Thứ Năm, 13 tháng 12, 2007

Họ không phải là người Việt




Cuối cùng, cuộc biểu tình phản kháng Quốc Hội Trung Quốc tuyên bố sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào cái gọi là huyện Tam Sa, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, cũng đã diễn ra trước Ðại Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội và Lãnh Sự Quán Trung Quốc ở Sài Gòn vào sáng 9 Tháng Mười Hai. Từ đầu thập niên 1990 -thời điểm Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nối lại quan hệ ngoại giao với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa - đến nay, đây là lần đầu tiên, người Việt biểu tình chống Trung Quốc cưỡng chiếm lãnh thổ của mình ngay trên quê cha, đất tổ.

Tuy nhiên, giống như những lần trước, đảng và nhà nước Việt Nam không đứng cùng phía với những người biểu tình, bất kể mục tiêu biểu tình chỉ là phản kháng sự xâm lăng của ngoại bang.

Hồi đầu năm 2005, khi hải quân Trung Quốc xả súng bắn chết 9 ngư dân, làm bị thương 7 người và bắt 8 ngư dân Thanh Hóa, thanh niên và sinh viên trong nước đã kêu gọi nhau biểu tình phản kháng song những cuộc biểu tình này đã bị công an Việt Nam giải tán ngay khi các nhóm biểu tình chuẩn bị tuần hành. Lần này, theo tin từ trong nước, song song với những lời kêu gọi biểu tình phản kháng việc Quốc Hội Trung Quốc sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào “huyện Tam Sa, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc” là hàng loạt những tin nhắn khuyến cáo thanh niên, sinh viên đừng tham gia biểu tình vì đây là âm mưu của... các thế lực phản động, thù địch (?!)Trên Internet, người ta được xem tận mắt bản ảnh chụp một công văn, do ban giám hiệu Ðại Học Công Nghệ thuộc Ðại Học Quốc Gia Hà Nội, ký ngày 7 Tháng Mười Hai, gửi “Toàn thể cán bộ, sinh viên”, theo đó, một tiến sĩ tên Hà Quang Thụy - hiệu phó của trường Ðại Học Công Nghệ - yêu cầu: “Cán bộ, sinh viên, học viên cao học trong trường thực hiện đúng chủ trương của đảng và nhà nước đối với sự kiện này để tránh bị kích động, lôi kéo thực hiện những hành động đi ngược chủ trương”. Trong công văn vừa kể, chủ trương của nhà cầm quyền Việt Nam được mô tả là: “Mong muốn tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc, chủ trương giải quyết hòa bình mọi tranh chấp giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế”.

Nếu sáng 9 Tháng Mười Hai, trước các trụ sở ngoại giao của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ở Việt Nam, hàng trăm thanh niên, sinh viên Việt Nam giương cao biểu ngữ và hô vang những khẩu hiệu đòi Trung Quốc trả lại Hoàng Sa, Trường Sa - lãnh thổ của người Việt thì hôm sau, 10 Tháng Mười Hai, ông Lê Dũng - người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN - lớn tiếng phủ nhận các cuộc biểu tình này. Ông Dũng khẳng định đó chỉ là “tụ tập”, một “việc làm tự phát, chưa được phép của các cơ quan chức năng Việt Nam. Khi vụ việc trên xảy ra, lực lượng bảo vệ của Việt Nam đã kịp thời có mặt, giải thích và yêu cầu bà con chấm dứt”.

Trong quá khứ, dù hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc liên tục bắn, bắt giữ các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, đưa họ ra tòa án Trung Quốc xét xử vì xem việc đánh bắt hải sản quanh Hoàng Sa, Trường Sa là “xâm phạm lãnh hải Trung Quốc”, buộc họ nộp phạt với khoản tiền phạt lên tới hàng trăm triệu đồng song nhà cầm quyền Việt Nam phản đối rất yếu ớt. Thái độ bạc nhược này khiến lòng tự hào dân tộc của mọi người Việt bị tổn thương. Cũng vì vậy, theo tường thuật trên diễn đàn điện tử www.x-cafevn.org, khi một phó chủ tịch của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Sài Gòn đến khuyến dụ thanh niên, sinh viên Sài Gòn ngưng biểu tình, một bạn trẻ đã chất vấn: Chính phủ Việt Nam lên tiếng như ông Lê Dũng phát ngôn: “Chúng tôi cực lực phản đối” rồi chẳng hành động gì thì làm gì được họ? Chúng cháu cần hành động...

Vậy đảng và nhà nước Việt Nam, họ hành động thế nào?

Ngày 17 Tháng Hai năm 1979, sau khi Trung Quốc xua quân tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, trong cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc 30 năm qua”, do Bộ Ngoại Giao Việt Nam công bố vào ngày 4 Tháng Mười năm 1979, nhà cầm quyền Việt Nam nhận định: “30 năm qua, những người lãnh đạo Trung Quốc coi Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu đối với chiến lược của họ, luôn luôn tìm cách nắm Việt Nam. Muốn như vậy, nước Việt Nam phải là một nước không mạnh, bị chia cắt, không độc lập và lệ thuộc Trung Quốc. Trái lại, một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và giàu mạnh, có đường lối độc lập và tự chủ và đường lối quốc tế đúng đắn là một cản trở lớn cho chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, trước hết là cho chính sách bành trướng của họ ở Ðông Nam Á”.

Ðầu thập niên 1980, trong “Ðiều lệ đảng Cộng Sản Việt Nam”, đảng Cộng Sản Việt Nam còn xác định Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm nhất. Ở bản hiến pháp 1980, tại “Lời mở đầu”, Quốc Hội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam khẳng định: “Ðồng bào ta thiết tha mong muốn có hòa bình để xây dựng tổ quốc nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Campuchia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc chống bọn phản động Campuchia ở biên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình...”

Thế nhưng, tới đầu thập niên 1990, sau khi nhà cầm quyền hai nước tuyên bố nối lại quan hệ ngoại giao và cùng cam kết sẽ tuân thủ phương châm: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, nhà cầm quyền Việt Nam đã ra lệnh cấm diễn, cấm chiếu các vở kịch, bộ phim có nội dung chống Trung Quốc như: “Tiếng Trống Mê Linh”, “Thái Hậu Dương Vân Nga”... Cũng trong giai đoạn này, toàn bộ sách giáo khoa với các bài giảng, bài học có nội dung chống xâm lược phương Bắc của cha ông người Việt bị thu hồi, rồi bị đục bỏ. Những con đường, những ngôi trường mang tên Lê Ðình Chinh, một công an vũ trang bị những Hoa kiều mà Việt Nam trục xuất về Trung Quốc đánh chết tại ga Hàng Cỏ năm 1979, được hệ thống tuyên truyền của Việt Nam tôn vinh như một anh hùng - bị đổi tên. Những bài viết, bài hát về nhân vật này bị dẹp bỏ...

Vì sao?

Trong “Hồi ức và suy nghĩ”, một hồi ký bị cấm xuất bản, lưu hàng, tàng trữ ở Việt Nam, ông Trần Quang Cơ (cựu thứ trưởng ngoại giao Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, người từng từ chối làm ngoại trưởng và năm 1997 xin rút lui khỏi ban chấp hành trung ương đảng khóa VII) tiết lộ: Từ 17 đến 27 Tháng Sáu 1991, đảng Cộng Sản Việt Nam họp đại hội lần thứ VII với nhiều thay đổi quan trọng về nhân sự: Ðỗ Mười thay Nguyễn Văn Linh làm tổng bí thư, Lê Ðức Anh nghiễm nhiên giữ vị trí thứ hai trong đảng, ủy viên thường trực Bộ Chính Trị kiêm bí thư trung ương phụ trách cả ba khối quốc phòng-an ninh-ngoại giao và lên chức chủ tịch nước. Võ Văn Kiệt được giới thiệu với nhà nước để cử làm chủ tịch hội đồng bộ trưởng, Ðào Duy Tùng thường trực ban bí thư. Bộ ba Ðỗ Mười, Lê Ðức Anh, Ðào Duy Tùng nắm bộ phận thường trực của Bộ Chính Trị và của ban bí thư. Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp bị gạt ra khỏi chức ủy viên trung ương. Còn Nguyễn Cơ Thạch bị bật ra khỏi Bộ Chính Trị và chuẩn bị thôi làm bộ trưởng Bộ Ngoại Giao... Dư luận quốc tế xôn xao cho rằng Nguyễn Cơ Thạch là “vật tế thần” trong việc Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng đó chỉ là một cách nói đơn giản vì vấn đề không chỉ là bình thường hóa quan hệ mà là phụ thuộc hóa quan hệ! Ông Cơ gọi đó là cái giá phải trả cho “bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc”!

Theo ông Trần Quang Cơ: Từ sau đại hội VII, tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc như cỗ máy đã được tra dầu đầy đủ, diễn biến trơn tru theo trình tự đã định. Trong khi lãnh đạo ta ôm kỳ vọng cùng Trung Quốc “bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc” thì họ xác định quan hệ với ta là “thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đầu” (thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, đấu tranh nhưng không đánh nhau). Trung Quốc nói thế song luôn lấy thế nước lớn để lấn chiếm lãnh thổ lãnh hải ta và hiểm độc nhất là không ngừng tác động vào nội bộ ta.

Khi hoàn tất hồi ký này, ông Cơ nhận định: “Trước mắt cũng như trong tương lai, Trung Quốc là xuất xứ chính của những thách thức đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Những thách thức đe dọa trên nhiều mặt của Trung Quốc đối với ta đều đang là những vấn đề hiện thực, đang xảy ra và ta đang phải xử lý, khác với những thách thức đe dọa của các đối tượng khác, kể cả Mỹ, có phần nào còn là giả định và dự phòng. Những mâu thuẫn về lợi ích trên các mặt giữa ta với Trung Quốc nhiều hơn với các đối tượng khác”. Trong khi đó, ông Cơ lưu ý, lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam là những kẻ “vì ý đồ cá nhân, sẵn sàng bỏ qua danh dự và quốc thể”, kể cả xin ý kiến Trung Quốc về cách giải quyết vấn đề rút quân khỏi Campuchia trước khi đàm phán chính thức với ngay Trung Quốc. Ông Cơ cho rằng đó là chuyện “có một không hai trong lịch sử đối ngoại”!

Phản ứng của nhà cầm quyền Việt Nam trước sự càn rỡ của Trung Quốc cho thấy hai điều. Thứ nhất, họ hoàn toàn không quan tâm đến tiền đồ xứ sở của mình. Thứ hai họ không thèm đếm xỉa gì đến đồng bào của mình. Những “Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao”, “Công hàm phản đối” chỉ nhằm đối phó với áp lực của dư luận. Những cá nhân lãnh đạo đảng và chính phủ Việt Nam hiểu hơn ai hết tham vọng và dã tâm của Trung Quốc song họ vẫn muốn dựa vào Trung Quốc nhằm duy trì “đặc quyền, đặc lợi” của riêng mình bởi “khối xã hội chủ nghĩa” đã vỡ vụn. Ðó cũng là lý do ra đời các hiệp định về biên giới trên đất liền và phân định lãnh hải. Lãnh đạo đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam đã và đang hành xử như những đối tượng không có tổ quốc, không có dân tộc. Họ sinh ra ở Việt Nam, có quốc tịch Việt, nói tiếng Việt nhưng không có tâm cảm của một người Việt.

Thế thì họ là ai?

Nguồn: Gia Định/Người Việt

5 nhận xét:

  1. tem blog...tem blog....tem blog....hihihihi.....

    Trả lờiXóa
  2. Thằng Bờm Xỏ Lálúc 02:05 14 tháng 12, 2007

    tem là gì vậy VA ?

    Trả lờiXóa
  3. Font chu su dung tong mau cam kho doc qua! "Edit" lai cho pa kon de dang xem nhe! Thx!

    Trả lờiXóa
  4. Tớ chỉ nói thế này, chống đối--> ko thỏa hiệp hòa bình --> chiến tranh--> dân khổ--> nhà nước chịu.
    Chiến lược chính trị chỉ nội bộ biết, khi viết nên phân tích trên lập trường đa phương.
    Viết về chính trị mà nhìn 1 chiều thì chẳng khác j con nít học làm người lớn.

    Trả lờiXóa
  5. Còn non kinh nghiệm kích động người khác lắm...

    Trả lờiXóa