Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2008

sai lầm của truyền thông trong vụ việc ở Thái Hà

Trong mấy năm gần đây. Việc nhân dân tụ tập, khiếu kiện về đất đai là hiện tượng mà người Hà Nội không lạ lẫm gì. Mặc dù truyền thông không đưa tín, nhưng người Hà Nội đi trên các tuyến đường như Ngô Quyền, Mai Xuân Thưởng, Cầu Giấy, Đinh Tiên Hoàng đều dễ dàng nhận thấy.

Nhìn rõ bản chất của các giáo dân Thái Hà cũng không khác gì với những vụ khiếu kiện, đòi đất của bà con nhiều nơi đã làm. Điều khác nhau là những vụ kia người ta còn kẻ băng rôn , biểu ngữ có khẩu hiệu đại loại '' nhân dân huyện x kêu cứu...chính quyền tỉnh , huyện dối Đảng, lừa dân....". Ở Thái Hà giáo dân không có biểu ngữ, băng rôn, không hô hào chống đối chính quyền. Họ có tượng Chúa và thánh giá, hương hoa. Giáo dân cầu nguyện một cách ôn hoà. Duy có số lượng người quá đông, nhất là vào những ngày lễ như thứ bảy, chủ nhật lên đến hàng nghìn người.

Điều nguy hiểm ở chỗ, chỉ là việc đòi đất như bao vụ khác, diễn ra ở trạng thái ôn hoà mà truyền thông Hà Nội, nhất là báo Hà Nội Mới lại liên tiếp đăng những bài báo nâng vụ việc đòi đất như bao vụ khác này thành cái gọi là '' âm mưu thâm độc'' '' thế lực thù địch lợi dụng''.

Đáng nhẽ ra truyền thông không vào cuộc như nhiều vụ khiếu kiện đất đai khác họ đã không vào. Nhưng lần này sự vào cuộc bằng những bài viết áp đặt, quy chụp nặng nề khiến sự việc trở nên phức tạp. Báo Hà Nội Mới dường như muốn chính trị hoá sự việc dân sự này. Tạo suy nghĩ trong nhân dân rằng giáo hội là một thế lực có nguy cơ gây bạo loạn, chính biến, rằng các giáo dân bị lợi dụng.phá chính sách nhà nước, gây bất ổn cho xã hội.

Nói trên quan điểm như vậy, phải chăng báo Hà Nội Mới muốn cho rằng giáo dân Thái Hà nói riêng và những người công giáo nói chung đang đối đầu với nhà nước . Sở dĩ phải dùng từ ''nguy hiểm'' bởi động thái này của báo Hà Nội Mới có thể dẫn đến mâu thuẫn, xung đột vì hiểu lầm giữa nhân dân Việt Nam và những người công giáo ở Việt Nam. Biến vụ việc đòi đất thành một vụ chính trị, báo Hà Nội Mới có hình dung được hậu quả là sự việc căng thẳng lên, có khác gì họ cho những người công giáo đang ở một bên chiến tuyến, âm mưu làm mất ổn định xã hội. Họ chỉ muốn dùng truyền thông trong tay để nhân dân thấy những cái xấu của giáo dân Thái Hà. Nếu họ đạt được ý muốn này thì chính họ là người đang âm mưu gây bất ổn trong hội. Vì khi mâu thuẫn này được triệt để khai thác, giữa nhân dân cả nước và những người công giáo trong nước sẽ có một vực thẳm nghi kỵ, ngờ vực nếu không nói quá là thù ghét nhau. Chúng ta hình dung điều gì nếu trong nội bộ nước ta có hàng triệu người công giáo và nhân dân nghĩ về nhau như vậy. Một thùng thuốc súng chờ bùng nổ. Đó là điều mà ít người nhận thấy nếu báo Hà Nội Mới cứ liên tiếp đẩy sự việc lên những quan điểm nguy hại như vậy.

Như vậy thì chính báo Hà Nội Mới là kẻ tiếp tay cho ''thế lực thù địch'' để thổi bùng ngọn lửa mẫu thuẫn giữa nhân dân và công giáo. Một hố sâu hiềm khích này từ xưa đến nay chưa có '' thế lực thù địch '' nào làm nổi. Không có âm mưu nào ''thâm độc"' hơn âm mưu biến giáo dân Thái Hà thành những người chống đối chính quyền, gây xáo trộn an ninh xã hội, biến họ thành kẻ thù của nhân dân.

Trở lại vụ khiếu kiện đòi đất của giáo dân Thái Hà với Uỷ ban NDTP Hà Nội. Hai bên có chứng cứ của hai bên. Đúng hay sai chưa tỏ tường , bên nào cũng có lý. Hơn hết trong lúc ngày một căng thẳng này, hai bên phải biết kiềm chế. Hành vi tụ tập đông người của giáo dân Thái Hà cũng không khác so với nhiều vụ tụ tập khác, nhưng hành động phá tường vừa qua tuy nhỏ cũng là một dấu hiệu đáng quan ngại. Vì liệu với sự bức xúc như vậy, mang trong mình sẵn cái chí '' tử vì đạo" nếu họ làm điều gì đi quá hơn...khó mà nói được chính quyền sẽ để yên mà không dùng đến các biện pháp mạnh. Và trueyèn thông Hà Nội cũng đừng thêm đổ thêm dầu vào sự việc này bằng những ý đồ xuyên suốt trong các bài báo, biến giáo dân Thái Hà thành một đám người nhăm nhe gây nguy hại cho sự ổn định đất nước.

Lê Nin nói rằng "' bất cứ cuộc nội chiến nào cũng khốc liệt hơn ngoại chiến''. Trong lịch sử nước ta từng xảy ra những vụ '' cải cách ruộng đất' '' nhân văn giai phẩm''. Trong những việc này truyền thông đã lên án mạnh mẽ, kịch liệt. Đến nỗi hàng chục năm qua, cải cách đã sửa sai, nhân văn gia phẩm đã có nhiều tác giả được phục hồi trao giải thưởng. Nhưng nỗi đau về một thời bị quy chụp còn đau đáu chưa nguôi trong lòng nhiều người. Và nếu hôm nay, cho dù sự việc Thái Hà có được êm đẹp, thì những lời của truyền thông sẽ còn khắc sâu rất lâu trong tâm trí của giáo dân nói riêng và nhân dân nói chung. Để xoá nhoà thành kiến mà báo Hà Nội Mới đã tạo lên, sẽ còn rất lâu, rất lâu mới phai được.

Hãy nhìn xa hơn, cái giá phải trả không phải là ngày một ngày hai. Đừng reo hiềm khích, chia rẽ trong lòng dân tộc Việt Nam. Lúc phải trả cái giá này, có thể đắt đến mức không ngờ tới.

Người Việt Nam có lương tri nên khách quan nhìn nhận hậu quả lâu dài. Đừng trong một lúc nhất thời để suy nghĩ trôi về một phía.Nếu không chính chúng ta bằng những phát biểu hùa theo báo chí là đang góp phần cho đất nước mất ổn định hơn.

15 nhận xét:

  1. Em cũng thấy là báo chí sốt sắng một cách hơi thái quá trong vụ này. Lợi bất cập hại.

    Trả lờiXóa
  2. Uhm, một cách nhìn mới về vụ Thái Hà. Khá khách quan.

    Trả lờiXóa
  3. Đồng ý với bạn: Chính trị hóa những vụ việc dân sự như vụ này là một sai lầm chết người.

    Trả lờiXóa
  4. Trời ạ, anh viết bài nào cũng làm người đọc xoay xoay hết trơn :). Chúc anh ngủ ngon và ngày mai có một Chủ Nhật đẹp trời với Tí Hớn :P

    Trả lờiXóa
  5. Bài hay, cho em xin copy qua nhà mình nhé, many thanks!

    Trả lờiXóa
  6. Chính quyền + Cai Trị = Chính Trị.
    Người Tây phương không gò bó chính trị (politic) vào chuyện liên can đến chính quyền... vì họ thường dùng cụm từ " The politic of... [the company's board of director....]" trong mọi vấn đề xã hội, đoàn thể. Vì thế, họ rất ít khi dùng đến từ "politicalize" (chính trị hóa)
    Nhưng người Việt mình lại gò bó hai chữ "chính trị" vào chuyện liên quan đến chính quyền thôi... tôi chưa bao giờ nghe ai nói "chính trị [của ban quản trị công ty...]" Cho dù vậy, nhóm từ "chính trị hóa" lại rất quen thuộc.
    Chuyện nào có "Chính quyền" nhúng tay vào... mà họ không bỏ được thái độ "cai Trị" để nhanh chóng giải quyết... Lâu ngày sẽ chuyện đó sẽ thành "Chính Trị" thui.... Pó Tay.

    Trả lờiXóa
  7. Đọc anh KhuyếtDanh phân tích, thấy đúng là potay thôi, vì nó đã thành "chính trị" mất rùi...

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn NBG. Chỉ có lướt trên Blogs mới đọc được những bài tâm đắc thế này. Chúc bạn luôn buôn may bán đắt... gió trời.

    Trả lờiXóa
  9. Hoàn toàn đồng ý với anh. Em đã đọc nhiều thông tin bên www.chuacuuthe.com và đọc, xem cả những thông tin "chính thống" của truyền thông nước nhà nên rất thích cách nhìn hai chiều, khách quan của anh.

    Trả lờiXóa
  10. Bài viết của anh nói lên nỗi niềm của một người biết nghĩ cho xã hội, cho đại cuộc. Hay lắm. Nhưng thực tế là căn bệnh "chính trị hóa" đã ảnh hưởng nặng đến tư tưởng phần đông người Việt chúng ta rồi.
    Bất kể là phe chính quyền, phe dân chủ, người Việt ở hải ngoại, phóng viên nhà báo quốc nội (điều tra tham nhũng), kể cả sinh viên (vụ biểu tình bày tỏ bất bình với TQ), công nhân (liên quan đến chuyện chính quyền can thiệp một cách bất công nhằm củng cố số lượng các CT đầu tư từ nước ngoài), kể cả dân oan... cũng có nhiều có triệu chứng của căn bệnh "chính trị hóa vấn đề" này rồi. Nhưng tại sao lại vậy???
    Theo quan điểm của tôi, bất cứ chuyện gì liên quan đến chính quyền cũng cần phải được giải quyết nhanh chóng, công bằng, ổn thỏa dựa trên luật pháp minh bạch rõ ràng. Nếu không... nếu không, kéo dài sẽ trở thành chứng kinh niên mà trong đó, các thành phần trong phe chính quyền sẽ càng ngày càng lộng hành, nào là dùng thế lực lấn ép, nào là hối lộ, nào là tham nhũng, nào là kéo lê sự việc sang ngày này năm khác khiến bản thân trở thành bất lực trong khi mình là người chấp hành luật.
    Ghẻ lở để lâu ngày ung thối, hiện tượng "chính trị hóa" chỉ là biến chứng tác động bởi sự ung thối mà thôi. Biến chứng không thể nào trị dứt "biến chứng" khi không triệt tiêu "căn nguyên". Chỉ khi nào chính quyền có thể giải quyết nạn tham nhũng, cậy thế, cậy quyền, hối lộ, đàn áp tôn giáo, oan ức mất đất của dân chúng... thì sự bất mãn mới tan đi, khi đó triệu chứng "chính trị hóa" cũng sẽ tiêu tan.
    Nhưng rất tiếc, chính cả phe chính quyền giờ cũng chỉ muốn để ý tới biến chứng và mất thời gian bài trừ chúng... Lòng dân ai oán đối với người nắm quyền ngày càng gia tăng, thì làm thế nào đi nữa, biến chứng "chính trị hóa" vẫn sẽ còn mãi trong xã hội chúng ta, và nếu kéo dài, sẽ trầm trọng hơn.

    Trả lờiXóa
  11. ★(¯`•»••.2V .••¯`).»★lúc 18:57 7 tháng 9, 2008

    em cũng chỉ biết vậy như anh nói thôi. có hiểu biết hơn nữa thì túm đi thả lại cũng vẫn là : đành chịu vì đó là chế độ. --> và duới chế độ này .. nó là như thế. Tuy nhiên em vẫn mong, vẫn hy vong 1ngày mai khi không có cái gọi là ánh hào quang của đcs nữa, chắc chắn mọi chuyện, con nguòi sẽ tự do nhân quyền sẽ ổn hơn thế này.

    Trả lờiXóa
  12. Việt Nam nói 1 đằng xằng 1 nẻo :)

    Trả lờiXóa
  13. anh cho VA xin bai nay nhe. thx

    Trả lờiXóa
  14. Cho tại hạ lãnh giáo vài câu:
    1/ Đảng nào lên cầm quyền đi nữa, thì cũng đều muốn được nhân dân tin và ủng hộ, đúng không?
    2/ Ở Việt Nam, báo chí là công cụ của Đảng, được kiểm duyệt khắt khe trước khi đăng tin, đúng không?
    3/ Tôn giáo từ xưa đến nay vẫn luôn là chủ đề phức tạp. Nhưng hầu hết những người theo đạo ở bất cứ đâu nói chung, và ở Việt Nam nói riêng, xét cho cùng, cũng vẫn là nhân dân, đúng không?
    4/ Muốn được người dân ủng hộ hết lòng là điều không dễ. Đảng nào cầm quyền đi nữa thì cũng sẽ có 1 số bộ phận nhân dân không ủng hộ (chưa kể đến các thế lực thù địch hay cạnh tranh). Muốn được người ta ủng hộ đã là rất khó khăn rồi, tại sao Chính phủ lại còn tự rước vạ vào thân, tự gây khó khăn cho mình như vậy? Tại sao vấn đề “tôn giáo” phức tạp là thế, dễ gây hiệu ứng domino là thế, lại dễ dàng được đăng tin như vậy? Mà lỡ có sai phạm từ những bài đầu tiên, tại sao không gỡ bỏ ngay những bài báo đó, giống như cái cách mà các vị ấy vẫn làm, mà ngược lại vẫn tiếp tục đưa tin như vậy?
    5/ Ở Việt Nam, ai cũng biết là chưa có tự do báo chí. Thế mà ông ngang nhiên lấy ra 1 lý do mà tôi cho là cực kỳ vớ vẩn: “Báo Hà Nội Mới dường như muốn chính trị hoá sự việc dân sự này. Tạo suy nghĩ trong nhân dân rằng giáo hội là một thế lực có nguy cơ gây bạo loạn, chính biến, rằng các giáo dân bị lợi dụng, phá chính sách nhà nước, gây bất ổn cho xã hội”. Cứ như là Hà nội mới là cái tòa soạn “ngoài luồng”, tự do, thích làm gì thì làm, động chạm đến tôn giáo một cách trắng trợn, không chịu 1 sự kiểm duyệt nào thế? Nhìn qua mà tôi tưởng là đang đọc tin trên BBC chứ không phải là tin trong nước nữa đấy. Ông giải thích thế nào?
    6/ Từ 5 lý do trên, tôi suy ra rằng chính ông bạn mới là kẻ “thích gây ra sự biến loạn, vui mừng thấy sự tai vạ”. Tôi không biết ông bạn có thù hằn gì với chế độ mà nói xấu và gây tâm lý nghi kỵ, chia rẽ như vậy, hoặc ông bạn được người ta trả cho bao nhiêu khi nói xấu như vậy. Nhưng rõ ràng lý luận của ông bạn, để đạt được mục đích, thì còn phải học hỏi nhiều đấy. Tôi không theo nghề báo mà đọc qua cũng đã thấy được vài chi tiết lố bịch thế này, thì khả năng của ông rõ ràng là mới chỉ thuyết phục được 1 bộ phận nhỏ người trong XH mà thôi.

    Trả lờiXóa
  15. Gậy ông sẽ đập lưng ông ý muh

    Trả lờiXóa