Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2007

Tại sao nhà nước cấm biểu tình Hoàng Sa Trường Sa...




Bảng “Ghi Nhận Công Ðức” tại chùa ở Gò Công, ghi công Phật tử đóng góp cho chùa “theo tinh thần tự lực cánh sinh của Ðảng và Giáo Hội đã chỉ đạo.” (Hình: Vũ Quí Hạo Nhiên)

Tại sao nhà nước cấm biểu tình Hoàng Sa Trường Sa?: Không phải vì sợ kích động hay vì sợ Trung Quốc

Vũ Quí Hạo Nhiên

Trước cảnh nhà nước Việt Nam ngăn chặn và cấm đoán, thậm chí bằng bạo lực, không cho người dân tuần hành biểu lộ lòng yêu nước và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, người dân đã có nhiều phản ứng - từ ngạc nhiên, hoang mang, tới tức giận, chống đối. Và tất nhiên là có phản ứng đồng ý, chấp thuận, cho việc làm của nhà nước là đúng.

Nhưng trong tất cả các phản ứng đó, không ai đặt câu hỏi - là “tại sao?”

Tại sao nhà nước lại phải phản ứng như vậy? (Tôi dùng chữ “nhà nước” để nói chung cho giới cầm quyền, gồm cả Trung Ương Ðảng và các cơ quan đầu não như thế) Lý do gì? Ðộng cơ nào?

Phía nhà nước thì nói là để tránh phần tử xấu kích động. Phía biểu tình thì mỉa mai là vì sợ ông “anh cả” Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu xét cho kỹ, cả hay lý do đều không hợp lý. Thật ra, nhà nước hành động như vậy vì một lý do căn bản hơn nhiều.

Ngoài mặt, lý do nhà nước đưa ra là để tránh cho thanh niên không bị các phần tử xấu kích động. “Phần tử xấu” này có lúc chỉ nói chung chung, lại có lúc nói cụ thể là nhóm này nhóm kia, trong đó có: “hải ngoại kích động,” Việt Tân, Khối 8406, Nguyễn Tiến Trung, Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ, diễn đàn X-cafe, và thậm chí “một số trang blog trên Yahoo 360.”

Nhưng đó chỉ là cái cớ. Trên thực tế thì tất cả những nhóm trên đều bị vô hiệu hóa ngay từ đầu. Hai Luật Sư Nguyễn Văn Ðài và Lê Thị Công Nhân đã nằm tù. Nguyễn Tiến Trung bị quan chức địa phương, gồm cả ủy ban, Ðảng ủy, công an, đến nhà từ tối hôm trước áp lực không được đi biểu tình. Luật Sư Lê Quốc Quân bị quản thúc, còn em luật sư đi tham gia biểu tình thì sau đó bị bắt.

Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn ở Hà Nội mang bảng “Ðừng coi thường người Việt Nam” tham gia biểu tình thì bị một nhóm thanh niên (theo lời kể của một người trong nhóm này) “đè ra, giật biểu ngữ và đẩy ra một xó... chửi... hấp diêm tàn bạo. Mấy chú thường phục đi gần em đã chụp ảnh và cười tủm tỉm rồi ạ!” Sau này, họ giải thích rằng tuy họ dùng những chữ như “đè” và “hấp diêm” thực ra họ chỉ nói chuyện ôn hòa. Nhưng dù nhóm thanh niên này đã làm hay không làm gì đi nữa, kết quả vẫn là Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn không được tham gia biểu tình, bảng hiệu bị giật xé, và “mấy chú thường phục” đã an tâm và hài lòng.

Còn “một số trang blog trên Yahoo 360” thì ai cũng biết, và chắc hẳn nhà nước cũng biết, chả có chút thực lực nào. Ngay cả “hải ngoại kích động” thì nhà nước cũng biết là không đi đến đâu. Như một cuộc thăm dò trên Người Việt Online cho thấy, 42% người trả lời không chấp nhận việc hành động chung giữa cờ vàng hải ngoại và những lá cờ đỏ của thanh niên biểu tình trong tầm ngắm của lực lượng công quyền vũ trang đến tận răng.

Nói cách khác, nhà nước thực sự không sợ gì có sự kích động. Các nhà dân chủ thì nhà nước đã tóm nó rồi. Còn lại ai trong lúc biểu tình thấy có vẻ biểu hiện tính năng động, được thanh niên nể nang (như nhạc sĩ Tuấn Khanh, chị Hồ Lan Hương), nhà nước cũng cho an ninh tới quản thúc tại nhà luôn.

Vậy việc gì mà phải cấm? Không sợ kích động thì sợ ai?

Có người mỉa mai cho rằng nhà nước cấm vì Anh Cả bảo thế; vì phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Tần Cương sau kỳ biểu tình đầu tiên ngày 9 đã đòi hỏi phía Việt Nam “có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn” vụ biểu tình.

Cũng không hẳn. Cuộc biểu tình từng bị cản ngăn từ trước khi Trung Quốc nói lời nào. Từ trước cuộc biểu tình ngày 9, đã có tin nhắn qua Internet kêu gọi đừng đi biểu tình. Công văn một trường đại học tại Hà Nội, ký ngày 7 tháng 12, yêu cầu “Cán bộ, sinh viên, học viên cao học trong trường thực hiện đúng chủ trương của Ðảng và nhà nước đối với sự kiện này để tránh bị kích động, lôi kéo thực hiện những hành động đi ngược chủ trương trên”.

Hơn nữa, nếu ngăn chặn chỉ vì muốn lấy lòng Trung Quốc, muốn “bày hàng” hay “xoa dịu” hay “kiếm điểm” với người láng giềng khổng lồ, thì nhà nước đã không cấm đoán một số hành vi mà Trung Quốc không biết đến (tức là không trách gì được).

Nhà văn Trang Hạ đã bị bắt chỉ vì dán đề can “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam”. Ðây là lời lập lại gần như nguyên văn lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam - nếu ngại Trung Quốc, Lê Dũng đã không nói thế.

Ông Lê Dũng nói (Trung Quốc nghe) thì được, mà nhà văn Trang Hạ nói (chưa chắc Trung Quốc đã nghe) thì lại không được. Câu trả lời “vì sợ Trung Quốc” không giải thích được vụ này.

Những hành vi như đưa các bác lão thành cách mạng tới thuyết phục nhạc sĩ Tô Hải đừng đụng đến Hoàng Sa Trường Sa nữa, là gây phản cảm một cách không cần thiết - nếu mục đích chỉ là làm vừa lòng Trung Quốc.

Vậy bảo nhà nước cấm vì sợ Trung Quốc là một câu trả lời ngây thơ nhưng không chính xác. Nói như vậy chỉ làm tăng oai quyền (không có thật) của Tần Cương, chứ không giải thích được hành vi ngăn chặn biểu tình.

Câu trả lời

Nếu cả hai lý do đều không thích hợp, điều nào giải thích cho hiện tượng nhà nước buộc nhà văn Trang Hạ phải “ngồi đợi giấy mời yêu nước” - cho rằng chị Hồ Lan Hương “yêu nước là có tội” - khiến nhạc sĩ Tô Hải bất bình “Tại sao lại bắt người yêu nước”? Nếu không phải vì sợ kích động hay sợ Anh Cả Trung Quốc, thì tại sao?

Tôi cho rằng câu trả lời nằm ở một sự thật sâu đậm hơn, nằm ở ngay bản chất của chế độ cộng sản.

Ta hay nói chế độ cộng sản là một chế độ độc tài, nhưng điều đó chỉ đúng một nửa. Chế độ kiểu cộng sản của Stalin, Mao, Hồ Chí Minh, khác với chế độ độc tài kiểu Franco, Pinochet, Tưởng Giới Thạch, hay Myanmar-Miến Ðiện hiện nay.

Chế độ độc tài kiểu cộng sản, phát sinh trong thế kỷ 20, khác các chế độ độc tài phát sinh từ thế kỷ 19. Nếu các nhà khoa học chính trị dùng chữ “authoritarianism” để miêu tả chế độ độc tài kiểu cổ điển, thì tên gọi cho chế độ độc tài kiểu cộng sản, là chế độ toàn trị - “totalitarianism.”

Tên gọi này chỉ mới sinh ra sau thế chiến thứ nhì, và tác phẩm kinh điển phân tích một chế độ toàn trị là cuốn “Totalitarian Dictatorship and Autocracy” của hai tác giả Carl J. Friedrich và Zbigniew Brzezinski. Tiến Sĩ Brzezinski sau này là cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng Thống Carter.

Một chế độ toàn trị là một chế độ trong đó nhà cầm quyền nắm toàn bộ các sinh hoạt của người dân, kể cả những sinh hoạt không liên quan gì tới chính trị hay quyền lực. Dùng một lý thuyết kinh tế chính trị xã hội bao quát, chế độ toàn trị phá hủy cả hệ thống xã hội dân sự cũ và thay vào đó một xã hội mới phục vụ cho việc nắm quyền của nhà nước.

Ðộc tài kiểu Tưởng Giới Thạch hay Pinochet không phải toàn trị. Vị thống chế Ðài Loan và tướng bốn sao Chile chưa bao giờ áp đặt một lý thuyết nào đó lên xã hội dân sự, lên các tôn giáo, các mối quan hệ làng xã, gia đình. Khác với Trung Quốc và Việt Nam, giáo hội Phật Giáo tại Myanmar có thể đang bị đàn áp, nhưng hàng giáo quyền Phật Giáo Myanmar chưa hề phải phục tùng mệnh lệnh của nhà cầm quyền.

Chế độ cộng sản, theo mô hình Stalin và được áp dụng ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam (tất nhiên là có khác chút đỉnh) không giống các chế độ độc tài kiểu quân phiệt. Chế độ cộng sản có một lý thuyết Mác-Lênin bao trùm hết tất cả các sinh hoạt kinh tế, chính trị, xã hội, và cả tư duy, tinh thần của người dân.

Với lý thuyết này trong tay, chế độ cộng sản kéo sập toàn bộ xã hội dân sự cũ và dựng lại một xã hội mới thích hợp với sự cai trị của mình. Cả một “con người mới xã hội chủ nghĩa” được dựng nên dựa trên mô hình Thép Ðã Tôi Thế Ðấy và các phiên bản Việt Nam như Mùa Lạc của Nguyễn Khải, Bão Biển của Chu Văn, hay bài thơ Tiếng Hát Con Tàu của Chế Lan Viên.

Nếu ai thấy tình trạng con đấu tố bố, vợ đấu tố chồng, cháu đấu tố ông bà trong Cải Cách Ruộng Ðất là tệ hại, người đó chưa biết đến một Pavel Morozov đã được tuyên dương làm gương cho thiếu niên Liên Xô vì tố cáo cha mẹ cho công an của Stalin.

Không phải tình cờ hay ngẫu nhiên mà giềng mối gia đình bị xé nát từ Nga tới Tàu tới Việt. Không, giềng mối này bắt buộc phải bị xé bị cắt, để thay vào đó những mối liên hệ mới giữa người với người theo kiểu xã hội chủ nghĩa.

Tất cả những gì trong xã hội mà có thể có ảnh hưởng, hay chỉ có uy tín, với người dân, đều bị nhà cầm quyền dẹp bỏ và thay vào đó là “của mình.” Báo chí tư nhân bị cấm (điều đã không xảy ra trong thời mang tiếng là “gia đình trị” của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, hay cả tại Myanmar hiện nay); Nhân Văn-Giai Phẩm là những tờ báo độc lập cuối cùng của Việt Nam Cộng Sản.

Tôn giáo cũng bị khống chế. Stalin áp đặt một giáo hội Chính Thống Nga trực thuộc nhà nước. Phật Giáo và Công Giáo tại Trung Quốc là của đảng Cộng Sản. Phật Giáo tại Việt Nam bị gom và một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và ai không vào thì bị xem là phạm pháp.

Ở Hà Tây, tôi thấy trong tủ kính một người họ hàng mấy tờ “Ghi nhận công đức” do một số chùa cấp, có chùa ngoài Bắc, có chùa trong Nam. Tờ “Ghi nhận công đức” có dòng chữ: “Ðã có đóng góp phát tâm vào ngôi Tam Bảo. Mua hương giúp Chùa (tên chùa) theo tinh thần tự lực cánh sinh của Ðảng và Giáo Hội đã chỉ đạo.” Xin nhắc lại: “theo tinh thần tự lực cánh sinh của Ðảng và Giáo Hội đã chỉ đạo”!

Trong bối cảnh khác, một câu như vậy chỉ là chuyện lạ, chuyện ngộ ngộ, buồn cười. Nhưng trong bối cảnh một nhà nước toàn trị, đó là chuyện đương nhiên, chuyện tất nhiên, chuyện dễ dàng đoán trước.

Những thí dụ này cho thấy, chuyện “yêu nước cũng phải xin phép” - “yêu nước cũng phải chỉ đạo” - “yêu nước cũng phải theo lề phải” - là chuyện đương nhiên trong một chế độ toàn trị.

Lề bên phải bảo vệ cả chế độ

Chế độ toàn trị sinh ra là để khắc phục khó khăn của chế độ độc tài kiểu cổ. Trong chế độ độc tài kiểu cổ, cứ hở ra cái gì, là cái đó thành nguy cơ cách mạng. Nền cộng hòa của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, tuy mang tiếng độc tài, nhưng ông Diệm không hề có ý định áp đặt sự cai trị của ông lên giáo hội Phật Giáo. Rốt cuộc, sự bất mãn của Phật Giáo là mồi châm cho cuộc đảo chánh 1963.

Chế độ toàn trị muốn lấp hết các lỗ hổng đó. Nếu không hở ra cái gì cả, thì sẽ không sợ bị ai lật đổ cả.

Nhưng lịch sử đã chứng minh chế độ toàn trị không thể bịt được hết các lỗ. Mà càng toàn trị thì sinh hoạt kinh tế - vốn không tuân theo nhà nước nào mà chỉ tuân theo cung-cầu vốn nay khác mai khác - lại càng yếu kém.

Sự thất bại của kinh tế khiến Liên Xô không thể duy trì cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ; cuộc thí nghiệm hỏng bét của Bước Tiến Nhảy Vọt tại Trung Quốc; và sức ép phải “đổi mới” kinh tế tại Việt Nam. Tất cả những chuyện đó không phải trùng hợp tình cờ, mà là bắt buộc kinh tế không thể phát triển nổi trong một chế độ toàn trị.

Sau đổi mới, Việt Nam biến thành một chế độ toàn trị nửa vời: Toàn trị hết tất cả các thư,Ô trừ kinh tế. Vì phải đổi mới kinh tế thôi. Không đổi mới là mất chế độ.

Nhưng rồi Việt Nam đã không thể tách rời hoàn toàn kinh tế (đổi mới) với các thứ khác (không đổi mới). Chế độ tự do trong kinh tế đã đem đến thông tin mới, khái niệm mới, tư duy mới cho người dân. Cả trong chính trị và tư tưởng, Việt Nam đã phải thay đổi (nhiều hay ít thì tùy người quan sát).

Trong hơn 40 năm, bộ máy tuyên truyền và giáo dục của Việt Nam lập đi lập lại khẩu hiệu “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội.” Khẩu hiệu này giờ đây đã hiếm thấy. Ðó là một tiến bộ.

Nhưng trong tiềm thức, nhà nước Việt Nam vẫn cần phải giữ lại khái niệm “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội.” Vì nếu không, thì hở ra cái yêu nước là cái yêu nước sẽ trở thành nguy cơ cách mạng.

Chính vì vậy, nếu nước ngoài hay cộng đồng hải ngoại chỉ trích gì chính quyền trong nước, là báo chí nhất loạt gọi đó là “bêu xấu Việt Nam.” Biết không thể công khai đòi hỏi “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” được, bộ máy tuyên truyền chuyển qua mệnh đề tương đương về logic và do đó cũng sai không kém: “Chống chủ nghĩa xã hội là chống tổ quốc.”

Chính nhu cầu toàn trị trong tất cả mọi thứ trừ kinh tế, dẫn đến việc bủa vây và ngăn chặn người biểu tình chống Trung Quốc. Câu nói bâng quơ của người công an bắt giữ nhà văn Trang Hạ, thoạt nghe thì có thể vớ vẩn, nhưng thực ra là rất chính xác. Viên công an đó muốn bắt Trang Hạ không được tham gia biểu tình, và bảo thế này:

“Nói chung là không tham gia vào tất cả những cái gì liên quan đến Trường Sa Hoàng Sa. Bao giờ chính phủ tổ chức và mời chị thì chị mới được đi biểu tình.”

Câu nói này cực kỳ chính xác: Yêu nước mà không yêu chế độ, là một lỗ hổng không thể chấp nhận được. Yêu nước cũng phải xin phép, cũng phải chỉ đạo, cũng phải theo lề bên phải, vì nếu không thì cả chế độ sẽ lâm nguy.

Cho nên, rốt cuộc, cái thâm của Tần Cương là ở chỗ đó. Khi đòi hỏi Việt Nam phải “có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn” vụ biểu tình, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã làm một hành vi mà nếu nói kiểu dân dã là rất điếm.

Như trò chơi trẻ con vậy. Ðứa bé đến trạm xe buýt gần nhà thì xuống, bạn bè liền đùa, “Tao ra lệnh cho mày phải xuống xe buýt.” Hay một cầu thủ đá banh rất giỏi, khi sút vào gôn thì khán giả giỡn, “Tao ra lệnh cho mày phải sút vào gôn.” Hay học trò bị cô giáo gọi lên trả bài, bạn bè giễu, “Tao ra lệnh cho mày phải trả lời cô giáo.” Tất nhiên, nếu đứa bạn có sẵn bè phái hoặc to lớn mạnh khỏe, sẽ không sợ đứa học trò tới giờ ra chơi đánh cho dập mũi.

Tần Cương cũng vậy, thừa biết là nhà nước Việt Nam sẽ phải dẹp các cuộc biểu tình, không phải vì Tần Cương bảo vậy, nhưng là vì sự sống còn của chính nhà nước Việt Nam. Ðục nước thả câu, và lợi dụng sức mạnh của đảng Cộng Sản Trung Quốc, Tần Cương phát ngôn những câu thật xấc xược, để làm le với thế giới, và nhất là với Mỹ, rằng Trung Quốc nắm cái thóp của nhà cầm quyền Việt Nam và có thể bóp bất cứ lúc nào.

1 nhận xét: