Thứ Năm, 10 tháng 4, 2008

Thơ Quang Dũng.

Nếu hỏi tôi thi nhân Việt Nam nào mà bạn yêu thích nhất trong vòng 100 năm ở Việt Nam. Tôi sẵn sàng chọn thi sĩ Quang Dũng. Chứ không phải ông Hồ Chí Minh với bài Nguyên Tiêu đứng đầu trong tuyển tập 100 bài thơ hay nhất thế kỷ do một lũ vô đạo bày ra. Gọi là lũ vô đạo thì hơi quá, bởi những kẻ tuyển chọn ấy dường như sau phản ứng của dư luận, đã biết xấu hổ đôi chút.

Quang Dũng làm thơ không nhiều như Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu hay Hàn Mặc Tử. Bởi những dòng thơ của Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm là những dòng thơ viết bằng nỗi đau thực sự, nỗi đau thấm trong sâu thẳm cõi lòng day dứt thôi thúc thoát lên thành thơ. Nỗi đau ấy thiêng liêng và cao cả, nó nước mắt của cả một dân tộc chứ không phải nước mắt của bọn khóc thuê cầu sựu nghiệp, hay nước mắt của bọn ẻo lả, bi luỵ ái tình. Thơ của Quang Dũng kiêu hãnh trong cái buồn mênh mang. Như hình hình ảnh bi hùng trong chiến trận, có mất mát, có đau thương, có cả lòng quả cảm chịu đựng hy sinh. Dù thời gian đi đã lâu. Nhưng trong phút nào đó đọc lại thơ Quang Dũng. Xứng đáng là những bài thơ sống mãi với thời gian.

Mắt người Sơn Tây

Em ở thành Sơn chạy giặc về


Tôi từ chinh chiến cũng ra đi


Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt


Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì



Vầng trán em mang trời quê hương


Mắt em dìu dịu buồn Tây phương


Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm


Em đã bao ngày em nhớ thương?



Mẹ tôi, em có gặp đâu không


Bao xác già nua ngập cánh đồng


Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ


Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông!



Từ độ thu về hoang bóng giặc


Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn!


Đất đá ong khô nhiều suối lệ


Em đã bao ngày lệ chứa chan?



Đôi mắt người Sơn Tây


U ẩn chiều lưu lạc


Buồn viễn xứ khôn khuây


Tôi gửi niềm nhớ thương


Em mang giùm tôi nhé


Ngày trở lại quê hương


Khúc hoàn ca rớm lệ



Bao giờ trở lại làng Bương Cấn


Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng


Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc


Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng



Bao giờ tôi gặp em lần nữa


Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca


Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ


Còn có bao giờ em nhớ ta?


1949

Đôi Bờ

Thương nhớ ơ hờ , thương nhớ ai ?
Sông xa từng lớp lơp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai


Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh bến tề


Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Ðêm đêm sông Ðáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ


Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào ?



Tây tiến

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Tây tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.


Phù Lưu Chanh -- 1948


3 nhận xét:

  1. Em không đọc nhiều thơ, nhưng cũng thích thơ Quang Dũng, như bài Đôi mắt người Sơn Tây - là bài em cảm thấy rất nhiều điều.

    Trả lờiXóa
  2. Bên cạnh sự khâm phục tài năng của ông còn là lòng thương cảm cho một con người tài hoa mà bị vùi dập, gần như cả đời không thoát được nợ áo cơm. Ông tài hoa, tận tụy vậy mà vẫn không nuôi nổi vợ con. Đấy là số phận chung của nhà thơ chỉ có tài, có tâm mà không biết chiều lòng chế độ!

    Trả lờiXóa
  3. Bên cạnh sự khâm phục tài năng của ông còn là lòng thương cảm cho một con người tài hoa mà bị vùi dập, gần như cả đời không thoát được nợ áo cơm. Ông tài hoa, tận tụy vậy mà vẫn không nuôi nổi vợ con. Đấy là số phận chung của nhà thơ chỉ có tài, có tâm mà không biết chiều lòng chế độ!

    Trả lờiXóa