Thứ Tư, 31 tháng 12, 2008

Mua vải bán áo.

Hôm qua mình nhận được điện thoại hối thúc. Người ta thúc mình dứt điểm rút hết ra khỏi chỗ đó.

Mình mua vải, may áo cho cho thuê lấy ít tiền nuôi con. Áo vừa may xong giờ họ bắt mình bán thanh lý. Liệu bán được bao nhiêu ?

Họ chẳng nghĩ mình bị động vì vừa chuyển nhà, vừa tìm việc. Không, họ chẳng cần biết điều ấy. Họ cũng chẳng cần biết các bạn mình đã rất thương mình,đã hết sức giúp đỡ để mình có cuộc sống yên ổn. Đầu tiên họ bảo mình dọn thật nhanh đi chỗ khác ở. Mình tưởng thế là xong, nào ngờ nay họ lại bảo phần hùn vốn của mình giờ thanh lý nốt đi.

Tất nhiên rồi mọi cái sẽ qua đi, mình sẽ kiếm được việc làm ra tiền để nuôi Tí Hớn.

Nhưng vẫn đau trong tâm quá.

Mình đã đi qua rất nhiều lúc gian nan. Lần này cũng chỉ là một trong những lần đã qua thôi.

Mấy hôm nay, thằng con thỉnh thoảng cứ chạy lại ôm chầm lấy bố thơm má bố rồi nói.

- Bố ơi ! Con yêu bố lắm.

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2008

Cậu Bé Quả Đào

Hôm qua tạt vào hàng truyện, tìm mua mấy cuốn sách cho trẻ con. Có gặp một cuốn sách in có tranh in màu rất đẹp có nhan đề '' Cậu bé quả đào'' của NXB Kim Đồng. Đọc qua thấy nội dung thế này.

Ngày xưa có hai vợ chồng già nghèo khổ, chồng kiếm củi còn vợ đi giặt thuê. Họ không có con. Một hôm người vợ giặt quần áo bên suối thấy một quả đào rất to bèn mang về. Hôm ấy hai vợ chồng không có gì ăn bèn lấy dao bổ quả dào ra. Từ trong quả đào nhảy ra một cậu bé kháu khỉnh. Hai vợ chồng ngạc nhiên và mừng rỡ vì trời đã ban cho họ đứa con. Họ tần tào nuôi cậu bé trở thành chàng trai khỏe mạnh. Chàng trai đi đánh bọn quái vật và giặc ngoại xâm. Ngày chàng đi mẹ chàng làm cho chàng rất nhiều chiếc bánh ngon bằng bột gạo. Chàng đem bánh chia cho các đồng đội. Mọi người ăn bánh xong rồi đánh tan giặc. Chàng trai lấy công chúa và được làm vua.

Câu chuyện đến đó là hết. Đọc xong thấy thiêu thiếu cái gì, lần giở lại đọc lần hai mới nhận ra là sau khi chàng trai thành công thì chả thấy dòng nào nhắc đến hai vợ chồng già đã nuôi nấng chàng nữa.

Chỉ cần thêm mấy câu là ; chàng trai đón hai vợ chồng già về sống cùng hưởng hạnh phúc với chàng. Chừng ấy từ thôi mà NXB Kim Đồng tiết kiệm giấy và mực không thêm vào. Hay con người ta bây giờ chỉ cần thành công là được rồi. Còn việc đáp đền công lao nuôi dưỡng chỉ là chuyện nhỏ nhặt, chỉ có những kẻ bụng dạ hẹp hòi như Người Buôn Gió này mới soi mói.

Tất nhiên là không mua, vì nếu mua thì khi đọc sẽ phải sáng tác thêm đoạn nữa cho Tí Hớn nghe. Mà những cuốn truyện tranh in màu trên giấy chất lượng rất đẹp nội dung thường vô bổ. Cứ đọc cho con nghe là phải thêm thắt hoặc bớt xén đi rất nhiều.

Cậu Bé Qủa Đào là một câu chuyện mà có cái kết rất vinh quang, nhưng nó thiếu đi cái tình người. Nhất là tình cảm với người đã nuôi dưỡng mình trong lúc khó khăn. Ngẫm nghĩ mãi tự nhiên bật ra ý; Hay là tác giả cố tình không nhắc đến việc đền đáp đó là có ẩn ý. Rằng những đứa con lai căng, du nhập, phiêu bạt từ đâu về đều là những đứa vô ơn. Phải chăng tác giả ngầm cảnh báo điều gì chăng ?

Cũng khó là như thế, một cuốn sách như thế này chỉ dành cho trẻ em. Chẳng ai hơi đâu mà lồng ý này, ý nọ. Có lẽ câu chuyện Cậu Bé Quả Đào nguyên bản chỉ có từng ấy mà thôi.

Dạo này lẩm cẩm, hay nghĩ linh tinh thật.

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2008

Việt Nam chiến thắng

Sau bao nhiêu năm hy vọng. Nhiều khi trận đấu chưa xảy ra đã thấy Việt Nam mình nắm chắc phần thua tuyệt đối. Nhưng vẫn cứ đi xem, vẫn cứ loanh quanh ở sân vận động tìm mua chiếc vé vớt hợp túi tiền.

Xong rồi chứng kiến chúng ta thua, mỗi lần thua một kiểu. Như con nai gặp con thú dữ các cầu thủ chúng ta chạy cho hết giờ. Lúc tan trận hơi buồn, sở dĩ hơi buồn vì biết trước là đội nhà thua. Lòng an ủi thôi lần sau không xem nữa. Thế rồi khi có trận nào Việt Nam đá, lại loay hoay, rạo rực. Nói chính xác là rấm rứt trong lòng muốn thấy tia hy vọng nào đó.

Không chỉ là tối qua mà cả giải đấu này đội tuyển bóng đá Việt Nam đã trình diễn một tinh thần bất khuất, kiên cường mà chưa có thế hệ nào trong vòng 25 năm qua có được. Ở giải đấu lần này chúng ta không thấy sự vật vờ của Văn Quyến. Sự vật vờ mà báo chí ca ngợi là tinh quái, là cầu thủ thay đổi trận đấu trong khoảnh khắc, là ánh sao lóe sáng.... ấy chưa mang lại cái gì rõ rệt. Một cầu thủ ích kỷ chỉ chờ đợi bóng đến chân nếu ngon thì thể hiện để làm cái tôi bật sáng. Không ngon thì giải quyết tình huống một cách rất bất cần. Những tinh thần như thế chỉ mang lại cảm giác chán nản cho cả đội. Rồi cả cái phong cách khệnh khạng của Quốc Vượng khi đi lại trên sân..tát cả những mẫu cầu thủ được ca ngợi đó thực ra là cái điểm yếu mà Việt Nam chưa vượt qua được.

Ngày hôm nay trên sân đấu một Công Vinh lăn xả đến từng giây, những cơ hội mà anh có thể dứt điểm được , nhưng anh đưa sang cho đồng đội ở góc thuận hơn. Một cách xử lý đề cao tính đồng đội mà các lứa đàn anh trước như Văn Quyến cần phải học hỏi rất nhiều. Đó là điểm mấu chốt làm cho đội tuyển bóng đá Việt Nam hôm nay đi đến thắng lợi thuyết phục. Mạnh bạo và tự tin, không bạc nhược những phẩm chất này càng được chứng minh khi người Thái dẫn bàn trước. Về tình huống đánh đầu vào lưới đội Thái ở phút bù giờ, đường bóng đi đầy may mắn. Nhưng trước khi chạy đến điểm bóng rơi để nhảy lên đánh đầu. Đó là cả một niềm tin quyết thắng sẵn sàng cho mọi cơ hội dù rất nhỏ. Đây là điểm khác biệt của bóng đá Việt Nam ngày trước và hôm nay. Nếu ở ngày trước chúng ta đã buông xuôi, đã không thể làm nên cú đá phạt và cũng chả có tinh thần nỗ lực để thực hiện cú đánh đầu hất bóng ngược thành bàn.

TỔ QUỐC ƠI, CÓ BAO GIỜ ĐẸP NHƯ HÔM NAY 20 by you.

Ảnh ; MaiKỳ blog

Hy vọng đến giây phút cuối cùng, nỗ lực tận cùng dù lịch sử không đứng về phía ta. Dù trọng tài Singapo có phần ưu ái đội bạn. Dù thành công chỉ là con số nhỏ cũng bám lấy để hy vọng. Đội tuyển Việt Nam ngày hôm qua đã xong một bài học tâm lý tưởng dễ dàng nhưng bao thế hệ đi trước đã không học được.

Trong một năm dầy khó khăn mọi mặt của người Việt Nam. Đây là món ăn tinh thần , sự động viện lớn lao cho nhân dân trứoc một mùa xuân mới.

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

Đại Vệ liệt truyện

Năm Mậu Tí, triều sản, Mạnh vương đời thứ 8.

Lụt ở kinh thành, nước dâng cao đến hàng thước, chết 27 mạng người.

Hàng ngàn người theo đạo kéo về kinh thành đòi đất Thánh.

Trộm cướp hoành hành, kinh tế suy thoái, vật giá leo cao khiến đời sống nhân dân vất vả vô cùng.

Chính sự trong nước có nhiều bất ổn, kể cả ngoại giao bên ngoài.

Mạnh Vương họp quần thần, mời Khổng Tử đến hỏi kế sách ổn định dân tình. Không Tử nói.

- Ổn định đất nước có hai cách. Một là dùng Cường đạo hai là dùng Nhân đạo. Vương muốn cách nào.

Mạnh Vương xuất thân từ người trồng rừng phía mạn ngược, vốn thích nói nhiều , nhưng chỉ nói chung chung. Từ khi lên ngôi không có biện pháp gì rõ ràng để canh tân đất nước. Chỉ ỷ lại vào thiên triều và đám quần thần bảo thủ. Tính không dám quyết, bèn hỏi Khổng Tử.

- Ông nói cho ta nghe thế nào là Cường Đạo, thế nào là Bá Đạo ?

Không Tử thưa.

- Nước Tần thời Ngô Khởi trước kia hay Doanh Chính sau này. Đều lấy binh quyền làm trọng để ổn định đất nước. Đàn áp triệt để những tư tưởng khác biệt bằng mọi hình phạt, thủ đoạn tàn khốc. Không có thế lực nào ngóc lên nổi. Bởi vậy kéo dài được mấy chục năm. Đấy là Cường Đạo.

Mạnh Vương hỏi.

- Theo cách này được không ?

Khổng Tử .

- Nước Tần theo cách ấy, rút cục tồn tại cũng chỉ vài chục năm. Bởi đàn áp lòng dân bằng cường bạo khác nào nắm tay từ tối đến sáng. Khó mà nắm lâu được. Thế nên nước Tần mới bị diệt vong. Các đời vua trước nước Vệ đã dùng cách này rồi, đến nay cũng đã mấy chục năm. Đại Vương dùng tiếp e rằng ở giai đoạn cuối.

Mạnh Vương nghĩ một lát hỏi tiếp.

- Thế còn Nhân đạo.

Khổng Tử thưa.

- Lúc thần cầm chính sự nước Lỗ, đề cao việc lễ nhân. Người dân ai cũng ý thức, của ngoài đường rơi không ai nhặt. Nhà đêm đến không phải cài cửa. Cửa công đường không có người kêu oan. Mọi người cham chỉ làm ăn. Nhưng kết cục cũng chỉ kéo dài vài chục năm. Bởi lòng người vốn sẵn chữ tham. Trước sau lòng tham cũng động. Lấy Nhân hòa mà trị nước cũng như mặc áo giấy cho trẻ con. Lúc đầu thấy đẹp thì nó mải ngắm, sau chán rồi nó cựa quậy là rách tan. Cách ấy cũng không bền.

Mạnh Vương nhìn tên lính gác cửa đeo cung chỉ tay nói.

- Phàm ở đời phải uyển chuyển , kết hợp giữa cứng và mềm. Như cây cung kia thân nó cứng, dây nó mềm. Bởi thế thành thứ vũ khí lợi hại. Nay ta muốn dùng cả Cường Đạo lẫn Nhân Đạo để trị nước có được không.?

Khổng Tử nói.

- Sáng tạo là sức mạnh của người Vệ. Thần giờ đã hết thời, không còn trí lực giúp đại vương. Xin cho thần lui.

Mạnh Vương sai người mang lụa, bạc cho Khổng Tử rồi bảo lui.


Khổng Tử ra khỏi thành.học trò hỏi

- Thưa thầy, nước Vệ liệu có kết hợp cả hai cách để làm chính sự không ?

Khổng Tử nhìn quanh thấy ở cánh đồng vắng vẻ mới nói.

- Về lý thì làm được, nhưng vua quan nước Vệ là một bầy tham lam. Mà đã tham thì tất vi phạm. Chức quyền mà cao khi vi phạm lại dùng quyền để trấn áp, che lấp tội. Rút cục thì còn ta còn các ngươi. Thế nào Mạnh Vương cũng đề cao nhân đạo và làm theo cường đạo. Đó không phải là triều đình nhà Vệ muốn vậy. Mà vì nước Vệ từ trên xuống dưới, tham nhũng đã tràn ngập không có cách gì bỏ được. Kẻ làm quan vừa muốn vơ vét tư lợi, vừa muốn ổn định phát triển đất nước khác nào con cá vừa muốn bơi dưới nước lại muốn chạy trên bờ.

Học trò nói có ý trách.

- Thầy không có ý nào rõ cho Mạnh Vương, thế mà Mạnh Vương vẫn ban cho tặng vật. Thế có lạ không ?

Không Tử nói.

- Không lạ, Mạnh Vương mời ta đến. Cốt chỉ mượn cái tiếng hiền của ta để nói với thiên hạ rằng. Nước Vệ vời hiền sĩ để tham mưu chinh sách. Thật ra ta có nói thế nào thì Mạnh Vương của chả nghe, vì có nghe thì chả có tâm mà làm, dẫu có tâm thì cũng chả có bản lĩnh để đẩy lùi cái gốc tham nhũng. Kẻ sĩ ngày nay trong nước Vệ, muốn giữ mình chỉ có bày kế nửa vời , không đụng đến ai mà cũng chả dùng được thì mới giữ nổi mình. Cái chính là có kế sách để loan tin trong thiên hạ là triều đình đã có kế sách. Như thế cho lòng dân yên mà hy vọng chờ đợi.

bắt cướp vặt.

IMG_2772.jpg





Event.observe($('imageTag_0'), 'load', function(event) { pageTags.addTagListToImg('imageTag_0', [ ]); });
IMG_2773.jpg
Event.observe($('imageTag_0'), 'load', function(event) { pageTags.addTagListToImg('imageTag_0', [ ]); });


Tối qua đi chơi, vào nhà thờ lớn Hà Nội. Thấy cô bé ao xanh kia chỉ tay vào một thằng đang chạy hô cướp điện thoại. Mình nhanh chân chạy theo túm được, xúc mấy quả vào ngực. Hỏi điện thoại đâu. Nó kêu vất đi rồi. Thật ra mình chỉ muốn nó trả điện thoại cho cô gái là xong,. Mình bảo nó vất chỗ nào để dẫn đi tìm. Nó cứ loanh quanh thế là công an đến đưa nó về đồn Hàng Trống.

Vào đến đồn lại tòi ra cái điện thoại. Mẹ cái thằng ngu thế. Lúc ấy đưa trả điện thoại thì mình cũng cho nó đi. Hơi đâu nộp công an để rồi lại có tin là các chiến sĩ công an phường Hàng Trống đã tóm gọn tên cướp trong sân nhà thờ dịp Noel.

Nhìn mặt con bé kia trong đồn mới thiểu não, chắc nó cũng muốn lấy điện thoại về cho nhanh còn đi chơi. Chứ chả ai hơi đâu ra đồn ngồi làm gì.

Thằng cướp này lại mất ăn Tết, nghĩ cũng tội cho nó. Giá như nó đưa điện thoại ngay mình trả cô bé kia thì đâu đến nỗi cả lũ phải vào đồn trình này, trình nọ. Đi ăn cướp mà trả có kinh nghiệm giang hồ gì cả. Đáng nhẽ phải dắt túi một vài trăm. Lúc đó mà đưa điện thoại và ít tiền bảo anh tha cho em , em có thế. Thì mình cũng buông nó ngay chứ để công an tóm nó làm gì.

Hồi nọ có lần mình cũng bắt được thằng ăn cắp. Lúc tóm nó rồi thì thấy vợ nó và hai đứa con bé tí khoảng 3 và 5 tuổi đứng xin. Hóa ra ông ấy đèo vợ và hai con trên cái xe 79 cũ mèm đi ăn hàng. Vợ và con đứng ngoài c,hồng nhảy vào lấy cái chậu nhôm. Hôm ấy vừa tức vừa thương, phải cho cả nhà nó vào nhà uống nước. Rồi cho nó mấy chục vì nó bảo con nó ốm phải làm liều. Đã thế lại phải dẹp đường cho nó về vì hàng xóm thấy ầm ĩ đã xúm đông, xúm đỏ.

Cái bọn cướp vặt này cũng khổ, chả như bọn cướp khác. Nó vừa cướp vừa lên đài, báo nói là do tình hình, do bù lỗ, do tính này, tính nọ... Bao giờ mà bọn này bị bắt mới thấy mừng. Chứ bọn cướp vặt kia bị bắt chỉ thêm buồn mà thôi.

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2008

Mùa Noel im ắng.

Trước ngày lễ Noel. Một ngày lễ trọng đại nhất của người Công Giáo. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và khen ngợi ngành an ninh Việt Nam đã có nhiều công lao giải quyết dứt điểm những vụ việc tụ tập phức tạp. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng sang năm 2009 ngành an ninh cần tập trung hơn nữa trong việc ngăn chặn những vụ việc phức tạp như đã diễn ra ở Hà Nội năm qua.

Những vụ việc phức tạp mà ông Dũng nhắc tới không nói rõ thì ai cũng hiểu đó là vụ việc đòi đất ở Thái Hà và Tòa Khâm Sứ. Phức tạp vì có hàng ngàn người tham gia với cường độ gia tăng. Ông Dũng hoan toàn có cơ sở để lo lắng, cảnh báo ngành an ninh cần chú trọng để ngăn chặn những vụ việc tương tự vào năm 209.

Nhìn lại bản chất của việc đòi đất để tìm nguyên nhân sâu xa thì có nhiều cách giải thích tùy theo từng góc độ nhìn của các bên liên quan. Ông Dũng bóng gió cho rằng đã có các thế lực thù địch đứng đằng sau, tiếp tay trong các vụ việc phức tạp này. Đây là lý do để ông Dũng và chính quyền có thể dùng những biện pháp mạnh cần đến kinh phí và nhiều nguồn lực trong tương lai mà không ngại mọi điều dị nghị.

Phía bên Công Giáo theo những phát ngôn chính của họ, thì họ hoàn toàn không có động gì ngoài việc xin chính quyền trả lại cho họ những mảnh đất thuộc sở hữu của họ đã bị nhà nước mượn,hoặc trưng thu, hoặc họ đã hiến...bởi qua nhiều năm sự phát triển của người công giáo đã trở nên đông đảo. Cần phải có thêm diện tích cho nhà thờ, đáp ứng tín ngưỡng của bà con công giáo. Chính quyền nhận thấy một phần trong đòi hỏi của Công Giáo là hợp lý,đó là phần cần thêm đất để Công Giáo hoạt động cho nên đã ngỏ ý cấp cho bên Công Giáo một số đất ở nơi khác, nhưng không phải ở những nơi mà bên Công Giáo đòi.

Hai bên không đi đến một thỏa thuận chung. Dẫn đến sự căng thẳng triền miên trong năm 2008 khi mà có hàng ngàn người dân Công Giáo tụ tập ở hai vị trí giữa Hà Nội. Đồng thời kéo theo hàng trăm cảnh sát, xe đặc chủng, lực lượng dân phòng các đoàn thể, báo , đài....tham gia.

Sự việc tạm thời yên khi chính quyền quyết định xây vườn hoa phục vụ chung ở hai điểm gây tranh cãi. Nhưng sau khi tòa án nhân dân quận Đống Đa đưa ra xét xử những giáo dân đã phá tường rào của công ty may Chiến Thắng lại dẫn đến một sự việc chưa từng có ở tòa án kể từ khi thành lấp nhà nước. Đó là hàng ngàn người đứng bên ngoài tòa án hò reo, ủng hộ và cổ vũ cho các bị cáo. Ca ngợi họ như những anh hùng.

Vụ việc bất hòa giữa người Công Giáo và chính quyền đã bắt đầu đi xa mục đích ban đầu là đất đai. Và dĩ nhiên tất yếu là như vậy vì ngay từ ban đầu, tuy rằng những phát ngôn chính mạnh mẽ từ phía Công Giáo là kiên quyết với tiêu chí xin lại đất không hề có mục đích nào khác. Nhưng hầu hết tâm lý của các giáo dân đều không hy vọng gì lòng tự nguyện trả đất ở phía chính quyền. Vậy có thể nói việc đòi đất không hẳn là mục tiêu chính của Công Giáo.

Nhưng nếu cho rằng người Công Giáo bị các thế lực thù địch kích động thông qua việc đòi đất để gây những biến động, ảnh hưởng trong xã hội là một quan điểm hoàn toàn thiếu khách quan hay mang tính quy chụp. Quan điểm này thiếu cái nhìn toàn diện và sâu xa.

Công Giáo được khởi nguồn từ những tầng lớp nghèo khổ, bị áp bức bởi chế độ cường quyền Lã Mã. Điều này ngay trong sách của ban Tuyên Giáo Trung Ương Việt Nam cũng ghi nhận. Ngày nay ở Việt Nam người ta nhìn Công Giáo với con mắt khác mà ít ai nhận thấy sự khởi đầu của họ và bản thân họ hiện nay trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nếu nhìn toàn cảnh về gia cảnh những phật tử của dạo Phật và các giáo dân, tín hữu bên Công Giáo thì sẽ thấy một sự chênh lệc về kinh tế. Số lượng giao dân Thiên Chúa có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ gấp nhiều lần các Phật Tử. Hay nói một cách khác rõ ràng là có nhiều người nghèo theo đạo Thiên Chúa hơn người nghèo theo đạo Phật.

Từ những bản chất có sẵn từ lịch sử hình thành và thành phần hiện nay. Theo cảm quan của người viết bài này thì trong tương lai người Công Giáo sẽ còn nhiều lần nữa cất lên tiếng nói của mình khi họ có cơ hội. Đây là một cuộc tranh đấu sẽ còn kéo dài như khẩu hiệu mà người công giáo đã nếu - Công Lý. Trong bao nhiêu năm sống âm thầm tưởng như bị lãng quên, người Công Giáo trở lại và cất lên tiếng nói mạnh mẽ đòi hỏi quyền lợi của mình. Một điều tất yếu là khi anh đã xuất hiện, anh đã phóng lao..nếu anh dừng lại muốn quay về cái hang tối là một điều khó làm được nữa. Cũng như đấng Jesu, khi ngài đã ra khỏi hang đá có nghĩa ngài đã chấp nhận một cuộc đời đầy ải, cực hình để thực hiện lý tưởng của mình.

Tới đây sẽ là những việc để dành ảnh hưởng chứ không phải là việc biểu tình, bạo động như ông Nguyễn Tấn Dũng đã lo xa. Thật ra việc ông lo lắng chỉ là cơ sở để nhà nước thêm tài lực trang bị cho lực lượng vũ trang an ninh nhân kỷ niêm 50 năm ngaỳ thành lập lực lượng an ninh- tư tưởng - văn hóa. Còn để ngăn chặn bạo động thì với lực lượng hiện nay nhà nước thừa sức để ngăn những cuộc bạo động lớn hơn nhiều lần, một điểm nữa là người Công Giáo đang chú trọng vào vấn đề lấy ảnh hưởng của mình thông qua các hành động mang tính hòa bình chứ không hề có ý gây bạo loạn. Một trong những động thái đó là Nhà Thờ Lớn Hà Nội năm nay quyết định không mở cửa đón lễ Noel và hầu hết các nhà khác tại Hà Nội đều làm vậy.

Một đêm Giáng Sinh mà các cánh cửa nhà thờ im lìm. Điều chưa bao giờ xảy ra. Hình ảnh đó khác nào nói lên rằng Hà nội không có Giáng Sinh khi mà các tâm điểm của ngày lễ hội không có ý định tổ chức. Hình ảnh này sẽ gây ấn tượng, ấn tượng ở trạng thái tình cảm nào là do mỗi người.

Chỉ biết ở một thủ đô hòa bình, của đất nước hòa bình mà đêm Giáng Sinh các nhà thờ đóng cửa.


Như đã nói trên, bây giờ và ở tương lai gần là cuộc chiến hình ảnh chứ không phải là bạo đông.

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2008

Bài không tên số mấy?

Về sau, và nhiều năm sau nữa

Có buồn nhưng vẫn chưa

Bao giờ bằng hôm nay.

Ngày mai, ở trong một gia đình kia không bình thường như bao gia đình khác. Bởi có một người bố không có việc làm, một người con không có lớp học. Hoặc là chưa có.

Họ rời cái nơi ở chưa ấm chỗ trong đêm mùa đông. Tất cả đồ đạc vừa mới sắm bằng tiền dành dụm, vay mượn của bạn bè đều bỏ lại. Đi như những kẻ trốn nạn, chỉ mấy bọc quần áo, bộ máy tính, mấy cuốn sách. Đứa con đang ngủ say, bố bế dậy. Nó ngái ngủ hỏi.

- Bố ơi đi đâu bây giờ ?

Cái người bố kia không biết nói gì với con, sự im lặng của anh càng làm cho đứa bé hoảng hốt. Nó hỏi liên tục.

- Hai bố con mình đi đâu, mẹ đâu rồi hả bố.

- Mẹ đi trước rồi, hai bố con mình đi sau, mẹ đợi ở nhà kia.

- Thế không ở nhà này nữa hả bố, ở nhà nào ?

.............

Mai hai bố con mình sẽ trông nhau. Mẹ vẫn bảo là ở nhà này có lúc con trông bố chứ chả phải bố trông con. Hai bố con sẽ ở nhà chơi, bố tắm và cho con ăn được, kể chuyện và dạy con nhiều thứ. Lúc nào mẹ xin đâu cho con học thì con đến lớp có các bạn chơi cùng. Bố sẽ kiếm việc gì làm. Bố chỉ muốn nói với con trai nhỏ bé của bố rằng.

Không phải bố muốn con phải phải khổ, chả người bố nào muốn vậy. Chúng ta hãy gắng chịu và làm minh chứng cho những gì chúng ta sẽ khắc dấu vào cuộc sống này bằng chính sự bất hạnh ngày hôm nay.Không có vết khắc nào sâu và rõ bằng những thứ mà chúng ta đang trải qua và chịu đựng. Cũng như không có viên công tố nào buộc tội đanh thép và thuyết phục hơn nạn chính nạn nhân khi họ biết cất tiếng. Nắm lấy tay bố con trai nhỏ bé, việc của chúng ta bây giờ là cam chịu con ạ.

Ngủ đi con , bố vẫn ru đây. Chừng nào bố còn bên con, chừng ấy mỗi đêm con vẫn nghe thấy lời ru của bố.

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2008

Từ đó em buồn.

..Gương xưa còn đó nhưng bóng hình nào thấy đâu
Áo xưa còn đó nhưng mùi hương phai nhạt rồi
Từ đó, nghe trong lòng, nghe trong lòng mưa gió từng đêm
...

Người bố về đến nhà, căng thẳng và mệt mỏi. Thấy thằng bé con đang nước mắt ràn rụa, anh hỏi.

- Sao con khóc ?

Thằng bé lấy tay quệt nước mắt, nó dướn người ôm lấy cổ bố nghẹn ngào nói.

- Con không có bố, con khóc.

Người bố ôm con, thằng bé ngả đầu vào ngực bố, nó sờ tay lên cằm bố nói.

- Bố cạo râu ít thôi để con còn sờ nhé.

Giờ thì thằng bé có vẻ yên tâm, nó ngồi trong lòng bố xem hoạt hình trên ti vi. Người mẹ không nén được sự sốt ruột khi chồng bước về, chị hỏi.

- Có gì không anh.?

Người bố buồn bã lắc đầu, anh quay mặt đi khỏi nhìn thấy nước mắt vợ và cũng chả muốn vợ nhìn thấy mắt mình. Anh nói.

- Tắt đèn để anh ru con ngủ

Trong bóng tối, thằng bé thì thầm.

- Bố ơi, bố kể chuyện con chim bồ câu và con kiến đi.

Tiếng người bố.

- Bố kể chuyện này, không phải chuyện bồ câu và kiến đâu, con nghe bố kể rồi đi ngủ ngoan con nhé.

Ngừng một lát người bố kể.

- Ngày xửa ngày xưa trong một khu rừng nọ có một gia đình nhà chồn. Ngày nọ chồn chị mò vào làng kiếm thức ăn thừa của dân làng. Bị người ta bắt được, dân làng nhốt chồn chị vào trong cái cũi sắt. Chồn chị nhớ gia đình khóc rất nhiều, trong cũi sắt chỉ có mấy hạt cơm nguội cứng, chồn chị chả thiết ăn. Chồn chị khóc ròng, người chồn chị vốn gầy gò, ốm yếu. Trong cái cũi sắt bốn bề gió mùa đông thổi. Chồn chị nằm trên nền đất lạnh, mắt hướng xa xa về phía cánh rừng.

Con chồn em chạy quanh làng, nó tha thiết van xin những người dân trong làng mà nó gặp.Đêm đêm chồn em không ngủ, nó chờ trời sáng thật mau để đến ngôi làng tìm kiếm hy vọng giúp đỡ chồn chị. Nhưng chả ai giúp nó cả, nó cứ miệt mài đi trong nỗi tuyệt vọng. Như kẻ bơi trên biển cả mênh mông, nó chỉ nghĩ rằng nó sẽ chết gục vì đuối sức chứ không từ bỏ hy vọng cứu chị nó.

Đêm đến chồn em nhìn bầu trời, nó thấy thần rừng trên cao, chồn em cất tiếng cầu xin. Thần rừng nói.

- Đã là kiếp chồn rồi mà không cẩn thận, đến chỗ dân làng làm chi. Người ta phải bắt thôi. Ai người ta biết tìm đến ăn thức ăn thừa trong thùng rác. Họ sợ bắt gà thì sao.?

Sự lạnh lùng đầy lý lẽ của thần rừng làm chồn em hụt hẫng. Nhưng nó không ngừng đi kiếm cách giúp chị nó. Nó nhớ những ngày bé thơ , những ngày mà cả khu rừng hạn hán. Chồn chị cần mẫn đi nhặt từng hạt dẻ bị vùi sâu dưới lòng đất khô cứng về nuôi gia đình.Nó nhớ từng con giun, con dế chị nó tha về cho nó ăn. Và ánh mắt chồn chị nhìn em ăn cố nén vè thèm thuồng.

Khi mặt trời chưa lên khỏi ngọn núi, chỉ có ánh sáng hắt lên bầu trời . Chồn em lại đi đến ngôi làng , nó đứng bên ngoài hàng rào nhìn cái cũi sắt mà chị nó đang nằm trong đó. Người ta khó chịu vì sự có mặt của nó, có người quát, có người dọa bắt cả nó, có người vác gạch ném chồn em. Nó cam chịu tất cả để mong tìm thấy một chút hy vọng nào đó.

Người trong làng nói, họ sẽ lột da chị nó.

Chồn em cứ nghĩ điều ấy sẽ không đến với chồn chị mặc dù đó là điều mà vẫn xảy ra, và bắt buộc phải xảy ra với một con chồn dám mò vào làng. Dù nó mò vào để làm gì thì người ta vẫn lột da, đó là luật lệ của con người. Sự mù quáng bởi tình thân khiến con chồn em không biết mệt. Và nó cứ đi tìm một phép màu nào đó để cứu chị nó.

Người bố ngừng kể, cậu bé hỏi ?

- Bố ơi thế chồn em có cứu được chồn chị không ?

- Bố không biết, bố thấy chồn em nó vẫn đang đi tìm cách con ạ.

Thằng bé nhỏm dậy, nó tung chăn ra quả quyết nói'

- Con sẽ cứu chồn chị, con sẽ mở cái cũi sắt ra. Con bảo chồn chị đi đi, về với chồn em đi.

Người bố và người mẹ sững sờ. Người mẹ kéo con xuống nói.

- Thôi con ngủ đi, khuya rồi mai còn đến lớp.

Người bố quay lưng vào tường. Thằng bé nằm xuống, nó sờ mặt bố tìm cằm. Rồi nó bật khóc. Mẹ nó hỏi vì sao. Thằng bé nói.

- Bố ơi, bố đừng buồn. Bố buồn là con khóc đấy.

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2008

Ngày không sáng

Vào một ngày bạn phải giã từ những gì bạn đang có. Một cuộc sống bình dị mà bạn đã gây dựng. Ví dụ bạn học nghề, dành vốn thuê một của hàng làm nghề. Thu nhập không nhiều nhưng ổn định để bạn sống cuộc đời bình lặng.

Thế rồi những cái tin từ đâu đó , nó rỉ tai, nó bóng gió bạn là thành phần này nọ.

Người ta không cho bạn thuê nhà, không cho bạn làm việc, mọi người xa lánh ban. Kể cả người thân.

Bạn bơ vơ, hàng sáng bạn đi ra đường lang thang, bạn không ăn nổi miếng cơm. Bạn chỉ uống sữa, nước cam và thuốc lá.

Bạn hoang mang không biết mình có sai không. Bạn ngửa mặt cầu trời cho bạn câu trả lời rõ ràng. Nếu sai xin hãy để họ trừng phạt bạn, bằng nhà tù, bằng những gì tàn khốc . Chỉ cần hình phạt rõ ràng để mọi người thấy bạn đã trả giá.

Bạn như kẻ mắc SiDa, chờ chết. Cái chết nó không đến với bạn, nó cứ luẩn quẩn, nó cứ treo lơ lửng khiến mọi người xa lánh bạn. Rồi có khi bạn không chết vì SiDa vì có thể bạn không mắc bệnh ấy, hoặc ngày mà cơn bệnh kết thúc bạn chưa đến, nhưng bạn đã chết trong cô đơn, trong cơn suy sụp tinh thần vì bị những tác động từ những người quanh bạn.

Bạn không có việc làm, không có quan hệ xã hội.

Bây giờ bạn muốn về quê, sống với con trâu , luống cày cũng không được nữa. Thậm chí con trâu nó cũng sợ bị người ta giết nó vì bạn. Nó nói với bạn rằng nếu bạn dẫn nó đi cày, người ta sẽ không dùng nó làm trâu cày nữa mà sẽ mổ thịt. Vì nếu có con trâu bạn lại có việc làm, có cái ăn và bạn còn cơ hội sống. Mà bạn còn sống thì những gì trong đầu bạn còn tồn tại.

Có thể người tung tin chẳng hình dung kết cục của bạn như vậy. Nhưng chính những con người xung quanh bạn vô tình đẩy bạn đến cái kết cục như vậy.

Đây có thể là en try cuối cùng của Người Buôn Gió trong blog này. Nhưng có thể bắt đầu cho một tác phẩm đang thai nghén về số phận những con người có một chút gì đó muốn cất lên tiếng nói. Bị đoạ đầy, bị xô đẩy ....vì tiếng nói mà họ cất lên đó.

Cái quan trọng là ngày hôm nay không sáng, ngày mai, ngày kia và ngày kia nữa nó phải sáng. Nếu như bạn trải qua được ngày hôm nay.

Một chút duy tâm, đó cũng là số phận.

Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2008

Nuôi gà




Hiện giờ đang nuôi 3 con gà này. Một con gà trống , hai con gà mái. Gà mái mới đẻ lứa đầu nên hôm đẻ hôm không. Mấy ngày nay có con cách một hôm đẻ một lần. Con kia thì vẫn chưa thấy gì. Trứng dành cho Tí Hớn chén. Đến lứa đẻ sau thì mới ấp.

Con gà trống mua giống từ bọn Tứ Liên - Hà Nội. Nặng 3,2klg. Bộ dạng đẹp, tía chân vàng khoảng tròn xoe, mặt mũi gan lỳ. Vảy chân mỏng tang, nhưng chân bên trái có cái vẩy dắt trên cựa. Thường thì gà có vảy này ra đánh hay bị thua. May mà có cái vảy ấy con gà này lại được ăn uống sung sướng, thỏa sức chơi hai con gà mái trẻ đẹp liền. Nếu không nó đã phải ra trận, chịu chế độ kiêng kem, lại phải tập tành. Rồi chiến đấu trong cảnh đầu rơi, máu chảy, thương tích nặng nề. Có khi còn mù mắt, mất mỏ.

Lứa trứng sau sẽ để ấp. Mong sao trong đàn con nó có con gà nào đáng mặt anh hùng.

Mấy con gà này do anh bạn trong Nam tặng cho ,khi mình về quê chả có việc gì làm. Bây giờ hàng ngày chỉ chăm mấy con gà này thôi. Hôm nọ bị mất điện thoại giờ chả có số của ai, mà cũng chưa mua điện thoại. Cũng chả ra làm lại cái sim nữa. Lúc nào ra Hà Nội thì làm luôn một thể. Giờ lười quá chả muốn đi đâu.

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2008

Trái đất này là của chúng mình ?

Hôm nay nghe thằng con hát bài này. Ngẫm một lát rồi tự nhiên cười.

Nhìn xem nhé, có bọn thì chỗ nào trên thế giới nó cũng muốn là của nó. Có bọn thì của mình thì im thin thít khi thấy thằng khác lấy đất đai của chính nước mình. Một thằng lấy hết, một thằng cho hết thì có phải là trái đất đúng là của chung không ?

Nhớ năm nào Mỹ đánh I rắc, sinh viên Việt Nam đau xót, phẫn nộ xuống đường ra trước đại sứ quán Mẽo hô hào phản đối. Nhiệt huyết tưng bừng, cờ quạt bát ngát, hình ảnh tổng thổng Mẽo được vẽ châm biếm, hài hước. Khẩu hiệu thì đầy tính chiến đấu cao.

Báo chí và ngôn luận Việt Nam hào hùng đưa tin rằng nhân dân Việt Nam cực lực lên án ( nghe ghê chưa cực lực đấy ), vô cùng phẫn nộ, bất bình trước hành động xâm phạm chủ quyền nước khác của diều hâu Mỹ. Nghe thôi rồi, kiên quyết và có lương tri lắm.

Giờ Trung Quốc ngang nhiên tịch thu hai quần đảo và biển của Việt Nam. Xem Việt Nam phản ứng thế nào. Mấy cái thằng ngày trước soạn điếu văn cho Lê Dũng cả Phan Thuý Thanh đâu hết rồi. Sao để nói không ra hơi thế. Mấy cái cụm từ như cực lực lên án, vỗ cùng phẫn nộ, sẵn sàng này nọ... đâu hết rồi không đem ra mà dùng lại.

Bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh. Cụm từ dùng trong những năm đầu 80 và cụm từ láng giềng tốt, đồng chí tốt giờ thì cái nào đúng hơn.

Tôi nghĩ cái nào cũng đúng cả, có điều đúng với ai thôi.

Hai đảng cầm quyền giống nhau, ở cạnh nhau thì đúng là láng giềng tốt, đồng chí lại càng tốt quá. đồng chí mà lại, đồng chí có nghĩa là hướng tới mục tiêu giống nhau. Có là đồng chí tốt thì mới thiết lập đường dây nóng ở lãnh đạo cấp cao, mới gửi chuyên gia an ninh sang giúp đỡ đồng chí của mình.Mới trao đổi kinh nghiệm quản lý , lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới.

Còn bành trước bá quyền lại cũng đúng. Tài sản của đất nước, của một dân tộc có chủ quyền mà ngang nhiên cướp đoạt thì đúng là bọn bá quyền còn gì.

Đây mới là thời kỳ mà lý luận ở Việt Nam nhập nhằng nhất như nhân dân nói

- sáng đúng , chiều sai, sáng mai lại đúng.

Một xã hội mà các lý lẽ luôn bất nhất từ cấp cao nhất xuống dưới cùng xã hội. Từ việc biên giới, hải đảo đến việc xét xử người dân. Cấp tướng rồi mà nay thuyên chuyển , đình chỉ mai lại phong quân hàm lên chức, cấp thứ trưởng nay bắt giam rồi mai bảo vô tội cần phục hồi, rồi lại điều tra.

Đến thằng dân đen bữa nọ bắt giữa đường kêu buôn ma tuý, bữa khác bắt vì tội gây rối, bắt liên tiếp đủ tội cuối cùng mang ra toà xử tội trốn thuế. Mà đưa người ta vào tội thế này, bảo bọn thuế ngừng thu, không tiếp nhận đóng, mang tiền đến đóng cũng không nhận. Sau đó là thành tội trốn thuế xử tù. Chao ôi ! Nghĩ mà lạnh người, sinh mạng con người, số phận con người đúng là cá nằm trên thớt. Chả thế mà hôm 6-12 vừa qua có người quát anh sinh viên áo nâu.

- Mày có muốn về quê đi cày không ?

Câu quát này nghe có vẻ dân dã như thường thấy ngoài chợ. Nhưng càng gần về sáng thì mình càng thấy sợ. Vì nó nói lên một sự thật tàn bạo rằng , người ta có thể biến một cử nhân, kỹ sư tương lại thành anh thợ cày ngay tức khắc. Tất nhiên làm thợ cày thì cũng chả có gì xấu, nhưng bao mơ ước của con người, những con người sinh ra có quyền mưu cầu hạnh phúc để đâu.

Nếu sự công bằng bị tước đoạt, thì tất nhiên ước mơ cũng bị tước đoạt. Bạn nghĩ gì khi cả ước mơ của bạn cũng bị tước đoạt nữa.

Người ta lý luận về việc hải đảo thế này.

- Thôi bây giờ mình yếu, trước mặt khéo léo đàm phán. Mình không cự lại nó đâu vì nó mạnh lắm. Đánh nhau mình thua. Giờ việc của chúng ta làm việc thật nhiều để cho đất nước mạnh lên mới có cơ nói chuyện mạnh mẽ với nó.

Lý lẽ này đúng không ? đúng chứ, đã nói Việt Nam thời này cái gì người ta nói đều đúng. Miễn là người nói là người lãnh đạo, cầm quyền.

Nhưng anh làm việc gì để đất nước mạnh lên bây giờ, anh đã vào biên chế, đã làm việc trong tổ chức , bộ máy nào chưa. Nếu anh đã làm mà anh vẫn nói với tôi rằng anh có đầy đủ điều kiện người ta tạo cho , để anh phấn đấu làm việc tốt thì cũng có thể đúng. Tôi nói có thể đúng vì trong trường hợp anh chọn vào cơ cấu, được ăn chia những % hợp đồng, được nâng khống những gì anh mua mà nhà nước hay nhân dân phải thanh toán.

Người ta nói dân giàu thì nước mạnh. Cái này đúng.

Nhưng một đất nước mà quan giàu, dân không giàu thì có mạnh được không ?

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2008

Buồn ngủ quá

Cả đêm hôm qua chơi game Chinh Đồ, sáng nay buồn ngủ rũ ra. Cố gắng mò ra Hà Nội để ăn phở Bát Đàn. Nhưng đứng xếp hàng một lúc thấy dài dằng dặc, chán quá đi tìm hàng khác ăn. ăn xong ra Đường Thành nhâm nhi cà fê. Mấy khi ra Hà Nội phải hưởng thụ tí hơi Hà Thành

Ăn uống chán chê thuốc lá phì phèo, lóc cóc đi bộ ra vườn hoa có tượng Lê Nin chơi. Một ngày nắng đẹp. Rất nhiều người xe ôm, đánh cờ, đi bộ và nhiều nữa , toàn đàn ông khoẻ mạnh. Chắc cũng rảnh rỗi như mình ra vườn hoa phơi nắng. Có điều họ thấy ai đi qua cũng gườm gườm chứ không nhìn thân thiện như mình.

Ngồi cạnh mấy anh, thấy các anh ấy nói chuyện là thiếu người bổ sung đội này, đội nọ sang gì đó. Đang hong hớt thì thằng em lóc ngóc đi ra. Nó bảo.

- Anh ơi em bị theo anh ạ, hai anh công an lần trước bắt em ban nãy thấy em họ quây em hỏi đi đâu, em nói đi xe buýt.

Mình an ủi.

- Mày cứ lo cái gì, người ta hỏi han thì có sao đâu. Mày ngồi đây phơi nắng với anh.

Nó vừa ngồi vừa lấm lét nhìn, rồi nó thì thầm.

- Đấy ông áo đen kia kìa.

Mình bực quá bảo.

- Mày đừng nói chuyện ấy nữa, ngay sát tao cả mày cũng toàn công an đây này. Ai có việc người ấy. Mày cứ quan tâm làm gì. Ngồi đây chơi một lát rồi về có sao đâu.

Rồi mình quan sát chung quanh. Thấy tình hình có khoảng 4-5 chú sinh viên cách mình 15 mét. Còn quanh đấy mấy chục người thì chả có vẻ sinh viên tí nào. Lúc sau có em Phương đến. Thế là các bạn kia thấy có con gái ngồi với mình. Biết không phải công an họ mới đến gần giở ra lá cờ. Một cậu áo trắng nói to.

- Chúng ta phải ra thì mới có người nhìn thấy ra cùng, chứ chờ đợi ai.

Mình cũng nhất trí, thế là 6 thằng con trai và một em gái rất duyên dáng cùng hăm hở bước .hìn quanh thấy các anh công anh ùn ùn từ các ngả kéo đến. Cả hội vừa căng cái cờ thì các anh ấy bao vây chặt. Mấy cậu sinh viên phân trần.

- Bọn em căng cờ tổ quốc chứ có làm gì đâu ?

- Bọn em phản đối Trung Quốc sai trái một cách ôn hoà.

- Bọn em không sai luật gì cả.

Lúc này chỗ đấy đến 40 người,trong đấy có 7 người này còn đâu là 33 người khác. Mà các người khác nữa thì đang đến mỗi lúc một đông. Trong khi những người này thì chỉ có vậy. Những người khác ùn ùn đông đến nỗi một bác hình như phó quận phải quát.

- Các anh ngoại tuyến tản hết ta, chứ quân ta tụ đông thế này thì quá là....

Đến câu quá là.. bác ấy không nói nữa.

Còn mấy chục anh kia ôn tồn, nhẹ nhàng khuyên 7 đứa giải tán. Về nhà lo học tập công tác. Có việc gì nhà nước đã lo. Tình hình bây giờ thế này, thế kia mình phải thế này , thế nọ. Mấy cậu ở nhóm 7 người thì định tranh cãi. Còn mình thì không, vì mình biết tranh cãi cái gì với các anh ý. Mình chỉ nói

- Thôi tôi mất công ra đây rồi, anh cho tôi đứng mấy phút cang cờ giải toả bức xúc xong tôi về. Tôi thấy tình hình này thì chúng tôi cũng phải giải tán thôi. Có ai nữa đâu ngoài mấy anh em chúng tôi, còn các anh đông thế này.

Số lương các anh quân ta nhiều đến nỗi các anh ấy chỉ len vào mà 7 mống quân nọ lập tức mỗi đứa một nơi. Thằng Hà đàn em mình bị anh công an quen lôi đi, nó kéo theo bà chị Phương của nó. Hai chị em khoác tay nhau, còn anh kia thì tóm tay thằng Hà kéo đi. Mình đi theo gỡ tay anh ấy nói nhẹ.

- Thôi bọn tôi về, anh đừng kéo thế ngưòi ta trông thấy tưởng chuyện gì.

Anh ấy thấy tình hình không đến nỗi nên thả tay thằng Hà ra. Hai chị em nó đi trước hai anh quân ta hai bên. Còn mình đi sau vài bước, ngoái lại thấy mấy chục anh quân ta. Có anh vừa đi sau lưng mình vừa gọi điện cho ai hỏi.

_ Dạ thưa anh có bắt ngay không a, bắt luôn chứ ạ.

Mình đi chậm vểnh tai nghe xem anh ấy định bắt ai, loáng thoáng thấy tốp người sau lưng mình hỏi thăm nhau.

- Anh ở đội nào, cậu ở phường à..

Cái anh đang điện thoại hỏi bắt bớ kia cứ nói to tiếng với điện thoại.

- Bắt chứ ạ, đây có mấy đứa.

Mình nhìn thấy tốp 7 người quân nọ trong đó có mình đã bị phân làm hai ngả. 4 quân nọ kia bị di về phía đường Hoàng Diệu hướng Nguyễn Thái Học. Còn mình , thằng Hà và em Phương thì bị di về phía Điện Biên Phủ. Lúc này quân ta đông đến nỗi mình nhìn hoa cả mắt. Em Phương đang khoác tay thằng Hà ngoái lại thấy mình đi sau kéo lên. Thế là 3 anh em khoác tay nhau đi giữa chục quân ta, họ áp ba anhe m ra khỏi vườn hoa. Vừa đi vừa khuyên nhủ đi về. Ba anh em thống nhất là cũng đi về. Vì có từng ấy quân nọ thì chả làm nổi cơm cháo gì, về cho nó nhanh. Đứng lại chả cần quân ta bắt, mà họ chỉ cần. Cố nhìn lại cái nhóm kia 4 quân nọ kia có sao không, thấy có chú áo nâu bị các anh quân ta tra hỏi giấy tờ gì. Chú sinh viên ấy đưa giấy tờ ra, các anh quân ta xem xong thì cho vào túi các anh ấy. Còn người thì không làm gì, cho đi.

Lại nói đến nhóm mình đi sang bên đường Điện Biên Phủ, em Phương lấy xe về trước. Em này trông duyên dáng, dịu dàng mà ăn nói cứng cáp chắc chắn cực kỳ, nhà văn mà lị. Em ý cứ đối đáp về luật về tinh thần với mấy anh quân ta áp giải đến nỗi mình phải khuyên là thôi. Nói chung là nói thì nói vậy thôi, chứ ai chả biết sự thực về cái Hoàng Sa- Trường Sa ấy thế nào. Có điều là ở đây thì các anh quân ta có nhiệm vụ là giải tán quân nọ. Còn bọn quân nọ thì cố gặng tụ thật đông, thật lâu. Nhưng bọn quân nọ có nhõn 7 mống thì các anh quân ta đông thế làm gì mà chả hoàn thành nhiệm vụ. Mà không làm được thì quan điểm của mình là đi về. Đứng lại đôi co , cố gắng cũng chả nổi, về cho nhanh.

Mình cả thằng Hà đi bộ về nhà. Mình hỏi nó sao mà công an theo mày mà không theo tao. Nó nói

- Vì em theo đảng Dân Chủ, các anh ấy biết. Hôm đám ma cụ Chính các anh ấy ngăn không cho em đi.Em công khai mà.

Á à., thằng này trẻ người mà gớm thật. Mình nói.

- Thế họ theo mày là phải, cứ như tao đéo theo ai. Thích thì mình tao đi, khỏi mang tiếng ai xui hay lôi kéo ai.Thôi tao đưa mày về.

Đến nhà mình thì chia tay, nhà nó ngay bên Hàng Tre có mấy bước chân. Nó vừa đi về mình thấy một anh công an ban nãy có ở chỗ vườn hoa đi theo nó. Kinh, hoá ra anh ấy đị bộ theo hai thằng suốt từ chỗ bảo tàng Điện Biên Phủ về đến đây.

Kể thế thôi, buồn ngủ lắm. Chả phân tích hay suy luận gì hết. Đi ngủ đây. Ban nãy về nhà lấy xe, bà già nhắc là thứ hai này là giỗ ông già. Nhớ mà ra.

Nói theo cách chơi Chinh Đồ thì mình mới hoàn thành một nửa lời hứa ở en try trước. Mình mới ra đến nơi, mới căng cờ. Chưa kịp hô hào Hoàng Sa- Trường Sa gì cả.

Tí nữa dậy lại chơi Chinh Đồ, quên vụ này ngay ý mà. Ở trong trò chơi này có phần bảo vệ biên giới. Nói chung thì bét phải cấp 85 trở lên mới lên biên giới bảo vệ. Vì bọn dám sang toàn bọn khủng. Mình mới cấp 65. Đến nơi quân nó bòm mỗi cái là nghẻo. Nhưng mình cứ liều, mình có trò đặt mìn. Cứ đặt mìn xong thấy nó mình chạy. Nó đuổi theo là uùm, ùm. Nhưng nếu nó không bị vướng mìn là mình teo, vì cấp thấp chạy chậm. Sức yếu nó giết mình cũng thường xuyên.

Thôi thì kiếm trò chơi ảo cho bớt bức xúc vậy. Đời bây giờ nó thế.

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2008

Khẩu hiệu là gì ?

Lần này đi ra đại sứ quán Trung Quốc, khẩu hiệu của tôi là

- Hòa Bình Hữu Nghị, Hợp Tác Toàn Diện...

Ở dưới là dòng chữ Trường Sa - Hoàng Sa.

Xong đứng hô Hoàng Sa- Trường Sa. Mà cùng lắm bị cấm thì không hô. Chỉ đứng đó thì vi phạm luật gì nhỉ. Tôi chả tụ tập với ai. Mình tôi tự đi đến đó. Tụ tập là khi có ai rủ rê nhau, đằng này mình tôi đi, chả kêu gọi, chả rủ ai. Thế là không vi phạm luật nào hết.

Biết là đi thì không giải quyết vấn đề gì ngay cả. Nhưng cho kẻ cướp biết,mày ăn trôi đồ cướp được thì mày sẽ nhận lại sự căm thù. Chứ đéo phải sự hữu nghị, hợp tác gì của cá nhân tao và những người có suy nghĩ giống tao. Và lòng căm thù này tao thề sẽ nhân lên theo ngày tháng chứ không phải để nó nguội lạnh đi dưới những lời phủ dụ của ai hết.

Mình rất bình tĩnh, không bị cái gì kích động cả.

Hôm nay trốn về nhà thằng bạn ở đến hôm đó có mặt, chứ ở nhà sợ có ai đến thăm hỏi han sức khỏe đúng lúc ra cửa đi thì buồn lắm. Mấy thằng đểu nó lại có cớ bảo mình to mồm nhưng chả dám đi.

Tìm mãi không thấy cái áo Hoàng Sa- Trường Sa. Vợ mình dấu mất đâu rồi bực thế.

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2008

Tôi sẽ đi

Dạo này ở nhà chơi Chinh Đồ của bọn Viagame, càng chơi càng ham. Chơi thâu đêm suốt sáng. Thế mới biết vì sao bọn trẻ con nó ham vậy. Ngày nào cũng chỉ nghĩ đến con nhân vật của mình thăng cấp đến đâu. Còn rảnh một tí thì đánh bi-a hay chăm sóc mấy con gà chọi.

Cuộc đời thế là yên vui , chả phải lo gì nghĩ gì cả. Cứ tà tà sống thế này đến hết đời. Cũng chả màng blog liếc gì nữa. Hơi đâu tham gia ba cái vụ lộn xộn hậu quả lại giống anh Điếu Cày. Giờ năm trong nhà lao, nền xi măng, cơm bằng thứ gạo tồi nhất với mấy cọng rau.

Tối đến nằm kể chuyện và ru con ngủ. Con nằm gối tay bố trò truyện đến lúc ngủ. Sáng dậy con đi học nó lại dỗ dành bố.

- Bố ở nhà con đi học, tối con về với bố nhé. Bai bai bố con đi.

Đấy cuộc sống thanh bình, thu nhập đủ sống. Không phải lo nghĩ, cả ngày chỉ ở trong nhà. Cùng lắm ra chợ mua rau cỏ, thịt thà. Có gì mà phải bận tâm nhỉ ? Chuyện biên giới, hải đảo hay tư cách người Việt Nam là gì với thế giới xa vời với một thằng đàn ông đang chơi game và nuôi gà chọi lắm. Chuyện ấy theo như các anh công anh giáo dục thì Đảng và Nhà Nước lo hết cả rồi, cái gì phải làm thì Đ và NN đã cố gắng hết sức. Rằng thế mình yếu hơn nó, chỉ có đàm phán xem được gì có lợi cho mình không phải đanh nhau là tốt nhất.

Đàm phán thế nào thì bố ai biết. Chỉ biết là đàm phán, ký kết xong thế nào cũng đưa tin là đã đàm phán, ký kết thành công tốt đẹp. Ta được cái này, cái nọ. Ví dụ như đáng nhẽ nó lấy 10 phần, mình đàm phán nó cho 2. Chứ thẳng thừng nó lấy hết cơ. Đấy chả là thành công là gì.

Đm thằng Lỗ Tấn nó đẻ ra thằng AQ. Dân Trung Quốc bây giờ nó biết đường nó tránh cái tính AQ đấy. Còn bọn Việt Nam học theo. Điển hình nhất là mình. Giờ mình nghĩ, tôi ở nhà chơi game, chơi gà chọi, chơi với con. Lãnh hải tít ngoài kia ảnh hưởng gì đến mà phải làm này nọ để giống anh Điếu Cày đi tù. Gì chứ tù tôi sợ lắm, đói rét lại lao động nặng nhọc, lại bị cán bộ đánh đập, cùm xích..

Ấy cái bọn Tàu nó biết thanh niên , trai tráng nước tôi thế nào. Giờ nó ngang nhiên đem 29 tỉ đô đầu tư khai thác thăm dò dầu khí trên vùng biển nước tôi. Nó xây những cái giàn khoan khổng lồ hút tài nguyên nước tôi. Đồng thời nó đưa quân đội trang bị tối tấn lượn lờ xem có thằng ngư dân nào Việt Nam tò mò lại gần nó bòm chết luôn. Nó bảo là dân chúng mày muốn ăn cá biển thì lên Lạng Sơn mà mua cá chúng tao đóng hộp, chế biến vệ sinh. Láng cháng ra biển hôi cá của tao làm gì mà thiệt mạng. Nước mày làm gì có biển đâu mà đòi đi đánh cá.

Thôi thì nghĩ cũng nhịn, như cái chủ trương rỉ tai nhau là chúng nó mạnh, mình yếu. Mình kheo léo đàm phán xem nó ngu không thì mình lấy phần hơn. Tốt hơn cả là bây giờ cầu Trời, Phật cho mấy thằng Tàu đàm phán với ta nó đãng trí mà ta được phần lợi .

Mấy ông thanh niên ti toe gửi pm nhặng lên kêu gọi 6-12 này ra đại sứ Trung Quốc biểu tình. Lập tức bọn TQ nó cho hai thằng an ninh cấp cụ, chuyên gia chống biểu tình, bạo động sang thăm và trao đổi kinh nghiệm với công an ta. Thằng Giả Khánh Lâm và Mạnh Kiến Trú, trong đó thằng Mạnh là chuyên gia về an ninh nội bộ. Mẹ nó chứ, một đằng nó cướp ngoài biển, một đằng nó áp lực cho mình trị mình. Chúng nó quá tựu tin như là người Nam đã bị chúng thuần hóa hết rồi.

Cái vụ nó đầu tư 29 tỉ và thanh niên kêu gọi xuống đường ngày 6- 12 này thì mình chả muốn đi tí nào. Ở nhà mà chơi game lên cấp, chăm con gà chọi đến Tết này ra đá hội Xuân.

Nhưng bọn nó lại còn cho chuyên viên an ninh sang nữa thì không nhịn nổi.

Đã thế lại đi ra đấy chửi. Muốn đến đâu thì đến. Cho chúng mày đừng nghĩ có chuyên viên trấn áp sang là tao sợ. Đáng ra tao không đi nhưng vì bọn mày nghĩ dọa được thì tao lại càng đi.

Bu nó ở nhà chăm cho anh mấy con gà, nhỡ anh có mệnh hệ gì thì bu nó lấy trứng gà chọi tiếp tế cho anh. Ở trong tù anh chỉ cần mỗi bữa có 1 quả trứng gà là đủ chất sống rồi. Nếu ngày nào gà của anh nó nhẩy lên cấy khế trong vườn ăn quả, thì bu nó nhớ may cái túi ba gang. Đi lấy vàng về hối lộ để họ thả anh ra nhé.

6-12 . Ngày ấy tôi sẽ đi.

Hẹn gặp lại các bạn trẻ và các đồng chí công an nhé.

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2008

Tí Hớn đọc sách.

Tí Hớn cầm quyển Tứ Thư, nhưng Tí Hớn đọc sách Tứ Thư thế này.

- Ngày xửa ngày xưa có một ông vua đi bán cà chua bắt được con cua về nấu canh chua bán chẳng ai mua.

PB280180.jpg image by nguoibuongio
a chói mắt quá, chụp ảnh à ?
PB280184.jpg image by nguoibuongio
Đừng quấy rầy tôi, bỏ ngay cái máy ảnh xuống
PB280182.jpg image by nguoibuongio
Bực mình bỏ mũ ra rồi đấy, cảnh cáo lần thứ nhất.
PB280185.jpg image by nguoibuongio
Nhìn đi, đã biết bọn đầu trọc chưa ?
PB280177.jpg image by nguoibuongio
Ngồi chán nằm đọc, cứ như thật ý. Hay là bắt chước bố là giỏi thôi
PB280191.jpg

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2008

Trường Dục Thanh.

http://vnexplore.net/index.php?destination=210

Năm 1909 Nguyễn Tất Thành (tên Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó) trên đường vào nam đã tìm tới nhà yêu nước Trương Gia Mô ở Bình Thuận, người vừa mới được ra khỏi nhà tù thực dân Pháp. Trương Gia Mô giới thiệu Nguyễn Tất Thành với Nguyễn Quý Anh lúc đó đang làm hiệu trưởng trường tiểu học Dục Thanh. Số phận và con đường cách mạng buổi bình minh của cuộc đời đi tìm đường cứu nước đã đưa Người đến với ngôi trường nhỏ Dục Thanh nằm kín đáo sát con sông Cà Ty để giờ đây Dục Thanh trở thành một di tích lịch sử mà có lẽ không người Việt Nam nào không biết tới.

Năm 1910 Nguyễn Tất Thành trở thành thầy giáo trẻ nhất. Năm đó Người tròn 20 tuổi. Tại đây Nguyễn Tất Thành đã nhận dạy Quốc Văn, Hán Văn và kiêm nhiệm môn thể dục. Ngoài ra thầy còn nhận dạy tiếng Pháp khi giáo viên Pháp văn vắng mặt.

http://www.binhthuan.gov.vn/TNDNCN/pages/index.asp?id=v22

Năm 1910 , trên đường đi cứu nước, Thầy giáo Nguyễn Tất Thành( sau là chủ tịch Hồ Chí Minh ) đã dậy học ở trường Dục Thanh. Khoảng tháng 2 năm 1911. Thầy Thành rời trường vào Sài Gòn...

-----------------------------------------------------

Rất nhiều nhiều thông tin sẵn sàng cho chúng ta biết trường Dục Thanh là nơi bác Hồ kính yêu của chúng ta giảng dạy. Tuy thời gian nhiều tin đưa không chính xác rõ ràng lắm nhưng hình như việc bác Hồ dạy học ở đó là có thật.

Nhân tháng 11 ngày nhà giáo . Ngày mà các học trò nhân dịp bày tỏ lòng biết ơn đến những người thầy cô. Tôi đi tìm hết các tư liệu xem có học trò nào hồi ấy học của thầy Nguyễn Tất Thành không mà chả thấy. Chỉ thấy toàn tư liệu này nọ, nơi bác dạy, nơi bác ở, từ cái giếng nước đến cái ghế......

Bạn nào phát hiện vị học trò nào từng học bác Hồ ở trường Dục Thanh thì cho mình biết thông tin với nhé. Ai đời đến lúc Bác Hồ làm Chủ Tịch Nước đủ kiểu người quen đến nhận Bác, mà chả thấy ông học trò nào kể lể,tâm sự lại những kỷ niệm với người thầy vĩ đại này.

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2008

Mỹ nữchinh đồ

Dạo này ở nhà hàng ngày nuôi gà chọi, đọc sách và tập chơi game Chinh Đồ. Chơi được 3 hôm lên cấp 37. Hôm nay cho nhân vật của mình chạy đến Bách Thú Cốc làm nhiệm vụ đánh 50 con hổ. Đang chạy lon ton gặp một nhân vật khác ai chơi có tên là Người Buôn Gió. Thằng nào ác thật, nó lấy tên đấy nhưng lại chọn nhân vật nữ. Hỏi nó mấy câu nó không thèm trả lời.

Đã thế phải cày cật lực suốt cho nhân vật của mình lên cấp nhanh, nhiều chưởng nặng. Tìm con ma nữ có tên Người Buôn Gió ở đâu là phang chết tươi luôn. Can tội mạo danh, láo nháo thật.

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2008

Sinh viên tình nguyện hay là cảnh sát chìm.

http://www.vietnamnet.vn/xahoi/2008/11/814588/

Giờ mới biết vì sao mà có vụ gì nhân dân tụ tập đông, lắm sinh viên tình nguyện có mặt để giúp đỡ cảnh sát giữ gìn trật tự thế.

Sinh viên nào cũng béo khoẻ lực lưỡng ghê.

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2008

Làng Mai giờ ở đâu ?

Sau những lần về thăm Việt Nam và tổ chức lễ đàn giải oan hoàng tráng ở Sóc Sơn. Thiền sư Nhất Hạnh và tăng đoàn Làng Mai đã góp phần vẽ nên bức tranh tôn giáo Việt Nam có những bước cải thiện mới. Tưởng chừng như thầy Nhất Hạnh đã tìm được lối về quê hương, với Phật Tử trong nước.

Hành vi hợp tác với nhà nước của thầy Nhất Hạnh đã là một điểm sáng, để qua đó nhà nước Việt Nam tỏ cho bàn dân thiên hạ thấy thiện chí của mình với các thành phần, tổ chức tôn giáo trong cũng như ngoài nước. Bao chí đưa tin rầm rộ như một người kháng chiến chiêu hổi, quay đầu về với chính nghĩa quốc gia. Sở dĩ tin này được chú ý làm nổi bật vì phục vụ nhiêù ẩn ý khác nhau. Thầy Nhất Hạnh và tăng đoàn Làng Mai rầm rộ kéo về Việt Nam cũng làm người ta thấy vai trò của của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam trở thành nhóm lạc lõng. Trong khi người ta ở nước ngoài còn hướng về tổ quốc dưới là cờ lãnh đạo của Đảng cộng sản quang vinh thì hoà thượng Thích Quảng Độ vẫn trung thành với tư tưởng của đức tăng thống Thích Huyền Quang gây nhiều phiền toái cho nhà nước.

Trong những lần về trước đó, không những hợp tác với nhà nước mà thầy Nhất Hạnh còn giao hảo với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam . Cái mà người dân Việt thường mỉa mai là Phật Giáo Quốc Doanh. Nhờ sự nhượng bộ này mà thầy Nhất Hạnh đã có nhiều sách xuất bản tại Việt Nam ngay sau đó. Gây được nhiều ảnh hưởng trong Phật Tử Việt Nam. Thường thì các Phật Tử Việt Nam với bản chất thấm nhuần đạo Phật nên ít khi để ý đến những bước đi lắt léo của trong Giáo Hội Phật Giáo. Họ theo đuổi Phật Giáo bởi tính nhân từ, đa cảm thường hay có sẵn trong tiềm thức dân tộc.

Tóm lại việc thầy Nhất Hạnh về nước, đăng đàn diễn thuyết dưới bức ảnh ông Hồ Chí Minh tại Hà Nội, thăm học viện Phật Giáo Sóc Sơn, lập đàn cầu siêu là bước đi mang tính chất chính trị mà nhiều bên có được hình ảnh đẹp trong con mắt dư luận.

Trong mấy ngày gần đây, không biết tăng đoàn Làng Mai đã hoàn thành nhiệm sứ mệnh chính trị của mình đối với nhà nước Việt Nam. Hay nhân cơ hội cắm chân để thực hiện mưu đồ khác mà nhà nước Việt Nam đã trục xuất, giải tán gần 400 tăng ni, đệ tử xuất gia của Làng mai ra khỏi Tu Viện Bát Nhã tại Lâm Đồng. Tu viện này mới xây cách đây không lâu, do tăng doàn Làng Mai khỏi dựng để làm hội sở. Có lẽ lý do là tụ tập tạm trú đông người, chưa được chứng nhận hộ khẩu tạm trú..

Nói cho cùng thì nhà nuớc chỉ công nhận duy nhất Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có đủ tư cách hành đạo trên lãnh thổ Việt Nam. Mọi tổ chức Phật Giáo khác không được công nhận, những giao tiếp chỉ mang tính nhất thời mà thôi.

Tốt nhất muốn yên ổn, thầy Nhất Hạnh hãy sát nhập Làng Mai vào thành một nhánh, tông của GHPGVN để nhà nước tiện quản lý nhưng không kiềm chế phát triển có định hướng ( lời quan chức VN).

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2008

cô giáo dạy văn.

Cô giáo dạy văn tên là Dung, năm cô dạy tôi hình như cũng là năm cô sắp về hưu. Cô thỉnh thoảng nói

- Các em cố học giỏi cho cô mừng nhé.

Cô hay ốm, thỉnh thoảng giờ văn lại có thầy , cô giáo khác dạy thay. Nhà cô ở tận Ngọc Hồi, cô đi xe đạp đến trường để dạy. Trường tôi học nằm trong khu phố cũ. Bọn tôi học buổi sáng, vậy cô đi từ nhà cô đến trường từ mấy giờ. Lúc học cô tôi chẳng để ý đến điều đó.

đến ngày 20-11. Những năm ấy thì đứa nào thích đi thì đi, rủ nhau theo nhóm. Góp tiền mua mấy bông hoa, cân cam,túi đường. Chỉ có hoa và quả thế thôi. Kéo đến nhà cô giáo chủ nhiệm bóc tất ra ăn. Có nhóm còn lời vì được ăn cam của nhóm khác. Học sinh bọn tôi chỉ đến nhà các thầy cô dạy các môn quan trong như toán, văn, ngoại ngữ.. còn các thầy cô bộ môn khác như hoạ, nhạc, thể dục, sinh, sử, địa gì đấy thì chả đứa nào đi. Hôm trước các lớp trong nhóm rục rịch bàn nhau đến nhà thầy chủ nhiệm dạy toán. Còn nhà cô Dung dạy văn xa quá, chả dứa nào nhắc.

Nhà thầy chủ nhiệm dạy toán ngay đường Trần Nhật Duật. Đa số học sinh lớp tôi đều quanh khu phố cũ lên đi đến nhà thầy rất gần. Buổi sáng mang hoa và cam, đường đến nhà thầy. Liên hoan ăn hết cam, thầy chủ nhiệm con sai con gái đi mua chanh về pha nước chanh vì sẵn đường đấy. Thành ra là chỉ có bó hoa còn lại, còn cam và đường thì học sinh mang đến học sinh xơi. Nhưng ngày ấy các thầy cô giáo rât vui, chả ai nghĩ chuyện quà cáp gì hết. Lúc ở nhà thây về hơn 9 giờ sáng, ra đến đường thấy mấy thằng nghịch nhất lớp rủ nhau đi trèo bàng. Tôi bất chợt nảy ý nghĩ rủ chúng đến nhà cô Dung. Kế hoạch được cả bọn nhất trí, chẳng phải là do hiếu lễ với cô Dung, thật ra chúng tôi kiếm cớ đi chơi mà thôi. Bố mẹ cho tiền đi mua quà thầy chủ nhiệm, đứa nào cũng bớt lại một ít. Chả đứa nào mua tất cả dù số tiền vốn bố mẹ cho đã không nhiều. Nhưng đứa nào cũng thăn lại một ít để tiêu riêng. Kiểm tra cả hội cũng đủ tiền mua bó hoa đồng tiền. Thế là năm thằng quay lại nhà thầy chủ nhiệm hỏi nàh cô Dung. Thầy có vẻ ái ngại. Thầy vẽ đường ra tờ giấy rất cẩn thận rồi đưa cho tôi. Thầy nói với năm thằng.

- các em đi vào nhà cô Dung đường hơi xa, đi phải cẩn thận, đi chờ nhau đừng để lạc nhau nhé. Thầy cho em làm tổ trưởng của nhóm. Em phải bảo các bạn lúc đi đường nhé.

Tôi đứng nghiêm như quân nhân nhận lệnh cấp trên. Lần đầu tiên tôi được thầy tin tưởng giao nhiệm vụ. Năm thằng chúng tôi ở lớp là một lũ ôn dịch phá hoại. Cả năm thằng đều có cuốn sổ liên lạc riêng . Cứ sau mỗi tiết lại lần lượt vác lên xin thầy, cô bộ môn nhận xét tiết ấy kỷ luật ra sao. Đến giờ chơi thì bảo vệ trường đến cửa lớp áp giải năm thằng ra một góc sân trường. Phải nói hôm ấy niềm vui phơi phới vì thầy cho tôi làm chỉ huy năm thằng. Cả bọn cũng vui, chúng tôi phấn khởi đạp xe lên đường.

Thầy chủ nhiệm vẽ đường rất dễ hiểu, chúng tôi tìm đến làng cô Dung. Hỏi mấy người dân đang hái hành trên ruộng. Họ chỉ nhà cô ở ven làng. Chúng tôi đến lúc cô đang hái rau bờ ao chuẩn bị bữa ăn. Cô Dung có hai con gái, một đứa hơn chúng tôi khoảng 2 tuổi, đứa kia kém khoảng 2 tuổi. Cả hai đứa đang ngòi học bài, trông chúng hiền lành và chăm chỉ. Đối với năm thằng cá biệt như bọn tôi, chúng ở thế giới khác, ở một tầng lớp khác. Tôi cứ tưởng con cô phải rất lớn cơ, về sau tôi mới biết chồng cô đã có vợ trước. Cô là vợ hai, cô lấy chồng muộn, mà chồng cô ở nhà vợ cả ngoài Hà Nội. Thỉnh thoảng mới về nhà cô. Nhà cô Dung sạch sẽ và thoáng, có cái cửa sổ song gỗ nhìn ra cái ao mà bờ ao được xếp bằng gạch. Cô rất mừng thấy chúng tôi đến, hình như cô cũng không nghĩ là có học sinh đến nhà cô vào ngày này. Hai đứa con gái ngỡ ngàng nhìn chúng tôi, chúng nhận thấy bọn tôi là lũ láo nháo lên lại cúi đầu học tiếp. Cô Dung lấy nước cho chúng tôi uống, nước nhân trần có cam thảo ngọt. Cô hỏi han bọn tôi đi thế nào rồi cô bảo cứ chơi cô xuống thổi cơm, cô bảo chúng tôi ăn cơm với nhà cô. Cô xuống bếo thổi cơm còn chúng tôi ra vườn chơi, nhìn thấy cây cối cái gì bọn tôi cũng thích. Nhất là cây cam thảo, cả bọn châu đầu vào vặt nhành cây gặm. Rồi đi bắt châu chấu bẻ chân ném xuống ao. Chán mấy thằng đi tìm tổ dế, tôi xuống bếp xem cô nấu cơm. Lúc tôi ngồi xem cô đun bếp bằng những cành cây nhỏ khô. Cô nói.

- Hiếu này. Cô thấy em rất có khả năng học, sao em không tập trung mà học. Các bạn khác họ chỉ chăm thôi chứ không tiếp thu nhanh như em. Nếu em cố gắng học sau này em là người rất giỏi đấy. Lúc nào chấm bài văn của lớp, cô rất thích xem bài của em. Tí nữa cô cho em mấy quyển sách. Em cầm về đọc thêm ở nhà, đấy là sách nâng cao học môn văn. Em đừng nghịch ở lớp nữa. Lúc nào cô cũng nghĩ con người em khác những gì em đã làm. Mỗi lần em mang sổ lên cho cô nhận xét, cô rất buồn. Bạn khác thì cô không buồn như thế.Nhưng em khác với các bạn cá biệt nhiều. Nếu em chịu khó sau này có thể thành nhà văn đấy.

Tôi cúi đầu lí nhí.

- Vâng ạ

Cô hỏi

- Thế đi học xong về nhà em làm gì ?

Tôi thưa.

- Em đi bán hàng với mẹ em ạ.

Cô ngạc nhiên hỏi

- Thế mẹ em bán hàng gì ?

Tôi thưa.

- Mẹ em bán dép nhựa rong ngoài hồ Gươm. Lúc nào em đi học về em ra trông hàng cùng mẹ, để mẹ em còn đi lấy thêm hàng hay đi về nhà vệ sinh. Cả trông công an từ xa để mẹ em còn chạy nữa ạ.

Cô hỏi nữa

- Bố em có đi làm gì không ?

Tôi thưa.

- Bố em ốm chỉ nằm trên giường thôi, bố em bị lao, cả ngày cả đêm ho, khạc cả ra máu cô ạ. Bố em bảo bố em không sống được lâu đâu.

Cô Dung không hỏi nữa, cô đặt tay lên gáy tôi thở dài. Chúng tôi ăn cơm ở nhà cô, bọn con gái nhà cô rất ngoan, chúng đi lại nhẹ nhàng. Nói chuyện với mẹ thưa gửi, vâng dạ đâu ra đó.Lúc về cô đưa cho tôi hai cuốn sách bọc trong tờ báo.

Năm ấy tôi được cử đi thi học sinh giỏi văn thành phố. Buổi sáng sau giờ văn cô dạy, tôi chạy lên giơ cuốn sổ xin ý kiến nhận xét kỷ luật trong giờ. Cô ghi nhận xét xong đưa cây bút cho tôi nói

- Cô cho em mượn bút đi thi, bút đầy mực đấy. Chiều em thi xong mai trả cô. Nhớ chuẩn bị bút đề phòng hỏng có cái thay.

Buổi trưa tôi mang cơm cho mẹ. Mẹ ra ghế vườn hoa Lý Thái Tổ bây giờ ngồi ăn. Thường thì buổi trưa công an không đi cho nên mẹ chủ quan để tôi trông. Tôi đang ngồi thấy bóng công an đến hét

- Mẹ ơi công an.

Mẹ quăng cạp lồng cơm chạy đến xốc gánh hàng lên vai quảy bước chạy, nhưng không kip nữa. Hai chú công an đã nắm được đòn gánh quát.

- Chạy đâu cái con mụ này, về đồn.

Mẹ tôi chắp tay xin, mẹ nói

- Tôi lạy các anh làm phúc, tôi nghĩ buổi trưa vắng người không ai qua lại mới để ven đường. Mọi khi tôi toàn ngổi trong chỗ Trần Nguyễn Hãn. Các anh thương mẹ con tôi. Khổ quá tôi chưa ăn gì từ sáng, cháu nó mang cơm ra đói quá vội ăn. Không kịp gánh hàng vào trong.Tôi van các anh cho tôi nuôi cháu. Bố nó ốm nằm nhà mấy năm nay rồi.

Mặc kệ mẹ rớm nước mẳt. Hai chú công anh mặt lạnh như tiền kéo lê hai thúng dép đi, để mẹ đứng trơ trơ với cái đòn gánh trên vai.Hai chú kéo được chừng mấy mét thì một chú dừng lại quát.

- Mày mà không tự giác gánh về, để bọn tao phải lôi về đồn thì bọn tao thu sạch.

Mẹ tôi lồng đòn gánh vào đôi quang, khóc nức nở gánh theo hai chú về đồn. Tôi thu dọn cái cạp lồng cơm mẹ vừa ăn mấy miếng vất tung toé. Bước thấp bước cao chạy theo. Về đồn gánh hàng bị nhốt trong kho. Mẹ tôi cứ ngồi ở ghế gặp công an nào ra vào cũng trình bày, xin xỏ. Nước mắt ngắn dài. Chỉ có một chú nói nhẹ nhàng

-Chị cứ ngồi đấy tí nữa giải quyết.

Còn các chú khác mỗi người quát một câu khác nhau

- Im cái mồm đi, đây là nhà bà à mà bà nói lắm thế.

- Thu hết cho lần sau chừa, đừng lằng nhằng.

Mãi sau có một chú gọi mẹ tôi vào kho, lấy một đôi dép chú ấy đi thử. Chú hỏi

- Đôi này bao nhiêu tiền

Mẹ tôi rối rít.

- Anh cứ lấy mà đi, không đáng bao nhiêu đâu ạ. Anh cho tôi xin đôi dép cũ tôi cân nhựa cũng gần bằng vốn mà.

Chú ấy xỏ đôi dép mới, bỏ lại đôi dép cũ đi vào trong. Lát sau một chú khác ra gọi mẹ tôi bảo

- Thế bây giờ muốn thu hết hay nộp phạt.

Mẹ tôi hoảng hốt xin nộp phạt. Nhìn tờ biên lai ghi tiền phạt mẹ tôi sững người. Một lúc mẹ móc tiền ra nộp. Gánh hàng ra khỏi đồn một quãng, mẹ tôi ngửa cổ lên trời nấc tiếng kêu.

- trời cao đất dày ơi ! Sao số tôi khổ thế này.

Sáng sau tôi trả bút cho cô Dung. Cô hỏi tôi làm bài tốt không. Tôi ngập ngừng nói rằng buổi trưa ngủ quên đến 4 giờ chiều mới thức. Cô Dung nhìn tôi đầy tức giận, cô nói.

- Không thể giáo dục nổi nữa.

Từ đấy cô chả bao giờ nói gì với tôi. Lúc nào gặp hành lang tôi chào thì mặt cô lạnh tanh.

Giờ cũng đã 24 năm trôi qua. Tôi đủ suy nghĩ dẻ hiểu vì sao lúc ấy cô giận tôi đến như vậy. Có lẽ cô nghĩ niềm tin cô đặt vào tôi là không đúng chỗ. Đôi khi tôi định viết một tập truyện ngắn in ra. Tìm đến cô vào ngày 20-11 để làm quà. Để chứng tỏ niềm tin của cô với tôi không phải là vô căn cứ. Nhưng chả khi nào tôi tập trung viết nổi. Tuy có nhà xuất bản hay nhà sách hối thúc tôi viết để họ lo mọi thủ tục in ra. Và lúc tôi quyết tâm thu xếp cuộc sống để ổn định viết. Tôi chợt nhớ rằng.

Cô Dung cách đây 24 năm đã sắp về hưu. Liệu giờ cô ở đâu để đọc được sách của tôi nếu tôi viết.

En try này viết tặng cô nhân ngày 20-11 thau cho tập sách chẳng bao giờ viết được.

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2008

Bắt đầu cho một tình yêu.

Tình yêu bắt đầu từ muôn ngàn cách. Từ cuộc gặp ở sinh nhật, đám cưới, từ cuộc vui này .. hay là đụng xe, gặp trên tàu....

Một lần tình yêu từ quán phở. Tôi ngồi cạnh ống đũa.

Nười phục vụ bưng bát phở chocô gái vào sau ngồi cạnh tôi. Cô ấy ngần ngừ nhìn ống đũa. Có lẽ cô ấy phân vân là nhờ tôi lấy hay vươn tay qua mặt tôi tự lấy. Khi cô ấy chưa nghĩ xong, tôi đã chọn xong một đôi đũa rất đều nhau, đặt lên miệng bát phở cô gái. Cô bất ngờ không nói nổi, cứ ấp úng rồi đỏ mặt ăn. Cô vừa ăn vừa liếc nhìn tôi.

Sau đó khoảng hai tháng, tình cờ đi một đám cưới. Chúng tôi gặp nhau. Tự dưng cười và hỏi nhau về mối quan hệ với chú rể. Khi cô ấy đi một mình như tôi thì tất nhiên chúng tôi sẽ ngồi cùng bàn. Đũa của đám cưới từng đôi một bọc trong giấy. Cô cầm đôi đũa của mình lên và nói.

- Thế là anh không có cơ hội lấy đũa cho em nhỉ ?

Thưở ấy thì tôi còn lãng mạn lắm. Cho nên tôi triết lý ra vẻ là người sâu sắc.

- Người ta bảo trong đời cơ hội không có nhiều em ạ. Và anh đã không bỏ qua cơ hội.

Chúng tôi cùng đi đón dâu theo nhà trai, và lại tất nhiên là tôi chở cô ấy. Tôi lại ba hoa về đôi đũa, tôi nói rằng thực ra một đôi đũa mà ta đang cầm. Không phải từ một cây tre. Có khi một chiếc là tre Thanh Hóa, một chiếc là Tuyên Quang. Người làm đũa nhập tre khắp nơi về. Pha cây to thành bao nhiêu đoạn rồi người khác chẻ nhỏ chất đống cho người khác vót. Nói chung qua bao nhiêu công đoạn rồi đến tay người dùng. Cũng như một đám cưới vậy, cô dâu chú rể trước kia ở mãi đâu. Rồi dòng đơi đưa đẩy thế nào họ gặp nhau và thành vợ chồng.

Sau đám cưới tôi đưa cô ấy về nhà. Chúng tôi hẹn nhau tuần nữa đến chơi nhà cặp vợ chồng mới ấy. Rồi cứ lằng nhằng hẹn nhau việc này, việc kia đến khi công nhận là yêu nhau. Có lúc bên nhau,cô ấy ngả đầu vào vai tôi cười bẽn len nhắc chuyện ngày đầu.

- Anh chả bỏ lỡ cơ hội nào của chúng mình đâu nhỉ ?

Năm sau thì tôi bỏ lỡ, và nếu gọi là bỏ lỡ thì có nghĩa chuyện tình tôi và cô ấy chả đi đến đâu. Cũng như bao cuộc tình sau này, tôi vẫn bỏ lỡ. Vì sao ư ? Vì ti tỉ thứ nếu như cần thanh minh. Nhưng câu chuyện để tôi viết ngày hôm nay là dành cho một chuyện tình của người khác chứ không phải là chuyện cũ của tôi. Cái chuyện ngày xửa ngày xưa cũ kỹ quá rồi có gì mà nói.

Hôm qua, không ngại xa xôi. Một đôi bạn trẻ đến nhà tôi chơi. Tay trong tay, trông họ tràn trề hạnh phúc. Cả chàng và nàng đều tốt nghiệp đại học, công việc ổn định. Là người nghiêm túc và chín chắn về suy nghĩ và tình cảm như họ. Chắc chắn ngày tôi nhận thiếp mời cũng không xa.

Và họ quen nhau thế này.

Một ngày năm mùa đông năm ngoái. Ngày 23-12. Ngày này chắc khối người nhớ, nhất là em Trang Hạ vì em ấy cũng có dự phần làm nên câu chuyện tình của đôi bạn trẻ này. Ở ven hồ Hoàn Kiếm có một số nhóm thanh niên định tuần hành phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh âm mưu hợp thức hóa thôn tính hai quần đảo Trường Sa _ Hoàng Sa của Việt Nam. Công an quận Hoàn Kiếm và các phường quanh đó tỏa ra ngăn chặn. Tiện quân đâu bắt người thì mang về nơi ấy nhốt. Chàng và nàng không biết nhau, nhưng nhờ các chiến sĩ công an phường Hàng Bạc tận tụy bảo vệ tình hữu nghị Việt - Trung. Cho nên họ nhốt cả vào đồn. Sau hồi hoach họe, dọa nạt tìm xem ai xúi dục không có kết quả. Điều tra thân nhân thì lại là con em đảng viên, bản thân gương mẫu, trình độ đại học trở lên. Tham gia công tác đoàn đội hàng kỳ. Các đồng chí công an đành nhốt cả ngày cho bọn mày sáng mắt.Cốt để uy hiếp tinh thần cho chúng mày lần sau cạch cái thói phản đối này nọ.

Cái đôi bạn trẻ chưa một lần đối mặt với công quyền ở vị trí phạm tội ấy đáng ra phải lo lắng, sợ hãi. Đằng này họ lại tỉ tê hỏi han nhau trước mặt chiến sĩ công an trực ban. Khi rời khỏi đồn họ đã có những gì để lần sau gặp lại. Và câu chuyện họ gặp lần sau bên ly cà phê vẫn là câu chuyện Hoàng Sa- Trường Sa. Gần một năm sau họ đến chơi với tôi như đã kể trên.

Rất tiếc là tôi không thể hỏi chi tiết, để dựng lên một câu chuyện tình thật đẹp, thật lãng mạn và cũng đầy bất ngờ như vậy. Tình yêu đúng là bắt đầu từ hàng triệu cách làm quen.

Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.

Có lẽ đôi bạn trẻ ấy chẳng bao giờ quên được cái ngày, cái nơi mà họ lần đầu gặp nhau như cố thi nhân Thế Lữ đã tả.

Cơ hội của tình yêu cũng kỳ lạ phải không các bạn.?

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2008

Mật Tông và chuyến thăm của Pháp Vương.

Xem hình

Đây là ln th hai ngài đến thăm Vit Nam, ln th nht cách đây gn 1 năm.

Đc Pháp Vương Gyalwang Drukpa đi th XII là mt bc chân tu đáng kính. Cuc đi tu hành ca ngài được luân hi t nhiu kiếp. Truyn luân hi, hoá thân là mt trong nhng nét tiêu biu đc đáo mang đy màu sc huyn thoi Tây Tng. X s ca muôn vàn điu kỳ bí. Đc Pháp Vương thuc dòng phái truyn tha . Dòng này Vit Nam gi là Mt Tông.

S ra đi ca dòng Mt Tông ti Vit Nam.

Sau s kin đàn trn ym sông Tô Lch, người ta có biết đến v mt dòng Mt Tông Vit Nam. Dòng phái này có cha đy huyn bí, cao siêu Li đn rng ch có người tu hành thuc dòng Mt tông mi đ cao tay đ gii tr đàn trn ym ca Cao Bin đ li.

Trong mt lch s đy biến lon Vit Nam, Pht Giáo tri qua nhiu giai đon thăng trm. Mt dòng tu ni bt nht là Thin Phái Trúc Lâm do vua Trn Nhân Tông sáng lp. Tư tưởng ca dòng tu này phù hp vi người Vit Nam và cũng tôn cao tính cách Đi Vit. Nhưng sau này nhà H và nhà Lê nhn thy nh hưởng ca Trúc Lâm liên quan ti nhà Trn. Cho nên thin phái Trúc Lâm dn dn b mai mt.

Tri qua nhiu năm. Đến thi kỳ bình thường hoá quan h vi Trung Quc ca nước CHXHCN VN. Cùng vi s tràn ngp v hàng hoá cũng là tràn ngp v văn hoá. Nhn thy cn phi có mt dòng tu đ sc quyến rũ vi Pht T. Ngày n Đi Đc Thích Viên Thành, ch trì chùa Hương theo gi ý và đng ý ca... lên đường sang phương Bc du nhp v dòng Mt Tông. Tây Tng lúc này đã nm trong vòng kim soát do tài năng ca H Cm Đào nhiu năm trước dy công gây dng.

Chính vì Mt Tông chưa đng s huyn bí, mt trong nhng yếu t rt hp dn vi tâm lý người Vit Nam. Và đng thi văn hoá Tây Tng lúc này đã không còn nguyên thu như xưa, chính quyền Trung Quốc đã nỗ lực biến nền văn hoá Tây Tạng cho phù hợp với Đại Hán. Bởi thế Đi Đc Thích Viên Thành dng đem văn hoá ca dòng truyn tha Tây Tng này v ph biến Vit Nam.

Mục đích chuyến viếng thăm.

Thật ra thì chuyến viếng thăm của Pháp Vương lần này tới Việt Nam là theo lời mời của một số đệ tử của cố Hòa thượng Thích Viên Thành, tức dòng tu Mật Tông tại Việt Nam. Mục đích mượn hình ảnh của một vị Pháp Vương bên Tây Tạng để các Phật Tử trong nước thấy sự hoành tráng của dòng tu này. Một số chùa theo dòng tu này như Quang Ân, Vĩnh Nghiêm, chùa H.. là duy trì dòng Mật Tông. Tâm lý của người Việt vốn sùng ngoại, một nhân vật mang đầy huyền thoại về luân hồi có giá trị hơn một ông vua Việt tự rời bỏ ngai vàng lên núi tu hành. Trong Phật Giáo Việt Nam thì đây như là một cuộc quảng bá dành thị phần, dành Phật Tử không hơn không kém. Dòng tu nào có tiềm lực kinh tế, có hỗ trợ của nhà nước ắt sẽ dành được nhiều đệ tử cho mình hơn. Bởi vậy những nhà tu hành theo dòng Mật Tông Việt Nam rất nỗ lực, bỏ nhiều tài lực để dựng một hình ảnh hoành tráng, trang trọng và uy nghi đến các Phật Tử qua chuyến thăm của Pháp Vương. Qua đó cũng đánh bóng vai trò của dòng tu mình với Phật Tử nói chung.

Do sự tuyên truyền mập mờ và nhận thức của các Phật Tử Việt Nam. Người ta nghĩ Pháp Vương là một vị có tiếng tăm và ảnh hưởng lớn lắm trên Phật Giáo thế giới, dạng như đức Giáo Hoàng của Thiên Chúa Giáo. Nhưng không, ở bên xứ của ngài, Pháp Vương nhiều như Hòa Thượng của ta vậy. Và đừng quên ở xứ Tây Tạng, lòng người vẫn hướng về vị Lạt Ma lưu vong hơn là những Lạt Ma được sự đồng ý của chính quyền độc tài Trung Quốc.

Chỉ buồn là dòng Thiền Trúc Lâm tuy đã có nhiều vị cao tăng tâm niệm gây dựng lại, nhưng chưa đi đến đâu. Thì kèm với sự quan hệ chính trị hai nước Việt Nam- Trung Hoa có nhiều nền văn hóa khác đang dần lất lướt nền văn hóa Việt Nam.

Ngoài câu '' Bụt chùa nhà không thiêng" ra. Còn có nhiều vấn đề khác nữa đưa đẩy Phật Giáo Việt Nam dần khỏi cái lịch sử huy hoàng của nền văn hóa Phật Giáo Luy Lâu. Một nền văn hóa Phật Giáo có trước Trung Quốc từ rất lâu.

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2008

Chuyện nhà bạn.

Bạn mình ( hay là cô em, con em gì gì cũng được) làm nghề viết. Có đứa con gái lớn 8 tuổi. Tuần trước thấy thiếu thiếu cái gì. Bèn nhân lúc nắng ráo , trời đẹp sinh thêm thằng con nữa cho có nếp, có tẻ. Hay như chồng bạn ý nói '' để ra tòa có cái mà chia''.

Chồng bạn ấy kém mình một tuổi. Lần thứ nhất mình gặp cậu ta trong một buổi rượu ở nhà người khác, lần sau ở nhà mình, lần sau nữa thì ở quán ngoài đường chỗ ga Trần Quý Cáp.

Cậu này trước làm nghề in, tay nghề rất giỏi. Cô vợ làm báo. Chả biết nhà báo mò đến xưởng in hay là thợ in đến tòa soạn lấy bản bông. Nói chung cái lão Tơ cũng kèm nhèm hay rượu. Lão ấy cứ vớ hai đẩu chỉ mà tết với nhau. Như là nhà cái xóc bát đĩa, ngửa tư sấp ba bên nào thì bên ấy được. Kể thì tù mù, sanh chính nhưng cũng có cái hay.

Đêm ấy mình rất cần in mấy hộp các vi dít cho mấy ông đàn anh. Đúng là là là loại đàn anh chuyên bắt nạt, nửa đêm sai đi in các. Đến in lưới đã khó, đằng này đòi in bản kẽm cơ. Bí bách quá chợt nhớ đến chồng cô em. Gọi điện lúc 11 giờ đêm mùa đông thấy bảo chồng em đang uống rượu ngoài ga, anh ra đấy là thấy.

Ra đến nơi thây cơ man là quán nhậu, ngó mãi thấy ông thợ in. Mặt mũi tưng bừng đang hò hét đốc thúc cả hội nhậu chừng chục chú nâng cốc. Ghé vào chưa nói gì cậu ta đã rót chén rượu cho. Nhắm mắt làm một hơi rồi trình bày việc gấp. Cậu ta gật gù.

- Anh làm chén rượu này, bát phở này cho ấm người chắc dạ. Thì mới làm việc được. Đâu sẽ có đó. Anh không phải lăn tăn.

Không lăn tăn. Nửa đêm thế này, các ông anh đang ngồi lo sốt vó chốc lại nhắn tin. Tin nhắn lại nói là '' anh em trông chờ vào khả năng của mày, không có mai họp khách hàng hỏng hết viêc''. Mình kiên nhẫn đợi cậu thợ in khề khà hết tuần rượu này, đến tuần rượu khác. Rồi trong đám đó có người nói.

- Thôi đi đi, để ông anh kia ngồi chờ ông lo đến tái mặt kia kìa.

Lúc ấy cậu thợ in mới chịu dừng. Hai anh em đi lang thang tìm hàng nào để in bản can. Ra đến Hàng Điếu bị nó chặt gấp 8 lần cũng đành chịu. Rồi mò xuống tận Đền Lừ vào tít cái ngõ tìm xưởng in. Xuống đên nơi bản can không chất lượng, lại phải đi tìm bút để tô lại từng nét. Đêm tối tô hỏng mẹ nó cả bản gốc. Lại mò đi lên mạn Hoàn Kiếm tìm chỗ in can. Có chỗ in thì lại không có giấy can, đi mua giấy can ở Lý Thường Kiệt về nhà bạn in nhờ. Chạy lại chỗ xưởng in thì 2 giờ đêm. Bắt đầu phơi bản kẽm chạy màu lần 1. Thì cái hội xưởng in rủ đánh bài chắn ăn tiền. Cậu thợ in nghe thấy vậy xừng xực ngả bài ra chia. Đêm ấy thế nào mà cậu ta toàn ù bạch định, tám đỏ mình cũng ù mấy ván to. Kết thúc hai anh em được hơn triệu rưởi, trả tiền in các hết 120 nghìn. Mình áy náy quá, định bảo cậu ấy trả. Cậu ấy bảo cờ bạc sòng phẳng, làm ăn là làm ăn. Nó định thịt anh em mình không được thì nó chết. Đời là thế.

Cậu ấy trả tiền in các cho mình, xong đưa thêm mình 500. Mình cầm mấy hộp các đã sướng run bần bật, làm gì mà dám cầm thêm tiền nữa.

Ông thợ in chồng cô em ấy lại có máu chơi gà chọi. Vợ chăm chỉ kiếm tiền, chồng thì chỉ chú đầu vào gà. Lần vợ đẻ đứa thứ nhất, trong nhà không có tiền. Vợ bảo bán gà nhất quyết không. Sau con gà ấy lăn ra chết. Sau 10 năm chung sống cô vợ rút ra kinh nghiệm thế này.

- Cứ con gà nào người ta trả giá cao không bán, sau đó thế nào cũng lăn ra chết.

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2008

Hà Nội mùa lắm những cơn mưa

Hanoilamnhungconmua.mp3 -
Hà Nội mùa này phố cũng như sông
Cái rét đầu đông, chân em run ngâm trong nước lạnh
Hoa sữa thôi rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố
Đường Cổ Ngư xưa, ngập tràn nước sông Hồng...

Hà Nội mùa này chiều không có nắng
Phố vắng nước lên thành con sông
Quán cóc nước dâng ngập qua mông
Hồ Tây, giờ không thấy bờ...

Hà Nội mùa này lòng bao đau đớn
Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay
Cho đến đêm qua lạnh đôi chân
Giờ đây, lạnh luôn toàn thân.

Hà Nội mùa này phố cũng như sông
Cái rét đầu đông, chân em thâm vì ngâm nước lạnh
Hoa sữa thôi rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố
Đường Cổ Ngư xưa, ngập tràn nước sông Hồng...

Hà nội mùa này người đi đơm cá
Phố vắng nước lên thành con sông
Quán cóc nước dâng ngập qua mông
Hồ Tây, tràn ra Mỹ Đình

Hà Nội mùa này lòng bao đau đớn
Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay
Cho đến đêm qua lạnh đôi chân
Giờ đây, lạnh luôn toàn thân





Thứ Ba, 4 tháng 11, 2008

Tự hào là người Việt qua hành động.

Đề nghị các đồng chí Thảo, Nghị, Nhanh khẩn trương lội nước như thế này để báo chí lấy hình ảnh, tư liệu. Kịp thời phục vụ mục đích tuyên truyền.

Click the image to open in full size.

Các chú đợi đấy, bọn anh vừa tổng kết thành công vụ Tôn Giáo ở Hà Nội. Bây giờ mệt lắm, để mai anh đi. Các chú chr động , đừng ỷ lại các anh. Bọn anh nhiều việc lắm. Riêng bắt tay hỏi thăm hết mẹ nó nửa ngày rồi.

Chủ tịch hết tiền nạp điện thoại.?

trích theo http://dantri.com.vn/Sukien/Doi-my-tom-giua-Venice-cua-Ha-oi/2008/11/258469.vip

Tối qua, 4/11, chúng tôi đã nhiều lần cố gắng liên lạc bằng điện thoại với ông Nguyễn Thế Toàn - chủ tịch UBND phường Tân Mai nhưng máy đều báo không thể liên lạc

Quân của đồng chí Thảo , Nghị chưa có tiền nạp điện thoại. Cho nên dân ngủ ngã xuống nước chết, đưa con đi viện bằng chậu, không có cái ăn. Giá cả leo thang. Nhưng đồng chí Toàn chủ tịch phường đi ngủ sớm với vợ tắt máy hay hết tiền nạp điện thoại. Khi mà mực nước ở địa bàn đồng chí có chỗ sâu 1,5 m. Điện thaọi của đồng chí không liên lạc được.

Mọi khi có chuyện gì, động một tí là các đồng chí lão thành cách mạng, các dồng chí cựu chiến binh, hội phụ nữ lên tiếng gay gắt lắm. Báo, đài đưa tin là các đồng chí ấy bức xúc. Chao ôi ! tiếng nói của các đồng chí ấy mới trọng lượng làm sao. Các đồng chí ấy luôn đại diện cho nhân dân cất lên tiếng nói mạnh mẽ. Lên án những bọn cơ hội chính trị, bọn đội lốt dân chủ, bọn công giáo, bọn thế lực thù địch bên ngoài.

Nay cán bộ chính quyền của các đồng chí làm đã chẳng gì, nói cũng chẳng vào đâu. Trẻ em, người già vì nước mưa đọng trong thành phố mà chết đuối. Các đồng chí lão thành, CCB, hội Phụ Nữ sao mà im re thế. Hay mỗi lẫn nói thế kia các đồng chí có bồi dưỡng 50 nghìn đến 100 nghìn. Lần này ý kiến chả ai cho nên không nói chăng ?

Bây giờ không hỏi ông chủ tịch , bí thư đi đâu. Mà còn hỏi các lực lượng mọi khi to mồm để bảo vệ thành quả cách mạng kia giờ ở đâu mà không cất tiếng nói để các cấp chính quyền cói hành động thiết thực , hỗ trợ cho nhân dân. Hay các đồng chí ấy cũng đồng ý với chính quyền , đây là cuộc diễn tập thôi. Nhân dân chủ động đừng ỷ vào nhà chính quyền.

Nhớ cái vụ cụ Hoàng Minh Chính bị các đồng chí ấy xúm lại chửi bới ở sân bay , khí thế hừng hực. Rồi vụ Toà Khâm Sứ các đồng chí hăm hở đi. Có đồng chí đeo huân huy chương còn nói '' đm Mỹ còn đánh được giờ sợ thằng nào'' giữa đám giáo dân ở Nhà Trung. Rồi vụ công an bắt Trần Khải Thanh Thuỷ các đồng chí bừng bừng lửa giận ném đá theo, phẫn uất gào '' con phản bội đánh chết đi'' nhiều và nhiều nữa

Nhưng khi Trung Quốc lập Tam Sa, khi nước mưa đọng lại thành phố chưa thoát làm chết 20 mạng người. Các đồng chí ở đâu mà lãnh cảm thế, mà vô tình thế.

Hay là mưa to quá, mặt nạ trôi hết cả rồi.