kiếm tí tiêu vặt. Rồi tà tà tìm việc gì sau. À, mà đi ra đây đã

Anh đưa tôi ra ngõ Bảo Khánh, ăn bún thang của một cửa hàng hai tầng, bán bún thật ngon và to, có cả giò và chả quế, nước ngọt lừ. Tôi tiếc rẻ chỗ nước thừa gọi thêm năm cái quẩy để dúng vào ăn nốt. Anh Kế nhìn tôi ăn ngon lành, lại ghé sát mặt thầm thì

- Hôm nào đến chỗ làm anh, ở dưới Thanh Xuân, có nhiều gái lắm. Toàn sinh viên đại học quanh đấy ra kiếm thêm thôi.

Tôi ngẩn người ra, anh cười hi hí. Về nhà anh dúi cho tôi mấy chục nghìn bảo để uống nước và đổ xăng xe.

Tôi không lấy xe anh đi, chẳng thể mượn xe anh mãi được. Tốt nhất đi đâu thì có cái xe đạp mi ni Trung Quốc của bà chị. Mấy năm vừa rồi toàn đi bộ, nên chân tôi dẻo dai. Cuối cùng nhờ ơn Đảng, chính phủ và 300 nghìn mẹ tôi vay được từ bát họ nộp cho bọn môi giới việc làm. Tôi đã xin được vào làm thợ phụ cho một công ty cơ khí với mức lương 300 nghìn một tháng. Có việc là tốt còn hơn vật vờ ngắm cuộc đời đang trôi tất bật. Người làm đêm, kẻ làm ngày. Chả mấy khi tôi và anh Kế gặp nhau. Bọn xe ôm chầu hàng nước muôn thưở chưa có gì thay đổi. Thằng nào trúng con đề thì cả lũ lại mở chầu rượu giữa ngõ, ao đi qua cũng xỏ xiên vài câu. Có cái khác là bây giờ chúng gọi anh Kế là Kế Phù Thuỷ.

Anh Kế đã đòi được một số tiền lớn từ lô đất của ông bà để lại. Mua cổ phần ở một hãng vận tải. Hàng đêm vẫn đi làm. Thu nhập khá nhưng vẫn điềm đạm trong chi tiêu.

Hôm chủ nhật anh em gặp nhau, anh kéo tôi ra cà phê Giảng. Hỏi han công việc làm ăn, động viên. Rồi anh qua chuyện hàng xóm láng giềng, anh em họ hàng của anh. Đôi mắt anh loé những tia gian hiểm và độc địa, lời nói đầy miệt thị

- Đm, bọn ngõ này đói thối mồm còn hay tào lao buôn chuyện, đàn bà đã đành, đàn ông cũng thế. Như cái thằng Cả Đẫn làm xe ôm, ngày giỏi lắm được ba chục bọ. Hôm nọ vay đểu anh một trăm bảo đong tiền điện. Anh đưa cho rồi bảo nó - Chịu khó mà làm lại cuộc đời em ạ - Mẹ nó 52 tuổi đầu rồi mà đẽo thành người được.

Anh rút bao 555 trong túi đưa cho tôi, hỏi

- Thế làm có được không?

- Em bây giờ được hơn triệu tiền lương, thỉnh thoảng có việc làm thêm buổi tối. Nhưng toàn phải đợi khuya vì ban ngày chật chội, người qua lại. Mình hàn những cái khung sắt to vướng lắm

Anh Kế phẩy tay

- Mày mang ra cửa nhà anh mà làm, mấy có em, con chị nhà anh có nói thì chửi thẳng vào mặt nó. Bảo tao được ông Kế cho làm. Đm bọn khốn nạn, con gái đi lấy chồng mà còn đòi xí phần nọ, phần kia. Mà anh nói riêng cho cậu biết, anh sắp cho chúng nó một quả nhớ đời. Anh làm xong sẽ kể cho cậu, bây giờ chưa được.

Tôi thấy âm sự độc địa từ đôi mắt anh. Cái này tôi khẳng định chắc chắn, vì những năm bôn ba, tôi hay gặp những kiểu nhìn ấy trong cảnh đáy cùng xã hội.

Nửa năm sau, đúng đêm giao thừa. Căn nhà số 30 bốc cháy. Lửa bốc rất nhanh vì ngôi nhà cũ đa phần bằng gỗ, nhưng rui kèo, vì xà bén lửa cháy phần phật. Anh Kế cùng anh rể, em rể hốt hoảng chạy hắt từng xô nước, người chạy đi gọi cứu hoả, đám đàn bà con gái tiếc của gào hét. Xe cưú hoả đến nơi chỉ còn biện pháp đầu tiên là không chế không cho lan sang bên cạnh, hạn chế thiệt hại do ngọn lửa lây lan.

Một thằng anh rể đi cấp cứu, hầu như mọi thứ của cải cháy sạch. Trong đám cháy tiếng ti vi nổ bóng hình đôm đóp, xe máy cong queo trơ cái khung. Của chìm nổi thì không biết còn mất thế nào. Vợ con anh Kế thì đi xe về quê đưa con gà chai rượu cho bà ngoại. Đám chị , em mất nhiều khóc hu hu. Anh Kế đau đớn, kể lể xót xa bởi số tiền lớn chuẩn bị mua ô tô 15 chỗ ngồi. Anh sắp để ra Tết lấy xe đưa đón khách đi lễ hội đã thành tro.


Tôi luôn nghĩ anh không điên. Và một người không điên thì chả dại gì để số tiền lớn trong cái tủ gỗ, nhất là ở chung với mọi người mà mình và họ coi nhau như kẻ thù. Tôi tiếc tiếng cười làm tôi thức giấc trong đêm mưa khi con chó nhà bà Hàn đang cào cửa. Tiếng cười giòn tan chỉ có ở những người mà tinh thần, ý nghĩ không còn vướng bận đến chuyện đời thường.

Dẫu sao tôi cũng vui mừng, vì duy nhất có tôi biết anh không điên

mắt ướt hoen mi

Em có mơ mùa thu cho ai nức nở
Em có mơ, mơ mùa mắt ướt hoen mi
Và em có mơ, mơ mùa thu tới
Hai chúng ta, sẽ cùng chung lối
Em có mơ, mơ mùa thu ấy
tình ta ngát hương.

Mùa thu tràn về trên phố phường Hà Nội tự bao giờ chẳng rõ, chỉ biết một sớm mai thức dậy, thấy làn gió heo may thôi hây hây trên làn da , ánh nắng vàng hoe không còn gay gắt rọi xuống thành vạt sáng trước nhà. Chép miệng , thu rồi đấy.

Trên những con đường, tấp nập, thỉnh thoảng một chiếc xe ô tô con kết hoa, đằng sau là một loạt xe máy, vài cái ô tô nối đuôi nhau. Không thấy ai trong xe hoa kia, những nhìn những người đi theo bênh cạnh. Những chàng trai, cô gái ăn diện, thanh lịch ngồi trên xe mấy, nét mặt rạng rỡ. Mấy bà già ngồi bên ô cửa kính xe ô tô đằng sau bỏm bẻm nhai trầu, mặc áo gấm dài, vấn khăn lụa hoa quanh đầu, kiềng vàng, chuỗi ngọc như đi chùa rằm tháng giêng. Ấy là mùa thu sang cũng chính là mùa mắt uớt hoen mi.

Khi các cô gái về nhà chồng, giây phút thiêng liêng của đời con gái. Mấy ai mà chẳng rỏ lệ. Thương mẹ già không người giúp đỡ, thương em dại thơ ngây mắt nai rạng rỡ thấy nhiều người ăn mặc đẹp, không khí xôn xao, bánh kẹo tràn đầy, muốn chơi gì không ai cấm. Thấy chị mình mọi ngày lam lũ nay được làm trung tâm , nổi bật với bộ áo trắng muốt như các nàng công chúa trong chuyện cổ tích, thế là thích chí. Biết đâu chị đang ngẹn ngào hỏi lòng, từ nay ai giặt áo cho em, ai sẽ hướng dẫn cho em giải những bài toán khó, ai kể cho em chuyện cổ tích về những chú lính chì dũng cảm


Người phụ nữ trong đời mình sẽ còn khóc nhiều lần. Nhưng chỉ có lần khóc duy nhất này là đặc biệt, nó xuất phát từ nhiều tâm trạng, nhớ thương, hồi hộp, vui mừng và chút xót xa cho những gì riêng của mình nữa.

Bây giờ không còn tiếng pháo đón dâu, thiếu đi những vỏ xác pháo hồng như những cánh hoa phượng rải trên đường như tấm thảm đón đôi uyên ương, lệnh cấm pháo đã ban hành được 10 năm làm không khí ngày cưới giảm đi nhiều. Ngày nay đám cưới tổ chức ở hội trường trọn gói luôn tất cả ăn uống, mặn ngọt. Khách đến buổi trưa, cô dâu chú rể đã đón sẵn nhau về từ trước, trực sẵn ở cửa hội trường chào đón đưa mọi người vào từng mâm. Đến đầu giờ chiều là tan hết. Mọi thứ chóng vánh vô cùng. Đúng là thời hiện đại.


Những đám cưới thời trước có pháo nổ giòn, xác pháo tung bay, khói pháo thơm lừng. Người ta dựng rạp từ hôm trước, đám cưới tổ chức tại nhà, chật một tí thì căng rạp ngòai đường. Ngày vui trăm năm có một, hàng xóm bị bít đường vòng đi lối khác, chả ai cầu nhàu. Thậm chí đến tối lại sang xem có gì làm giúp, vặt lông gà, kê bàn ghế, trải khăn bàn, tỉa hoa,nhặt rau. Các bà vừa làm việc bếp vừa trò chuyện, trêu đùa rả rích. Đám đàn ông căng bạt dựng rạp căng phông màn trang trí, kê loa đài, chỉnh âm thanh, gánh nước xong kéo nhau làm ấm trà. Đoạn lấy cỗ bài làm vài ván vui vui gọi là trong lúc chờ đợi các bà các chị có gì cần nhờ vả. Lúc nửa đêm, chân gà, tim gan không dùng cho bữa cỗ thì nấu làm nồi cháo để mọi người lót dạ. Lúc nghỉ ngơi ăn, trong tiếng sột soạt, hì hụ lẫn tiếng bàn công việc, tí nữa cái nọ làm món kia, rửa bóng cho kỹ, nhớ tẩy rượu gường kẻo hôi, tiếng đàn ông vẫn còn dư âm vụ bài bạc, tiếc quá con tam văn mà mình ăn được thì ù tám đỏ lèo con chi ngay sau đó. Đến sang sau mọi việc đã tinh tươm, tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng, nhạc bật rộn rã. Gần trưa thì khách lục tục kéo tới, người ta chào như từ xa bằng giọng thân thiết, ấm cúng và lịch sự nhất

Chào cụ ạ, chào ông ạ


Bố cô dâu, hay chú rể đứng trước cổng có kết đèn hoa cúi rạp người. Hôm nay ông lôi bộ quân phục hay comple cất tứ lâu trong tủ mặc, râu ria , tóc tai cắt tỉa gọn gàng. Khác với mọi ngày xuềnh xoàng trong bộ cánh nâu ra hàng nước đầu phố hút thuốc lào.

Mấy cụ hàng xóm , mọi khi với ông vẫn bỗ bã với nhau, nhỡ khi mới hôm kia còn ngồi khoanh chân uống rượu. Hôm nay trịnh trọng khác thường, quần áo chình trang, giày da bóng lộn tuy từ nhà mình sang có vài bước chân. Phải vậy mới là chúc vui các cháu...............

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007

chiều trên cánh đồng




user posted imageuser posted imageuser posted image


Chiều đến đi qua những cánh đồng quê người dân đang thu hoạch rau củ , sau bữa cơm chiều bắt đầu thồ rau ra Hà Nội. Đến 12 giờ đêm chiếc xe đạp thồ rau đến chợ đầu mối. Sáng hôm sau ở các chợ trong thành thị, những bó rau xanh ngắt đã bày trên mẹt chờ các bà, các chị nội chợ. Trong lúc người hái rau, người đi tưới, có người tranh thủ xuống vũng nước mò trai, ốc về cải thiện bữa ăn chiều. Cậu bé cầm gáo đi tưới giúp mẹ, bắt gặp ống kính máy ảnh sợ hãi khóc oà. Còn bà cụ với chiếc áo cánh rất đẹp cần mẫn dùng con dao nhỏ hái từng cọng rau cho khỏi nát, xếp nhẹ nhàng gọn ghẽ từng nắm nhỏ. Xa xa từng chiếc xe thồ đậu ở bờ ruộng chờ rau xếp lên. Một khung cảnh thanh bình, yên ả. Nắng vàng nhẹ, gió cũng nhẹ lòng người đâm ra cũng nhẹ


Thứ Ba, 27 tháng 11, 2007

Tin buồn

Vào hồi 4 giờ sáng nay. Khách không mời đến thăm công ty, đã vô tình mang đi 2 máy tính xách tay, 1 máy ảnh , tiền bạc.

Nội vụ đang được cảnh sát điều tra khẩn trương làm rõ.

Quá đen, hôm qua mà xách máy ảnh, máy tính đi thì đỡ bao nhiêu

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2007

Hai người hai lối, ai buồn hơn ai




-Đức Phật dạy, người ta tu 500 năm mới có cái duyên chạm vai nhau, vậy 500 trước đệ tử với thầy từng có duyên với nhau chăng ?

- Vâng, ngày hôm nay ngồi với nhau trên ngọn núi này, không thể không có duyên.

Nhà sư lần tràng hạt, từng ngón tay mân mê hạt gỗ tròn màu nâu bóng màu thời gian

Kẻ cầm máy ảnh nhìn lên ngọn thông cao vút, hắn nghĩ đến 500 năm về trước. Bên cạnh nhà sư vẫn lần tràng hạt mặc hắn suy tư.

500 năm trước, rừng lau sậy um tùm che kín bãi sông đất Phương Chiểu. Ngôi làng ven sông ẩn trong rặng tre già, làng nghèo mái tranh, vách đất hơn mươi hộ. Dân làng dàn bà trồng dâu, nuôi tằm. Đàn ông làm nghề bện dây thừng cung cấp cho đám thuyền chài dưới sông qua lại ghé vào mua.

Một chiều mùa đông, gió lạnh thổi nghiêng ngả bãi sậy ven sông, ráng chiều hấp hối màu tím tái, dưói hiên nhà mái gianh, mưa phùn theo nhánh lá gianh nhỏ giọt. Hai anh em nhà nọ ngồi bên mâm cơm đơn sơ, đĩa rau lang luộc và đĩa tép rang khế. Người anh xới bát cơm vun đầy đưa cho em

- Em ăn thật no nhé

Người em nâng bát cơm, ngửi hơi cơm thật lâu. Tự nhủ, những hạt gạo cuối cùng trong nhà đây.

Trăng đã lên chếch mái nhà, người em khoác tay nải lên vai, nhìn lại ngôi nhà lần cuối. Anh đưa em ra bến sông, họ đốt đuốc hoa mấy vòng gọi đò. Em nói

- Đi ban đêm để không thấy quê nhà anh ạ.

Hai năm sau, người anh nghe tin em mình đang bị quan quân truy nã vì theo đảng cướp...

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2007

Nước Việt




Ở chân núi Hồng nước Việt, có bọn cướp tụ tập. Hàng ngày dân chúng quanh vùng có việc đi qua núi đều bị chúng chặn lại dùng vũ lực bắt nộp thuế qua núi.Dân nước Việt rất lấy làm phẫn nộ, bèn cùng nhau gửi đơn đến triều đình nhờ quan quân tróc nã bọn cướp. Triều đình cử quân lính đến chẳng mấy chốc mà đánh tan phường thổ phỉ. Nhân dân qua lại núi được yên lành, phấn khởi lắm.

Một nghìn năm sau, trong một quán rượu ven đường lên kinh đô. Tại một bàn ngay góc cửa sổ có ba chàng trai đang ngồi tính kế mưu sinh làm giàu. Chàng thanh niên mặc áo lam nói

- Bây giờ ta đi buôn đất đai, nhà cửa chẳng mấy mà giàu

Chàng thanh niên mặc áo màu trắng nói

- Hay ta lập đội xe ngựa, chuyên chở khách đi các nơi ?

Chàng thanh niên thứ ba mặc áo đen nói

- Ta đi đầu tư cho vay lấy lãi nhanh hơn

Bấy giờ có một bác già nằm trên cái ghế, dáng chừng đang tạm nghỉ tấm thân mỏi mệt vì quãng đường xa, râu bác dài, mái tóc bạc phơ, vầng trán cao rộng, đôi mắt tinh anh. Cất tiếng trọ trẹ khuyên

- cạc chụ nọi ngu bọ mẹ, việc ni để cho bọn dân đen nọ làm. Cạc chụ theo tui, lập cái đảng cướp công khai . Chụng mình chỉ việc ngồi mà thu thuế bọn nọ làm không hơn răng ?

Cả ba chàng quay người lại, thấy bác già bộ dạng tinh anh, quắc thước, áo vải đỏ lừ. Ngôn từ giản dị mà súc tích. Biết là cao nhân bèn vái chào. Bác già đứng dây, phủi áo nói

- Ta là thạnh nhân mà trạng Trình đã nọi về khe Bò Đái thất thanh buổi xưa. Nay thấy cạc chụ có tinh thần nhiệt huyệt lợn. Ta cho cạc chụ theo ta học cạch làm bộ đời trong thiên hạ. Nghìn năm trước tổ tiên ta từng làm thổ phỉ ở núi Hồng kia. Sau bị triều đình giải tán, lúc lâm chung cụ tổ dạy giằng

- Kiệp này ta làm cượp đêm, khổ cực muôn phần, lại còn mang tiếng ạc. Một nghìn năm nựa vận dòng nhà ta đện. Kẻ kệ tục hạy cộ làm cượp ngày, vừa cọ nhiều vàng bạc lại cọ danh thơm. Dân đen đời đời cung phụng và xưng tụng.

Nghe lai lịch bác già xong, ba chàng thanh niên nâng chén kính gọi bằng thầy. Đây là bước khởi đầu của đảng Hồng Lĩnh thành lập. Lịch sử Đảng còn ghi rõ ngày này, đến nay hàng năm vào mùa xuân. Đảng Hồng Lĩnh lại treo cờ, căng phướn phô danh uy thế lẫy lừng của mình để trấn áp thiên hạ.

Thánh nhân khe Bò Đái là lãnh tụ tối cao, đảng trưởng ,kiêm chưởng môn đời thứ nhất tên gọi là Hồng Cụ. Ban đầu để kêu gọi dân chúng, thu nạp môn đồ. Hồng Cụ đề cao khẩu hiệu. Mọi người đều phải bình đẳng, không có người giàu, người nghèo. Tài sản trong thiên hạ gộp chung lại do nhân dân bầu ra nhóm người quản lý. Thanh thế như chẻ tre, đi đến đâu dân người hưởng ứng đến đó. Chẳng mấy lên đến hàng vạn, khi đến kinh đô. Hồng Cụ bức triều đình cũ giải thể, lập lên triều đại mới lấy tên là Đại Đồng Xã Hội Nam Việt.

Trải qua ngót 70 năm. Hồng Cụ đã về chín suối từ lâu. Còn ba chàng thanh niên thuộc hàng khai đảng công thần thì số phận thận bi đát, bởi buổi đầu kho khăn gian khổ của cuộc khởi nghĩa. Lần lượt ba chàng đã hy sinh làm thân tốt để bảo vệ chưởng môn và sự nghiệp của đảng Hồng Lĩnh. Hồng Cụ mất đi nhưng cũng tìm con cháu các bậc khai đảng công thần sung vào các chức vị trọng yếu trong đảng và triều đình. Lúc lâm chung, Hồng Cụ dặn

- các môn nhân phải biết đoàn kết mà chăn dân, điều cốt yếu là chăn dân làm sao như mình đánh cá, săn thú đừng quá tay chúng cạn kiệt, không sinh sôi, tuyệt chủng thì khốn.

Các môn nhân thuộc hàng trọng yếu đứng bên giường Hồng Cụ, có người hỏi

- Xin Hồng Cụ cho biết đảng Hồng Lĩnh ta tồn tại được bao năm?

Hồng Cụ ngóc đầu lên nhìn, thấy đó là cậu bé người dân tộc Tày, bèn ghé tai thầm thì

- 80 năm con ạ

Các môn nhân khác không nghe rõ Hồng Cụ nói gì với môn nhân Tày, lòng rất đỗi hoang mang. Họ đều mang trong lòng mối lo âu ,phấp phỏng. Bởi vậy sau này họ thấy môn nhân Tày ăn hối lộ 1 họ phải ăn 2, không đủ họ nghĩ ra mọi loại thuế để bắt nhân dân cống nộp từ thuế đường, thuế chợ, thuế ỉa, đái, ăn. Từ trẻ con mẫu giáo đến người già sắp chết. Cứ nhất cử nhất động là phải đóng thuế. Họ họp với nhau nói bàn rằng

- Thằng Tày nó được cụ tiết lộ thiên cơ, nó biết sắp hết thời nó tranh thủ kiếm chác. Tội gì chúng ta không kiếm chác.

Không biết thế nào, nhưng dân Việt càng ngày càng khổ cực vì thiên tai, lũ lụt, dịch bệch tràn lan. Mẹ bán con đi làm điếm, anh giết em, vợ giết chồng, con hại cha. Cờ bạc rượu chè nghiện ngập lan tràn, lừa đảo, giết hại, hãm hiếp nagỳ càng gia tăng. Khổng Phu Tử dẫn học trò qua đất Việt thấy cảnh ấy ngậm ngùi than

- cớ vì đâu nước Việt nông nỗi này, phải chăng trên bất minh thì dưới bất nghiêm ?

Có kẻ áo vải nước Việt là Người Buôn Gió đang cày dưới ruộng, thấy Khổng Phu Tử than vậy bèn dừng trâu bật cười ha hả. Không Phu tử lấy làm lạ bèn xuống kiệu chắp tay hỏi nguồn cơn. Người Buôn Gió nói rằng

- Ông mới sang, biết một mà chưa biết hai. Lời nói vội vàng không sao thâu tóm được tình hình nước Việt.

Không Phu Tử nói

- Ông ở đây lâu, liệu có lời khái quát chăng

Người Buôn Gió hắng giọng nói một hơi như con vẹt

- Do tình hình thế giới biến động, các thế lực thù địch ngày càng ráo riết thực hiện âm mưu phá hoại... khó khăn do nguyên nhân khách quan..một số bộ phận môn nhân xa rời lý tưởng...trong tầng lớp nhân dân không theo kịp lối sống hoà nhập với xu thế mới sinh ra thất vọng, bi quan....nhưng nhìn chung kinh tế tăng trưởng đều...vấn đề tôn giáo, nhân quyền được cảỉ thiên.....các mức thuế triều đình ban hành thực ra trên thế giới đã áp dụng từ lâu....

Khổng Tử nghe xong chắp tay vái

- Người Việt ai cũng thấm nhuần cả

Vái xong rồi dẫn các để tử đi về hướng Tây. Con trai Người Buôn Gió ngồi đầu ruộng bi bô

- Do tình hình thế giới..thế lực....một số bộ phận ..xa rời..nhìn chung..

Người Buôn Gió quay lại gắt

- Không phải thế, đời tao đã thế mày cũng thế sao. Tất cả do Hồng Cụ, nếu ông ta lúc lâm chung nói to rằng. Đảng Hồng lĩnh thọ cả nghìn năm nữa thì đâu đến nỗi các quan tận thu như ngày nay

Con Trai Người Buôn Gió bật cười ha hả nói rằng

- Bố biết một mà chưa biết hai, nếu Hồng Cụ nói nghìn năm nữa. Các quan lại tự nhủ rằng. đảng ta còn thọ nghìn năm nữa cơ mà. Bây giờ có cướp hết của dân thì cũng chả sao, tội gì chẳng tận thu, mưa lúc nào mát mặt lúc ấy. Câu này đi cày trời nắng bố vẫn nói đấy thôi.

Khổng Tử đi đã xa, trò là Tử Do mới hỏi

- Sao ban nãy thầy nói, người Việt ai cũng thấm nhuần cả. Con chưa hiểu nguồn cơn vì đâu nước Việt điêu linh

Không Tử nói

- Người ta thường nói về nhân quả, cái triều đình nước Việt nhân của nó là bọn thổ phỉ ở núi Hồng xưa kia mà thành. Bởi quả nó vậy là điều tất nhiên, ai mà chẳng thấm nhuần.

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2007

Entry for November 22, 2007





Khai Đảng Công Thần Liệt Sĩ

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại thôn Diêm Điền, xã Thái Hà, huyện Thuỵ Anh, tỉnh Thái Bình.Nguyễn Đức Cảnh là một trong bảy người tham gia thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở nước ta (chi bộ 5D Hàm Long Hà Nội). Về Hải Phòng, tổ chức kết nạp và thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng vào đầu tháng 4/1929, trực tiếp làm Bí thư chi bộ.Tháng 6/1929, tổ chức Đông Dương cộng sản Đảng được thành lập (tại số 312 Khâm Thiên Hà Nội). Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời, phụ trách phong trào công nhân, hoạt động tại Hải Phòng và khu mỏ. Tháng 7/1929, được Đảng giao nhiệm vụ, Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội đại biểu Công hội đỏ Băc Kỳ. Tại hội nghị, đồng chí đã báo cáo tình hình giai cấp công nhân trong nước và chủ trương của Đảng tổ chức Công hội đỏ nhằm đẩy mạnh phong trào cách mạng, lấy công nhân làm nòng cốt. Đại hội bầu Ban chấp hành Tổng công hội. Nguyễn Đức Cảnh uỷ viên Trung ương Đảng được bầu vào làm Tổng thư ký.

Tháng 8/1929 Nguyễn Đức Cảnh được chỉ định làm Bí thư Ban chấp hành Đông Dương Đảng cộng sản Đảng Đảng bộ Hải Phòng. Với cương vị mới, đồng chí sắp xếp lại tổ chức củng cố phát triển Công hội đỏ, học sinh hội thanh niên đoàn huấn luyện cán bộ, xây dựng Hải Phòng thành một cửa ngõ liên lạc trong và ngoài nước.


Tháng 4/1931 trên đường đi công tác trở về cơ sở Nguyễn Đức Cảnh bị sa vào tay giặc, tại làng Yên Dũng Hạ, cách thành Vinh chừng vài cây số. Bị kẻ thù tra tấn hết sức dã man, nhưng dù chết đi sống lại vẫn không khai nửa lời, giữ vững khí tiết người cộng sản. Trong nhà tù đế quốc, Nguyễn Đức Cảnh luôn động viên giúp đỡ đồng chí, đồng đội, hướng niềm tin về tương lai tươi sáng.

Ngày 17/11/1931 Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân bị đưa xuống Hải Phòng thi hành án tử hình. Trong thời gian bị giam tại nhà tù Hoả Lò Hà Nội đồng chí tập trung trí tuệ sức lực viết tài liệu 'Công nhân vận động' đúc kết kinh nghiệm về công tác vận động Công nhân của Đảng.

Sáng sớm ngày 31/7/1932, Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân bị địch chém, trước đề lao Hải Phòng. Bước lên máy chém Nguyễn Đức Cảnh hô vang khẩu hiệu:

- Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm,

- Đả đảo đế quốc Pháp, đả đảo hội đồng đề hình

Nguyễn Đức Cảnh ra đi ở tuổi 24 tràn đầy mơ ước và nhiệt huyết cao. Người Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Hải Phòng.

Lúc 9h15’ ngày 21.9.2007 tại khuôn viên Cty CP giày da Thống Nhất (An Dương, TP. Hải Phòng) và hiện được quàn tại Nhà tang lễ Quân khu 3 (Hải Phòng) dưới sự tìm kiếm tâm linh của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Hằng ngoại cảm có nói lại rằng cụ Cảnh muốn về Hải Phòng chơi một tháng. Cụ Cảnh chỉ tìm thấy xương, còn đầu lâu thì không biết thực dân Pháp đã mang đi đâu.Muốn nói chuyện với cụ, một thượng toạ đã dùng gáo dừa làm phép để thay đầu cho cụ. Gáo dừa sau khi làm phép đã trò chuyện với Hằng ngoại cảm chỉ yêu cầu nhỏ làm đàn tế gồm 4 vị thượng toạ và kèm theo đồ lễ đơn sơ có hơn trăm triệu bọ.

Sau khi chơi ở Hải Phòng cụ Cảnh sẽ trở về quê hương Thái Bình. Hài cốt cụ đi đến đâu cũng được đón tiếp long trọng. Khi cụ nằm ở Hải Phòng, nơi để hài cốt cụ là bệnh viên Z đã từ chối tất cả các di hài khác.

Con Người Buôn Gió, xin có lời thỉnh cụ và các cụ khai đảng công thần. Tuy rằng các cụ đã hy sinh vì đất nước. Nhưng con số người hy sinh cho Việt Nam từ khi đảng ta dẫn dắt là hơn 4 triệu người. Rất mong các cụ tiết kiệm một tí. Vì đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Lũ lụt liên miên. Nếu các cụ muốn gì thì cứ vật bọn tham nhũng ra mà lấy. Chúng nó lấy hết của bọn dân đen chúng con rồi ( nếu như bọn ấy giám định có huyết thống với các cụ thì chúng con đành kêu trời vậy)

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2007

Tôi muốn dại khờ

Khuôn mặt chị bừng bừng lửa giận, người phụ nữ bốc lửa của nền văn học Việt Nam đương đại với tác phẩm viết về đàn bà gây sóng gió. Chị kể về nam diễn viên trẻ tuổi của nhà hát Tuổi Trẻ chết đuối dưới hồ Thuyền Quang còn gọi là hồ Ha Le hôm nọ bằng giọng nói nghi ngút căm phẫn.

- Khi người mẹ nhận được tin từ điện thoại của Chí Trung, bà già hồ tìm con. Ven hồ vẫn đầy người rải chiếu uống rượu. Bà bấn loan, hốt hoảng chạy quanh hồ. Sau có thằng nghiện đang chích ở gốc cây nó bảo- bà tìm cái thằng mặc quần bò ban nãy nhảy xuống hồ à, nó dãy một lúc không bơi được vào bờ. Chìm rồi. Bà mẹ mếu máo chạy vào đồn công an gần đó. Các đồng chí công an bình tĩnh trước sự việc, khuyên nhủ bà

- Chị cứ yên tâm, con chị bây giờ nằm dưới hồ. Lúc này không ai giúp được chị vì đêm rồi. Sáng mai sẽ có người vớt.

Nữ nhà văn rùng mình khi nói đến đây, chị giơ tay lên trời làm điệu bộ oán than. Chị tức tưởi nói

- Cũng là người mẹ, tôi hiểu nỗi đau mất con. Chị biết bà mẹ của nam diễn viên kia xót xa thế nào khi nghe nhà chức trách dửng dưng khuyên câu như vậy. Còn bao nhiêu người quanh hồ uống rượu, cà phê lúc ấy. Họ làm gì khi nhìn thằng kia nhảy xuống hồ. Nó là thanh niên, cái bản năng sống của nó mạnh lắm chứ. Nó chết ngay sao được, nó còn phải dãy giụa, ngoi ngóp vài phút. Thế mà từng ấy người dửng dưng. Đấy cái xã hội này là thế, họ khôn quá, tội gì mà nhảy xuống giúp. Có khi chết oan. Có lần con chị về kể, nó đi học trên xe buýt thấy thằng móc túi của người đứng trước. Nó không dám kêu. Chị nói với nó - con làm thế là đúng, kêu lên nó rút dao đâm sao. Chị nói với con xong cả đêm chị day dứt, tại sao mình lại xui con làm như thế. Thế là hèn, thế là sai trái. Nhưng biết làm sao, chị gào lên trông ấm thầm, con ơi mẹ không thể xin lỗi con.

Chị muốn làm người lãng mạn, làm ngươì ngây thơ, dại khờ một chút. Nhưng không được, cuộc sống bắt chị phải khôn ngoan, đanh đá, chua ngoa. Cái lần chị mua máy tính của bọn Z. Chúng nó bảo hành 29 ngày. Đến ngày thứ 31 thì tịt ngóm. Chồng chị mang máy đến, chúng nó bảo hết bảo hành. Muốn thay đồ thì trả tiền. Anh ấy gọi điện về, chị ở cơ quan không kìm nổi. Chị gọi đến bọn ấy, bảo gặp thằng giám đốc. Chị nói luôn là thằng. Nó ra nghe máy, vâng tôi giám đốc đây, chị hỏi mày có máy tính nối intenet ở đấy không. Vâng có. Mày vào google đánh tên tao vào đấy. Mày biết tao là ai xong tao nói chuyện với mày. Thằng đó nó đổi cho chị máy mới. Nhưng đấy là chị, chư sngười bình thường thì sao, họ đành phải chịu thôi. Đóng tiền mua bảo hiểm y tế, có bệnh đi khám chữa, bác sĩ nó đối xử như con chó. Ai đứng ra bênh vực, kiện ai, khiếu nại, kiện cáo đến bao giờ mới được giải quyết. Chi nói với chồng chị về mọi chuyện, chị bảo cảm thấy cuộc sống con người chỉ tự mình bảo vệ mình, bằng mánh khoé, thủ đoạn thôi. Không ai đi bảo vệ cho mình cả, hàng hoá giả, kém chất lượng, có độc tố mua vào ăn thì chết. Chẳng có ai đi bênh vực cho chuyện ấy...chồng chị là hoạ sĩ, anh ấy bảo

- Thôi em, thời này âm binh đang thịnh.

Nhà văn Y Ban đứng dậy, chị nói

- Hôm nay gặp em, cùng ý nghĩ như chị, chị nói được ra thế này là nhẹ bớt người. Cám ơn em nhé, hôm nào qua đây nói chuyện, chị chiều nào cũng về qua đây.

Nếu các bạn muốn mua sách mới giá gốc giảm từ 50% đến 20% thì chịu khó qua 104 Tô Hiến Thành. Thư quán của nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Có thể gặp gỡ nói chuyện với các nhà văn hay đánh cờ với các cao thủ. Sau đó ra về mới mớ sách giảm giá hết cỡ. Cũng là cách thư giãn chiều thứ bảy, sau tuần làm việc gian truân


Thứ Năm, 15 tháng 11, 2007

Sống trên đời sống,,,để làm gì?

Để trả lời những câu hỏi ?

Một ngày nọ, ta ở trong bụng mẹ đã được thời gian. Trong đấy ấp ám và yên tĩnh. Ta chỉ việc ngủ ngon lành. Người ta hỏi

- Thế nào, bao giờ thì ra?

Một ngày mùa đông rét mướt, ta lặn lội chui ra khỏi bụng mẹ. Không gian xung quanh ầm ĩ bao nhiêu đứa khóc, chúng gào váng tai. Tức mình ta cũng gào như muốn nói, sao ầm thế, lạnh thế, trống trải thế. Tiếng gào của ta phiên âm qua cái miệng không răng thành tiếng

- Oà ao ao oà ao à à.

Ta bị quấn chặt bởi cái tã, tìm mãi mới thấy hơi ấm quen thuộc của mẹ. Ta uống từng dòng sữa đầy dinh dưỡng mà cơ thể tiết ra. Mẹ ta chăm ta tốt lắm. Sữa mẹ ngọt ngào, thật là một thứ không gì thay thế được. Ta nằm ngủ trong nôi, mẹ ru à ơi. Tiếng ru dịu dàng như ve vuốt ta

- à ới cái ngủ mày ngủ cho ngoan

Thế rồi người ta lại hỏi

-Thằng này đã biết nẫy chưa ?

Ta đành phải nẫy, ta lấy hết sức để lật người, ngẩng cái cằm cao khỏi mặt giường để nhìn chung quanh. Chả có gì hay ho cả, mỏi cổ lắm. Nhưng mãi ta không về vị trí cũ được, sau hồi vất vả ta lại nằm được xuống. Đấy tôi nẫy cho các người xem rồi đấy, mệt lắm đỏ cả mặt đây này. Để tôi nằm yên

Mấy tháng sau họ lại đến hỏi

- Thằng này biết bò chưa?

Ừ thì bò, ta trườn một lúc, thấy tức ngực quá bèn chống tay, chống đầu gối bò đến cái món đò chơi la mắt đầy màu sắc họ giơ trước mặt. Cái xúc sắc kêu lanh canh, ta giơ tay với họ lại lùi lại dử trêu ta. Chán quá ta gào

- Oà oa à a

Người ta nguýt môi

- Thằng này ăn vạ tài ghê

Ta không ăn vạ, mà ta muốn nói họ đưa cho ta cái xúc sắc ấy. Nhưng vì cổ họng ta bé và răng ta chưa có lên âm thanh đi qua miệng thành tiếng gào như thế.

Ta bò quanh nhà được vài tháng họ đi qua hỏi

- Thằng này chưa đứng được à ?

Sao mà phải đứng ? Họ thật lắm chuyện. Ta cứ bò.Nhưng họ khoẻ lắm. Họ dựng ta đứng dậy, nắm hai tay ta. Ta đứng trên đôi chân yêu ớt, gắng mãi mới trụ nổi. Họ cười khà khà

- À thằng này đứng được đên nơi rồi.

Thôi thì đằng nào cũng vậy, ta cũng phải tập toẹ đứng lên một mình. Chao ôi ngã dập cả đít, đau ơi là đau. Muốn khỏi đau thì phải cố đứng cho chắc. Ta bám vào thành giường đứng., giờ thì không ngã được rồi, lại có thể từ từ ngồi xuống. Rồi ta thử đi, ngã đập đầu xuống đất đau điếng. Họ đi qua hỏi

- Thằng này chưa biết đi à?

Ta đi mấy bước cho họ tịt cái mồm hay hoạch hoẹ lại. Tưởng họ nhìn thấy sẽ thôi không hỏi linh tinh. Nào ngờ họ lại hỏi ?

- Biết đi rồi à ? Thế bao giờ biết nói đây?

À, cái này họ hỏi đúng. Ta cần biết nói để gọi mẹ. Chứ nhiều khi mẹ bận việc nhà quên khuấy mất ta. Thế là ta luyện giọng, uốn lưỡi mỏi cả miệng để phát âm

-mee, mẹ..

Mẹ mừng quá , kêu

- A con tôi biết gọi mẹ rồi !

Mẹ khoe với bố, bố bảo gọi bố đi. Gọi bố khó quá, nói mãi chỉ thành tiếng bô bô. Nhưng thế cũng làm bố sung sướng cười rạng rỡ. Vừa biết nói chưa được bao lâu, người ta đến, thấy mẹ đang ẵm cho bú. Họ hỏi

- Thế thằng này chưa cai sữa à?

Quân độc ác, sao lại nghĩ ra hỏi câu dã man thế được cơ chứ. Bé không ti mẹ hay sao mà hỏi ác thế. Ta bị mẹ cách ly, thèm sữa mẹ ta gào toáng khản cổ. Bố đút cháo loãng cho ăn. Mãi rồi cũng quen, cháo đặc dần lên thành cơm. Ta nói cũng đã nhiều, biết nhiều. Đây là chuỗi ngày tháng sung sướng chỉ co ăn rồi chơi, đập phá tùm lum mà không bị đánh mấy. Họ đi qua thấy ta đang chơi vui vẻ, nhăn mặt hỏi đểu ngay một câu

- Thằng này chưa đi học à ?

Mẹ dẫn luôn đến trường, ở đó từ sáng đến trưa. Bao nhiêu đứa khóc thút thít. Trong cặp mẹ đưa có cái bảng, viên phấn và giẻ lau. Cô giáo cầm cái thước đập đập lên bàn , mắt cô hằm hừ như sẵn sàng táng cái thước vào đầu đứa nào không nghe lời cô. Cô viết trên bảng cái vòng tròn như quả trứng gà rồi bảo cả lớp hô khi cô chỉ thước vào

-o..o..o..o

Cả lớp há miệng thật tròn để kêu như gà trống gáy buổi sáng. Cô giáo ngoắc cái nét nhỏ vào bên đầu chữ o, hơi lêch vào bên trong. Cô kêu

-ơ

Cả lớp lại há miệng kêu

-ơ..ơ

Thế là ta đi học, con đường gian khổ này kéo dài dằng dặ mười mấy năm. Nhàm chán và buồn tẻ, cứ đến trường nghe giảng. Tối về nhà học bài cô giáo. Ta như con vẹt bị bắt lặp lại nhưũng điều cô giáo dạy. Mười mấy năm qua. Ta không phải học nữa. Ta thở phào nhẹ nhõm, nhìn sang bên bỗng thấy má cô bạn cũng lớp ửng hồng trông hay hay. Ngực cô bạn nhú cao, eo thon, mông nở. Nhìn mãi chỉ muốn ôm lấy và cắn lên đôi môi đỏ của cô. Dường như cô ấy biết ý xấu của ta. Cô ây nguýt cái bằng đuôi mắt long lanh. Làm ta nuốt nước bọt ừng ực. Thế rồi hôm liên hoan chia tay, ta cầm tay cô ấy lúc nào không biết. Cô ấy để yên, bọn ta đứng trong bóng tối bọn kia không nhìn thấy.Ta thơm lên má cô, cô cúi đầu không nói gì. Đứng mãi như vậy đến khi chia tay

Thời gian trôi đi, mỗi người một nơi. Ta sống kiếp phong trần, làm lãng tử, giang hồ . Một ngày nào đen đủi, số phận quất cho một đòn ê chề. Khi tỉnh dậy đã thấy tuổi 30. Cái tuổi mà các cụ nói tam thập nhi lập. Người năm xưa mái tóc đã bạc lại đến hỏi ta

- Cháu đi làm gì chưa ?

Ta đi làm theo đúng nghĩa lao động, mồ hồi đổ ròng ròng trên mặt. Nắng xói trên đầu, mưa ngấm ướt lạnh bờ vai. Đôi bàn tay chai sạn vì búa, kìm, các dụng cụ khác. Ta thành thợ chuyên nghiệp có tay nghề. Mái tóc bạc phơ, lưng hơi còng đi qua hỏi

- Bao giờ cháu lấy vợ ?

Ta lấy vợ. Thế là giã từ cuộc sống tự do, ngày đêm có người quản thúc. Đi đến nơi về đến chốn. Chào đám bạn bè, chào những đêm tụ tập đánh chẵn, những ngày háo hức theo dõi các trận gà chọi, bóng đá. Ta chỉ có xem ti vi, đọc sách và thỉnh thoảng kể cho vợ nghe một vài kỷ niệm quãng đời ấu thơ và phiêu bạt. Mái tóc bạc không còn chỗ nào để bạc, răng cũng rụng rồi. Nên câu hỏi cũng phều phào

- Bao giờ các cháu có con ?

Thế là năm sau vợ ta đẻ, thằng bé ra đời. Người khác đi qua lại hỏi thằng bé như hỏi ta năm xưa. Họ lại hỏi ta cháu cai sữa chưa, cháu biết nói chưa, cháu đi học chưa.......?

Một ngày nào đó mấy chục năm về sau, lưng ta còng, tóc ta bạc. Ta đi qua nhà ai thấy một thằng bé con, một thằng trai 30 tuổi..ta lại hỏi như người xưa đã hỏi ta. Rồi ta nghe từ xa xăm nào đó, tiếng ai nghe thân quen lúc ta lọt lòng. Âm thanh trìu mến như muốn dắt ta đi khỏi cái đời sống quá mệt mỏi vì trả lời các câu hỏi. Tiếng ai quen quá cơ, nhưng câu hỏi thật lạ lùng

- Đã đi được chưa ?

Lạ lùng vì nó là câu hỏi của mấy chục năm về trước, lúc ta tập toẹ đứng lên. Chắc hẳn lần đi này khác với mấy chục năm về trước. Ta đi

Một chuyến đi




Chiều, nắng vàng nhạt dần trên vạt sườn núi. Xe dừng lại ở quán tạp hoá ven đường nghỉ chân. Chiếc xe tải chở 3 thằng đàn ông. Một ông lái xe, một ông chủ hàng và tôi, cậu trai 18 tuổi.

Anh Dân là anh thằng Hưng bạn chí thiết của tôi, anh đi buôn chuyến Tây Bắc, mang hàng hoá lên cho bà con vùng xa. Xe chở nước mắm, thứ nước mắm sánh ra ngoài khô thành vệt trắng. Anh bảo hàng thửa đấy, nước mắm toàn muối pha với phẩm màu, có tí chút hơi hương mùi nước mắm mà thôi.

- dân tộc ăn thế thôi, mày đi với tao biết đây đó, thằng Hưng nhà tao lười lắm.


Tôi mang quần áo lên xe đi theo anh Dân. Anh tròng vào cổ tôi cái túi nói

- Cấm rời xa, tiền đấy, mất là chết


ôm bọc tiền trước ngực, xe đi từ Hà Nội lên đến đây, đoạn nào nghỉ ngơi tôi ngồi khư khư gìn giữ cái túi tiền của anh. Xe chúng tôi đến Ngã Ba Kim trời đã về chiều, những con chim rừng nhao nhác bay về tổ. Con đừng từ thị trấn Yên Bái đến đây xấu khủng khiếp, đá lổn ngổn giữa đường hòn to bằng đầu người, hòn nhỏ bằng nắm tay xếp như trận đồ. Xe đi lắc lư, một bên là bờ vực thăm thẳm. Chúng tôi đã bán vơi gần nửa xe nước mắm. Còn phải đi qua Mù Cang Chải vòng sang Than Uyên, Cam Đường nữa mới bán hết hàng. Công việc buôn bán thật đơn giản. Cứ qua khu có dân vào hiệu tạp hoá nào đó, chủ hiệu lấy hai ba can. Anh Dân đi nhiều lần chủ hiệu nào cũng quen hết. Họ trả tiền luôn.

- Xuống xe vào đây ăn cơm


Tôi đứng cửa ngắm mây mù vờn trên đỉnh núi như bức tranh mà tôi xem hồi nhỏ trong tập Tây Du Ký. Thấy bà chủ đang nói gì đấy với một thằng bé khoảng 8 tuổi. Nó đen nhẻm, đi chân đất, mặc bộ quần áo dân tộc màu chàm. Tóc lơ thơ hoe vàng vì nắng. Thằng bé đang chỉ tay vào cây gỗ nói vẻ phân bua. Bà chủ lắc đầu không đồng tình. Nó mắm môi, quả quyết xốc cây gỗ lên vai. Cây gỗ to bằng đùi tôi, dài gấp đôi sải tay tôi nằm ngang trên vai thằng bé, nó quay người bước đi. Tôi hỏi bà chủ, bà bảo nó bán cây gỗ Pơ mu, đòi 2 nghìn . Bà trả nó 1 nghìn nó không nghe.

- Kệ nó mang xuống kia mà bán, giỏi thì lên núi đi vòng tránh trạm


Gỗ pơ mu dưới xuôi 3,5 triệu đồng một khối. Nhưng mang về được không là một chuyện. Từ trong rừng về xuôi có bao trạm kiểm lâm,kiểm soát. Cứ qua một trạm giá gỗ tăng gấp mấy lần. Dân buôn gỗ rất giàu vì vậy, họ có cửa thông đồng với kiểm lâm, kiểm soát. Dân lấy pơ mu trong rừng vác ra ven đường bán cho các hiệu tạp hoá. Rồi chủ buôn gỗ nhỏ đi gom về cho chủ to. Trong nhà bà chủ chất một đống pơ mu chẳng hề dấu diếm. Bà nói đây đã là trong rừng, mang đi qua trạm mới bị bắt. Còn để đây đun cũng chẳng sao. Tôi mải chuyện với bà thì thằng bé đi khuất sau vách núi, chỗ đoạn cong con đường. Đường ở đấy chạy quanh núi cho nên rất nhiều đoạn cong, bỗng dưng tôi nghĩ. Thằng bé kia muốn bán cây gỗ đấy nó phải vác đi chí ít là 8klm nữa, chẳng lẽ nó chân đất vác đi như vậy à ?. Trời gần tối rồi, nhà nó ở đâu đó trên núi. Nơi có con đường mòn nhỏ dẫn đến hiệu tạp hoá. Nó bán xong lộn về nhà, con đường khấp khểnh đầy đá. Đi bộ không còn thấy khốn nạn huống chi là vác cây gỗ. Tôi bỏ bà đấy chạy theo.

Thằng bé cầm lấy 2 nghìn, tôi vác cây gỗ lên vai. Nó nói tiếng dân tộc tôi chẳng hiểu gì. Cây gỗ khá nặng, thế mà nó định vác đi 8klm nữa thì khiếp thật. Tôi đến mép vực ven đường,ngó lựa thế rồi lao cây gỗ xuống đó. Cây gỗ lăn lông lốc xuống vực sâu. Tôi quay lai thấy thằng bé trừng mắt nhìn cây gỗ mất hút dưới vực. Tôi nói

- Mày về nhà đi kẻo tối.


Bà chủ quán đang vặt lông gà, thấy tôi về bà nói

- Chú vặt hộ giúp chị, chị thổi cơm, luộc gà tí là xong. Trên này không có chợ, thức ăn hiếm lắm không như dưới xuôi. Có con gà đẻ trứng để ăn hàng ngày, nể chú Dân quá. Chú ấy bảo để lại cho chú chẳng lẽ không để. Bốn hôm nữa mới đến phiên chợ, đợt này phải mua thêm mấy con ngan nữa thả dưới suối sau nhà,lắm cá thia lia lắm. À thế chú chạy theo cho thằng bé tiền à?

Tôi vặt lông gà, cúi mặt nói

- không, em mua của nó. Mua xong ném mẹ nó xuống vực. Hai nghìn bạc nó vác đi nữa để chết à?

Bà chủ quán cười

- Đúng là dân xuôi lên ngược lần đầu, nó khoẻ lắm. Nó đi bộ xuống Yên Bái còn được nữa à. Đến vụ táo mèo á, nó vặt trong núi tha ra đây cả ngày lẫn đêm. Chú vất thế nó lại mò lên cho mà xem.

Cơm nước xong, tôi ngồi uống nước mãi. Rồi vào phòng có chăn bông và đệm cỏ lau nằm đánh một giấc. Nửa đêm thèm thuốc lá, chợt nhớ để ngoài xe. Mò ra đến xe thấy tiếng thở hổn hển, đến gần nghe thấy tiếng anh Dân thì thầm cùng với tiếng thân thể va nhau huỳnh huỵch

- Nhớ anh không, sướng không?


Tiếng bà chủ hiệu

- nhớ lắm, thích lắm

- thế không có anh thì nhịn à?

- nhịn đấy, một tháng rồi nhịn đấy, ấy đi anh, ấy ấy đi, đừng hỏi nữa..đang sướng


Tôi quay vào nhà, phòng ngoài ông lái xe vẫn thức. Ông ấy mở măt chờ cái gì đó, tôi hỏi

- Anh chưa ngủ à


Ông ta cười bí hiểm thầm thì

- Tao đợi trả con gà.Thằng Dân trả một nửa, tao trả một nửa. Mày có thích trả không?


Tôi ngớ người không biết hỏi

- Có con gà tưởng anh Dân trả tiền, bao nhiêu mà phải ba người trả. Thế ăn phải chung tiền chia nhau trả à?


Ông lái xe ngồi dậy nhăn nhở cười không thành tiếng chỉ tay xuống quần nói

- Trả bằng cái này này, trả thế lần sau đi qua mới có gà ăn em ạ.


Ông đưa thuốc lá cho tôi, ông cũng hút một điếu. Ông nói

- Mấy con đàn bà bán hàng ven đường toan là dân dưới xuôi, đi làm kinh tế mới, nông trường lên đây. Làm nông trường thiếu thốn , ra đây mở hàng quán buôn vặt lại khá. Mỗi tội thiếu anh em mình. Cái này còn khổ hơn cả thiếu gà, cá ý.


Hút xong điếu thuốc tôi vào nằm,lát sau nghe tiếng cửa, tiếng anh Dân nói

-Ra đi, đến ông trả bài đấy


Ông lái xe cười hùng hục hỏi

- Cho cả thằng em chơi nữa, ba anh em mình mụ ấy mới đã. Mấy hôm nữa quay về sướng quá mua trâu mổ cũng lên


Anh Dân gắt

- Xin ông,ông biến ra nhanh lên. Nó còn bé.


Hình như ông lái xe đã đi trả một nửa con gà. Lúc ăn tôi chén cái đùi cả cái phao câu. Tí nữa ông vào bắt tôi trả thì ghê phết. Tôi cố đếm từ 1 đến 1 nghìn để ngủ, cuối cùng tôi cũng ngủ. Sáng dậy ra sau nhà, xuống suối ị một bãi. Đi lên gặp bà chủ hiệu má đỏ hừng hực, cười tươi nói

- Gớm thanh niên 17 bẻ gãy sừng trâu có khác, tuổi ăn, tuổi ngủ. Đêm qua gáy khò khò ý.



Chúng tôi ngược tiếp đi lên trên. Bà chủ thẹn thùng liếc anh Dân và ông lái xe với con mắt hứa hẹn nhiều điều. Xe lên Cam Đường bán hết nước mắm, quay về Mù Cang Chải đợi hai ngày để bà con dân tộc đi lấy ý dĩ cõng ra bán. Hai ngày ở đây, ban tối đi vào nhà ai cũng thấy bàn đèn thuốc phiện. Già, trẻ quây quần hút.Ông lái xe chìa tôi cái tẩu nói

-Làm vài bi cho vui.


Tôi lắc đầu chối vội, gì chứ thuốc phiện thì quanh nhà tôi bán đầy.Nhìn những người nghiện khổ lắm. Họ đi nhưng những bóng ma. Sáng sau xe đầy ý dĩ lặc lè trên con đường về xuôi. Qua Ngã Ba Kim đúng trưa. Bà chủ hiệu làm thịt ngan. Tôi đi xuống bếp rửa mặt, nhìn thấy cây gỗ bằng bắp đùi tôi , dài gấp đôi sải tay nằm trên đống pơ mu. Bà chủ hiệu thấy tôi nhìn cây gỗ nói

- đấy nó mò lên mất cả một ngày đấy, tôi mua lại 2 nghìn cho nó đỡ phải vác đi. Chú muốn tôi cho chú mang về đóng cái ghế. Gỗ này ở trong nhà ruồi muỗi tránh xa.


Trưa anh Dân bảo tôi ngủ trông xe. Đến 3 giờ chiều chúng tôi về xuôi. Xe đi chòng chành trên những hòn đá, tôi nhìn bên vực sâu thấy lạnh người từ sống lưng lên gáy. Ông lái xe bình tĩnh như không, ông điềm tĩnh nói như không có gì nguy hiểm

- Làm xong một cái rồi,lại đòi cái nữa.Lúc xuống bếp rửa ráy, mụ ấy lại sờ soạng đòi thêm. Cố mà chiều. Hỏi mụ ấy không có anh thì em bấn lên làm gì. Mụ ấy chỉ cái cây to bằng bắp đùi, dài hơn đầu người xó nhà bảo. Em dựng cái cột kia lên, ôm lấy cọ vào cho đỡ bấn



Tôi chợt thấy trên vách núi đằng xa có bóng người thấp thoáng, hình như thằng bé hôm nọ thì phải. Mãi nhìn tôi quên mất nỗi sợ vực sâu ngay mép đường. Bóng áo chàm nhấp nhô rồi mất sau lá cây rừng. Chiều xuống, sương bắt đầu giăng



Thứ Ba, 13 tháng 11, 2007

Màu thời gian




Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh

Đoàn Phú Tứ làm thơ không nhiều, ông là nhà viết kịch. Nhưng với chỉ bài Màu Thời Gian ông đã được xếp vào hàng thi nhân của Việt Nam. Bài thơ có giai điệu thanh thoát, nhẹ nhàng. Nỗi buồn vương vấn, mảnh mai len lỏi trong lòng người đọc. Một chút hoài niệm, man mác về mối tình đẹp của người xưa.

Màu thời gian hôm nay không nồng và cũng không thanh. Thời gian đem lại cho con người mái tóc bạc sương,nếp nhăn lam lũ kiếp đời vất vả . Những cụ già với gánh hàng rong thi thân với nắng mưa, gió bụi. Lăn lóc trên mọi nẻo đường. Gom góp mồ hôi để đổi lấy những đồng tiền lẻ.



user posted image


Trên con sông chảy qua thanh phố, sâu sau lưng ông cụ già kia trăm mét là những biệt thự tráng lệ , trong ga ra có những chiếc xe hơi bạc tỷ nằm phủ bạt. Cụ già với con thuyền nhỏ mong manh như chiếc lá cần mẫn dọc sông thả rọ tôm. Trải thân dưới cái nắng chói chang.


Tuổi thơ tôi đã từng là kẻ bán rong, từng là kẻ gò lưng bơm xe đạp kiếm tiền phụ giúp gia đình. Những năm đầu thập kỷ 80.Mẹ tôi quẩy đôi quang gánh chứa dép nhựa đi dọc những con phố cất tiếng rao

- dép ơ, ai dép cũ đổi dép mới ơ !

Tôi vác cái bơm xe đạp đi đằng sau mẹ, lưng đeo một cái bị đựng dép cũ mà khách hàng đổi lấy dép mới. Bao giờ mẹ tôi đi vệ sinh, hay đi lấy hàng. Gánh dép đặt trên vỉa hè con phố Hà Nội nào đó. Tôi dựng cái bơm bên hè. Vừa bán hàng vừa bơm xe cho khách. Buổi tối mẹ ngồi vuốt ve những đồng tiền nhàu nhĩ như bà cụ bán chuối trên kia. Tôi ngồi học bài.

Thế mà hồi ấy tôi vẫn là học sinh giỏi, đi thi cấp thành phố. Bây giờ tôi ngồi văn phòng, máy móc đầy đủ, điều hoà chạy vè vè. Tôi chả làm được cái gì ra hồn. Trong khi đó ngoài kia, vẫn như hơn hai mươi năm về trước. Nhưng kiếp người cho dù đi gần hết thời gian làm người, vẫn còn đang lặn lội ,lần hồi kiếm từng bữa cơm.


Thứ Hai, 12 tháng 11, 2007

Entry for November 12, 2007

Sáng giờ chửi hơi nhiều, bắt làm hơi nhiều đấy nhé. Hôm qua bóng đã thua tiền, vợ cằn nhằn về muộn. Hôm nay lại thế này. Mới mùng 3 đầu tháng thôi nhé. Viết blog thì chưa ảnh hưởng gì đến công việc đâu.
Mấy cái bản khảo sát, dự toán này đáng nhẽ bọn kinh doanh phải làm đấy nhé.

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2007

Lại tụ tập




Hôm qua vợ chồng nhà Buôn Gió tụ tập chiến hữu tại nhà. Em Từ Nữ Triệu Vương xoen xoét nhận lời từ hôm trước nhưng đến bữa thì không thấy mặt. Em ý điện thoại cho biết phải chăm sóc giai của em ấy chiều thứ bảy. Tổ sư em, mùng 1 mà cũng chả kiếng cữ gì cả. Máu thế.

Cô Chíp82 cũng thế, cô ấy còn hứa hẹn đến sớm giúp anh chị. Nhưng rồi bóng chim, tăm cá. Cũng biền biệt mất dạng luôn.

Các em có chồng con, có người yêu ổn định là chắc chắn nhất. Hẹn là đến, thông cảm cho mấy em không đến kia. Vì còn đang thời điểm ong bướm vờn hoa, thời gian khó mà bảo đảm được.

Hoa Ti Na dù con cái dắt díu, nhưng nàng đến đúng giờ mặc dù nhà rất xa. Hai mẹ con đi từ quận Hai Bà lên Hoàng Quốc Việt. Anh Tôm mang cho Tí Hớn quyển truyện tranh màu sắp phong phú, sau đó anh đánh chén nhiệt tình không hề ngại ngùng bố con nhà Tí Hớn.

Mai Quốc Ấn Thánh Thi Thần Tửu như mọi khi, chàng đến đúng giờ. Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao, tóc tai mượt láng. Hai tay hai loại rượu hiên ngang đặt lên mâm. Nào ngờ lang quân của em Li Liên ngồi sẵn trên mâm bao giờ cười nhạt nói

- Rượu của mày ăn thua được rượu này không?

Dứt lời rút ra một chai to tổ bố dí vào mặt Người Buôn Gió

- Ông anh khách quan thử một tí trước

Người Buôn Gió nhấp môi, cay xé đầu lưỡi, kinh khiếp thốt

- Rượu nặng quá, uống một ngụm quay táng mất. Xin cho uống rượu của Thánh Thi.

Em Li Liên cười tươi như hoa, tự hào về đấng lang quân của mình. Kể ra cũng đáng thôi, bao năm mai phục, giăng bẫy bây giờ mới tóm được chàng. Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao, hàm én, mày ngài. Mỗi tội chê cái kính cận nặng quá ảnh hưởng tới phong độ. Tuy nhiên chàng này cái gì cũng biết, từ tài sỉu, đồng banh, chấp 2 ăn nửa đến các dòng văn học thế giới chả sót tác gia nào.

Nhân vật nam chính trong entry Bến Tình Yêu vẫn nhỏ nhẹ như mọi khi. Anh ngồi khiêm tốn một góc , ban ngày anh vừa làm hướng dẫn viên cho hai thằng cựu chiến binh Mỹ đi thăm lại Việt Nam. Anh kể các cựu chiến binh Mỹ rất buồn vì có cuộc chiến ấy, nhưng anh được Người Buôn Gió an ủi họ bằng câu thơ của Hoàng Cầm

- Ông ơi buồn làm chi
Tôi đưa ông về bên kia Hoàng Quốc Việt
Ngày nay nhà nghỉ gái như bèo
Chinh chiến qua đi
Dòng đời ảm đạm
Số phận chênh vênh trên chủ nghĩa mơ hồ.

Người cuối cùng đã tới. Chị về nước lúc nào cũng chẳng ai biết, trên cái blog đình đám mấy triệu lượt đọc của chị. Các fan hâm mộ vẫn nghĩ chị đang bên xứ Đài mây trắng lắm. Buổi sáng Người Buôn Gió gọi hú hoạ cho chị, nào ngờ máy reo. Hoá ra chị về nước lúc nào, hành tung bí ẩn. Sáng Việt chiều Đài Loan chả ai biết được. Trang Hạ chẳng bao giờ lỗi hẹn, dù chị vừa chân ướt, chân ráo về nước với bao dự án phải làm. Nhưng với cố nhân Người Buôn Gió nặng mối thâm giao , chị gắng giải quyết công việc để đến đúng giờ.Lại còn mang cho Tí Hớn chiếc ô tô xịn, có điều khiển. Làm cho Tí Hớn định phang anh Tôm vì tội láu táu xem xe .

Tất cả vào bữa nhiệt tình, chuyện trò rôm rả. Trong câu chuyện bên bàn nhậu lúc ấy, có nhiều tình tiết, thông tin bổ ích của đời sống văn hoá, chính trị, kinh tế trong nước. Nhưng là ý kiến của các cá nhân. Trong số họ có người là Đảng Viên, Nhà Văn, Nhà Báo cho nên vì tôn trọng sự nghiệp của các chiến hữu. Người Buôn Gió không đề cập trong en try này những chuyện nhạy cảm.

À mà nhắn Thánh Thi hôm qua ăn được trận Li nhé, phút 81 trở đi mới ghi bàn. Lần sau đừng đánh bóng chấp sâu thế. Còn em Li Liên về sớm thế, không cầm quyển Sa Đoạ của Camus anh cho mượn. Lúc nào qua lấy về mà đọc nhé


Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2007

Quán nước gầm cầu




Từng nghe báo nhà đưa những cảnh, tin về cuộc sống người già ở nước ngoài ( nhất là các nước tư bản phương Tây) sống cực khổ. Họ phải lê la không nhà cửa ngoài đường. Hay sống như tù nhân cực khổ trong trại an dưỡng. Qua những hình ảnh và tin tức đó, chúng ta hình dung đến một xã hội bất công, vô nhân đạo của chế độ tư bản.

Xã hội chủ nghĩa của chúng ta ưu việt hơn, người già của chúng ta nếu không có gì ăn. Có thể tuỳ ý làm mọi nghề để sinh sống. Chẳng hạn đi bán cháo trai rong hoặc bán nước ở gầm cầu như bà già trong ảnh. Nhà nước tạo mọi điều kiện để người dân được sinh sống, buôn bán. Không kể mọi lứa tuổi. Thế mới biết bọn tư bản độc ác, chắc chúng không cho những người cao tuổi đi bán hàng rong như chúng ta. Bởi thế người cao tuổi bên ấy chỉ trông chờ vào đồng lương hưu ít ỏi, vào trợ cấp bèo bọt để sống. Cho nên họ mới khổ sở như vậy. Đằng này ở ta, các bác cụ tha hồ buôn bán, kiếm ăn. Bà già này còn có tiền để tậu những hai cái xe đạp, một cái quầy hàng. Có cái áo cánh mới, lại có cả tất đi ở chân chống rét. Thật là một chế độ tốt đẹp như thiên đường

mời các cô, các chú tụ tập

Chiều nay tại nhà của Người Buôn Gió sẽ có cuộc tụ tập nhậu nhẹt. Buổi sáng đi chợ đã chuẩn bị nhu yếu phẩm tươm tất. Các cô, các chú nhớ đến nhé. Cô, chú nào chưa biết tin thì đọc en try này cứ theo giờ mà tới. Sẽ có cuộc tào lao, phét lác ra trò

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2007

người bán đào hôm 30

Chiều 29 Tết tháng thiếu, Hà Nội đã vãn người. Trên đường Hoàng Quốc Việt những người bán quất đang dọn hàng về ăn bữa cơm cuối cùng trong năm, họ bứt quả mang về. Để lại những cây quất xác xơ bên hè đường. Những cây quất mà mới buổi sáng còn xum xuê, trĩu quả đầy sức sống, giờ đây lá héo quắt nằm vất vưởng trên hè. Duy có giống đào người ta không bứt được hoa , nhưng những cành đào để lại thảm hại không hơn quất, nụ hoa đang rữa ra rơi lả tả. Chỉ cần cơn gió nhẹ hay một chiếc xe ô tô lướt trên đường nhựa tạo chấn động nhẹ trên vỉa hè, cũng khiến cành đào đang năm rùng mình nhả xuống hè những cánh hoa.

Tôi đi dạo trên đường, nhìn một năm cũ đầy thất bại đi qua. Chỉ còn 6 tiếng đồng hồ nữa là năm mới sẽ sang. Thắp xong nén hương trên mâm cỗ cúng tổ tiên. Tôi ra đường chờ tàn tuần hương để xin lộc các cụ, ăn bữa cơm cuối năm với vợ con.

Mới hồi nào tôi ngồi chờ bố thắp hương chiều 30 , bụng đói không chịu nổi. Bố tôi bảo hết hương mới được ăn. Tôi ngồi giả vờ quạt đuổi ruồi, kỳ thực là quạt cho hương nhanh cháy hết. Cứ chiều 30, năm nào cũng vậy, bố tôi thắp hương xong ngồi thẫn thờ nhìn xa xăm. Năm 12 tuổi, tôi hỏi bố buồn ạ. Bố bảo bố thương ông bà, lúc sống khó khăn.Bây giờ con cái có làm cơm ngon mấy thì cũng được hưởng đâu. Bao giờ con người ta làm bố mới hiểu lòng cha, mẹ con ạ.

Gần 20 năm rồi, bố tôi không còn nữa. Tôi đã có con trai, chiều 29 này tôi ra khỏi nhà một phần vì nhìn nó cười đùa. Tôi thấy thương bố tôi vô vàn. Trong ký ức miêm man về một tuổi thơ bất hạnh, bước chân tôi dừng lại trên một đống cành đào vất vưởng như trận đồ. Một người đàn ông đang bẻ những nhánh đào còn đẹp trên những cây đào bỏ đi, ông búi nó lại thành những bó đào tươm tất hơn. Chắc ông để cắm vào lọ. Thấy tôi đứng nhìn, ông nhặt một bó cành đào nhỏ đã chọn lọc khá đẹp hỏi tôi có mua không. Thì ra người bán đào về muộn

khuôn mặt của ông trở nên thảm hại, đầy thất vọng. Tôi tiện mồm hỏi cho có chuyện, chứ nhà đã mua chậu mai rồi. Mang đào về để đâu. Tôi quay người bước đi. Người đàn ông với theo

- 3 nghìn nhé

Tôi quay lại hỏi ông

- Sao chú không về đi, giờ này ai cũng về nhà rồi. Kiếm thêm mấy nghìn nữa làm gì.

Bó nhành đào hạ xuống theo cánh tay buông thõng.Người đàn ông ủ rũ nói

- Tôi cần 10 nghìn thôi, để mừng tuổi con tôi. Tôi không có nhà để về, con trai tôi ở với mẹ nó.

Tôi ngạc nhiên

- Con chú bao tuổi mà mừng

-Nó 8 tuổi

Tôi sững người, ông ta có con 8 tuổi thôi à ? Sao ở tuổi ông ta lại có con nhỏ thế nữa. Tôi đưa ông 10 nghìn nói

- Chú cầm lấy , cháu mua bó này và bó chú đang buộc dở kia. Nhưng chú bán xong phải đi về, không nhặt đào bán nữa

Ông ta gật đầu lia lịa. Tôi cầm hai bó đào về nhà, vợ gắt

- Có mai rồi, anh mua làm gì. Làm gì còn chỗ để nữa. Chắc gặp em nào xinh xinh gạ mua chứ gì.

Tôi kiếm cái lọ, đổ nước và cho cả hai bó nhành đào vào đó. Trông cũng đẹp. Đến tối cơm nước xong, dắt xe đi hái lộc. Lúc 9 giờ tối, tôi gặp ông bán đào đang cầm bó nhành đào hươ hươ dưới mép đường mời những người đi qua. Tôi chép miệng, chắc ông ta lại bịa chuyện với ai đó về đứa con 8 tuổi.

Những ngày Tết tất bật trôi qua rất nhanh, mùng 6 Tết cuộc sống thường nhật đã trở lại. Chợ búa họp láo nháo người mua bán. Tôi đi qua đường Nguyễn Văn Huyên, thấy tay lái hơi lạng. Dừng lại hoá ra lốp sau hết hơi. Dắt bộ một đoạn thì nhìn thấy cái bơm và hòm đồ vá xe trên vỉa hè. Tôi dắtt xe lên hè ngó quanh chờ người vá. Một người đàn ông từ quán nước bên đường vội vã đi sang. Ông ta bước chân lên vỉa hè hỏi

- Chú vá hay bơm?

Tôi nhận ra người bán đào năm ngoái ( mới có mấy hôm). Ông chưa nhận ra tôi. Tôi bảo ông cứ tháo săm xem thử có vết châm kim nào cần vá không. Ông ta mở đồ nghề lúi húi tìm cách tháo săm. Bàn tay gầy đen đúa lóng ngóng đưa thanh sắt bẹt đầu nhỏ như que đũa bẩy lốp ra khỏi vành. Săm xe bị nốt hở nhỏ, dìm trong chậu nước mấy lần mới phát hiện. Lúc ông ta mài săm ở chỗ thủng, tôi ngồi xuống bên cạnh hỏi chuyện

- Chú đã mừng tuổi cho con chú chưa

Ông ta ngẩng đầu lên, một lát nhận ra tôi. Người mua đào muộn chiều năm ngoái. Ông lắc đầu đầy bi đát

- Vợ tôi nó không cho đến, nó bảo phải hết TẾt mới được thăm con. Loại tôi đến nhà nó vào ngày Tết , nó sợ rông cả năm. Đây này - ông móc túi ra tờ giấy gập tư, mở tờ giấy có tờ 50 nghìn và 20 nghìn trong đó cho tôi thấy - tôi định mừng tuổi thằng bé 50 nghìn. Chắc hôm nay tôi sẽ đến thăm con được.

Tôi trả tiền ông miếng vá. Lúc ông dắt xe tôi xuống đường, thấy ái ngại tôi chạnh lòng.

- Chiều cháu về qua đây, chú đến thăm con ở đâu cháu đưa đi.

-Thế ạ, nhà vợ tôi ở gần Mai Dịch. Nhưng tôi đi bộ đến đấy cũng được. Không dám phiền chú đâu.

Tôi lên xe ngoái lại nói

- Cháu cũng muốn mừng tuổi nó, đầu năm mừng tuổi người lạ lấy may. Khaỏng 4 giờ cháu về qua đây, chú cháu mình đi.

Đến 5 giờ chiều tôi mới về qua chỗ ông, đáng ra thì tôi đã quên. Nhưng đến nhà bà cô chơi, lúc ra về bà cô bảo đem cành đào vất hộ. Tôi mới nhớ ra hẹn người vá xe. Về đến nơi ông ta vẫn còn đó. Tôi nói

- Dọn đồ đi thôi chú ơi !

Ông ta ngoác miệng cười, hàm răng lô xô, khấp khểnh

- Tưởng chú bận việc, tôi định đi. Nhưng thấy chú hẹn rồi tôi cố chờ.

Chúng tôi đi gần đến nghãi trang Mai Dịch, ông chỉ đi vào một ngõ hẹp. Đến một ngôi nhà hai tầng. ông xuống xe gọi cửa

- Tùng ơi ! Tùng ơi !

Thằng bé mở cửa, mắt nó tháo láo nhìn chúng tôi. Cánh cửa chỉ mở đủ cho nó thò cái đầu. Chúng tôi đợi nó mở rộng, nhưng nó lại rụt đầu vào trong và khép hẹp hơn tí nữa. Nó gọi vọng vào trong

- Mẹ ơi bố đến

Có tiếng chân người bước loẹt quẹt từ trong nhà, tiếng chân không mấy thiện cảm. Bà mẹ mở toang cửa ra, đứng sừng sững giữa cửa nhìn thẳng vào ông bố già nua đang khúm núm nở nụ cười cầu xin. Chợt thấy tôi đằng sau từ chiếc xe đến bộ dạng không phải là xe ôm. Bà ta đứng sang một bên nói

- ông vào nhà đi,

cái nhìn của bà ta vẫn săm soi vào tôi. Không dấu được vẻ khó chịu trên mặt mình, dù đã nở nụ cười đón khách năm mới. Bà ta hơn 50, khuôn mặt có chiếc hàm bạnh ra vuông thành sắc cạnh. đôi gò má cao và con mắt thì lạnh lùng và tàn nhẫn. Vóc dáng người cũng cao to. Tôi ngồi trên ghế không cần đợi ai mời, ông già đang chúc cậu con trai học giỏi, ngoan ngoãn . Ông lấy trong túi ra tờ 50 nghìn, vuốt cẩn thận rồi trịnh trọng đưa cho con

- Bố mừng tuổi con năm mới

Thằng bé dụt dè nhận, nó lí nhí trong mồm câu cảm ơn. Rồi nó quay lại nhìn mẹ

Bà mẹ thậm chí không tỏ thêm thái độ gì tiếp chúng tôi. Cái nhìn của bà như muốn nói. Đã xong thủ tục chưa, về được chưa? Ông già nắm tay thằng con đứng dậy, lưu luyến không muốn rời. Bà mẹ đứng ra mở cửa dập tắt sự dằng dai của tình phụ tử. Tôi đi ra ngoài mở khoá xe đề máy nổ, ông già thoát khỏi cơn đắm đuối.

Tôi đưa ông về nơi xuất phát, cái hè đường thân thuộc của ông. Ông mời tôi về nhà chơi. Tôi nhận lời

Chúng tôi đi lằng nhằng trong cái ngõ ngoắt ngéo bên đường Láng, ông ở trong căn nhà cấp 4 mái lợp bằng những tấm xi măng mốc thếch. Ông mời tôi trên chiếc giường đơn nham nhở- Nhà tôi mới thuê đấy, Rượu nhé ! Ông với chai Nếp Mói trên cái ban thờ bằng miếng gỗ lấy ra từ cái bàn nao đấy bị hỏng. Trên đó có một đôi bánh chưng, hộp mứt, vài quả quýt. Ông lấy trong khay trà ra hai cái chén cáu bẩn, khẽ rót rượu vào đó.

- Chúc cậu năm mới, vạn sự như ý

Chúng tôi cạn hết chén rượu, men bốc phừng phừng lên mặt tôi. Một kẻ sẵn sàng quay lơ vỉa nửa chén rượu. Bỗng dưng trở giời làm cả chén. Tôi ngồi sát vào trong giường dể dựa lưng vào tường hỏi ông.

- Sao vợ chồng chú bỏ nhau ?

Ông rót cho mình chén rượu nữa, làm hơi hết nửa chén. Ông kể

-Tôi gặp bà ý lúc cả hai đều nhiều tuổi. Vợ cũ ở quê tôi mất được 2 năm. Bà ấy thì duyên phận muộn màng. Chúng tôi làm cùng cơ quan. Mọi người xui tôi lấy bà ấy để được một suất nhà được phân. Chính là cái nhà bà ấy được ở bây giờ đấy. Họ gán ghép và chúng tôi lấy nhau. Quyết định phân nhà có ngay sau 6 tháng.Kể nó nhanh vì bà ấy là bồ của tay giám đốc. Họ cặp với nhau từ khi bà ấy còn trẻ. Hơn hai mươi năm bà ấy làm bồ nhí cho lão ta. Tôi biết chứ, cả cơ quan tôi đều biết chuyện ấy. Nhưng nghĩ bà ấy có tuổi rồi, chắc cũng cần mái ấm.Thế tôi mới nghĩ chuyện lấy nhau với bà ấy. Chúng tôi vừa sinh cháu được một năm. Bà ấy bàn tôi để mình bà ấy đứng tên căn nhà, viện lẽ các con riêng tôi ở quê có muốn tranh chấp cũng không được.Nghĩ đằ-Tôi gặng nào cũng vậy, thế là tôi làm giấy đã thoả thuận cầm tiền của bà ta. Để cho bà đứng tên toàn bộ ngôi nhà.

Ông nâng chén rượu làm nốt phần còn lại, lặng lẽ dến ban thờ rút ba nén hương ra châm. Rồi cắm lên bát hương.

-Sau khi thủ tục sang tên hoàn tất. Bà ấy bỏ tôi. Có nhiều người quen mách kế này nọ để tôi không cho bà ấy hưởng hết ngôi nhà.Nhưng tôi nghĩ đằng nào cũng con mình hưởng. Tôi ra đây thuê cái nhà này. Về mất sức được một cục thì cũng đưa bà ấy từ dạo nọ. Sở dĩ tôi không muốn về quê, vì các cháu ở đó cũng trưởng thành hết cả. Tôi ở lại Hà Nội này, bơm vá quanh đây là muốn được nhìn thấy thằng bé kia. Nhớ con lắm anh ạ. Anh có con anh mới hiểu, không có gì xót xa khi bị truất quyền làm bố. Tôi nghĩ mãi không biết vì sao bà ấy đẩy tôi ra khỏi nhà. Để làm gì cơ chứ. Những đứa con ở quê đều là người thật thà, chất phác. Chúng đã có gia đình. Không đứa nào có ý nhòm ngó của nả tôi và bà ấy. Chúng ra chơi còn mang gạo, gà cho bố và dì. Tôi không tài nào hiểu nổi bà ấy, từng này tuổi đầu, tóc bạc tôi chỉ muốn được mái ấm quây quần.

Ông ứa nước mắt, giòng lệ chảy khó nhọc qua những nếp nhăn trên mặt. Nó gặp đường nhăn lớn nhất là nếp gấp chạy từ hai khoé miệng. Đọng lại va tan nhoà đi ở đó.

Tôi gặp lúc trái gió trở trời -ông nói tiếp- khổ lắm anh ạ. Nhiều khi cứ nằm nhịn đói uống nước lã cầm hơi. Chả có ai mua cho bát phở, viên thuốc. Nhiều khi cơ cực muốn về quê với các con bà cả.Lại nhớ cháu Tùng không dứt ra được. Bà ấy vẫn đi làm. Vài năm nữa mới về hưu. Chắc bà ấy nghĩ tôi về mất sức, sau này không có lương hưu. Là gánh nặng mới làm vậy. Nông cạn quá. Một người bố như tôi không thể là gánh nặng cho già đình. Dù có đi nhặt rác tôi cũng nuôi nổi thân tôi. Chung quy tại cái số mình nó khổ anh ạ.

Tôi chia tay ông khi men rượu đã tan, trời về khuya. Đến nhà vợ vẫn thức, hỏi chồng có ăn gì không. Tôi gật đầu. Vợ tôi xuống bếp sắp cơm. Thằng còn trai đang ngủ say.

Tôi ăn cơm xong, lên mạng theo dõi tỉ lệ bóng đá qua trang ibet888.net. Vợ pha ấm trà để bên cạnh, dặn hút ít thuốc lá thôi. Những dãy số trên màn hình chốc lại nhoè nhoẹt, tôi không tập trung nổi để đánh đội nào. Cứ nghĩ đến ông già với bó đào góp nhặt. Tôi đứng dậy ngắm cái lọ hoa đào, vẫn còn mấy nhành đang ra hoa rất đẹp. Chợt nhớ đến những tin trên báo tìm người nhà nạn nhân , nam giới, khaỏng 60 tuổi, mặc quần, áo....

Không biết lúc ấy bà ta có đến nhận xác làm ma cho ông ta không ?

Tôi nghĩ là không, như ông ta đã khẳng dịnh. Số phận ông ta không ra gì mà