Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2008

M.S. Nguyễn Hồng Quang thăm hai luật sư Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân




Sài Gòn ngày 25 Tháng Hai 2008

Bản tường trình

Chuyến viếng thăm Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, Luật Sư Lê Thị Công Nhân, Mục Sư K'sotino, và các tù nhân sắc tộc hiện bị giam giữ tại trại giam Nam Hà và trại giam số 5 Yên Ðịnh Thanh Hóa, của đoàn mục sư và tu sĩ Tin Lành gồm 23 người từ ngày 26 Tháng Giêng-04 Tháng Hai 2008, và cuộc đối thoại không chính thức của các mục sư phái Mennonite với Bộ Công An.

I. Một quyết định “Phiêu lưu”:

Ngày 19 Tháng Giêng 2008, trong phiên họp tổng kết cuối năm của Giáo Hội Tin Lành Mennonite Việt Nam các mục sư trách nhiệm đều có nhu cầu thăm nuôi những “tù nhân lương tâm” gồm 14 người của Giáo hội và nhiều tù nhân thuộc các sắc tộc đang còn bị giam giữ trong các trại giam, đặc biệt là trại giam Ba Sao Nam Hà, và trại giam số 5 Yên Ðịnh Thanh Hóa.

Việc lập một đoàn mục sư đi thăm các trại giam là một việc khó khăn, gây tranh cãi, được xem là phiêu lưu, nguy hiểm, không tưởng đối với một số người chống đối, một vài mục sư sắc tộc Ja rai giờ phút chót từ chối chuyến đi!!! nhưng lời Chúa vẫn thắng thế trong quyết định “kẻ bị tù được thăm viếng...” (Matthew 25:39) kết quả có 22 mục sư giáo sĩ nhiều sắc tộc sẵn sàng lên đường (đoàn được bổ sung 2 người từ Miền Bắc Là Mục sư Nghĩa và Bà Lệ Mẹ LS Lê thị công Nhân).

II. Sự chuẩn bị:

+ Về thủ tục hành chánh:

Tôi đại diện ra công an Bình Khánh, Quận 2 Sài Gòn làm đơn xin thăm nuôi và gặp mặt Linh Mục Lý, LS Ðài, LS Lê Thị Công Nhân, Mục Sư k'sotino và một số tù nhân sắc tộc Tây Nguyên. Công an không ký đơn yêu cầu chúng tôi xóa sửa nội dung chỉ ghi chung chung rồi họ ký cho, đừng ghi chức danh mục sư cũng như tên cụ thể của các tù nhân như Cha Lý, LS Ðài hay LS Công Nhân, cuối cùng ngày 25 Tháng Giêng 2008 chúng tôi cũng được ký đơn có đóng dấu đỏ nhưng ghi rất “vô thưởng vô phạt” đại loại như: đương sự thường trú tại địa phương, không bảo đảm gì với giấy đó chúng tôi đủ điều kiện được thăm các tù nhân lương tâm như mong muốn, chúng tôi ý thức phải nỗ lực để đạt được sự chấp thuận của Cục An ninh và cục V26 Bộ Công An tại Hà Nội, đây chính là thách thức lớn nhất của chuyến đi mà đoàn mục sư chúng tôi chỉ biết cầu nguyện.

+ Về tinh thần:

Trước giờ lên đường các mục sư và các tu sinh chúng tôi hơn 50 người dốc lòng cầu nguyện và nhận được lời của Chúa trong sách Ê Sai 45: 1-5 rằng: Ta sẽ mở cửa trại giam cho các con vào thăm và cầu nguyện cho anh em mình, làm cho Sesa mềm lòng không còn cứng nhắc với các con (Ta sẽ tháo dây lưng của vua, mở các cửa thành trước mặt người... Ê Sai 45:1 b,c.). Ðiều lạ lùng một bác sĩ dẫn một phái đoàn Tin Lành có Thầy Quyền thuộc Hội Thánh Baptist Oregion, Hoa kỳ, cầu nguyện “tuần hành” đã đến cầu nguyện cho đoàn nhiều người được khỏi bệnh, nhiều người thường nôn mửa khi đi tàu xe nhưng suốt chuyến đi về 9 ngày tất cả 22 người trong Miền Nam không một ai bị nôn hay bệnh tật, tai nạn giao thông nguy hiểm khi di chuyển qua đèo, hoặc vào vùng núi quanh co để đến trại giam, chúng tôi tất cả đều tin vào sự giữ gìn của Chúa suốt hành trình gian lao vừa qua.

+ Về tài chánh:

Chúng tôi chỉ có đóng góp phần rất nhỏ, nhưng sự dâng hiến tài chánh cho chuyến đi chủ yếu là những ân nhân, bà con Việt kiều, cũng như tín hữu khoảng 48 triệu VNÐ trước lúc khởi hành 30 phút, tuy nhiên chi phí cho chuyến đi gồm 24 người; trong dịp Tết vật giá tăng quá bất ngờ nên chúng tôi bị hết tiền dọc đường đi, cảm tạ Chúa chúng tôi cũng được sự tiếp tế của mọi người nên chuyến đi suốt 9 ngày chúng tôi cũng đã hoàn tất, chi phí lên đến số 70 triệu VNÐ dù chúng tôi rất tiết kiệm! Nay chúng tôi đã thanh toán xong (2 lần xe 29 chỗ ngồi 25 triệu VNÐ, thăm nuôi và mua quà hơn 11 triệu VNÐ, thăm tặng quà một số sinh viên bộ tộc H'rê, Chăm, cựu tù cải tạo VNCH bị bệnh liệt, những người phục vụ cộng đồng gặp khó khăn 12 triệu, tiền khách sạn và tiền ăn cho đoàn 22 triệu VNÐ = 70 triệu VNÐ).

III. Lên Ðường:

Chuyến xe 29 chỗ ngồi xuất phát từ Quận 2, Sài gòn chiều 26 Tháng Ba 2008, sau khi ghé thăm gia đình Linh Mục Nguyễn Văn Lý tại Giáo xứ Quảng Biên, Ðồng Nai mang theo 14 mục sư, 4 truyền Ðạo và 4 tu sinh ra Hà Nội giữa ngày cận Tết giá rét chưa từng có nhiều chục năm qua, nhiệt độ về đêm xuống thấp còn 4-5 độ, chúng tôi không ngờ chịu đựng cơn rét hại như thế, nhiều anh em không chịu nổi vì thiếu đồ ấm, chúng tôi thấy thương cho anh chị em mình trong lao lý tại các vùng núi đá lạnh buốt đến tận xương!

Trên suốt đoạn đường đi từ Sài gòn ra Hà Nội xe ô tô nối đuôi nhau mang đầy khách hối hả về quê ăn tết chạy trên Quốc lộ 1A chật hẹp so với lưu lượng xe lưu thông rất nguy hiểm, xe xuyên tỉnh vẫn phải chạy trong thành phố hay khu dân cư nhiều nơi, do đó tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, mặc dầu cảnh sát giao thông cứ đến hẹn lại lên, cũng tăng cường kiểm tra, cũng thổi còi, cũng chỉ gậy dừng xe nhưng tai nạn không làm sao ngăn chận được! chốc chốc chúng tôi lại trông thấy bên đường những xác chết đắp mền, hay chiếu với đám đông xúm quanh bùi ngùi cho người dân lâm nạn, có những chiếc xe bị dập nát còn nằm tại hiện trường đầy vết máu! Ngay cả xe chúng tôi cũng ít nhất tránh được tai nạn thảm khốc cũng ba lần khi các xe Container chạy bạt mạng như đường đi chỉ dành riêng cho xe họ!!! Suýt nữa chúng tôi hoặc đâm vào xe khác hoặc bị lật xe khi bị ép hay bị đâm ngang bất ngờ! Ðoàn chúng tôi chỉ biết cầu nguyện phó thác cho Ðấng Tối cao mà thôi, chúng tôi cũng thoát được một tai nạn trong gang tấc trên đoạn đường từ Ninh Bình vào Hà Nội!

Sáng 29 Tháng Giêng 2008 chúng tôi cũng đến được Hà Nội, được chị Vũ Minh Khánh vợ Luật Sư Nguyễn Văn Ðài đặt chỗ trước tại một Khách sạn Khu Nam Hà Nội, chúng tôi nghỉ ngơi, ăn uống, tiếp một số tín hữu Tin Lành Hà Nội đến giặt ủi quần áo cho đoàn, tiếp tế thêm đồ lạnh, chúng tôi nhận 1 triệu đồng từ một số anh chị em phục vụ Chúa tại Hà Nội, họ cùng một lòng cầu nguyện với chúng tôi chuẩn bị cho cuộc gặp với Công An sau đó, kết quả cuộc làm việc ảnh hưởng đến kết quả trọng tâm của chuyến đi, chúng tôi hết sức ý thức tầm quan trọng trong buổi làm việc nầy, nên phân công rõ ràng ai phát biểu, và phải phát biểu những gì, ai yên lặng cầu nguyện thì làm đúng phận sự mình!

IV. Tại vụ công tác đối ngoại Bộ Công An 60 Nguyễn Du Hà Nội

(Cuộc gặp đột xuất theo khuyến nghị của một chuyên gia tư vấn cao cấp, sự ủng hộ của nhiều người quan tâm và sắp xếp của Mục sư trưởng của hội Assemblies of God tại Việt Nam ông có kinh nghiệm giải quyết các đối đầu căng thẳng giữa chính quyền mà vẫn giữ sự độc lập của tổ chức ông, và sự tôn trọng của mọi người)

Ðúng 9 giờ sáng ngày 29 Tháng Giêng 2008 Ðoàn được một xe chuyên dùng của sở cảnh sát Hà Nội hướng dẫn đường đến 60 Nguyễn Du, vì xe chúng tôi là xe 29 chỗ không được đi vào trung tâm Hà Nội hay đi qua khu vực cấm trong thành phố.

Bên công an yêu cầu tôi chọn ra 4 người đại diện, nhưng thực ra tôi vẫn không thể thực hiện lời đề nghị nầy, nếu không cho các mục sư các sắc tộc Tây Nguyên tiếp xúc, trình bày ý nguyện của họ xung quanh các vấn đề bức xúc thì rất khó, họ đã lặn lội ra Hà Nội ngoài thăm tù nhân cũng tỏ ý nguyện mong cho các tù nhân sắc tộc sớm được tự do. Do đó, tôi dẫn họ cùng vào cơ quan An Ninh Bộ Công An cùng với Bà Vũ Minh Khánh vợ Luật sư Ðài và bà Trần Thị Lệ, mẹ Luật Sư Lê Thị Công Nhân để tất cả mọi người có cơ hội trình bày các bức xúc hay nói ra suy nghĩ, nhu cầu của mình trước các cơ quan An ninh cấp cao tại Hà Nội.

Nội dung buổi làm việc gồm các việc như sau:

- Bên Công An có lãnh đạo là Ông Toàn, Ông Hà phụ trách Tin Lành, Ông Minh ghi chép và Ông Nguyên thường trực và có các cán bộ tiếp tân.

- Tôi giới thiệu thành viên, trình bày mục đích chính buổi tiếp xúc là được thăm nuôi gặp mặt Linh Mục Lý, LS. Ðài, LS. Công Nhân, MS. K' sotino, các tù nhân sắc tộc... và mục tiêu nữa là đối thoại chính thức với Bộ Công An về quan điểm của Giáo Hội về các khái niệm chính trị, vấn đề một số trường hợp tù nhân cụ thể là nhân sự thuộc Giáo Hội Tin Lành Mennonite như Mục Sư Rolanche', nữ Mục Sư Nguyễn Thị Hồng, về trường hợp của LS. Ðài và Công Nhân, các nhân sự Mennonite trong hiệp hội đoàn kết Công nông, vấn đề Hội Thánh gặp khó khăn bởi chính quyền và một số vướng mắc còn tồn đọng, đặt vấn đề cũng như nhận định từng trường hợp một trên cơ sở lý luận pháp lý chính thống và minh chứng trong lịch sử của các vấn đề nhạy cảm quan tâm. Tất cả mục sư cũng mong muốn Bộ Công An, nên hành xử cho công bằng, văn minh hơn với giáo dân trong thời điểm đặc biệt hiện nay, có trách nhiệm với dân tộc hơn, đồng thời trong cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền không chỉ là Việt kiều hay là các “nhà dân chủ” ít ỏi mà là nguyện vọng của cả dân tộc, kể cả trách nhiệm của Bộ Công An, cuộc đấu tranh phù hợp với xu thế chung của thời đại, phù hợp với những lợi ích của chính những người công an hay những người đảng viên trong bộ máy đảng và chính quyền nữa, kêu gọi đoàn kết dân tộc để bảo vệ quyền lợi Tổ quốc trên biển đông mà Hoàng Sa và Trường Sa là một nỗi xót xa chung cho bất cứ người Việt Nam nào yêu nước.

- Sau đó Bà Lệ mẹ LS. Công Nhân mong cho con mình được đối xử tốt trong tù, được đọc Kinh Thánh, và khẳng định LS Công Nhân là người tốt có trách nhiệm, yêu lẽ phải, Bà là mẹ nên biết rất rõ con mình Bà nói: Công Nhân con của bà từ nhỏ đã mê học lịch sử, sống có lý tưởng chứ không phải là người xấu...

- Bà Vũ Minh Khánh vợ LS Ðài trình bày: Chồng mình là người hành động phù hợp với hiến pháp và luật pháp quốc tế, là người sống vì nước vì dân chứ không phải chỉ lo bản thân, nợ gì thì có thể trả được chứ nợ nhân phẩm và nhân quyền trả hoài không xong, mong chính quyền không nên mắc các món nợ ấy đối với nhân dân.

- Mục Sư Y' Bra sắc tộc Ê đê mong được có cơ hội sống cống hiến cho Chúa, cho xã hội và sống thực hành Pháp luật, mong Bộ Công An nên kiến nghị tha tù sớm cho các tù nhân sắc tộc trong vụ biểu tình 2001 và 2004.

- Ông A Lương nhân sự sắc tộc Gia rai tại Kon Tum từng bị tù cũng mong muốn cho các tù nhân sắc tộc sớm được tha để bớt nỗi đau khổ cho gia đình, làng bản của họ, tạo cho các sắc tộc cơ hội bình đẳng trong các vấn đề kinh tế, xã hội, tôn giáo cũng như đất đai.

- Mục Sư Ðiểu Chức bộ tộc S'tiêng cũng nêu ra các khổ cực của đồng bào của ông họ quá nghèo mong Trung ương can thiệp để địa phương không thu hồi đất làm nông trường hay bán cho tư nhân khiến bộ tộc S'tiêng tỉnh Bình Phước lâm vào đường cùng, con cái họ không còn đủ sống có thể đi học lên được, cũng như tạo điều kiện cho Bộ tộc S'tiêng được xây cất nhà thờ.

- Mục Sư Thân Văn Trường thì mong cho Công An cho phép LS. Công Nhân nhận lại cuốn Kinh thánh mà đoàn tôn giáo Quốc Hội Mỹ tặng năm 2007 và đồng thời mở cửa trại giam thả ngay LS. Ðài và cô Công Nhân để Ðoàn đón luôn về ngay trong dịp Tết.

- Mục Sư Nguyễn công Chính thì cũng mong muốn chính quyền nên có nhiều thời gian trao đổi đối thoại về nhiều vấn đề bức xúc, đánh giá cao lần gặp gỡ nầy trong tinh thần lắng nghe và ghi nhận mọi ý kiến cũng như sự đón tiếp nhiệt tình của Công An Bộ dù không chính thức! Ông ý kiến rằng còn quá nhiều bức xúc song cũng không nên nêu ra lúc nầy, không nên để những điều còn bất đồng làm xấu đi quan hệ giữa Giáo Hội Mennonite với chính quyền!

- Mục Sư Ðinh Văn Trỗi phục vụ sắc tộc H're cũng trình bày bức xúc khi liên tục 13 lần bị công an Quảng Ngãi mời làm khó khăn lần mới nhất cách ngày đi Hà Nội chỉ có 3 ngày, họ áp lực Mục Sư Trỗi bỏ Giáo Hội Mennonite hợp giáo luật phải qua nhóm Mennonite mà Nhà nước bảo hộ. MS Trỗi yêu cầu Bộ Công An nên giúp cả công an địa phương sống đúng chính sách pháp luật về tôn giáo và để cho Ông thực hành đúng luật Chúa mà không bị công an áp đặt nữa. (lời đề nghị được Ông Toàn và ông Hà trả lời ngay: từ nay sẽ không có việc ép buộc như thế nữa)

- Còn các mục sư khác được phân công ngồi nghe, quan sát và cầu nguyện cho buổi tiếp xúc tại chỗ.

Về Phía Công An, sau khi nghe trình bày ông Hà nói:

- Lập trường của Công an là sẽ nghiên cứu, xin ý kiến cấp trên, cái gì tháo gỡ được thì làm ngay, cái nào chưa thì cần thời gian nữa nhưng cũng giải quyết đứt điểm, ông luôn nhắc có nhiều vấn đề rất khó khăn, phức tạp tồn đọng trong quá khứ nhưng hôm nay nên nói đến một số vấn đề chính và cần đề cập thẳng về nhu cầu thăm tù nhân, nên bỏ qua quá khứ, tiến đến hướng mới tích cực hơn cho các hoạt động tôn giáo. Ông luôn nói như vậy, ông cũng muốn tìm hiểu thêm về trường hợp của một số vụ việc mà bên Ðoàn Mục sư nêu ra nhưng ông quả quyết nếu duy trì sự trao đổi thì hy vọng mọi vấn đề có cơ hội giải quyết từ việc đất đai nhà thờ hay việc khó khăn tại địa phương. Ông hứa đích thân sẽ lên Tây Nguyên hay vào Nam để nắm lại tình hình và sẵn sàng giải quyết các vấn đề mà liên quan đến công an, còn cái nào mà tham mưu cho cấp trên, hay các cơ quan chính phủ ông sẽ báo cáo lên và làm tích cực.

Sau khi nghe tôi trình bày về sự đối xử công bằng cần phải có của Nhà nước Cộng Sản Việt Nam trong bối cảnh của xu thế mới và vị thế mới của Việt Nam thời khắc quan trọng nầy; mong nhà nước xét lại một số vụ việc nên thay đổi cách nhìn truyền thống của an ninh về vấn đề Tôn giáo, không nên ảnh hưởng hay bận tâm quá vào tôn giáo như hiện nay; vấn đề nhà nguyện tư gia cho tự do xây sửa, trả hay hoán đổi nhà thờ củ, trả lại tài sản v.v...

Ông Toàn nói các vấn đề sau:

- Về vấn đề thăm tù nhân: “Phía Hoa Kỳ mà nhà nước cho phép thăm Nguyễn Văn Ðài và Lê Thị Công Nhân thì quý Ngài cũng phải được, quan điểm Tôi là thế...!”

Hay nữ Mục Sư Nguyễn Thị Hồng vấn đề pháp lý thì phải đợi chị Hồng về nói cho Ngài rõ, vấn đề MS.K'sotino nói không đi biểu tình với ông sau đó thì khác!!! và một số trường hợp cụ thể như MS Rolanchel và một số trường hợp khác thì ông cần phải nắm lại sau đó mới trả lời và có chính sách.



“Vấn đề phân hóa Giáo Hội Mennonite, Công An không có trách nhiệm gì cả, đó là chuyện nội bộ.”



(Sau khi tôi xác định nguyên tắc sống của người Mennonite trong lịch sử và Tín lý để khẳng định mọi lý do và tác động phân hóa Giáo hội là không có kết quả lâu dài, vì Giáo Hội Mennonite Việt Nam không thể phân hóa vì bất cứ lý do nào hay bởi ai trong hay ngoài Giáo hội, chính quyền cấp công nhận cho nhóm Mennonite thiểu số vi phạm giáo luật là một sai lầm lớn của chính quyền đối với giáo hội Mennonite Việt Nam, thật lấy làm đáng tiếc, điều nầy thực tế không có lợi cho toàn thể cộng đồng Mennonite Việt nam, cũng như uy tín của chính quyền đối với giới quan sát quốc tế có kinh nghiệm. hơn nữa khi chưa có bộ Luật Tôn Giáo mà cấp pháp nhân tôn giáo thì không ổn cho cả người cấp lẫn người nhận)

Ông Toàn nói tiếp:

“Còn Tự do Tôn giáo bây giờ mà nói đến chuyện được ngồi lại nhóm họp đọc Kinh thánh thờ phượng là quá thường rồi, giờ nói đến tự do Tôn giáo là nói đến xây cất nhà thờ, mở trường Kinh thánh, tu viện, đi du học nước ngoài...”

“Tôi bảo đảm với các Ngài từ nay trở đi tức năm 2008 nầy không còn bắt bớ việc nhóm họp nào ở các địa phương nữa dù có đăng ký hay chưa đăng ký cũng được tự do?” (tất cả MS đều quá ngạc nhiên nhìn nhau)



Sau đó Ông Toàn còn nói: “mọi sự thay đổi rất nhanh, có thể tối ngủ sáng ngày lại khác”. Và, ông nhìn sang mục sư Chính nói: “ông lập chi hiệp hội thông công các dân tộc làm chi? các mục sư Ðông, Trực và cả Ông Quang cũng không ủng hộ hiệp hội của ông?” Bộ Công An đã thông báo cho địa phương về việc ông Chính nhận rất nhiều tiền của bên ngoài... Tôi yêu cầu Mục sư Chính không được nói, vì Giáo Hội đến có trọng tâm và mục đích cần thăm tù nhân đồng thời có một vài chuyện bức xúc của Giáo hội cần công khai với Bộ Công An xem như thế nào có thể cải thiện được hay không? Chủ yếu thăm viếng chứ không phải tranh luận, đợi dịp khác sẽ bàn đến, đồng thời ông Toàn hiểu lầm không ai chống hiệp hội cả. Tôi và các mục sư trách nhiệm chỉ ủng hộ khi nào ban điều hành hiệp hội chứng tỏ sự minh bạch, đi đúng hướng và biết giữ uy tín để làm lợi cho cộng đồng vả lại Giáo hội cưu mang hiệp hội đoàn kết chức vụ các sắc tộc, từng tổ chức hội thảo cho 40 mục sư, nhân sự về hiệp hội nầy 8 năm về trước tại Vũng Tàu, sẽ cung cấp thông tin thêm cho ai cần biết chính xác về hiệp hội.



Vì có một Ðoàn Tin Lành từ Nam ra có hẹn trước tặng quà chúc tết Bộ Công An đợi khá lâu ngoài cổng vả lại cũng đã quá trưa, buổi làm việc tạm dừng ông Toàn và ông Hà đánh giá buổi làm việc tích cực, thiện chí của cả hai bên. Ông Toàn nhiệt tình tiễn chúng tôi tận cổng và hứa chiều nay sẽ cho biết kết quả các yêu cầu của chúng tôi sẽ được cấp trên quyết định và thông báo chính thức cho chúng tôi và ban Giám đốc các trại giam mà chúng tôi sẽ đến.



V. Thăm cơ quan Mennonite Committee Central (MCC ) tại Hà Nội:

Lời thêm sức:

Mennonite Hoa Kỳ và Canada có cơ quan MCC hoạt động nhân đạo và xã hội từ năm 1992 tại Miền Bắc, tuy không liên hệ công việc nhưng chúng tôi vẫn giữ mối thông công tinh thần trong tình anh em nhiều năm nay. Trong khi nóng ruột chờ đợi thông tin từ Bộ Công An ban thường vụ tổng giáo hạt gồm Tôi, MS Nguyễn công Chính, MS Nguyễn Thành Tâm, MS Ðoàn Ðình Hùng đã đến viếng trụ sở của MCC. Bấy lâu nay mối quan hệ của chúng tôi rất giới hạn nhưng thật ra tôi hiểu công việc tế nhị của cơ quan nầy tại Miền Bắc, chúng tôi có mục vụ của chúng tôi, họ có công việc của họ, họ cũng biết tin tức về chúng tôi qua các cơ quan bên ngoài đổ ngược về Việt nam nhiều hơn. Khi thông công thăm hỏi trò chuyện chúng tôi được một bất ngờ từ quan điểm của ban giám đốc MCC: “Chúng ta thăm tù nhân là quan tâm đến hoàn cảnh của người tù chứ không nhất thiết phải phân biệt lý do nào họ bị vào tù.” Chúng tôi nhận sự cầu nguyện chúc phước của giám đốc cơ quan MCC và về lại khách sạn sau khi chụp hình với ông.



VI. Cầu nguyện xưng tội: Lòng nhẹ nhàng

Sau về tới khách sạn chúng tôi gọi điện ông Toàn và ông Hà cả hai vị đều không trả lời dứt khoát là được hay không, song ông còn trách sao không mail đơn cho Bộ Công An trước khi ra Hà Nội để có thời gian sắp xếp (nếu gửi đơn thì bị bác đơn trước khi ra Hà Nội thì sao? gặp mặt và cảm nhận ngôn ngữ nói bằng trực quan trực diện vẫn thuyết phục hơn!!!) cả ông Toàn và ông Hà cho rằng ý kiến chỉ đạo không thể sớm được có thể là nay hay mai cũng không chừng hoặc chiều mai!!! đoàn chúng tôi nghĩ sẽ có trục trặc rồi đây? và bắt đầu lo lắng.



Chúng tôi vội nhóm lại cầu nguyện, tuyên đọc Kinh Thánh ngay trong khách sạn và nói với Chúa rằng chúng con vâng lời Chúa và đã từng nói luôn với công An rồi, chúng con chỉ là kẻ không thể nói dối dạy người khác mà mình không chịu thực hành lời Ngài: “Kẻ tù được thăm viếng”( Mathiơ 25:39c) và Chính quyền thường nói giúp các chức sắc tôn giáo “sống tốt đời đẹp đạo”. Vậy nay, chúng con theo kinh thánh đó là phải thăm viếng người tù, xin Chúa cho công an chứng tỏ sự thật hành động cho chúng con và mọi người thấy đi? Chúa cũng nhắc lại trong Êsai 45:1-5: Ngài đã làm trong lương tâm họ, tất cả thành viên trong đoàn xưng tội mình, xin Chúa tha thứ cho nếu ai làm gì sai trái, hay vì động cơ cá nhân, đừng để bất cứ một điều nhỏ nào ngăn trở không được thăm anh em mình trong tù giá rét thế nầy! chuyến đi nầy mà không thăm gặp được anh em nào thì mục tiêu chính xem như thất bại, điều nầy không thể được, chúng con sẽ làm cái gì đó theo ý riêng tại Hà nội để khỏa lấp lỗ hổng của chuyến đi hay sao?



VII. Tập trung vào việc chính:

Không giấu giếm gì dự định ban đầu chúng tôi định ăn trưa với một số thân hữu tại Hà Nội, tôi cũng gọi điện được với anh Nguyễn Vũ Bình cho hay điều đó, Mục Sư Thân Văn Trường sẵn sàng giúp tôi đi thăm những nhà bất đồng chính kiến Miền Bắc, nhưng cả Ðoàn đều khuyên nên ưu tiên tập trung sức tối đa cho việc thăm tù, Việc thăm các thân hữu cũng tốt nhưng khi nào thăm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc khác mà mình đang có trách nhiệm thực hiện; tôi vâng phục tập thể, nhưng điều đáng tiếc xảy ra, trước đây cụ Hoàng Minh Chính có nhờ Giáo Sư Trần Khuê gửi cho tôi một lá thư sâu nặng nghĩa tình của người từng khổ nạn cho đất nước và dân tộc, tôi muốn được thăm và cầu nguyện cho nhưng ông đã ra đi, Tôi đã mất cơ hội! nếu là tôi tớ Chúa, việc cầu nguyện cho một linh hồn rất quan trọng, bỏ lỡ một cơ hội có thể ân hận cả đời.



Sau đó chúng tôi nhận một cú điện thoại từ ông Toàn, là chúng tôi được phép của Bộ CA để đi trại Ba Sao Nam Hà và trại số 5 yên Ðịnh Thanh Hóa để thăm gặp mặt LS Ðài, LS Công Nhân và được gửi quà cho LM Lý và các MS sắc tộc. Nỗi vui mừng khôn xiết của cả đoàn khi nhận tin tức tốt lành hằng mong đợi!

Chúng tôi vội lên đường và chú ý hơn việc chuẩn bị một lượng sách lớn để giới thiệu Tin Mừng cho bà con dân chúng trên suốt lộ trình ghé vào các trại giam.



VIII. Thăm Hải Phòng: Thăm chớp nhoáng nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa

Theo dự định chúng tôi thăm Hội Thánh Mennonite Hải Phòng, Ðoàn chúng tôi phải đến cầu nguyện, thờ phượng và ăn tối tại đây. MS Thân Văn Trường hướng dẫn tôi đến Kiến An thăm và cầu nguyện cho vợ chồng Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa xin xóa nguyên tội và kỹ tội cho vợ chồng ông nhờ đức tin tiếp nhận Ðức KyTô. Tôi xúc động và vợ chồng nhà văn cũng vậy, ông hiền từ tình cảm đậm đà chơn chất lắm. Tôi rất tin cậy sự chân thành, điềm đạm của Giáo Sư Nguyễn Chính Kết, nay gặp Nhà văn tôi thấy mình hạnh phúc khi có những người anh em thật thà trong thế giới đầy đố kỵ nầy! quả thật may mắn cho dân tộc Việt có những người con quả cảm; câu chuyện về quê hương đất nước câu chuyện về Ðức Tin kéo tất cả chúng tôi đến quá 1 giờ đêm, chúng tôi phải ra về hình như anh chị muốn khóc. Tôi ra về có mấy người trong đêm khuya giá rét vẫn kiên nhẫn nhìn chúng tôi để hôm sau tìm đến nhà người chủ xe cho mượn xe hỏi chuyện! khi ngồi trên xe tôi hỏi cô Lệ mẹ LS Lê Thị Công Nhân về Nhà văn, và biết được vợ chồng anh sống rất chân thật, thường hay bật khóc khi gặp chuyện xúc động, rời Hải Phòng 5 giờ sáng giá lạnh, chúng tôi lên đường trực chỉ Trại Ba Sao Nam Hà, nơi anh em cùng đức tin với mình mỏi mòn trong đó!



VIII. Trai giam Nam Hà: Chỉ gặp mặt một mình Luật Sư Nguyễn Văn Ðài

Khi đến trại Giam Nam Hà chúng tôi trình giấy tờ tùy thân thì được Ban giám thị trại ra tiếp chúng tôi mọi thủ tục được nhanh chóng, Ban giám thị thông báo chỉ cho phép 4 người được gặp mặt Luật Sư Ðài là Tôi, MS Chính, MS Tâm, MS Hùng tức 4 người trong ban thường vụ giáo hội, ngoài ra Tôi không được gặp ai nữa cả, các Mục sư không được vào ngồi trên xe cầu nguyện. Chúng tôi được dẫn vào trong xa để gặp LS Ðài tại một phòng khách và có 45 phút để nói chuyện. LS Ðài cho biết được giam chung với nhiều anh em sắc tộc có cùng niềm tin nên không khí trong phòng giam đỡ căng thẳng, tuy nhiên bệnh trĩ vẫn còn do ăn uống không được tốt, Ðài cho biết các tù nhân khác rất cần Thánh ca và Kinh Thánh (theo qui chế trại giam điều nầy thì bị cấm).



Luật Sư Ðài dù bị cầm tù vẫn giữ được lập trường khá rõ ràng và biết chắc rằng nhà nước sẽ sớm khắc phục sự sai lầm khi xét xử bất công với chính mình và Lê Thị Công Nhân. Trong lúc đang trò chuyện tôi liền tận dụng thời gian đứng lên xin phép cán bộ an ninh Trại đọc chứng thư sắc phong mục sư cho Luật sư Nguyễn văn Ðài đã được Giáo hội trong và ngoài nước đồng ký vào ngày 22 Tháng Chín 2007, đồng thời hỏi LS Ðài có ưng thuận đặt tay cầu nguyện Chúa ban ơn, xức dầu cho Thánh chức chăm sóc đời sống thuộc thể và thuộc linh cho mọi người, đặc biệt là các bạn tù trong hoàn cảnh đặc biệt nầy hay không? Luật sư Ðài đồng ý và nói: “Mục Sư Quang biết rồi trước đây em cũng đã từng mong ước phục vụ Chúa trong mọi hoàn cảnh bây giờ vẫn thế” cũng qua thông tin của Bộ Công An nói khi phái đoàn Hoa kỳ thăm vào Tháng Bảy 2007 Hội Thánh cũng biết được Luật Sư Ðài cũng giảng đạo cho các tù nhân cách hết lòng. Vào đầu năm 2006 được công nhận mục sư nhiệm chức phụ trách pháp lý cho Giáo Hội Tin Lành Mennonite Luật Sư Ðài đã tích cực trong việc quan tâm đến đời sống tâm linh của các đồng sự như LS Lê Thị Công Nhân hay kỹ sư Bạch Ngọc Dương và nhiều người khác trong đó có các nhóm con lai Mỹ bị từ chối còn ở lại Việt Nam.



Sau khi được cầu nguyện LS Ðài nhanh chóng nói “Công Nhân đã cầu nguyện tuyên xưng đức tin và đã học giáo lý Báp tem rồi mục sư biết cách phải làm thế nào trong hoàn cảnh nầy để làm phép Báp Tem cho Công Nhân. ”



Liền lúc đó Tôi đứng dậy xin phép cầu nguyện các sĩ quan an ninh trại cũng rất lịch sự họ đứng xem Tôi đặt tay cầu nguyện cho Mục Sư Ðài, cho Tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam là điều cần có họ tham gia đóng góp nữa, tôi cầu nguyện cho gia đình họ, cho tất cả mọi tù nhân kể cả các cán bộ an ninh trại! điều bất ngờ là chính các sĩ quan an ninh lại cảm ơn chúng tôi khi cầu nguyện xong, Mục sư Chính nói “từ nay Luật Sư Ðài chính thức là Mục sư, chúng tôi bắt đầu gọi Luật sư Là Mục sư là tôi tớ Ðức Chúa Trời”, các mục sư Nguyễn Thành Tâm, Ðoàn Ðình Hùng và Tôi đều nói Amen.



Sau khi hết giờ cán bộ trại giam dẫn bốn người chúng Tôi đến phòng làm việc khác, Tôi được phép viết một lá thư tại chỗ cho Linh Mục Lý và cho phép Tôi chuyển tất cả thư của cộng đồng quốc tế gửi cho Cha Lý, họ không cho gửi tiền cho Ngài. Tôi gửi được 5 triệu đồng lưu ký và 1 cuốn Kinh thánh cho LS Ðài, và một cuốn Kinh thánh cho mục sư nhiệm chức K'sotino, tôi xin gửi tiền cho các tù nhân sắc tộc khác không được. Rời vùng rừng núi Ba Sao Nam Hà, nơi bao con người đang chịu đựng cái rét thấu xương trong ngục lạnh đoàn trực chỉ Thanh Hóa để tìm Trại Giam số 5 của cục V26 Bộ công an, nơi giam giữ nữ Luật sư Lê Thị Công Nhân và nhiều tù nhân sắc tộc Tây Nguyên.



IX. Trại giam số 5 Yên Ðịnh-Thanh Hóa:

a. Lạc đường:

Từ Nam Hà đi đến Thanh Hóa Tài xế trong Nam ra không ai biết đường nên từ Thanh Hóa chúng tôi đi gần cả trăm Km gần Mèo Nú Cẩm Thủy, theo dân chúng chỉ đường vào đúng Trại 5 Bộ Công An, nên chúng tôi cứ đi gần tới Lào cũng gặp Trại 5 cục V26 Bộ Công An, ban Giám đốc trại ra tiếp và nói không phải trại nầy Lê Thị Công Nhân có thể giam Trại 5 khác, té ra có 2 trại giam số 5, nhưng trại giam nữ cách 45 cây số nữa, phải trở về lại quá mỏi mệt đường trơn trợt do mưa phùn rất khó đi cả tài xế và chúng tôi đói bụng, đường ít dân trời tối không ai ra đường nên khó hỏi đường do đó chúng tôi bị lạc đường nữa, khi tìm ra trại 5 k4 nơi giam tù nhân nữ thật quá tối, dân địa phương chạy xe đêm liền la lớn có phải từ tỉnh Gia Lai ra không? nhìn trên xe có mục sư sắc tộc họ biết từ Tây Nguyên, từ họ chúng tôi biết nhiều tù nhân sắc tộc bị giam tại đây. Chúng tôi đến K4 trại 5 ban giám thị đã pha trà pha sẵn và cho biết đã đợi chúng tôi từ chiều, bây giờ thì không thể giải quyết thăm được không được trích xuất tù trong đêm trong trường hợp thăm gặp, hẹn sáng hôm sau cho gặp sớm lúc 7 giờ, chúng tôi được đưa đến một nhà khách ăn tối nghĩ đêm.



b. Nhà xe trở chứng “đến hẹn lại lên”:

Sau khi ăn xong nhà xe đòi về không chịu đợi đến sáng mai sau khi gặp LS. Công Nhân, họ tuyên bố xanh rờn: “bằng mọi giá phải đem xe về tức khắc trong đêm” chúng tôi phải ngậm ngùi chấp nhận đành cho đoàn đi trong đêm một nửa, có nghĩa là một nửa bị bỏ lại trong rừng nếu gặp mặt L.S. Công Nhân. Thà thua thiệt nhà xe chứ không thể nào về trong đêm bỏ không thăm gặp LS Công Nhân, Tôi trả tiền và còn bồi dưỡng tài xế chu đáo, nhưng họ vẫn bỏ anh em chúng tôi giữa đường, còn chúng tôi chờ gặp mặt Luật Sư Công Nhân nên bị bỏ giữa rừng! chúng tôi khá quen thuộc cảnh nhà xe bỏ khách chạy lấy người, đây cũng là nét đặc trưng Mennonite!



c. Nữ Luật Sư Lê Thị Công Nhân: Hoa Hướng Dương, người Chúa chọn

Ðúng 9 giờ sáng trước khi gặp LS Lê thị công Nhân, Thượng Tá Vân phó Giám đốc Trại Giam yêu cầu Tôi không nên cho bà Lệ mẹ cô Công Nhân cùng vào thăm chung với đoàn mục sư có lẽ do chỉ đạo trên Bộ Công An giống như vợ LS.Ðài cũng không được thăm chung với đoàn, việc nầy cũng ít nhất có hai ý nghĩa:



1. Bộ Công An muốn LS Ðài và LS Công nhân không chia trí và dành trọn thời gian ít ỏi để cho đoàn mục sư thăm hỏi, tiếp xúc (chỉ 45 phút).



2. Bộ Công An muốn phân định rõ ý nghĩa của việc thăm nuôi gặp mặt lần nầy hoàn toàn không theo tính cách gia đình, nó có tác dụng làm nổi bật một thiện chí, nói cách khác là một bản lĩnh mới đối với việc cho những “phần tử bất đồng chính kiến” gặp gỡ nhau, mở ra một hướng mới cải thiện các mối quan hệ trong nước mà do chính sách cứng nhắc trước đây làm gãy đổ tạo ra thái độ trọng ngoại khinh nội?



Lãnh đạo trại ra tận phòng đợi ngoài cổng hướng dẫn chúng tôi vào phòng khách nơi sẽ gặp LS Công Nhân, đồng thời ông cũng đích thân đưa LS Công Nhân đến chỗ chúng tôi rất ân cần, rồi lại tiễn đưa chúng tôi ra tận cổng sau khi gặp xong; là người đi tù nhiều lần tôi chưa từng thấy như vậy bao giờ! chừng 30 phút thì Công Nhân được dẫn ra, Em mặc bộ đồ tù sọc trắng sọc xanh như tôi đã từng mặc hơn hai mươi năm trước khi ra tòa cũng cùng tội danh với em ngày nay: “Tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa”. Nhìn Em nước da rất trắng tóc dài đen, vóc người nhỏ con, cao chừng độ hơn 1m50 nhưng phát ra phong cách ung dung tự tại của người trượng phu. Em nói năng xác tín vững vàng đầy dũng khí nhưng vị tha và hồn nhiên lắm!



Sau giây phút ngỡ ngàng nhưng Công Nhân vẫn nhận ra Tôi, dù chưa lần nào gặp mặt, Tôi chỉ biết Công Nhân qua LS Ðài, LM Lý và qua truyền thông. Tôi nói chuyện với em qua điện thoại chỉ 1 lần vì em mới tin Chúa và mới bước vào con đường hiến thân cho quê hương. Sau lời nhắc lại qui chế trại giam khi thăm gặp vị Thượng tá bắt chuyện luôn tay ba giữa Công Nhân, Tôi và ông về lập trường, thái độ sống ông nói rằng đã gặp trao đổi với Công Nhân trước khi gặp chúng tôi 1 ngày (đúng như dự đoán trước ). Công nhân cũng thừa nhận câu chuyện giữa vị phó Giám thị trại với mình hôm qua và thẳng thừng: “Ông kết luận Nhân không thức thời, hy sinh tương lai cá nhân cách uổng phí, mơ mộng... còn Nhân kết luận chính ông mới là mơ mộng ảo tưởng không thức thời” không muốn hút vào câu chuyện ngoài tầm kiểm soát nầy tôi xoay qua các các sĩ quan an ninh vài ba câu nói làm thăng bằng buổi gặp mặt đầy hào hứng nầy, Công Nhân khó chịu nói: “Mục sư nói chuyện với Nhân đi, mặc kệ họ, quí vị nầy chỉ là người giám sát buổi nói chuyện thôi...” Tôi chuyển qua nói chuyện về tư duy pháp lý truyền thống khó thay đổi về các tội danh lãnh vực an ninh của Việt Nam, một thực tế mà những nhà đấu tranh phải trả giá tại các phiên tòa là chuyện thường, Công Nhân rất thẳng thắn: “Mục sư vào tù nói chuyện Luật với Luật sư à?” Tôi nghĩ không lầm rằng Công Nhân dám chấp nhận sự thực phũ phàng nầy, không cần “động viên”theo lối truyền thống nữa!



Tôi rất rõ Công Nhân nóng lòng muốn tôi khéo léo cho biết tình hình tranh đấu hay các tin tức quan trọng nào bên ngoài thôi; tâm lý người tù xưa nay vẫn vậy, tôi sang phần đề cập đến niềm tin hy vọng giúp Công Nhân thêm năng lực thuộc linh để chịu đựng sự khắc nghiệt của lao tù mà em cũng là phận nữ nhi mỏng manh nhỏ bé trước cơn thử thách hung tàn của trại tù xã hội chủ nghĩa, hơn ai hết chính chúng tôi và chắc là cả các quản giáo là những chứng nhân trong các trại tù của điều kiện Việt Nam biết thực tế mà phải chạnh lòng! Nhân hết kiên nhẫn trách tôi: “Mục sư ơi! Sao lại nói chuyện Kinh thánh, em có đọc và nhận lại Kinh Thánh rồi sẽ đọc mà! Hãy nói cho em tình hình bên ngoài đi, mọi người như thế nào?”. “Tôi là mục sư không nói về Thánh kinh nâng đỡ đức tin em thì làm sao được ngồi đây nói chuyện với em?” tôi đã nói thế, Công Nhân như hiểu ý Tôi, và chuyển qua hỏi chuyện khác tôi cũng dần chuyển qua chuyện tin tức Việt Nam vào Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hay được bầu làm phó chủ tịch ủy ban chống khủng bố quốc tế, Công Nhân chận lại ngay em biết luôn rồi cả ai chịu trách nhiệm luôn dường như ông Cường gì đó! nôn nóng của Công Nhân muốn nắm tình hình bên ngoài, Tôi cho Công Nhân biết, Tôi đã thăm Ðài ngày hôm qua, và Ðài gửi lời thăm em, Nhân hỏi ngay thế còn cha Lý, cơ hội nầy Tôi cho Nhân hay tình hình Công Giáo nóng lên bởi việc hàng ngàn tín hữu tập trung đấu tranh đòi lại Tòa Khâm Sứ và tại Thái Hà bằng biện pháp hòa bình là cầu nguyện do đó thăm cha Lý cũng làm nóng hơn về một Linh mục Công Giáo còn trong tù nên công an không cho gặp mặt, chỉ được gửi thư và chuyển thư của cộng đồng quốc tế gửi cho cha Lý, Công Nhân như rất quan tâm, MS Chính biết ý nên chuyển lời quan tâm, thăm hỏi chân thành của cộng đồng kiều bào hải ngoại đến Công Nhân. Chúng Tôi cũng đáp ứng phần nào sự đói khát thông tin cho Nhân, sau đó tôi hỏi em đã tin Chúa, học giáo lý Báp tem, nhưng chưa làm lễ Báp tem phải không? Công Nhân thưa: Dạ vâng, em cũng có ý định làm mục sư phục vụ Chúa và đồng bào mình trọn đời phải không? Công Nhân nói “sao lại lan nhanh thế!” Tôi nói cả thế giới biết việc nầy, Công nhân lại nói: “chắc em phải sống độc thân thì tốt hơn cho công vụ như Thánh Phao lô” chúng tôi khuyên Công Nhân phải biết chắc là Chúa muốn như vậy! Vị Giám thị lúc nầy cũng góp ý vào câu chuyện, nhưng Tôi nói tiếp: “Công Nhân nên học thêm tiến sĩ Thần Học và Luật học để làm giáo sư Kinh thánh Tôi thấy em giãi kinh tốt, và dạy Luật giúp việc cho anh Ðài,Công Nhân lại cự: “Sao Nhân lại phải phụ tá anh Ðài?” Qua một vài câu hỏi về sức khỏe, bệnh tật, đời sống trong trại biết Công Nhân cũng bị bệnh Viêm mũi nặng, đồng thời bị giam chung với tù hình sự, có luật buồn riêng rất khó khăn cho các sinh hoạt riêng của Công Nhân (không cho tắm trong buồng) Công Nhân cũng cho biết em bị làm tổn thương trong buồn giam, nhiều lúc Công Nhân có cảm tưởng như họ bị tác động sau lưng để quấy nhiễu làm cho Nhân khủng hoảng tinh thần trong tù? Tôi cũng dùng lời Chúa khuyên Nhân tha thứ để: thân hòa đồng trú và nói rõ cho Nhân biết như tôi đã nói rõ cho Ðài rằng: “Cuộc đấu tranh hiện nay là đấu tranh để tồn tại và khỏe mạnh trở về sớm với đời đó là cuộc tranh đấu đầy thực tế và ý nghĩa nhất cho chính Nhân và Ðài. Còn cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền không thể lùi một bước vì đó là khát vọng của cả dân tộc bao hàm trách nhiệm của mỗi một người Việt nam không phân biệt kể cả quí vị công an đang đứng đây!” nói xong Tôi mượn bình thủy nước nóng đổ vào ly đứng dậy nhân danh Ðức Chúa Jesus Christ làm Báp-têm cho Lê Thị Công Nhân bằng hình thức đổ nước ước trên đầu và chảy xuống vai, Công Nhân đứng lên nhận lãnh và Tôi lấy thập tự giá bằng kim loại màu vàng gắn lên áo Công Nhân. Cán bộ Trại không cho nhưng tôi cương quyết không hề gì cứ việc mang thập tự giá khi vào buồng giam thì tháo ra gửi lưu ký trại, khi ra tù lấy mang trên áo đề về nhà đây là kỷ niệm đặc biệt của Công Nhân mong các anh chấp nhận. Họ đồng ý, chúng tôi cầu nguyện và cán bộ cũng cảm ơn vì tôi có cầu nguyện cho gia đình họ nữa. Sau đó Công nhân chợt hỏi: “trong tù em có gửi thư cho anh Phạm hồng Sơn xin gia nhập chính thức Hội tù nhân Chính trị và Tôn giáo Em biết mục sư là phó Hội trưởng hội giải quyết sao?” Tôi nói: “Em yên tâm, tôi công nhận em xứng đáng vào hàng ngũ của Hướng đạo sinh Cơ-đốc trước đã và công nhận em là một tráng sinh lên đường theo cách phi truyền thống” và tôi dạy em cách bắt tay trái theo cách hướng đạo sinh. Liền lúc đó vị thiếu tá công an trại hỏi hội mà Nhân nói là hội gì? Tôi nói: “Là người ở tù vì tha nhân, vì lương tâm họp lại nâng đỡ nhau mang tính nhân đạo” cũng vừa hết giờ Nhân như lặng người cuối xuống không nói được lời nào, Vị Thượng tá kéo tay LS Công Nhân để trở vào trại Giam. Tôi chạy qua và đặt tay trên vai Lê Thị Công Nhân nói đôi điều công bố kết nạp Công Nhân làm Hội viên chính thức của Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Tôn Giáo Việt Nam. Công Nhân xúc động, tất cả chúng tôi như muốn khóc, sau khi Công Nhân đi khuất, tôi ngồi lại ký biên bản những gì xảy ra mà cán bộ trại giam lập.



Sau khi làm lễ Báp têm, một Lê Thị Công Nhân hoàn toàn mềm mại khác hẳn lúc mới vào tất cả chúng tôi 4 mục sư trong ban điều hành Giáo Hội đều thấy rất rõ, vui mừng cảm ơn Chúa cho xảy ra câu chuyện hy hữu, cảm động và phước hạnh nầy. Mục Sư Chính chụp 3 bô ảnh Công Nhân lúc làm báp têm và lúc mới bước vào, bị Công an trại tịch thu máy ảnh và xóa hết.



Tôi thấy Luật Sư Công Nhân quả thật tâm hồn trong sáng như Hoa Hướng Dương không hướng tâm hồn vào sự tầm thường và bóng tối, luôn hướng thẳng về phía mặt trời công nghĩa, dù trong ngục thất vẫn hướng lòng mình nơi bình minh Chân lý vừa ló dạng, quả thật Công Nhân là người Chúa chọn.



Sau khi vị phó giám đốc trại giam đưa chúng tôi ra lại phòng khách chúng tôi có một cuộc trao đổi thẳng thắn với ban giám thị trại khá lâu, về tình trạng của Công Nhân, mong ban giám thị trại cũng bỏ qua những phật lòng mà vì cộng đồng cải thiện tình trạng của Công Nhân được an toàn hơn khi sống trong buồn giam.



Chúng tôi cũng trao đổi với Ban giám thị về số tù nhân sắc tộc Tây nguyên không được thăm nuôi tại đây, bày tỏ nguyện vọng muốn giúp đỡ số tù nhân nầy. Lúc trên Bộ nói rằng đó là vấn đề nhân đạo, nhưng khi xuống các trại thì vấn đề chưa thể giải quyết lần nầy được! thật buồn.


(xem tiếp phần 2)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét