Thứ Ba, 30 tháng 9, 2008

bây giờ là đầu mùa thu.

Sáng nay Hà Nội se se lạnh, tưởng như mưa đến nơi rồi khi mây âm u. Tự nhiên trời lại hửng nắng. Rồi cuối chiều lại ảm đạm như mùa đông.

Mùa thu đấy, tháng 10 thời tiết Hà Nội mới rõ rệt thu. Gió vẫn heo may nhưng lá vàng không xào xác bởi đường đông xe cộ lưu thông quá.

Bỗng nhiên nhớ mình đang thất nghiệp. Tiền cũng cạn rồi. Mấy tháng qua rách việc đi bàn tán chuyện xã hội nhiều quá. Chẳng làm cái gì cho gia đình. Cứ rong chơi ngày này qua ngày khác.

Thôi có khi chấm dứt đi chơi, chấm dứt viết linh tinh trên blog nữa. Cắm đầu đi làm. Nếu có viết cái gì ra tiền thì viết. Mấy cái chuyện xã hội bàn mãi, viết mãi cũng chả thay đổi gì. Lại mất công suy nghĩ.

Trời về chiều, tự dưng thấy nao nao khi nhớ lại mùa thu năm nao đã xa. Mẹ và chị khóc rưng rưng...

nghĩ gì về ông Ngô quang Kiệt.

Trong những ngày qua, tổng giám mục Hà Nội là cá nhân được truyền thông Việt Nam ưu ái nhắc đến nhiều nhất. Riêng câu nói về tấm hộ chiếu của ông đã khiến truyền thông và dư luận tốn bao nhiêu thời gian, giấy mực. Từ quan nước vỉa hè đến công sở. Những người có vẻ có nhân cách tỏ ra bực bội về câu nói của ông trên truyền hình. Họ nhăn mặt phản đối. Chỉ chờ có thế , truyền thông lại có tiếp lý do để tuyên bố - quần chúng nhân dân bất bình.

Cái gọi là quần chúng nhân dân ở Việt Nam khi họ biểu lộ tình cảm thì người chín chắn chảng ai lạ gì, lấy ví dụ các trận đấu trên sân Mỹ Đình thì rõ. Khi đội nhà chưa thắng hay chính xác là chưa thua. Khán giả Việt Nam hò hét cổ động tưng bừng. Nhưng khi mà đội nhà thua dến 0-2 , cơ hội gỡ hoà không còn. Chính những khán giả mà báo chí từng ca ngợi tràn đầy lòng tự hào dân tộc này quay ngắt sang chửi rủa đội nhà, tiếp đến họ cổ vũ pha lên bóng của đối phương.

Cho nên nếu cho là tình cảm của quần chúng nhân dân là thước đo chính xác để đánh giá vấn đề nào đó, nếu không suy xét có thể dẫn đến sai lầm về suy nghĩ của cả một dân tộc. Ở trên sân bóng mọi thứ phơi bày còn thế. Huống chi trên mặt báo nhiều cái còn bị cắt xén, lồng ghép, che giấu.

Trong một trạng thái tình cảm khác mà ông Ngô Quang Kiệt là nguyên nhân. Rất nhiều người đã cảm thấy bất bình trước hành động không minh bạch của truyền thông Việt Nam. Nói rõ là thủ đoạn trắng trợn khi cắt xét câu nói của ông để bình luận khiến nhiều người không còn tin tưởng sự minh bạch hay khách quan của truyền thông nước nhà. Nếu để kết tội, có khi kết tội ông Kiệt làm truyền thông nước nhà mất uy tín thì có khi còn có lý hơn.

Theo những gì mà truyền thông Việt Nam liên tiếp đưa tín, mô tả. Thì ông Kiệt là một con người nham hiểm, ngoan cố không chấp hành luật pháp. Kích động đám đông để gây sức ép với chính quyền, làm mất ổn định cũng như khối đoàn kết dân tộc. Ai tin điều này là do trình độ tiếp nhận thông tin. Hay việc làm của ông Ngô Quang Kiệt đúng hay sai, xin miễn bàn ở đây.

Duy có điều, nếu báo chí coi ông Kiệt là người cầm đầu, chủ mưu thì tôi hoàn toàn khâm phục ông. Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt là người dám làm, dám chịu. Điều mà những quan chức Việt Nam cần học tập ở ông linh mục này. Trong nhiều vụ bê bối ở Việt Nam từ sập cầu Cần Thơ, cứu trợ, lạm phát kinh tế, giáo dục, y tế. Người dân Viẹt Nam chỉ thấy mơ hồ nguyên nhân chung chung. Hiếm khi nào thấy một quan chức cấp cao có trách nhiệm trực tiếp vấn đề đó đưng ra nhận trách nhiệm. Hành động đi thăm những gia đình giáo dân bị bắt giữ vì phá tường ở 178 Nguyễn Lương Bằng của ông Ngô Quang Kiệt tuy bị gọi là kích động, nhưng xét về khía cạnh nào đó. Đấy là hành động nghĩa khí, cao cả đầy can đảm. Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, động thái của ông rõ ràng là tiêu điểm để truyền thông chĩa mùi dùi hiếu chiến . Nhưng ông Kiệt vẫn đường hoàng làm. Vào các trường hợp thế này thì quan chức của nhà nước ta ắt hẳn sẽ né tránh vì lý do an toàn cho con đường quan lộ.

Tóm lại chúng ta thử đặt câu hỏi, những đảng viên, cán bộ của chúng ta khi mà có sự việc gì, liệu họ có dám đứng ra có những hành động như ông Kiệt trước một thế lực khác lớn hơn. Ví dụ như cấp huyện với tỉnh hay tỉnh với trung ương. Khó mà có lắm. Lẽ ra ,qua những gì ông Kiệt làm, ngoài những thứ mà truyền thông lên án . Người lãnh đạo Việt Nam nào có lương tri nên cảm thấy xấu hổ về tinh thần trách nhiệm.

Người ta nói rằng vụ đòi đất quy tụ nhiều người thế này là do các thế lực thù địch trong và ngoài nước đứng đằng sau. Nhưng nếu những người theo đạo mà có một vị thủ lĩnh tinh thần, quan tâm đến họ như ông Kiệt. Thì việc hàng ngàn người không quản ngại đến đứng bên ông cũng là điều có thể hiểu được. Đây là một bài học đắt cho những ai đang ở cương vị lãnh đạo.

Trên cương vị cá nhân có con em học ở cạnh khu vực vườn hoa 42 Nhà Chung. Tôi xin gửỉ lời cám ơn chân thành đến ông Ngô Quang Kiệt và đồng bào công giáo, cũng như cám ơn nhà kiến trúc Lê Thế Thảo đã hợp tác với Công Giáo để xây dựng vườn hoa. Rất may vì dự án ban đầu xây trung tâm thương mại hay cái gì gì đó không được thực hiện. Tất nhiên là một vườn hoa cạnh trường học tốt hơn nhiều so với một nơi ăn chơi hay mua bán tiếp thị quảng cáo ầm ĩ như các siêu thị hay làm.

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008

Thái Nguyên.

Mấy hôm tắt điện thoại. Đi theo về quê vợ anh bạn . Cũng chẳng xa lắm, trên Thái Nguyên.

Cảnh quê thật thanh bình, vườn cây, ao cá. Mới đến đi đào giun xuống ao câu, câu toàn cá ranh bằng hai ngón tay. Chẳng ăn được nhưng vui, nhất là ngồi câu bên giàn mướp quả lủng lẳng soi bóng xuống mặt ao. Lại có vườn rau nhỏ có hàng rào đan bằng liếp chắn bọn gà phá hoại trông xinh xinh. Xa tí nữa là cánh đồng lúa đang vào mùa gặt. Nhà ở trên đồi chung quang là cây ăn quả lâu năm, bóng mát rợp kín. Chim hót véo von, gà , chó nhởn nhơ đi lại. Gái hàng xóm vừa trắng vừa xinh cứ nhòm bờ dậu nhìn sang. Buổi tối sau khi bia rượu ngất ngư, trải chiếu ngoài hiên nằm nghe kể chuyện chiến trường của ông bố vợ anh bạn. Ông già là lính trinh sát kể câu chuyện làm cả đêm mình không ngủ vì rùng mình sợ hãi.

- Có lần ông đi lạc vào nhà dân, nhà nó thịt gà mời ông ăn. ăn xong đi ngủ. Ông bỗng không thấy thằng còn trai nhà đó khoảng 10 tuổi đâu. Biết ngay là bố mẹ nó sai nó đi báo bọn Nguỵ. Ông liền bật lê xiên chếtvợ chồng nó đang ngủ. Xong ông đi luôn.

Mình cố hỏi để có tìm xem có đúng thằng bé đi báo địch hay không. Nhưng chỉ được thông tin mù mờ lắm. Đại khái ông già lúc đó đinh ninh một điều, không thấy thằng bé đâu thì đúng là nó đi báo địch. Vậy ông phải giết hai vợ chồng kia. Ông kết luận đơn giản

- Mình không giết nó thì nó cũng hại mình.

Chuyện chỉ có thế, nhưng mình cứ nghĩ mãi. Chiến tranh thì có nhiều chuyện xảy ra, cả đêm mình cầu mong là hai vợ chồng nhà kia dùng mưu kế giả vờ đối đãi tử tế, cơm nước gà qué xong xuôi sai con đi báo người bắt là thật. Nhưng càng tin là thật thì cái bản tính hay đặt vấn đề các kiểu của mình lại nghĩ. Nhỡ khi họ không sai con họ đi báo thì sao. Mình nghĩ tiếng lưỡi lê xuyên qua thịt sụt sụt mà rợn người chả dám ngủ. Cứ nghĩ quẩn quanh đến lúc trời sáng, gà gáy vang.

Sáng hôm ấy ông già tính làm bữa thịt chó. Con chó của nhà họ hàng mang đến. Mọi người thấy cái bao tải đựng chó. Có người nói.

- Xem kỹ phải chó không, vừa rồi có vụ cho trẻ con vào bao tải. Nói là con chó điên phải đập chết rồi hãy mở. Người ta đập xong mở ra mới thấy đứa trẻ.

Người khác phản đối.

- Bịa, trẻ con thì nó bị đập phải khóc chứ.

Người khác nói

- Nhỡ khi nó bịt miệng, bị đập kêu ú ớ càng giống tiếng chó. Càng bị đập thêm.

Lần thứ hai mình cảm thấy sợ hãi vì cách họ nói chuyện. Mình đính chính là chuyện này công an đã điều tra, không có thật.

Con chó vàng được giết đơn giản thế này. Khi bỏ ra bao tải nó bị trói chặt. Hai người giữ, còn ông già nắm cổ nó di xuống. ông cầm hòn gạch đỏ nhè từng phát vào đầu nó. Không nhanh, không chậm, chẳng vội vàng. Con chó không chết ngay bởi một nhát đập, nó chịu hàng chục nhát miêng kêu thảm thiết, mắt đỏ ngầu ứa nước. Mình đứng xem một lúc thì chạy đi tìm con dao to hay cái gì thật nặng, mình rất muốn chặt phăng cái đầu con chó hay nện một nhát nát bét. Nhưng chả có gì, con chó kêu yếu dần. Nước chảy đá cũng mòn huống chi gạch giãvào đầu, khoảng 20 phút sọ chó lĩnh đều gạch nện. Con chó cũng chết. Nhưng vì nó chết dai dẳng quá nên khi cắt tiết không được nhiều. Người ta tiếc rẻ than.

- Tiết ít thế này thì không đủ bóp vào rựa mận, chỉ để làm lòng thôi vậy.

Người ta cạo lông , thui và mổ. Nấu thành mấy món đơn giản. Xương xẩu nấu măng, rựa mận,luộc và món dồi thơm phức. Hơn 20 người đánh chén, bia sủi bọt trắng xoá, rượu cả can. Ai cũng khen con chó này thịt ngon. Cái anh mang chó đến ngồi ngay cạnh mỉnh vừa uống rượu vừa kể, mà thế nào chỉ kể cho đúng mình nghe.

- Con chó này khôn lắm, chủ của nó là anh rể anh. Anh ấy mới chết vì cảm. Mọi khi anh ấy hay đi làm về muộn. Con chó thường chạy ra tít đầu đường cái đón. Lúc cho anh ấy vào quan tài, nó biết anh chết hay sao mà nó rít lên, ứa nước mắt.

Mình buông đũa, cầm cái cốc rót đầy bia nhắm mắt uống. Ít khi mình nốc kiểu ấy vì sức mình chỉ một cốc là say. Khi nghe anh kia nói, mình nốc liền ba cốc. Uống xong bò thẳng lên giường nằm lăn quay. Trong khi mọi người mới bắt đầu vào cuộc, họ cũng biết là mình uống kém bị gục rồi nên chẳng làm phiền. Ngủ một mạch mấy tiếng thì tỉnh dậy thì đến bữa tối.

Trên mâm thịt chó vẫn còn, nhưng do bia rượu suốt mấy hôm mình xin ông mấy quả cà ăn với rau luộc. Ông già định không lấy cà, ông ấy bảo mình ăn cà với rau hoá ra mình sợ nhà ông không có gì đãi khách à. Ông chỉ tay ra sân nói.

- cả đàn gà tao nuôi kia, mong có chúng mày về để giết. Để nhiều quá trộm nó bắt cũng không biết.

Nhưng ông vẫn vào vại múc cho mấy quả cà. Công nhận cà ở quê muối ngon, giòn tan.

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2008

Có thể “cảnh cáo” ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Hà Nội trong vụ Toà Khâm Sứ

Giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân có thể bắt giam những kẻ mạo danh “thường dân” phạm pháp

Hà Nội - Hôm qua, sau khi một luật sư Việt Nam trích dẫn các qui định pháp luật hiện hành để chứng minh, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội đã lạm quyền, có dấu hiệu bạo hành trong quản lý hành chính khi ban hành hai công văn, một công văn “cảnh cáo” Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, một công văn “cảnh cáo” bốn linh mục thuộc Tu viện Thái Hà của Dòng Chúa Cứu thế, hôm nay, trong thư gửi đến VietCatholic News, một luật sư khác tại Việt Nam tiếp tục lên tiếng xác nhận, luật pháp hiện hành tại Việt Nam không thừa nhận việc sử dụng hình thức “cảnh cáo” bằng công văn. Cơ quan hành chính chỉ có thể áp dụng hình thức “cảnh cáo” bằng một “quyết định xử phạt vi phạm hành chính”, sau khi đã lập “biên bản vi phạm hành chính”.

Luật sư này cho rằng, trước pháp luật, ông Nguyễn Thế Thảo - chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế là những công dân bình đẳng với nhau, có các quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Theo cách mà ông Nguyễn Thế Thảo đã dùng, bất chấp những qui định pháp luật hiện hành, ngang nhiên “cảnh cáo” Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và các linh mục thì luật sư này cũng có quyền “cảnh cáo” ông Nguyễn Thế Thảo.

Luật sư vừa kể nhận định, dùng công văn để cảnh cáo là sai nhưng “buồn cười là hàng loạt nhà báo vẫn nhắm mắt đăng, điều đó chỉ quảng cáo cho sự ngu dốt nhưng lại trịch thượng của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội”. Theo ông, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế có thể kiện ông Thảo ra Tòa Hành Chính, yêu cầu thu hồi các công văn đã ban hành. Kể cả khởi kiện Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội cũng như nhiều cơ quan truyền thông về hành vi “vu khống”, đồng thời dựa theo luật hình sự, đề nghị khởi tố các hành vi “xâm phạm quyền hội họp, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân” hay “phá hoại chính sách đoàn kết”. Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội nên nhờ luật sư để làm những điều đó “dù thắng hay không thì đó cũng là hành vi yêu nước, vì nhân dân mà làm”.

Liên quan đến vụ Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà, trước tình trạng từ ngày 21 Tháng Chín đến nay, hàng trăm người lạ mặt mặc thường phục như “thường dân” đã kéo đến bao vây nhà thờ Thái Hà, nơi có Tu Viện Dòng Chúa Cứu thế và giáo xứ Thái Hà chửi bới, hò hét đòi... “giết Tổng Giám Mục Kiệt, Linh Mục Phụng”, nhổ nước bọt, đánh lén cả giáo dân lẫn tu sĩ, linh mục rồi tràn vào khu đất đang tranh chấp, phá các lều, đánh trọng thương một số cụ già đang đọc kinh, cầu nguyện, đập ảnh tượng, hôm qua, trả lời RFA, một luật sư Việt Nam nhận định: Những hành vi của các “thường dân” bất thường như thế có dấu hiệu của nhiều tội đã được quy định trong Bộ Luật Hình Sự hiện hành như: “Gây rối trật tự công cộng”, “Làm nhục người khác”, “Cố ý gây thương tích”, thậm chí là “Giết người”...

Khi chính quyền “ngoảnh mặt làm ngơ”, các nạn nhân có thể dựa vào một số căn cứ pháp lý để tự bảo vệ mình trong khuôn khổ pháp luật. Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam có quy định về việc bắt người “phạm tội quả tang”: “Ðối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan công an, Viện Kiểm Sát hoặc ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền”. Cũng theo Luật Tố Tụng Hình Sự: “Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt”.

Luật sư kể trên giải thích: “Sở dĩ công dân có quyền bắt giữ những người ‘phạm tội quả tang’ vì luật hình sự qui định ‘Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm’. Việc bắt giữ những người ‘phạm tội quả tang’ không chỉ là quyền mà còn là ‘nghĩa vụ’, nhà làm luật đòi hỏi mọi công dân phải ‘tích cực’ thực hiện ‘nghĩa vụ’ này. Tuy nhiên, để giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật của nhà nước có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự của người ‘phạm tội quả tang’, nạn nhân nên chụp ảnh, quay phim và lưu giữ thật kỹ chứng cứ. Ðồng thời, nên tham khảo thêm qui định về 'phòng vệ chính đáng' của luật hình sự. Theo đó, ‘phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm’. Song cần lưu ý, nếu 'hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì đó là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Có một số dấu hiệu cho thấy tranh chấp tài sản giữa Tổng Giáo Phận Hà Nội, Dòng Chúa Cứu thế với chính quyền VN đã chuyển sang một giai đoạn mới. Kể từ khi chính quyền VN cao giọng về việc sẽ “áp dụng pháp luật”, một số người, một số giới bắt đầu đối chiếu các qui định pháp luật hiện hành với thực tế hành xử của chính quyền VN để chứng minh việc “áp dụng pháp luật” của chính quyền VN hoàn toàn phi pháp.

Theo Bạn Vụ Thái Hà Đã Ổn Chưa ?




Đã ổn rồi

2


Đang ổn

0


Chưa ổn

5





Sign in to vote

Tăng cường quân sự

Chuyến sang thăm Nga của bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh vào ngày 20-9 vừa qua nhằm tìm kiếm hợp tác về quân sự trong thời gian gần đây. Bộ trưởng quốc phòng Nga Anatoly nói Nga sẵn sàng đào tạo nhân sự, huấn luyện và cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự cho Việt Nam.

Năm 2007, khi ông Thanh nhậm chức bộ trưởng quốc phòng. Việt Nam đã đặt mua của Nga hai tàu chiến lớn. Trọng lượng 2100 tấn, tuần du 5000 hải lý. Trang bị vũ khí chiến đấu trên mặt biển, trên không và săn tìm tàu ngầm đối phương. Dự kiến năm 2010 phía Nga sẽ hoàn thiện bàn giao cho Việt Nam sử dụng. Một trong hai chiếc đó là chiếc Gepard được thiết kế riêng phù hợp với Việt Nam.

Ông Phùng Quang Thanh là một người có kinh nghiệm thực tiễn chiến ông được nhà nước Việt Nam phong AHLLVT vì thành tích chiến đấu. Năm 1988 về sư đoàn 312, một sư đoàn chủ lực ở biên giới Tây Bắc. Ông Thanh chắc nắm được sự thất bại của trung đoàn 141 thuộc sư 312 vào ngày 12-5 -1984. Trong trận đánh ở cao điểm 1030 nhằm giành lại phần đất quân Trung Quốc chiếm đóng, trung đoàn 141 bị thiệt hại nặng nề về người và trang bị, buộc phải rút lui. Trận đánh này khiến bộ tư lệnh thấy rõ sự yếu kém của sư đoàn 312 nên không để toàn sư đoàn tham chiến. Ông Thanh được điều về sư đoàn 312 và có nhiều thành tích trong việc huấn luyện , nâng cao khả năng chiến đấu của sư đoàn. Đặc biệt là ở tỉnh Hà Giang.

Chức bộ trưởng quốc phòng Việt Nam hiện nay do ông giữ, có thể nói là do kinh nghiệm từ nhiều năm công tác tại sư đoàn 312. Một sư đoàn có nhiệm vụ giữ gìn biên giới phía Bắc.

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2008

nước vệ.

Khổng phu Tử thấy Nhan Hồi đang nghĩ, bèn gọi.

- Này anh Hồi, anh thấy gì khi nghe người Vệ kia nói.?

Nhan Hổi thưa

- Thưa thầy, người ấy nói, bề ngoài có vẻ nước Vệ yên. Thực ra là mầm loạn đang gieo, cứ đà này nước Vệ chả mấy mà loạn.

Không Phu Tử vuốt râu

- Anh nói cho thầy nghe.

Nhan Hồi nói.

- Nước ấy nhỏ, không chăm lo trau dồi lễ nghi. Lại tham cái trò sắc giới. Con vẫn nghe âm nhạc của nước Vệ đánh khúc suy đồi, lời ca vô nghĩa., nhảm nhí. âm thì đục, sắc thì mờ. Văn hoá ấy thì tất loạn.

Khổng Phu Tử gật đầu quay sang hỏi Tử Hạ.

- Này anh Bốc, anh có muốn nói gì không.?

Tử Hạ thưa.

- Thưa thầy viẹc ăn cũng như việc học, sức người có hạn. Nếu tiếp thu nhiều quá thì không xuể, cũng như bị ăn quá nhiều mà bội thực. Người Vệ giáo dục trẻ con theo kiểu suốt từ sáng đến khuya không chắt lọc kiến thức. Học kiểu ấy rồi như con vẹt, nói nhiều mà không hiểu. Cách họ này khiến nước Vệ khó mà có được người hiền, nước mà không có người hiền thì tất loạn. Con đồng ý với anh Hồi.

Không Phu Tử lại gật đầu hỏi Tử Cống.

- Anh Cống thấy sao?

Tử Cống trả lời.

- Nước Vệ không sớm muộn gì cũng nguy, như cái ung trong thân thể, không nhận thấy mà chữa chạy. Tôn giáo dạy con người phòng xa những điều thị phi, pháp luật mang tính trừng phạt. Dạy con người tránh xa điều xấu là điều người quân tử phải lo trước , sau mới đến hình phạt nghiêm minh. Quan nước Vệ cây mình có quyền, ỷ triều đình có công dựng nước. Lấy đất của nơi tôn thờ mà chia nhau, ấy là làm quan đã coi thường đạo. Nước mà vô đạo tất người nước ấy trí trá, lừa dối lẫn nhau. Một nước như thế chuyện sinh biến chỉ một sớm một chiều mà thôi.

Không Phu Tử hỏi Tử Lộ

- Này anh , anh thấy người Vệ kia nói gì?

Tử Lộ thưa.

- Thưa thầy biên thuỳ mà không ngăn nổi, xảy ra chuyện lại bưng bít thông tin. Những kẻ làm quan ấy tiếng là lo sợ trong nước bất an. Thực ra là sợ dân biết quan lại triều đình bất tài mà sinh biến. Làm quan chỉ lo giữ nhà không lo giữ nước, coi cái lông chân của mình hơn lính ngoài biên ải. Nước Vệ ấy cái hèn đã lan toả khắp triều, không loạn từ trong thì nước lân bang cũng chả để cho yên. Phàm ở đời dậu đổ ắt bìm phải leo. Con nghĩ như các anh, nước Vệ rồi cũng tất chẳng yên.

Khổng Phu Tử nói.

- Các anh này, như cái nước Vệ mấy nghìn năm văn hiến, lịch sử hào hùng ấy. Cũng như kẻ giàu có mấy đời tích của. Đến đời đứa vô loài kế nghiệp. Đã bất tài lại tham lam. Của không kiếm ra chỉ tàn phá hoang phí,coi thường luân lý, lễ nghi. Cũng là lẽ tự nhiên của trời đất, có sinh ắt có diệt mà thôi.

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2008

nước vệ

Khổng Phu Tử từ khi thăm nước Vệ về nhà, trong bụng đôi lúc vẫn còn nhớ đến cái nước ấy lắm. Một hom nghe tin có người lái buôn nước Vệ vừa đến. Mới mời vào hỏi tình hình nước Vệ. Khổng Phu Tử hỏi.

- Ta trước có lần đến nước Vệ, trong lòng vẫn ước có ngày qua lại đó, ngặt vì tuổi đã cao. Nay anh cho ta biết chút ít về chính sự nước Vệ thế nào chăng ?

Lái buôn đáp.

- Nước Vệ là một nước chính sự ổn định, nhờ triều đình anh minh, dân tình ai cũng có cái ăn, cái mặc. Cuộc sống ấm no , khắp nơi dân chúng vui vẻ hưởng thái bình. Người người ca hát, của cải dồi dào, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Văn hoá phát triển mạnh, ở nước Về triền miên có các cuộc thi người đẹp, người hát hay..

Không Phu Tử hỏi.

- Thế việc học thì sao ?

Lái buôn đáp.

- Việc học thì không nước nào bằng nước Vệ về tính hiếu học, trẻ em nước Vệ ngày học bốn lần. Từ sáng đến trưa thì nghỉ , rồi học tiếp đến bốn rưỡi chiều. Uống tạm hộp sữa lại đi học thêm ở nhà thầy, cô giáo đến 7 giờ. Tối về nhà ăn cơm xong thì làm bài tập về nhà đến lúc đi ngủ.

Khổng Phu Tử hỏi tiếp .

- Thế còn vấn đề tín ngưỡng ?

Lái buôn nhanh nhảu.

- Nước Vệ tự do tín ngưỡng, nơi tôn thờ rất tôn nghiêm vì triều đình bảo hộ. Nếu nhân dân tụ tập đông người hành lễ, cầu nguyện có lính canh gươm giáo tuốt trần coi việc giứ gìn an ninh. Không để tình trạng chen lấn, xô đẩy, phòng ngừa trộm cắp. Nhà thờ, nhà chùa mà rộng rãi quá, triều đình sẽ trưng thu để phân cho các quan. Vì thế các quan biết ơn nhà thờ, nhà chùa mà càng chăm sóc đến tôn giáo kỹ hơn. Người theo tôn giáo thấy thế lại biết ơn các quan hơn. Nhờ có sự tương tác này mà quan và dân tín ngưỡng lại gắn bó với nhau, xã hội càng ổn định hơn.

Khổng Phu Tử hỏi tiếp.

- Thế tình hình biên giới hải đảo thì sao ?

Lái buôn nói.

- Nước Vệ chủ trương hoà bình, hữu nghị với các nước lân bang. Nên không phải lo phòng bị. Chỉ có đôi khi có tàu ''lạ'' ở đâu đến hại ngư dân trên biển. Mới đây ở vùng biên ải Láo Cào. Cũng có quân lạ tràn sang giết 4 lính giữ ải. Việc này mới xảy ra cách đây mấy hôm.

Không Phu Tử hỏi.

- Thế nhiều người Vệ biết chuyện này không ?

Lái buôn đáp.

- Không, người Vệ biết không nhiều lắm.

Không Phu Tử hỏi.

- Sao lại thế, chuyện giết lính biên ải, phải bố cáo thiên hạ biết mà lo phòng bị chứ.

Lái buôn bực mình gắt.

- Ngài là bậc hiểu rộng, tưởng ngồi một chỗ đã hiểu chuyện phương xa. Huống chi đã từng qua nước Vệ. Sao hỏi nhiều câu lạ thế. Chuyện như thế mà nói ra, có phải làm thiên hạ lo lắng , ảnh hưởng đời sống thường ngày. Có 4 lính chứ 40 lính cũng phải giữ kín. Đợi sau khi tìm hiểu giặc ''lạ'' tràn sang biên ải giết lính là quân nước nào thì tính sau, biết đâu chỉ là phường giặc cướp lân bang giả mạo làm càn thì sao.

Không Phu Tử không hỏi nữa, lái buôn ra về. Không Phu Tử quay lại nói với các trò.

- Có ai hiểu những gì kẻ lái buôn người Vệ kể không ?

Tăng Tử thưa.

- Thưa thầy, cứ như lời người Vệ kia nói. Thì nước Vệ thật thái bình, yên ổn.

Không Phu Tử cười nói

- Anh thật hiểu người Vệ khi nói câu ''cứ như người Vệ kia nói''

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2008

Công viên cây xanh.

Rồi thì điểm nóng 178 Nguyễn Lương Bằng cũng đã được quyết định thành công viên cây xanh cùng với 42 Nhà Chung. Các dự án này sẽ được triển khai nhanh chóng và sớm hoàn tất.

Ai cũng biết vì sao Hà Nội đi đến quyết định này.

đây là một quyết định hợp lý.Hợp lý tại thời điểm phức tạp như bây giờ.

Những vấn đề nhạy cảm như tôn giáo, hay sự phức tạp về nguồn gốc đất đai do lịch sử để lại. Cách giải quyết đôi khi phải '' cần có bước đột phá'' như lời ông Ngô Quang Kiệt Tổng giám mục Hà Nội. Việc biến hai địa chỉ trên thành công viên cây xanh, khách quan nhìn nhận đấy cũng là một bước đột phá của chính quyền Hà Nội.

Bên Công Giáo dù họ có đòi bằng bất kỳ sức ép nào cũng khó có thể thành công. Chính quyền không thể trả họ hai mảnh đất đó được. Không phải vì họ giữ đến biến thành cái nọ cái kia kiếm tiền cá nhân ( điều này có lẽ đã xảy ra nếu Công Giáo không đòi căng thẳng ) mà nếu trả cho bên Công Giáo thì sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền. Sẽ có hàng loạt vụ đòi đất, những nhà tư sản hay giàu có trước kia nhà cửa của họ bị tư nhân hay nhà nước chiếm dụng, hay bao nhiêu chùa chiền của Phật Giáo nữa, những người và tổ chức ấy nếu được nguồn động viên này cũng đòi đất thì diễn biến của xã hội Việt Nam cực kỳ phức tạp. Nó có thể dẫn đến sự thay đổi về chính quyền.

Còn nếu chính quyền nhất quyết thu giữ và sử dụng như mục đích ban đầu mà họ dự định, làm nhà hàng, khách sạn hay biệt thự bao gồm những mục đích sinh lợi. Thì với chính nghĩa mà giáo dân họ nghĩ họ đang có. Sự việc cũng chả biết còn đi đến đâu. Người dân nên tích trữ lương thực thiết yếu và chất đốt như than tổ ong, than quả bàng hay củi là vừa.

Nếu nhìn kỹ thì ở hai địa điểm thành vườn hoa này ở địa thế không như các vườn hoa khác. Nằm sát bên Nhà Thờ. Người dân Hà Nội cũng không được hưởng lợi mấy. Chỉ có những hộ dân xung quanh đấy và các giáo dân đi lễ Nhà Thờ sử dụng nhiều nhất mà thôi. Nếu bên Công Giáo xin nhà nước đặt một tượng thánh nhỏ ở vườn hoa và xin tên vườn hoa là tên thánh nào đó của họ , mà nhà nước đồng ý thì coi như việc này đã giải quyết thấu tình đạt lý. Còn như không được thì bên Công Giáo cũng nên bằng lòng, ngừng việc cầu nguyện đòi đất. Vì đoàn kết dân tộc và ổn định xã hội, nhất là trong lúc suy thoái kinh tế hiên nay mà chấp nhận quyết định Công Viên Cây Xanh của chính quyền.

Quyết định CVCX này đưa ra thiết nghĩ là hợp lý. Nhưng sao vẫn còn gay gắt trên truyền thông và phát ngôn hai bên ? Hình như bây giờ không phải là việc đất đai nữa mà việc soi mói nhau, bới lông tìm vết để hạ thấp lẫn nhau. Hay là trong chính quyền có hai ý kiến vụ này khác nhau. Việc biến thành vườn hoa là ý kiến của một nhóm ôn hoà, mong muốn giải pháp hoà bình. Còn một ý kiến muốn đấu tranh quyết liệt sống mái một phen trên truyền thông với Công Giáo.

Thiết nghĩ bên Công Giáo cũng nên nhìn nhận CVCX là một giải pháp nhượng bộ rất có tình, lý tại thời điểm này của chính quyền, nên ngừng các buổi cầu nguyện đông người. Dừng ở thời điểm này người Công Giáo sẽ nhận được cái nhìn thiện cảm trong nhân dân. Chả thế mà người dân đang đồn '' nhờ có Công Giáo mà Hà nội bỗng dưng có thêm hai vườn hoa"

Giờ đây những người mà nhân dân Việt Nam cần lên án là những người muốn vụ việc này tiếp tục căng thẳng trên truyền thông.

Cá nhân tôi rất mong việc này kết thúc để dư luận xã hội quan tâm đến một vấn đề khác quan trọng hơn, gắn với lợi ích dân tộc hơn đó là việc Trung Quốc tiếp tục âm mưu lấn sâu vào vùng biển nước ta. Họ khẳng định Trường Sa của họ, và từ đó họ khẳng định những gì gần Trường Sa là của họ, rồi từ vùng khẳng định gần Trường Sa họ lại khẳng định những vùng gần đó là của họ. Chả mấy chốc đến Vũng Tàu của họ luôn.

Kẻ đáng lên án là Hồ Cầm Đào người mà báochí Việt Nam ca ngợi là nhà lãnh đạo kiệt xuất, ôn hoà . Nhưng Trung Quốc dưới thời lãnh đạo của Hồ Cẩm đào, dã tâm thôn tính Việt Nam lại được bộc lộ rõ rệt nhất và quyết liệt nhất.

Nếu cứ xoáy vào một câu nói của ông Ngô Quang Kiệt mà báo chí, truyền thông phải tốn công phu như thế, liệu chỉ một vài bài lên án Hồ Cẩm Đào có tốt hơn không. Ông Kiệt chỉ là tổng giám mục, ông ấy có tự hào hay nhục nhã vì quốc tịch Việt Nam liệu có ảnh hưởng bằng lời của chính phủ Trung Quốc khẳng định Hoàng sa- Trường Sa- Thác Bản Giốc - Ải Nam quan là của Trung Quốc.

Chúng ta để yên cho chính phủ ông Hồ Cảm Đào nói vậy, thì cũng nên để yên cho ông Ngô Quang Kiệt nói gì thì nói. Vì chúng ta còn có lòng tự hào dân tộc nữa đâu ?

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2008

Câu chuyện về một lời văn.

Trong Kho Tàng Cổ Tích Việt Nam do Nguyễn Đổng Chi sưu tầm in đã lâu. Tôi nhớ một câu chuyện thế này.

Có ông mãi về già lấy vợ lẽ mới sinh được mụn con trai. Lúc gần đất xa trời con trai ông còn bé, mà con rể đã lớn. Ông viết di chúc rằng.

- Mọi tài sản để lại cho con rể là người ngoài không có quyền chiếm đoạt.

Khi ông mất đi, gia sản trong nhà về hết tay người con rể. Gã con rể để lại cho hai mẹ con nhà kia một ít, họ sống khổ sở trong căn nhà tồi tàn. Cuộc sống khốn khó của họ cứ thế trôi đi. Thấm thoắt thời gian thoi đưa, cậu bé đã lớn. Ngày nọ cậu kiện ra quan để đòi tài sản. Tên con rể được gọi đến công đường, hắn nghênh ngang đưa ra lời di chúc của ông già, hắn nói rằng bố vợ đã cho hắn hết gia sản. Hắn lý lẽ như sau.

- Mọi tài sản để lại cho con rể.

- Người ngoài không có quyền chiếm đoạt.

Nhưng vô phúc cho hắn gặp vị quan anh minh. Ông nói rằng.

- Câu này bản quan hiểu rằng Mọi tài sản để lại cho con, rể là người ngoài không có quyền chiếm đoạt.

Đây là một bài học về câu cú, người ta chỉ ngắt câu ở đoạn nào thì ý nghĩa của câu ấy có thể bị đảo ngược hoàn toàn. Còn trường hợp cắt xén câu nói, chỉ trích một đoạn thì ví dụ trường hợp một khách nước ngoài đến nước XYZ nào đấy nói.

- Tôi yêu đất nước XYZ này vì có nhiều nhà thổ, gái xinh và rẻ.

Giới truyền thông nước đó cắt mất phần cuối chỉ còn lại câu.

- Tôi yêu đất nước XYZ này.

Thế rồi họ lập luận là thấy chưa, khách quốc tế đến nước ta họ phải nói yêu đất nước ta đấy. Chúng ta phải tự hào về đất nước mình. Nhân dân XYZ chỉ biết vậy, họ không biết người nước kia yêu đất nước họ bởi điều gì. Nếu họ biết chắc họ chẳng dám tự hào.

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2008

chỉ hươu nói ngựa

Triệu Cao cho người mang con hươu đến giữa triều. Hỏi nhà vua

- đây là con gì ?

Vua ngạc nhiên nói.

- Sao hỏi lạ thế, đấy là con hươu ai chả biết.

Triệu Cao giả bộ ngỡ ngàng .

- đây là con ngựa chứ, sao lại là con hươu. Không tin để hỏi quần thần xem sao.

Quần thần bị hỏi đến, người không nói gì, người sợ Triệu Cao đều nói đấy là con ngựa. Sau nhất trí gần % cả triều đình nhất trí đó là con ngựa. Số ít không bỏ phiếu đều bị hại cả.

Nhưng rồi Triệu Cao cũng bị diệt, nước Tần hùng mạnh thế mà tan rã. Dân tình nổi dậy khắp nơi. Sau Lưu Bang thống nhất lập lại trật tự thiên hạ. Hàng nghìn năm sau trong thiên hạ không ai dám làm cái chuyện chỉ hươu nói ngựa. Vì ấy là điềm nước sắp loạn mới có chuyện càn như vậy.

Mãi lâu lâu sau, ở ngoài Trung Nguyên có nước nhỏ là nước Vệ. Quan lại nước Vệ không cần qua thi cử, việc tuyển trạch rất đơn giản. Quan trên chỉ hỏi rằng.

- 2 cộng 2 bằng mấy.

Kẻ trả lời bằng 4 bị loại.

Kẻ trả lời bằng 5 hay 3 cũng bị loại.

Kẻ trả lời quan trên bảo bằng mấy là bằng đó thì trúng tuyển.

Việc thi cử dễ dãi như thế, mà các quan nước Vệ mấy đời nối nhau giữ vững triều đình đến mấy chục năm. Trải qua bao đời vua. Khổng Phu Tử đi qua nước Vệ vào hàng quán, thấy quán treo đầu dê. Mới gọi một đĩa thịt dê, ăn mấy miếng mới biết là thịt chó. Mới gọi chủ quán lại trách.

- Sao treo đầu dê lại bán thịt chó.?

Chủ quán cười xoà.

- ông từ hẳn từ phương xa đến đấy, không hiểu lễ nghi nước Vệ tôi. Phàm mà treo đầu dê bán thịt dê thì chẳng ai vào ăn cả. Vì nếu đúng thế thì cả người bán lẫn ngưòi ăn đều bị phạm tội.

Khổng Phu Tử rất đỗi ngạc nhiên mói hỏi.

- Sao phạm tội gì.?

Chủ quan lại cười.

- Nhiều tội lắm, tội trốn thuế, tội kích động gây rối, tội tiếp tay cho thế lực thù địch.....

Không Phủ Tử càng thấy lạ hỏi tiếp.

- thế không có tội treo đầu dê bán thịt dê à ?

Chủ quán hạ giọng thầm thì.

- Pháp luật nước Vệ thì không xử tội ấy, mà xử tội ấy bằng một tội khác. Cái này gọi là áp dụng pháp luật một cách không cứng nhắc, phù hợp với tình hình thực tiễn. Nếu xử đúng tội thì còn gì là nước Vệ nữa.

Khổng Phu Tử tưởng chủ quán điên, trả ngay tiền vội vã đi. Đi đến đầu đường gặp một đám người đang ngồi ở cửa quan , có vẻ kêu oan. Định vào hỏi thì lính canh ngăn lại. Hỏi họ làm sao, lính canh nói.

- đây là những người giàu có, họ có cái thú là ra vẻ nghèo khổ, đi kêu oan.

Khổng Phu Tử hỏi.

- Sao họ phải làm thế.

Lính canh nói.

- Họ làm thế bởi vì họ thích làm như thế, nếu không họ chả biết làm gì ?

Không Phu Tử hỏi.

- Thế không có ai kêu oan thật à ?

Lính canh.

- Nước Vệ tôi khổ nỗi là chẳng có ai bị oan. Triều đình nghiêm minh, pháp luật xử đúng người đúng tôi, không bao giờ bỏ sót kẻ pham tội. Bởi vậy mấy chục năm nay, dân chúng đều yên ổn làm ăn. Các quan toà, công đường đều vắng vẻ. Sợ cảnh công đường lạnh lẽo, triều đình mới cho người giả bộ dân oan đi khiếu nại. Ông đứng đấy hàng ngày mà xem, quanh đi quanh lại chỉ mỗi mấy người đó thôi. Đến mấy tháng nay rồi. Lâu lâu chúng tôi lại đổi lớp người khác cho nó có không khi mới.

Không Phu Tử hoang mang, chả biết thật giả thế nào, trong lòng đầy nghi hoặc điều lính canh nói. Muốn vào hỏi cho rõ thì lính canh ngăn không cho. Họ chỉ tay đằng trước.

- Ông muốn hỏi gì thì đến nhà kia, người ta trả lời cho ông đầy đủ. Chỗ này mất vệ sinh, ông vào đây lây bệnh truyền nhiễm, chúng tôi lại có trách nhiệm.

Không Phu Tử sang toà nhà, thấy bên trong nhiều người đang chơi bài. Vào hỏi thì họ nói ngày mai quay lại, người có trách nhiệm đi vắng. Không Phu Tử ngày mai quay lại, họ lại bảo ngày kia. Chán quá đành thôi. Sau lang thang ở nước Vệ nửa năm, về đến nhà mới viết thành sách Giả dối là nền tảng vững chắc . Sách có đoạn.

...nớc Vệ lấy giả dối làm nền tảng, bởi vậy bền vững đến muôn đời. Triều đình lừa dân, dân lừa dân, con buôn lừa con buôn. Nếu tất cả lừa nhau thì lại thành một xã hội ổn định. Vì như thế ai cũng lừa ai chả có ai thiệt thòi cả, xã hội thế mới là công bằng, văn minh. Một xã hội đang yên ổn như vậy mà kẻ nào dám nói sự thật ắt là kẻ nguy hiểm, rắp tâm phá hoại an ninh, ổn định của đất nước....

Sách này về sau nước Vệ đưa vào văn kiện, là một trong những bài lý luận của quan trường.

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2008

ảnh về chuyến đi Yên Bái

IMG_0066.jpg

Sư ông Minh Tri, một vị sư giản dị, hiền lành, hoà nhã. Trong khi nhiều vị sư đồng trang với ông đang chủ trị những ngôi chùa lớn, họ đi lại bằng xe ô tô riêng, tiêu pha rộng rãi. Thì sư ông Minh Tri như người lãng du , không chốn định thân. Sư ông nghèo vật chất nhưng đầy ắp , chan chứa tấm lòng cứu nhân, độ thế.

IMG_0056.jpg

Nguyễn Thảo Vân, cô gái 21 tuổi này là em trai của hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng. Hiện đang làm cho một công ty thiết kế nước ngoài. Nụ cười luôn thường trực trên đôi môi cô gái tật nguyền đầy ý chí và nghị lực này. Vượt qua số phận, Nguyễn Thảo Vân không chỉ lo được cuộc sống cho bản thân mình. Mà em còn trích từ thu nhập hàng tháng của mình ra một khoản tiền nhất định để dành cho việc làm từ thiện.

IMG_0046.jpg

Nguyễn Công Hùng. Một tấm gương sáng về nghị lực và lòng nhân ái. Là người thành lập tổ chức từ thiện Nghị Lực Sống.Hiện là giám đốc một công ty tin học. Nguyễn Công Hùng luôn có ước mơ được chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn.

IMG_9914.jpg

Cậu bé đang ngồi trong lòng Người Buôn Gió thật ra là một chàng trai. Nguyễn Việt Thắng, 22 tuổi là giáo viên dạy tin học. Là thành viên của nhóm Nghị Lực Sống. Tâm sự cho biết, hiện cậu có một cô người yêu cao 1,58 mét, khá xinh.

IMG_0124.jpg

Anh chàng Vân khiếm thị này có giọng hát rất hay, khiến bao em nhỏ mê tít. Bài hát Rồng rắn lên mây làm sôi nổi không khí Trung Thu.

IMG_0105.jpg

Các thành viên Nghị Lực Sống múa sư tử trong sự phấn khởi của các em nhỏ vùng lũ.

IMG_0252.jpg

Cùng với nhiều trò chơi vui nhộn do các tình nguyện viên Nghị Lực Sống tổ chức, các em nhỏ đã có một tối Trung Thu đầy ắp niềm vui.

IMG_0223.jpg

Sư ông Minh Tri thay mặt một số nhà hảo tâm, phát quà cho các em thiếu nhi học giỏi.

IMG_0214.jpg

Nguyễn Thảo Vân đại diện cho Nghị Lực Sống tảo quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

IMG_0265.jpg

Em nào quyết tâm học giỏi để Trung Thu sau các anh chị lại lên thì giơ tay. ô kìa có em lại cắn móng tay. Không định học giỏi sao? À em mới 4 tuổi, em chưa đi học.

IMG_0070.jpg

Các cán bộ xã Minh Quân, huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái có mặt đầy đủ. Ông bí thư xã rớm nước mắt khi nói với Thảo Vân.

-Những người như các cháu mà còn biết nghĩ đến người khác, thì có nhiều người khác phải áy náy.

Chuyến đi mang lại nhiều cảm xúc. Lần đầu tiên chứng kiến thấy những người khuyết tật đi làm từ thiện. Cảm giác thật khó tả.

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2008

Nơi tụ tập

P9120190.jpg

Cái nhà bán sách này có một phòng riếng, yên tĩnh và sạch sẽ. Ngồi đọc sách thoải mái. Có cà fe và nước trà thôi. Không bán thêm cái gì khác. Nếu quan tâm đến tác giả hay cuốn sách nào có thể bàn tán luyên thuyên ở đấy luôn. Bên ngoài là chỗ bày sách để bán

P9120191-1.jpg

Cần mua cuốn gì, nếu nhà này không phát hành thì họ sẽ chạy đi lấy cho mình. Giá không hề đắt hơn mình mua. Vì họ mang sách của họ đi trao đổi lấy sách của nhà phát hành khác. Ngồi nhâm nhi cốc cà fe, xem sách, nghe nhác hay đánh cờ. Lát sau nhân viên mang về đúng cuốn sách mình yêu cầu.

Địa chỉ đây, đến thử một lần sẽ thấy yêu thích.

số nhà 34b, ngách 47, ngõ 278, đường Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội.

Trung Thu với trẻ em vũng lũ Yên Bái

Chuyến đi này do hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng chủ trì , là một trong nhiều chương trình từ thiện mà anh và tổ chức Nghị Lực Sống thực hiện. Toàn bộ thân thể của Hùng bị tật hoàn toàn. Anh không thể tự di chuyển, ngồi trên xe lăn, toàn thân anh bó gọn lại có thể để vào trong một cái làn. Đi với đoàn có sư ông Minh Tri và Phật tử Người Buôn Gió theo hầu.

P9130235.jpg image by nguoibuongio

Nhờ một nghị lực kiên cường của bản thân, Nguyễn Công Hùng đã vượt qua số phận để trở thành một chàng trai có nghề nghiệp, có thu nhập không những nuôi nổi bản thân mà còn dư dả để giúp đỡ những người khó khăn, tàn tật. Cùng với em gái là Nguyễn Thảo Vân cũng bị khuyết tật, Thảo Vân hiện đang làm cho một công ty thiết kế nước ngoài.

IMG_0042n.jpg

Vừa về mệt, đưa tin thế thôi. Sẽ viết bài kỹ sau. Lúc về mới biết thêm hai anh em nhà này theo Công Giáo.

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2008

Tiếp tay cho sách lậu




Sau khi cục xuất bản đột ngột ra lệnh tạm ngừng phát hành Thời Của Thánh Thành tác giả Hoàng Minh Tường do NXB Hội Nhà Văn. Sự việc này được giới thiệu trên bbc.com càng khiến cuốn sách trở thành thứ mà nhiều đọc săn tìm. Và đây cũng là dịp mà sách lậu được dịp tung hoành. Mấy hôm trước đi tìm Thời Của Thánh Thần ở các quán đều gặp cái lắc đầu, hôm nay thì đã có vô số. Muốn bao nhiêu cũng có. Có điều không phải sách của NXB Hội Nhà Văn . Bìa sách của hội nhà văn gai sần, bên trong có gấp ít mép. Chừa khoảng nhỏ giới thiệu chút ít về tác giả. Còn sách lậu thì không có.

P9120202-1.jpg

Bìa trong sách thật

P9120204.jpg

bìa trong sách lậu.

Sách lậu bán 90 nghìn trên giá bìa 97 nghìn. Thường thì cuốn sách như thế này người mua được giảm 20- 35%. Nhưng do đang là hàng nóng lên người bán có thể chả cần trừ khách cũng mua.

P9120197.jpg

Sách lậu phia trên, mỏng hơn sách thật ở dưới.

Thế này thì rút ra điều gì. Nếu mà cảm thấy cuốn sách có vấn đề đụng chạm đến chính trị, tư tưởng. Cần phải bị cấm đoán, tịch thu. Thì đừng có để sách lậu lan tràn. Đằng này cấm mà chẳng cấm được sách lậu thì khác nào tiếp tay kch thích người ta mua sách lậu. Trách người mua ư, mấy ai phân biệt được khi trình độ làm sách lậu với sách nguyên chả hơn nhau là mấy. Trước mắt là tác giả, nhà xuất bản chịu thiệt thòi cái đã. Sách của mình in công phu, giấy phép, thiết kế bìa..nằm đống trong kho. Ngoài kia sách lậu bán nườm nượp ở mức giá ngất ngưởng. Đúng là làm cỗ cho người ta xơi.

Thế này mà khi xem xét xong, không có vấn đề gì, cho phát hành thì chắc gì còn mấy người mua, vì người ta đi mua sách lậu hết rồi. Gọi là chờ được vạ thì má đã xưng cũng đúng. Còn nếu có vấn đề thì tội mấy ông công an kinh tế cả an ninh văn hoá. Các ông này để cả cuốn sách phản động dày cộp được in ấn bán tràn lan như thế, liệu tờ truyền đơn của Việt Tán mỏng tang thì kiểm soát thế nào.

Nói thế thôi, chứ ai mà chả biết công an ta giỏi lắm. Chẳng qua là chưa muốn bắt bọn làm sách lậu mà thôi. Chứ bọn gián điệp, chống đối có mẩu giấy bé tí còn tóm được huống chi là cuốn sách. Ở ta khác nước khác ở chỗ, khi mà chả ai phạm tội công an cũng buồn vì đồng lương eo hẹp.

Chỉ một việc nhỏ sự ra đời của cuốn sách có bao nhiêu chuyện, đúng là mình cũng rách việc.

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2008

ngày để tang cho blog.

Hôm nay anh Điếu Cày bị kết án 30 tháng tù giam vì tội '' cho thuê nhà không đóng thuế". Báo An Ninh Thế Giới trân trọng đưa anh vào trang Những Vụ Án Nổi Tiếng ở trang 26.

Thật kỳ lạ, lần đầu tiên báo ANTG đưa một vụ án kinh tế '' trốn thuế'' của một người cho thuê nhà vào trang lịch sử, sánh liền với những vụ hàng chục đến hàng trăm tỷ này. Những vụ án làm kiệt quệ nền kinh tế Việt Nam. Phải chăng anh Điếu Cày là xử điểm cho những trường hợp cho thuê nhà không đóng thuế. Nếu áp dụng thu thuế triệt để từ việc cho thuê nhà, chắc chắn ngân sách nhà nước có thêm một khoản thu lớn. Như thế công lao của những người làm vụ này thật lớn.

Có điều trong phần giới thiệu nhân thân Nguyễn Hoàng Hải, trên típ in đậm báo ANTG ghi chú thêm một đoạn sau.

'' được biết Nguyễn Văn Hải còn có biệt danh là Điếu Cày và trên mạng intenet, Hải đã lập ra một blog, trong đó có nhiều bài viết sai sự thật..''

Không hiểu dòng chữ này có liên quan gì đến vụ án kinh tế xử anh Điếu Cày về tội trốn thuế.? Hay đây là điều mà người ta muốn nhấn mạnh vì một ý khác.

Còn nữa khi giới thiệu về anh Hải, người ta từng có tiền sự vì 2 lần bị xử phạt hành chính. Chao ôi ! việc xử phạt hành chính ở Việt Nam còn nhiều hơn người có nhà cho thuê chưa đóng thuế. Họ nhớ anh Hải 2 lần bị xử phạt hành chính, nhưng họ lại quên một điều là anh từng là người lính từng đổ máu để bảo vệ toàn vẹn đất nước, quên anh là cựu chiến binh. Nghiệt ngã chữ '' tình đời'' quá. Anh từng xông pha bao năm mũi tên, hòn đạn nơi hiểm nghèo vì đất nước họ có thể quên, nhưng anh bị phạt tiền thì họ lại rất nhớ.

Cũng trong bài báo này có đoạn '' ..sau khi cơ quan công an quận 3 khởi tố vụ án, thì trên mạng xuất hiện nhiều bài viết,xuyên tạc tính chất vụ việc, bênh vực hành vì trốn thuế của Nguyễn Văn Hải, quy chụp các cơ quan chức năng đã cố tình hình sự hoá tính chất dân sự nhưng tất cả luận điệu này không thuyết phục được ai''

Một lần nữa báo ANTG lại khôi hài, ở trên những phương tiện truyền thông được phép của nhà nước. Đơn cử như bài này của báo còn chưa thuyết phục được ai, sao lại đi hỏi bài trên blog thuyết phục hay không. Nói thế chẳng lẽ bao chí lại đánh giá cao tầm ảnh hưởng của blog ngang với truyền thông chính thống đầy đủ phương tiện sao?

Hôm nay Người Buôn Gió xin để tang cho một niềm tin ít ỏi cuối cùng đã chết.

Cũng trên tờ báo này và nhiều báo khác, trong vụ Thái Hà ông thứ trưởng công an Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh rằng '' một số đối tượng có bài viết đưa lên mạng, nội dung vu cáo, bịa đặt. Hành vi này là vi phạm pháp luật, Công an Hà nội sẽ điều tra làm rõ để xử lý nghiêm theo pháp luật''

Bỗng dưng tôi nhớ lại mang máng một câu nói của ai đó '' ở chế độ này, mỗi một công dân là một người..dự khuyết ''

Đây cũng là đòn áp đảo tinh thần cho những ai định làm gì vào ngày 14-9 tới.

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2008

nghe nhạc cũ

P9080167.jpg

Sở dĩ nói nhạc cũ vì đây là dòng nhạc có trước năm 1975 của các tác giả Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Vinh Sử, Trầm Tử Thiêng, Vũ Thành An, Y Vân, Huỳnh Anh, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn...qua băng cũ, thu lại ở thời đỉnh cao của các ca sĩ nổi tiếng như Hoàng Oanh, Khánh Ly, Chế Linh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Phương Dung, Hoàng Bá Tước....

P9080147.jpg

ca sĩ Hương Lan thời trẻ

P9080148.jpg

Ca sĩ Lệ Thu

Mọi cái đều cũ từ đầu câm, ămpli, loa đến băng, đĩa. Tất cả đều có độ tuổi vài chục năm. Nhưng chất lượng còn tuyệt hảo như mới do bảo quản cẩn thận. Cách thể hiện bài hát, hoà âm đều khác xa bây giờ, vì thời đó chưa có công nghệ xử lý âm thanh qua vi tính. Gần như âm thanh mộc hoàn toàn, có thế nào thu như vậy. Thích nhất là nghe lại những bài hát tưởng như không bao giờ còn cơ hội nghe lại.

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2008

sai lầm của truyền thông trong vụ việc ở Thái Hà

Trong mấy năm gần đây. Việc nhân dân tụ tập, khiếu kiện về đất đai là hiện tượng mà người Hà Nội không lạ lẫm gì. Mặc dù truyền thông không đưa tín, nhưng người Hà Nội đi trên các tuyến đường như Ngô Quyền, Mai Xuân Thưởng, Cầu Giấy, Đinh Tiên Hoàng đều dễ dàng nhận thấy.

Nhìn rõ bản chất của các giáo dân Thái Hà cũng không khác gì với những vụ khiếu kiện, đòi đất của bà con nhiều nơi đã làm. Điều khác nhau là những vụ kia người ta còn kẻ băng rôn , biểu ngữ có khẩu hiệu đại loại '' nhân dân huyện x kêu cứu...chính quyền tỉnh , huyện dối Đảng, lừa dân....". Ở Thái Hà giáo dân không có biểu ngữ, băng rôn, không hô hào chống đối chính quyền. Họ có tượng Chúa và thánh giá, hương hoa. Giáo dân cầu nguyện một cách ôn hoà. Duy có số lượng người quá đông, nhất là vào những ngày lễ như thứ bảy, chủ nhật lên đến hàng nghìn người.

Điều nguy hiểm ở chỗ, chỉ là việc đòi đất như bao vụ khác, diễn ra ở trạng thái ôn hoà mà truyền thông Hà Nội, nhất là báo Hà Nội Mới lại liên tiếp đăng những bài báo nâng vụ việc đòi đất như bao vụ khác này thành cái gọi là '' âm mưu thâm độc'' '' thế lực thù địch lợi dụng''.

Đáng nhẽ ra truyền thông không vào cuộc như nhiều vụ khiếu kiện đất đai khác họ đã không vào. Nhưng lần này sự vào cuộc bằng những bài viết áp đặt, quy chụp nặng nề khiến sự việc trở nên phức tạp. Báo Hà Nội Mới dường như muốn chính trị hoá sự việc dân sự này. Tạo suy nghĩ trong nhân dân rằng giáo hội là một thế lực có nguy cơ gây bạo loạn, chính biến, rằng các giáo dân bị lợi dụng.phá chính sách nhà nước, gây bất ổn cho xã hội.

Nói trên quan điểm như vậy, phải chăng báo Hà Nội Mới muốn cho rằng giáo dân Thái Hà nói riêng và những người công giáo nói chung đang đối đầu với nhà nước . Sở dĩ phải dùng từ ''nguy hiểm'' bởi động thái này của báo Hà Nội Mới có thể dẫn đến mâu thuẫn, xung đột vì hiểu lầm giữa nhân dân Việt Nam và những người công giáo ở Việt Nam. Biến vụ việc đòi đất thành một vụ chính trị, báo Hà Nội Mới có hình dung được hậu quả là sự việc căng thẳng lên, có khác gì họ cho những người công giáo đang ở một bên chiến tuyến, âm mưu làm mất ổn định xã hội. Họ chỉ muốn dùng truyền thông trong tay để nhân dân thấy những cái xấu của giáo dân Thái Hà. Nếu họ đạt được ý muốn này thì chính họ là người đang âm mưu gây bất ổn trong hội. Vì khi mâu thuẫn này được triệt để khai thác, giữa nhân dân cả nước và những người công giáo trong nước sẽ có một vực thẳm nghi kỵ, ngờ vực nếu không nói quá là thù ghét nhau. Chúng ta hình dung điều gì nếu trong nội bộ nước ta có hàng triệu người công giáo và nhân dân nghĩ về nhau như vậy. Một thùng thuốc súng chờ bùng nổ. Đó là điều mà ít người nhận thấy nếu báo Hà Nội Mới cứ liên tiếp đẩy sự việc lên những quan điểm nguy hại như vậy.

Như vậy thì chính báo Hà Nội Mới là kẻ tiếp tay cho ''thế lực thù địch'' để thổi bùng ngọn lửa mẫu thuẫn giữa nhân dân và công giáo. Một hố sâu hiềm khích này từ xưa đến nay chưa có '' thế lực thù địch '' nào làm nổi. Không có âm mưu nào ''thâm độc"' hơn âm mưu biến giáo dân Thái Hà thành những người chống đối chính quyền, gây xáo trộn an ninh xã hội, biến họ thành kẻ thù của nhân dân.

Trở lại vụ khiếu kiện đòi đất của giáo dân Thái Hà với Uỷ ban NDTP Hà Nội. Hai bên có chứng cứ của hai bên. Đúng hay sai chưa tỏ tường , bên nào cũng có lý. Hơn hết trong lúc ngày một căng thẳng này, hai bên phải biết kiềm chế. Hành vi tụ tập đông người của giáo dân Thái Hà cũng không khác so với nhiều vụ tụ tập khác, nhưng hành động phá tường vừa qua tuy nhỏ cũng là một dấu hiệu đáng quan ngại. Vì liệu với sự bức xúc như vậy, mang trong mình sẵn cái chí '' tử vì đạo" nếu họ làm điều gì đi quá hơn...khó mà nói được chính quyền sẽ để yên mà không dùng đến các biện pháp mạnh. Và trueyèn thông Hà Nội cũng đừng thêm đổ thêm dầu vào sự việc này bằng những ý đồ xuyên suốt trong các bài báo, biến giáo dân Thái Hà thành một đám người nhăm nhe gây nguy hại cho sự ổn định đất nước.

Lê Nin nói rằng "' bất cứ cuộc nội chiến nào cũng khốc liệt hơn ngoại chiến''. Trong lịch sử nước ta từng xảy ra những vụ '' cải cách ruộng đất' '' nhân văn giai phẩm''. Trong những việc này truyền thông đã lên án mạnh mẽ, kịch liệt. Đến nỗi hàng chục năm qua, cải cách đã sửa sai, nhân văn gia phẩm đã có nhiều tác giả được phục hồi trao giải thưởng. Nhưng nỗi đau về một thời bị quy chụp còn đau đáu chưa nguôi trong lòng nhiều người. Và nếu hôm nay, cho dù sự việc Thái Hà có được êm đẹp, thì những lời của truyền thông sẽ còn khắc sâu rất lâu trong tâm trí của giáo dân nói riêng và nhân dân nói chung. Để xoá nhoà thành kiến mà báo Hà Nội Mới đã tạo lên, sẽ còn rất lâu, rất lâu mới phai được.

Hãy nhìn xa hơn, cái giá phải trả không phải là ngày một ngày hai. Đừng reo hiềm khích, chia rẽ trong lòng dân tộc Việt Nam. Lúc phải trả cái giá này, có thể đắt đến mức không ngờ tới.

Người Việt Nam có lương tri nên khách quan nhìn nhận hậu quả lâu dài. Đừng trong một lúc nhất thời để suy nghĩ trôi về một phía.Nếu không chính chúng ta bằng những phát biểu hùa theo báo chí là đang góp phần cho đất nước mất ổn định hơn.

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2008

Giáo xứ Thái Hà

Trong khi báo chí và truyền hình hàng ngày kịch liệt lên án hành vi mà họ gọi là vi phạm pháp luật nghiêm trọng của giáo dân Thái Hà. Người Buôn Gió ở nhà dưỡng thương. Tin từ truyền hình và báo Hà Nội Mới liên tiếp có những bài phê phán, lên án. Ngồi nhà mà hình dung theo họ thì cảm thấy giáo dân Thái Hà đã đi quá đà trong việc lợi dụng dân chủ để gây rối trật tự xã hội . Làm " gây bức xúc và phản ứng của đông đảo nhân dân''. Dường như cảm thấy chưua đủ, hoặc kịch bản cần phải có bước leo thang. Sau sự kiện tối ngày 31-8, báo Hà Nội Mới bắt đầu dùng từ nặng nề nâng sự việc lên mức ngiêm trọng hơn là ''âm mưu thâm độc'' '' thế lực thù địch đứng đằng sau''.

Từ gây rối trật tự công cộng đến thế lực thù địch là hai tội danh rất khác nhau về mức độ trừng phạt. Tội danh sau còn gọi là xâm phạm an ninh quốc gia. Tội danh này là là lá bài hữu hiệu mà chính quyền đã sử dụng nhiều năm, áp dụng với các đối tượng bất đồng chính kiến. Sở dĩ hữu hiệu vì tâm lý người dân Việt Nam giờ đây sống an phânKhông thích có những cuộc đấu tranh, chính biến, hỗn loạn làm ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày. Bởi vậy chỉ cần ai đó loáng thoáng dính đến những cụm từ trên, không cần biết họ đúng hay sai, chỉ cần truyền thông khoác cho họ hoặc ám chỉ những tội danh này là dân chúng cảm thấy "bất bình". Nhất là những '' dân chúng'' đang được hưởng lợi nhiều từ những kẽ hở quản lý trong chính quyền.

Vậy những người hôm trước gây rối trật tự cộng cộng, chỉ mấy hôm sau thêm cái tội ''âm mưu thâm độc'' ''dính dáng đến thế lực thù địch'' là những người như thế nào. Hầu hết những ''bạn đọc'' đang bức xúc được báo Hà Nội mới trích lời đều " tôi theo dõi vụ này qua báo chí, cảm thấy giáo dân là thế này.." Không đến 1% cái số ''bạn đọc'' ấy đến khu đất đang tranh chấp ấy để hỏi chuyện và nhìn rõ những giáo dân ấy, xem con người, bản chất họ thế nào. Hoá ra ý kiến bạn đọc của báo Hà Nội Mới cũng dễ dàng được bày tỏ ''nếu'' bạn đọc bày tỏ đúng lề, đúng hướng. Chỉ cần nghe báo ,đài ấy quan điểm thế nào. Rồi đồng tình là được. Không cần phải suy xét, tìm hiểu gì thêm. Chẳng hạn như báo Hà Nội Mới nói rằng hồi 16 giờ ngày 31-8. Giáo xứ Thái Hà huy động đến 400 thiếu nhi, thiếu niên cầu nguyện. ''bạn đọc;; nghe tin này cảm thấy bất bình vì giáo xứ Thái Hà đã không từ bỏ ''âm mưu thủ đoạn nào'' lôi kéo trẻ em vào cuộc. Mấy ai biết rằng dòng chúa Cứu Thế tại Hà Nội từ bao lâu nay lịch hành lễ vào 16 giờ 30 ngày chủ nhật là Lê Thiếu Nhi. Dẫu không có cuộc tranh chấp đất đai này thì các em thiếu nhi ấy vẫn đúng ngày áy, giờ ấy hàng tuần đi làm lễ.

Thử điểm một số ý kiến bạn đọc xem thế nào.

Giáo dân Vũ Hồng Oanh, Bí thư đoàn xã Chuyên Mỹ ( Phú Xuyên) Hoanh nghênh cơ quan bảo vệ pháp luật....

Nguyễn Văn Hưng, Lào Cai- Tôi là người dân bình thường nhưng khi nghe đọc tin trên báo những ngày qua, tôi rất bất bình....

Bà Nguyễn Thị Yến, KTT Kim Liên - Thông tin về vi phạm của giáo dân nhà thờ Thái Hà phát sóng trên truyền hình vào đúng giờ ăn cơm nên được cả nhà tôi chăm chú theo dõi.

Môt người giáo dân nhưng lại là bí thư đoàn, một ''dân bình thường" sao mà anh Hưng ở Lào Cai phải khẳng định tư cách mình như vậy, hay là anh muốn đại diện cho dân bình thường để phát biểu cảm tưởng. Còn dân không bình thường là dân thế nào? Còn bà Yến thì nói truyền hình đúng giờ ăn cơm cho nên bà mới hiểu vấn đề. Thé còn những tin tức ở mà đài truyền hình phát sóng ở giờ khác chắc gia đình bà không theo dõi. Thật khôi hài khi lấy những ý kiến như thế này, lộ rõ sự dàn dựng, sắp xếp. Các ông đài báo dường ngoài công việc đánh trên truyền thông đám giáo dân, dường như còn muốn bày tỏ với chủ nhân rằng họ đang làm việc rất hữu hiệu. Từ trên Lào Cai anh dân bình thường có báo xem. Do giờ phát sóng tính toán nên cả gia đình nọ được biết.

Hôm 2-9 đi chơi, tiện ghé vào Thái Hà. Gặp gỡ với vài giáo dân, nói chuyện mãi, không thấy họ có biểu hiện quá khích. Trái lại họ rất ôn hoà,tự chủ và điềm đạm. Cảm giác hình như họ có được sự chuẩn bị tấm lý rất kỹ càng. Các giáo dân nói rằng họ nếu nhà nước không dùng khu đất ấy vào mục đích cộng cộng như bệnh viện, vườn hoa phục vụ công đồng thì nên trả cho họ vì dân số tăng trưởng, hiện nay nhà thờ thiếu đất để làm lễ. Còn để xây biệt thự mà chia nhau thì họ sẽ quyết tấm ngăn cản đến cùng, bất kể diễn biến tiếp ra sao. Càng chuyện càng thấy mấy ông bà giáo dân, ăn mặc nông thôn, bộ dạng chân chất này am hiểu tình hình thế giới, thời cuộc. Nói rằng họ đã được ai đó phổ biến kiến thức, nhận định chính trị, xu thế thời cuộc cũng không quá. Hoặc họ có tổ chức, có phương án, kế hoạch cũng chảng sai. Một đám đông hàng trăm người như thế khó mà tự phát nếu không có người hoạch định. Nhất là sự việc đã kéo dài một thời gian rất lâu.

Qauy sang tìm bà con nhân dân ở xung quanh khu vực đó, những người mà báo chí nói họ rất bất bình vì bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày. Hầu hết họ chỉ cười khi nghe hỏi họ bất bình thế nào, có đúng như báo nói không? Có người chỉ vào đám đông giáo dân nói - bọn họ chỉ cầu nguyện khẽ, đi lại cũng rất nhẹ nhàng. Bọn tôi đi làm cả ngày, tối mới về, không ảnh hưởng gì lắm. Người khác thì cười thích thú nói- giá như làm công viên hay cứ để thế này tốt quá, có khoảng không là quý lắm anh ạ. Gió thoáng không, anh thấy mát không?

Đúng là gió lồng lộng, thoáng đãng thật. Xây cái công viên thì còn gì để cãi nhau. Nhưng xây biệt thự bán còn chia nhau tiền tỷ. Chứ xây công viên thì hoá ra làm phúc lợi cho cộng đồng à. Cả đống tiền lại đi làm phúc lợi cho dân. Thế làm quan được cái gì ?

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2008

hẹn sáng mai 3-9

Sáng ngày mai, tại nhà tang lễ viện quân y 108 vào hồi 9 giờ. Tổ chức tang lễ ông già Lê Sinh Tuấn. Các bạn cũ nào nhận tin này thì liên hệ với tôi để cùng đi nhé.