Thứ Hai, 7 tháng 7, 2008

như chiếc bình vôi

Khắp nước Việt Nam có tục ăn trầu, cho nên ở đâu cũng có bình vôi.



Theo như tôi biết, ở vùng quê chúng tôi, có hai thứ bình vôi. Đều bằng đất nung cả, mà một thứ giống như cái hũ nhỏ, duy cổ eo, miệng loa, cho nhà trung thường dùng; một thứ bình tròn mà đít bằng, trên có quai xách, miệng ở về một bên, toàn thân tô màu lục hoặc màu vàng, cho nhà sang dùng. Cả hai đều để đựng vôi trong lòng nó. Nhưng mỗi khi cho vôi vào, người ta lại cũng dùng vôi đắp cái miệng nó cho cao lên.



Nhà tôi, hồi bà nội tôi còn sống; có cái bình vôi hạng sang ấy. Mỗi khi mua vôi ở chợ về, bà tôi ngồi tỉ mỉ lấy cái chìa quệt vôi nhét vào miệng nó, gọi là "cho Ông Bình ăn". Và lâu lâu lại tắp thêm cái miệng nó một lần, hóa nên cái miệng càng ngày càng chêu vêu ra.



Thứ bình vôi thường, dùng chìa bằng tre, những thứ bình vôi sang, bao giờ cũng dùng chìa bằng sắt, ở thân cái chìa đôi khi lại có đeo một lưỡi dao để rọc trầu.



Nhà khác thế nào tôi không biết, còn nhà tôi, tối lại, bà tôi cứ rút cái chìa ra để ra một nơi khác. Làm như thế, bà tôi cắt nghĩa rằng "Ông" sẽ mách cho mình, mà nếu để cái chìa lấp cái miệng thì không mách được.



Tôi nói, "nhà tôi có một cái bình vôi" không đúng. Nói đúng là từ hồi nhỏ cho đến năm tôi hai mươi lăm tuổi, bà tôi chết, nhà tôi có ba bình vôi kế vị nhau. Bởi vì dùng lâu ngày, trong lòng nó đầy vôi khô cứng, miệng nó cứ đắp nên tum húm lại, không dùng được nữa, phải mua cái khác.



Lúc đó nhà tôi có một cái trang thờ Tam vị; ở giữa là Phúc đức chính thần, hai bên là Thổ công và Táo công. Hễ cái bình vôi nào bị thải ra thì bà tôi bảo đem đặt trên cái trang ấy, thờ nhân thể.



Sự thờ phượng như thế, không phải chỉ riêng một nhà tôi đâu. Cả làng, nhà nào có bình vôi thải ra, cũng đều đem đặt trên các tường thành đình hoặc chùa; như thế, người ta cho rằng thờ "Ông Bình" đó.



Cái bình vôi, tại sao lại gọi bằng "Ông"? Đọc từ đầu đến đây, bạn đọc đã biết. Ở vùng quê chúng tôi, mà có lẽ cả nước Việt Nam cũng vậy, vật gì nó có thể hại mình được thì gọi bằng "ông", vật gì nó to hay sống lâu năm thì cũng gọi bằng "ông".



Con cọp ăn thịt mình được, gọi bằng "Ông cọp", con khỉ phá hoa màu mình được, gọi bằng "Ông trưởng", con chuột, cắn quần áo của mình được, gọi bằng "Ông tí". Cái đầu rau, dùng năm mười năm mới thay cái khác, gọi bằng "Ông núc", cái che, t, đường kính của nó có khi gần đến một mét, gọi bằng "Ông che". Người Việt Nam về sau thế nào chưa biết, chứ về trước, hễ vật gì làm hại được hoặc lớn hơn, hoặc nhỏ, vật gì sống lâu và to xác thì gọi bằng "Ông" để tỏ lòng tôn kính, sùng bái.



Tôi có phạm một cái tội hồi mười tám tuổi, bây giờ tôi xin kiểm thảo và thú nhận.



Năm tôi mười tám tuổi, tôi không tin nữa. Một đêm mùa hè, gió Nam như bão, sáng trăng mờ mờ, tôi rủ mấy thằng bạn cùng lứa tuổi với tôi đi chơi dọc đường cái làng, đi qua đình và chùa, bao nhiêu "Ông bình vôi" thờ trên tường thành chúng tôi đều hất một loạt xuống đất cả. Sao lại làm như thế? Chúng tôi cứ làm như thế, không cần có lý luận. Nhưng, vài hôm sau, trở lại xem, không biết là do tay ai, thấy đều đặt lại tề chỉnh trên tường thành.



Tuy vậy, đó không phải cái tội riêng một mình tôi. Bấy giờ bọn thiếu niên chúng tôi hầu như đứa nào cũng có thể làm như thế được cả. Nếu ngày tôi phải tự kiểm thảo, thì lũ thiếu niên ấy, bạc đầu rồi, cũng phải tự kiểm thảo như tôi.



Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cú rũ trên trang hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng "Ông".



Tôi viết cái bài khảo cứu nhỏ nầy cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt:



Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Y như một cái bình vôi

Càng sống càng tồi

Càng sống càng bé lại.



Phan Khôi

(Trích Giai phẩm mùa Thu, tập I)

---------------------------





Tình cờ đọc được bài này của Phan Khôi. Mới nhớ đến dạo này thiên hạ xôn xao vì một vì tinh tú sắp rụng. Như kiểu La Quán Trung viết thì Gia Cát Lượng xem thiên văn, thấy tinh tú phía Nam lu mờ. Than có vị tướng tài sắp tạ thế. Vì tinh tú mà tôi nói ở đây giờ đã gần trăm tuổi. Sự nghiệp của ông thật lẫy lừng, đến mức cả hai bên thắng và thua đều công nhận tài cầm quân và hoạch định chiến lược của ông.

Hơn nửa thế kỷ trước, ông đã công thành danh toại mỹ mãn ở trận chiến vang dội vùng Đông Nam Á trước đội quân viễn chinh hùng mạnh của châu Âu. Từ đó ông hài lòng sống trong ánh hào quanh lộng lẫy của quá khứ. Dựa vào cái quá khứ đó để cầu mong một sự yên thân, an nhàn trong cái xã hội đầy rẫy bất công, tệ nạn. Mặc cho các bạn bè chiến hữu đã từng xông pha chinh chiến, sinh tử với mình lần lượt bị ám hại. Vị tướng của ta đôi khi lấy cảnh đó để khoe cái cao kiến thời cuộc của mình bằng chữ '' nhẫn'' đầy bao biện.

Động đến ông, sẽ làm nhiều người không bằng lòng. Vì ông đã là tượng đài của dân tộc. Cũng như nhiều người khác, tôi cũng là kẻ ngưỡng mộ ông. Ngưỡng mộ trong thời gian rất dài từ niên thiếu đến tuổi sắp trung niên. Và tôi hối tiếc cho thần tượng của mình. Tôi ước ao. Giá như ông chết cách đây vài chục năm, sau cái lần khóc ở sân vận động Hàng Đẫy trước những người có thân nhân bị chết oan khốc, có khi tốt cho ông hơn. Và tốt cả cho những người thần tượng ông, để họ giữ trong lòng hình ảnh vị tướng tài thao lược, văn võ, trí dũng song toàn. Còn cả đức độ con nhà võ nữa.

Con người ai mà chẳng ham danh, ở đời mấy ai như Phạm Lãi để rong chiếc thuyền nhỏ rời xa quyền chức. Vị tướng của ta kiên trì bám trụ lấy quyền lực, lấy địa vị .Từ bộ trưởng quốc phòng rồi sang phụ trách vấn đề sinh đẻ có kế hoạch của phụ nữ. Ông đều không nề hà , sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm mà Đảng đã giao phó. Thế là ông đã nêu cao tấm gương cho đời sau, để lại cho đời sau những bài học quý giá là.

- Bám lấy ghế, dù ghế gì cũng được khi còn có thể.

- Tuyệt đối phục tùng ý kiến của Đảng lãnh đạo.

Một vị tướng tài mà như thế đấy, đến mức trong dân người ta cảm thán hộ ông.

- Ngày xưa đại tướng cầm quân

Ngày nay đại tướng canh quần chị em.

Mặc thiên hạ, ông vẫn kiên trì, bình tĩnh và nhẫn nại sống để hưởng thụ quãng đời còn lại. Có lẽ nhận thấy ông không thể gây ảnh hưởng gì. Người ta đã để cho ông sống như ông mong muốn. Và người ta tận dụng việc chấp hành tuyệt đối của ông ra để làm bài học cho kẻ khác. Biết bao nhiêu người tâm huyết đến gặp ông, để rồi ra về đầy thất vọng vì những lời khuyên mang y nguyên giọng của ban văn hóa tư tưởng. Ấy là đoàn kết, ấy là phải biết chấp hành, phải tỉnh táo không thế lực thù địch lợi dụng gây chia rẽ.... một Hoàng Văn Thái, một Lê Trọng Tấn trước kia, tiếp theo bao người nữa đến một Trần Độ sau này. Không ai tác động đến được người tướng tài bản lĩnh của quân đội nhân dân Việt Nam, lay chuyển ý chí của người cộng sản trung kiên này. Mà tội gì ông phải mạo hiểm, ông đã có đầy đủ những gì ông muốn. Việc gì ông phải dấn thân cho dân tộc. Đối với họ ông có thế nào ông vẫn là tượng đài, lịch sử người ta đang và còn nhắc nhở đến ông.

Nếu ông đi, đám ma của ông sẽ to lắm. Chiến công của ông sẽ được nhắc lại tràn lan trên báo chí, rồi khối kẻ lại kể lể tâm sự về kỷ niệm này nọ với ông. Những kỷ niệm cố rặn ra mà thôi. Vì kỷ niệm quý giá nhất về cuộc chiến năm xưa, những người ấy còn có ai nữa đâu. Họ đều đã đi xa trước ông lâu lắm rồi. Những người một thời sống với ông bằng lý tưởng trong sáng, trách nhiệm suy nghĩ về số phận dân tộc, họ đều không còn nữa. Ngày nay chỉ có những kẻ hậu sinh đầy toan tính, không bỏ lỡ cơ hội để mượn cớ đánh bóng mình lòe thiên hạ. Như một bầy kền kền chầu chực. Đâu đó người ta đang tính ông chết họ sẽ làm gì để có lợi, viết bài thế nào, quay phim thế nào, chiếu lại tư liệu đoạn nào... để tổng thể hướng dư luận tới một suy nghĩ tốt về họ.

Nào chúng ta chờ xem một vụ hoành tráng của giới truyền thông Việt Nam. Sẽ có nhiều người trên cả nước dấp dấp khăn tay lau nước mắt. Mà lạ một cái là giấy ăn cao cấp bây giờ rất nhiều, người ta hầu như đã bỏ thói quen dùng khăn tay. Thế mà cứ có đám ma nào to to, không thân quen gì chỉ nghe tiếng mà khối kẻ khóc. Kẻ khóc nào cũng có sẵn khăn tay mới lạ chứ. Hay khóc thương cũng cần đúng kịch bản nhỉ ?

Cần chứ, vì khóc một cái bình vôi thì phải chuẩn bị tinh thần mới diễn xuất được.


10 nhận xét:

  1. ¡ Nguyễn Ngọc Hiền ¡lúc 18:09 6 tháng 7, 2008

    ông đã từng viết bài trên Đ Đ K... Cũng nên thông cảm chứ bác, bây giờ nói rồi lúc chết nó để thối xác ra mới công bố thì không hay. Vả lại cũng phải lo cho con cái đã, tề gia trước, lỡ nó ghét nó đập thằng FPT thì ... fí của giời

    Trả lờiXóa
  2. Qua đây mới biết nguồn cơn ấy
    Khá trách chàng Buôn (gió) khéo phũ phàng

    Trả lờiXóa
  3. Mọi việc sau bức màn nhung không thể rõ được hết sự thực trước mấy vở kịch loanh quanh. Vĩ đại mấy mà là người phàm cũng chỉ rực rỡ trong từng thời kì thôi, âu như vậy cũng là hơn người rồi. Cứ hãy để xem sao, trong bóng tối che đậy không thể nhìn rõ hết.

    Trả lờiXóa
  4. Em thấy việc ông ấy sang làm y tế chả có jì là oan khuất cả, bài của ông Việt Nam ta năm ấy đẩy ông Giáp sang Cu Ba trên con đường Y tế để hỗi trợ về mặt quân sự là khá đúng sách. Như thế sẽ tránh được nhiều phiền toái về mặt ngoại giao khi cả hai thằng đang trong tình trạng cấm vận. Thằng nào nghĩ ra trò này cũng là oách đấy.

    Trả lờiXóa
  5. ui, khó hiểu khó hiểu!!

    Trả lờiXóa
  6. lùi một bước đất rộng trời cao, oanh liệt thì sao? cam chịu thì sao? cứ oanh oanh liệt liệt mà hi sinh cho đời sau ca tụng, thì cũng chỉ làm nên một vụ báo chí hoành tráng rồi thôi. mấy ai nhớ và có ích cho ai. nhìn vào thực tế, nếu một hơi thở mà có ích thì vẫn nên sống.
    và chính vì không hi sinh theo kiểu một anh hùng rơm mới đáng dc kính phục. ngay bản thân tên người đã nói hết về con người VNG = " người đứng đầu của những người đứng đầu". mãi mãi tôn kính!

    Trả lờiXóa
  7. Cụ mà chết là một tổn thất vô cùng to lớn cho... FPT.

    Trả lờiXóa
  8. Bài viết sâu sắc, rất thâm. Tôi có thêm vài suy nghĩ của riêng mình thế này.
    Tôi không đánh giá cao "ông" ngay cả đối với giai đoạn chiến công lẫy lừng ngày trước, vì "ông" đã góp phần làm quá nhiều người Việt Nam bỏ mạng trong các cuộc chiến tranh mà tính đúng đắn của nó còn phải bàn cãi. Là tướng tài, không nên chỉ nghe lệnh thượng cấp bảo đánh là đánh. Nếu không đúng lý tưởng của mình, nhẽ ra ông có thể từ bỏ những việc ông làm. Biết đâu tương lai dân tộc Việt Nam lại vì thế mà tốt hơn.

    Trả lờiXóa
  9. post mãi comment không được - Chán ưi là chán. Tóm lại là muốn nói với NBG là sao nỡ ác mồm ác miệg với thần tượng cũ của mình thế? Với lại nàơ bài này mới biết FPT là của để giành của Nhà Bác ấy, mới lại thấy Bác ấy giỏi quá: Đánh nhau cũng giỏi nhất, bon chen làm kinh tế cũng giỏi nhất. Mình phải học ấy chứ, sao lại lôi Ông bình vôi ra nói nặng nói nhẹ Bác ấy thế? Nhỉ?

    Trả lờiXóa
  10. Đứng vào địa vị của người ta thì không rõ những ai đó sẽ làm gì mà chỉ biết nói rằng "tôi không đánh giá cao cho lắm". Napoleon cũng đâu có happy ending đâu. Sai lầm đầy rẫy, xét cho cùng chẳng ai là thiên thần cả. Những cái mà xã hội cư xử không phải là chỉ bởi trách nhiệm của riêng một ông lớn. Cuộc đời con người ta đều có thăng có trầm cả.

    Trả lờiXóa