Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2007

Việt Nam sẽ có thêm 3 cơ quan quản lý báo chí




Báo chí tại Việt Nam do Đảng Cộng Sản độc quyền quản lý.


HÀ NỘI – Trong một bài trả lời phỏng vấn của VNExpress hôm 25 tháng 12, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Việt Nam, ông Lê Doãn Hợp cho biếtsẽ thành lập thêm 3 cơ quan quản lý báo chí tại Việt Nam.

Ba cơ quan mới này sẽ là “Cục Thông tin đối ngoại”, “Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử” và “Cục An toàn thông tin”.

Hiện nay Bộ Thông tin Truyền thông (tách ra từ Bộ Văn Hóa Thông Tin) đang có một cơ quan quản lý báo chí là Cục Báo Chí. Cơ quan này hiện quản lý 702 cơ quan báo chí với hơn 15,000 người được cấp thẻ nhà báo.

Mục đích thành lập các cơ quan mới này được VNExpress trích lời ông Lê Doãn Hợp là để: 'Báo chí sẽ có hành lang phát triển tốt hơn, đúng hướng hơn. Những tờ báo tốt sẽ được tôn vinh và những tờ báo còn hạn chế sẽ được chấn chỉnh'.

Theo lời ông Hợp: “Cục Thông tin đối ngoại ra đời sẽ có trách nhiệm đưa thông tin trong nước đến đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử sẽ quản lý và chỉ đạo toàn bộ mảng phát thanh, truyền hình và thông tin trên mạng. Cục An toàn thông tin để đảm bảo mọi thông tin đưa ra chính xác, có cơ chế để xử lý những người đưa tin sai lệch. Bộ cũng sẽ nâng cấp, kiện toàn Cục Báo chí hiện nay để làm tốt chức năng quản lý báo viết”.

Bốn cơ quan quản lý này, dự kiến hoạt động đầu năm 2008, nếu làm tròn chức trách, nhiệm vụ thì báo chí sẽ có hành lang phát triển tốt hơn, đúng hướng hơn, tôn vinh những tờ báo tốt, góp ý chấn chỉnh những tờ báo còn hạn chế.

Tưởng cũng nên nhắc lại, ông Lê Doãn Hợp khi mới nhậm chức Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Việt Nam vào năm nay đã có câu nói “để đời” về tự do báo chí tại Việt Nam: “Báo chí sẽ có tự do nếu đi đúng lề đường bên phải”. “Lề đường bên phải” ở đây là làm đúng theo mệnh lệnh và sự chỉ huy của Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Trong vài năm trở lại đây, báo chí tại Việt Nam đã có những phát triển mạnh mẽ và có nhiều tờ báo đã có những biểu hiện “vượt rào” như ông Lê Doãn Hợp thừa nhận: “Về mặt quản lý, thời gian qua, các cơ quan nhà nước đang 'đuổi theo' sự phát triển mạnh mẽ của báo chí”.

Và việc ra đời các cơ quan này nhằm siết báo chí hơn nữa như lời ông Hợp: “Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của Bộ Thông tin Truyền thông, chúng tôi sẽ lập thêm một số đơn vị chuyên môn, thông qua đó quản lý báo chí sâu hơn và chuyên nghiệp hơn”.

Báo chí tại Việt Nam hiện nay vẫn do Đảng Cộng Sản Việt Nam nắm trọn quyền kiểm duyệt. Tuy nhiên, nhiều nhà báo tại Việt Nam đã kêu gọi nhà cầm quyền nên xóa bỏ việc kiểm duyệt. Trong một bài phát biểu hôm 25 tháng 12 tại “Hội nghị toàn quốc tổng kết tám năm thi hành Luật báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí” ở Hà Nội, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ
Ông Lê Hoàng đã kêu gọi “xin đừng kiểm duyệt”.

“Qui định về bảo đảm quyền tự do của báo chí, Luật báo chí nêu rõ báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng nhưng trên thực tế có những trường hợp phóng sự truyền hình nhiều kỳ, bài viết nhiều kỳ... vẫn bị yêu cầu dừng lại. Việc dừng ngang các loạt bài đó vì lý do nào đó thường gây cảm nghĩ rất xấu trong công chúng về tự do ngôn luận.”

Chính vì chịu sự kiểm duyệt của Đảng, trong tháng 12 vừa qua, hơn 700 cơ quan truyền thông của Việt Nam đã bị “bịt miệng” trước hai cuộc biểu tình của các sinh viên và trí thức trong nước trong hai ngày 9 và 16 tháng 12 phản đối Trung Quốc chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tất cả báo chí trong nước đành bất lực đứng nhìn khi những bài viết hình ảnh biểu tình được các Blogger đưa lên Internet và sau đó tràn ngập báo chí hải ngoại.



Nguồn Nguoi-viet.com

1 nhận xét:

  1. để chữ màu vàng bố ai mà đọc được............16 chữ Vàng hả Bờm ?????

    Trả lờiXóa