Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009

I LOVE CHINA và SỨC NẶNG CỦA MỘT DÂN TỘC -blog Mai Ky

I LOVE CHINA 5 by you.

..............................

Ngày xưa - cặp xách của những đứa trẻ đến trường thật đợn giản. Học trò chỉ có những cái cặp da trâu của Hồng Hà sản xuất , hôi mù, dùng từ cấp 1 đến cấp 3 vẫn chẳng hỏng. Sau này thì có cặp giả da của sài gòn, dùng kg bền, nhưng mẫu mã thì đẹp hơn. Rồi cặp của Liên Xô, Đức, Tiệp khắc.. do những người đi lao động bên đó mang về làm quà…

Có một chiếc cặp, là niềm mơ ước của bất cứ đứa trẻ nào thời đó. Từ sách vở, bút mực đến củ khoai, củ sắn, hòn bi, con quay… đến cả những ước mơ và hoài bão đẹp ..tất cả đều chứa đựng trong chiếc cặp nhỏ bé. Nó thật hữu ích, và là hành trang không thể thiếu của lứa tuổi học trò.

Ngày nay - cặp có đủ kích cỡ, kiểu dáng, đủ hãng, đủ màu, đủ quốc tịch.. tây, tầu, đủ cả. tha hồ mà lựa chọn. Cặp không còn là nhỏ bé và giản dị như vốn có, Cặp phải gánh trên vai những tập sách vở nặng hàng chục cân, Cặp đã mang theo những mong muốn đầy sức nặng của bố mẹ, ông bà. Để rồi, những câu dân ca, câu hát, Cọ xòe ô che nắng.. dâm mát đường em đi.. giờ trở thành dĩ vãng.

Cặp đã trở thành quá tải!

I Love China 2 by you.

………………

Nhưng, chiếc cặp ở câu chuyện này, không chỉ đơn giản là đựng sách vở, hay chứa đựng niềm hy vọng của một gia đinh, mà là chứa đựng sự “xót xa của cả một dân tộc”.

Chiếc cặp, vốn dĩ nó chẳng có tội gì. Nhà sản xuất hay nhà phân phối cũng vậy, có lợi nhuận là họ làm, họ bán, có cầu ắt có cung. “Trung quốc vĩ đại” cũng chẳng có tội tình gì. Nhiều người biết và yêu đất nước họ, thì họ càng hãnh diện và tự hào. Nhiều người ở trên thế giới này, dùng hàng TQ, thì đất nước họ càng giầu mạnh, phát triển. Quán triệt sâu sắc từ lãnh đạo đến người dân như thế.

Họ quan niệm, người TQ đi đến đâu, hàng hóa của họ phải xuất hiện tại đó – người TQ đi đến đâu, nơi đó, người bản xứ phải kiêng dè kính nể – người TQ đi đến đâu, tiếng Hoa phải là “cái chợ ngôn ngữ” chính thức… mọi chuyện cứ thế mà làm, khỏi bàn cãi.

Tính tự tôn và tinh thần dân tộc của họ đã “xuyên thủng” cả thế giới, Việt nam với những lũy tre làng bao bọc, giờ đây cũng không phải là ngoại lệ.

“Họ”, đã có mặt ở mọi ngóc ngách trên đất nước này và len lỏi vào từng cá thể, từng gia đình.. “Họ”, xuất hiện mọi nơi, mợi chỗ. Từ đồ gia dụng, quần áo, hoa quả, thực phẩm. đến sắt thép, khai khoáng, xây dựng… Từ phim ảnh, ca múa, nhạc kịch, đến những đồng hóa về tư tưởng sống mang đầy “mầu sắc TQ”.

Dân Việt, đã thuộc sử Tầu hơn sử Việt, đã dùng hàng tàu nhiều hơn hơn hàng việt, đã coi đi ăn món tầu sành điệu hơn đi ăn món ăn việt.. đã coi lao động tàu, tốt hơn lao động việt. Rồi một ngày, người việt sẽ, nỉ hảo.. nỉ hảo - mình thích học tiếng Trung lắm, mình muốn làm wen với tât cả các ban có cùng sở thích, ai biết nhiều thi dạy người biết ít, ai biết ít thì học người biết nhiều, chúng mình cùng học nhé. ok hông vậy các bạn?

4000 năm bất khuất, tinh thần tự tôn dân tộc của chúng ta nằm ở đâu nhỉ. Chẳng biết nữa..

I Love China 3 by you.

………………

Chẳng biết - những bức thư kiến nghị của những người việt yêu nước.. về vấn đề biển đảo, cũng như khai thác quặng bauxite, có được các các cấp lãnh đạo lắng nghe và thấu hiểu?

Chẳng biết - thời gian tới, dự án khai thác quảng bauxite ở Tây Nguyên sẽ tiếp tục hay dừng lại?

Chẳng biết - câu nói “để đời” của ông Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa là sẽ tiếp tục đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ biển đảo. Hoàng Sa là của Việt Nam", thực hiện đến đâu và thực hiện thế nào?

Chẳng biết - Bộ giáo dục sẽ đưa những chương trình giáo dục về lịch sử, địa lý, văn hoá của Hoàng Sa - Trường Sa vào chương trình học chính quy tại trường của học sinh khối THCS, được học sinh đón nhận ra sao?

Chẳng biết - Việc bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và là việc làm bình thường, được tiến hành từ nhiều năm qua" được người phát ngôn BNG Lê Dũng nói, có “quá nhời” và đến được nơi cần đến không?

Chẳng biết - những lời kêu gọi tẩy chay hàng TQ – người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, đầy thống thiết của những con dân nước việt sẽ nhận được sự đồng thuận?

............................

Chẳng biết - khi nhìn thấy những chiến sỹ Hải quân Việt Nam tại Trường Sa, phải biến mình thành bia đỡ đạn cách đây 21 năm. Có bao nhiêu người dân việt, đau đến quặn lòng?

Chẳng biết… Chẳng biết nữa!

I Love China 1 by you.

................

Không ai có thể tước đoạt được sự ngây thơ, hồn nhiên của các em. Các em cũng như cái cặp nhỏ bé, chẳng có lỗi. Cái cặp nặng sách vở, lỗi thuộc về các bậc phụ huỵnh. Vậy, cái cặp đem theo cả sự đau xót, thì thuộc về ai?

Chiếc cặp nhỏ bé, một lần nữa, lại chứa đựng trong mình một sức nặng.

Tâm sự trên rừng.




Trời vẫn mưa, tấm hình này đứng trong nhà chụp ra ngoài. Mưa mù mịt , mưa thế đã hai ngày hai đêm.

Hôm qua mình nhìn thấy từ sáng đến tối có 7 người đi qua đây. Có 5 người trở về qua chỗ mình ở. Còn hai người chắc ở lại trong rừng bắt ốc núi, rùa núi, rắn...mấy loại động vật bò sát thấy mưa là bò ra.

Chả có việc gì làm khi trời mưa, vào mạng xem tin tức. Thấy các báo điện tử thi nhau đưa tin kỷ niệm trọng thể ngày chiến thắng 30-4, ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam. Đọc xong thấy băn khoăn như có gì chưa yên trong lòng. Bèn lấy dao chẻ nốt cái thành ghế làm củi đun nươc mưa pha trà.

Cái bếp của mình là hai hòn đá, còn xoong đun không phải bằng nhôm hay i nox đâu. Vì nếu có xoong nồi thì ắt có bếp rồi. Nước để trong cái chai lavie bằng nhựa để trên hai hòn gạch, nhồi củi ở dưới mà đun. Đừng lo cái chai nó chảy vì lửa, nó chỉ dúm dó biến dạng đến lúc nước sôi. Quan trọng là chỉnh cái phần đựng nước trong chai đúng ngọn lửa.

Chén trà nóng rẫy, thuốc lá đậm đà. Hít hà nào xem mình lăn tăn cái gì.


Ngày đất nước thống nhất tất nhiên là mừng rồi, nhớ hồi năm 1976 hàng đoàn xe quân sự, xe tăng chạy qua cửa nhà mình, đi lên phía cầu Long Biên. Đoàn xe chạy ban tối, mình đứng xem còn nhặt sỏi ném vào bánh xích xem nó nghiền thế nào. Người lớn nói đoàn xe này chạy lên đường Thanh Niên tập kết, để ngay mai diễu hành qua Lăng Bác báo công giải phóng miền Nam.

Ba năm sau, cũng vào một tối. Ngày ấy thì đường xá vắng lắm. 8 giờ tối đã vắng tanh, một đoàn xe quân sự lại chạy qua, những chiếc xe chở những người lính, chở những thứ quây bạt kín mít đi qua nhà mình lên phía cầu Long Biên. Lần này họ không phải diễu hành qua Lăng mà đi hẳn qua cầu Long Biên lên biên giới phía Bắc. Đoàn xe hôm ấy đi lên mặt trận chống bọn Trung Quốc xâm lược biên giới nước ta.

À đến đây mình biết lăn tăn gì rồi. Mình băn khoăn nghĩ những người lính đã chiến đấu cho tổ quốc ấy, có người được tôn vinh, có người bị lãng quên. Và mình giật mình khi nhận ra những người chiến đấu chống quân xâm lược TQ tàn ác thì không được nhắc tới. Còn những người đánh giết quân Miền nam Việt Nam ( còn gọi là bọn Nguỵ) mới là những chiến công chói lọi phải náo nức ca ngợi, phải tổ chức trọng thể.

Giết bọn xâm lược khác máu tanh lòng khác với giết bọn con Hồng, cháu Lạc nhưng đi ngược đường lối của mình. Đâu cũng là chiến công, nhưng ăn mừng chiến công nào là quyền của người quyết định.

Trịnh Công Sơn có nhiều bài tâm trạng, loại mình cũng nhiều tâm trạng, nhưng mình lại không ưa nhạc của ông ta lắm. Duy có bài mình thích nghe đó là bài Gia Tài Của Mẹ mà ông sáng tác.

Một nghìn năm đô hộ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ một rừng xương khô.
Gia tài của mẹ một núi đầy mồ.

...

Gia tài của mẹ một nước Việt buồn.


Buồn như hôm nay mình ở trên rừng xanh, núi cao. Mưa giăng kín khung trời, tủi vì miếng cơm manh áo tha hương nơi heo hút, nhớ con thơ khi ngủ trằn trọc hỏi mẹ sao chưa thấy bố về.

Buồn cho nước Việt trong ngày lễ trọng đại tràn ngập cờ hoa, nhưng thấp thoáng đâu đó sự ngậm ngùi của những đứa con Việt Nam ngã xuống vì đạn Tàu bị lãng quên, buồn cho cả những người Việt đã ngã xuống vì đạn của nhau do không cùng chí hướng nữa.

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

Mưa




mưa suốt đêm qua đến giờ. Cám ơn thằng nào nghĩ ra mỳ tôm để mình không bị chết đói. Mình hứng nước mưa, lấy dao phang cái cán cuốc ra làm củi. Đun nước nấu mỳ, pha trà. Nước mưa hứng ở mái nhà pha trà ngon hẳn lên.

Hình như mưa có vẻ chưa muốn tạnh, nó cứ đều đều liên tục gần 20 tiếng đồng hồ.

Nếu còn mưa thì mình sẽ phá bớt một cái tay ghế để lấy củi đun, thùng mỳ tôm còn đầy ắp chả lo chết đói. Vặt ngoài hiên cũng được mấy loại rau tạp nham nấu cùng ăn khỏi xót ruột.

Tuần nay không cạo râu, thử để xem râu dài tới đâu.

Thằng Tí Hớn hình như quên bố nó rồi, không thấy bảo mẹ gọi điện hỏi bố.

Hình như Hà Nội sắp loạn đến nơi rồi, cứ ở đây cho an thân. Hết Bô Xít đến Thái Hà, nghe đâu lại còn triệu tập người này, người nọ. Tính mình hay tò mò, về nhà lại láng cháng ra ngó nghiêng khéo lằng nhằng.

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Sách dạy công an đánh người TQ

CẨM NANG CHỈ DẪN ĐÁNH NGƯỜI CỦA CÔNG AN TRUNG QUỐC
[25.04.2009 20:19 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]

(NCTG) Một cuốn sách dùng trong nội bộ ngành công an Trung Quốc đã bị rò rỉ ra ngoài: sách hướng dẫn các “chiến sĩ công an” làm sao có thể xử lý các phần tử gây rối một cách hiệu quả nhất.

Mang tựa đề “Thực hành Quản lý Trị an Đô thị”, sách dạy: “Phải để ý, chớ để lại vết máu trên mặt, chớ gây vết thương trên cơ thể đương sự và tại địa điểm hành động, đừng để ai nhìn thấy”. Được ấn hành cho lực lượng bảo vệ trị an với tính chất “Mật – Không phổ biến”, không rõ tại sao một số phần của sách bị phát tán trên mạng Internet, khiến chính quyền Trung Quốc đang phải mở cuộc điều tra, theo tờ “Telegraph”.

Khi hỏi cung những kẻ khả nghi, phải làm sao để chúng không có một giây ngừng nghỉ”, sách hướng dẫn. Cuốn cẩm nang này cũng khích lệ công an Trung Quốc, khi hành động, đừng bao giờ phải nghĩ đến chuyện những vết thương hoặc hậu quả gây ra có thể lớn thế nào, điều căn bản là phải “biểu thị sự cứng rắn của Nhà nước”.

Theo một người “trong cuộc”, trước nay, những “hướng dẫn thực hành” (ví dụ, đánh người làm sao cho… hợp lý) vẫn được truyền khẩu trong giới công an, nhưng nay thì gần như ai cũng có thể đọc được trong sách.

Sách được xuất bản làm tài liệu tham khảo cho chương trình huấn luyện của các thành viên Phòng Bảo vệ trị an (Zhenkuan, được mở tại các thành phố ở Trung Quốc). Công an các Zhenkuan có nhiệm vụ “thanh toán” tất cả những ai bị giả thiết là gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng, hoặc có hành vi bất hợp pháp.

Áp dụng những phương pháp dã man, nhiều khi gây tử vong, những công an Zhenkuan được coi là những kẻ khát máu. Cuối tháng 3-2009, một cuộc biểu tình đã diễn ra khi một học sinh bị thương nặng do công an hành hung. Ba năm trước, một người đàn ông 39 tuổi bị đánh trọng thương, rồi thiệt mạng, tại Thượng Hải. Theo Hãng Thông tấn Tân Hoa Xã, công an Trung Quốc không mấy khi bị truy cứu trách nhiệm vì những hành vi bạo lực “quá lố” của họ.

Dân bán hàng rong trên đường phố Thượng Hải cho biết, họ được nghe nhiều vụ, khi công an Zhenkuan đánh đập dã man những người vô tội. Theo khẳng định của những người kể, giới công an Zhenkuan có về bề ngoài dữ dằn không khác gì bọn lưu manh và trong nội thành, thông thường họ tàn ác hơn nhiều so với khi “thực thi công vụ” ở vùng ngoại ô.

Không phải lúc nào công an cũng đánh đập dân bán hàng, nhưng họ luôn dọa dẫm và thường hay đạp, phá hàng hóa của người bán rong. Một người bán hàng cho biết, cũng không cần sợ giới công an này lắm, vì thực ra dễ dàng đút lót họ. Tuy nhiên, đa số giới bán hàng rong, không còn đường nào khác là phải mưu sinh trên hè phố, thường phẫn uất và có đụng độ lớn với công an mỗi khi hàng hóa của họ bị dẫm đạp…

Trần Lê, theo [index]

Lấy từ www.nhipcauthegioi.hu

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2009

Đại Vệ chí dị

Nước Vệ trải qua nhiều năm khốn khó, đến năm ấy thì Mạnh Vương lên ngôi báu. Thiên hạ hí hửng mừng rỡ, ngoài đường, ngoài chợ xầm xì bán tán đầy vẻ phấn khởi. Nào là Mạnh vốn dòng của tiên đế, mặt mũi khôi ngô, sáng sủa, tính tình thuần hậu ưa sự thật. Thế này là dân Vệ hưng rồi, con cháu rồng đã trở lại nắm vương quyền. Bọn sâu mọt sẽ không còn đất sống...

Sau khi ngôi tể tướng vào tay Dũng, dân Vệ lại đồn, tể tướng là loại tài ba, học rộng, chí khí tiến thủ khác người, trình độ ưu việt. Ngài quản lý triều đình đâu sẽ ra đó, trọng dụng người hiền tài, xử trí anh minh lỗi lạc. Vận nước Vệ hưng thật rồi.

Ấy là đầu năm đại hội triều đình lần thứ XXX.

Dũng nắm ngôi tể tướng, có lần vi hành trong dân. Nghe thấy có kẻ mù lòa ở chợ nói rằng.

- Cái nước Vệ này càng ngày càng thiên về cường bạo ?

Người buôn bán đi qua, có đứa hiếu sự dừng lại hỏi nguyên do, kẻ mù nói.

- Vua thì Mạnh,quan thì Dũng thế có phải là toàn cường bạo đó sao ?

Dũng về triều tức tốc tìm kẻ có tên là Nhân để cho làm phó của mình. Hòng bịt miệng lời đồn đại về triều đình trong dân. Ba tháng sau Dũng vi hành ra chợ, lại nghe kẻ mù ấy nói.

- Phàm mọi mối quan hệ trong đời đều cần lấy chữ Tín. Làm quan càng cần phải giữ chữ Tín thì dân mới tin. Dân tin thì mọi việc mới suôn sẻ trôi chảy. Nước Vệ cường bạo có thừa, cái chữ Nhân kia cũng năm bày đường Nhân. Cái Nhân của kẻ đại trượng phu khác với cái Nhân của đám quần thoa. Nước Vệ mà không có chữ Tín thì khó mà thu phục được nhân tâm.

Dũng về bàn với Mạnh, xin tìm người Tín để làm quan đầu triều. Tìm mỏi mắt trong đám quan lại không có đứa nào đáng tên là Tín cả. Mấy năm sau chán nản thôi không tìm nữa.


Lại nói về dân Vệ, sau mấy năm sống dưới sự cai trị của vua quan mới. Con rồng chả thấy tinh tướng đâu, lòi đuôi ra giống tắc kè hoa. Càng trị vì lâu càng mưu mô xảo quyệt, biến hóa khôn lường. Sâu mọt được thể càng ngày càng sinh sôi, phát triển lúc nhúc. Tài ba học rộng cũng chả tăm hơi, lúc cần bán lúa thì cấm, lúc cần cấm thì lại cho bán, lạm phát leo thang, vật giá đắt đỏ, nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng. Dân tình lừa lọc nhau kiếm nắm gạo cho qua bữa, quan lại thì gia sức vơ vét thuế má, tài nguyên. Xã hội đảo điên, đạo đức xuống cấp. Đứa nào ma lanh thì sống, thật thà thì khốn đốn cả lũ.

Tề Bá Vương ở phía Bắc thấy nội tình nước Vệ rối ren, mới sai sứ sang Vệ đưa thư nói với Mạnh vương rằng.

- Nước các ngươi vốn là chư hầu của ta từ lâu, cảm cái tình ấy mà ta nói cho Vệ ngươi rõ. Lòng người Vệ oán thán triều đình lên đến tận mây xanh, không khéo trừ bỏ mối nguy ấy thì có ngày vua quan các ngươi chả còn dinh cơ nguy nga, bạc vàng, châu báu mà hưởng nữa đâu. Cái họa diệt vong ngay trước mắt đó.

Mạnh Vương nhận thư lấy làm lo sợ lắm. Bèn thân chinh sang Tề cầu kiến sự giúp đỡ. Tề Bá Vương cùng Mạnh Vương cắt máu ăn thề. Ký kết hiệp ước liên minh can thiệp nội bộ lẫn nhau khi có biến. Đổi lại Tề Bá Vương nói ý mình.

- Nước Tề ta có con ngựa gỗ, muốn ăn cỏ cao nguyên nước Vệ, liệu nhà ngươi có giúp được chăng ?

Mạnh Vương vái lịa lịa ríu rít rằng.

- Đại Vương nói một con, chứ mười con tôi cũng xin hầu đại vương.

Hàng nghìn thanh niên nước Tề kéo ngựa gỗ sang cao nguyên nước Vệ . Lão đại thần nước vệ cùng các sĩ phu thấy nguy cơ tiềm ẩn bèn dâng biểu can ngăn. Mạnh vương và Dũng phán rằng.

- Có mấy ngàn dân phu và con ngựa gỗ, làm gì mà các ngươi phải lo cuống lên như vậy, các ngươi an phận mà sống, đây là chủ trương lớn của triều đình. Cỏ để không cũng vậy, cho ngựa gỗ nước Tề ăn. Họ giả tiền có thêm ngân sách cho cao nguyên , thế không tốt sao. Cấm bàn.


Kẻ mù ở chợ đi xin ăn, lải nhải rằng.

- Nước Tề đồng ruộng bát ngát phì nhiêu, thảo nguyên mênh mông. Thế mà nhọc công kéo ngựa sang tận cao nguyên nước Vệ ăn cỏ . Há chả phải chuyện bất thường sao ? Tỉ như trong bụng ngựa chứa đồ binh khí, nếu có biến thì không thể hình dung mà nói hết.


Lời ấy đến tai triều đình, lập tức Mạnh sai Dũng sang Tề triều kiến. Khi đi dặn dò.

- Chuyến này ngươi đi, cốt phải thật khéo để làm sao dân Vệ ta thấy rằng nước Tề đối đãi nước Vệ như anh em ruột một nhà. Cho dân Vệ khỏi dị nghị , dèm pha.

Dũng sang chầu được Tề Bá Vương cho quan lại địa phương đón tiếp long trọng lắm. Về đến Vệ huênh hoang nói rằng.

- Đấy các người đúng là bọn hủ nho, nước Tề đãi Vệ ta như anh đối với em. Làm sao mà có chuyện thế này, thế nọ được.

Dân Vệ biết rằng nước Tề là nước mà từ trước đến này, chuyện anh em giết nhau tranh giành ngội vị, quyền lợi là nhiều nhất thiên hạ. Nhưng chả sử gia nào dám nói sợ đi ngược chủ trương lớn của triều đình. Quanh quẩn lại bàn đến kỳ đại hội triều đình tới, sẽ có vị này thẳng thắn , cương nghị vì dân vì nước, tay kia kiến thức uyên thâm... lên nắm ngôi. Nước Vệ lại sắp hưng rồi.









Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2009

con có hay không cha về...




Tí Hớn tối nào cũng hỏi mẹ sao bố mãi vẫn chưa về. Nhớ con quá, bố không dám gọi điện về. Vì gọi về nghe tiếng con bố lại nhớ con và con cũng lại nhớ bố

Bố nhớ con quá, con trai ạ. Chắc là tối mai bố về, rồi sáng ngày kia bố lại đi thôi. Giá gì bố mang con theo được nhỉ, hai bố con mình hàng ngày vào rừng núi, hang động chơi.Hôm nay bố xoay sở dùng được net cắm qua điện thoại rồi, dòng được điện ở nhà dân trong xóm ra. Gọi là xóm nhưng chỉ có 4 nhà. Họ sống bằng nghề nuôi bò, trông ngô và lấy các thứ trong rừng.

Đêm nay nghe bài Ngày Về của Phạm Duy, chả lẽ bố dắt xe nổ máy đi về với con. Nhưng bố về thì cũng gần sáng mất.Thôi con cố đợi bố vài hôm nữa nhé.

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009

Lên Đường.

Lâu lắm rồi mới chuẩn bị chuyến đi mà mang cả quần áo, chăn màn, bát đũa, ấm chén, sách vở....

Chỗ đấy không có bình nước nóng,, máy giặt.... vì đến nước giếng khoan còn chả có. Mai mình đến, việc đầu tiên là đào giếng và kéo điện về ,xây cái nhà cấp 4 trú thân. Trước mắt thì dặt dẹo xem cái nông trường trồng rừng cách đó mấy cây, còn chị em nào nhà rộng đến tá túc vài bữa.

Tất nhiên sẽ không có Nét, nếu chịu khó đi 16klm xuống huyện thì có Nét của VNPT chậm như một con rùa đá. Hình như còn có chỗ không có sóng điện thoại nữa.

Đằng nào thì blog yahoo cũng sắp teo, mà bên Muty ông nào đăng ký mất cha cái tên Nguoibuongio rồi. Thôi thì nhường ông cả nhé.

Có thằng con nhỏ, đi hơi áy náy. Nhưng giờ miếng cơm, mánh áo cũng là lo cho nó sau này mà khăn gói ra đi. Ngày mình bằng nó, ông già còn đi mấy năm cơ. Cho nó '' cai bố'' đi là vừa, bám bố như đỉa ấy thì bố làm ăn được gì. Rèn luyện ý chí cho mày từ nhỏ luôn con ạ, con trai không được ủy mị.

Ở sát chỗ mình ở có khu rừng còn hoang sơ, chung quanh là núi cao dựng đứng. Độc lối khả dĩ đi vào, nhưng bị chặn bởi một nhà dân. Nguyên nhân là khu rừng ấy thuộc ông cán bộ cỡ tỉnh sở hữu 30 năm nay. Ông cho nhà dân kia canh tác khu đất bên ngoài và trông luôn không cho ai vào rừng của ông. Nghe đâu vẫn còn gà rừng, chồn, trăn...linh tinh gì đó. Còn cây cổ thụ thì mình trèo thử nhìn tận mắt thấy rậm rạp , chim chóc bạt ngàn. Mình vào kiếm chác gì thì khó, chứ vào chơi tham quan chắc lâu ngày cũng thỏa thuận được .

À mình phải nấu cơm lấy, đi chợ 6 cây số mà nó họp tí buổi sáng. Chắc phải dự trữ thịt hộp, mỳ tôm. Khoản pha chè thì đơn giản. Nói chung mình có nhiều năm sống ở nơi thiếu thốn, học được nhiều cách để xoay sở nên chả lo chuyện sinh hoạt.

Mai này về có khối chuyện núi rừng kể cho các bạn, giờ ngủ mai đi sớm.

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

Đi trồng rừng đây.




Sáng nay tới Viện Hán Nôm nơi đồng chí Nguyễn Xuân Diện công tác, nghe ông Dương Danh Dy nói chuyện về quan hệ Trung Quốc. Về Hiệp Định Biên Giới, Hoàng Sa- Trường Sa và về cả Bô Xít Tây Nguyên.

về HĐBG không có gì mới. Mất đất do những nguyên nhân khách quan từ hồi xưa để lại ví dụ như làm đường bộ, đường sắt, di dân....thiệt hại tất nhiên nhiều hơn báo chí nói, nhưng công lao của hai anh Lê Công Phụng và Vũ Dũng cũng không phải là vớ vẩn. Hai anh đã rất cố gắng hạn chế thiệt hại cho nước nhà.

Về Hoàng Sa- Trường Sa thì năm 1954, bọn bàn trước Tầu đã xơi ngay từ tay Pháp một số đảo Hoàng Sa. Đến thời VNCH sắp tan nó xơi nốt. Giờ nó dùng tàu Ngư Chính mà báo ta nói là phục vụ đánh cá ấy. Là loại tàu to có súng , ống đầy đủ thừa sức giải quyết hải quân Việt Nam. Mấy năm tới bọn Tầu sẽ làm thêm vài con Ngư Chính nữa rải khắp cái lưỡi bò tuần tiễu, thằng ngư dân Việt nào đi đánh cá xa bờ sẽ bị ''tàu lạ' này bắn tan xác.

Vụ Bô Xít thì Tầu mỗi năm nhập mười mấy triệu tấn, cái Đaknong có 600 nghìn tấn chả bõ bèn gì để nó đầu tư. Nhưng nó quyết làm kể cả tốn kém thì ai cũng hiểu. Trừ đồng chí Nông nhà ta hồi mới lên chức TBT, sang thăm Tầu hứng chí thế nào nhận lời làm cái vụ đó. Đáng ra Bô Xít làm lâu rồi, nhưng bị các cụ ngăn cản ác, giờ các cụ nghỉ hưu lâu , quyền thế cũng kém. Tầu nó thúc làm nốt. Mấy cụ kia giờ nói cũng chả ai nghe. Đồng chí Nông trước khi hết nhiềm kỳ tranh thủ làm cho xong để giứ lời với Tầu. Không mai kia anh khác lên kế nhiệm anh ấy lại gác đấy thì muối mặt.


Nói thế này thôi, nói quá lần sau có hội thảo gì bọn nó không cho mình vào. Nhưng có vấn đề thế này bà con cần lưu tâm.

- Hầu hết thiệt thòi ngay hôm nay đều đổ cho người tiền nhiệm. Việt Nam không có tiền lệ xử lý những nhà tiền nhiệm đã ký cọt, quyết sách sai lầm. Thấy về hưu rồi là thôi. Kiểu ra vẻ cao thượng là không nên đánh người đã xuống ngựa, còn lại khó khăn ta giải quyết. Thế mới là xây dựng, thế mới là cao cả, thế mới là giữ vững an ninh nội bộ, giữ tinh thần đoàn kết.....

Cho nên rút bài học từ những mất mát vừa qua, bà con nhân dân nên kiến nghị thế nào. Sao cho vài ông về hưu rồi phải ra công luận mà xét tội. Có thế các ông sau này kế nhiệm mới run mà không làm ẩu. Chứ cứ để các ông ấy làm ẩu rồi về hưu an nhàn trong biệt thự sang trọng hưởng thụ xa hoa là không được. Để yên thế khác nào khuyến khích các vị đương nhiệm hay kế nhiệm cứ an tâm làm sai, chả bị sao đâu mà sợ.


Lúc trưa ngồi với Diện mình bảo đùa.

- Tôi nói với anh thế này, anh mà có tư liêu gì chứng minh HS-TS của Việt Nam thì anh bán mẹ cho Tầu làm một mớ. Chứ đà này bọn nó bán đất xong tiếp đến là bán văn hóa, tinh thần, lịch sử. Mà anh còn có nghề chuyên môn bán nó còn được giá. Tôi thấy các học giả cất công tìm tòi, ngiên cứu như ông Dy ban nãy nói, ông ý chả có ai thù lao. Có khi tìm cái gì chứng minh chủ quyền HS-TS của mình hay của nó thì càng tốt, bán cho Tầu lại được mớ to. Tầu nó cần thì nó trả cao, chứ nước mình có ai cần đâu mà thù lao, bồi dưỡng các anh.

Diện nghe thấy mình nói đểu ức quá chửi.

- đm bọn khốn nạn.

Chả biết chửi mình bày ý khốn nạn hay chửi bọn Tầu khốn nạn hay chửi bọn nào nữa không biết.

Mà từ mai mình đi lên Sơn La trồng rừng theo dự án phủ xanh đồi trọc, vừa viết tiểu thuyết vừa trồng cây gây rừng. Mai này Trung Quốc nó còn có gỗ mà khai thác, không nó chiếm Việt Nam xong nó chửi mình không có gì cho xơi. Chuộc cái tội bấy lâu nay mình chửi nó một cách vô ích. Ông Diện có bảo mình khốn nạn thì mặc ông ấy. Loại ông ấy chả thời thế gì cả, đến TBT hay BCT với Tầu thế nào mình phải biết chứ. Mình là nhân dân thì phải theo đường lối của Đảng và chính phủ. Họ bảo sao mình nghe vậy, đéo ai khiến các ông yêu nước kiểu tự do bừa bãi. Yêu nước kiểu quá trớn là bọn thế lực thù địch nó lợi dụng thành hại nước mình .

Mà đéo hiểu bọn nào là '' thế lực thù địch'' của Việt Nam bây giờ. Cụm từ này phải hiểu là thằng nào làm phương hại đến đất nước chính là bọn đó. Nhưng thôi tỉnh thoảng cũng phải khác giọng xem có giống lính của ông Tô Huy Rứa hay không ?



Entry for April 15, 2009

Đời buồn thế, dạo này nghèo ốm đau liên miên. Không làm gì ra tiền ở nhà mãi. Sáng nay đến chỗ Mai Kỳ có hẹn. Đi vào đoạn đường mới cấm, thế là bị áo vàng chặn đường.

Áo vàng giơ tay chào, đề nghị xem giấy tờ Nói rõ lỗi mình vi phạm và hình thức xử lý là giam xe lại. Mình nhất trí, không xin xỏ gì cả, mặt tỉnh bơ như giữ xe là chuyện bình thường quá nhỏ. Áo vàng dẫn sang bên đường, thấy có hai áo vàng khác đang ghi biên bản mọi người. Mấy người bị quát vì gì gì đó, còn mình thản nhiên châm thuốc nhìn . Đến lượt mình ghi biên bản, áo vàng lớn tuổi hỏi mình là sẽ bị phạt 450k hoặc giữ xe. Mình nói tuỳ anh, giải quyết thế nào cho tiện thì làm. Áo vàng bảo phạt đúng thì 450k. Mình rút tờ 500 bảo trả lại 50k, áo vàng bảo phạt 300 k vì chiếu cố, mình cũng gật. Áo vàng đăn đo rồi phạt 150k. Mình nhét xấp biên lại vào cặp, áo vàng nhìn thấy đồ đạc lỉnh kỉnh hỏi làm nghề gì. Mình nói là đánh máy thuê. Áo vàng nói vẻ trách móc- sao không nói để anh em không viết biên lại. Mình lại phải an ủi anh ta – thôi anh xử lý thế là vừa đẹp., đủ tình , đủ lý. Tôi cũng sai chứ có không đâu- Mình bị phạt vui vẻ đi, còn mấy anh áo vàng lại nhìn theo vẻ ái ngại thương hại mình.

Nói chung kinh nghiệm mình là chớ sai luật, còn sai luật thì chấp hành xử lý. Không năn nỉ gì hết, càng đàng hoàng vui vẻ các anh ấy càng ngại. Bình tĩnh, tự tin như không có gì cả. Tự khắc các anh ấy sẽ dàn xếp cho êm.

Nhưng mà hôm nay mà thu xe, hay phạt đủ 450k. Là mình chấp hành xong rồi sẽ lôi máy ghi âm, máy ảnh, máy quay phim trực ở đó cùng các anh. Để làm bài ca ngợi các anh áo vàng gương mẫu làm việc công tâm ngay đấy. Có khi trực cùng các anh mấy ngày luôn

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Vài nét về Phật Giáo Việt Nam ngày nay


Phật Giáo Việt Nam có một thời kỳ cực thịnh khi nhà Lý lên ngôi, vốn là con của một nhà sư với một phụ nữ quét chùa. Được sự trợ giúp của bố là Vạn Hạnh và chú mình, Lý Công Uẩn lên ngôi vua luôn nhớ tới nguồn gốc, cho nên thời Lý Phật Giáo rất thịnh hành. Sau này vương phi Ỷ Lan người có dã tâm tàn bào khi xuống tay ghen tuông hạ tàn độc nhiều vương phi khác , Ỷ Lan xây rất nhiều chùa, nhất là ở quanh vùng quê hương bà.

Đời Trần khi mà Trần Nhân Tông nhường ngôi sáng lập gia Thiền Phái Trúc Lâm, đạo Phật lại lần nữa được lên ngôi gần như là quốc đạo.

Rồi sau bao năm chính chiến , liên miên. Phân chia Nam Bắc, đạo Phật trải qua một thời kỳ khó khăn cùng với dân tộc. Ở miền Bắc những năm cải cách CNXH chùa chiền bị liệt vào loại tàn dư phong kiến bị dỡ bỏ, tàn phá , hoang phế rất nhiều. Tuy Phật Giáo miền Bắc bị ghẻ lạnh như vậy, nhưng người ta vẫn ca ngợi Phật Giáo Miền Nam đứng lên chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm,hình ảnh nhà sư Thích Quảng Đức là công cụ mà miền Bắc sử dụng rất nhiều để lên án chính quyền Ngô Đình Diệm. Lúc này thì họ không nói những câu '' Tôn giáo không nên dính đến chính trị"' như ngày nay họ nói Thích Không Tánh, Thích Quảng Độ.

Năm 1981 Giáo hội Phật Giáo hai miền họp lại để bàn thống nhất thành một giáo hội, phần lớn Phật Giáo miền Nam không chấp nhận những chủ trương mà đại hội đề ra, họ đi con đường của họ tức Giáo Hội Phạt Giáo Việt Nam Thống Nhất. Còn Phật Giáo miền Bắc khôn khéo hơn, đã biết dựa vào chính quyền, lôi kéo thêm một số ít Phật Giáo Miền Nam lập thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Từ đó GHPGVN được sự công nhận của Đảng và NN tự cho mình là Giáo Hội Phật Giáo duy nhất, hợp pháp và được lòng các phật tử nhất. GHPGTNVN do Thích Huyền Quang náu thân trong những cơ sở nhỏ hẹp của mình phía Nam, là cái gai trong mắt chính quyền.

Nhìn chung sự hưng thịnh của Phật Giáo thường liên quan đến quyền lực chính trị

Khi CNXH ở Đông Âu bị sụp đổ, Việt Nam tránh được điều đó vì hình ảnh vị lãnh tụ Hồ Chí Minh đã được tuyên truyền khắc sâu trong lòng nhân dân. Bởi những gì gọi là thành quả cách mạng đều gắn liền với hình ảnh Hồ Chí Minh. Nhiều nhân vật cao cấp hồi đó muốn thay đổi chính thể đều e dè khi động đến những gì liên quan đến vị lãnh tụ kính yêu này.

Ngay lập tức những người muốn giữ chế độ Việt Nam XHCN bắt tay quan hệ với Trung Quốc, hấp thu và học hỏi nhiều chính sách lãnh đạo, quản lý đất nước. Một trong những điều mà xứ sở Trung Hoa từ ngàn xưa hay làm là thần thánh hóa lãnh tụ.

Tư tưởng này nhanh chóng được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam áp dụng, bởi thế Phật Giáo Việt Nam ngày này mới cực kỳ hưng thịnh. Đến cựu TBT Lê Khả Phiêu cũng có ban thờ Phật tại nhà. Trong mấy năm gần đây ở miền Nam và miền Bắc xây dựng hai ngôi chùa tốn hàng chục nghìn tỉ đồng, khi mà nạn thất nghiệp, lạm phát, khủng hoảng kinh tế khiến đời sống nhân dân lao động cực khó khăn. Bất chấp tất cả điều đó, chùa chiền vẫn được xây dựng hoành tráng, tốn kém. Một điều mới là từ ngôi chùa lớn lâu năm như chùa Hương đến một ngôi chùa nhỏ ngoài tượng Phật giờ có thêm lãnh tụ Hồ Chí Minh trên ban thờ.

Có lẽ Phật Giáo Việt Nam nên có một nghiên cứu bài bản, chứng mính lý luận lãnh tụ HCM có đủ phẩm chất từ bi, hỉ xả, cứu nhân độ thế để cho ngài một pháp danh. Để hợp thức hóa ngài là một trong muôn vàn vị Phật, gọi nôm na là phong Phật cho lãnh tụ Hồ Chí Minh. Như thế người dân đi lễ chùa không phải thắc mắc tại sao ngài lại sánh vai cùng với đức Phật Tổ Như Lai.

Nhưng đức Phật Tổ Như Lai sáng lập ra đạo Phật, thì lãnh tụ HCM cũng sáng lập ra nước Việt Nam, công trạng đâu có kém gì. Nhất là giờ Phật Giáo còn nương náu trên Việt Nam phải mang ơn HCM đã dày công tạo chỗ cho Phật Giáo ngày nay có chùa mà thờ. Không thì đi Tây Trúc mà ngự. Để dàn xếp dung hòa, uyển chuyển hợp với thời cuộc. Cách hay nhất là đôi ta cùng ngự trên cao. Như tinh thần khiêm tốn nhưng vãn thể hiện cá tình hào hùng của chủ tịch HCM năm 1950 trước tượng thờ Trần Hưng Đạo

Bác anh hùng tôi cũng anh hùng,

Tôi, bác cùng chung nghiệp kiếm cung.

Bác thắng quân Nguyên thanh kiếm bạc,

Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng.

Bác đưa một nước qua nô lệ

Tôi dắt năm châu đến đại đồng.

Bác có linh thiêng cười một tiếng

Rằng tôi cách mạng đã thành công

Nay xin làm lại để treo trên ban thờ Phật Tổ và lãnh tụ kính yêu câu sau

Bác được thờ, tôi cũng được thờ

Tôi , bác cùng chung một cái ban

Bác thu phật tử bằng kinh kệ

Tôi hút tín đồ bởi luận cương


...............................................


Dưới đây là vài hình ảnh của một ngôi chùa tại Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình




Photobucket

Màu sắc sặc sỡ bên ngoài không giống vẻ cổ kính như các ngôi chùa khác







Photobucket


Sân trước của chùa lợp mái tôn tránh mưa nắng, băng rôn, khẩu hiệu khiến người đến chùa tưởng đang lạc vào chỗ mít tinh kỷ niệm trọng thể ngày gì.



Photobucket


Ngôi chùa cũ bị bỏ hoang, nhà sư trụ trì mới về đã bỏ ngôi chùa cũ cổ kính để xây chùa mới theo kiến trúc đời @ hay đời gì nữa mình ông ý biết.



Photobucket


Đồng chí Thích Thanh Lan tại văn phòng chùa Canh Tân. Tuy tuổi đời không cao, sinh năm 1968. Nhưng đồng chí đã thấm nhuần tư tưởng cách mạng, dưới đây là những dòng trong báo cáo gửi mặt trận tổ quốc huyện nhà. Bản báo cáo này khẳng định nhất quán tư tưởng của đồng chí với các đường lối của Đảng và nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành mọi chủ trương. Trong bản báo cáo này đồng chí Thích Thanh Lan nhận định rõ rằng '' không thể mải mê tu tập thiền mà xao lãng các nhiệm vụ chính trị, xã hội......''


Photobucket Photobucket Photobucket



Người viết bài này không hề có ý xúc phạm đến Phật Giáo cũng như Lãnh Tụ tối cao. Chỉ muốn qua đây vài dòng cho những kẻ thường rêu rao cái câu '' tôn giáo không nên dính vào chính trị'' thấy cần phải chỉnh lại rằng '' tôn giáo chỉ nên dây dưa vào chính trị khi hợp tác với Đảng và Nhà Nước"'. Như thế chính xác và đầy đủ hơn.

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2009

Hội thảo bô xít Tây Nguyên

Ngày mai tại khách sạn Melia tại trung tâm Hà Nội, một cuộc hội thảo tầm cỡ quốc giá sẽ đánh giá tình hình về Bô xít Tây Nguyên.

Nhiều người lạc quan tin tưởng rằng đây là một tín hiệu tốt đẹp , rằng nhà nước đã có những cái nhìn lại khi nhận nhiều phản hồi từ nhân dân cũng như nhiều nhà khoa học.

Thực chất hội thảo này theo như đoán mò của Người Buôn Gió là một cuộc thống nhất ý chí. Sau hội thảo này các báo chí sẽ ngừng phản biện. Tức là có hội những sẽ không có thảo. Mọi thứ đã chuẩn bị chu đáo, hội thảo sẽ nhất trí % đồng ý với chính phủ về triển khai dự án bô xít trên Tây Nguyên.

Lại một trò vớ vẩn, thế nào cũng đưa tin ở hội thảo này đã có nhiều ý kiến đóng góp quý báu về môi trường, an sinh...trong khi triển khai dự án. Nhìn chung mọi người đều nhất trí với chủ trương này sau khi tranh luận sôi nổi công khai.

Hội thảo là dấu chấm hết cho hy vọng cho những ai tin tưởng rằng chính phủ còn đang do dự trước ý kiến của họ. Bô Xít Tây Nguyện chính thức triển khai. Lịch sử sau này ghi rõ nó được triển khai bởi sự nhất trí cao trong cả nước thông qua hội thảo này.

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2009

Chùa hay đảng ủy ?




Trong một ngôi chùa tại miền Bắc, nhìn ảnh không ai biết là chùa hay là cơ quan đảng ủy. Tượng Phật bằng đồng khiêm tốn, tượng Bác Hồ nổi bật bởi màu trắng toát. Còn một số tư liệu, ảnh nữa. Đợi lúc nào rảnh làm một en try tử tế về ngôi chùa và vị trụ trì ở đây. Giờ bận quá, có khi bận đến mấy tháng vì nhà hết gạo phải đi cày.

Entry for April 06, 2009




hai bố con đi lên rừng chơi. Tí Hớn khoái rừng núi lắm.Cười sung sướng vì được đi.

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2009

Hương Lá Xông 7




Phần Kết.



Người đàn ông khuôn mặt nhầu nhĩ khắc khổ đứng giữa con đường đất ,ngơ ngác nhìn như tìm kiếm vật gì. Anh ngỡ ngàng khi thấy những căn nhà mới mọc lên. Thằng bé con hơn ba tuổi đứng bên cạnh nắm tay anh,ngước mặt nhìn bố hỏi.

- Bố tìm gì hả bố.?

Anh cúi xuống hôn má con, thằng bé trắng trẻo, khuôn mặt sáng ngời, tươi tắn trái ngược với sắc mặt bố.

- Bố tìm mấy cái cây bố trồng ngày trước con ạ.

- Bố trồng ở đâu hả bố ?

Anh đặt cái túi xuống đất, bế con lên chỉ.

- Ở đằng sau mấy ngồi nhà này, chắc là vậy con ạ. Bố đang tìm.

- Sao bố lại trồng ở đây ?

- Vì trước bố từng ở đây con trai ạ.

- Có phải cây này không bố ?

Cậu bé chỉ vào đám cây cúc dại thấp lè tè ven đường, cậu ưỡn mình tụt xuống người bố chăm chú ngắm những bông hoa cúc dại nhỏ xíu. Bàn tay xinh xinh của cậu vươn ra ngắt một bông hoa đưa bố.

- Con lấy cho bố đấy.

- Bố xin con. Không phải cây này bố trồng đâu con ạ.

Người bố cầm bông hoa cúc dại nhỏ xíu đưa lên mũi ngửi, mùi hăng hắc thoang thoảng. Anh thấy có lối đi giữa hai cái nhà. Anh nhấc túi và tay kia xốc nách thằng bé đang nghịch bụi cây lên hông nói.

- Đi thôi con.Có lối đây rồi.

Hết lối đi thấy một cánh đồng lúa, thấp thoáng mấy bóng người mặc áo kẻ sọc đang lúi húi giữa cánh đồng. Anh nhíu mày tự hỏi – sao ít thế ?. Một gương mặt lỳ lợm dưới cái mũ lá hất hàm hỏi anh.

- Thăm thằng nào đấy, vào nhà kia xin phép cán bộ đi.

Anh nhìn bụi chuối bên cạnh, gương mặt ở trong bụi chuối chui ra khuất quá anh không để ý. Các đời đội trưởng trước anh thường núp trong bụi chuối này tránh nắng. Chỉ có anh là không như họ, anh đứng trên sườn đồi để nhìn mọi thứ thích hơn, bất chấp cái nắng gắt, phơi thân như các bạn tù của mình.đang làm ruộng.

Đám áo sọc dưới ruộng nhìn anh hy vọng, chắc họ cố nhìn xem có phải người nhà mình không. Anh chạnh lòng khi thấy cái nhìn của họ. Những cái nhìn như muốn bấu víu, thèm khát. Anh bế con đi đến ngồi nhà mà khuôn mặt kia chỉ. Khuôn mặt vẫn đi đằng sau, anh biết

đôi mắt trên khuôn mặt đó đang dò xét, đánh giá anh xem có khá giả không, đến thăm ai. Con “ lạc đà’’ này béo hay gầy.

- Đứng đây đợi báo cán bộ, thăm thằng nào để báo.

Gương mặt nói giọng cục cằn vẻ uy quyền.

Anh đặt con xuống, nói nhẹ nhàng.

- Bảo có Cu Tỉn thăm thầy.

Thằng bé giơ tay che mắt vì nắng, ở nhà đi học mẫu giáo về gặp ai nó cũng chào. Giờ anh mới nhận thấy nó không chào gương mặt kia. Bé hỏi

- Cu Tỉn là ai hả bố.?

Anh không trả lời con trai.

Gương mặt trâng tráo kia trở nên bối rối, khuất sau cánh cửa phòng. Vài giây quản giáo mở tung cửa, nét măt hân hoan khi nhìn thấy bố con anh.

- Ồ , hai bố con vào đây, vào đây.

Anh đặt con xuống thềm, thằng bé thấy nụ cười của quản. Nó khoanh tay.

- Cháu chào ông ạ.

Quản giáo bế xốc nó lên khen.

- Ôi ngoan quá, xinh quá. Chả giống bố mày, chào bác thôi. Mệt không con, vào đây với bác nào.

Quản giáo nhìn gương mặt dưới cái nón lá đang đứng đa thúc dục.

- Mày chạy ra ngoài quán lấy mấy chai bia, lấy cả nước ngọt cho thằng bé.

Hai bố con ngồi trên giường quản giáo, ông lấy cái khăn mặt của ông lau cho thằng bé vừa nói.

- Cha mày, bác muốn con trai mà không được đây này, kháu thế con ơi.

Anh hỏi ông.

- Con Hương nhà thầy đã có cháu chưa ?

Quản lắc đầu.

- Chúng nó chưa, chúng nó đang chạy về trại dưới đấy. Trên này giờ chán lắm.

Anh hỏi.

- Sao đội ít người thế thầy ?

- Đấy mày xem, giờ nhận nhiều lấy tiền đâu ra đóng cho trại. Thỉnh thoảng có thằng nào ngon phải mua lại của bên nhân lực. Đm có thằng nào tù đầu, nhà phố Hàng..là xâu xé nhau. Mà bọn Tù con so giờ nhà chúng nó chạy luôn đi dưới đấy. Không nhiều như hồi mày đâu. Tao nhì nhằng đợi về hưu cho xong. Giờ mới thấy chán cái nghề cai tù. Bảo sao ngày xưa các cụ nói câu ‘’cai tù’’ ý nào mày biết đấy.

Gương mặt dưới nón lá mang nước về, nhìn anh săm soi như xem kẻ cùng giới mình có ‘’chất chác’’ gì không. Đôi mắt dò xét chỉ thấy một đôi mắt hiền dịu đang âu yếm nhìn cậu bé con loay hoay mở hộp nước Bò Húc.

Mảnh đất trồng mầu giờ đã phân cho cán bộ làm nhà, anh không tìm thấy cái vườn lá xông nhỏ xíu của mình cho con xem. Anh xin phép quản giáo cho anh và con đi dạo, cõng con trên lưng anh đi thẳng lên đồi A1. Ngọn đồi cằn cỗi hơn cả mười mấy năm trước. Cây xấu hổ lúp xúp cằn cỗi, sỏi đá kin kít dưới bước dày leo dốc. Mỗi bước đi anh lại nhớ đến từng khuôn mặt. Tùng Ngọc ho lao ra máu, Thịnh Trố Lý Thường Kiệt thối gan, Dũng Trắng chợ Giời bị ổ khóa nện vào đầu, Mạnh xệ trốn trại bị bắn ….anh nhớ mẹ thằng Tùng lên thăm đến trại mới biết tin nó chết. Bà lăn lộn bên mộ nó, quằn quại đau đớn để mặc gai xấu hổ đâm rướm mặt. Gào khóc than trời đất hàng tiếng đồng hồ đến khi ngất lả đi anh phải cõng về bệnh xá trại.

Thằng bé giẫy người nói.

- bố ơi cho con xuống, bố làm con sắp rơi xuống đất rồi đấy.

Anh xốc con trên lưng, suýt nữa anh quên con đang trên lưng mình. Anh nhìn khắp ngọn đồi nhớ về đám bạn tù nằm lại đây năm đó.

Giờ chắc nhà chúng đã đưa chúng về xuôi. Nhưng ở đồi A1( chôn tù) hết lứa này đến lứa khác được chôn, giống như trại tù hết lứa này ra đến lứa tù khác vào. Những nấm mộ mới thấp toen hoen, mà nông cũng thế vì đất cứng cằn, khô khốc. Tù đào mộ cũng đào quấy quá cho xong , hồi trước có mộ của thằng ‘’ xăng pha mi “’ ( không có gia đình quan tâm) chỉ sâu nửa quan tài đã lấp đất. Cả trại tù mấy chục đội , có đứa nào chết phải qua tay tù đội anh chôn. Tù ở đội nào chết có anh em cùng đội thương lót tay cho tù chôn huyệt ít thuốc, trà còn nằm tử tế. Còn không có lần mưa to, trôi cả quan tài đi xuống tận chân đồi. May mà trôi thế không bật nắp bung xác ra dù gỗ quan tài toàn gỗ tạp nham, tạm bợ. Bốc mộ chưa tan thịt đã tan mục gỗ quan tài.....