Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

Tết ...ngày thơ ( đi tìm thương nhớ)



Gần Tết rồi, chỉ còn hơn hai mươi ngày nữa. Nhớ ngày xưa những ngày này đã bắt đầu thấy không khí của ngày Tết. Mậu dịch bán hàng Tết, phần hàng Tết mậu dịch bán gồm hộp mứt, chai rượu Lúa Mới, mấy lạng bóng bì, gói trè bọc giấy thường in lem nhem pha nước , hai bao thuốc Thủ Đô màu xanh và cái không thể thiếu là bánh pháo, một túi hạt dưa.

Ở những gian nhà bằng cót ép mới dựng ngoài đường, mậu dịch bán lá dong. Lá dong mậu dịch nhỏ và rách nát vì chúng không được giữ gìn cẩn thận. Cứ vất cả đống xếp lên nhau. Đồ hàng lá cần nhẹ nhàng thế mà người ta cứ lôi như lôi bao tải. Người xếp mua lá dong xót ruột khi thấy cô mậu dịch ném như bỏ đi từng bó lá dong. Bên cạnh hàng lá dong là quầy chất đốt, dầu hoả đong theo ô phiếu. Những bó củi to xếp ngay ngắn hàng đống. Người mualá dong xong quay sang mua chất đốt, có thể là can dầu hay dăm bó củi lúc về lỉnh kỉnh tay xách, nách kẹp vai mang. Có nhà mùng 10 tháng chạp đã luộc bánh chưng. Hồi ấy khó khăn, khan hiếm cho nên chuẩn bị được cái gì trước rồi là yên tâm. Nặng gánh nhất trong hàng Tết vẫn là nồi bánh chưng. Người ta khoe nhau năm nay nhà tôi gói 40 chiếc, 60 chiếc...nhiều bánh chưng là dấu hiệu năm nay ăn Tết to, năm qua làm ăn được.


Lá dong được trải trên cái mâm, bên cạnh chậu nước. Lấy cái giẻ mềm sạch nhúng nước ở cái chậu bên trái lau hai mặt lá dong, xong cầm lá nhúng vào chậu bên trái để tráng lại lần nữa. Lá dong phải thật sạch thì bánh chưng mới để được lâu. Lá dong rửa xong để trên cái mẹt cho ráo nước. Quay ra vo gạo nếp, đãi đỗ. Đỗ xanh được ngâm từ hôm trước, cho vào rá xoa xát nhẹ cho tróc vỏ rồi nhẹ nhàng lùa rá trong chậu nước cho vỏ trôi đi. Gạo nếp vò trong chậu thật sạch, lấy cái nước vo gạo đầu tiên để ngâm măng khô. Đỗ đãi xong cho vào chõ trộn tí muối để đồ. Đồ chín cho vào cối nghiền thành bột, nắm lại từng nắm bằng nắm tay. Thịt lợn ba chỉ thái miếng to bằng nửa bàn tay ướp mắm muối, hạt tiêu. Muốn thịt ngon thì bán tem phiếu mau thịt cho con phe, lấy tiền rồi phụ thêm vào mua thịt ngoài. Còn mua của mậu dịch phải quen biết, không thì chỉ mua phải thịt bạc nhạc hay mỡ lá lèo phèo. Hôm gói bánh chưng nhà vui vẻ tất bật như có hội, bố đặt lạt phía dưới trải lá dong hai cái dọc,hai cái ngang. Cầm bát gạo nếp đổ vào giữa, tiếp nắm đậu bẻ đôi, đặt nủa nắm đậu lên gạo, rồi miếng thịt đã ướp kỹ sẫm màu lên đỗ. Cho nốt nắt đậu còn lại lên trên miếng thịt. Phủ thêm bát gạo nữa. Bố khéo léo đùm lá lại, vừa đùm vừa giữ sao cho bánh thật vuông.Quấn lạt lại, bọc thêm đợt lá, quấn thêm đợt lạt bên ngoài xong cái bánh chưng. Thấy con trai mắt thao láo nhìn, bố hài lòng lắm vuốt cái bánh chìa về phía con trai nói

- Con nhìn mà học, mai kia bố mất còn biết đường gói. Đàn ông, đàn ang phải biết những việc này.


Chị mang cái thùng phi hàng ngày vẫn đựng nước vần ra giữa sân, lễ mễ cùng anh đặt thùng phi nên trên ba ông đầu rau. Mỗi ông đầu rau là bốn hòn gạch xây nhà xếp chồng. Đợi bố gói xong cặp nào là thả xuống thùng phi cặp đấy. Mẹ đang xào thịt tai, thủ, ba chỉ lẫn lộn. Xào chín mẹ đặt chảo gang xuống đất rắc rất nhiều hạt tiêu, mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Bánh chưng bố gói xong chị xếp vào thùng phi, anh xách nước đổ ngập bánh. Bố tiếp tục lấy lá dong và lạt để gói giò xào. Cây giò gói tròn trịa, vỗ chắc nịch, bố đặt dưới miếng ván, bên trên là thùng nước để ép giò. Cây giò bị ép đùn mỡ ra mép lá, trời rét mỡ đông lại trắng toát.

Chị đổ trấu chung quanh ông đầu rau, kê củi nhóm lửa bắt đầu luộc nồi bánh chưng. Bố và mẹ bê cái đỉnh đồng, chân nến ra đánh bằng cát và dầu hoả. Vừa đánh bố và mẹ vừa trao đổi xem việc Tết nhất chuẩn bị ra sao. Bố hỏi đã mua quần áo , dép mới cho các con chưa. Mẹ gật đầu. Mẹ bảo năm nay ngoài nồi thịt đông ra sẽ mua thêm một con cá chép to để kho....

Trời tối, lạnh buốt, ngọn lửa nồi bánh chưng giữa sân bập bùng. Tiếng củi cháy lách tách. Củi chuẩn bị từ lâu, tích trữ từ cành cây do công ty cây xanh người ta cưa chống bão từ đợt tháng 8, từ cánh cửa hỏng hay của người bán củi mấy cây xà gồ. Má chị đỏ hồng vì ánh lửa, người yêu chị đến nhà trông nồi bánh trưng cùng chị. Anh trai nhân thể mượn cái xe đạp Pơ Giô trên chắc bùn đằng trứoc có cái đèn hình quả xoài, cái chuông có nắp chạm hình con sư tử của anh ấy đi chơi luôn. Đã thế còn bấm chuông loạn cả lên khắp phố. Ngồi chơi bên nồi bánh chưng một lúc thì buồn ngủ. Sáng sau dậy bánh chưng đã vớt ra ép dưới cánh phản.

Ngày 23 âm, cúng ông Công,ông Táo. Mẹ làm cỗ, chị cắt tiết, vặt lông gà, mổ bụng, lấy con dao nhọn xẻ lòng, mổ mề lọt màng. Thấy em nhìn háo hức nói.

- Rồi năm sau em làm nhé, chị không ở nhà mình làm nữa đâu.

Mẹ dỡ miến , bẻ bóng bì ra ngâm. Lấy măng khô ngâm từ bữa trước rửa sạch, thái ngang từng lát đem luộc, luộc đi luộc lại mấy lần. Thấy được rồi để ráo nước cho vào nồi xào với thịt mông, xào rất kỹ. Mẹ bảo nồi măng quan trọng nhất hì trong bữa cỗ. Phải ngâm và luộc kỹ cho hết ngái, lại phải xào kỹ cho ngấm mắm muối. Khi nào nấu xong, ăn miếng măng đậm đà, bùi béo vì nó ngấm hết chất của thịt mới là bát măng ngon....

Bây giờ bố mới dỡ giò và bánh chưng . Bóc bánh chưng, thật hồi hộp khi nhìn từng lớp lá bong ra, hiện ra phần gạo nếp đã chính lớp ngoài màu xanh, cảm tưởng gạo nếp xanh trong như hạt ngọc trai mẹ hay đeo ngày lễ. Một chậu nước đựng cá chép dưới ban thờ, con cá chép còn khoẻ quẫy nước bắn tung toé. Cúng xong bố mang cá ra sông Hồng thả. Tiếc thế không để con nuôi trong bể nước, cho nó ăn bọ gậy.

Ngoài đường đào, quất đã bán nhiều, những người bán đào, quất dắt cái xe đạp đằng yên sau thồ mấy cây quất lá xanh, quả vàng . Hoặc bó nhiều cành đào đỏ thắm. Hồi ấy đào thắm người ta thường chơi Tết, không ai chơi đào phai màu nhợt nhạt như bây giờ. Những người bán đào như điểm nhấn tô bức tranh Tết trong phố phường Hà nội sương mù và mưa bụi giăng giăng. Lác đác tiếng pháo tép đì đạch, đám trẻ trong túi thủ đống pháo tép, tay cầm que hương, móc túi ra một quả dí ngòi vào que hương đang cháy, nhăn mặt quẳng ra xa. Pháo tép nhiều màu xanh , đỏ, vàng rơi rải rác rất vui mắt, khói pháo thơm nồng lan toả khắp phố phường.

Trong khi nhà nhà tất bật, tíu tít với Tết, quét vôi, sơn cửa, dọn đồ cũ. Thì đầu phố đám thanh niên mở hội xóc đĩa. Ai cũng tự nhủ kiếm cái Tết, tiền trên sới đã xuất hiện những tờ tiền lẻ mới cứng dành cho việc mừng tuổi. Càng về cuối năm, gần Tết cờ bạc lại càng rộ. Có kẻ đánh bay món tiền dành cho ngày Tết, vợ khóc hu hu. Sau cùng cũng vay mượn ăn cái Tết tàm tạm. Có kẻ được hỉ hả đi sắm Tết, khuân bao nhiêu thứ về nhà mặt mày rạng rỡ.


Qua ngày 23 sự cập rập, hối hả hiện rõ. Người ta tất tả làm nốt mọi thứ để chuẩn bị Tết. Rồi ngày 30 đến rất nhanh. Không khi trở nên yên tĩnh, trầm lặng. Hà nội vắng hoe người, chiều 30 người đi đường thưa thớt , thảng lắm đến tiếng đồng hồ mới có người gò lưng đạp xe mua cành đào vét...

Mâm cơm tất niên dâng lên ban thờ, bố lầm rầm khấn. Cả nhà yên ắng nghe bố khấn. Chị giở bàn là ra, cả nhà xếp quần áo cho chị là phẳng mai mặc Tết. Khấn tổ tiên xong , bố ngồi nói chuyện năm vừa qua, ai học giỏi, ai hay đi chơi, ai hay đánh lộn, ai hay giúp mẹ việc nhà. Đi học bị nhà trường mời phụ huynh đến vì ngịch ngợm...công lao và tội trạng của mình nhiều như nhau. Bây giờ bố mới rút tiền cho các anh lớn đi trả nợ hàng quán.

Cả nhà quây quần bên mâm cơm, bố rót rượu cho các anh uống. Gắp miếng đùi gà cho đứa bé và mẹ. Rồi bố bảo các anh nâng chén, bố hớp rượu bù ngùi nói

- Ngày Tết làm cơm cúng các cụ, mình ăn chứ các cụ có ăn được đâu. Ngày xưa nghèo khó, bây giờ các cụ mất rồi, có muốn đền ơn cha mẹ dù có núi vàng cũng không được nữa. Các con lúc bố mẹ còn sống phải ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ, chăm chỉ việc nhà đó cũng là cách đền ơn bố mẹ đã sinh ra và nuôi nấng. Không phải báo hiếu bằng cách xa xôi gì...........

5 nhận xét:

  1. tem anh...entry tuyệt quá,thật xúc động.

    Trả lờiXóa
  2. đọc bài anh nhớ cái tết ngà xưa, xưa lắm, trong lòng lại rộn ràng những cái tết hồi mình bé tý, nhà em cũng có 1 nồi măng kho to lắm, tết nào củng gói bánh nhà em chỉ mình bà nội là biết gói bánh, em là đưa ngồi lau lá dong, năn nỉ bà gói chó 1 cái bé xíu, và vì cái bé xíu ấy mà tình nguyệ canh bếp, giờ bà yếu nên má em đặt người ta làm hết, giờ thì thôi ko còn canh bếp, cả nhà ko nhộn nhịp như trước,... Sao mà nhớ quá!

    Trả lờiXóa
  3. Ở nước ngoài giờ đây người ta lại quay về những phong tục tập quán ngày xưa, những giá trị gia đình, con cháu bất hủ, nó làm nên nét riêng biệt, cá tính của người Việt Nam giữa cộng đồng các nước khác. Cám ơn NBG về những cảm xúc và những dòng viết giá trị.

    Trả lờiXóa
  4. Hình ảnh bếp lửa tí tách, nồi bánh trưng sôi lục cục không biết đã từ những năm tháng nào rồi, giờ miên mang trôi trong kí ức, ngọt ngào và êm đềm. Lại một cái tết xa nhà, bố mẹ chắc là buồn lắm. Đôi khi không biết mải lo học hành sự nghiệp cho bản thân có phải là ích kỉ không, giờ cũng hiểu "đó cũng là cách đền ơn bố mẹ đã sinh ra và nuôi nấng. Không phải báo hiếu bằng cách xa xôi gì..........."

    Trả lờiXóa
  5. Nha em chua bao gio goi banh chung nhung Tet nay em duoc ve nha roi, goi banh hay khong goi cu Tet den la em nho nha lam. Tet nay em duoc ve nha roi, em khoc day nhe bac a, hic hic.

    Trả lờiXóa