Thứ Năm, 14 tháng 8, 2008

Đi chùa xem lễ




Hương trầm rồi cũng tàn phai

Hương tình cha mẹ còn hoài nhân gian

Hương hồng thắm, sớm chiều tan

Hương ân đức mẹ nồng nàn không nguôi..

Hôm nọ vào chùa K xem lễ Bông Hồng Cài Áo. Phật tử nhiều thật, đến hàng trăm người.

Toàn các bà già mặc áo nâu , cổ đeo tràng hạt đi chùa. Không như bọn thanh niên nhởn nhơ lười nhác. Các cụ già mà rất chăm, cụ thì quét sân, cụ rải chiếu hai bên hông nhà làm lễ. Cụ chỉnh ban thờ, soạn lễ.

Trong khi các cụ chú tâm như vậy, bọn thanh niên đa phần Hà Nội, trí thức đầy mình. Nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, ca sĩ, hoạ sĩ. Túm năm, tụm ba bàn chuyện phiếm. Dưỡn dẹo đi lại. Lại còn mất thời gian của sư trụ trì đón tiếp chúng. Bọn này chả được tích sự gì mà lại được nhà chùa đón tiếp chu đáo. Còn mời cơm chay chúng nữa. Đúng là cơm bưng nước rót tận mồm. Nghĩ khổ thân các cụ bà đang miệt mài làm việc công quả cho nhà chùa ngoài kia ,đến hớp nước cũng tự đi mà nấu. Còn bọn thanh niên trí thức này thì khệnh khạng ngồi bàn khách có người tiếp nước, cười hô hố với nhau.

Khi trụ trì làm lễ cài hoa, chúng nó nhanh nhẹn, khoẻ khoắn nhoi lên tranh cài trước. Rồi chen lấn , xô đẩy để chụp ảnh trụ trì cài hoa cho từng đứa. Thời gian thì có hạn, trụ trì là người nhà Phật không nỡ trách. Được thể chúng càng chen khoẻ. Làm các bà cụ chả đuợc trụ trì tự tay cài hoa lên ngực như bọn ranh này. Các cụ bà lấy hoa tự cài cho mình như các cụ vẫn nghĩ – vào chùa là để làm cho nhà chùa chứ không đòi nhà chùa làm cho mình.

Hôm ấy mình cũng được trụ trì cài hoa, thề có đức Phật từ bi. Mình không chen, đang ngồi tít một góc thì ông ấy trông thấy mình đang lúi húi với máy tính. Ông trụ trì đến gần hỏi mình thân mẫu thế nào. Sau đó cài cho mình một bồng hồng tươi rói, đỏ thắm. Lúc đó mình đang cay, bụng nghĩ về kể tên, đưa ảnh, nơi công tác từng đứa kia vì tội bát nháo. Nhưng ông ấy cài hoa cho mình rồi, thấy cũng có phần. Thôi thì nhân ngày xá tội vong nhân, bỏ qua cho bọn này vậy.

Câu thơ trên là của ông sư đọc lời dẫn trong buổi lễ. Khi ông đọc bằng giọng ngẹn ngào, khiến bao bà cụ Phật tử sụt sùi khóc. Đến kẻ nhăng cuội như mình còn rơm rớm thì người khác khóc cũng phải thôi.

Nhưng trong ngày hôm ấy, ở chùa ra. Về làm việc thế nào ngã gãy chân. Mình thắc mắc là thế nào đi chùa về lại bị gãy chân. Ông sư trụ trì nói.

- Tại cậu đi chùa chả bao giờ lễ Phật, bụng dạ toàn để đâu đâu. Hạn này đáng nhẽ lớn hơn, nhưng nhờ đi chùa nên mới có thế đấy.

Đúng là mình đi chùa chả khấn lễ bao giờ, cái thứ hai là bụng còn đầy toan tính việc đời. Còn hạn này gánh hạn khác lớn hơn thì Nam Mô A Di Đà Phật. Phật pháp nhiệm mầu, đệ tử con là Người Buôn Gió người trần mẳt thịt. Không dám đoán bừa.

3 nhận xét:

  1. Chùi, anh kể vậy em cũng thấy bên nhà thờ tương tự nhaaa! NGại ghê!!

    Trả lờiXóa
  2. Anh nhìn nhận đúng lắm. Lên chùa mới thấy sống thế nào cho nó phải cái đạo. Ko phải ở việc cúng bái, việc Phật việc Thánh, mà chính từ các già. Các già lên chùa, rất có tôn ti trật tự, việc ý thức giữ gìn nếp thanh sạch, gọn gàng, cực kỳ chu đáo.Đấy là còn chưa kể đến chuyện thưa gửi chuyện trò với nhau với sư thầy một mực cung kính, đúng lễ, chứ ko phải cứ bát nháo thấy sư thì gọi là thầy . Cứ mà ngồi nghe, thì còn tốt hơn nhiều lên trường nghe giảng môn triết học Mác-Lê.
    Nhân đọc bài này thấy hay và thật, nên mới "bon chen" vài câu vậy. Chứ theo như anh kể, thì quả là chướng tai gai mắt quá.

    Trả lờiXóa
  3. Các chùa, nhà thờ Miền Bắc trải qua những năm tháng nghiệt ngã, chỉ còn những người già sùng đạo, nhiệt tâm công quả. Ở Miền Nam thì khác, đến chùa những ngày này rất đông bạn trẻ làm công quả dưới sự sai bảo của những người già. Khi cài hoa thì bao giờ bọn trẻ cũng phải cài sau người già, có những bạn trẻ mang hoa hồng đi cài cho những khách tham quan, viếng cảnh chùa.

    Trả lờiXóa