Thứ Ba, 29 tháng 7, 2008

Đèo Khau Phạ 2

Cái thị trấn yên bình, vài chục nóc nhà. Xe khách dưới xuôi chạy vèo qua may lắm mới có chuyến đỗ lại. Ở đây mưa lạ lắm, hạt mưa bay gần như ngang với mặt đất. Ở trong nhà nhìn ra, rõ ràng mưa bay ngang. Ấy là vì hạt mưa nhỏ mà gió lại to. Nghe tin báo Hà Nội nóng 37 độ, mà 2 giờ chiều lạnh se se. Buổi sớm còn lạnh nữa, những người dân tộc gùi các thứ thổ sản đến cửa từng nhà mời mua. Mấy con gà, xâu cá suối nhỏ, quả bí, mớ rau, củ, cây làm thuốc gì đó và cả mật ong. Gọi một gã dân tộc mặt mũi chất phác vào xem mật ong, ông già can

- Đừng, toàn mật ong đểu. Bây giờ muốn mua mật ong thật phải nhìn thấy nó mang cả tổ ong đến đây, vắt mật cho mình xem mới tin.

Ồ, thế là bà con dân tộc đã tiến bộ lắm rồi a . Thằng bạn đi cùng nó bảo sắp đến lúc người Mông mắng nhau đại loại – mày ngu như thằng Kinh ý. Tìm hiểu loanh quanh về bà con miền núi thấy lắm chuyện khôi hài. Có anh bán gà cho người Kinh xong, ra chợ uống rượu say mất tiền thế nào. Quay về bắt đền người ta trả thiếu. Cãi nhau không được hôm sau kéo cả bản xuống thị trấn ngồi cửa chửi

- Thằng Kinh ăn đầu tao.

Câu chửi này đúng ra là thằng Kinh ăn cái khác, nhưng lớp dân Kinh đi trước đã phòng xa có ngày dân tộc chửi mình. Họ đã dạy dân tộc là bọn Kinh rất sợ chửi là ăn đầu, thế nên các bạn người Mông ở đây mỗi khi chửi bọn Kinh thường nói ăn đầu tao.

Khi tiếng đồn về bản nào đó săn được gấu hay hổ. Tin tức lan nhanh, dân Kinh quanh vùng xô nhau trèo núi đến tìm mua. Có mỗi một con gấu mà đến ba mươi cái mật. Người Văn Chấn cũng mua được mật gấu, người Văn Bản vượt núi sang, Than Uyên mò xuống. Ai cũng mua được mật cả. Đi khắp vòng bán kính mấy chục cây, người nào cũng khoe vừa mua mật gấu thật ở bản N… Năm trời mới bắn được con gấu rừng cho nên nhiều mật thế. Người bán hàng ăn kể - có thằng dân tộc chuyên đi mua mật lợn khô, mình làm hàng giết lợn , lấy mật xong sấy cho nó. Tháng nó qua lấy một lần. Có khi mật gấu ở đấy chứ ở đâu. Lại còn hổ nữa. Bán đến mấy tạ thịt hổ rồi mà hỏi mua vẫn có. Tài thật, hổ của bà con dân tộc săn được có khi to bằng con voi.

Nhà nước cấm súng kíp, nhưng vào sâu trong rừng thì súng kíp sao mà thiếu nổi. Cán bộ nào vào đó mà thu. Ngay như cây thuốc phiện, triệt phá ghê mà vẫn còn. Đoàn cán bộ liên ngành đi tái triệt cây thuốc phiện về thị trấn ăn nhậu. Xe ô tô mấy cái liền, nhìn những cái mặt béo tốt đang chúc tụng chiến dịch đã thành công mà thấy buồn cười. Đường vào nương thuốc phiện đi bộ còn không xong, cả cái bầu đoàn đấy thì đi đến đâu. Ông già Tú Lệ nói - Họ đến cửa rừng là giỏi lắm rồi, vào sâu bọn Mèo nó nấp trên núi bắn súng kíp đì đoàng. Sợ mất mật gan đâu mà vào phá. Ông ấy hứa cho mình một ít hạt giống , nói trồng dễ lắm chỉ có ít đất là trồng được. Mình sợ khí hậu Hà Nội không hợp nên không lấy.

Chiều ra suối tắm, thằng bạn đi cùng chơi từ lâu suýt chết đuối. Ngày trước đá bóng cùng nó nhanh nhẹn lắm, giờ cởi trần ra nhìn cái bụng nó mới tội nghiệp. Như đàn bà chửa, suối không sâu nhưng nước xiết và nhiều đá to, đá nổi đá ngầm như trận đồ. Thằng bé ở

đó nhảy xuống giữa suối ùm một cái rồi lên bờ ngon lành. Mình nhảy theo loay hoay nước đẩy đúng bờ. Đến thằng bạn nhảy xuống, nước cuốn đi, người xiêu vẹo giữa dòng nước trắng xoá và đá vây quanh. Nó vùng vẫy sang bờ bên kia, cứ ngồi thừ bên đó mặt tái mét, chân tay bầm dập rớm máu. Trời gần tối mà nó loay hoay không về được bên này. May có hai người đàn ông dân tộc đi ra suối. Mình nhờ một sang dắt nó về sau hổi mặc cả giá là 30 nghìn. Người kia đi còn người ở lại nói

- Có nhiều người Kinh chết ở đây rồi, họ đi làm đường xuống tắm. Bảo là nguy hiểm họ không nghe, lại còn nói là từng bơi sống, biển không sao chết sao được ở suối. Biết đâu là suối toàn đá, nước xiết cuốn đi, lúc đầu ống chân đập vào đá khuỵ người. Sau đến đập đầu là vừa đi.

Không biết đúng thế không, nhưng dù sao ông ấy nói thế mình cũng không còn tiếc 30 nghìn. Người kia đi lòng vòng qua mấy đoạn suối mới dắt thằng bạn bụng phệ của mình về. Nó cám ơn anh ta rối rít . Mãi đến tối nó chưa hoàn hồn, nó giơ cái chân rớm máu ra xuýt xoa. Rồi nó tự nói là phúc nhà nó lớn , lúc nguy cấp nó vẫn tin rằng không chết được. Nó lấy ô tô đi mấy chục cây mua con cá hồi ở trại nuôi về ăn mừng thoát chết. Rượu với cà hồi ngất ngây, nhìn thấy một em ở đó rất xinh, tóc dài, cao hơn nó nửa cái đầu. Nó gọi em ấy vào giao lưu. Lại còn nói rằng – anh vừa suýt chết ở đây, đúng là kỷ niệm đáng nhớ, giờ anh muốn có kỷ niệm đáng nhớ , nhưng đẹp chứ không sợ như ngoài suối. Em có giúp anh không. Cô bé mắt long lanh….

4 nhận xét:

  1. Ngưỡng mộ anh, người của gió và rừng. Đợi chuyện tiếp theo của anh để biết thêm về cuộc sóng mọi nơi!

    Trả lờiXóa
  2. Lâu lắm chưa lên miền núi.
    Chuyện Giá_Lương_Tiền dưới xuôi bây giờ chán lắm, ông kể tiếp chuyện trên núi đi.
    Nhớ post cả ảnh minh họa nha.
    Thank.

    Trả lờiXóa
  3. Cảm giác là cái anh muốn tìm ở Khau phạ vẫn chưa xuất hiện, chờ tiếp hồi sau...

    Trả lờiXóa
  4. Đúng là có đi có biết. Lang bạt phải như thế, chứ đi theo kiểu du lịch đoàn thì chả thấy gì. Tây Bắc đúng thật hùng vĩ. Lái gió đi thế này mới đã. Tôi cũng từng rong ruổi từ Lào Cai sang Lai châu với con xe máy ghẻ. Lên Sa pa thấy nó hàng chợ quá. Lần đầu thì còn được chứ muốn khám phá Tây Bắc phải là kẻ lang bạt. Tiếc là lần đi đó không có nhiều thời gian nên vẫn luyến tiếc. Hẹn một lần quuay lại với Tây Bắc hoang sơ. Những núi những đèo những bản làng heo hút chiều tà có sức mê hoặc kẻ lãng du. Cảm giác đơn độc trên đường cũng thú. Sắp xong công trình rồi. Làm chuyến Tây Bắc rồi về nhà nuôi lợn. Dứt chốn đô thị ta về với u

    Trả lờiXóa