Thứ Ba, 18 tháng 3, 2008

Thơ viết gửi mẹ ( trích trong ĐTTN)

Thằng bé nhà bên đặt trùng tên
Mẹ nó gọi
Mẹ con giật mình, thảng thốt
..con à, chốn đó sống sao con ?

Kinh giải hạn mẹ tụng dài hơn nữa
Tiếng Di Đà như lay cả rèm thưa
Tuần nhang hết, tuần nhang sau tiếp nối
Trong khói nhạt nhòa, dáng Phật vẫn trầm tư


Con bất hiếu, bảy trăm chiều biệt xứ
Để mẹ đêm nào cũng trĩu nặng ngóng xa xăm
Thôi đêm nay mẹ hãy dừng câu kệ
Trời định rồi
Tượng Phật dẫu nghìn tay.

Thời gian ơi ! đi nhanh như giấc mơ
Cho thư con viết từ nơi xa ấy
Không đượm buồn, đẫm nhớ tuổi hồn nhiên.

Và hôm nao hạn trời con qua hết
Ơ mẹ kìa!
Tượng Phật sáng hào quang

( viết tại......năm 1996- ký tên 3790Q)

Hôm nay nhờ cậu Giang nhắc, mới nhớ lại những gì mình viết đã lâu. Pos lại đây thỉnh thoảng đọc ngẫm nghĩ vậy

Hồi nhỏ tôi thấy từ đầu đến cuối ngõ nhiều xe xich lô,xe ba gác,xe bò.Mấy nhà tương đối tậu bò để kéo gạo cho cửa hàng lương thực,thành lập hợp tác xã vận chuyển.Còn người không có thì đóng chiếc xe ba gác bằng gỗ,kiểu như xe cải tiến ngày nay nhưng to hơn gấp đôi.Kéo chiếc xe ba gác này là một bà già chừng 60 tuổi,thế nào từng ấy tuổi mà da dẻ bà vẫn đỏ au,con trai bà là đi bộ đội hy sinh trong trận Mậu thân 1968.Trong căn nhà tuềnh toàng của mình,đồ đạc đều nhuốm màu thời gian từ cái rế đến bộ bàn ghế,phôi phai theo sự khó khăn manh áo miếng cơm của gia chủ.Chỉ có mỗi cái giấy Tổ quốc ghi công mà họ tên người có công được ghi bằng những dòng chữ bay bướm,tài hoa.treo trang trọng trong khung kính,lấp lánh dưới sự phản chiếu của ngọn đèn đỏ đung đưa giữa nhà.Bà cụ kéo trấu và củi thuê cho mọi nhà.Ngày ấy mọi nhà trong ngõ tôi đều đun nấu gần hết bằng bếp trấu,cái bếp bằng sắt tây mỏng tang,người ta nhét cái chai thuỷ tinh vào giữa và nhồi trấu xung quanh thật chặt,sau khi mắm môi mắm lợi lèn,rút cái chai ra thật khéo léo,nếu không trấu sẽ đổ ụp.Còn củi toàn lại củi kiểu đề xê của nhà máy gỗ dưới Bạch Đằng,đôi khi vớ phải gỗ thông già khi đốt lên thơm nồng khắp xóm.

Bà cụ sống một mình,về sau có bà cụ nữa bán bánh dày rong đến ở cùng.Cụ kéo xe thì hay chửi bới bọn tôi,vì chúng tôi thường xuyên leo lên xe cụ nghịch ngợm.Cụ bán bánh dày thì lại rất yêu chúng tôi,hình như mỗi hôm nào bán được hàng cụ hay cho bọn trẻ chúng tôi nhữ gói bỏng ngô

Hai bà cụ chăm sóc nhau,có lần chiếc xe ba gac bỏ mãi ngoài ngõ,mưa nắng dãi dầu đến nỗi từ thân xe,những chỗ chớm mục mọc lên những cây nấm trắng li ti.Lúc này chúng tôi mới tự hỏi nhau bà Pháo đâu rồi nhỉ? Bọn trẻ chúng tôi lén lút bám đuôi nhau như những người lính trong phim Liên xô ngó vào nhà bà.Một chiếc màn xô trắng giăng trong góc tối,giữa ngôi nhà lạnh lẽo vì thiếu hơi người làm bọn tôi hoảng sợ,một mùi tanh tanh toát ra,cái mùi của ẩm ướt và xú uế

Hoá ra bà kéo xe ba gac ốm,còn bà Năm người bán bánh dày rong thì đã về quê ở với cháu ngoại.Người lớn trong ngõ nhọc nhằn chạy vạy những bữa cơm thường ngày không hơi đâu để ý đến bà.Hôm liệm xác người quắt queo,ông Thân cạy mãi miệng bà mới nhét được mấy đồng xu cho bà trả tiền đò qua suối vàng,đám tang của bà lặng lẽ đi trong nắng hè rực rỡ.Không biết nếu những cây nấm không mọc trên cái xe của bà,thì bà còn nằm ở trong cái màn xô đó bao lâu.


ai mươi năm trước.Người ta không bán hàng nhiều như bây giờ.Ngõ chỉ chộn rộn người vào buổi chiều,đến 8 giờ tối là vắng hoe.Buổi trưa chúng tôi chơi đá bóng giữa ngõ,quả bóng bằng nhựa vằn vện to bằng bát ăn cơm.Phải biết phân biệt giữa bóng mậu dịch và bóng gia công,bóng mậu dịch bền và mềm hơn. Cái thứ bón gia công cứng nhắc,chỗ dày chỗ mỏng khi sút bóng cứ đi hình cong cong chả biết đường nào mà lần ,đã thế còn hay rách,trẻ con chúng tôi quần đùi ,chân đất cởi trần giữa trưa,chạy ầm ầm,hò hét huyên náo.Khi nào khát nước ra máy công cộng cúi gập người ngửa cổ uống,sau đó thì cởi truồng tắm .Chẳng cần phải đợi ráo mồ hôi.

Những hôm không đá bóng,cả lũ chúng tôi kéo nhau đi trèo me ,sấu ở quanh cung thiếu nhi.Thưở ấy ve sầu ở Hà Nội kêu váng tai ,tôi bao giờ cũng đảm nhiệm việc trèo lên cây đầu tiên,cành sấu khô và ròn,tôi chỉ lựa những cành nhỏ rồi bẻ gẫy vứt cho bọn ở dưới.Được kha khá thì mang ra chợ Hàng Bè bán cho mấy bà hàng rau muống cũng đủ tiền mua bóng.Mỗi lần xuống cây,hai túi quần nhét đầy ve sầu,mồm rau ráu nhai sấu chín.Tôi chia cho đám bạn những con ve có đôi cánh mỏng tang ,trong suốt và cái thân hình béo múp mập mạp,hình như bọn ve hút nhựa cây sống thì phải.Bọn tôi liệt chúng vào laọi phá hoại,chúng để dành cho gà ăn bồi dưỡng.Mấy ông viết báo Thiếu niên tiền phong thì cứ ca ngợi chúng là những ca sĩ của mùa hè Hà Nội.Nhưng với bọn tôi cái lũ phá hoại cây cối ấy đã ăn còn kêu nhức cả đầu này phải đáng cho gà ăn.Đấy chắc chỉ là lý do một phần thôi.Phần lớn trong những năm tháng gạo châu ,củi quế.từng hạt cơm vãi ra được nhặt lên cẩn thận dùng vào việc nuôi gà dành cho ngày Tết hay giỗ thì những người nghệ sĩ thiên nhiên này phải dùng vào việc gì thiết thực hơn.

Tôi có thú hay trèo lên mái nhà và trèo hết từ mái nhà nọ sang nhà kia,thằng hay trèo cùng tôi là P.Đó là thằng con lớn của bà chủ họ,lúc này thì bố nó làm nghề khắc bút chỗ rạp múa rối nước góc Bồ hồ bây giờ.còn bà chủ họ ngày ấy là một công nhân của hợp tác xã làm cân,chăm chỉ cần mẫn.

Buổi trưa trong ngõ ai đi làm thì không có ở nhà,còn những người nghỉ trưa ở nhà thì tranh thủ ngủ.Vô tuyến đâu có nhiều,vả lại nếu có thì cũng phát sóng vào buổi tối mà thôi.Những mái nhà đối với chúng tôi là cả một thế giới huyền bí,hoang sơ ,như những vùng đất chưa ai đặt chân tới.Trên những mái ngói ta từng đám rêu mịn và dày mọc khắp nơi,bụi đất đọng lại trên mái làm chỗ sinh sống cho loài cây thài lài hay lá bỏng.Chúng tôi vặt lá cây lá bỏng lau qua quýt rồi chấm muối ăn.Phải thành thật nói rằng với một bát cơm rang ít mỡ và hai bữa chính hầu như toàn rau muống luộc chấm tương ,cà pháo.lạc rang,đôi lúc có thịt ba chỉ kho dừa mà mỗi miếng thịt bé bằng nửa bao diêm mỏng không thể mỏng hơn, được kho với chục miếng dừa thái ngón tay.Những bữa ăn như vậy làm chúng tôi luôn thấy nhạt miệng,lá bỏng ,lá sấu,lá dâu da xoan đều chấm muối ăn tuốt.Còn dãy bàng ở phố bên ngày nào cũng được thanh sát kỹ càng,ăn hết cùi còn vác gạch đạp nhân chia nhau ăn nốt. Trên mái nhà đôi lúc chúng tôi gặp chiếc dép nhựa rách hay mẩu nhôm vứt chỏng chơ,tất cả đều gom lại để đổi kẹo bột.thú nhất là từ chỗ này hay nhìn được những cảnh bất ngờ,ví dụ bọn tôi bắt gặp quả tang nhà nọ anh chồng tụt quần,chổng mông lên cho vợ lấy que tăm khều giun kim .Chị vợ tay vạch lỗ đít chồng,tay khều khều những con giun kim bỏ vào tờ giấy dưới đất,thỉnh thoảng chị đưa cái đầu mặt lên mũi ngửi rồi phát đét vào mông chồng mắng- thối thế ?



Bọn trẻ chúng tôi luôn luôn muốn kiếm tiền.Hồi ấy các bậc cah mẹ ở ngõ không quan tâm đến chuyện học hành của con cái lắm.Thằng tranh thủ học về vác cái bơm ra đầu đường bơm xe đạp,thằng gánh nước thuê.Tôi và thằng Phúc sang hơn,bố nó là công nhân nhà máy cơ khí Trần hưng Đạo dóng cho cậu ấm một cái xe đẩy gạo.Chúng tôi chầu chực ở cửa hàng lương thực để nhận công việc,quần đùi chân đất chúng tôi đẩy xe đi khắp phường.Nhiều khi sang cả phường khác xa hơn để kiếm việc.Có uy tín chúng tôi nhận luôn trọn gói,cả việc xếp hàng mua gạo và giao tận nhà.Lúc này bố tôi đang ở trong tù,mẹ tôi đi bán hàng rong mãi tối mịt mới về.Tôi trở thành đưa con thực sự của đường phố,nhất là vào dịp hè.Tối đến tôi cũng ngủ luôn ở ngoài đường,vì trong nhà mất điện.Mất điện ,mất nước là căn bệnh kinh niên thời bao cấp.Da tôi đen cháy,cởi truồng ra đúng chỗ mặc quần đùi là trắng,đứng trong bóng tối nhập nhoạng chỉ thấy hàm răng .

Bọn trẻ phố khác thì đi bơi ở Tăng Bạt Hổ,có lần tôi vào đó,chỉ có làn nước xanh là đẹp thôi.Còn bể nông choèn,đang bơi một đoạn là lại đụng vào người thằng khác.Một lần tôi lặn xuống chỗ sâu nhất rồi ị một cục.Lặn một quãng ngoi lên thấy cục đó vàng ươm nổi lập lờ.Lũ trẻ nhà thượng lưu nháo nhác xô lên bờ hét inh ỏi.Chú bảo vệ nhảy xuống lấy hai tay bứng lên mang đi ,bọn trên bờ thôi hẳn không dám xuống nước nữa,nhưng bể bơi thì tốn tiền và không thoải mái,tôi thích sông Hồng hơn vì ở đấy được tự do tôi không thích sự gò bó và khuôn khổ có lẽ đấy là ảnh hưởng của đường phố,sông Hồng bơi ra giữa dòng nước rất sạch.Tôi thường bơi sang dải đất giữa sông,nơi người ta trồng cà pháo làm một bọc mang về cho mẹ muối nén.Ở sông hay có người chết đuối và chết vì tử tự hay cái gì nữa,nói tóm lại là chết dưới nước.Mà chết dưới nước thì đều giống nhau ở chỗ khi xác nổi lên,da căng phồng như bọn vịt ,gà ngoài chợ bây giờ người ta thổi hơi hay bơm nước.Đàn ông chết thường nổi sấp bụng,còn đàn bà thì nằm ngửa.Lúc đó tôi nghĩ đàn ông biết xấu hổ nên chết nằm úp.Hoá ra không phải vậy,các cụ bảo đấy là họ đang ở với cái thế duy trì nòi giống.còn lớn lên thì hình như ai nói với tôi là do cấu tạo của cơ thể,nói chung là thuộc sinh học quái gì đó mới giải thích nổi.Tôi không sợ cái chết lắm,hồi chưa đi học bố mẹ gọi tôi là thằng đồng cô vì suốt ngày chỉ chơi với bọn con gái bán đồ hàng cả nấu ăn.Nhưng lúc tôi đi học thì bố mẹ tôi luôn phát mệt vì giấy mời,lúc buột mồm mẹ gọi tôi là thằng quan ôn.quan ôn tất nhiên không sợ người chết.Tôi lên thuyền của người vớt xác thuê ra chỗ nước quẩn,bọn cá liu diu hay thầu dầu ,mương đang rỉa cái xác,thịt bợt ra lam nham ở mỗi chỗ rỉa.Người vớt thuê dùng cái sào đầu buộc thòng lọng như bọn bắt chó lùa vào cổ chân người chết kéo vào bờ.Những cái xác mà có người thân thì họ đứng chờ sẵn trên bờ ,khi nhìn thấy cái xác là họ đồng thanh khóc ầm ĩ,tiếng than van náo động cả vùng ven sông.Những cái xác không có người nhận thì thật tội,có cái luẩn quẩn,loanh quoanh mãi một chỗ cả ngày,dường như chờ đợi thân nhân đến nhận.Đợi chán chê,chắc nản lòng hay quá hạn nhập cành phan nó xuôi theo dòng trôi tiếp.Nếu công an có mặt,người ta sẽ trưng dụng một cái thuyền để mang xác vào bờ.Chính vì lẽ này mà mỗi khi có xác không người nhận là các thuyền biến rõ nhanh như tránh bão.Cái xác mà công an mang lên được mổ xẻ khám nghiệm tử thi ngay tại bờ,họ mổ bụng moi lấy dạ dày rạch ra ,cưa sọ xoèn xoẹt,thao tác thuần thục và chính xác như ông Hai làm nghề mổ lợn thuê vào sáng sớm cho bà Mùi



Những chiếc xe tải đậu dãy dài ven đê.Chờ qua cầu Long Biên.Chiếc cầu cũ kỹ có gần 100 năm tuổi trải qua hai cuộc kháng chiến đã trở nên già cỗi ốm yếu.Mỗi lần người ta sửa cầu là hàng đoàn xe ô-tô chờ đợi kiên nhẫn dài hàng cây số.Khi đêm xuống,những chiếc xe chở gạo là mục tiêu tấn công của chúng tôi.Với những túi vải nhỏ và một ống sắt chém vát nhọn.Bọn tôi đâm vào bao tải gạo rồi giơ bị ra hứng ,dòng suối gạo trắng chảy tuôn trào đầy túi thì bọn tôi rút ống sắt ra.Chúng tôi ăn cắp, thực sự là ăn cắp,nhưng chưa bao giờ chúng tôi phân vân hay ăn năn.Chuyện 5 điều Bác dạy hay gương người tốt việc tốt còn xa vời hơn truyện cổ tích của Nguyễn Đổng Chi sưu tầm.Cơm không độn mỳ sợi hôi rình bán kèm gạo hay hay hạt bobo tất nhiên ngon hơn ,dễ nuốt hơn.Cơm đã độn mà lại ăn với món bí đao truyền thống nuốt mà cứ nghẹn bứ ở cổ,vừa ăn vừa tu nước ừng ực cho dễ trôi.

Tôi đứng đầu về kỹ năng ăn cắp gạo,cho dù những người lái xe trông kỹ đến đâu ,tôi ít khi trở về không.Liều lĩnh và ranh mãnh được nuôi dưỡng bằng những thiếu thốn.Quyết tâm tôi rất cao, khi không rình rập được tôi vác dao xả một đường thật to,để gạo tuôn tràn xuống đường tung toé khi ô-tô vừa lăn bánh để hốt dần.Từ ăn cắp thành ăn cướp cũng chẳng xa là mấy.Rồi sự liều lĩnh này cộng thêm với mặc cảm bố tôi ở tù khiến tôi trở thành một thằng bé hiếu chiến,tôi đập tuốt những thằng làm tôi bực mình . Năm lên mười tuổi mẹ dẫn tôi lên chùa bán khoán,độ ấy tôi chỉ hiểu mang máng là do khó nuôi hay khó dạy gì đó.Người ta làm lễ gửi linh hồn cho con cái vào chùa để nó khoẻ và ngoan.Mẹ tôi chẳng đánh tôi bao giờ,bà dạy tôi bằng những dòng nước mắt.Những dòng nước mắt tủi hận trào ra trên đôi mắt buồn u ám triền miên.Nước mắt mẹ làm tôi sợ nhất,bởi vậy mãi cho đến giờ tôi luôn sợ khi thấy phụ nữ khóc vì mình làm gì họ.Mẹ tôi luôn tin rằng có Trời và Phật sẽ phù hộ độ trì cho những ai ăn ở hiền lành,tử tế.Thuyết luân hồi,quả báo,nhân quả.Rồi quỷ thần hai vai theo dõi những hành vi ,cư xử không tốt của con người.Mẹ dẫn tôi lên chùa,chỉ vào hai bức tượng hai ông hung thần mặt mũi dữ tợn cầm đại đao đứng hai bên cổng ,bảo rằng đó là những vị thần xét xử,trừng phạt những người sống độc ác . Tôi biết thừa là chả có quỷ với thần ,mẹ doạ vậy thôi.Cái mà tôi sợ là nước mắt của mẹ.Tôi biết từ lúc bố tôi đi,mẹ phải lo toan rất nhiều .Tôi không muốn mẹ buồn vì mình .Hàng ngày đi học về,tôi theo mẹ đi bán hàng.Mẹ bán dép nhựa rong quanh bờ Hồ.Mẹ thì gánh hai mẹt dép,tôi vác cái bao tải đựng dép lẽo đẽo đằng sau.Lúc mỏi nó cứ tuột dần từ vai xuống đến thắt lưng,rồi cái bao chạm đất là tôi kéo lê.Mới đầu tôi hay bị mẹ bỏ cách quãng,về sau quen vai thấy chẳng khó khăn gì .Thỉnh thoảng đỗ nghỉ là người ta lại xua đuổi đi,những người bảo vệ vườn hoa Chí Linh,Bưu Điện hình như ít việc để làm nên họ đuổi rất quyết liệt ,tôi nói với mẹ khi nào tôi lớn tôi sẽ đánh chết những tên bảo vệ độc ác này,không cần trông chờ vào Trời hay Phật.


Mẹ con tôi hay tạm nghỉ ở phố Hàng Dầu,cái đoạn mà bây giờ buổi tối bán chân gà nướng. Cách đây hơn 20 năm thì chỗ ấy chỉ có một hai hàng bán dép nhựa,guốc gỗ.Tranh thủ nghỉ,tôi lấy cái chai để sẵn trong bao tải đi đổ dế mèn quanh chỗ đền Ngọc Sơn. Trẻ con vẫn là trẻ con,cho dù miếng cơm manh áo,hay khó khăn đầy đoạ vẫn tìm thấy trò chơi cho mình.Cách đây một năm,tôi ngồi uống cà phê ở Hàng Hành có thấy hai chị em đứa bé đi ăn xin,thằng bé cầm khẩu súng nhựa vỡ nòng,chắc nhặt được ở bãi rác dứ dứ vào mặt chị .Vừa muốn cười mà thấy quặn lòng vì nỗi đau tận đâu.


Những giọt nước mắt của mẹ làm tôi khá lên, điểm 9 ,10 làm mẹ vui rạng rỡ.Lúc rảnh tôi thường đọc cho mẹ nghe những câu chuyện cổ tích.Mẹ chỉ thích nghe chuyện cổ tích thôi.Hình như mẹ muốn thông qua đó để dạy tôi những điều thiện.Mẹ cũng hay dẫn tôi đi lên chùa,hai mẹ con toàn đi bộ,lúc thì chùa Bà Đá,lúc thì chùa Quán Sứ .Những nhà sư có khuôn mặt từ bi bác ái với những câu hỏi thăm ân cần khiến tôi trở nên ngoan ngoãn.Tôi không giao du với bọn trẻ trong ngõ nữa.Năm đó tôi được đi thi học sinh giỏi của thành phố tổ chức ở trường Hoàn Kiếm .Mẹ mừng lắm,bà đón tôi ngoài cổng trường với đôi quang gánh. Mẹ mua cho tôi cái áo va li de trắng,tôi luôn ước ao có đưọc tấm áo như vậy. Rồi mẹ giã lạc,rang vừng,rán bánh mỳ khô tẩm đường,rim cá chi chi đưa tôi đi thăm bố.

Bố tôi xoa đầu khen mãi.Bố gầy ,râu ria lởm chởm,hai má tóp lại,mắt sâu hoắm .Tôi khóc kể về nỗi nhớ thương con Vàng,tiếng khóc của tôi có phần trách cứ mẹ.Con Vàng mẹ dẫn tôi đi mua ở chợ Mơ.Khi nhìn thấy con chó bé xíu có đôi mắt đen lay láy ngơ ngác nhìn,tôi nằg nặc đòi mẹ mua cho bằng được.Nó là bạn thân thiết với tôi nhất thời thơ ấu .Trong cái tối Trung Thu không có đồ chơi để góp cùng chúng bạn,lúc tôi cầm cái bút chì vẽ những đồ chơi mà tôi ước mơ lên những mẩu giấy.Để rồi nước mắt lăn tràn lặng lẽ vì chúng mãi mãi không thành hiện thực như chuyện cây bút thần của Mã Lương,tôi chui vào xó cầu thang gục đầu ôm mặt mong bố về dẫn đi hàng Mã mua đèn ông sao ,hay đèn kéo quân.Để hùa cùng chúng bạn hát lên câu

Sắp bắt được Tây rồi
Cho cháu chạy theo với

Có con Vàng biết tôi buồn thôi,nó liếm những giọt nước mắt của tôi đang lăm trên má rồi rên ưu ử như an ủi . Nó nghe thấy tiếng chân tôi từ rất xa để chồm ra cửa ngoáy đuôi tíu tít.Con Vàng bảo vệ và tham chiến giúp tôi trong những trận ẩu đả .Mẹ bán nó đi với câu

- Nhà mình không có gì cho nó ăn,bán đi để nó được hoá sang kiếp khác sướng hơn con ạ .
Những ông sư ở chùa nói rằng con vật là linh hồn của mỗi người được đầu thai .Tôi tin là vậy,thế nên tôi coi con Vàng như bạn thân,như em mình .Đến bây giờ tôi vẫn còn đọng trong đầu tiếng rít thê lương,ai oán khi nó bị cái thòng lọng của người buôn chó dắt đi . Nó trụ bốn chân cố gắng lao về hướng tôi,ánh mắt nó van xin ,cầu cứu .Tôi quay mặt đi,bỗng so sánh cái ánh mắt thơ ngây lần đầu tôi gặp nó và ánh mắt tuyệt vọng của lần gặp cuối cùng này.Sau đó tôi lang thang trên chỗ chợ chó tụ ở gần cầu Long Biên,chỗ ấy hồi đó tụ ở ven đê,có rặng cây cơm nguội mà tôi hay trèo lấy hạt về chơi trò bắn ống phốc.Cái bọn chó trong rọ con nào mắt cũng buồn ướt rượi .Tôi khao khát,cháy bỏng đến điên cuồng ước mơ mình có đủ số tiền để tìm thấy người bạn bốn chân và chuộc cậu ấy về .Không thấy nó đâu,tôi đi qua hàng thịt chó Mã mây đứng ngoài của nhìn mấy người đang nhồm nhòam đánh chén,người bán hàng đang quạt chả thơm phức,trong tủ kính ,một cái đầu chó thui nhe răng trắng nhởm như đang cười với cuộc đời nghiệt ngã này .Tôi đứng bần thần một lát đến khi người bán hàng đuổi tôi đi.

Tôi gục đầu vào lòng bố khóc vùi,nức nở.Mẹ đỡ tôi lên,tôi thấy bố mình cũng khóc từ lúc nào không hay. Người công an nhắc bố tôi đã hết giờ.Bố hôn tôi và đi vào sau cái cửa toàn song sắt to bằng ngón chân cái .Tôi trông theo,qua cái cửa vài bước chân.

Bố quay đầu nhìn tôi vẫy nhẹ,mẹ đợi đến lúc bố khuất sau lần của thứ hai bằng tấm sắt dày kín mít thì dẫn tôi về.


--------------------

Con sẽ về thôi mẹ thương ơi!
Dầu cho cách trở một phương trời
Sa cơ,lỡ bước đời lưu lạc
Trăm đáng phận con,vạn xót lòng người








5 nhận xét:

  1. Hay quá ạ, em cũng có thời thơ ấu trong giai đoạn bao cấp giống bác.

    Trả lờiXóa
  2. Thơ của một người sùng đạo Phật!

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết hay quá, tuổi thơ của bác người buôn gió đầy kỉ niệm, cảm động nhất là khi phải bán con chó yêu thương của mình và lần gặp bố trong trại cải tạo. Không biết ông cụ bị sao mà phải đi cải tạo nhỉ?

    Trả lờiXóa
  4. Em rất xúc động khi đọc entry này của anh!

    Trả lờiXóa
  5. còn gì hơn thế nữa chứ!

    Trả lờiXóa