Thứ Ba, 22 tháng 1, 2008

Thuyết minh về bức thư công khai của tôi

Tam Dương dịch
Gần đây tôi đã nối lại điện thoại bị tôi tự cắt gần một tháng, điện thoại di động cũng thường xuyên mở, và không ngừng có tin đến, đặc biệt là phóng viên: “Hiện nay ông an toàn không? Có bị bên ngoài quấy rối không?”

Tôi nói: “Tôi rất an toàn. Vừa không bị quấy rối, càng không bị cường bạo.”

“Ồ? Bên ngoài truyền tin internet của ông bị ngăn chặn…”

Tôi nói: “Chẳng qua là bị virus một tí. Công tác, đời sống của tôi hiện nay, tất cả đều rất bình thường!”

Các phóng viên vô cùng thông minh: “Ông phát biểu bức thư công khai gửi những người lãnh đạo nhà nước Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, theo tình hình trước đây thì…, liệu có thể nói như thế này: hiện nay sau Đại hội 17, không khí, môi trường chính trị Trung Quốc biến thành tốt rồi không?”

Tôi nói: “Có thể nói như vậy!”

Phóng viên: “Bên ngoài rất quan tâm đến sự an toàn của ông. Có người nói: an toàn của ông có thể là máy đo chiều gió của chính trị Trung Quốc đấy!”

Trả lời: “Được, thật ra dân chúng trong nước quan tâm đến sự an toàn của tôi. Tôi giả định như thế này: nếu tôi biến mất một cách không ai rõ, thì chúng ta trở thành xã hội đen; nếu như tôi bị bắt giữ như Lâm Chiêu, Trương Chí Tân [1] thì chúng ta lại quay về những năm tháng đen tối của Đại Cách mạng Văn hoá; nếu như đưa tôi ra toà án? Thì nên nói là chúng ta là một xã hội có khuyết điểm nhưng vẫn còn tốt, nhưng điều này không có khả năng! Thế nhưng nếu tôi rất an toàn, muốn nói thì nói, người nào muốn phê bình tôi thì phê, thế thì xã hội Trung Quốc tràn đầy hy vọng!”

Phóng viên: “Ông có thể nói một chút: hai vị lãnh đạo Hồ, Ôn đối với bức thư công khai của ông…?”

Trả lời: “Gần đây tôi đã từ chối phỏng vấn của phóng viên hãng Reuters, đài Tiếng nói Hoa Kỳ… Còn có rất nhiều phỏng vấn của giới truyền thông Trung văn, trả lời của tôi là nhất trí: “Xin lỗi, tôi không muốn nhận phỏng vấn về các vấn đề chính trị. Bởi vì tôi không phải là một nhà chính trị, càng không phải là một nhà tuyên truyền. Bức thư công khai đó của tôi chỉ là với tư cách một công dân, trình bầy những quan điểm của mình với lãnh đạo tối cao và xã hội, nói xong là xong, không cần phải lặp lại. Với tư cách là một nhà doanh nghiệp, tôi còn có những việc của mình phải làm!”

Tôi biết câu trả lời của mình đối với các phóng viên là rất bất lịch sự, làm cho họ rất thất vọng, thế nhưng không có cách nào khác, bởi vì nhữg vấn đề mà họ nêu ra quá nhiều, tôi không có cách gì đối phó được. Vì vậy trước sự truy hỏi của đông đảo phóng viên tôi lại cắt máy điện thoại và điện thoại di động. Hôm nay nhân dịp tôi phát biểu thư công khai tròn một tháng, tôi nhặt ra mấy vấn đề quan trọng coi như câu trả lời thống nhất vậy!”

Hỏi: Bức thư công khai của ông, hiện nay hai vị lãnh đạo Hồ, Ôn có biểu thị gì không?

Trả lời: Không thể nhanh như vậy được, những cái tôi nêu đều là vấn đề trọng đại, người lãnh đạo và tầng lớp lãnh đạo cần có thời gian suy nghĩ. Nhưng tôi tin là: Hai vị lãnh tụ Hồ, Ôn đều đã nhận được giáo dục truyền thống Trung Quốc rất tốt, họ rất gần dân, có thể thể nghiệm và quan sát được dân tình dân ý. Hai ngôi sao mới Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường trong Thường vụ Bộ Chính trị, là những tinh anh chính trị đã trải qua lễ rửa tội trong phong trào dân chủ Trung Quốc trong những năm 80 của thế kỷ trước, họ hiểu rằng chỉ có thiết lập được công huân vì dân tộc Trung Hoa thì họ mới giành được sự ủng hộ của trăm họ Trung Quốc, giành được sự đồng thuận của những bạn bè chính trị cùng thời đại.

Hỏi: Vậy thì ông giải thích như thế nào về việc bức thư công khai của ông bị phong toả toàn bộ trên mạng?

Trả lời: Đó là tập quán của Đảng Cộng sản. Cán bộ ẳang Cộng sản cơ sở và cảnh sát mạng trên chỉ cần nhìn thấy bất cứ cái gì không có lợi cho Đảng Cộng sản là họ sẽ ngăn chặn ngay theo quán tính. Lực xung kích của bức thư công khai của tôi tương đối lớn, với tư cách là suy nghĩ của tầng lớp cao, bức thư này không thể ngay lập tức tiến vào xã hội, tôi nghĩ cũng có thể hiểu được. Vì thế tôi giữ thái độ im lặng cũng là phải.

Hỏi: Trước mắt không ít học giả phái tả đã phê phán ông công khai trên mạng! Đó chẳng phải là chế tạo dư luận ư? Ngoại giới bình luận đó là triệu chứng báo trước sẽ bắt ông.

Trả lời: Không nghiêm trọng thế đâu. Bởi vì bọn họ rốt cuộc cũng chỉ là số ít người. Trong một tháng từ khi tôi phát biểu thư công khai đến nay, tôi đã nhận được mấy ngàn tin, cũng có thể là hàng vạn tin, bởi vì tôi cắt điện thoại, điện thoại di động cũng thường xuyên không mở, phản đối tôi chỉ có 6, 7 cái nhiều nhất cũng không quá 7, 8 cái, trong đó có 2 tin đe doạ, một cái thông qua bưu điện, một cái thông qua nhắn tin di động, tôi đều nhớ cả. Thế còn ở trên internet, tôi đã xem: những bài viết và tờ thiếp phản đối tôi không quá 5%, nhiều nhất cũng không quá 8%! Hơn nữa còn lặp lại, vừa đọc là biết ngay, cái đó là do đặc vụ mạng làm!

Vì thế từ trên mạng đã bị ngăn chặn cũng có thể thấy: Trung Quốc đã không phải là Trung Quốc 30 năm trước, 40 năm trước, càng không phải là 50 năm trước! 50 năm trước chỉ một bài xã luận “Đó là vì sao?” của Nhân Dân nhật báo là đã có thể dấy lên phong trào chống phái hữu trong toàn xã hội; 40 năm trước chỉ một bài báo chữ lớn “Nổ súng vào Bộ Tư lệnh” đã có thể làm cho Trung Quốc loạn xị bát nháo, tất cả đều bị phê cho đổ, phê cho thối; 30 năm trước tình hình “Phê Đặng, phản kích làn gió lật án hữu khuynh” khi mới bắt đầu đã không giống thế, mặc dù vẫn có thể dấy lên phong trào quần chúng có tính toàn quốc, nhưng rồi trên quảng trường Thiên An Môn cũng có một phong trào quần chúng giống như vậy khiến tình hình Trung Quốc phát sinh thay đổi; 20 năm trước sự kiện Thiên An Môn “4-6”, nếu như không dùng xe tăng và uy tín của Đặng Tiểu Bình, có thể tưởng tượng là kết quả gì rồi.

Vì vậy, phần tử trí thức phái tả hiện nay phê phán tôi, không đại biểu cho ý chí của “đảng mẹ”. Tôi nghĩ nhiều nhất là “đảng mẹ” muốn thử đo dân ý một chút mà thôi. Hơn nữa tôi nghĩ, “đảng mẹ” nên vỗ vỗ đầu số người này: “Hãy ít nói một chút!” bởi vì bọn họ đã cô lập “đảng mẹ”, đặt “đảng mẹ” vào mặt đối lập với nhân dân!

Hỏi: Giới truyền thông hải ngoại thấy phái tả phê phán ông không có ý mới, chẳng lẽ ông không trả lời à?

Trả lời: Từ góc độ dân chủ, dùng tập quán và phương pháp dân chủ: chúng ta nên tôn trọng nhân cách của đối phương, không dập xoá sửa chữa, không tiến hành công kích nhân thân. Quan điểm của tôi đã được nói rõ trong bức thư công khai, không cần lặp lại, càng không có thời gian và tinh lực để bàn luận. Thực tiễn là tiêu chuẩn đề kiểm nghiệm chân lý, hãy để cho thực tiễn kiểm chứng kết quả, vì chúng ta đưa ra kết luận.

Thế nhưng có người đem bức thư công khai của tôi hô hoán lên rằng Trung Quốc đã xuất hiện Yeltsin và kêu gọi tiến hành cách mạng mầu lam, nói là “lệnh động viên động loạn”. Tôi không thể không phản bác điều này!

Yeltsin thì có gì đáng sợ? Tôi đề cập tới Yeltsin là chạm đến thần kinh của một số người nào đó chăng? Thế nhưng nguyên Chủ tịch nhà nước của chúng ta, tiên sinh Giang Trạch Dân đã từng ôm Yeltsin chặt đến vậy, hôn thân thiết đến thế, sao thần kinh của những vị này lại không bật lên? Ô hô! Yeltsin khi là Tổng thống nước Nga được chính thức đánh giá cực cao, chúng ta không nói. Trong dân gian, ông ta đã là: đại danh từ của những người làm công tác chính trị tán thành dân chủ đầu lưỡi đồng thời hành động thực tiễn dân chủ. Các học giả phái tả của chúng ta đã sợ hãi một vị làm công tác chính trị như vậy đó.

Hiến pháp nước ta đã chỉ rõ “công dân được tự do hội họp, kết xã, tuần hành, thị uy”. Tuy nhiên suy tính tới tình hình đất nước chúng ta, tôi không có tư cách và quyền lực cấm mọi người tuần hành và thị uy, thế nhưng khi tôi đề xướng không nên tuần hành và thị uy, thậm chí suy tính tới tình hình đất nước Trung Quốc, nếu có lý do và nói ra yêu cầu cải cách chính trị và dùng mồm nói ra, đều có khả năng vì thế mà bị vu cáo là phản cách mạng, tôi sẽ dứt khoát đề xướng dùng ngôn ngữ người câm, múa múa tay làm thủ thế, có lý do và nói ra yêu cầu sẽ mặc bộ quần áo mầu lam, chít miếng vải lam, như thế là “bạo động” à?

Như thế nào mới không là “bạo động” vậy? Ngay đến con lợn còn biết kêu! Tôi không chủ trương người kêu, chỉ vỗ vỗ tay mà không được ư?

Trời đất ơi, hỡi các phần tư trí thức phái tả của chúng tôi, trí thức của ngài để đi đâu? Ngài muốn áp chế đồng bào của ngài đến bước nào đây? Chẳng lẽ ngài muốn đánh một gậy để đưa dân tộc Trung Hoa từ xã hội phong kiến quay trở về xã hội nô lệ chăng?

Đưa những lôgích và ngôn luận của phần tử trí thức phái tả chúng ta tới Liên hiệp quốc, hoặc tới bất kỳ trường hợp quốc tế nào, với tư cách là đồng bào, tôi đỏ mặt!

Hỏi: Thế ông sẽ phản bác ngôn luận của bọn họ vậy!

Trả lời: Không cần thiết. Nhưng tôi phải dẫn dắt chút ít cho một số người tuổi trẻ nào đó, họ cho rằng: dân chủ Trung Quốc còn chưa thành thục, chỉ có dưới sự lãnh đạo của chính quyền chuyên chế mới có thể làm được chút gì đó, dân tộc Trung Hoa mới có thể trỗi dậy! Bọn họ nhầm rồi!

Tôi nhớ là trong Đại Cách mạng Văn hoá, tôi và mười mấy đồng học trốn đi chơi Trường Thành. Chân giẫm lên Trường Thành, lưng tựa vào bức tường bắn tên, tôi chợt nẩy ra ý lạ, phát biểu một hồi hùng luận: “Này, các bạn nghe đây! Trường Thành dưới chân chúng ta rất vĩ đại, các bạn đã nghĩ tới chưa? Nếu như không có cô gái Mạnh Khương khóc Trường Thành, nếu như không có sự hy sinh của mấy chục vạn bộ xương trắng xây dựng nên, thì liệu có thể để lại Trường Thành vĩ đại này không? Vĩ đại có nghĩa là phải có hy sinh! Stalin hy sinh hàng triệu Bolshevik, mới có thể làm cho Liên Xô vĩ đại tồn tại được trong sự bao vây của chủ nghĩa tư bản. Ngày nay, Đại Cách mạng Văn hoá của chúng ta muốn làm cho toàn cầu trở thành một mầu đỏ, làm sao lại không có hy sinh? Chúng ta hãy hy sinh một cách tự giác, dũng cảm vì những thành tựu vĩ đại của lãnh tụ vĩ đại nhé! Trong khi thành tựu sứ mạng lịch sử vĩ đại hãy thành tựu và thực hiện chính chúng ta nhé!” Trong bầu không khí của thời đại này, bài diễn thuyết tràn đầy tính kích thích của tôi được đưa ra, phía dưới là một rừng người reo hò và vỗ tay. Bây giờ nghĩ lại bài diễn thuyết đó sao mà hoang đường vô lý.

Lúc đó, tôi hoang tưởng Đại Cách mạng Văn hoá kết thúc, lãnh tụ vĩ đại sẽ cử hoặc cho tôi đi Đông Nam Á hoặc châu Phi, tôi sẽ trở thành Che Guevara của nơi đó! Để rèn luyện và thử thách ý chí cách mạng của mình tôi đã tuyệt thực ba ngày ba đêm, không uống nước, sau đó nhiễm bệnh dạ dầy và mang theo cho đến tận hôm nay.

Sự thực sau này chứng minh: cái gọi là cách mạng thế giới là thần thoại chỉ là một cuộc đấu tranh quyền lực mà chúng ta tham dự mà thôi!

Rất nhiều người trẻ tuổi mê tín rằng: chỉ có quyền lực, tập quyền mới có thể thực hiện vĩ đại, và trong quá trình đó thực hiện được sự nghiệp, giá trị, thậm chí sự vĩ đại của mình.

Trong xã hội hiện đại, ngoài việc bảo vệ tổ quốc còn cần sự tập quyền nào đó. Mà với tư cách là chế độ xã hội tập quyền thì sẽ tạo thành tai hoạ đối với quốc gia, thậm chí đối với toàn thế giới.

Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, cho dù Đức và Nhật Bản phát triển kinh tế rất nhanh rất mạnh nhưng làm sao chúng có thể so sánh được với cái đẹp của nước Đức và Nhật Bản hiện đại! Kinh tế của Đức và Nhật hiện đại có thể phát triển bền vững, có thể phát huy tài trí của toàn thể nhân dân và tạo phúc cho kinh tế đời sau. Nhưng kinh tế hai nước này trước chiến tranh thế giới lần thứ hai là mất cân bằng, tai hoạ mà hai quốc gia tập quyền gây cho thế giới là chưa từng có!

Chủ nghĩa Marx với tư cách là tư tưởng của phong trào công nhân kích tiến, đến thời kỳ sau của thế kỷ thứ 19, đã phát sinh thay đổi. Chỉ là do Lenin trong một lần đảo chính ngẫu nhiên đã thúc đẩy tư tưởng kích tiến đó tiến vào cao trào. Loại chính quyền dùng vũ lực mà đoạt được này, tất nhiên là một quốc gia của chủ nghĩa tập quyền. Quốc gia chủ nghĩa tập quyền này ở vào tình trạng con người là trung khu của quyền lực, đoạt lấy quyền lực tối cao là không có trình tự, sau khi giành được quyền lực tối cao thì hành vi là vô độ. Ví dụ như Stalin, ông ta không hề có cống hiến gì trong cuộc cách mạng tháng hai của nhân dân Nga lật đổ Sa hoàng, chỉ bằng cuộc đảo chính tháng Mười mà bước vào vòng quyền lực tầng lớp cao, sau khi Lenin chết, ông ta ra sức xử lý đồng đảng. Sau khi giành được quyền lực tối cao, những khuyết điểm và sai lầm của ông ta đã mang tới và tạo thành những tổn thất trọng đại cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô! Điều này chỉ cần đọc sách giáo khoa lịch sử đương đại Nga là biết.

Thế còn Trung Quốc? Vương triều các đời Trung Quốc đều có một quá trình từ ngồi trên lưng ngựa đoạt quyền đến xuống ngựa trị lý. Nhà Tần và nhà Tuỳ không hoàn thành tốt sự chuyển biến này, đã bại vong. Nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Minh, nhà Thanh đã hoàn thành tương đối tốt sự chuyển biến này, và tồn tại được. Nguyên nhân của lịch sử là những triều đại này đã chuyển biến hoà bình, và cũng chỉ có thể là sự chuyển biến của xã hội phong kiến từ chiến loạn sang ổn định.

Thế còn Trung Quốc đương đại thì sao? Sự chuyển biến hoà bình của Trung Quốc đương đại do hoàn cảnh thế giới và quá trình lịch sử của Trung Quốc - cơ sở lịch sử của cách mạng Tân Hợi và bài học kinh nghiệm lật đổ lặp đi lặp lại sau đó - đã quyết định Trung Quốc tiến vào hoà bình, tất nhiên là chính trị dân chủ! Đài Loan là một chứng minh.

Tai hoạ của Mao Trạch Đông với Trung Quốc không chỉ là Đại Cách mạng Văn hoá. Xuất phát từ đấu tranh quyền lực chính trị ông ta đã đề xuất lý luận tiếp tục làm cách mạng. Theo lý luận này, ông ta tự nêu gương mình là cách mạng nhất, chỉ trích Khrushchev là chủ nghĩa xét lại phản bội cách mạng, định tính Lưu (Thiếu Kỳ), Đặng (Tiểu Bình) là nhân vật kiểu Khrushchev ngủ bên cạnh mình. Thông qua phong trào tạo thần (sùng bái cá nhân cao độ) chưa từng có trong lịch sử là Đại Cách mạng Văn hoá, người Trung Quốc ghi nhớ trong lòng: người lãnh đạo thế hệ thứ ba, thứ tư Trung Quốc phải “mãi mãi không đổi mầu”.

Như thế là, xuất phát từ đòi hỏi của đấu tranh quyền lực trước mắt của mình, Mao Trạch Đông đã dùng mầu sắc hình thái ý thức chế tạo ra một khẩn cô chú (lời chú mà Đường tăng dùng để khống chế Tôn Ngộ Không), buộc chặt vào những người lãnh đạo cộng sản các thế hệ sau ông ta, khiến họ không có cách gì hoàn thành việc từ trên ngựa đến xuống ngựa, chuyển biến từ những năm tháng chiến tranh sang thời kỳ hoà bình. Khiến cho xã hội Trung Quốc không thể tiến lên, không thể tiến vào xã hội chính trị dân chủ!

Bắt đầu từ Đặng Tiểu Bình là không còn dũng khí ấy nữa, ông này chỉ có thể từ trong khẩn cô chú đề xuất lý luận“mò” (dò dẫm). Kết quả “mò” của ông ta là mò ra sự kiện “4-6” (tức sự kiện Thiên An Môn 1989), điều động xe tăng, tự dội nước bẩn vào mình; Giang Trạch Dân, người kế thừa sau Đặng Tiểu Bình cũng tiếp tục “mò”, kết quả của “mò” là ra một Pháp Luân Công (một tôn giáo không được chính quyền Trung Quốc công nhận). Tự mang lại tai hoạ chính trị cho mình.

Chẳng lẽ Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ngài còn muốn “mò” tiếp hay sao? Liệu ngài lại “mò” ra kết quả gì?

Thực tiễn chứng minh: những giáo điều này đã làm cho Đảng Cộng sản Trung Quốc biến thành tập đoàn lợi ích từ trên mình ngựa đoạt thiên hạ, đến xuống ngựa chiếm thiên hạ, rồi làm bá (chủ) thiên hạ. Biến thành một tập đoàn khép kín không thể thích ứng với tình hình, không nhìn rõ thời thế, không đại biểu cho nhân dân cả nước, không có trách nhiệm với toàn dân tộc! Những giáo điều này, nhân dân toàn quốc đều không hứng thú, ngay những tinh anh trong Đảng cũng ngủ gật.

Đảng Cộng sản Trung Quốc không làm cải cách dân chủ là đang chờ chết, thúc đẩy cải cách dân chủ là tìm ra con đường sống trên con đường gian khổ, đó là con đường sống của dân tộc vĩ đại chúng ta, là con đường sống của 70 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tại nơi kết thúc bài viết này, tôi muốn nói thêm mấy kiến nghị thực tế:

Rõ ràng là xã hội Trung Quốc đòi hỏi biến đổi, đòi hỏi cải cách chính trị quán triệt đến chỗ thực, nhưng đột xuất vấn đề này như thế nào? Ổn định và thúc đẩy có hiệu quả cải cách chính trị như thế nào? Cá nhân tôi đề xuất kiến nghị thành lập đặc khu thí nghiệm cải cách chính trị:
  1. Nhằm thẳng vào tình hình đất nước cụ thể của Trung Quốc, nên rút bài học kinh nghiệm thành công của cải cách kinh tế, xây dựng mấy đặc khu cải cách chính trị, tìm ra kinh nghiệm, bồi dưỡng nhân tài, ngưng tụ đồng thuận xã hội. Trên thực tế Trung Quốc đã có đặc khu cải cách chính trị rất tốt - Khu hành chính đặc biệt Hồng Công. Trước mắt mặc dù Hồng Công có đủ các loại các kiểu tuần hành thị uy, trong Quốc hội cũng rất náo nhiệt, nhưng lợi ích các giới có thể thông qua từng bước hoàn thiện chính thể dân chủ, mà được cân bằng và thoả mãn. Hiện nay nói chung cục diện chính trị Hồng Công là ổn định, kinh tế phồn vinh. Tham khảo kinh nghiệm Hồng Công, làm mấy đặc khu cải cách chính trị ở đại lục không phải là vấn đề khó.

  2. Vì ổn định cục diện chính trị, với tư cách là nguyên thủ quốc gia Chủ tịch Hồ không nên đứng ở tuyến đầu cải cách chính trị, có thể giới thiệu một nhân vật có ảnh hưởng trong Đảng mà lại có ma lực cải cách đứng đầu, đóng vai trò lãnh tụ cải cách chính trị, tổ thành một ban lãnh đạo cải cách có nhân sĩ trong, ngoài Đảng tham gia, dưới tiên đề ổn định đại cục thúc đẩy cái cách chính trị. Khi cải cách xuất hiện vấn đề lớn, Chủ tịch Hồ có thể đứng ra xoay chuyển cục diện bị động; còn thành công, Chủ tịch Hồ có thể động viên toàn Đảng và nhân dân cả nước tiến theo.

  3. Trong quá trình thí nghiệm cải cách chính trị, thông qua tuyên truyền “Nguy cơ ý thức” và sức ép cải cách to lớn, có thể thúc đẩy thành công sự chuyển hình chỉnh thể của Đảng, cải tạo Đảng thành lực lượng chính trị đoàn kết, ổn định, thích ứng với nền chính trị dân chủ hiện đại, dẫn 70 triệu đảng viên vào con đường chính trị bằng phẳng, sáng sủa, mở ra thịnh thế ngàn năm cho dân tộc Trung Quốc.
Tôi tin rằng, dưới sự dẫn dắt của những nhà cải cách có trí tuệ của thế hệ mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc, con đường cải cách chính trị mà nguy cơ ở cả bốn phía sẽ biến thành chiếc cầu bật có lực cho sự trỗi dậy thực sự của dân tộc Trung Hoa, toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc nhất định có được cuộc sống mới, trong thời đại chính trị dân chủ vĩ đại, bằng vào công trạng lịch sử thúc đẩy cải cách chính trị, thông qua bầu cử phổ thông giành được quyền lợi chính trị hợp pháp.

Một lần nữa xin chúc phúc dân tộc vĩ đại chúng ta có thể thuận lợi thông qua cuộc lữ hành cải cách chính trị dân chủ có tính trả nợ này, để cùng sáng tạo ra những thành tích vĩ đại mà cháu con đời sau ca ngợi và đón ngày mai tốt đẹp.

Ngày 22 tháng 11 năm 2007


Bản tiếng Việt © 2008 talawas




[1]Hai thanh niên bị giết hại tàn ác trong Cách mạng Văn hoá, trong đó Trương Chí Tân rất nổi tiếng.

(nguồn: Talawas.org)

3 nhận xét:

  1. thx...thong tin nong hoi
    chac DCS VN dang hoc tap theo dan anh vi dai la DCS TQ

    Trả lờiXóa
  2. Bắt chước nhau thì sẽ giống nhau. Chỉ có điều ai bắt chước ai. Khôn ngoan hơn người thì dể cho người bắt chước. Dại dột hơn người thì để cho người ta đi trước rồi mình mới theo sau. Vì vậy mà luôn luôn tụt hậu. Từ trước đến nay chúng ta đều bắt chước Trung Quốc. Bây giờ họ như thế này nhưng chắc chắn trong tương lai không xa họ sẽ thành thế khác. Nhưng nếu cứ theo nếp cũ thì ta lại phải chờ họ thôi. Hy vọng lớp cháu con sẽ rút được kinh nghiệm của tiền nhân để ít nhất là không theo sau người láng giềng phương Bắc mà hãy đi trước để mở lối cho họ. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thoát ra khỏi cái bóng của "ông anh" phương Bắc và vượt lên trên họ.
    Nếu làm được như vậy thì sẽ là một kỳ tích có một không hai trong lịch sử dân tộc mà ông cha ta từ trước đến nay chưa bao giờ làm nổi, vì trong lịch sử cả nghìn năm, kể cả sau khi giành những chiến thắng chói lọi như Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa, vua tôi nước Nam lại vẫn cứ phải theo lễ giáo của chính họ (Trung Quốc) để mà cống nạp cho họ.

    Trả lờiXóa
  3. VN bây giờ không ngoài gì khác là phải tự trang bị cho bản thân mà thôi, đó là ý chí quật cường nếu không 100 năm sau sẽ không có tên trên bản đồ TG

    Trả lờiXóa