Thứ Năm, 29 tháng 11, 2007

Ngõ Tôi

Theo nhà địa dư học Nguyễn Vinh Phúc trong tập phố và đường Hà Nội thì cái tên Ngõ Phất Lộc xuất phát từ một làng ở Thái Bình thuộc huyện Đông Quan, một người dân ở làng đó họ Bùi ,vào thế kỷ 18 theo học ở Quốc Tử Giám rồi ở lại. Dân làng kéo nhau lên ở tự gọi là làng Phất Lộc. Ở số nhà 30 còn nhà thờ tổ của họ Bùi đến nay vẫn tổ chức giỗ tổ hàng năm.


Bây giờ là năm 2006. Nhà thờ tổ họ Bùi vẫn còn do anh Bùi Huy Kế làm trưởng họ. Anh Kế trước lái xe quá cảnh sang Lào thời bao cấp, mỗi khi anh trở về qua nhà, trên ca bin xe gài một khẩu AK và vô số thứ chuyện hấp dẫn làm lũ thanh niên dẩu mỏ lắng nghe quên rít thuốc lá đầu lọc A Lào hay No1 mà anh Kế mang về làm quà. Năm 80 anh Kế lấy vợ , tổ chức cả giàn nhạc sống, kẹo bọc giấy bóng kính, thuốc lá toàn Bông Sen, Du Lịch. Cô dâu ở ngõ trên, xinh xắn, bụ bẫm làm nghề cuốn thuốc lá cuộn. Hồi ấy thì hầu hết đám đàn bà, con gái đều làm nghề cuộn thuốc lá. Thứ thuốc lá hai đầu là sợi vàng ươm, ruột là loại thuốc vụn đen sì. Đám cưới không cần đến xe Ba Đình vì hai nhà gần nhau.

10 năm sau. Người ta gọi anh là Kế hâm. Vợ anh đốt hết tiền của anh dành được sau những chuyến quá cảnh đánh tông Lào, quần Zin vào lô đề, quay sang đi buôn Lạng Sơn gỡ gạc. Cặp với trai. Anh Kế mất vợ, vay được chút tiền tậu cái xe uoát cũ rích. Một ngày chạy , ba ngày sửa. Đêm vác chăn ra ngoài xe ngủ, gặp đêm mưa tạt , nước ngấm qua thành xe không còn chỗ nằm, thu lu ngồi trên ghế. Ngẫm sự đời thấy hay hay bật cười ha hả, mắt long lanh. Tôi thức vì tiếng cười ấy, chạy ra leo lên xe anh xem sao. Anh Kế hoàn toàn bình thường. Anh ấy chỉ cho tôi xem vì sao anh ấy cười

- Mày nhìn con chó nhà bà Hàn, cậu ấy đi chơi gái, giờ đóng cửa đẽo về được. Thành ra cứ loanh quanh mãi. Mấy lần cào cửa. Trông buồn cười quá.

Nói xong anh cười ngặt ngẽo, hồn nhiên như đứa trẻ lên ba.

Thằng Bình nhà Bính là dân lái xe khách, ở nhà 28 nghĩa là sát nhà anh Kế. Thuộc loại có máu mặt. Nó ngồi hàng nước đầu ngõ nhìn cái xe xập xệ đời thế chiến thứ 1,5 của anh Kế phán

- Cái họ Bùi này điên hết rồi.

Tôi thì không tin anh Kế điên. Nhưng từ ấy bọn dân trong ngõ cứ gọi họ Bùi một cách mỉa mai, làm đề tài gán ghép cho mọi câu chuyện vớ vẩn. Nhất là thằng Tuấn cũng lái xe buýt. Nói qua một chút, dân Phất Lộc thời Pháp toàn làm nghề xích lô, ba gác. Cho nên nối nghề nhiều anh sau này đâm mê cái nghiệp chở khách. Cánh lái xe này không biết vì nguyên nhân gì hay chế giễu anh Kế ra mặt. Tự chúng gọi nhau là họ Bùi, thằng này gọi thằng kia là Bùi Gia Minh Đệ, Bùi gia minh Vương, Bùi gia Minh tuốt tuột là họ Bùi gia minh.. hết.

- Dòng họ Bùi ở cái làng giếng chùa này, sắp phất đến nơi rồi

Tuấn cả đẫn cho miếng thịt chó vào mồm nhai rau ráu nói. Cả hội ngồi đầu ngõ, thịt chó chặt chợ hàng Bè. Rượu cuốc lủi Bắc Ninh, mặt mũi phừng phực. Thành Bống nhếch mép cười hềnh hệch hỏi

- Sao mà phất, trúng độc đắc à?

Tuấn cả đẫn

- Vừa rồi có bọn Tây định mua lại cái nhà thờ tổ họ Bùi, anh em mình rượu xong phải vào bảo thằng Kế chia ít của thừa kế. Phần tao chỉ lấy mỗi cái nậm rượu

- Còn tôi lấy cái bát hương. Cái bát ấy bét cũng phải hai cây vàng- Đệ sẹo thêm vào

Thành Bống nốc rượu, hít hà ngọn lá ngổ như đang ngửi mùi tiền

- Kệ các ông, tôi chỉ lấy hai con hạc đứng trên con rùa. Lúc nào hết tiền bán đồng nát cũng được dăm chục.

Chúng bàn với nhau y như chuyện Tây mua nhà thờ tổ họ Bùi là có thật, y như là trong cái nhà thờ tổ ấy có nậm rượu, bát hương, đôi hạc đồng thuộc loại cổ vật. Và y như chúng đang mang họ Bùi thật sự. Tất nhiên là chả có cái gì là thật hết. Nhưng chuyện của họ Bùi là mồi dẫn rượu cho chúng bàn lấy vui.

Anh Kế biết chuyện chỉ cười. Tính anh hiền lành, vả lại thời buổi này đâu có phải vì câu khích bác về họ hàng mà vác dao bầu xả nhau được. Anh nói với tôi

- Chúng mày uống lắm sẽ bị bệnh gan.

Nói xong anh cười sằng sặc khoái chí vì câu nói của mình.

Anh Kế bán xe uoát mua xe máy đi làm xe ôm, đứng đầu ngõ dưới gốc cây bàng. Nhập cùng với hội xe ôm do Tuấn cả đẫn làm. Xe xếp thành dãy, khách lạ thì ai ở đầu dãy đi. Còn khách quen thì của ai người nấy đi. Lúc anh Kế ra làm, bọn này cứ tảng lờ anh mà xếp chặn đầu, khoá đuôi. Vài lần biết ý chúng, anh dựng xe ở cửa nhà, trong giỏ xe đặt cái biển bằng bìa các tông có sơn chữ xe ôm màu đỏ. Hàng xóm ai đi thì đứng cửa gọi. Khách của anh phần nhiều là các bà già vì họ tin anh tay lái cẩn thận. Thu nhập cũng nhì nhằng. Buổi đêm anh vác cần ra hồ Hoàn kiếm câu cá trộm. Khoản thu nhập này cũng được dăm ba chục một đêm, thêm vào cái thu nhập chung khiến anh cũng đỡ phải chường mặt bon chen với đời. Nhiều đêm lang thang quanh hồ đợi bảo vệ, công an đi để hành sự, anh Kế quen một lão già phiêu bạt làm nghề thầy bói rong. Nhiều lần hàn huyên anh Kế có thêm nghề xem bói, hầu đồng, chọn ngày giờ tốt xấu. Anh kể với tôi về cái số của mình

- Anh biết là con Thuỷ ( vợ cũ anh) trước sau cũng không ở với anh. Trai Đinh , Nhâm , Quý thì sang. Gái Đinh , Nhâm , Quý sang hai lần đò. Số anh là vậy, da con heo bọn xương hổ. Làm mãi cũng chả giàu. Thôi thì trời bắt vậy mình không cưỡng. Chả hại gì ai là để phúc cho con cháu rồi

Đoạn anh nở một nụ cười bí hiểm ghé tai tôi nói

- Này nói cho cậu biết, nhà anh còn khối đất dưới ngõ Liên Phái. Ông nội anh cho thuê, giờ anh đang viết đơn đòi. Quả này mà xong, anh cho khối thằng ngõ này lác mắt.

Anh lôi tôi vào nhà, chìa cho xem một đống giấy tờ lằng nhằng nào đáy chứng minh rằng anh có quyền sở hữu đất dưới ngõ chùa Liên Phái. Khỏi cần xem tôi cũng biết là ông nội anh có đất dưới đấy thật. Nhưng đòi được không thì là cả vấn đề. Bọn quan lại đặt vấn đề chia một nửa, bọn dân ở lỳ thì xin trả 1/3 thậm chí là 1/5. Dẫu thế nào anh Kế cũng có tí chút, nhưng anh đồng ý với phương án nào là tuỳ anh. Nghe đâu còn lằng nhằng lắm.

Một đêm tôi về khuya, gọi cửa mấy câu không thấy mẹ dậy. Ngại chả dám gọi nữa, nằm trên yên xe chờ trời sáng. Cả con ngõ yên ắng tĩnh mịch, dáng vẻ hiền lành dưới ngọn đèn đỏ leo lét trên hai cái cột điện. Anh Kế vác cần câu về, thấy tôi nói

- Vào nhà anh mà nằm

Tôi nhỏm dậy dắt xe theo anh, ở cái ngõ này thì tôi có thể tá túc ở nhiều nhà hàng xóm. Tôi vào nhà ai đó buổi trưa hay chiều,ăn hay ngủ chẳng thành vấn đề. Toàn hàng xóm lâu năm, với cả họ chứa tôi vì tôi cũng có làm lắm nghề linh tinh. Tính tôi hay giúp đỡ mọi người. Cũng là có đi có lại.

Anh Kế ở một mình trong căn buồng nhỏ. Cái nhà thờ thì rộng mênh mông, nhà xây kiểu cổ nhiều năm, rêu và hơi ẩm làm nó trở thành một chốn âm u. Xếp đồ đi câu vào góc nhà, quay sang anh bảo

- Này, có biết đứa bán bánh mỳ đầu Mã Mây không

- Biết, cái con béo ịch bán thuê cho nhà ba Tây Lai chứ gì, nó bỏ chồng hay sao ý anh ạ.

-Chồng nó ở quê, thằng ấy cờ bạc kinh quá. Con này phải bỏ lên đây. Anh sắp lấy nó. Bây giờ chỉ đưa nhau về ở thôi.

Tôi cười,

- thôi thì kiếm con osin giặt quần áo, làm đệm thịt cũng tốt chán. Cảm thấy tử tế thì cho ở, không thì lại trả về địa phương quản lý.

Tuần sau mụ Hải giã từ nghề bán bánh mỳ batê thuê, xách một bọc quần áo về nhà thờ tổ họ Bùi làm chấp chính. Tuần sau nữa vợ chồng nhà Kế khệ nệ khiêng một cái bàn, mấy cái ghế khai trương cửa hàng bán bánh mỳ ba te, trứng ốp lết ngoài đường. Mụ Hải mắt lúng liếc , đen láy. Gần 40 tuổi, người lẳn chắc đầy sức sống của thiếu phụ nông thôn từng lam lũ đồng áng. Cộng thêm cái văn hoá thu nhập thêm chốn thành thị và cái khao khát muốn có chỗ trụ vững chắc ở thành phố mụ Hải nhanh chóng hoà nhập với cuộc đời mới. Hải Kế xã giao hồ hởi với mọi người. Đám xe ôm bắt đầu lọ mọ kéo đến lai rai. Câu vào câu ra. Lại là Tuấn Cả Đẫn mở màn

- Em biết không, cái họ Bùi ở làng giếng chùa này là có gốc bị bệnh điên. Anh không nói sai đâu. Em cứ hỏi mọi người thì rõ, thằng Kế nhiều đêm ra ngõ, ngửa mặt đếm sao rồi cười khúc khích. Chắc là bị ma nhập.

Đệ Sẹo, thằng này 48 tuổi chưa vợ, kém đàn anh Cả Đẫn 4 tuổi. Nhưng mồm miệng không hề thua. Thêm lời

- Em biết vì sao vợ trước bỏ nó không, tại vì thằng này có tật cứ nửa đêm dậy thắp hương, khấn vái dưới ban thờ. Vợ nó lâu ngày thấy thế thành sợ bỏ chạy mất dép.


Vài hôm sau, lại chính cái miệng đấy nói rằng

- Con này vớ thắng Kế chẳng qua muốn kiếm chỗ ở Hà Nội

- Ối trời, nó thuộc loại quái thủ đấy, nó biết thằng này sắp đòi được đất, có vốn làm ăn.

- Trông nó dâm lắm, gạ đi là ăn được đấy.

Tôi phải đi xa ngõ mấy năm, lúc trở về thấy mụ Hải đã sinh một cậu bé bụ bẫm bốn tuổi. Thằng bé thật ngộ, bố mẹ gọi nó là Bầu. Tôi thấy nó chạy ra ngoài đường, vội chạy lại tóm gọn cu cậu lôi ra hàng nước mua bim bim dụ dỗ làm quen. Bà bán nước nói

- Trông chả giống bố tí nào, giống thằng Đệ sẹo.

Đêm đầu tiên sau nửa thập kỷ xa nhà dễ gì ngủ được, trời đã vào giữa thu, không khí trong lành, thoáng đãng. Trong ngõ đã nhiều nhà xây dựng làm bộ mặt khác hẳn, nhà cao ngút hai bên khiến khoảng không gian giữa ngõ như trong đường hầm. Mụ Hải bây giờ chuyển sang bán phở mỳ xào buổi tối. Tôi đứng trên ban công hút thuốc nhìn thấy Đệ sẹo đang giúp mụ Hải dọn hàng. Thằng Bầu ngồi trên cái xe máy của Đệ Sẹo hý hoáy nghịch tay ga.

Sáng gặp anh Kế đi làm về, hỏi chuyện mới biết giờ anh đã làm ở công ty xe buýt. Nhưng làm ở chỗ giữ xe, buổi đêm anh phải đánh vào, đánh ra hàng chục cái xe buýt để sắp chỗ, mệt phờ người. Ngày về ngủ, đến chiều dọn hàng cho vợ xong là đi làm. Anh tâm sự

- Bây giờ khó kiếm tiền lắm em ạ, mật ít ruồi nhiều. Mà anh trông cậu còn khoẻ mạnh hơn xưa đấy. Kiếm việc gì làm túc tắc rồi lấy vợ đi. Đấy như anh bây giờ chỉ làng nhàng thế này thôi là tốt rồi, còn hơn khối thằng thất nghiệp ngồi hàng nước. Ban ngày anh toàn ngủ, đi đâu lấy xe anh mà đi.

Anh ngừng lại rồi ghé tai tôi như bầy kế bí mật, cho dù xung quanh chẳng có ai

- Hay là cậu lấy xe anh, ban ngày chạy vài cuốc kiếm tí tiêu vặt. Rồi tà tà tìm việc gì sau. À, mà đi ra đây đã

Anh đưa tôi ra ngõ Bảo Khánh, ăn bún thang của một cửa hàng hai tầng, bán bún thật ngon và to, có cả giò và chả quế, nước ngọt lừ. Tôi tiếc rẻ chỗ nước thừa gọi thêm năm cái quẩy để dúng vào ăn nốt. Anh Kế nhìn tôi ăn ngon lành, lại ghé sát mặt thầm thì

- Hôm nào đến chỗ làm anh, ở dưới Thanh Xuân, có nhiều gái lắm. Toàn sinh viên đại học quanh đấy ra kiếm thêm thôi.

Tôi ngẩn người ra, anh cười hi hí. Về nhà anh dúi cho tôi mấy chục nghìn bảo để uống nước và đổ xăng xe.

Tôi không lấy xe anh đi, chẳng thể mượn xe anh mãi được. Tốt nhất đi đâu thì có cái xe đạp mi ni Trung Quốc của bà chị. Mấy năm vừa rồi toàn đi bộ, nên chân tôi dẻo dai. Cuối cùng nhờ ơn Đảng, chính phủ và 300 nghìn mẹ tôi vay được từ bát họ nộp cho bọn môi giới việc làm. Tôi đã xin được vào làm thợ phụ cho một công ty cơ khí với mức lương 300 nghìn một tháng. Có việc là tốt còn hơn vật vờ ngắm cuộc đời đang trôi tất bật. Người làm đêm, kẻ làm ngày. Chả mấy khi tôi và anh Kế gặp nhau. Bọn xe ôm chầu hàng nước muôn thưở chưa có gì thay đổi. Thằng nào trúng con đề thì cả lũ lại mở chầu rượu giữa ngõ, ao đi qua cũng xỏ xiên vài câu. Có cái khác là bây giờ chúng gọi anh Kế là Kế Phù Thuỷ.

Anh Kế đã đòi được một số tiền lớn từ lô đất của ông bà để lại. Mua cổ phần ở một hãng vận tải. Hàng đêm vẫn đi làm. Thu nhập khá nhưng vẫn điềm đạm trong chi tiêu.

Hôm chủ nhật anh em gặp nhau, anh kéo tôi ra cà phê Giảng. Hỏi han công việc làm ăn, động viên. Rồi anh qua chuyện hàng xóm láng giềng, anh em họ hàng của anh. Đôi mắt anh loé những tia gian hiểm và độc địa, lời nói đầy miệt thị

- Đm, bọn ngõ này đói thối mồm còn hay tào lao buôn chuyện, đàn bà đã đành, đàn ông cũng thế. Như cái thằng Cả Đẫn làm xe ôm, ngày giỏi lắm được ba chục bọ. Hôm nọ vay đểu anh một trăm bảo đong tiền điện. Anh đưa cho rồi bảo nó - Chịu khó mà làm lại cuộc đời em ạ - Mẹ nó 52 tuổi đầu rồi mà đẽo thành người được.

Anh rút bao 555 trong túi đưa cho tôi, hỏi

- Thế làm có được không?

- Em bây giờ được hơn triệu tiền lương, thỉnh thoảng có việc làm thêm buổi tối. Nhưng toàn phải đợi khuya vì ban ngày chật chội, người qua lại. Mình hàn những cái khung sắt to vướng lắm

Anh Kế phẩy tay

- Mày mang ra cửa nhà anh mà làm, mấy có em, con chị nhà anh có nói thì chửi thẳng vào mặt nó. Bảo tao được ông Kế cho làm. Đm bọn khốn nạn, con gái đi lấy chồng mà còn đòi xí phần nọ, phần kia. Mà anh nói riêng cho cậu biết, anh sắp cho chúng nó một quả nhớ đời. Anh làm xong sẽ kể cho cậu, bây giờ chưa được.

Tôi thấy âm sự độc địa từ đôi mắt anh. Cái này tôi khẳng định chắc chắn, vì những năm bôn ba, tôi hay gặp những kiểu nhìn ấy trong cảnh đáy cùng xã hội.

Nửa năm sau, đúng đêm giao thừa. Căn nhà số 30 bốc cháy. Lửa bốc rất nhanh vì ngôi nhà cũ đa phần bằng gỗ, nhưng rui kèo, vì xà bén lửa cháy phần phật. Anh Kế cùng anh rể, em rể hốt hoảng chạy hắt từng xô nước, người chạy đi gọi cứu hoả, đám đàn bà con gái tiếc của gào hét. Xe cưú hoả đến nơi chỉ còn biện pháp đầu tiên là không chế không cho lan sang bên cạnh, hạn chế thiệt hại do ngọn lửa lây lan.

Một thằng anh rể đi cấp cứu, hầu như mọi thứ của cải cháy sạch. Trong đám cháy tiếng ti vi nổ bóng hình đôm đóp, xe máy cong queo trơ cái khung. Của chìm nổi thì không biết còn mất thế nào. Vợ con anh Kế thì đi xe về quê đưa con gà chai rượu cho bà ngoại. Đám chị , em mất nhiều khóc hu hu. Anh Kế đau đớn, kể lể xót xa bởi số tiền lớn chuẩn bị mua ô tô 15 chỗ ngồi. Anh sắp để ra Tết lấy xe đưa đón khách đi lễ hội đã thành tro.


Tôi luôn nghĩ anh không điên. Và một người không điên thì chả dại gì để số tiền lớn trong cái tủ gỗ, nhất là ở chung với mọi người mà mình và họ coi nhau như kẻ thù. Tôi tiếc tiếng cười làm tôi thức giấc trong đêm mưa khi con chó nhà bà Hàn đang cào cửa. Tiếng cười giòn tan chỉ có ở những người mà tinh thần, ý nghĩ không còn vướng bận đến chuyện đời thường.

Dẫu sao tôi cũng vui mừng, vì duy nhất có tôi biết anh không điên

2 nhận xét:

  1. em cũng họ Bùi đấy anh ạ mà chỉ là 1 nhánh nhỏ thôi chẳng biết gốc ở đâu cả

    Trả lờiXóa
  2. Đoạn cuối đọc nghe xót quá anh...

    Trả lờiXóa