Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2007

Dùng nghệ thuật trị nghệ thuật

Thiếu ta Mai Văn Hẩy, người từng nổi tiếng với việc truy bắt tên tội phạm Tuyền nguyên là bộ đội đặc công . Mai Văn Hẩy lừng lẫy một thời, sách báo ca ngợi không ngớt

Sau này ông ta gây nên một vụ nổi tiếng hơn, đó là phương pháp dĩ độc trị độc trong giới giang hồ Hà Nội,khi gây dựng nên một Khánh Trắng oai trùm Hà Nội. Mai văn Hẩy nói rằng do lực lượng công an mỏng không quản lý hết tiêu cực, ông đẻ ra cái gọi là dùng lưu manh trị lưu manh.

Thật ra cái chiêu này của ông Hẩy không mới, nó chỉ mới là áp dụng cho lưu manh, giang hồ ngoài xã hội. Chứ nhiều năm trước đó, sư phụ ông là Trần Quốc Hoàn, nguyên bộ trưởng bộ Công an đã từng áp dụng trong các trại tù la liệt khắp miền Bắc.

Nhưng nếu lội ngược dòng tiểu sử của cố bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, qua hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày của nhà văn Vũ Thư Hiên. Thì chính bản thân ngài Trần Quốc Hoàn từng là tay trộm cắp, có lẽ nhìn thấy nhân tài Trần Quốc Hoàn có phẩm chất để trị lưu manh, dành an ninh cho xã hội. Với tầm nhìn sáng suốt, ông Hồ Chí Minh đã dùng ông Trần Quốc Hoàn vào cương vị bộ trưởng bộ Công An.

Xét về mặt an ninh, trật tự, ổn định xã hội. Thì việc dùng người của ông Hồ Chí Minh là thành công mỹ mãn. Với những lệnh tập trung cải tạo có biên độ về tiêu chí rộng rãi, nói một cách khác là bắt nhầm hơn bỏ sót. Trần Quốc Hoàn đã đưa hàng chục vạn thanh thiếu niên đi cải tạo, giáo dưỡng. Đem lại cho xã hội thời kỳ ổn định. Thời kỳ mà ai cũng lơm lớp lo mình bị bắt bất cứ lúc nào.

Hôm nay chiêu này được áp dụng trong văn hoá nghệ thuật. Tờ Việt Nam Nét lãnh sứ mệnh quan trọng của đảng và nhà nước, cầm lá cờ tiên phong đi chinh phạt những kẻ nghệ sĩ, nhân sĩ, văn sĩ và cái gì gì nữa nếu có mang cái đuôi Sĩ đang lầm đường, lạc lối. Đang dãy giụa muốn cựa mình khỏi vòng kim cô. Tướng tiên phong cầm lá cờ này là Viettimes. Nếu chúng ta biết rằng trước thời điểm Viettimes ra đời một quãng. Tổng biên tập tạp chí Đảng Cộng Sản, ông Đào Duy Quát đã đầy tâm huyết phản ánh lên bộ chính trị tình trạng đen tối của nền văn nghệ Việt Nam, một sự cảnh báo về lối đi chệch hướng mà tiêu biểu là Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh....đến nhóm Mở Miệng là Bùi Chát, Lý Đợi...chúng ta có thể hình dung dễ dàng vì sao Viettimes ra đời và sứ mệnh cao cả của nó.

Đơn cử trong loạt bài về thư pháp quốc ngữ đưa trên Viettiems hồi tháng 10 do phóng viên trẻ tuổi Mai Quốc Ấn ( thằng này vẫn hay đến nhà Người Buôn Gió uống rượu). Mai Qúôc Ấn đã phỏng vấn từ phó tổng biên tập báo Công An Nhân Dân Nguyễn Như Phong đến giáo sư Trần Trí Dõi hiện là Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), đồng thời là Chủ nhiệm Bộ môn "Ngôn ngữ và Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam".

Trong loạt bài này dấy lên niềm đau xót, kêu cứu của chữ Việt đang bị những kẻ vô lại nhẫn tâm huỷ diệt bằng cái nghệ thuật có tên mỹ miều là thư pháp. Những hình ảnh và lời bình của phóng viên Mai Quốc Ấn biến các tác phẩm thư pháp quốc ngữ thành một trò lố bi hài khiến nhiều đọc giả đồng tình trong mục phản hồi ý kiến. Quả mục phản hồi ý kiến này cũng là một trò cao tay, nó chứng minh cho thiên hạ thấy rằng Viettimes đang đi đúng đường và được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ, mọi ý kiến hầu hết đều tôi hoan nghênh, tôi tán thành, tôi đồng ý với các ông Nguyễn Như Phong, Trần Trí Dõi. Độc giả ủng hộ khắp mọi miền đất nước gửi thư tới bày tỏ sự đồng cảm với bài báo và phẫn nộ trước bọn thư pháp gia vô lương tâm. Trên đà thắng lợi đầy khí thế cách mạng văn hoá, ông Nguyễn Như Phong đã không nề hà , ngại ngùng gì mà phang thẳng như một mệnh lệnh, phải nghiêm cấm lũ giả mạo thư pháp để bôi bẩn chữ quốc ngữ, rồi loạn thư pháp....

Một trong những thư pháp gia về thư pháp quốc ngữ mà Người Buôn Gió đã có lần đàm đạo bên ấm trà là nhà thư pháp trẻ Trịnh Tuấn. Người đã từng làm báo chí tốn không in giấy mực khi anh thực hiện hoành tráng hết Kiều lại đến Tuyên Ngôn Độc Lập. Oái ăm anh này lại là bạn thân của anh phóng viên Mai Quốc Ấn kia. Không hiểu sau vụ này mà gặp nhau, anh Tuấn có đấm vỡ cái mặt anh Ấn không. Hôm nào phải mời cả cả hai anh đến nhà uống rượu, rồi để các anh say khích mấy câu xem sao.

Trở lại với tờ Times, một lần nữa, mới hôm qua tại viện Gớt. Trong buổi nói chuyện về chuyến đi giao lưu với các nhà nghệ thuật Trung Quốc. Hoạ sĩ Trần Lương trước các cử toạ đông đảo cả người nước ngoài lẫn An Nam mít, anh đã bày tỏ sự bất bình về thái độ trịch thượng như người cầm lái, kiểm soát của Viettimes. Trần Lương nhấn mạnh về một Trung Quốc có thể chể chính trị giống An Nam mà các nghệ sĩ của họ giờ đây đã được thoải mái hơn trong tư tưởng sáng tác, anh lấy những dẫn chứng về các hoạ phẩm chân dung Mao Trạch Đông, vị lãnh tụ tối cao được vẽ lúc không có mặt, lúc không có đầu, lúc như Marylin monre....

Sự tự do tư tưởng trong sáng tác là điều cần thiết.Nhưng sự tự do hầu hết của các nghệ sĩ An Nam mít chỉ là bắt chước, thích thể hiện cái tôi, cái khác người. Nó không có ý thức rõ rệt về hệ tư tưởng, không có mục đích rõ ràng , chủ định để truyền tới công chúng. Những tác phẩm của Ngựa Trời, Mở Miệng hay Vào Chợ của Ngô Lập chỉ là sự cố ý phô trương cái khác người của mình, gây sự chú ý của công chúng mà thôi. Vô tình những trò lố lăng này lại là dẫn chứng nhất để cần thiết phải có một Viettimes xuất hiện. Thiệt thòi nhất và ảnh hưởng là những nghệ sĩ chân chính muốn đem tiếng nói, ý tưởng của mình về một đất nước tự do, dân chủ bị đánh đồng với đám người nhố nhăng kia

Công chúng đã đến lúc không cần một thẩm định hộ mình giá trị nghệ thuật. Mà chính bản thân công chúng phải có kiến thức và bản lĩnh riêng để nhận xét đâu là tác phẩm nghệ thuật đích thực phụng vụ cuộc đời, xã hội.. và đâu là trò lố bịch của đám nghệ sĩ cuồng ngạo muốn nổi tiếng khác người nhan nhản hiện nay. Một xã hội văn minh là một xã hội không cần đến người định hướng như Viettmes

5 nhận xét:

  1. ...anh chăm đọc sách báo, em đọc cuốn tạp chí phật giáo, có bài phỏng vấn em thích lắm lắm...
    bài này thì đọc cho biết, chưa hiểu mô tê lắm...?

    Trả lờiXóa
  2. Em vẫn nghĩ loạt bài về Vẽ pháp Quốc tự trên Việt Tham là ăn cắp nội dung một bài báo trên báo công an cách đây chưa lâu.

    Trả lờiXóa
  3. :))Đến thế này thôi à?

    Trả lờiXóa
  4. Anh dạo này viết khác hẳn rồi, không phải cái khác về nội dung hay tư tưởng. Nghe là lạ, hồ như thể là không biết phải đấy là anh không.
    Có lẽ em nên vui?!

    Trả lờiXóa
  5. Trong trai phòng của sư trụ trì chùa Trấn Quốc, em đã nhìn thấy ba chữ "Uống Trà Đi" viết theo lối thư pháp, dán trên tường sát giường ngủ.
    Cá nhân em, sau nhiều lần gửi ý kiến phản hồi về vnn (gần đây nhất là vụ ông Vương Trí Nhàn) đã rút ra một kết luận là không nên mất thời gian vào việc ấy.

    Trả lờiXóa