Thứ Tư, 31 tháng 10, 2007

Vì nhân dân quên mình

Ngày xưa, vâng tất nhiên là ngày xưa thì các chiến sĩ công an mới vì nhân dân quên mình. Sở dĩ tôi bắt đầu câu chuyện này theo cách mở đầu một câu chuyện cổ tích ,vì ngày nay những câu chuyện như thế đã tuyệt chủng hẳn rồi.

Lúc bé hình tượng người công an trong tôi tốt đẹp lắm, các chú ấy là người bảo vệ, giúp đỡ nhân dân.Hành động nghĩa cử của các chú nhiều không kể hết. Nào thì dẫn ông mù bán thuốc qua đường, đưa người đi bênh viện cấp cứu. Nhà nào có hoàn cảnh khó khăn các chú vận động bà con hàng xóm quyên góp giúp đỡ. Nhà có người đi trại cải tạo về, chú đến hỏi han, ân cần động viên làm lại cuộc đời. Thậm chí chú còn đạp xe đi liên hệ các nơi để xin việc cho người đó. Hàng xóm xích mích, to tiếng chú nhẹ nhàng khuyên nhủ hai bên bằng lời tình nghĩa. Ít khi các chú dùng vũ lực hay hăm doạ. Dân có việc lên đến cổng đồn, chú nhìn thấy vồn vã

- ơ bà C, bác A có việc gì đấy, vào đây xem nào. Thằng T vừa rồi gửi thư về báo tốt chứ..

Chú nói bằng giọng thân tình, người dân quên mình đang đến cửa quan, dân hoan hỉ lắm. Đúng là một xã hội tốt đẹp. Dân với quan như cá với nước. Người dân như cởi tấm lòng

- Báo cáo anh, tôi xin cái dấu chứng nhận việc...

Chú công an vồn vã cầm tờ giấy, chú nói

- Ồ, cái này thì nhanh thôi bà, bác..ngồi đây đợi tôi làm một tí là xong. Sao không đưa cho tôi buổi tối. Tối nào tôi chả xuống địa bàn. Gửi cho ông tổ trưởng , xong tôi mang đến nhà. Đằng nào thì ngày nào tôi cũng xuống đó mà. Bác lên đây mất cả buổi sáng ( mất nửa ngày nghỉ làm hay nửa ngày bán hàng tuỳ theo công việc người ta mà chú nói).

Chú vừa nói vừa viết xác nhận vào giấy, chú cầm tờ giấy vào trong loáng sau đi ra tờ giấy đã có mộc đỏ chót. Người dân cảm động rút túi lấy ra bao thuốc lá Sông Cầu, Điện Biên đưa cho chú nói

- Chú nhận bao thuốc hút

Khổ thế chứ, đấy là cái thói quen của ngàn năm phong kiến ăn sâu vào dân Việt. Chú công an là cán bộ của Bác Hồ. Có phải là quan của bọn triều đình phong kiến thối nát, mục rỗng đâu. Bởi thế chú xua tay

- ấy, sao bác lại làm thế. Việc này là trách nhiệm của chúng tôi mà

Người dân nằn nì mãi, chú cả nể đành cầm bào thuốc, bóc ra lấy một điếu còn đâu trả lại người dân

- Thôi, bác cầm về đi. Tôi hút một điếu thôi.

Thế là người dân cầm tờ xác nhận và bao thuốc dở ra về, lòng nhẹ nhõm hoan hỉ. Cảm động dắt xe cung run run làm chú phải dắt hộ. Chú nhắc

- À mà bà..xích chó lại nhé. Đợt này phòng chống chó dại làm gắt đấy, hôm nào cho nó đi tiêm nhé. Cho nó an toàn cho nhà mình trước sau đến mọi người bác ạ

Trời, quả là chú không bỏ sót điều gì ở mỗi gia đình. Tuy buổi đêm người dân biết chú vẫn làm thêm bằng cách gia công dán hộp các tông. Vợ chú làm ở hợp tác xã nhận khoán về nhà làm thêm. Cả đêm hai vợ chồng hì hụi làm. Dành mãi mới mua nổi cái xe đạp Thống Nhất cũ. Cái lần nhà Bính què bị cháy, cứu hoả chưa đến. Chú cởi áo cảnh phục nhảy vào lửa cứu đồ cho dân, chú bê cả chuồng gà lẫn thùng gạo ra khỏi đống lửa. Chú bị bỏng ở chân, mấy hôm sau chân băng bó đi cà nhắc. Chú vẫn đến hỏi han nhà Bính què. Huy động mấy người trong tổ dân phòng giúp nhà Bính lợp lại mái nhà. Hành động của chú mãi mãi để lại trong lòng nhân dân những điều tốt đẹp tưởng không bao giờ quên

1 nhận xét:

  1. Chao ôi, trẻ con bây giờ nghe chuyện đó nhất định bảo rằng người lớn kể chuyện cổ tích. Bao giờ cho đến ngày xưa, ngày xưa ơi!!!

    Trả lờiXóa