Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

chuyện cũ của người quen ( trích trong tập Đi Tìm Thương Nhớ)




Tình cờ lọ mọ, thấy bài viết của một người quen cách đây mấy năm trong một cái diễn đàn heo hút. Pos lại đây thỉnh thoảng đọc lại để nhớ ngày xưa. Cái này viết năm 2005 .

Này người yêu anh ơi!

Bên kia sông là ánh mặt trời

Bên kia đồi cỏ hoa đan lối

Bên kia núi,núi cao chập chùng

Lòng gọi tình vật vã khôn nguôi



Bốn phía chung quanh tôi là núi,những dãy núi đá già nua,lâu đời màu xanh xám như bức tường thành vây Nho Quan lại thành một vùng tách biệt với đồng bằng Bắc Bộ. Cách đây mươi cây số là khu rừng nguyên sinh Cúc Phương nằm trong danh mục bảo vệ thực vật hàng đầu ở nước ta. Do sự xâm nhập của dòng thác du lịch, thú rừng ngày càng ít đi,hiếm lắm những người gác rừng mới thấy bóng thoáng qua của con hoẵng. Vài chục năm trước đây, những con thú lớn như hổ, gấu gặp được không phải là hiếm. Nhưng giờ thì chúng chỉ còn trên tấm ảnh giới thiệu về động vật trong rừng mà thôi. Những động vật linh trưởng như khỉ, voọc gần như tuyệt chủng. May chăng vài con sóc,chồn còn loáng thoáng trên cành. Rừng Cúc Phương may mắn vẫn còn những cây chò chỉ cao vút, không hiểu vì may mắn gì mà chúng còn sống sót, chắc tại đường vào rừng là con đường độc đạo tiện cho kiểm lâm quan sát bảo vệ và cũng cách trung ương không xa. Với nhiều lý do thuận lợi rừng Cúc Phương còn tồn tại đến ngày nay. Nhưng sự xâm nhập vô ý thức của khách du lịch,tham quan, liệu màu xanh nguyên thuỷ hàng trăm năm nay của Cúc Phương còn giữ nguyên hiện trạng.



Mặt trời đã khuất sau dãy núi đá vôi, bởi vậy buổi chiều ở đây xuống nhanh hơn, bình minh lên chậm hơn. Vì những dãy núi che khuất vì lúc mặt trời lên và xuống. Những hôm trời đang nắng bỗng đổ mưa rào, khí núi tuôn lên ngùn ngụt một màu xám xịt rất thê lương, mây vần vũ, mưa như thác đổ, cảm tưởng bị giam hãm trong thung lũng đợi nước dâng lên dìm hết tất cả. Cảm giác sợ hãi, bồn chồn muốn tìm chỗ chạy trốn khỏi lưới trời làm tâm trạng tôi thấp thỏm. Cơn mưa rồi cũng tạnh, không khí ngưng đọng lại thành khối cảm tưởng xắt ra được từng miếng, con cuốc ở thửa ruộng dưới chân núi cất tiêng kêu não nuột,lẫn đâu đó tiếng le le hoà thành một bản nhạc song tấu, nhịp điệu lạc lõng,rời rạc gây ra nỗi buồn cực khó tả. Toán bộ đội công binh đã về doanh trại cách đây ba cây số, còn tôi với cái lán dựng tạm trong những ngày làm công trình, vách nứa đan phên, mái rạ lợp thưa, nước mưa dột tứ tung. Còn chỗ giường nằm, tôi đã phủ tấm ni lon trên mái và chặn đá, nước mưa chừa chỗ ấy. Thuốc lá, mỳ tôm, nước Lavie,một máy tính xách tay, tôi ngồi giết thời gian nghĩ vẩn vơ về cuộc đời, tình yêu, sự nghiệp và trăm thứ linh tinh.

Tôi nhìn thấy bố tôi còng lưng vác hòm kính bút đặt bên hè đường phố Cửa Nam, ông nhấc tôi ra khỏi cái ghế máy buộc ở giữa khung xe đạp nam loại gióng khung ngang. Bố tôi mở hòm ra, sắp những cái bút Hồng Hà, Cửu Long, Kim Tinh và những chiếc kính đeo mắt. Cái nắp là chỗ bày hàng tựa như cái màn hình máy tính xách tay mà tôi đang viết đây. Thửơ ấy Hà Nội vắng vẻ, chỗ Cửa Nam gần với nhà ga xe lửa nhiều cán bộ, công nhân viên chức qua lại. Những người này dùng bút nhiều hơn. Một cái bút máy gài ở túi áo ngực nói lên địa vị quan trọng của người mang nó, như một dạng thẻ bài của quan chức. Một người ghé vào xem bút, ông ta thử viết vài dòng lên đằng sau cái tờ giấy giới thiệu công tác,mặc cả vài câu, ông gài cài bút vào mép quyển sổ và móc ví trả tiền. Bố có vẻ rất vui, ông mua cho tôi ngay một cái bánh đậu xanh nhỏ bằng ngón tay bọc giấy pơ luya. Tôi ngồi khuất sau cái nắp hòm ăn dè dặt từng mẩu bánh. Công an, nhác thấy bóng áo vàng từ đầu Khâm Thiên, người chữa khoá hô lên một tiếng bê hòm chạy. Bố đóng sập nắp hòm rất nhanh, ngoái cổ bảo- con cứ ngồi đây- rồi bố tôi chạy mất vào ngõ Vũ Lợi. Tay công an đến hơi chậm, nheo mắt nhìn đám dân đen không chịu vào hợp tác xã thích bám trụ hè đường đang chạy tất tả như vịt chạy loạn, cười gằn rồi nhếch mép bỏ đi. Tôi ngồi trơ hốc giữa vỉa hè, tay vẫn cầm cái bánh ăn dở chưa hiểu chuyện gì. Lát sau bố tôi từ trong ngõ bê hòm ra thở hồng hộc, bố đặt hòm xuống và lấy tay áo quệt mặt lau mồ hôi, cặm cụi bày lại đống hàng đã bị xô lệch. Sở dĩ bố tôi bỏ hợp tác xã vận tải vì đồng lương và chế độ tem phiếu không đủ nuôi anh em chúng tôi, ông đành phải nai lưng ra hè đường làm nghề sửa chữa, kính bút. Vốn khéo tay, ông học nghề nhanh và rất giỏi. Chỉ thời gian hai năm ngồi sửa bút máy, ông hiểu rằng nhu cầu dùng bút máy rất cao. Ông bèn xuống bãi rác thành công thu mua loại nhựa ưng ý có thể tái chế, gặp những người thợ làm khuân đặt làm khuân bút, ruột bút. Còn ngòi thì một người bạn chịu trách nhiệm sản xuất cho ông. Chiếc bút máy của bố tôi làm có màu nhựa loang lổ, sóng vân mấy màu. Lý do là toàn nhựa cũ cho vào máy đùn không tan hết, nhựa cũ có màu loại nào, màu nào trên thân bút hiện lên màu ấy, vỏ nhựa rất cứng vì là nhựa phế thải tái sinh. Tuy nhiên điều quan trọng là mực ra đều, ngòi viết tốt. Bút bố tôi bán rất chạy, bố tôi ngồi nhà làm bút cùng với vài người bạn Hoa Kiều. Kinh tế nhà tôi khá rất nhanh.

Niềm hạnh phúc không bao lâu, một sáng công an kéo đến đầy nhà, họ bê hết đồ sản xuất của bố tôi và cả ông nữa chở đi. Vài năm sau ông về với tội danh sản xuất kinh doanh trái phép. Bố tôi đã hỏi toà rằng, vậy muốn sản xuất thì xin phép ở đâu, toà bảo, muốn sản xuất thì vào HTX. Không được phép tự do kinh doanh sản xuất. Bố tôi từ khi ra tù không còn ước muốn làm ăn gì. Ông quay lại với nghề sửa chữa vặt vãnh ngoài hè đường như con đường tiền định đã sắp sẵn cho ông. Ông cúi đầu giũa từng mắt kính, cặm cụi ,lầm lũi, ít lời. Đôi khi mắt ông bừng sáng khi làm việc, tôi nghĩ bố vừa nghĩ ra điều gì mới, nhưng ánh mắt ấy biến rất nhanh, dường như ông nhận ra điều không thể. Ông sống gần sáu mươi tuổi thì mất. Sức khoẻ của ông đã dành cho hai nhà tù của hai chế độ, thực dân Pháp vì tội làm liên lạc cho Việt Minh, nhà tù của của Việt Minh sau này với cái tội làm tư bản giống thực dân. Bố tôi là người có nhiều yếu tố kinh doanh tốt, ông có phẩm chất nhìn thấy nhu cầu xã hội và tổ chức công việc, nhưng ông không có cái nhìn thức thời về chính trị, ông chỉ nghĩ đơn giản kiếm tiền bằng mồ hôi, trí óc của mình.


Đã 30 năm trôi qua, kể từ ngày tôi ngồi trên vỉa hè bóc bánh đậu xanh ăn. Một quãng thời gian dài dằng dặc , có bao biến động trong xã hội, đổi tiền, xoá bỏ bao cấp, bắt tay hoà giải với người anh em lớn Bắc Kinh sau bao năm từ mặt. Mở cửa cho tự do làm ăn. Các công ty mọc nhiều như nấm rơm sau cơn mưa, doanh nghiệp nhà nước gấp rút cổ phần hoá. NN thay đổi về quan hệ ngoại giao cũng như chính sách kinh tế, các hộ kinh doanh cá thể được nhà nước khuyến khích làm ăn. Trong lúc mưu sinh giữa cuộc đời, tôi mong ước chỉ một lần có bố bên cạnh để hỏi xin ý kiến, một ý kiến của nhà kinh doanh lương thiện thật sự. Nhưng có lẽ nếu ông còn, ông khó thích hợp với kiểu làm ăn hoa hồng như tôi. Tôi thừa hưởng ở ông phẩm chất của người thợ cần cù, tôi tự mày mò học nghề cơ khí, rồi lập xưởng thuê công nhân, mở văn phòng giao dịch. Nhưng tôi còn phát huy cái mà thời ông không có là nghệ thuật hối lộ,móc ngoặcbằng rượu ngoại, tiền , gái. Từ quản lý một xưởng cơ khí tư nhân nhỏ, tôi quay ngoắt sang chủ thầu một công trình xây dựng với vốn kiến thức còm, thậm chí đến tỉ lệ bao nhiêu để thành bê tông mác 100 cũng mù tịt, kết cấu sắt chịu lực hiểu biết cũng hạn hẹp, chỉ nhận rõ đường kính phi sắt. Thế nhưng trước giám sát bên A, tôi thao thao như một kỹ sư xây dựng. Thật ra thì tôi thuê một thằng trung cấp xây dựng giảng giải một đêm về kết cấu công trình cột phát sóng cao 50m này, tôi nhận làm phần móng, mà móng cột và móng nhà anh trai tôi xây độ trước chẳng cũng na ná giống nhau mà thôi. Chẳng qua cái móng này lằng nhằng phần cốt sắt hơn một tí, xi măng, cát đá nhiều hơn chục lần mà thôi. Công trình cấp quốcgia phải vậy chứ. Đến hôm thứ hai tôi đã nhận thấy những chỗ có thể bớt xén được. Cứ như bản vẽ và dự toán thì nhiều cái rất lãng phí. Việc này để từ từ đã, cậu giám sát bên A có vẻ quý tôi, nhật ký công trình tôi ghi thế nào cũng ừ, kiểu này mà đề nghị cưa đôi chắc cũng chẳng từ chối. Tôi thấy tác gia Adrew Carnegie từng nói rằng, phải tự tin vào mình có khả năng làm mọi chuyện hay câu châm ngôn

Không có việc gì khó

Chỉ sợ tiền không nhiều

Đào núi và lấp biển

Không làm được thì thuê


Trường hợp đen lắm, không hiểu hết. Tôi gọi thằng thầu nào đó bán quách đi, kiếm vài phần trăm, thế là có vài triệu nhẹ đầu. Nhưng tôi muốn thâm nhập để mở mang đầu óc, đâm ra đành chịu khó nằm gai nếm mật, trông coi mua bán vật liệu và tiến độ thi công. Sau quả này tôi sẽ có kinh nghiệm để làm những cái cột sau.



Lạ thật, cứ mỗi lần tôi suy nghĩ vẩn vơ kiểu gì cũng dẫn đến cái đâu đâu. Dù mới đầu những dòng ký ức là nhân văn, một tấm lòng với thiên nhiên, cuộc sống và con người, những cứ dây dưa thì kết cục cuối cùng lại là những thứ trái ngược hoàn toàn. Thú thực đầu tiên tôi nhìn thấy dãy núi lúc chiều, tôi định viết về mối tình của mình, nhưng càng gần về đêm, trong đầu tôi chỉ còn những con số tính toán, những phương sách đối phó, mơ ước nhăm nhăm rình xem có gì bớt xét được. Con người tôi quả trái ngược, một đằng thì luôn nhận xét về cuộc sống, trong khi chẳng rõ mình là ngươì thế nào nữa.

Chiều nay thứ bảy, mấy người lính đi tranh thủ về thăm nhà từ chiều, toán bộ đội làm việc mất sinh khí đi trông thấy, thằng Sự người Yên Mô năm nay mới 18 tuổi nhìn đồng đội mấy thằng hớn hở đi xuống đường ra thị trấn. Nó bảo tôi

- đợt này đổ bê tông xong,em xin về ba ngày, chơi cho sướng thì thôi, anh uống rượu không em mang lên cho, rượu quê em ngon cực, uống không sốc tí nào, êm ru.

Thằng Sự cắt đầu đinh, đen trũi, đêm trước nó gác ngoài công trường trông vật liệu. Tôi xách cho nó phích nước và hai gói mỳ tôm. Cu cậu kể về những ngày tân binh với giọng hài hước nhưng đầy ai oán

-đang ở nhà đi làm thợ xây, chả phải sợ ai, vào đây chúng nó đánh đập, bắt hót phân, ôm súng chạy buổi trưa, quàng dép lên cổ đi khắp sân vì để sai quy định, bố nó, bao giờ mới xong kiếp lính này, đẽo đi thì chúng nó cũng không làm gì được.,

Tôi kể nó nghe về những ngày tôi ở trong quân đội, tôi đi lính năm thằng Sự mới lên 2, đúng vào cái năm mà người anh cả CCCP tan rã. Cơn chấn động vuợt hàng ngàn cây số sang Việt Nam. Lứa chúng tôi năm ấy được huấn luyện kỹ thao tác phòng chống bạo động. Chính trị viên ra rả lên lớp về kẻ thù đang âm mưu phá hoại nước ta, diễn biến hoà bình, bạo động trong thành phố. Người ta xì xầm trong đơn vị về nhóm nào đó đang khẩn trương lật đổ chính quyền. Chúng tôi trang bị tấm chắn, mặt nạ phòng độc, hơi cay, dùi cui. Phương án tác chiến khi có đám đông bạo động là lập ba hàng rào. Hàng rào thứ nhất lập lá chắn thuyết phục nếu đám đông cố tình vượt qua thì dùng dùi cui, hàng rào thứ hai dùng , lựu đạn hơi cay, bình xịt. Hàng rào cuối cùng có tôi trong đó, là hàng rào trang bị bằng AK báng gấp mới cứng, lúc khui về còn nguyên trong thùng, đảm bảo bắn cả băng không trục trặc. Tối đến còi báo động, chúng tôi nhanh chóng nhảy lên xe Gát 69 mới nguyên sơn , xe chạy vòng quanh thành phố Hà Nội. Trên đường đi, tôi thấy Hà Nội vẫn đang thanh bình, không có dấu hiệu gì nói những người dân đang đi lại trên đường, những đôi trai gái yêu nhau không thể dấu trong mình sự chuẩn bị gây biến loạn gì cả. Đêm ấy tôi nói với tay chính trị viên

- anh ạ, nếu phải bắn người thì em bỏ về thôi, em vất mẹ súng đấy rồi chuồn, bắn ai chứ bắn mấy người kia, nhỡ phải người quen thì ân hận lắm.

Tay Giàng chính chị viên đại đội người Hải Dương hình như ở huyện Cẩm Giàng ,, hắn là người hay nhờ tôi chép báo cáo, bài giảng, bỗng dưng trở mặt tát cho tôi một cái thật mạnh. Hắn nghiến răng chửi , tiếng chửi khẽ những rít ghê người

- Đmẹ mày, ai mà nghe thấy thì mày chết, câm miệng con ạ,lúc đấy mày muốn làm gì thì làm. Không giữ mồm vào xà lim .


Tôi xoa má mình và hiểu đấy là lời khuyên của hắn, một lời khuyên tốt trong cương vị của hắn. Rất may cho ch tôi, và có thể không may cho nhân dân, không có sự bạo động nào xảy ra. Tôi đi tròn 3 năm lính thì về, cuộc sống bộ đội nghĩa vụ xem chừng mười mấy năm qua không có gì khác nhau là mấy. Lính bây giờ tiêu chuẩn ăn 11 nghìn một ngày. Tôi ăn cơm hàng cũng chỉ hết mỗi bữa 5 nghìn. Nhưng chế độ, kỷ luật thì vẫn y nguyên như cũ.



Cuộc đời luôn trớ trêu, cái năm tôi về sau một thời gian biệt tích nếm đủ đắng cay của kiếp đoạ đầy. Tôi vác đơn đi xin việc khắp nơi, nhờ vả các kiểu. Chẳng ma nào thèm nhận, anh trai tôi mở nhà hàng to, tôi thèm muốn làm chân dắt xe thôi cũng không nổi. Anh tôi nghe lời vợ, nói rằng cái bản mặt cô hồn của tôi làm khách sợ. Tôi hiểu đấy là lý do thôi, chứ chị dâu vợ hai này muốn khống chế tất thành ra kiếm cớ loại tôi ra. Anh tôi suốt ngày chơi bời, để vợ quản lý tất. Sau này bà chị dâu Thanh Hoá ấy kiếm mớ kha kha rồi tậu nhà Hà Nội, cặp với một thằng trai trẻ có học thức. Anh tôi chửi

- Đm con đĩ vẫn hoàn con đĩ

Anh chửi vậy vì trước kia bà chị này làm tiếp viên nhà hàng, anh tôi đến chơi, thế là yêu. Sau này mở nhà hàng trọng vọng rước chị ấy về coi sóc, chị ấy trông duyên dáng, tóc nâu, môi trầm, quần áo thời thượng toàn hàng hiệu. Có đêm buồn vì thất nghiệp ăn bám mẹ già, tôi đạp xe đi lang thang, thấy chị dâu tôi từ vũ trường ra ngoắc ta xi rất điệu. Cái bàn tay vẫy như tiếp viên hàng không ấy. Quả giải tán này chỉ làm anh tôi phân vân đôi chút, tháng sau anh rước một chị dâu đời thứ 3 khác ở Phú Thọ, quê hương của rừng cọ đồi chè về, cưới xin nghiêm chỉnh. Anh sang nhà gặp mẹ hối thúc bà đứng ra ăn hỏi, bà bảo- Tao hỏi vợ cho con chỉ một lần. Anh tôi bảo

- Bà quá đáng, từ nay không mẹ con gì.

Mẹ tôi lặng thinh, tôi bảo.

- anh nhà hàng to, mỗi ngày kiếm bạc triệu, mẹ còm cõi bán nước chè, nhặt từng xu một, không mẹ con từ lâu rồi.

Anh tôi trừng mắt, nghiến răng như muốn ăn thịt tôi, rồi hằm hằm dắt xe đi, ra đến cửa còn nói

- toàn lũ khốn nạn, giúp mình có mất gì đâu, người ngoài còn tử tế hơn.


Anh tôi đi, mẹ tôi nhìn tôi hỏi

- Mẹ khốn nạn lắm hả con.?


Tôi ứa nước mắt . Khách vào uống nước, mẹ rót nước đưa bằng hai tay nâng ngang mặt, dụi mắt vào chỗ bắp tay gần vai. Người khách ái ngại trả tiền đứng lên, chú đưa tờ 20 nghìn. Mẹ không đủ tiền trả lại, nhờ tôi chạy đi đổi. Buổi chiều mẹ bảo mệt, đưa 7 nghìn cho tôi đi chợ, dặn mua hai lạng thịt ba chỉ và rau cải xanh. Tôi đi chợ về vo gạo thổi cơm, mẹ ăn nửa bát thì bỏ đũa lên ban thờ bố thắp hương. Xong ngồi lục những cái ảnh chụp gia đình tôi hồi xưa ra xem, goị tôi lại chỉ vào tấm ảnh

- Này nhìn anh hồi bé đẹp không?


Tôi nhìn thấy mình trong lòng bố, trắng trẻo, bụ bẫm, cái trán nhăn nhăn chỗ gốc mũi, anh Hải tôi béo tròn được ngồi trên lòng mẹ, mặc cái áo len màu xanh ngọc rất đẹp, mắt mở to tròn xoe đen láy. Đêm ấy tôi ngồi mãi ngắm hình bố tôi, sáng ra tôi xin mẹ 5 nghìn, dắt xe đạp mua tờ báo tìm mục xin việc. Tôi đến một xưởng cơ khí, người quản đốc hỏi tôi.

- Có biết nghề chưa?


Tôi lắc đầu. ông ấy bảo tiếp

- Lạ nhỉ, tôi đăng báo nói rõ là người đã biết nghề cơ mà.?


Tôi nhìn sâu vào mắt ông, chắc cái nhìn của tôi tha thiết như cầu xin, cái nhìn của kẻ đã đi đến tận cùng con đường hy vọng tôi nói

- Chú cho cháu làm, cháu sẽ biết việc trong thời gian nhanh nhất.

Rất may tôi đã gặp một người từng trải , hiểu đời và nhân ái. Ông ngắm tôi rồi gật đầu

- Thử một tuần xem thế nào.

Chưa nhận hồ sơ vội. Đến hôm thứ ba , ông gặp tôi cười

- Mai mang hồ sơ đến nộp nhé.

Tôi thấy ngẹn cổ họng lại vì niềm vui đến quá bất ngờ. Tôi về rối rít kể với mẹ, y như hồi bé khoe với bố mình được đi thi học sinh giỏi thành phố. Sáng mẹ tôi gọi tôi dậy đi làm,tháng đầu lương 500 k, tháng thứ hai 700, tháng thứ ba chín trăm. Ông quản đốc bất đồng với cấp trên nghỉ việc, giám đốc tăng lương cho tôi lên 1triệu. Được nửa năm tôi đòi tăng lương triệu hai, họ trả triệu mốt. Tôi bỏ công ty đi làm thuê bên ngoài, ngày nọ có việc bù ngày kia không. Tháng cũng được gần hai triệu. Mẹ tôi vay trước bát họ để tôi có tiền mua máy hàn, khoan tự kiếm việc hành nghề.


Cái lúc mà tôi xin anh tôi làm chân dắt xe không được, đến ngày nay khi đang ngồi ở Ninh Bình này thầu xây cột thu phát sóng là 6 năm. Tức là đã 7 năm tôi trở lại với cuộc sống bình thường của một con người. Anh tôi gọi điện hỏi vay năm mươi triệu, tôi trả lời

- lãi năm phân.


Anh tôi bảo

-Anh em mà mày tính lãi cao thế.?


Tôi thanh minh

- Người ngoài em cho vay sáu phân cơ, lại còn cầm cả xe máy, sổ đỏ, vả lại em còn lo cho mẹ, bây giờ mẹ nghỉ ở nhà, muốn đi lễ xa, đám cưới, đám ma, họ hàng, giỗ tết cái gì cũng tiền.


Anh tôi nói

- Mày nói vậy thì năm phân cũng được


. Tôi gọi điện bảo mẹ đưa tiền cho anh. Người ngoài có người tôi cho vay sáu phân thật, nhưng một số người thì tôi cho vay lãi có ba phân. Anh trai tôi xếp hạng năm phân, ít ra cũng hơn bọn người ngoài khác một phân, mà không phải đặt đồ gì cả. Tôi quay đầu với đám bản vẽ của công trình mới khác, nhưng không tập trung nổi, vì trong đầu tôi day dứt câu hỏi

- mình có khốn nạn không. ?


Có ba người tôi muôn hỏi nhất là bố tôi nhưng ông đã mất từ lâu, mẹ tôi thì tôi lại muốn bà thanh thản không phải lo nghĩ gì, chỉ vui vẻ với câu kinh, tiếng kệ và hương khói. Anh trai tôi thì không biết có trả lời thật lòng không.

Rút cục thì năm 2008 này anh ấy cũng chẳng trả lãi và gốc.



14 nhận xét:

  1. thói đời nhỉ?

    Trả lờiXóa
  2. Thương nhớ hồn NGƯỜI .

    Trả lờiXóa
  3. Nhớ ngày đấy thất tình lên chỗ anh chơi,thế mà đã mấy năm trôi qua rồi!

    Trả lờiXóa
  4. Một câu chuyện hay, có thể biến thành phim hay. Dù sao cũng là anh em một nhà, chỉ vì nghèo khó quá mà thành ra thế này.

    Trả lờiXóa
  5. Đọc mấy cái entry của bác mới thấy bác thâm thật đấy. Kính phục!^^

    Trả lờiXóa
  6. Khốn nạn hay không là do Xã hội tạo thành. Chẳng ai sinh ra đã là 1 thằng khốn nạn cả.
    Tôi hiểu cách cư xử của người em này. Nếu tôi ở địa vị anh ta tôi cũng sẽ đối xử với người anh ruột như thế.
    Không phải vì tôi là 1 thằng khốn nạn mà vì tôi đòi hỏi sự công bằng. Tôi cũng đã trải qua sự cực khổ..thậm chí còn hơn anh, nhưng anh đã không thèm đưa bàn tay giúp tôi. Nay anh gặp khó khăn, anh yêu cầu mặc cả tôi giúp anh sao???
    Ở đời này con người phải học 2 chữ NHÂN QUẢ để mà đối xử với nhau. Người em tính lãi với người anh chẳng qua là để dạy anh ta 1 bài học Nhân Quả. mặc dù cái tâm đức của anh vẫn còn rất lớn đủ để cho không cả gốc lẫn lãi.

    Trả lờiXóa
  7. Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng sinh nhật bác Người Buôn Gió!

    Trả lờiXóa
  8. Bác Hải đào hoa thật hic hic, Lô đề bóng bánh dạo này khó kiếm ăn quá ha.
    Chúc bác năm mới kiếm nhiều nhiều xiền và dành nhiều thời gian cho mẹ con nó hơn....

    Trả lờiXóa
  9. Chúc mừng ngày sinh nhật . Bạn viết hay lắm , mình theo dõi đã lâu và công nhận giọng văn có nội lực lắm , có nhiều suy tư lắm .

    Trả lờiXóa
  10. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Ông cụ , bà cụ đều là người chăm chỉ, đức độ, nhưng anh con trưởng lại ham chơi, sống ích kỷ, để mẹ và em sống vất vả. Anh ta cần được nhiều bài học "lên voi xuống chó", hy vọng sau đó sẽ biết lễ độ và nghĩa tình hơn.

    Trả lờiXóa
  11. Mong tác giả của câu chuyện trên và người mẹ nhiều điều tốt lành.
    Cám ơn bác NGB đã post truyện.

    Trả lờiXóa
  12. Mong tác giả của câu chuyện trên và người mẹ nhiều điều tốt lành.
    Cám ơn bác NGB đã post truyện.

    Trả lờiXóa
  13. Mỗi lần đọc thêm một chuyện là mỗi lần em gái học được ở anh nhiều thứ hơn.

    Trả lờiXóa