Thứ Năm, 24 tháng 1, 2008

Cái Giá Phải Trả Cho Một Cảnh Sát Trung Thực Ở Trung Quốc




Anthony Kuhn/Hạt HEPU, Tỉnh GUANGXI (FEER)
Văn Hiền dịch (VNN)

Là một sĩ quan cảnh sát, Zhang Yaochun luôn cố gắng theo đuổi những lý tưởng của mình. Bà đã vạch trần sự mục nát của các cấp trên. Giờ thì bà đang phải lo ngại cho tính mạng của mình. Những điều bà phải trải qua đã nêu bật sự bất lương tràn ngập trong hàng ngũ công an Trung Quốc, bất chấp những nỗ lực giúp họ trở thành một lực lượng chuyên nghiệp hơn. "Mọi người thấy tôi đi bộ xuống phố như thể không có gì phải lo nghĩ cả. Nhưng mỗi tối tôi đều không dám nói với ai là mình sẽ đi đâu. Tôi phải liên tục chuyển chỗ ở, và tôi tự nhủ: 'Hôm nay mình vẫn còn sống. Nhưng ngày mai mình có còn sống hay không?'".

Cựu sĩ quan cảnh sát Zhang Yaochun vẫn đang trốn chạy những người đồng nghiệp cũ của mình từ năm 2000 đến nay. Nhưng bà luôn mang một niềm tin khi trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế Viễn Đông (FEER) tại một nơi mà bà không muốn tiết lộ. Nói chuyện bằng tiếng Quan thoại với giọng mũi sắc nét của một người miền nam, người phụ nữ 39 tuổi này kể lại câu chuyện đã khiến bà đã trở thành một kẻ trốn chạy sự bất công như thế nào.

Zhang nhớ lại một buổi tối tháng 3/1996 tại tỉnh Guangxi nơi bà sinh ra. Bà vừa mới cùng một số người bạn sĩ quan hoàn tất việc hộ tống những nông dân vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc đến một bệnh viện để buộc họ triệt sản. Các nhân viên an ninh đáng lẽ phải hỗ trợ họ trong nhiệm vụ này đã không có mặt. Vào khoảng 3 giờ sáng, các sĩ quan ghé lại ăn cháo ở một quán ăn trên Quốc lộ 325 ở ngoại ô thành phố biển Beihai.

Bỗng nhiên, bà kể lại, một người đàn ông chỉ mặc đồ lót xuất hiện trước các sĩ quan này. Ông ta nói mới bị cướp bởi một số người ngụy trang mang súng tiểu liên. Ông ta nhớ được số xe của bọn cướp, và cảnh sát đã lần theo chiếc xe này. Vài giờ sau, Zhang và các đồng nghiệp bắt được bọn cướp đang chia chác những thứ vừa cướp được trong buổi tối hôm đó: tiền bạc, đồng hồ và điện thoại di động. Bọn cướp chính là những nhân viên an ninh vắng mặt trong đêm đó. Và Zhang nhận ra xuất xứ của những khẩu tiểu liên: chúng thuộc đồn cảnh sát hạt Hepu.

Đó là vụ cướp mới nhất trong một loạt những vụ cướp của giết người bằng súng cảnh sát của hạt Hepu. Cuối cùng thì việc sử dụng vũ khí bất hợp pháp cũng đã đưa đến một cuộc điều tra toàn quốc của Đảng Cộng sản vào năm 1999. Sẵn sàng hợp tác với các nhà điều tra, Zhang đã viết một bản tường trình chi tiết những vụ buôn bán súng bất hợp pháp của cảnh sát và nhiều vụ lạm quyền khác. Vì dính líu đến sự rắc rối này, cấp trên của bà đã xem bà như một cảnh sát tồi tệ và đuổi bà ra khỏi ngành.

Một cựu quan chức của Đảng Cộng sản Beihai từng đọc bản tường trình của Zhang và tham gia cuộc điều tra nói: "Đáng lẽ người ta phải tận tình điều tra những gì bà ấy đã báo cáo, nhưng thay vì thế, bà ấy lại gặp nhiều khó khăn. Như thế là không đúng". "Bà ấy bị biến thành một kẻ tội phạm, và điều đó rất nghiêm trọng", ông nói thêm, "Với tấm gương của bà ấy, nhiều người sẽ không còn dám báo cáo những vấn đề như vậy nữa".

Đối diện với cơn giận dữ ngày càng tăng của công chúng trước sự mục nát của các cơ quan hành pháp Trung Quốc, chính phủ đã có nhiều nỗ lực đáng chú ý để quét sạch những nhân viên sĩ quan gian lận và bất tài. Tháng 7 năm ngoái, một báo cáo của Bộ trưởng cảnh sát Trung Quốc về những vấn đề trong lực lượng đã "dấy lên một hồi chuông báo động" ở những vị lãnh đạo cao cấp, kể cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, theo tin tức trên các phương tiện truyền thông nhà nước cho biết. Để phản hồi, chính phủ phát động một phong trào kéo dài 4 tháng, kết thúc vào tháng 11, trong đó gần 45.000 sĩ quan tham nhũng hay không đủ tư cách đã bị sa thải. Nhưng khi trường hợp của Zhang được biết đến, nhiều công dân hoặc cảnh sát đã phản ứng dữ dội.

Sau khi bị sa thải lần đầu, bà Zhang đã được phục chức trở lại, kế đó lại bị đuổi việc lần thứ hai, bị giam giữ hai lần, và hầu như trong suốt bốn năm qua, bà luôn phải trốn tránh những viên cảnh sát mà bà nghĩ rằng có thể bắt mình bất cứ lúc nào. Song điều đó không hề ảnh hưởng gì đến tinh thần trách nhiệm của bà, sự nhanh nhạy hoạt bát hay lòng trung thành của bà với chính phủ cả. Bà nói: "Tôi luôn tin vào Đảng Cộng sản".

Sau một thời gian làm giáo viên trung học, bà Zhang đã vượt qua một loạt các cuộc kiểm tra để gia nhập lực lượng cảnh sát vào năm 1995 tại hạt Hepu, vùng ngoại ô Beihai, một thành phố cảng nghiêng dốc bên bờ biển phía nam Trung Quốc. "Khi còn nhỏ, tôi thấy cảnh sát có rất nhiều quyền lực - những quyền lực thật sự có thể được dùng để giúp đỡ người dân", bà kể lại, "Tôi cũng thấy có những cảnh sát chỉ làm mọi thứ vì lợi ích riêng của mình, nhưng tôi biết tôi sẽ không trở thành loại cảnh sát đó. Tôi muốn phụng sự nhân dân".

Ban đầu Zhang phục vụ trong bộ phận phân phối vũ khí cho những đơn vị cảnh sát bảo vệ an ninh ở các ngân hàng hay các doanh nghiệp nhà nước. Sau đó, bà nói, bà nhận ra cấp trên của mình lạm dụng kho vũ khí cảnh sát để kiếm tiền hoặc cầu cạnh cá nhân - họ bán, cho mượn hoặc tặng súng ống cảnh sát cho những nhân vật thế lực ở địa phương, chẳng hạn như vợ chồng một nhà thầu xây dựng hay cha con ông chủ một nhà máy làm pháo. Bà bắt đầu lưu lại hồ sơ các vũ khí này và hồ sơ những người nhận.

Với quá nhiều súng đạn bị lạm dụng như vậy, "làm thế nào cảnh sát chúng ta có thể bảo vệ được bản thân mình, chứ đừng nói đến bảo vệ người dân", Zhang nói. Những khẩu súng bất hợp pháp đã để lại nhiều dấu tích lộn xộn: một nhân viên ngân hàng Hepu đã giết chết một người đàn ông trong một vụ xô xát tại quán ăn, và một tên mafia địa phương đã bắn một người trong một trận cãi cọ do say rượu, theo tin tức địa phương.

Mọi chuyện đến hồi căng thẳng vào tháng 12/1998. Trong một cuộc ẩu đả ngoài đường phố, Zhang Baoan, một quan chức địa phương của Đảng Cộng sản làm công tác hành pháp, đã bắn một sĩ quan cảnh sát bằng một khẩu súng lục của cảnh sát được cấp phát bất hợp pháp, theo tin tức truyền thông nhà nước. Vào thời gian đó, quan chức cảnh sát được phép mang súng. "Nếu chúng ta sai thì toàn bộ Guangxi đều sai", vị cựu quan chức Đảng ở Beihai mang khẩu súng lục Model 64 do quân đội cấp phát nói như vậy. Sau đó quy định đã được thắt chặt hơn: Các quan chức và cảnh sát làm việc văn phòng không được cấp súng.

Zhang Baoan bị kết án tù chung thân, trong khi ủy ban pháp luật và chính trị trung ương của Đảng Cộng sản phát động một chiến dịch toàn quốc thanh lọc những kẻ lạm quyền hành. Nhiều nhóm từ chính phủ trung ương đã đến Guangxi, tâm điểm của chiến dịch này.

Zhang Yaochun đã phớt lờ những lời cảnh cáo của thượng cấp, yêu cầu không hợp tác với các nhà điều tra, thay vì thế, bà đã chuyển cho họ một bản ghi chú về sự tham nhũng của cảnh sát hạt Hepu. Chỉ có bốn nhà điều tra đọc bản ghi chú này, và họ bảo đảm rằng bà Zhang sẽ được giấu tên khi cộng tác. Nhưng chỉ hai ngày sau, bà kể, nội dung bản ghi chép của bà đã bị tiết lộ. Zhang nói chồng bà, về phe với cảnh sát, bảo rằng đầu bà đã được treo giải, và một trong những cảnh sát có liên can trong báo cáo của bà đã đe dọa sẽ sắp xếp một "tai nạn giao thông" để sát hại bà. Sau đó Zhang ly hôn với chồng và chồng bà giành được quyền chăm sóc cô con gái của họ. Bà cho biết những người bạn đồng nghiệp thân tình trước đây đều quay lưng lại với bà.

Hè năm 1999, Zhang là một trong 21 sĩ quan cảnh sát bị sa thải. Cấp trên nhận xét bà có "thái độ làm việc không chu đáo" và không có mặt đúng giờ, theo một hồ sơ cảnh sát phác thảo để phản hồi sự than phiền của bà khi bị đối xử như thế. Một cuộc điều tra sau đó của chính quyền hạt đã chứng minh những lời phê bình này là vô căn cứ và bà Zhang được phục chức.

Năm 2000, Beihai sa thải 27 cảnh sát nữa vì nhiều lỗi lầm nặng hơn, kể cả tội buôn lậu. Một lần nữa bà Zhang lại bị đuổi việc. Cấp trên của bà khẳng định rằng bà không đủ khả năng vượt qua ba cuộc kiểm tra đánh giá hàng năm, nhưng Zhang nói không ai thông báo gì với bà về những cuộc kiểm tra này theo như quy định cả.

"Trong mắt những người dân Hepu, lý do căn bản cho những rắc rối của Zhang là vì bà đã phạm sai lầm với cảnh sát khi vạch trần những sai trái của họ", Yang Zaixin, một người bạn và là luật sư hạt Hepu nói, "Bà từ chối tham gia cùng họ trong những vụ tham nhũng. Bà đã làm mất mặt họ".

Tuy nhiên, Chen Shaoguo, Giám đốc văn phòng quản trị Cục giám sát hạt Hepu, đã bác bỏ những luận điệu của Zhang về việc bán súng cảnh sát. "Tôi có thể nói là, về căn bản, báo cáo của bà ấy không đáng tin cậy", ông nói. Ông cũng phủ nhận việc những điều đó đã dẫn đến việc bà bị sa thải. "Đó chỉ là sự bào chữa mà thôi... Bà ấy đã nghĩ ra tất cả, và chúng tôi đã chứng minh điều đó qua những cuộc điều tra lặp đi lặp lại", Chen nói.

Sau khi bị sa thải một lần nữa, Zhang vẫn giữ vững sự kháng nghị của mình. Khi chính quyền địa phương khước từ lời kêu gọi của bà phản đối việc bị sa thải một cách bất công, bà đã đến Bắc Kinh vào năm 2002 để phản đối với chính quyền trung ương, nhưng bà cho biết mình đã bị bỏ quên. Bà đã phải trốn tránh hơn một tá đồng nghiệp được gửi đến Bắc Kinh để giải bà về quê. Có một lần, bà kể, họ đã cố bắt giữ bà tại văn phòng đại diện chính quyền hạt Beihai ở Bắc Kinh. Zhang đã giả vờ tuân phục rồi lẻn ra ngoài, đánh nhau với một nữ cảnh sát khác và trốn thoát trên một chiếc xe buýt công cộng.

Chen cho biết các viên chức chính quyền cố gắng xoa dịu bà bằng cách đề nghị cho bà những công việc khác trong chính quyền hạt nhưng bà Zhang từ chối. Bà bị bắt giam hai lần, mỗi lần 15 ngày, vì việc đến các văn phòng chính quyền đã "quấy rối trật tự văn phòng chính quyền", theo ghi chép trong hồ sơ cảnh sát. Bà Zhang đã nhờ Yang làm nhân chứng cho sự giam giữ bất công của mình. Sau đó Yang đã phải ở 21 tháng trong một trại lao động vì bị kết tội gạ gẫm gái mại dâm.

Chắc chắn Zhang sẽ khó lòng hòa hợp được với nếp sống vô văn hóa của đồn cảnh sát hạt. Bà kể lại rằng 16 nam cảnh sát trong bộ phận của bà thường xuyên chửi thề, hút thuốc, uống rượu và cờ bạc. Khi bà cự tuyệt những lời tán tỉnh tình dục của họ, bà kể, họ đã phỉ báng bà trước những đồng nghiệp khác. Bà cho biết mình cũng phản đối những biện pháp tra tấn thường dùng với những người bị tình nghi - từ đánh đập đến kích điện - nhưng bà không báo cáo vì việc đó diễn ra ngoài bộ phận của mình. (Chính phủ Trung Quốc thường phủ nhận việc tra tấn của cảnh sát, dù những trường hợp như vậy vẫn hay xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhà nước.)

Nhiều đồng nghiệp của Zhang không được huấn luyện làm cảnh sát hay viên chức nhà nước. Một số người trở thành cảnh sát nhờ các mối quan hệ cá nhân; những người khác chỉ đơn giản là mua công việc bằng tiền. Theo một báo cáo nội bộ của cảnh sát, khoảng 200 trong số 600 cảnh sát hạt Hepu là không chính thức. Một phóng viên địa phương bình luận: "Số này bao gồm những công nhân của nhà máy làm pháo, những người giữ trẻ, thợ ống nước và đủ loại tầng lớp". Ông nói thêm là dù không có một cấp bậc cảnh sát chính thức nào nhưng vẫn có những người được thăng chức trưởng phòng hay trưởng trạm cảnh sát.

Trong số 600 học viên sĩ quan tốt nghiệp học viện cảnh sát Guangxi năm 1999, có 23 người quê ở Hepu. Trong một lá thư gởi đến Tạp chí Cảnh sát Nhân dân năm đó, 23 người này than phiền rằng không ai trong số họ có thể tìm được một công việc ở lực lượng cảnh sát hạt vì ở đây đã quá thừa nhân viên bởi những người không chính quy.

Sáu năm sau lời cảnh báo của Zhang, nhiều vấn đề mà bà báo cáo đã từ từ lộ rõ. Một cảnh sát được nêu tên trong báo cáo của bà bị kết án 12 năm tù vì đã thuê một băng cướp bắt cóc chồng cô tình nhân của mình (sau đó bản án được giảm xuống còn ba năm), theo các phương tiện truyền thông nhà nước cho biết. Một số cảnh sát bị bắn khi đang thi hành nhiệm vụ, và những vụ cướp trên Quốc lộ 325 vẫn lan tràn.

Ngày 9/4 năm nay, cảnh sát Hepu đã phát động một đợt vận động kéo dài ba tháng để ngăn chặn những vụ phạm tội có dùng súng. Chính quyền hạt, theo tin Nhật báo Beihai, đã đặt ra những mục tiêu trước mắt: giảm bớt 20% số vụ phạm tội có súng so với năm ngoái và giải quyết 80% số vụ còn lại trong ba tháng. Điều đó sẽ đòi hỏi một số việc cần làm: Theo một sĩ quan cảnh sát nội vụ Beihai, chỉ có 20% số vụ phạm tội được giải quyết trong quý một năm nay.

Trong khi đó, Zhang đang thảo kế hoạch tiếp tục phản kháng cho đến khi được minh oan. "Khi tôi ở Bắc Kinh, các quan chức bảo tôi rằng ông Hồ Cẩm Đào là một vị lãnh đạo tốt, và tôi luôn hy vọng chính sách của chính phủ sẽ thay đổi", bà nói, "Tôi luôn tin rằng mọi việc sẽ tốt đẹp hơn và chính niềm hy vọng đó đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn".

1 nhận xét:

  1. bổ sung vào số phận những người Cs chân chính :)

    Trả lờiXóa