Thứ Năm, 22 tháng 5, 2008

tào lao đê

Vietnamnet đưa tin tổng bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm Trung Quốc theo lời mời của Hồ Cẩm Đào, trong chuyến thăm lnày hai bên sẽ bàn bạc thắt chặt quan hệ giữa hai Đảng hai nước với nhau.

http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/05/784453/

Ông Nông Đức Mạnh là người mà báo chí Trung Quốc ca ngợi là một chính khách ôn hoà, dễ mến. Trong những lần tiếp kiến đoàn Trung Quốc, ông Mạnh luôn có thái độ thân thiện, niềm nở và kính trọng. Trong các đời lãnh đạo Việt Nam đến nay, ông Mạnh là người có nhiều động tác tích cực nhất trong việc xây dựng quan hệ hai nước.

Cũng trong bản tin này thì Việt Nam sẽ cử một phái đoàn sang Mỹ để trả lời chấn vấn về nhân quyền, dẫn đầu đoàn chỉ là ông Đoàn Xuân Hưng. Ông Hưng là trợ lý bộ trưởng bộ ngoại giao, một chức vụ không mấy quan trọng và ảnh hưởng tại Việt Nam. Nhiều người Việt Nam cho dù hàng ngày theo dõi báo chí, nhưng nếu không đọc tin này cũng chẳng biết ông Hưng là ai.

Điều này nói lên, Việt Nam coi trọng việc quan hệ với Trung Quốc được duy trì tốt đẹp hơn là cải thiện nhân quyền tại Việt Nam. Nói cách khác là muốn lấy lòng Trung Quốc hơn là Hoa Kỳ.

Gần đây một số quan chức của tỉnh Cà Mau bị điều tra , xử lý vì những sai phạm khuất tất. Trong nhiều năm dài Cà Mau là một tỉnh yên bình, ít khi có những vụ bê bối lớn đến nỗi phải lên mặt báo. Thì này thông tin về các quan chức Cà Mau sai phạm được các báo liên tiếp đưa tin. Cà Mau là bản quán của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Có thể đây là đòn trả đũa sau khi vụ Pmu 18 bị phơi baỳ . Pmu18 là nơi nhiều người thân tín của ông Mạnh làm việc tại đó. Ông Mạnh nhờ có quan hệ vững chắc với người bạn lớn láng giềng Trung Quốc mới có khả năng lật lại ván cờ tưởng đã tàn.

Hai nhà báo Hải, Chiến chỉ là con tốt tình cờ lạc vào bàn cờ bị đem làm quân thí mạng. Sau khi báo chí phản ứng gay gắt cùng với dư luận thì từ trên cao và rất cao, những cú điện thoại đả rót xuống vừa răn đe, nghiêm cấm vừa xoa dịu. Nếu im lặng thì Hải,Chiến có cơ hội được miến tội. Báo giới đành im lặng trông chờ vào tối cao quyết định gia ơn.

Trong một vấn đề khác nổi cộm là mở rộng Hà Nội về hướng Tây đang xôn xao dư luận. Nếu để ý thì crất nhiều khu đất rộng hàng héc ta về phía Tây Hà Nội đã được các đại gia, quan chức tậu sẵn từ lâu. Mong muốn mở rộng Hà Nội về hướng Tây theo như ai đó nói ở quốc hội là đáp ứng nguyện vọng của nhân dân là hoàn toàn áp đặt. Đại đa số nhân dân bức xúc với vấn đề giá cả leo thang, thu nhập giảm, đạo đức xã hội suy thoái trong thời điểm này. Chứ họ chẳng còn đầu óc tính xem việc Hà Nội mở rộng có lợi gì cho họ.

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2008

chuyện tào lao.

Mấy hôm nay dân tình xôn xao về vụ một thiếu tướng bị khởi tố, hai nhà báo bị bắt giam. Họ dính vào một vụ tham nhũng ( ấy quên chống tham nhũng).

Cả Lạ ngồi với Lái Gió hỏi

- Ông thấy vụ này thế nào? Liệu có gì khuất tất không ?

Lái Gió giật mình nói.

- Khuất tất là khuất tất thế nào, ông hỏi thế định gài bẫy tôi chắc. Bây giờ tinh thần cảnh giác, sợ hãi khắp nơi dâng cao. Đến nhà báo chính thống thuộc báo lớn còn dính tội. Mấy loại cộng tác viên tép riu như tôi là cái gì. Thân cá trong chậu đừng có quẫy nếu không muốn lên thớt sớm. Các cụ bảo mưa lúc nào mát mặt lúc ấy. Thời này tôi cho rằng sống yên phận ngày nào biết ngày ấy.

Cả Lạ cười nhạt.

- Này ông Gió, mọi khi ông mạnh miệng lắm cơ mà. Sao nay đến nỗi thế này, có chuyện gì thì cứ tâm sự. Chỗ anh em có phải xa lạ gì mà giữ ý.

Lái Gió lấm lét nhìn quanh, hạ giọng thì thào.

- Ông ơi ! cuộc chiến này không phải từ Việt Nam ta đâu, mà từ tít ở đâu cơ. Ông để ý nhé, sau khi ông Hồ Cẩm Đào sang thăm và chuyện trò thân mật với ông Nông Đức Mạnh. Thì vụ PMU18 đang sôi nổi dần dần yên đi. Cuối cùng thì cọc tre thay cốt sắt cũng bay hơi, Bùi Tiến Dũng đi tù mỗi tội đánh bạc. Nguyễn Việt Tiến thì minh oan. Chánh án tối cao bị đổi, cục trưởng điều tra về hưu. Người ta cứ thắc mắc sao lại làm vụ này đúng dịp Phật Đản, ngày mà báo chí quốc tế có mặt đầy rẫy tại Việt Nam. Họ không hiểu là đây là thời điểm thích hợp nhất. Vì bên Mỹ đang rình rang chuyện bầu cử tổng thống.

Cả Lạ chen ngang.

- Ông Gió vòng vo quá, chuyện bên Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng gì đến ta. Nước ta là nước độc lập đã lâu. Phương châm quan hệ là không xen vào nội bộ lẫn nhau.Hà cớ gì vụ này ông lại lôi tận đâu đâu vào.

Lái Gió cười chua chát

- Ừ thì nước độc lập, nhưng từ khi độc lập đến giờ có tự chủ hay không mới là vấn đề. Từ hợp tác xã, cải cách ruộng đất, đổi mới rồi khái niệm kinh tế thị trường..ông có thấy chúng ta toàn làm sau nước khác không.? Chuyện này thì tự ông xét.

Cả Lạ sốt ruột hỏi

- Thế ý ông là thế nào nói toẹt ra đi.

Lái Gió giãi bày.

- Tôi cho là thế này ông ạ, lãnh đạo ta có hai phe. Phe thân Mỹ và phe thân Trung Quốc. Nay nhân lúc Mỹ chưa bầu cử xong tổng thống mới. Mà cái nước Mỹ này mỗi tổng thống lại có quan điểm khác nhau về đối ngoại. Cho nên mấy ông thân Trung Quốc nhân dịp này mà chơi mấy ông thân Mỹ thôi. Ông nhìn lại vụ nhà văn Nguyễn Thư Hiên hồi xưa thì rõ.

Cả Lạ bĩu môi.

- Ông chỉ ăn ốc đoán mò, phao tin đồn nhảm. Chúng ta như vịt nghe sấm, đừng bàn sâu mà liên lụy đấy ông ạ. Ông đọc thông kinh sử, biết thế nào là phạm húy không ?

Lái Gió cười xuê xoa.

- Ấy thì là anh em nói chuyện tào lao cho vui, chứ tôi cũng phét lác cho cà fe đỡ nhạt. Chứ nào biết mô tê gì đâu. Tôi tin tưởng vào giai cấp lãnh đạo mà nhân dân đã chọn lắm chứ. Hôm nay họ bảo có tội thì biết là có tội, mai kia họ minh oan thì biết là bị oan. Đã là quan thì nói thế nào mà chả đúng..

đêm yên tĩnh

Anh thấy cô vào quán cà fê, tay phải cô cầm cái túi xách , tay trái là một cành hồng đỏ thắm. Đến cửa quán cô đưa nụ hoa lên mũi hít hà. Nét mặt đầy tràn trề hạnh phúc. Lâu anh mới thấy cô xoã những lọn tóc bồng bềnh trên bờ vai, trong bộ trang phục gọn gang và mode như lúc này. Cô gọi một cà fe đen, trong lúc chờ cà fe, cô cầm nhành hoa bằng cả hai tay ngắm nghía, thỉnh thoảng lại hít hà. Đôi mắt cô long lanh, má cô ửng hồng rạng rỡ khi ngắm nghía nhành hoa hồng đỏ thắm. Bông hoa thật đẹp, cành hoa được quấn bởi nilong bong im màu sắc, có cái dây lụa thắt như cái nơ. Cà fe đến bàn, cô đặt nhành hoa xuống nâng tách cà fê lên môi, mắt vẫn không rời nụ hoa. Cô lấy điện thoại ra bấm bấm như nhắn tin.

Điện thoại của anh rung nhẹ, anh đọc tin nhắn rồi quay sang bảo người ngồi bên cạnh.

- Tôi có việc phải đi, ông cứ làm mẫu để người ta ký duyệt lên đấy cho chắc chắn. Đưa file ảnh cũng được, nhưng chất liệu không thể hiện được rõ ràng thì lằng nhằng lắm.

Người ngồi lại gật đầu nói

- Anh yên tâm, em làm quen rồi mà, anh có việc cứ đi trước đi ạ.

Anh nhìn về phía bàn cô, hai chân cô đang đung đưa theo điệu nhạc, lúc này cô lấy cái gương nhỏ ra soi để tôi lại đôi môi bằng thỏi son. Nhiều lần cô rủ anh đi học khiêu vũ cổ điển. Anh ậm ừ mãi rồi đi đến câu lạc bộ khiêu vũ cùng cô một lần. Đến nơi anh nhìn mãi mà chả tiếp thu nổi, đôi chân anh cứng quèo mỗi lần chuyển bước. Ấy mà trước đó cô nhìn anh đá bong với bước chạy , pha đảo người, ngoặt bong. Cô khẳng định đôi chân anh sẽ tuyệt vời trên sàn khiêu vũ. Chuyện đi học nhảy thoáng cũng đã mấy năm rồi không nhắc lại nữa.

Anh nhìn đồng hồ, 17 giờ 30 , phải nhanh mới kịp,. Anh đi ra đằng cửa hông quán cà fe. Anh đi thật nhanh, đến lớp mầm non, còn lại một cô giáo và thằng bé con anh. Thấy bố nó reo oà lên.

- A bố, a bố, bố đấy

Rồi nó liến thoắng.

- Bố đến đón con à ? Bố đến đón con đấy.

Nó choàng cổ anh vít đầu thơm má anh, bên này đến bên kia miệng nói

- Con yêu bố, con thơm bố.

Cô giáo phì cười, cô lấy túi đồ của bé và phiếu bé ngoan. Thằng bé cầm phiếu đút vào túi ngực anh nói.

- Bố cất phiếu bé ngoan cho con.

Khoanh tay trước ngực, bé chào cô giáo

- Con chào cô , con về ạ

Cô giáo nói với anh.

- Thằng bé nhà anh mới hai tuổi rưỡi mà nói được nhiều nhất lớp, cái gì cũng nói được. Chắc giống bố, chị ấy bảo anh kể chuyện hay lắm, chị ấy mê anh vì anh kể chuyện đấy.

Anh đưa con về nhà, lấy sữa chua trong tủ lạnh cho bé ăn. Bật kênh hoạt hình CN cho bé ngồi yên. Anh vo gạo cho vào nồi cơm điện, nhặt rau nấu canh, thái thịt rang. Anh làm rất nhanh và gọn ghẽ. Ra khỏi bếp anh thấy bé chăm chú xem ti vi, anh bảo con.

- Con trai bố, con ngồi xem ti vi, bố chạy ù một tí xuống đường mua cà nhé.

Bé quay ra hỏi bố.

- Bố chạy ù một cái bố về ngay à ?

Anh gật đầu rồi khép cửa đi nhanh xuống đường mua cà, quay về bé vẫn ngồi chỗ cũ xem vô tuyến. Anh thơm bé nói

- Con trai bố giỏi quá.

Điên thoại báo có tin nhắn, anh mở ra đọc thấy tin của vợ

- Anh nấu cơm và cho con ăn trước, em có việc về muộn.

Hai bố con ăn cơm xong, anh tắm cho bé rồi đưa con lên giường. Bé cầm tay bố đập vào mông mình, bé nói.

- Bố à ơi con đi.

Từ ngày bé sinh, anh đã mua mấy cuốn ca dao dày cộp để học thuộc lòng. Anh muốn con trai mình chìm vào giấc ngủ trong tiếng ru bằng làn điệu ca dao, như mẹ anh ngày xưa vẫn ru anh ngủ. Anh đập nhẹ tay vào mông con cất lời ru.

- À ơi ai về tôi gửi buồng cau

À ơi, buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy , à à ơi

Ai về tôi gửi đôi giầy.

À ơi, phòng khi mưa gió, à ơi để thầy mẹ đi

Thằng bé vòng tay ôm ngang bố, chìm vào giấc ngủ. Anh nhìn khuôn mặt tươi tắn của con mỉm cười, anh hôn nhẹ lên trán bé rồi gỡ tay bé khỏi người anh, thay vào cái gối nhồi bông hình con thú. Anh đến bàn máy tính mở máy, nhìn những dãy số trên màn hình. Anh gọi điện đọc cho người bên kia nghe những con số lần lượt.

Cô đến gần nhà, thả cánh hoa hồng xuống xe rác đầu ngõ, buộc lại tóc, lấy khăn lau son phấn trên mặt. Cô vào nhà thấy anh đang ngồi trước máy tính, điện thoại kẹp cổ nghe, tay hý hoáy cầm bút viết vào sổ những con số. Nghe điện thoại xong anh nói

- Em ăn cơm đi, anh vẫn để thức ăn trên mâm, anh chưa cho vào tủ lạnh đâu.

Cô thay quần áo, vào nhà vệ sinh. Cô giở lồng bàn ngồi ăn trong bếp. Nước mắt cô trào ra cay đắng. Miếng cơm ứ nghẹn, cô cố kìm tiếng nấc trước thái độ của chồng. Anh ấy không biết hôm nay là ngày gì hay sao, cô đã phải tự đi mua hoa cho mình để lúc đám bạn đến chúc mừng có hỏi thì bảo hoa chồng tặng. Đám bạn gái học cô ngồi với cô tại quán cà fe khen hết lời anh ấy tâm lý, quan tâm đến vợ. Ngày này năm nọ anh đưa cô đến chỗ làm, thấy vợ mang theo túi hoa quả, bánh kẹo to anh hỏi

- cơ quan em liên hoan gì đấy?

Cô đã cố kìm không khóc trong ngày sinh nhật của mình năm ấy, rồi mấy năm chung sống với nhau. Chẳng lần nào anh nhớ hay là anh có nhớ nhưng không màng quan tâm đến cô. Điều ấy chỉ có anh mới biết. Cô muốn đến bên anh gào lên hỏi anh biết hôm nay là ngày gì không. Nhưng đêm đang yên tĩnh, thằng bé đang ngủ ngon, anh đang chăm chú tập trung làm việc. Không gian lặng ngắt làm cô không dám phá vỡ.

Người đàn ông dụi mắt trước màn hình máy tính, những con số trở nên nhập nhoè. Anh cố gắng gượng chống cơn buồn ngủ và cơ thể muốn rã rời sau ngày làm việc chạy ngược xuôi tất bật. Vợ anh vào giường gây tiếng động làm thằng bé hơi tỉnh, nó ú ớ gọi bố ơi.

Vợ anh dỗ nhẹ làm thằng bé yên tâm ngủ tiếp vì tin tưởng bên cạnh nó đã có người.

Anh nhủ thầm.

- Ngủ ngoan đi con trai, để bố làm việc lấy tiền nuôi con nhé.

Cô nằm trên giường ôm con, nước mắt âm thầm chảy dài trên má.

Anh làm việc xong, tắt máy chui vào giường. Vợ con anh đã ngủ . Anh nghĩ về công việc ngày mai một lát rồi ngủ thiếp đi. Trong cơn mơ ngủ anh mơ thấy con trai mình đang theo bố đến công trình, nó vớ cái cái thứơc chạy lăng xăng miệng líu ríu.

- Con làm cho bố, con làm cho bố

Anh mỉm cười trong cơn mơ ngủ. Vợ anh chưa ngủ , cô quay sang thấy anh đang tủm tỉtm cười. Cô cảm thấy tủi thân vô cùng, anh ấy nghĩ gì mà cười trong cả giấc mơ thế.

Cô muốn lay anh dậy để hỏi, nhưng đêm đang yên tĩnh thế này, cô không dám phá vỡ

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2008

cái chảo gang

Chiếc chảo rang vừng đã bốc mùi thơm, bà dừng tay đảo, lấy cải giẻ lót tay cầm hai quai cái chảo vừng nhấc xuống.

Cái chảo gang có từ hồi bà về nhà chồng. Bà nhớ hôm đầu tiên tôi chảo, bà đổ ngập lá chè xanh đầy chảo để đun mấy tiếng đồng hồ. Hôm đấy mẹ chồng bà nói với chồng bà.

- Vợ mày biết làm ăn đấy.

Bà tủm tỉm cười thầm trong bếp vì lời khen, bà muốn nói thầm đến mẹ bà. Đấy nhé !,mẹ đừng lo con gái mẹ về nhà chồng không biết làm gì bị nhà người ta chê nhé.

Bà đổ vừng vào trong cái áo bông ủ lại. Làm thế tí nữa giã vừng mới róc vỏ. Bà châm lại bếp dầu, đáng ra bà cứ để bếp đấy dùng luôn. Có lẽ bà tiết kiệm tí dầu . Lụi hụi châm lại bếp, bắc cái chảo gang đen bóng có lòng trũng ở giữa sáng choang lên bếp, bà đổ lạc vào rang tiếp. Cái chảo làm bà này rang vừng lần đầu khi sinh đứa con thứ ba. Khoảng mùa hè gì đó. Năm đấy mẹ chồng bà bị bắt đi tù vì buôn hàng cấm. Bà rang vừng làm muối vừng để tiếp tế cho mẹ chồng bị bắt.Lặn lội vào mãi tận Nghệ An trại tù nằm sau trong rừng núi. Tàu xuống đến Nghệ An thì đi bộ mang vác các thứ, lội suối, băng đèo bằng đôi chân. Đi hai ngày mới đến nơi. Khi đi qua con suối, bà khát nước định dùng nón múc uống.May có người dân đi qua ngăn lại. Họ bảo con suối này độc lắm vì lá độc rụng đầy trên nguồn, uống là chết. Họ đưa bà bầu nước của họ cho bà uống. Thật là những người tốt,họ còn vác hộ đồ cho bà thêm đoạn đường nữa. Trả tiền nhất định không lấy. Bà gặp mẹ chồng trong trại tù, mẹ chồng bà gầy xanh xao. Hỏi thăm chuyện nhà xong hai mẹ con đều khóc. Hết giờ thăm gặp, bà trao túi muối vừng. Mẹ chồng nhón ít nếm thử khen.

- Ngon lắm con ạ, thôi con về lo nhà cửa. Đừng bận tâm đến mẹ nữa, còn các cháu,mày đi thế này chúng lo ở nhà ai chăm.

Đấy là lần đầu tiên bà biết đến nhà tù,bà sợ lắm khi nghe người ta kể đến nhà tù. Nhà bà ở ngoại thành Hà Nội, từ bé bà chỉ biết đến cánh đồng lúa, ruộng rau.Lúc gần lấy chồng thì bà đi bán hàng xén, khi ấy bà mới biết tí chút về thành thị, về những cuộc sống khác nhau. Thế nên nghe tin mẹ chồng bị bắt lúc bà rụng rời chân tay , hoảng hốt, sợ hãi. Bà cuống quít đi hỏi mọi người xem phải làm gì. Chồng bà đi làm công nhân công trường không có nhà. Lòng dạ bà rối bời bời, rồi bà cũng được người ta an ủi, dặn dò phải đến nơi này xin dấu, nơi kia hỏi đường đi, mang những thứ gì mà người trong tù cần thiết nhất.

Lạc cũng đã được, bà lấy thêm cái áo nữa ủ lạc. Bầy giờ chỉ còn rang muối nữa là xong. Bà trút muối vào chảo. Cái chảo đen bóng vì sử dụng qua nhiều năm tháng đầy , màu trắng của muối càng khiến màu đen bóng ấy dễ nhìn hơn. Muối rang một lúc thì ngả màu trắng trong nhờ nhờ sang máu trắng tinh khôi như tuyết. Hạt muối nổ lép bép, nhảy tưng tưng trong chảo, có hạt bắn vào mặt bà khiến bà phải nghiêng người,nghiêng mặt để đảo muối. Những năm gần thống nhất đất nước, chồng bà bị bắt đi tù vì tội sản xuất trái phép. Kinh tế gia đình mới khá lên thì ông bị bắt . Lúc này bà đã có năm đứa con, đứa lớn nhất mới 11 tuổi , nó là con gái phải bỏ học để phụ mẹ bán hàng rong. Thằng bé nhất lên hai. Bà vừa một tay rang vừng, một tay bế con ru ngủ. Đấy là thời gian cơ cực nhất mà bà trải qua.

Cái chảo gang đen bóng chứa muối rang đã xong. Bà tắt bếp lần cuối cùng. Lấy cối giã lần lượt vừng,lạc, sàng sảy vỏ thật kỹ rội giã muối trộn tất chúng với nhau. Khác với lần rang cho chồng cách đây 20 năm. Bà lấy tóp mỡ trộn thêm vào muối vừng, đó sẽ là món ăn ngon mà để dành được lâu con ạ. Mai bà sẽ vào tù thăm con trai, chính cái thằng bé năm xưa bà bế trong lòng khi rang muối vừng cho chồng. Cái chảo gang đã làm xong nhiệm vụ, trong lòng chảo sạch sẽ bóng loáng. Chỉ có đít chảo bị muội bấc dầu bám bẩn. Bà dùng miếng xơ mướp dúng xà phòng cọ đít chảo sạch sẽ rồi treo lên cái đinh trên tường bếp. Bà chống tay vào đầu gối khó nhọc đứng dậy

Bây giờ bà có năm đứa con dâu,nhưng bà vẫn ăn ở một mình trong căn nhà cũ, tự giặt quần áo, tự thổi lấy cơm. Hôm qua bà bỗng thèm muối vừng, bà nhấc cái chảo xuống để dùng. Tay chân bà lập cập, run rẩy vì tuổi cao hay vì bà bần thần nhìn thấy cái chảo lâu không dùng, sơ suất làm cái chảo rơi xuống suýt nữa vào chân bà. Tiếng choang khiến bà giật mình như nghe tiếng súng, cái chao gang rơi xuống đất vỡ mất một bên quai. Bà cầm cái quai vỡ tần ngần, cô con dâu út ở cửa hàng bên ngoài chạy vào thấy vậy nói.

- Vỡ rồi để bán đồng nát mẹ ạ, bây giờ dùng chảo chống dính, ai dùng chảo gang nữa.

Bà nói

- Mẹ dùng 50 năm cái chảo này đấy. Để mai anh qua mẹ bảo anh ấy có hàn được không.?

Vẫn dùng cái chảo sứt quai ấy, bà rang muối , lạc sau cùng mới đến vừng.Mùi thơm ngầy ngậy của vừng lạc bay khắp nhà sang cả hàng xóm. Bà hàng xóm bên khịt khịt cái mũi nói

- Lâu lắm mới thấy mùi rang vừng nhà ai, chắc làm muối vừng đây.

Anh con trai qua nhà, bà nói

- Mày xem có hàn cái quai chảo cho mẹ không, hôm nọ mẹ làm vỡ

Bà đưa cái miếng quai sứt và chỉ vào cái chảo . Anh con trai định gạt phắt bảo vất cái chảo đi. Anh bộn bề bao nhiêu việc, bao nhiêu thứ lo toan.

Bỗng anh nhìn thấy vài hạt vừng lấm tấm trong cái chảo. Anh cúi xuống cầm chảo lên ngắm và đưa mũi vào lòng chảo hít hơi thật dài, anh nhắm mắt nghĩ. Rồi anh hỏi mẹ.

- Mẹ rang muối vừng làm gì thế?

Bà nói

- Mẹ rang mẹ ăn mà.

Anh con trai.

- Thế mẹ có cho tóp mỡ vào không.?

Bà mẹ lắc đầu. Anh con trai nói

- Tưởng mẹ cho tóp mỡ thì cho con một ít về nhà ăn.

Anh con trai khẽ khàng nâng cái chảo , anh kiếm cái túi nilon to cho cái chảo gang vào , lấy mảnh giấy bọc cái miếng quai sứt đút vào túi quần. Anh ra phố Hàng Thiếc,Lò Rèn tìm chỗ hàn quai chảo, nhưng người ta ai cũng từ chối. Có lẽ vì hàn cái quai chảo thì đáng bao tiền nên họ ngại làm, có hàng bảo anh đổi lấy cái chảo mới các ít tiền.

Hôm sau anh xin nghỉ làm, buộc cái chảo chắc chắn sau xe. Anh về vùng quê tìm thợ hàn chảo gang.

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2008

công nghiệp hoá




Công nghiệp hoá, hiện đại hoá hay có sức người sỏi đá cũng thành cơm.

Người dân đi mót quặng từ những bãi thải của nhà máy. tháng 5 -2008

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2008

quan oan và dân oan

Ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng hay 110 Cầu Giấy lúc nào đi qua người ta đều thấy những người dân rách rưới, gầy gò ngồi chăng những tấm biển kêu oan. Hết năm này sang năm khác, có tấm biển nói trường hợp của mình kêu oan đã 15 năm mà không được giải quyết. Dưới cái nắng và cơn mưa khắc nghiệt của khí hậu miền Bắc, những người dân từ mọi miền tổ quốc cơm đùm, áo gói lặn lội lên thủ đô. Dầm mưa, dãi nắng ăn ở ngoài trời để mong mnỏi chút công lý.

Nhưng họ có oan khuất gì không?

Cảm thông nỗi khổ mà người dân đi kiện chịu đựng. Không thể không động lòng từ tâm, nhưng khi giúp đỡ họ thì những nhà sư thuộc giáo hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam lại bị công quyền ngăn cản. Theo như giải thích của ông Hưởng với các nhà sư thì đám dân này không oan khuất gì cả, có nhiều người rất giàu trong số họ, việc họ đi kiện là muốn gây rối mất an ninh, trật tự . Đề nghị các nhà sư của GHPGTNVN không giúp đỡ, tiếp tay cho họ.

ô hô, xã hội ta bây giờ thật lắm người kỳ quặc, có những kẻ giàu có không thích hưởng thụ mà lại ăn đói, uống khát, dầm mưa, dãi nắng ngủ bờ bụi để trưng những tấm biển kêu oan với mục đích là gây rối cho xã hội.

Hôm nay báo đưa tin, ông Nguyễn Việt Tiến được phục hồi Đảng tịch. Sắp tới được bố trí công tác. Ông Tiến với cái phủ xa hoa ở quê hương vừa rộng rãi bát ngát cò bay, vừa uy nghi lộng lẫy. Ông Tiến bao gái tơ từ thưở 15 để xài dần, ông Tiến vào nhà hàng tìm gái không ưng ý đánh chủ quán khi xưa báo nói là ông Tiến nào thế.?

Vẫn là ông Nguyễn Việt Tiến này thôi, có điều ông ấy bị oan. Người ta nói bậy cho ông ấy, nay phải minh oan và phục hồi quyền lợi cho ông Tiến là cái công bằng của pháp luật nhà nước Việt Nam ta.

Nếu được nói thì Người Buôn Gió sẽ nói thế này.

- Ở Việt Nam này chỉ có quan oan thôi chứ làm gì có dân oan.

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2008

đoàn kết




Cùng nhau đoàn kết, hợp tác đi lên CNXH phồn vinh. Đạt chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng, là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì trên thế giới.

ảnh chụp tháng 5 -2008

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2008

những con chó làng tôi.

Làng tôi ở ven sông Hồng phía tả hạ lưu, như bao làng khác miền đồng bằng. Có cây đa già rễ cuốn sù sì quanh cổng làng làm gạch vỡ toác rác từng kẽ lớn. Bụi bám trong kẽ nứt làm chỗ cho rêu mọc. Bọn trẻ chúng tôi hay tìm trứng thằn lằn trong các kẽ nứt đó. Quả trứng nhỏ như đầu đũa màu trắng, đập ra thấy chú thằn lằn con đầu to, mắt lồi thành cục được bao bằng một cái bọc nước trắng nhờ nhờ. Ở gốc đa có những hốc to đầy vết chuột chạy. Bọn trẻ dẫn chó đánh hơi rồi lấy rơm hun khói,lùa chuột chui vào những cái rọ cắm ở miệng hốc khác. Những con chuột trong màu gặt béo múp, dội nước sôi cạo lông, mổ bụng nhồi lá chanh. Luộc hay nướng đều ngon cả, béo và ngon. Thịt chuột có vị gần giống thịt lợn lại có vị giống thịt gà. Đầu chuột thì vất cho bọn chó gặm. Bọn trẻ xé thịt chuột nướng chấm muối ớt ngồi ăn ngay dưới gốc đa.

Người lớn trong làng đi qua cổng thấy vậy bèn mắng

- Cha bố chúng mày, ăn toàn cái ngon, để xương xẩu cho bọn chó à?

Bọn trẻ hốt hoảng vội vàng vất những thân chuột nướng thơm phức, béo múp đang gặm dở trên tay cho lũ chó. Chúng vừa nhìn người lớn đấy vẻ sợ hãi, vừa liếc lũ chó nhai rau ráu thân chuột nướng mầu mật ong mà tiếc nuối.



Sự thật là ở làng tôi bọn chó được kính trọng như vậy, dân làng không ai ăn thịt chó bao giờ. con nào chết thì đem chôn tử tế như là truy điệu liệt sĩ. Chó sinh sôi phát triển đầy làng, nhà nào ít cũng dăm con. May là ở làng bên có bọn trộm chó không thì làng tôi người cũng chết vì có gì ăn đều dành hết nuôi chó. Tuy được tôn trọng, nhưng chó thì vẫn là chó thôi, tuy bề ngòai hung tợn. Động một tí là thi nhau sủa váng cả làng. Người lạ vào làng bất kể ai là chúng hùa nhau cắn ông ổng, như ai cũng đều là kẻ gian đáng nghi ngờ hết. Bọn trộm tinh ranh chỉ cần mang mồi ngon đếu câu. Nhiều con ngu bị bắt lên huyện vào hàng cầy tơ 7 món. Bọn còn lại là những con chó khôn ngoan, dày dạn kinh nghiệm sống. Chúng chẳng đi đâu, chỉ quanh quẩn trong làng để hưởng sự cung phụng của dân làng từ bao đời nay. Bọn chó từ đời trước bằng cách nào đó đã gửi lại cho bọn sau thông điệp là giống chó mình ở đây được hưởng quyền nhận sự cung phụng của ngưòi dân. Những con chó mới đẻ vài tháng đã khệnh khạng sủa đòi ăn bên mâm cơm người.



Trong đình làng, bên cạnh ngai thờ vị thánh hoàng làng còn có một bầy chó bằng đất nung. Và sự kính trọng bọn chó này gắn liền với huyền thoại xây dựng làng của ông thánh kia. Bất cứ nhà nào từ trẻ con đến ông già đều thuộc lòng sự tích lấn đất, mở làng và những chiến công đánh đuổi bọn cướp đất từ thiên hạ kéo đến của vị thánh làng cùng với lũ chó. Câu chuyện được kể hàng ngày, mỗi đứa trẻ sơ sinh chào đời, hay một đứa trẻ bước vào tuổi tính suất đinh hay lấy vợ chồng, giỗ tết là dịp câu chuyện huyền thoại ấy được ôn lại như những trang sử hào hùng

Những ngày mưa to gió lớn, không ra đồng hay xuống vạt rau để hái bán buổi chợ sáng. Những ông già ,bà già ngồi kể cho con cháu nghe câu chuyện huyền thoại về lũ chó trong đình làng.

Hồi nhỏ tao nghe ông tao kể rằng( họ cũng chỉ là người nghe lại mà thôi, chả ai rõ xuất xứ thật của chúng là khỏang thời gian nào) dạo ấy dân làng ta không ai đi làm xa bao giờ cả, toàn làm chăn nuôi, trồng trọt trong làng. Mọi thứ thì có bọn lái buôn trên kinh thành mang hàng hoá về đổi lấy những gì mà dân làng làm ra như ngô , khoai , đỗ lạc. Thấy dân làng ngu, bọn lái buôn bắt tay với đám quan lại trong làng, bắt chẹt đổi chác với giá rẻ mạt suốt một thời gian dài. Mãi đến khi cậu Thảnh quyết chí lên kinh kỳ làm thuê, mới hiểu được thủ đoạn của bọn lái buôn. Mất hàng chục năm lăn lộn làm thuê nơi đất khách quê người, cậu Thảnh đã trở thành một ông già. Nhưng ông Thảnh đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để biết hết mọi ngóc ngách, điểm yếu của bọn lái buôn. Lúc ông trở về thì dân làng gặp phải dịp thiên tai, mất mùa, đói nheo nhóc, khối người chết vì đói. Ông Thảnh len lỏi vào từng nhà để nói cho mọi người nghe vì sao họ đói, đó là bóc lột, bất công, người dân làng vốn chậm hiểu được ông giải thích rằng. chúng ta làm việc quần quật mà không đủ ăn, bọn lái buôn và quan lại trong làng thì no say phè phỡn, thử hỏi có bất công không. Làm gì có trời , đất nào để trừng phạt chúng đâu. Tự chúng ta phải dành lấy công bằng cho mình, phải đánh đổ bọn cường hào, đuổi cổ bọn lái buôn, phá kho tàng của bọn chúng mà dùng. Chẳng lẽ chúng để thóc gạo mục nát trong kho mà chúng ta chết đói hay sao.?

Bấy giờ đói kém lắm ! ( bà cụ kể chuyện vuốt nước trầu đỏ sẫm như máu chảy hai bên mép, âu yếm nhìn mấy con chó ngoài sân) Dân làng phải nhờ bọn chó để đi bắt chuột, đào khoai lấy cái mà ăn. Bọn chó như là lực lượng lao động chính trong mỗi nhà. Cụ Thảnh dạy rằng;

Lũ chó việc chính là giữ nhà , chống trộm. Nay trong nhà chúng ta chả còn cái gì để lo mất trộm nữa, chúng phải dùng nanh vuốt để đi tìm cái ăn, ngược đời quá lắm rồi. Không chịu nổi được nữa, con giun xéo mãi phải quằn. Nhất định chuyến này không chịu làm công cụ để bọn người độc ác bóc lột. Hỡi mọi người trong làng, ai có dao dùng dao, ai có gậy dùng gậy, kể cả gách đá ngoài đường cũng là vũ khí. dùng bọn chó làm lực lượng nòng cốt quyết chiến một phen với bọn người tham lam , độc ác. Hãy nhìn kài , chúng béo tốt, phì nộn. Hãy nhìn lại xem chúng ta gầy còm mức nào.

Câu so sánh cuối cùng ấy của ông Thảnh giá trị hơn bất kỳ lời thuyết phục nào. Ngay đêm ấy, người dân trong làng cầm gậy gộc đi sau lũ chó tiên phong, lũ chó đói ăn lâu ngày giờ trước những ngôi nhà có nhiều thức ăn, bỗng trở thành hung hãn táo tợn. Chúng xông vào cắn cổ những tên lái buôn, những thằng cường hào, ác bá giàu có. Không phải là con chuột nhỏ bé xấu xí nữa, cái hàm răng của bọn chó tha hồ ngập vào đám thịt dày nạc của bọn lợn , gà nuôi đầy trong chuồng. Chúng ăn uống, phá phách, cắn xé và hú lên những tiếng rùng rợn như khúc khải hoàn báo mừng thắng lợi. Bọn độc ác đứa thì chốn chạy, đứa thì bỏ mạng dưới nanh chó. Đứa bị dân làng bắt trói lại chờ ngày xét xử đền tội. Đến sáng hôm sau thì mọi việc đã tươm, ông Thảnh đứng giữa làng tuyên bố từ nay dân làng đã được tự do, thoát khỏi cảnh người bóc lột người. Bà con hãy tập trung làm ăn, yên chí vì mình làm cho mình hưởng. Không có cảnh thủ đoạn, lừa lọc bót lột nữa

Thế từ trước là mình làm cho bọn con buôn, quan lại hưởng à?

Anh Tư người cuối làng hỏi ông Thảnh vậy, vì anh thấy mọi người bảo đi đến nơi có gạo để lấy. Đang đêm hôm , đói rách, nghe vậy thì đi thôi. Chưa được nghe rõ nguồn cơn.

Ông Thảnh lại phải giải thích một hồi. Sau đó ông đề nghị chọn người làm trưởng làng. Chẳng cần phải nói nhiều, ở cảnh đấy thì tất nhiên không ai khôn hơn ông Thảnh để mà giữ cương vị trọng đại đó. Ông Thảnh xin mảnh đất làm nơi ở, có ao, có vườn và nếp nhà xinh. Ông bàn với bà con ghi nhớ công lao của lũc chó, hãy để chúng được hưởng những ân huệ tại đình làng, nơi có nhiều thức ăn thừa thãi do người làng có việc như phạm tội, dựng vợ, gả chồng, tái giá, ly hôn phải bày cỗ đãi làng. Anh Tư được giao trách nhiệm chăm lo lũ chó. Lâu ngày nhiều con chó quen đình, coi đấy là nhà mình, anh Tư , Ông Thảnh là chủ của chúng. Thảng khi ở đình không có gì ăn, chúng mới nhớ ra mò về nhà sủa rai nhách đòi ăn.



Sau ông Thảnh mất đi, Anh Tư trông đình mới làm bức tượng ông Thảnh, thay vào chỗ vị thánh hoàng làng cũ. Dân làng lấy vậy cũng là chuyện thường, họ có việc đến đình, dâng hương cho ông như dâng ông thánh cũ.

Thì ai ở trong đình thì mình chả phải lễ

Bọn chó càng ngày càng tự tung tự tác. Nhác thấy bóng khách lạ vào làng. Chúng nhòm ý những người coi đền thấy không bằng lòng. Là cả lũ đồng loạt cắn như cắn kẻ gian. Bạn bè phương xa đến thăm nhà ai, dáng lắm tiền nhiều của, không chịu qua đình làm lễ y rằng lũ chó coi như giặc hay hậu duệ của bọn con buôn, quan lại hồi xưa. Cháu ông chăn vịt rời làng từ lâu, đi phương xa kiếm ăn lập gia đình ở đó. lúc sắp chết nhớ quê hương, sai con cháu mang xác về quê. Phải cúng mất vài mâm ngoài đình và mớ tiền lo phí đất mộ. Nhìn lũ chó béo tốt, dân làng thì áo rách, vai gầy. Bọn con cháu nhà chăn vịt cất lời nhạo báng.

- Mẹ, đâu có chuyện ngược đời. Người là chủ, chó là loại tôi tớ. Ở đây thì ngược lại. Chó béo tròn quay, án ngữ từ cổng làng đến sân đình. lễ lạt, ma chay, việc họ hàng tiên tổ gì tự nhiên phải lễ chó vài mâm. Nó thương tình xơi cho thì còn là phúc. Gặp lúc ươn mình, khảnh ăn chúng quay đít lại ra điều liêm khiết, thế là lại phải lạy lục van xin. Chúng động mõm cho thì làm gì mới được làm. Người thì càng ngày càng héo hon, Chó càng ngày béo múp,ngược đời thật

Bọn giữ đình biết vậy, bèn xua chó tống cổ cái đám con nhà lão chăn vịt đi. Lại thu được số quà của đám ấy mang về biếu người quen. Trưng ra làm bằng chứng lũ con nhà ấy là tay sai của bọn con buôn trên kinh kỳ về phá hoại, âm mưu làm xáo trộn sự thanh bình của làng ta, hòng làm tinh thần đoàn kết trong làng suy yếu để trả thù xưa và hòng một lần nữa bóc lột dân làng ta.



Dân tình nghe xuôi tai, duy có ông đồ nho bây giờ chả ai học vì đói quá phải đi làm đầu tắt mặt tối. Ông đồ nho thất nghiệp đâm ra ăn nói lăng nhăng rằng

- Gớm, ai mà thù lâu thế chuyện từ đời nảo đời nào. Chúng nó không có bụng ấy đâu. Còn bóc lột á, bọn nó lấy đi thúng ngô thì cũng nhả hộp chỉ. Chứ như bọn chó trong làng, nó ăn xong ỉa cho bãi cứt chua loét. Bón ruộng cũng chả xong. Cái số làng này là phải bị đè dầu cưỡi cổ, mãi mà chả thoát ra được, tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.



Nhưng dân làng còn đang mải kiếm ăn, ai hơi đâu mà nghe lời láo nháo của lão đồ nho rách việc nói càn. Lão đồ gàn sau một đêm mơ thấy ác mộng, bọn chó biến thành người, duy chỉ có cái đầu là vẫn chó. Mặc quần áo lính, áo quan đến điệu cổ lão đi. Đến sân đình dùng cực hình tra tấn một trận. Lão đau đớn không kêu nổi thành tiếng. Bỗng thấy tượng ông Thảnh cười sằng sặc, giật mình tỉnh giấc mới biết mình bị trúng gió,đi chầu ông vải luôn đêm ấy.

Đám ma ông ấy, lũ chó chả được gì vì nhà ông quá nghèo. chúng bực bội đứng thành đoàn tru tréo từng hồi như mạt sát kẻ ngu si và gàn dở ấy.


Năm ấy hồn ma ông Thảnh hiện về họp nhau với lũ chó ngoài đình. Lúc đêm đã khuya, những ánh lân tinh leo lét trên bãi tha ma đằng ngoài cánh đồng hiện nhiều hơn so với mọi đêm, như đám lính canh cho buổi họp giữa âm hồn và súc vật. Anh Tư bận bịu suốt từ sáng tổ chức cho buổi họp ma chó này, ông Thảnh đã hiện về ắt có chuyện quan trong an nguy đến làng xã, việc tày trời chứ không chơi. Anh Tư dạo này bị bọn dân làng kháo về nhau về gia phả nhà anh, họ bảo anh sửa gia phả. Chứ chẳng ai làm chứng cao tằng tổ phụ nhà anh ở làng này. Mà nếu họ cứ nghĩ vậy thì nguy, dù sao ông Thảnh cũng về với đất từ lâu. Cái uy của ông để lại dùng mãi cũng mòn. Có thằng lại căn cứ vào cách nói dấu ngã thành dấu hỏi của anh để chứng minh anh là người mạn Thanh Hoá, Nghệ An thế mới bỏ mẹ không cơ chứ. Tranh thủ buổi họp này anh cũng xin đưa vấn đề anh ra trước hồn ma ông Thảnh và lũ chó tìm cách giả quyết. Vì anh mà bán sới đi khỏi đình, thì lấy ai vun vén hương khói cho tiền nhân.

Đã họp ngoài đình thì cỗ bàn phải tươm tất, xôi, gà ,cá, lợn được trưng thu từ đầu tháng nay do đám đàn bà nấu, đã bày biện tươm tất. Lũ đàn bà còn phải đợi họp xong mới được về, ở lại phòng khi thiếu thốn, cần gì còn sai bảo. Anh Tư cho chúng ngủ gian nhà kho đằng sau hậu cung của đình. Đám đàn bà được bữa ăn no, ngủ say như chết, có mụ còn ngáy khò khò, nước dãi chảy đầy hai bên mép.

Giờ Tý đã sang, Anh Tư thắp chùm nhang cùng lũ chó kính cẩn chờ hồn ông nhập tượng, một vệt sáng bay vụt từ ngoài vào, bỗng mắt ông Thảnh mở ra, mỉm cười độ lượng nhìn đám đàn em trung thần, ánh mắt ông hiền hoà ve vuốt làm lũ ấy cảm thấy tự tin. Con chó già chột mắt cất tiếng đầu tiên

-Thưa đức ngài, dạo này thiên hạ có nhiều biến động, lũ dân đi buôn bán xa, học nhiều cái bất lương, đem về làng dạy nhau. Chúng đã có ý coi thường truyền thống của làng ta, thậm chí có đứa đem những việc đánh bọn buôn lậu, cướp đồ, đuổi bọn khai thác quặng là sai lầm.

Ông Thảnh ngồi nhìn lũ đệ tử béo múp míp, con nào con nấy tròn quay, hai bên sườn thịt cứ lần lẫn, không còn dấu tích của lũ chó đói khát từ dạo theo ông làm cuộc biến động năm xưa. Có con đang họp nhưng theo thói quen vẫn thè lưỡi liếm đám lông vốn đã bóng mượt lại càng mượt thêm. Kể ra mình để lại cho chúng cũng nhiều lộc, ông gật gù nghĩ thầm, nhưng ở đời này phải dựa vào nhau mà sống. Ông biết giá như chúng mà đói, thì khỏi cần dân làng, chính chúng sẽ lũ đầu tiên coi ông như cứt. Với bọn này luôn phải thấy miếng ngon xơi đuợc thì chúng mới nghe. Và ông chính là thiên tài, thiên tài khi chỉ rõ cho lũ đói khát thấy chỗ có cái chúng cần, chừng nào chúng còn xơi lộc của ông để lại, chừng ấy ông vẫn là ông thánh hoàng làng vĩ đại. Chúng còn đồng thanh sủa những bài ca ngợi ông, chả thế mà các cụ có câu '''' khéo giữ chùa thì được ăn oản ''''. Con chó già chột mắt đã ngừng phát biểu, nó ngồi xuống ve ẩy cái đuôi, hai tai gióng thẳng chờ lời chỉ bảo từ bức tượng đang ngự trên cao kia, thấy tiền nhân còn đang trầm ngâm, nó rít khẽ một tiếng đánh động làm ông bừng tỉnh.

Ông Thảnh khẽ bảo bọn chó lần lượt phát biểu ý kiến. Sau hồi láo nháo tranh nhau báo công, lũ chó bắt đầu kể kể khó khăn phát sinh. Đề nghị ông cho ý kiến chỉ đạo.

Đây lại là lúc ông Thảnh cần phải đưa ra một quyết sách trọng đại, ông Thảnh nghiêm trang cất lời

- Lũ ngươi nghe đây, tình hình thời thế đã có nhiều biến động, cái thời mà chó tung hoành đã hết từ lâu. Con người dần dần sẽ lấy lại những gì của họ. Các ngươi hưởng thụ thế là quá đủ rồi.- ông ngừng lại lấy hơi- lũ chó xôn xao ở dưới- thế chúng ta ra rìa à, khéo bọn người làm ngả thit chúng ta làm món nhậu cũng nên.

Đợi cho con hoang mang, sợ hãi lan dần trong đám chó, ông Thảnh mới cất lời, đấy là nghệ thuật dẫn dắt mà ông học được từ hồi bôn ba tứ xứ .

Các ngươi phải đổi mới, đổi mới thành vóc người. Có vậy thì mới làm dân tin được. Đã đến lúc phải thay cái vỏ để dân chúng khỏi dị nghị, hoà mình vào lốt dân để trị dân. Đấy là phép thuật biến hoá khôn lường rất cao thâm, cái căn bản là thay màu như kỳ nhông vậy. Chúng bay sẽ chết dần từ hôm nay, nhưng linh hồn các ngươi sẽ đầu thai thành người. Cuộc đời này có sinh ắt có tử, các ngươi sống cũng đã lâu, ngày tận cũng đến gần, giờ thoát xác lột da sang đóng kiếp người mà đời con cháu thay nhau hưởng thụ. Nay có đám đàn bà đang ngủ mê mệt kia, anh Tự đã bỏ thuốc cho chúng không biết gì, các người vào mà hành sự.

Lũ chó bừng tỉnh khỏi cơn sợ hãi, lối thoát hiểm đã mở, chúng quỳ xuống rập đầu hô vang

Ngàn đời ghi ơn, tạc dạ công lao của Hoàng Thành Thảnh

Sau đó lũ chó chen nhau vào căn phòng đằng sau, hối hả trút tinh khí của mình vào nơi chuyển kiếp.


Một năm sau, làng tôi có năm đứa trẻ ra đời một lúc, chúng khóc vang khắp thôn xóm, cái đêm mà chúng sinh ra, những ngôi sao trên trời sáng lấp lánh chuyển sang màu vàng ệch. Có kẻ biết thiên văn chép miệng

- Trời lại giáng hoạ xuống dân.

Tháng 3 năm 2003