Thứ Năm, 31 tháng 7, 2008

Nhớ Khau Phạ

Một ngày nào đó, khi mùa xuân trở về trên đèo Khau Phạ. Dưới ánh nắng nhẹ nhàng, trong cơn gió mênh mang và những áng mây trắng bồng bềnh ôm ngang đỉnh núi. Mùi hương núi rừng lồng lộng quyến rũ. Tôi sẽ trở lại Khau Phạ để tìm hình ảnh nhiều năm trước. Lúc tôi còn là cậu học sinh trung học vào dịp nghỉ hè đi theo đoàn người buôn chuyến trên thùng xe tải Din130. Về Hà Nội việc đầu tiên của tôi là ra bưu điện gửi tặng ông già Tú Lệ những thứ đã hứa. Ông cảm ơn rất nhiều và mong có dịp gặp lại.

Tôi cần ông để đi tìm ký ức đó, lần ấy tôi sẽ đi một mình. Hai lần đi mà chả lần nào tôi đi tìm được. Dù tôi tự nhủ lúc bắt đầu - Lần này mình sẽ gặp.

Tôi hỏi nhiều người dân miền cao, họ nhìn tôi hoài nghi . Rồi họ lắc đầu

- Không còn nữa.

Ông già Tú Lệ bảo nó vẫn còn, sâu trong những dãy núi kia. Nó vẫn còn. Ba từ ấy như tiếng thét gọi, thôi thúc tôi vượt qua những ngọn núi đá sừng sững. Nhưng tôi còn có bạn đồng hành. Họ không đi và tôi không thể bắt họ chờ tôi mấy ngày được. Vậy lần sau tôi sẽ đi một mình. Tôi sẽ đội cái mũ nồi mặc bộ quần áo chàm, đồ đạc đựng trong cái gùi. Khi gặp, tôi sẽ nằm đó. Giang tay ngủ một giấc dài. Lúc tỉnh dậy tôi nói chuyện với nó.

- Mày biết không, tao nghe người ta nói lại. Lúc sắp chết ,bố tao hỏi mày có đấy không.

Nó ngả người chạm vào vai tôi, thầm thì hỏi.

- Thế lúc đó anh ở đâu mà không mang tôi đến.?

Tôi sẽ bật khóc chắc chắn là như vậy. Vì tôi đi tìm nó chỉ để mà khóc cho vơi ân hận. Lúc tôi trở về bố tôi chỉ còn là nắm xương , người phu mộ xếp xương vào tiểu hỏi mẹ tôi.

- Sao để bác trai lâu thế mới bốc, xương đen hết cả ?

Mẹ nhìn sang tôi nói.

- Đợi cậu này về.

Mày đừng bao giờ để bố mẹ mày chờ mày từ lúc còn sống, đến lúc chỉ còn là bộ xương vẫn phải chờ mày như tao nhé. Bây giờ tao sẽ kể cho mày hồi đó tao đi đâu. Nào mày ngẩng đầu lên nghe chuyện tao kể nhé…

Nếu bạn muốn nghe, lần tới đi cùng tôi. Nơi nó ở rất sâu trong rừng, đường đi gập gềnh. Lúc nào mệt thì ngồi nghỉ, đừng sốt ruột thời gian. Mặt trời đi đâu cũng mặc. Còn đoạn nào bạn không đi nổi….

Tôi có đôi bờ vai đủ rộng.

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2008

Đèo Khau Phạ

Từ chân đèo đến đỉnh đèo là quãng đường dài hơn 20 cây số, dốc quanh co và dốc tiếp quanh co. Hầu như gần trên đỉnh lúc nào cũng mưa. Bởi độ cao hàng nghìn mét những vách núi đá lúc nào cũng ẩm ướt trong mây mù, đi trên độ cao này đôi tai bỗng chốc ù ù tưng tức. Một con rắn bò qua đường, bánh xe nghiến nát đầu. Con rắn màu đen có những khoanh trắng nhỏ. Một loài rắn cực độc.

Nếu cứ đi trên con lộ 32 ấy, sẽ đến Than Uyên, Sa Pa. Chỉ nhìn cảnh hai bên ven đường thì đẹp đấy, nhưng không lạ. Gặp con đường nhỏ nào rẽ vào. Đi một lát gặp bản người dân tộc. Nhưng người dân tộc lúc nào cũng lăm lăm tay dao, họ đứng nhìn mình chằm chặp. Không hiểu cái dao kia vung lên thì thế nào. Đáng nhẽ mình cũng phải dắt con dao bên hông to hơn của họ. Con xe wyn thuê khựng lại chiếc cây cầu bằng gỗ. Trông nó mỏng manh và yếu ớt. Đang tần ngần thấy có người đi đến, hỏi đi được không. Họ gật đầu. Đi được thì đi qua hộ nhé. Đứng nhìn người đàn ông đi xe qua cầu, hơi chòng chành nhưng vẫn qua. Đi bộ theo sang bên kia nhận lại xe. Người đi hộ xe nhìn thấy mình quần đùi, áo cộc tay mang mỗi cái máy ảnh. Hỏi mày đi đâu. Mình chỉ tay lên con đường ngoằn nghèo trên những sườn núi.

- Đi lên kia xem có gì ?

- Xem cái gì ?

- Xem cây táo mèo, ở dưới xuôi không có ?

Kệ anh ta nhìn với con mắt nghi ngờ. Mà anh ấy nghi cũng phải. Mình mò đi xem táo mèo làm gì, xem cái khác cơ.

Cái ông già bán quán ở Tú Lệ kể , cứ đi khoảng 7 cây số bằng xe máy. Rồi gửi nhà dân tộc. Đi bộ tiếp 5 cây nữa leo núi. Sẽ thấy thứ đó. Bởi vậy mình quyết đi. Đường toàn đá, như là con suối cạn ý. Gặp đoạn lở đất, con đường vốn hẹp đã hẹp thêm. Đất lở sát mép vực, mưa vẫn bay nhẹ. Trơn thế này định bỏ xe lại . Nhìn phía trước thấy đường còn tạm đi được. Cố dắt xe qua, nhìn bàn chân chân cách mép vực chừng gang tay mà lạnh người. Qua đoạn đó gặp vũng nước, ngồi rửa chân thì có con ngựa thồ hai khúc gỗ lừng lững đi qua. Chẳng có ai theo, con ngựa cắm đầu đi không cần biết có mình đang nhìn.

Lúc sau thấy một cậu chàng đi từ vách núi ra, vai vác cây gỗ to bằng cái mũ bảo hiểm, dài chừng ba mét. Tay cầm dao phạt cây lấy lối đi. Chắc chủ của con ngựa. Mình hỏi

- Lấy gỗ về làm gì đấy?

- À làm cái bếp mà

Tiện nhỉ, làm cái bếp là vác dao lên rừng chặt cây. Rồi mùa đông sưởi ấm cũng chặt cây, rồi cần tiền mua xe máy cũng chặt cây. Ban sáng mụ chủ quán tạp hoá nói – chú mua po mu chị lấy cho. Dài 70, ngang 40, dầy 26 phân ( y hệt hai khúc gỗ con ngựa thồ vừa đi qua). Hơn 200 nghìn một khúc như vậy. Nghĩ thế thôi, chứ phải mình mà là dân tộc mình còn tham hơn người ta nhiều. Cuộc sống mà, ai mà lo cho họ. Đảng và nhà nước ở xa lắm.

Chẳng biết có phải bản không, độc năm cái chái nhà nằm rải rác quanh thũng lũng trồng lúa. Nhà sàn nhỏ như cái chòi. Có đứa trẻ con ngồi trên hiên, tóc tai bù xù, quần áo nhem nhuốc. Dựng cái xe hỏi bố mẹ nó đâu. Nó không nói. Chắc nó chưa biết tiếng Kinh. Đứng quanh nhà đứa bé một lúc thấy bố nó về. May là anh ta nói được vài câu tiếng Kinh. Gửi nốt cả máy ảnh tay không đi lên núi. Ông già Tú Lệ dặn đừng mang theo máy móc gì không thì bỏ xác.

Đi mãi mấy tiếng, chỉ có núi và suối. Chim chóc hót. Đi một chốc lại nghỉ, hút thuốc. Khát sẵn có suối đấy, nước trong và mát lạnh. Lúc đi định cầm chai nước. Nhưng đắn đo không cầm vì sợ bị để ý.

Thế là cả đi xe máy, đi bộ mất hơn nửa ngày , tìm mãi không thấy nó đâu. Đáng ra phải thuê một người dân tộc dẫn đường. Không tìm được cái hình ảnh đẹp năm nào còn trong ký ức. Một cánh đồng hoa mỏng tang nhiều màu sắc, cánh hoa rung rinh theo gió. Màu tím, màu trắng, màu phớt hồng…ừ đã 20 năm rồi còn gì. Không về nhanh thì tối chưa ra đường nhựa. Quay lại con đường cũ, qua cái cầu gỗ lao xe vèo một cái, còn lụa hơn cả dân bản xứ.

Đêm về Tú Lệ, ông già định lấy rượu nhưng mình đòi uống trè.

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2008

Đèo Khau Phạ 2

Cái thị trấn yên bình, vài chục nóc nhà. Xe khách dưới xuôi chạy vèo qua may lắm mới có chuyến đỗ lại. Ở đây mưa lạ lắm, hạt mưa bay gần như ngang với mặt đất. Ở trong nhà nhìn ra, rõ ràng mưa bay ngang. Ấy là vì hạt mưa nhỏ mà gió lại to. Nghe tin báo Hà Nội nóng 37 độ, mà 2 giờ chiều lạnh se se. Buổi sớm còn lạnh nữa, những người dân tộc gùi các thứ thổ sản đến cửa từng nhà mời mua. Mấy con gà, xâu cá suối nhỏ, quả bí, mớ rau, củ, cây làm thuốc gì đó và cả mật ong. Gọi một gã dân tộc mặt mũi chất phác vào xem mật ong, ông già can

- Đừng, toàn mật ong đểu. Bây giờ muốn mua mật ong thật phải nhìn thấy nó mang cả tổ ong đến đây, vắt mật cho mình xem mới tin.

Ồ, thế là bà con dân tộc đã tiến bộ lắm rồi a . Thằng bạn đi cùng nó bảo sắp đến lúc người Mông mắng nhau đại loại – mày ngu như thằng Kinh ý. Tìm hiểu loanh quanh về bà con miền núi thấy lắm chuyện khôi hài. Có anh bán gà cho người Kinh xong, ra chợ uống rượu say mất tiền thế nào. Quay về bắt đền người ta trả thiếu. Cãi nhau không được hôm sau kéo cả bản xuống thị trấn ngồi cửa chửi

- Thằng Kinh ăn đầu tao.

Câu chửi này đúng ra là thằng Kinh ăn cái khác, nhưng lớp dân Kinh đi trước đã phòng xa có ngày dân tộc chửi mình. Họ đã dạy dân tộc là bọn Kinh rất sợ chửi là ăn đầu, thế nên các bạn người Mông ở đây mỗi khi chửi bọn Kinh thường nói ăn đầu tao.

Khi tiếng đồn về bản nào đó săn được gấu hay hổ. Tin tức lan nhanh, dân Kinh quanh vùng xô nhau trèo núi đến tìm mua. Có mỗi một con gấu mà đến ba mươi cái mật. Người Văn Chấn cũng mua được mật gấu, người Văn Bản vượt núi sang, Than Uyên mò xuống. Ai cũng mua được mật cả. Đi khắp vòng bán kính mấy chục cây, người nào cũng khoe vừa mua mật gấu thật ở bản N… Năm trời mới bắn được con gấu rừng cho nên nhiều mật thế. Người bán hàng ăn kể - có thằng dân tộc chuyên đi mua mật lợn khô, mình làm hàng giết lợn , lấy mật xong sấy cho nó. Tháng nó qua lấy một lần. Có khi mật gấu ở đấy chứ ở đâu. Lại còn hổ nữa. Bán đến mấy tạ thịt hổ rồi mà hỏi mua vẫn có. Tài thật, hổ của bà con dân tộc săn được có khi to bằng con voi.

Nhà nước cấm súng kíp, nhưng vào sâu trong rừng thì súng kíp sao mà thiếu nổi. Cán bộ nào vào đó mà thu. Ngay như cây thuốc phiện, triệt phá ghê mà vẫn còn. Đoàn cán bộ liên ngành đi tái triệt cây thuốc phiện về thị trấn ăn nhậu. Xe ô tô mấy cái liền, nhìn những cái mặt béo tốt đang chúc tụng chiến dịch đã thành công mà thấy buồn cười. Đường vào nương thuốc phiện đi bộ còn không xong, cả cái bầu đoàn đấy thì đi đến đâu. Ông già Tú Lệ nói - Họ đến cửa rừng là giỏi lắm rồi, vào sâu bọn Mèo nó nấp trên núi bắn súng kíp đì đoàng. Sợ mất mật gan đâu mà vào phá. Ông ấy hứa cho mình một ít hạt giống , nói trồng dễ lắm chỉ có ít đất là trồng được. Mình sợ khí hậu Hà Nội không hợp nên không lấy.

Chiều ra suối tắm, thằng bạn đi cùng chơi từ lâu suýt chết đuối. Ngày trước đá bóng cùng nó nhanh nhẹn lắm, giờ cởi trần ra nhìn cái bụng nó mới tội nghiệp. Như đàn bà chửa, suối không sâu nhưng nước xiết và nhiều đá to, đá nổi đá ngầm như trận đồ. Thằng bé ở

đó nhảy xuống giữa suối ùm một cái rồi lên bờ ngon lành. Mình nhảy theo loay hoay nước đẩy đúng bờ. Đến thằng bạn nhảy xuống, nước cuốn đi, người xiêu vẹo giữa dòng nước trắng xoá và đá vây quanh. Nó vùng vẫy sang bờ bên kia, cứ ngồi thừ bên đó mặt tái mét, chân tay bầm dập rớm máu. Trời gần tối mà nó loay hoay không về được bên này. May có hai người đàn ông dân tộc đi ra suối. Mình nhờ một sang dắt nó về sau hổi mặc cả giá là 30 nghìn. Người kia đi còn người ở lại nói

- Có nhiều người Kinh chết ở đây rồi, họ đi làm đường xuống tắm. Bảo là nguy hiểm họ không nghe, lại còn nói là từng bơi sống, biển không sao chết sao được ở suối. Biết đâu là suối toàn đá, nước xiết cuốn đi, lúc đầu ống chân đập vào đá khuỵ người. Sau đến đập đầu là vừa đi.

Không biết đúng thế không, nhưng dù sao ông ấy nói thế mình cũng không còn tiếc 30 nghìn. Người kia đi lòng vòng qua mấy đoạn suối mới dắt thằng bạn bụng phệ của mình về. Nó cám ơn anh ta rối rít . Mãi đến tối nó chưa hoàn hồn, nó giơ cái chân rớm máu ra xuýt xoa. Rồi nó tự nói là phúc nhà nó lớn , lúc nguy cấp nó vẫn tin rằng không chết được. Nó lấy ô tô đi mấy chục cây mua con cá hồi ở trại nuôi về ăn mừng thoát chết. Rượu với cà hồi ngất ngây, nhìn thấy một em ở đó rất xinh, tóc dài, cao hơn nó nửa cái đầu. Nó gọi em ấy vào giao lưu. Lại còn nói rằng – anh vừa suýt chết ở đây, đúng là kỷ niệm đáng nhớ, giờ anh muốn có kỷ niệm đáng nhớ , nhưng đẹp chứ không sợ như ngoài suối. Em có giúp anh không. Cô bé mắt long lanh….

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2008

Thời xa lạ.

Mấy hôm đi trên rừng về Hà Nội, dắt xe máy ra cây xăng đổ đầy. Nhìn con số 120 nghìn giật mình tưởng nhầm. Lúc trả tiền mới nhớ ra là xăng đã tăng trong lúc mình còn lang thang trên con thác Mù Cang Chải.

Thế là bao ý tưởng ăm ắp về chuyến đi biến mất. Hôm nay ngồi tra giá vật liệu mới thấy kinh hồn. Mới hôm nọ dây điện Trần Phú loại 2,5 ly giá 10k giờ lên 15 k. Sắt hộp 20 x20 dạo nọ 42k giờ 80k. Ngày xưa làm trọn là 150k một mét vuông, giờ thế này tính bao nhiêu ? Vẫn là 150k, đời càng ngày càng khốn nạn.

Trà đá vỉa hè 2k một cốc, mẹ kiếp. Xăng tăng liên quan gì đến trà đá, thế mà cũng tăng. Lại còn nói với vẻ rất chi hiểu biết - bây giờ xăng tăng giá thì cái gì cũng tăng.

Tất nhiên là xăng tăng mọi thứ liên quan đều tăng, nhưng tăng thì có mức độ, có lương tâm. Bây giờ ai làm gì cũng tăng hết, thì cả xã hội cứ vào vòng cuốn của giá cả phi mã. Làm sao mà làm ăn nổi

Y hệt lúc đổi tiền ngày xưa, mở mắt ra là thấy lên giá.

Bao giờ nhà nước cũng có lý do chính đáng để giải thích các hiện tượng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Tàu đã vào thế cưỡi lưng cọp




Sau khi “đuổi” hãng BP Anh quốc rút lui ra khỏi giàn khoan VN trên biển Đông, song song với tăng phái ào ạt hải quân đe dọa các nước láng giềng ngỏ hầu làm chủ vùng biển nhiều dầu hỏa này. Giờ Tàu luôn tiện đang đe dọa “ĐUỔI luôn Mỹ’ ra khỏi hợp đồng với VN. Tất cả tình hình giờ đây đang đổ dồn vào xem phản ứng như thế nào mà thôi.

Sự kiện ‘lếu láo‘ này có thể bất ngờ đối với chúng ta có thể gây ‘shock’ cho cả Mỹ là đàng khác. Thái độ ngang ngược của Tàu trên biển Đông các nưóc nhỏ trong vùng ai cũng hận nhưng vì cái thế quân sự mạnh bạo của Tàu đang bao trùm trên biển Đông họ phải đang trong cái thề ‘cù cưa’ làm cho Tàu càng lúc càng có thời gian hiện đại hóa, tăng cường bổ sung lực lượng ‘răn đe’ trong vùng, càng lấn sân các nước nhỏ, xem thường thiên hạ.

Tàu lớn lối đe nạt các nước nhỏ đã đành, đằng này ‘dọa nạt’ luôn các siêu cường là Anh rồi đến Mỹ! Tàu dựa vào sức mạnh nào dám thách thức như vậy?

Trước tiên là từ chuyện tranh chấp nguồn năng lượng là dầu hỏa.
Chuyện túi dầu LỚN ở biển ĐÔNG thì vệ tinh MỸ đã soi chụp trước năm 1975, nằm trên bàn giấy của KISSSINGER nhưng tại sao Mỹ phải bỏ VN nó còn nằm trên nhiều nguyên cớ:

-Cuộc sa lầy VN đã làm hao tốn sinh mạng Mỹ quá mức chịu đựng
-Mất lòng dân Mỹ , uy tín đảng Cọng hòa giảm mạnh về chính trị
-tránh đụng độ với Tàu vì kinh nghiệm chiến tranh Triều tiên Mỹ Đồng minh bị gần mấy trăm ngàn Hồng quân đẩy lui đồng minh quá tới bờ sông Áp lục đưa tới hiêp ước Bàn Môn điếm

-Điều quan trong nhất là Mỹ thời này đã tìm ra một phát kiến mới là sự đổi chác với Tàu (tiềm năng vĩ đại cho thị trường tiêu thụ và cung cấp nhân công cho tư bản Mỹ ) chuyện này hứa hẹn đưa nước Tàu phát triển cùng hưởng lợi với Mỹ đưa đẩy Liên xô đến cơ hội sụp đổ hoàn toàn Mỹ đã biết trước rằng một nước Tàu có phát triển mức nào cũng không diệt được Mỹ nhưng sự đe dọa của Liên xô với kỹ thuật khoa học ngang hàng và hơn Mỹ thì Liên xô là mối đe dọa thực sự cho sự sống còn của Mỹ và thế giới tự do.

Bởi thế, tuy Kissinger biết túi dầu Đông Hải khá lớn nhưng Mỹ vì sư lợi hại trên mà phải tính chước BỎ VN bước một để tiến tới 3 bước. Do đó thời nội các của Nixon–Kissinger đã có những chuyến đi ngoại giao mở đường trước với Tàu. Sự kiện này dù có hay không có chuyện Watergate làm Nixon phải từ chức thì cũng tiến hành thôi. Hơn nữa sự dính líu chiến tranh Đông Dương của Mỹ nó nằm chiến lược thế giới của Mỹ sau Thế Chiến HAI không phải vì dầu mà Mỹ hất Pháp để dính vào Đông Dương, hơn nữa dầu biển Đông có lớn chừng nào cũng không bằng túi dầu Trung đông được.

Rõ ràng với sự chuẫn bị lực lượng hải quân để bảo vệ quyền lợi kinh tế của Tàu đã là chuyện thực tế không ai chối cãi. Thế làm chủ biển Đông của Tàu đang diễn ra trên sóng nước hàng ngày. Chúng ta phải để ý ràng sau cuộc chiến VN 1975 lực lượng Hạm đội 7 của Mỹ đã giang ra xa biển Đông trở về vị trí bao phủ Thái bình dương mà bộ chỉ huy đang đóng tại Nhật.

Nhưng nếu như MỸ đang DỰ TÍNH TRỞ LẠI ĐÔNG DƯƠNG chuyện này có thể xảy ra, vì giờ đã hết mối họa Liên xô, thì Mỹ đang ‘tính chuyện’ với Tàu vì anh chàng này đang nhờ vào tiềm lực dồi dào sau mấy chục năm nhờ làm ăn mua bán với Mỹ đã trở nên giàu mạnh và đang tính chuyện ‘đè đầu’ Mỹ trong nay mai nên vươn cái vòi xa ra khỏi tầm dự tính của Mỹ. Hiện nay Tàu đang mua chuộc các nước nghèo ở Châu phi, đang “xâm lăng “ sân sau của Mỹ là Nam Mỹ. còn chuyện Tàu đã hợp tác với Iran và các nước Hồi giáo khác cũng là một chuyện lo khác cho Mỹ từ lâu nay.

Chuyện hiện đại hoá quân sự của Tàu hiện nay đang làm mất cân đối cán cân lực lượng Mỹ - Tàu ở Thái bình dương là một mối lo khác
Có thể Mỹ đang lo ngại Tàu.

Một cuộc chiến tranh lạnh khác đã và đang xảy ra khi Tàu phóng hỏa tiển Thần Châu đi vào quỹ đạo địa cầu năm 2003 với lời mở đầu của bài báo cáo về không phận quốc gia của Mỹ:

"The United States will preserve its rights, capabilities, and freedom of action in space... and deny, if necessary, adversaries the use of space capabilities hostile to US national interests…
(Hoa Kỳ có quyền sử dụng mọi khả năng hiện có tự do hành động trong không gian trong trường hợp kẻ thù dùng các phương tiện không gian xâm hại lợi ích nưóc Mỹ ..)

Nó đã ám chỉ Tàu cộng kẻ ngày đêm miệt mài một thâm ý tiêu diệt Mỹ và bá chủ thế giới nay mai.

Rõ ràng cái thế của Mỹ ở Biển Đông hiện nay hơi khó đoán? Có thể nhân cơ hôi vụ Exxon này Mỹ sẽ điều đông, tái phối trí hạm đội 7 trong thời gian gần tới đây thôi để bảo vệ tuyến biển qua eo Mallacca giữa Mã lai và Nam dương để đi lên các nước đông bắc á.
Tuyến biển hiện thời thì hiện tại Mỹ đang duy trì ảnh hưởng trên 3 điểm chiến lược trên thế giới :
-KINH ĐÀO SUEZ : nối Đại tây dương với Ấn độ dương sau khi qua biển Địa trung Hải (tàu bè khỏi đi vòng qua mũi Hảo vọng quá xa)
-Eo biển BERINGS nôi Bắc băng Dương vaò Thái binh Dương
-Kinh đào PANAMA nối Thái bình dương qua Đại tây dương (khỏi đi vòng Nam Mỹ )
đó là 3 nút chiến lược mà bao nhiêu đời TT Mỹ phải 'GIỮ' cho được.

Nhưng những giả thuyết của tình hình hiện nay khi Tàu đã chính thức ‘đuổi Mỹ’ ra khỏi hợp đồng với VN:
- Có thể khi đã hợp đồng với VN, Mỹ đã thấy trước rõ ràng VÙNG VN cho Mỹ ký nằm NGOÀI VÙNG TRANH CHẤP nhưng không ngờ tên Tàu QUÁ NGANG NGƯỢC, sự ngang ngược ngoài mức suy tính của Mỹ cũng nên?
- Cũng có thể CSVN báo cáo LÁO để 'DỤ" Mỹ dính hợp đồng, đưa đến sự hiểu lầm cho Mỹ? Từ đó VN sẽ có một liên minh gián tiếp vì Mỹ phải bảo vệ cho quyền lợi MỸ.
-Có thể Mỹ lầm tưởng rằng Tàu sẽ không dám đuổi Mỹ như đuổi Anh quốc (hãng BP)
- có thể Tàu thăm dò bắt mạch rằng Mỹ không dám đụng độ trực tiếp với Tàu trong lúc này
- Có thể TÀU SAU KHI HẬN ÔNG TRỜI VỤ ĐỘNG ĐẤT TỨ XUYÊN, thẹn quá hóa giận tự tạo thêm cái uy thế của mình “ta chưa yếu đâu “ .

Muốn hay không muốn chuyện DỈ LỠ này đã tạo thành thế CỠI LƯNG CỌP - đưa đến những biến tướng ngoài TẦM KIỂM SOÁT của con người cũng nên?
Sự hăm dọa công ty Exxon Mỹ là mũi LAO ĐÃ PHÓNG rồi, phải theo lao mà thôi vì nếu rút lui lời đe dọa thì Tàu sẽ ê mặt mà nếu Mỹ im lặng chịu rút thì rõ ràng còn gì cái thế ngoại giao của Mỹ hiện nay nữa. Rõ ràng đây là một canh bạc đấu trí Tàu đã bắt buộc Mỹ phải LẬT CON BÀI ẨM của Mỹ.

Vấn đề có thể Tàu đã đánh hơi Mỹ đang rục rịch trở lại vùng biển Đông có nhiều DẦU thì một phen sống mái, đánh ván cờ ‘đấu trí’ với Mỹ xem thử tình hình hiện nay Mỹ có dám ‘làm căng‘ cao giọng lại với Tàu hay không?

Mỹ sẽ trả lời :

Trưóc chuyện thách đố ý chí của Mỹ lần này thì có thể Mỹ đã gián tiếp cho Tàu biết nhẹ nhàng bằng các cuộc thăm viếng của hải quân Mỹ tại cảng Sai gon, Đà nẵng, tàu bệnh viện Mỹ tại Nha trang v v. Thêm vào đó lời tuyên bố chung giữa Mỹ và TT CSVN Nguyễn T Dũng tuy chưa chính thức là hiệp ước liên minh nào nhưng cũng phần nào tạo niềm tin cho phe thân Mỹ trong đảng CSVN. Thêm vào nữa thì Mỹ đã hổ trợ VN vào HĐBALHQ.

Đây là điềm báo trước vấn đề VN và tranh chấp Biển Đông sẽ ra trước HĐBALHQ. Đây là cơ hội cho phe ‘THÂN MỸ” trong nội bộ Đảng CSVN tạo thế thành công vẫy vùng ra khỏi bàn tay lông lá Hán triều, nhất là triệt tiêu thành phần thân Tàu. Các túi DẦU này tạo thế liên kết hay sức hấp dẫn với Mỹ và thế giới TỰ DO, đồng minh với các nươc Đông nam Á, lòng dân VN tất cả đang căm thù Tàu cộng, chúng tuy mạnh quân sự nhưng lòng dân Tàu đang rệu rã phẩn uất với chế độ CS cũng độc tài tham ô bạo tàn như nhau trên đâu gần 2 tỷ dân họ nên CS Tàu đang cũng giống bạo chuá TẦN THUỶ HOÀNG ngày xưa nên sẵn sàng có rất nhiều tráng sĩ KINH KHA giết họ

Thế giới cũng vậy, chế độ tàn bạo của Hán tàu ai ai cũng căm phẫn, cuộc rước đuốc OLYMPIC bị biểu tinh tẩy chay đồng loạt là một thí dụ hùng biện nhất cho cái thế của Tàu hiện nay. Tàu cộng hôm nay là một chế độ trời không dung, đất không tha vì sự tàn ác tham lam của nó cưỡng chiêm Tây tạng, vụ Thiên an Môn, tiêu diệt dã man Pháp luân công, tham nhũng bốc lột cả tỷ dân lành để xây dựng chế độ độc tài . CS ĐỎ Hán Đế hiện tại xây dựng cho sự giàu có vô tận cho mấy tên đầu sỏ Hán triều. Nội tình Tàu cũng có nhiều sức đối kháng, dân Tàu luôn vùng lên đập phá cơ sở chính quyền sẵn sàng đập nát chế độ Cộng sản chuyên chế nên tuy Tàu nói hùng hổ vậy nhưng rất ngại chiến tranh vì chỉ cần một cuộc chiến xảy ra thì công lao xây dựng ký cóp mấy chục năm nay Tàu đổ xuống sông 1 ngày thôi.

Hoa Kỳ cho VN cơ hội có chân trong Hôi đồng bảo an LHQ là một cách gián tiếp giúp đưa Hoàng sa Trường sa ra trước bàn tròn quốc tế. CSVN nên nhân cơ hội ngàn vàng này mà giành lấy con đường sống với dân tộc VN. Chìa khóa vấn đề là phải diệt cho được PHE THÂN TÀU trong nội bộ đảng CSVN. PHE THÂN MỸ có thể lợi dụng những lợi điểm này để vùng lên giành con đường sống lập công chuộc tội bằng sự tồn vong của dân tộc. Nếu như để cơ hội này vuột mất tầm tay thì khi VN mất vào tay Tàu thì nhóm này cũng chết chi bằng vừa trở về với dân tộc tìm con đường sống trước và những cải cách sau này còn có cơ hôi cho họ khi VN còn tồn tại. Chúng ta cung không tránh được thực tế rằng tuy chúng ta chống lại CS nhưng chúng ta không có cơ hội ngồi vào LHQ để tranh đấu cho quyền lợi dân tộc VN chi bằng TƯƠNG KẾ TỰU KẾ trong lúc này phải chọn một giải pháp KHẢ THI đã trình bày như trên mà thôi. Các nước nhược tiểu bị đè nén khác về vụ tranh chấp tại biển Đông như Phi luật tân, Đài loan, Mã lai, Brunei, Nam Dương, ngay cả Thái lan, Cam bốt cũng vào ăn có và sẽ ủng hộ VN nhất là khi Mỹ gián tiếp ‘đánh động‘ sự kiện lên LHQ và chúng ta hi vọng Mỹ sẽ lên tiếng.

Nếu các nước Đông nam á chuyến này không đoàn kết với nhau, liên kết tìm ra cái thế chung cho thân phận nhỏ bé của họ thì chắc chắn Tàu sẽ chia cắt bao vây nuốt dần từng nước một trong vùng Đông Nam Á này.

Đây là lá bài ‘thăm dò’ phản ứng Mỹ khi đang bận bịu trong mùa BẦU CỬ tháng 11 tới. Tàu biết Mỹ cũng đang kẹt chân vụ Iraq và Afganistan, sức chú tâm của dân Mỹ đang hướng vào 2 chuyện này . Phản ứng của Mỹ lần này đối với Tàu là một thử thách (challenge) cho nội các TT Bush về ngoại giao nữa là đằng khác.

Hy vọng hạm đội 7 sẽ có hướng hành quân để bảo vệ quyền lợi Mỹ ở biển Đông và hứa hẹn gì của Nguyễn t Dũng trong khi gặp TT Bush cùng sự chứng tỏ không nói suông sẽ thể hiện qua sự cố tay ba Tàu Mỹ Việt nam.

Chuyện Biển Đông có thể dần dà trở thành đề tài nóng bỏng nhất hôm nay và hứa hẹn nhiều biến chuyển không lường trước được.

THIÊN CƠ BẤT KHẢ LẬU, CÓ BIẾN MỚI THÔNG.


Xuân Khê
Nguồn: luyenchuong.net

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2008

thư quán

Ở Hà Nội có mấy thư quán, hình như chẳng nhiều lắm. Một của dịch giả Đoàn Tử Huyến ở tận mãi Cầu Giấy. Hai là của nhà văn Võ Thị Xuân Hà ở 104 Tô Hiến Thành. Khách đến vớ sách ra đọc, muốn uống gì thì gọi. Có cà fe, trà....

Thời bao cấp, cuộc sống bình lặng. Thỉnh thoảng vào quán cà fe hay quán trè mạn thấy có người âm thầm ngồi một góc, bên cửa sổ đọc cuốn sách ố vàng. Một nét văn hoá rất Hà Nội xưa.

Ngày nay kinh tế thị trường đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực, đọc sách ở quán hầu như không thấy nữa. Hoạ hoằn lắm có cô gái ngồi trong quán cà fe máy lạnh giở tạm cuốn sách đọc trong thời gian chờ ai. Người ta mở laptop ra đọc hay tranh thủ làm việc là nhiều. Máy tính dần thay cho sách ở quán xá.

Bây giờ người ta ít đọc chăng ? Hình như không phải, ở cửa hàng sách người mua vẫn ầm ầm. Còn mua nhiều hơn ngày xưa cho dù sách bây giờ đắt hơn. Cuộc sống đã khá lên, chẳng ai mượn sách ở thư viện hay nhà cho thuê sách về đọc như ngày trước. Thư quán bây giờ đúng nghĩa chỉ có hàng thuê truyện tranh thiếu nhi. Bọn trẻ con bỏ 500 hay 1000 đồng ra vớ quyển truyện tranh đọc nghiến ngấu say mê ngay tại cửa hàng. Người lớn mua sách về nhà, lúc nào rảnh rỗi thì đọc. Ai đến thư quán làm gì, thời gian có sẵn như mấy chục năm trước nữa đâu.

Nhưng thư quán có một điều hay , đó là nơi những người yêu sách có thể tụ tập, bàn tán về tác phẩm nào đó theo cảm nhận của mình. Không phải thứ cảm nhận của đám đông bị bọn đầu nậu thuê bọn phê bình bơm đểu, thổi phồng. Hay lũ lâu nhâu chửi ngang, khen dọc tạo ra đình đám. Người đọc cùng bạn bè điểm lại những cuốn sách chất lượng, có giá trị về mặt nghệ thuật cũng như tinh thần cùng nhau đàm luân. Thư quán ngày nay chỉ là chỗ tụ tập của người yêu sách đến chia sẻ, giao lưu. Chứ đến thư quán để đọc thì có nổi mấy người. Thế nên Hà Nội không có nhiều thư quán là phải. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà sắp giã từ thư quán vào tháng 8 này. Chị có vẻ nuối tiếc vị dự định xây dựng văn hoá đọc cho cộng đồng chưa làm trọn. Đôi khi nhắc đến thư quán của chị với ai đó. Người ta bĩu môi - ối dào bà ấy làm thế cốt để kinh doanh, thời này ai vì văn hoá chung của xã hội.

Nghe thấy tức khí quá, Người Buôn Gió có mấy ngàn cuốn sách. Nhiều cuốn mất công phu săn lùng lắm mới có. Những cuốn sách không biết bao giờ mới tái bản. Đằng nào cũng đọc hết rồi. Để đấy cũng vô ích. Có khi tậu ít bàn ghế, sửa sang nhà cửa. Mở một thư quán đón tiếp bạn bè đến chém gió chết thôi. Tạm thời thì đồ uống chỉ có trà Thái Nguyên loại ngon không tính tiền. Phi kinh tế hoàn toàn. Cốt có nơi các bạn thân đến tào lao mỗi ngày một chuyện. Có nên không nhỉ ? Rồi mỗi tuần thảo luận về một tác giả, một cuốn sách. Ghi chép lại những ý kiến của các bạn đưa lên blog hay một trang website nào đó. Đấy chủ quán chỉ cần khách trả công bằng những cảm nghĩ , ý kiến riêng của khách. Thế là nhiều lắm rồi.

Không biết thực hiện này có phải xin phép các đồng chí A25 không nhỉ ?

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2008

tăng cường sự lãnh đạo của đảng với công tác thanh niên.

Hội nghị trung ương Đảng lần thứ bảy họp trong lúc bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu bất ổn trầm trọng. Mức lãi suất ngân hàng đạt đến mức kỷ lục và các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân cũng tăng đến mức quá ơhải lo ngại.



Mặc dù thông qua nhiều phương tiện truyền thông, giới lãnh đạo VN vẫn liên tiếp nói rằng nền kinh tế VN chưa đến nỗi bi quan, những dự đoán khó khăn chỉ là thời gian ngắn, đã có nhiều tín hiệu cho thấy đang phục hồi....Nhưng người dân vẫn cảm thấy ngộp thở khi chi trả tiền trong sinh hoạt hàng ngày.



Khó trông chờ ở đại hội lần này có quyết sách gì cho nền kinh tế dễ thở hơn, bởi kinh tế chỉ đóng thời gian thảo luận khiêm tốn tại hội nghị. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh khi đọc diễn văn khai mạc đã nhấn mạnh 3 vấn đề cần thảo luận và có chiến lược rõ. 3 vấn đề đó là.



- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác thanh niên.

- Phát huy tiềm năng, sử dụng đội ngũ tri thức

- Giải quyết vấn đề nông dân, nông thôn.



Có lẽ ông Mạnh quan tâm hơn cả ở vấn đề thanh niên. Ngay sau khi các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa- Trường Sa của thanh niên cả nước bị lực lượng công an giải tán. Ông Mạnh đã lập tức gặp gỡ lãnh đạo công an thành phố Hà Nội để biểu dương, khen ngợi CA đã công tác tốt trong việc giữ gìn an ninh trật tự tại thủ đô.Lần xuất hiện này đáng chú ý bởi vì cả thời gian dài trước đó, không thấy ông xuất hiện trên chính trường sau vụ PMU18. Nhân lúc phong trào thanh niên phản kháng chủ quyền lãnh thổ dâng cao,việc ông Mạnh trở lại xiết chặt dây cương đã được nhiều thế lực trong và ngoài nước cảm thấy hài lòng. Chính vì vậy ông đã dần lấy lại uy tín và vai trò lãnh đạo dưới sự trợ giúp những người mà ông đã làm cho thấy hài lòng. Để phát huy thế mạnh này, đại hội lần này ông Mạnh tiếp tục đẩy mạnh quản lý công tác thanh niên, tri thức. Đây mới chính là sở trường của ông, nếu bàn nhiều đến kinh tế thì vì tổng bí thư xuất phát từ trung cấp nông lâm nghiệp khó có thể ý kiến nhiều, có khi còn lép vế trước nhiều địa biểu trong hội nghị.



Diễn giải của từ lãnh đạo ở nghĩa khác là cai trị. Mà cai trị thì cần đến hình phạt và khen thưởng. Hay cây gậy và củ cả rốt. Không cần nhìn sâu cũng biết những phòng trào tự phát của thanh niên mà đảng thấy lo ngại gần đây đều thông qua intenet , nhất là blog. Đoàn thanh niên bất lực trước việc định hướng và kiểm soát phong trào này. Tăng cường lãnh đạo công tác thanh niên thế nào , chưa cần hội nghị lần này bế mạc thành công tốt đẹp mới biết. Chỉ cần điểm qua vài động thái của cơ quan văn hóa đã mường tượng thấy. Từ lâu song song với việc kiểm soát chặt bất chấp dư luận thì một hành động khác đạt đến mức nghệ thuật mà giới lãnh đạo Việt Nam hay dùng là tung hỏa mù, lái định hướng, dẫn phong trào đi theo hướng mình muốn. Ví dụ báo Thể Thao Văn Hóa bỗng dưng trước ngày hội nghị khai mạc. Tung ra cuộc thi viết entry tâm đắc về cuộc sống cho giới blog. Giải thưởng khá hấp dẫn, dnàh cho tất cả mọi người mà điều lệ rất đơn giản - đường link dẫn đến blog. Phải nói nếu cuộc thi thành công với nhiều blog tham gia, Thể Thao Văn Hóa đã xứng đáng là tấm gương đi đầu định hướng cho các blog có chỗ vui chơi bổ ích. Khỏi sa đà vào những chuyện xã hội, chính trị dễ bọn cơ hội, thế lực thù địch lợi dụng làm mất ổn định chính trị.



Tin cuộc thi ở đây, mời các bạn tham gia http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/2008/07/3BA0443C/.Một củ cà rốt ngon lành.



Bộ Thể Thao Văn Hóa cũng đi đầu trong việc kêu gọi xiết chặt quản lý blog. Chánh thanh tra bộ TTVH Vũ Xuân Thành cho biết đã hoàn tất quy định về quản lý nội dung blog. Dưới đây là một ý kiến trong lúc thảo luận quy định này.



Theo ông Tuấn, vấn đề then chốt để quản lý nội dung blog là quản lý được các weblog chính thống, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng. Từ đó, sẽ quản lý được nội dung của các blog và blogger phải tuân thủ. Khi blogger hoạt động tại weblog đó, mọi hoạt động phải thông qua sự kiểm duyệt của quản trị. Khi có gì sai phạm, chính weblog đó là người chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý chỉ cần chú ý đến các trang do cá nhân, nhóm nhỏ thành lập và tạo điều kiện cho các weblog chính thống phát triển. Điều này giúp cho cơ quan chức năng không phải lập ra bộ máy quản lý mà chỉ cần một nhóm giám sát như Cảnh sát 113 cho hệ thống blog là đủ.





Rõ ràng từ khi tung ra củ cà rốt, người ta đã chuẩn bị cái gậy từ lâu rồi. Sau hội nghị lần này với sự chủ trì của ông Mạnh. Một người bảo thủ thì việc xiết chặt quản lý blog là điều tất yếu phải làm.




con bim trắng tai đen.2

Ở Việt Nam có rất nhiều dịch giả. Thường thì các dịch giả ngày trước dịch sách theo dòng sách mà mình yêu thích hay quan tâm. Khi đọc tên dịch giả ta có thể biết là cuốn sách ây thể loại gì. Như Trương Vinh Ký thì lịch sử, Nguyễn Hiến Lê chuyên về sách giáo dục đức tính con người. Dương Tường của thể loại văn học kinh điển.... gần đây các dịch giả mới thì dịch sách theo thị hiếu, trào lưu với mục đích kinh tế. Khó có thể nhìn dịch giả mà biết được sách thế nào. Ngày trước đọc một cuốn sách dịch ít nhiều hiểu được người dịch ra sao, vì cuốn sách dịch mang theo cả tấm lòng, cảm nhận và tri thức của người dịch. Có những dịch giả chỉ dịch một hai cuốn mà thôi. Họ dịch bởi họ muốn chia sẻ cùng bạn đọc.





Người dịch cuốn Con Bim Trắng Tai Đen là Tuân Nguyễn. Một cái tên có lẽ khá xa lạ với nhiều bạn đọc. Thậm chí là cả nhiều nhà văn. Tôi đã từng thấy có nhà văn luôn khoe khoang tác phẩm mình là đỉnh nhất, là xuất sắc nhất. Tôi hỏi có biết Tuân Nguyễn là ai không. Nhà văn lắc đầu nói tỉnh bơ



- đéo biết là ai.



Cái đéo biết của nhà văn ấy, như thể Tuân Nguyễn là hạt cát mờ mịt bên cạnh những ngôi sao sáng ,tinh tú trên nền trời văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay,mà một trong ngôi sao sáng ấy ắt hẳn có nhà văn kia. Tôi không muốn kể tên nhà văn này. Vì chắc chắn khi nghe tên, ít nhất là 280 người trong số 300 bạn ở blog tôi sẽ lại buông câu.



- đéo biết là ai.



Tháng trước qua một quán cà fe, có hai nhà văn đang ngồi nói truyện. Nhà văn nữ thấy tôi vào quán chị reo.



- A thằng mọt sách đây rồi.



Chị giới thiệu tôi với nhà văn nam. Chị ấy cũng nói nhà văn nam đã ra một cuốn sách mà ông vừa sưu tầm, biên soạn. Nhà văn hỏi tôi có biết Tuân Nguyễn không. May mắn là tôi vừa đọc Ba phút sự thật của Phùng Quán, ấn tượng về một người tù gầy gò nhưng tâm hồn sáng như gương còn đọng rõ rệt. Tôi nhớ câu chuyện Tuân Nguyễn kể lúc anh nghe người bạn tù bí ẩn đọc cho Candide của Voltaire nguyên bản bằng tiếng Pháp. Câu chuyện đẹp cách huyền ảo như một giai thoại của người tri thức. Nhà văn nam thấy tôi nói về Tuân Nguyễn, ông hào hứng lấy ra cuốn sách, hỏi tên tôi và ghi mấy chữ cho tôi. Cuốn sách bìa màu tím in hình một người dáng thư sinh, mảnh khảnh. Đôi mắt đằng sau cặp kính đầy ưu tư, có tựa rất gản dị - Nhớ Tuân Nguyễn.



Cuốn sách là những dòng kỷ niệm về Tuân Nguyễn, được sưu tầm công phu từ những người bạn của ông.Những con người đầy nhân ái đã ở bên Tuân Nguyễn trong giai đoạn khó khăn của đời ông. Trong số những người đó có những nhà văn, học giả nổi tiếng như Phùng Quán, Vũ Từ Trang, Cao Xuân Hạo, Dương Tường, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Băng Sơn.....




con bim trắng tai đen.3

Khi đọc cuốn sách mới biết rằng ông là người dịch Con Bim Trắng Tai Đen. Tuân Nguyễn hình như chỉ dịch duy nhất cuốn sách đó. Tuân Nguyễn là một nhà thơ công tác biên tập tại mục Tiếng Thơ của Đài Tiếng Nói Việt Nam. Một đồng nghiệp đã đánh cắp cuốn nhật ký của ông gửi cho công an. Lập tức ông bị bắt và đi tù 10 năm liền mà không cẩn phải xét xử phạm tội gì.Cuộc đời Tuân Nguyễn là cả chuỗi dài đau đớn như nhưng nhân vật của Đốt. Bi kịch theo đuổi ông đến cùng khi vừa mở được sạp báo, tưởng đã có cuộc sống yên. Ngày ông đi lấy báo về mở sạp là ngày ông bị tai nạn ô tô lấy đi mạng sống.



Hơn 400 trang sách trong cuốn Nhớ Tuân Nguyễn là những dòng kỷ niệm ăm ắp của bạn bè viết về ông. Hiếm khi có cuốn sách tưởng nhớ một nhân vật như ông có nhiều người nhắc như vậy. Bởi chế độ chuyên chính người ta thường tránh khen những người ngã ngựa, những người có tỳ vết. Họ xúm vào khen một ai đó đã thành danh, đã thành cây cao bóng cả hay cựu cán bộ có cỡ trong ngành. Người sưu tầm đã không quản công phu để tìm lại di cảo của ông. Không nổi tiếng cho lắm trên văn đàn Việt Nam, nhưng khi còn sống bạn bè quan tâm, khi mất đi bạn bè tưởng nhớ. Không nói cũng biết rõ ông và bạn bè ông là những người thế nào.



Ở Việt Nam, trong giới phê bình hiện nay, người ta phê bình vì nhau, anh khen tôi lúc này, tôi khen anh lúc khác. Chúng ta cùng nâng nhau lên. Tôi khen anh vì anh có vị trí trong tổ chức, khi nào bình bầu gì anh nhớ đến tôi.



Riêng với những lời bình trong Nhớ Tuân Nguyễn, tôi tin chắc rằng đó là những lời trong sáng, chân thành của nhiều người. Bởi ông có là gì đâu, một nghi can phản cách mạng bị cải tạo 10 năm, một nhà thơ chưa kịp để danh cho đời. Viết về ông là viết để trả món nợ trong lòng mình. Ngay cả nhà biên soạn Trần Phương Trà tôi tin rằng ông làm cuốn sách này không phải vì mục đích thương mại, không phải vì danh tiếng. Bởi tính thương mại thì ngừoi ta làm sách hot trên thị trường. Vì danh tiếng, vụ lợi thì người ta ca ngợi danh nhân nào đó. Chứ đi làm sách về một nhà thơ nhơ nhỡ từng bị nghi án phản cách mạng thì quả thật chỉ có lòng tấm lòng trung hậu với bạn hữu mới làm mà thôi. Chính vì thế tôi đánh giá cao chất lượng và tinh thần trong cuốn sách mà vốn dĩ chính nó đã có rất nhiều. Một cuốn sách của lương tâm, của tình bằng hữu và cả một sự can đảm ngầm ám chỉ sự đè nén bất công lên số phận người tri thức.





Tuân Nguyễn có điểm giống Bùi Ngọc Tấn. Ông không oán trách. Lời thơ của ông vẫn trong vắt nỗi buồn.



Cánh cò



..có tìm hạnh phúc chân trời ấy

Hãy giã đau thương thung lũng này

Cơ khổ thân em còn lận đận

Giữa trời mưa nắng trắng đường bay..



Một người dịch Con Bim Trắng Tai Đen tất nhiên có tâm hồn như vậy, và một người như vậy thì dĩ nhiên là có những người bạn như vậy còn nghĩ đến ông. Một kiếp người không may mắn như ông khi mất đi hơn 20 năm rồi mà còn nhiều người nghĩ đến như vậy cũng đáng một kiếp làm người.


Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2008

con bim trắng tai đen.1

Ngày ấy mẹ cho tôi đi phiên chơ Mơ bằng tàu điện. Từ mấy hôm trước mẹ đã nói đợi phiên chợ Mơ để mua mấy cây về trồng cho mát. Ở cổng chợ đường vào bên chỗ bán cây cảnh. Tôi thấy một bà già ngồi ven cổng hai tay đang giữ một con chó nhỏ. Con chó bé tí lông tơ vàng óng, mắt nó đen lay láy. Mẹ nói - con thích con chó ấy không , mẹ mua về nuôi - Tôi gật đầu. Thế là tôi có con chó con ấy. Bố tôi đặt tên nó là Lu.



Mỗi khi trời chuẩn bị mưa, sấm chớp nhì nhằng. Con Lu không màng ăn, nó cứ nhìn trời mà tru hay rên ư ử. Bố tôi mắng Lu, tôi bao che cho nó.



- Nó nhớ nhà đấy bố ạ.



Con Lu lớn nhanh, tôi đi đâu nó hay đi theo. Sáng đi học tôi phải xích nó vào chân giường, mặc kệ nó giằng giật để đòi theo. Vì có lần tôi đã muộn họn vì nó, hôm ấy nó theo tôi đến tận cổng trường. Các bạn nói, tôi quay lại mới biết nó âm thầm đi theo mình từ bao giờ.



Rồi một hôm công an rất nhiều ập đến nhà tôi, họ khám xét và mang đi nhiều thứ, có cả bố tôi. Lúc đi bố quay người nói với mẹ.



- Mình cố gắng nuôi các con giúp anh.



Mẹ tôi rất cố gắng, nhưng nuôi 6 đứa con ở cái thời gạo châu, củi quế, tem phiếu. Mà gia đình tôi không ai làm nhà nước, chẳng có tiêu chuẩn gì. Gạo đong từng bữa. Có lúc đổ nước vào xong đun sẵn chờ gạo, mà gạo ở đâu thì lúc ấy còn chưa biết, ở đâu đó, ở mẹ mua về, đợi chị đi vay, hay anh được người ta trả công bằng gạo.



Con Lu gầy đi vì thiếu ăn, tất nhiên sẽ là vậy. Vì chúng tôi cũng đủ ăn đâu. Một hôm mẹ tôi gọi người lái chó đến để bán nó. Tôi khóc như mưa, tôi thương nó lắm. Hôm Trung Thu tôi không có đồ chơi, thèm thuồng nhìn lũ bạn. Tôi về nhà chui vào xó lấy bút vẽ lên giấy những đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, trống. Và cả hình bố đang dắt tôi đi Hàng Mã để mua đồ chơi. Tôi gấp những mảnh giấy đã vẽ ấy cất vào chỗ kín. Tôi tự nhủ khi tôi ngủ dậy , tất cả thứ tôi vẽ sẽ thành sự thật như truyện Cây Bút Thần của Mã Lương. Khi tỉnh giấc , tôi lao đến chỗ cất giấy giở ra, chẳng có gì cả, hình vẽ vẫn là hình vẽ. Nước mắt tôi chảy nhiều, tôi khóc không thành tiếng. Con Lu đến bên tôi, nó liếm nước mắt trên mặt tôi. Nó cũng buồn, tôi ôm nó vào lòng. Có người bạn chia sẻ cũng chóng nguôi ngoai.



Mẹ tôi dỗ dành.



- Thôi bán nó đi để nó hoá kiếp sang kiếp khác, chóng thành người con ạ. Và nhà mình có gì cho nó ăn đâu. Càng để nó càng gầy đi.Phải bán nó để mai đi thăm bố , mai mẹ cho con đi vào với bố nhé.





Con Lu nó trụ bốn chân rít từng cơn, mắt nó nhìn tôi cầu cứu. Tôi lên giường nằm , ôm mặt khóc.



Mấy hôm sau tôi đi lang thang tìm nó, tôi đi lếch thếch lên chợ Long Biên, ngày đó chợ mua bán chó họp gần cầu, trong những cái lồng sắt bao nhiêu chú chó nằm buồn bã, không thấy Lu đâu.

Tôi đi qua Ô Quan Chưởng thấy có hàng cầy tơ bảy món. Mùi chả thơm phức, trong nhà đám người ăn nhồm nhoàm. Ở trên cái móc có cái đầu chó nhe răng trắng nhởn.



Lúc nào nhớ Lu tôi lại đi tìm nó ở các lồng chó ở chợ.



Mấy năm sau bố tôi về, nhà tôi lại khấm khá. Bố cho tôi tường mua sách đọc thường xuyên. Tôi mua được cuốn Con Bim Trắng Tai Đen. Đọc xong vừa thương con Bim, vừa nhớ con Lu. Tôi khóc đến mức bố tôi mắng là thằng đồng cô lai gái. Tôi đưa sách cho bố nói - Bố xem đi có thương không ?. Bố đọc một mạch từ chiều đến tối. Quên cả cơm chiều. Đọc xong bố trả tôi nói- Các cụ nói, khuyển mã chi tình con ạ. Nghĩa là con chó và con ngựa là giống tình cảm trung thành với người nhất. Con khóc khi đọc truyện này là tốt. Đấy là xúc động, mà muốn là người tốt thì phải biết xúc động.



Lúc ấy tôi không biết xúc động là gì, sau này lớn tôi ít xúc động vì cuộc sống cần thực tế quá. Bởi thế tôi chưa thành người tốt như bố tôi hy vọng.



Nhưng Con Bim Trắng Tai Đen vẫn là tác phẩm gây cho tôi nhiều cảm xúc nhất, trong nhiều năm nhất. Cho đến tận bây giờ.

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2008

nhện giăng tơ.

Đức Phật Như Lai ngao du khắp nơi để giảng kinh. Ngài đi đến nước Nam thấy hoa thơm ,trái ngọt, đất đai màu mỡ, phì nhiêu. Người dân thuần hậu. Ngài rất vui vẻ bèn dừng lại giảng kinh cho dân chúng. Vốn sẵn lòng mộ đạo, người Nam dân chăm chỉ nghe kinh Ngài giảng, họ cùng nhau xây cho Ngài một ngôi chùa để Ngài có nơi giảng dạy những phép làm tan biến đau khổ cho mọi người.

Một hôm Ngài đi giảng kinh về, con đường đầy hoa thơm ngào ngạt, bướm lượn tung tăng muôn sắc. Tâm hồn Ngài phơi phới hân hoan. Tiếng chim hót líu lo khiến Ngài cảm thấy lâng lâng niềm khoan khoái. Cuộc sống mới nhiệm màu làm sao.

Đến cửa chùa, Ngài thấy có bức màn trắng mờ mờ rung rinh. Lại gần Ngài nhìn kỹ đó là chiếc mạng nhện giăng ngang cổng ngoài. Đức Phật từ tâm ngài nghiêng mình tránh sang bên đi. Bỗng từ trên mạng nhện có tiếng nói khẽ.

- Thưa Đức Phật , lòng từ bi của ngài để đâu ?

Đức Phật trông lên, Ngài thấy một con ruồi đang vướng vào mạng nhện. Nó giãy tuyệt vọng trong cái lưới mong manh mà chắc chắn đấy. Càng giãy nó càng bị tơ nhện quấn chặt. Thấy Đức Phật còn đang đứng, nó rên rỉ.

- Ngài nỡ nhìn một sinh linh bị nạn chờ chết sao ?

Đức Phật đưa bàn tay từ bi độ thế, Ngài gỡ nhẹ từng sợi tơ cho ruồi thoát qua. Khi sợi tơ cuối cùng được Ngài dỡ bỏ khỏi con ruồi, thì con nhện xuất hiện. Nó phều phào nói.

- Thưa Đức Phật, sao Ngài lại lấy đi thức ăn của tôi. Tôi đã lao động chăm chỉ, cật lực, rút tơ từ trong thân thể mình ra mới có miếng ăn. Đây là nguồn dinh dưỡng bổ sung cần thiết cho tôi. Đã lâu lắm rồi dù lao động miệt mài hàng ngày, đến hôm nay tôi mới thấy thành quả của mình. Nói thực tôi cũng kiệt sức lắm rồi, không có con ruồi ấy tôi chẳng còn hơi sức để sống nữa.

Nói rồi con Nhện rũ như tầu lá héo. Con ruồi vẫn vo ve bay lượn trên cao. Nó nói.

- Cám ơn Ngài đã cứu mạng, xin Ngài về nghỉ ngơi, trời sắp tối rồi. Cám ơn ngài đã cứu mạng và mang bữa ăn đến cho tôi.

Đức Phật ngỡ ngàng, Ngài hỏi thức ăn nào. Con ruồi chỉ vào con nhện nói.

- Đây là bữa ăn của tôi.

Nói rồi nó đậu lên người con nhện đang ngắc ngoải, cắm cái vòi nhọn vào thân thể nhện hút chất dinh dưỡng.

Đức Phật lặng lẽ quay vào chùa. Hoa vẫn thơm ngào ngạt.

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2008

như chiếc bình vôi

Khắp nước Việt Nam có tục ăn trầu, cho nên ở đâu cũng có bình vôi.



Theo như tôi biết, ở vùng quê chúng tôi, có hai thứ bình vôi. Đều bằng đất nung cả, mà một thứ giống như cái hũ nhỏ, duy cổ eo, miệng loa, cho nhà trung thường dùng; một thứ bình tròn mà đít bằng, trên có quai xách, miệng ở về một bên, toàn thân tô màu lục hoặc màu vàng, cho nhà sang dùng. Cả hai đều để đựng vôi trong lòng nó. Nhưng mỗi khi cho vôi vào, người ta lại cũng dùng vôi đắp cái miệng nó cho cao lên.



Nhà tôi, hồi bà nội tôi còn sống; có cái bình vôi hạng sang ấy. Mỗi khi mua vôi ở chợ về, bà tôi ngồi tỉ mỉ lấy cái chìa quệt vôi nhét vào miệng nó, gọi là "cho Ông Bình ăn". Và lâu lâu lại tắp thêm cái miệng nó một lần, hóa nên cái miệng càng ngày càng chêu vêu ra.



Thứ bình vôi thường, dùng chìa bằng tre, những thứ bình vôi sang, bao giờ cũng dùng chìa bằng sắt, ở thân cái chìa đôi khi lại có đeo một lưỡi dao để rọc trầu.



Nhà khác thế nào tôi không biết, còn nhà tôi, tối lại, bà tôi cứ rút cái chìa ra để ra một nơi khác. Làm như thế, bà tôi cắt nghĩa rằng "Ông" sẽ mách cho mình, mà nếu để cái chìa lấp cái miệng thì không mách được.



Tôi nói, "nhà tôi có một cái bình vôi" không đúng. Nói đúng là từ hồi nhỏ cho đến năm tôi hai mươi lăm tuổi, bà tôi chết, nhà tôi có ba bình vôi kế vị nhau. Bởi vì dùng lâu ngày, trong lòng nó đầy vôi khô cứng, miệng nó cứ đắp nên tum húm lại, không dùng được nữa, phải mua cái khác.



Lúc đó nhà tôi có một cái trang thờ Tam vị; ở giữa là Phúc đức chính thần, hai bên là Thổ công và Táo công. Hễ cái bình vôi nào bị thải ra thì bà tôi bảo đem đặt trên cái trang ấy, thờ nhân thể.



Sự thờ phượng như thế, không phải chỉ riêng một nhà tôi đâu. Cả làng, nhà nào có bình vôi thải ra, cũng đều đem đặt trên các tường thành đình hoặc chùa; như thế, người ta cho rằng thờ "Ông Bình" đó.



Cái bình vôi, tại sao lại gọi bằng "Ông"? Đọc từ đầu đến đây, bạn đọc đã biết. Ở vùng quê chúng tôi, mà có lẽ cả nước Việt Nam cũng vậy, vật gì nó có thể hại mình được thì gọi bằng "ông", vật gì nó to hay sống lâu năm thì cũng gọi bằng "ông".



Con cọp ăn thịt mình được, gọi bằng "Ông cọp", con khỉ phá hoa màu mình được, gọi bằng "Ông trưởng", con chuột, cắn quần áo của mình được, gọi bằng "Ông tí". Cái đầu rau, dùng năm mười năm mới thay cái khác, gọi bằng "Ông núc", cái che, t, đường kính của nó có khi gần đến một mét, gọi bằng "Ông che". Người Việt Nam về sau thế nào chưa biết, chứ về trước, hễ vật gì làm hại được hoặc lớn hơn, hoặc nhỏ, vật gì sống lâu và to xác thì gọi bằng "Ông" để tỏ lòng tôn kính, sùng bái.



Tôi có phạm một cái tội hồi mười tám tuổi, bây giờ tôi xin kiểm thảo và thú nhận.



Năm tôi mười tám tuổi, tôi không tin nữa. Một đêm mùa hè, gió Nam như bão, sáng trăng mờ mờ, tôi rủ mấy thằng bạn cùng lứa tuổi với tôi đi chơi dọc đường cái làng, đi qua đình và chùa, bao nhiêu "Ông bình vôi" thờ trên tường thành chúng tôi đều hất một loạt xuống đất cả. Sao lại làm như thế? Chúng tôi cứ làm như thế, không cần có lý luận. Nhưng, vài hôm sau, trở lại xem, không biết là do tay ai, thấy đều đặt lại tề chỉnh trên tường thành.



Tuy vậy, đó không phải cái tội riêng một mình tôi. Bấy giờ bọn thiếu niên chúng tôi hầu như đứa nào cũng có thể làm như thế được cả. Nếu ngày tôi phải tự kiểm thảo, thì lũ thiếu niên ấy, bạc đầu rồi, cũng phải tự kiểm thảo như tôi.



Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cú rũ trên trang hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng "Ông".



Tôi viết cái bài khảo cứu nhỏ nầy cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt:



Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Y như một cái bình vôi

Càng sống càng tồi

Càng sống càng bé lại.



Phan Khôi

(Trích Giai phẩm mùa Thu, tập I)

---------------------------





Tình cờ đọc được bài này của Phan Khôi. Mới nhớ đến dạo này thiên hạ xôn xao vì một vì tinh tú sắp rụng. Như kiểu La Quán Trung viết thì Gia Cát Lượng xem thiên văn, thấy tinh tú phía Nam lu mờ. Than có vị tướng tài sắp tạ thế. Vì tinh tú mà tôi nói ở đây giờ đã gần trăm tuổi. Sự nghiệp của ông thật lẫy lừng, đến mức cả hai bên thắng và thua đều công nhận tài cầm quân và hoạch định chiến lược của ông.

Hơn nửa thế kỷ trước, ông đã công thành danh toại mỹ mãn ở trận chiến vang dội vùng Đông Nam Á trước đội quân viễn chinh hùng mạnh của châu Âu. Từ đó ông hài lòng sống trong ánh hào quanh lộng lẫy của quá khứ. Dựa vào cái quá khứ đó để cầu mong một sự yên thân, an nhàn trong cái xã hội đầy rẫy bất công, tệ nạn. Mặc cho các bạn bè chiến hữu đã từng xông pha chinh chiến, sinh tử với mình lần lượt bị ám hại. Vị tướng của ta đôi khi lấy cảnh đó để khoe cái cao kiến thời cuộc của mình bằng chữ '' nhẫn'' đầy bao biện.

Động đến ông, sẽ làm nhiều người không bằng lòng. Vì ông đã là tượng đài của dân tộc. Cũng như nhiều người khác, tôi cũng là kẻ ngưỡng mộ ông. Ngưỡng mộ trong thời gian rất dài từ niên thiếu đến tuổi sắp trung niên. Và tôi hối tiếc cho thần tượng của mình. Tôi ước ao. Giá như ông chết cách đây vài chục năm, sau cái lần khóc ở sân vận động Hàng Đẫy trước những người có thân nhân bị chết oan khốc, có khi tốt cho ông hơn. Và tốt cả cho những người thần tượng ông, để họ giữ trong lòng hình ảnh vị tướng tài thao lược, văn võ, trí dũng song toàn. Còn cả đức độ con nhà võ nữa.

Con người ai mà chẳng ham danh, ở đời mấy ai như Phạm Lãi để rong chiếc thuyền nhỏ rời xa quyền chức. Vị tướng của ta kiên trì bám trụ lấy quyền lực, lấy địa vị .Từ bộ trưởng quốc phòng rồi sang phụ trách vấn đề sinh đẻ có kế hoạch của phụ nữ. Ông đều không nề hà , sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm mà Đảng đã giao phó. Thế là ông đã nêu cao tấm gương cho đời sau, để lại cho đời sau những bài học quý giá là.

- Bám lấy ghế, dù ghế gì cũng được khi còn có thể.

- Tuyệt đối phục tùng ý kiến của Đảng lãnh đạo.

Một vị tướng tài mà như thế đấy, đến mức trong dân người ta cảm thán hộ ông.

- Ngày xưa đại tướng cầm quân

Ngày nay đại tướng canh quần chị em.

Mặc thiên hạ, ông vẫn kiên trì, bình tĩnh và nhẫn nại sống để hưởng thụ quãng đời còn lại. Có lẽ nhận thấy ông không thể gây ảnh hưởng gì. Người ta đã để cho ông sống như ông mong muốn. Và người ta tận dụng việc chấp hành tuyệt đối của ông ra để làm bài học cho kẻ khác. Biết bao nhiêu người tâm huyết đến gặp ông, để rồi ra về đầy thất vọng vì những lời khuyên mang y nguyên giọng của ban văn hóa tư tưởng. Ấy là đoàn kết, ấy là phải biết chấp hành, phải tỉnh táo không thế lực thù địch lợi dụng gây chia rẽ.... một Hoàng Văn Thái, một Lê Trọng Tấn trước kia, tiếp theo bao người nữa đến một Trần Độ sau này. Không ai tác động đến được người tướng tài bản lĩnh của quân đội nhân dân Việt Nam, lay chuyển ý chí của người cộng sản trung kiên này. Mà tội gì ông phải mạo hiểm, ông đã có đầy đủ những gì ông muốn. Việc gì ông phải dấn thân cho dân tộc. Đối với họ ông có thế nào ông vẫn là tượng đài, lịch sử người ta đang và còn nhắc nhở đến ông.

Nếu ông đi, đám ma của ông sẽ to lắm. Chiến công của ông sẽ được nhắc lại tràn lan trên báo chí, rồi khối kẻ lại kể lể tâm sự về kỷ niệm này nọ với ông. Những kỷ niệm cố rặn ra mà thôi. Vì kỷ niệm quý giá nhất về cuộc chiến năm xưa, những người ấy còn có ai nữa đâu. Họ đều đã đi xa trước ông lâu lắm rồi. Những người một thời sống với ông bằng lý tưởng trong sáng, trách nhiệm suy nghĩ về số phận dân tộc, họ đều không còn nữa. Ngày nay chỉ có những kẻ hậu sinh đầy toan tính, không bỏ lỡ cơ hội để mượn cớ đánh bóng mình lòe thiên hạ. Như một bầy kền kền chầu chực. Đâu đó người ta đang tính ông chết họ sẽ làm gì để có lợi, viết bài thế nào, quay phim thế nào, chiếu lại tư liệu đoạn nào... để tổng thể hướng dư luận tới một suy nghĩ tốt về họ.

Nào chúng ta chờ xem một vụ hoành tráng của giới truyền thông Việt Nam. Sẽ có nhiều người trên cả nước dấp dấp khăn tay lau nước mắt. Mà lạ một cái là giấy ăn cao cấp bây giờ rất nhiều, người ta hầu như đã bỏ thói quen dùng khăn tay. Thế mà cứ có đám ma nào to to, không thân quen gì chỉ nghe tiếng mà khối kẻ khóc. Kẻ khóc nào cũng có sẵn khăn tay mới lạ chứ. Hay khóc thương cũng cần đúng kịch bản nhỉ ?

Cần chứ, vì khóc một cái bình vôi thì phải chuẩn bị tinh thần mới diễn xuất được.


Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2008

Entry for July 04, 2008

Sinh Tuấn cho gia nhân đi tìm Lái Gió. Gia nhân đi khắp kinh thành mới thấy Lái Gió đang ngồi chơi cờ ở ven đường. Túm cổ lôi xềnh xệch về phủ Lê Gia. Điệu vào trong phủ vất toạt giữa sân. Lái Gió lòm cồm bò dậy, thấy Sinh Tuấn phe phẩy quạt hỏi

- Thằng lái buôn kia, mấy hôm nay đi đâu mất mặt không vào phủ chầu ta ?

Lái Gío vò đầu kể kể lể, dạo này hắn thất nghiệp lo lắng nhiều thứ, đâm ra hay hoa mày chóng mặt. Đi lang thang chơi bời chốn thị dân cho khuây khỏa quên cảnh cơm áo, gạo tiền. Sinh Tuấn hỏi.

- Thế có thấy dân gian nói gì không?

Lái Gió.

- Dạ bẩm, chỉ có lũ trẻ lang thang hát đồng dao thôi ạ.

Sinh Tuấn.

- Đồng dao thế nào ?

Lái Gió.

- Đồng dao rằng :

Con kiến mà leo cành đa

Leo phải cành cụt, leo ra leo vào

Con kiến mà leo cành đào

Leo phải cành cụt leo vào leo ra.

Sinh Tuấn nghe xong, cười nhạt hỏi.

- Thế là con kiến bế tắc không biết đi đâu à ? Ta nói cho ngươi nghe chuyện này. Nay thời buổi khó khăn trầm trọng, thừa tướng điều hành việc nước không trọn. Loay hoay như gà mắc tóc, vừa rồi vượt biển sang sứ nước Kỳ trước là vay ít bạc, sau nữa là mở rộng thương mại. Nhưng lẽ đời đâu lúc nào cũng như ý. Lại về gần như tay không. Thế có phải là kiến thức hạn hẹp, không biết trông người trông mình không. Nước xa không cứu được lửa gần, vả lại bỏ cái mối bang giao ngay bên cạnh mà đi cầu thế lực ở xa ngàn dặm là điều sĩ phu không bao giờ làm.

Lái Gió hỏi.

- Vậy thì theo ngài thì cầu ở đâu ?

Sinh Tuấn nheo mày, phe phẩy quạt.

- Vương Mạnh nhà ta có tầm nhìn rộng, đã lường trước khó khăn. Từ lâu dựa vào thiên triều mà giữ vững cơ đồ. Há chẳng phải là cao kiến hay sao ?

Lái Gió tâu.

- Tiểu nhân có điều suy nghĩ trong lòng, nói ra mong đại nhân rộng lòng chỉ bảo ?

Thấy Sinh Tuấn vui vẻ gật đầu, Lái Gió nói.

- Thừa tướng là người trí dũng, từng kinh qua trận mạc. Cho nên ngay thẳng và cương cường. Nay tiếng là trọn quyền việc nước. Nhưng triều đình năm phe, bảy phái. Lệnh ban ra một đằng, kẻ dứoi làm một nẻo. Dẫu có là thánh nhân cũng đến thế mà thôi. Cái câu đồng dao kia cũng là trò tiểu nhân của bọn a dua, xu nịnh cường quyền muốn hạ bệ thừa tướng để chúng tha hồ đục khoét mà thôi. Người biết nghĩ không nên tin vào điều xằng bậy .

Sinh Tuấn nổi giận đập quạt lên đầu Lái Gió quát.

- câm, triều đình ta là một khối thống nhất từ trên xuống dưới. Ngươi dám lộng ngôn bảo rằng chia năm phe bảy phái. Thứ nữa ai là xu nịnh cường quyền.? Thế nào là cường quyền ngươi không nói rõ ta trị tội ngay tức thì.

Lái Gío phủ phục tâu

- Đại nhân xá tôi, xá tội. Kẻ mà cố giữ quyền lực để tham tàn vơ vét cho mình, hại dân, hại nước là cường quyền. Ở cương vị làm quan, dùng quyền lực để giúp dân, giúp nước ấy mới là bậc trí giả. Xin hỏi đại nhân ở ta có bao người như vậy.

Sinh Tuấn bật cười ha hả.

- Đúng là bọn dân đen, dễ tin lời lừa phỉnh. Thời này có ai mà không nghĩ đến bản thân, thừa tướng nhà ngươi cũng vậy thôi. Gia sản kém gì ai, lại muốn nổi trội tài năng lấn lướt cả hội đồng quân cơ, thập tứ vương nghị chính. Một bàn tay sao che nổi mặt trời. Chuyến này không sớm muộn cũng mất chức thôi. Tài cán gì mà đòi thay đổi chính sách, nhân sự, cải cách...Vương Mạnh là người ôn hòa, mừng giận không hề lộ ra mặt. Gặp khó khăn chỉ cười hềnh hệch. Đấy mới là người chứa bao cơ mưu trong bụng. Nhưng dường cột triều đình đều tay vương lo lắng cả. Sau nay vương buông rèm nhàn du tứ hải, đã sắp người thừa kế đâu đó. Triều đình không có xáo trộn gì cả, như thế dân tình mới yên tâm không sợ biến động, can qua. Thế có phải là người biết lo xa không ? Ngươi biết trong thập tứ vương nghị chính ai là người đó không. ?

Lái Gió nhẩm một hồi , lát sau nói.

- Có Trọng Vương người Bắc Hà, Năm Giáp Dần, Ất Mão là đồng môn với Mạnh Vương ở trường cai trị. Có vẻ là chốn thân tình nhiều ý tương đồng với Mạnh Vương, lại cùng khóa học những điều giống nhau. Có chăng là người ấy. Nếu vậy thì chính trị nước ta lại ổn định, nhân dân tha hồ yên tâm làm ăn. Không lo xáo trộn, mọi thứ lại như trước.

Sinh Tuấn cười.

- Thiên cơ không thể tiết lộ, hôm nay ta vui xá tội loạn ngôn cho người, về nhà tu sửa tâm tính. Giữ lấy thân.

Lái Gió ra về, có kẻ hỏi rằng.

- Ông vào chầu quan, liệu có thấy gì đổi khác ở tương lai chăng ?

Lái Gió lầm bầm.

- không vỏ dưa thì lại vỏ dừa thôi.