Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

Mua sách cũ

Hầu hết các cửa hàng sách cũ đều nhỏ về mặt tiền. Ở Hà Nội ngày trước có nhà sách ở phố Bát Đàn nổi tiếng. Sau này con cái nhà ấy lớn, không làm nghề ấy nữa. Hiệu sách ấy đủ lọai chuyện chưởng của Kim Dung. Cái loại sách của miền Nam in trước năm 1975 của dịch giả Hàn Giang Nhạn khổ to. Văn phong trau chuốt, lời văn tả cảnh thì miễn chê. Ví dụ như cảnh tuyết giăng trên núi, mưa rơi trên Động đình Hồ. Rồi cảnh đánh nhau cũng ghê nữa. Chuyện chưởng sau này in hồi 87,88 không có lời văn đẹp như vậy. Nhà đó có sách của bà Tùng Long viét về những chuyện tình lâm ly, lãng mạn hay chuyện Ma như Bóng Ma nhà Mệ Hoát hoặc loại chuyện về chàng điệp viên đẹp trai có cái tên Văn Bình , bí danh Z28 ly lỳ không khác 007 người ăng Lê. Dòng chuyện miền Nam tương đối hiếm ở miền Bắc. Những người có thú tìm tòi sách cũ hiếm thường xuyên đến đó.

Những người buôn sách cũ có tiếng, đều là những tay ham đọc, hiểu biết và thích sưu tầm. Dư Bà Triệu, trán cao, da trắng đạo mạo. Mênh danh là máy chém. Khách mua không có cái thú tìm tòi , phát hiện như các hàng sách cũ khác. Muốn quyển gì hỏi hắn. Chỉ vài phút là hắn đưa ra, nhưng giá thì ôi thôi. Nghiến răng mà mua vậy. Có lần hỏi về Dương Thu Hương. Hắn đưa quyển Thiên đường Mù. Tôi giở vài trang thấy cái hình vẽ của mình lúc tuổi thơ. Đành lòng mà mua với giá 50 nghìn. Trong khi ở nơi khác có 25 nghìn. Còn hiệu sách cũ ở thị trấn đông Anh có 5 nghìn mà thôi. Một lần đi công tác tại Thanh Hoá, thói quen của kẻ sưu tầm sách. Tôi vào hiệu sách cũ gặp Dư đang chọn sách. Thì ra hắn cũng chịu khó mầy mò. Tôi hỏi hắn có Chuyện kể năm 2000 không. Dư phát giá 1 triệu cho 2 tập. Khi thấy tôi mang bộ Đaghextan về, hắn hỏi tôi nhà ở đâu. Tôi nói ở 182 Bà Triệu rồi bỏ đi lúc hắn đang ngạc nhiên. Từ đó tôi quên luôn địa chỉ của tên đao phủ sách cũ đấy.

Chuyện kể năm 200 tôi mua được lúc đang làm nội thất cho cửa hàng điện lạnh trên đường Giải Phóng. Lúc đứng giám sát mấy người thợ thi công, tôi thấy bên cạnh có một hàng sách cũ. Lân la vào chọn xem, thấy quyển Hồi Ký của Đào Xuân Quý giật bắn mình. Tìm bao lâu không thấy, tình cờ lại nằm mốc bụi ở đây. Tôi phải dấu tiếng reo mừng vờ lục lọi mấy quyển nữa. Chất đống lên cho cô bán hàng rất trẻ có đôi mắt đa tình tính tiền. Quyển Hồi Ký của đào Xuân Quý có 15 nghìn. Chuyện trò à ơi một lúc, vì đằng nào cũng đang chờ tốp thợ làm xong. Hỏi có Chuyện Kể Năm 2000 không. Cô nàng bảo bố em có. Đưa anh đến gặp bố em. Không, anh gặp em là được rồi. Thế gặp em thì bao nhiêu. Bốn trăm là giá của bố em, anh trả cho em công bao nhiêu nữa. Anh trả em 100. Nói rồi rút 100 ra đặt cọc. Mấy hôm sau em ấy gọi điện. Tập 1 thì hơi cũ nhưng sách in nguyên bản cũng mừng. Về sau xuống nhà tác giả Chuyện kể năm 2000 dưới Hải Phòng. Đưa cho ông ấy xem, ông già hơn 70 tuổi ấy cầm sách của mình mà rớm nước mắt vì cảm động. ông tâm sự

- Tôi không biết còn sống đến ngày nó ( TKN2000) được tái bản không. Giờ muốn tìm vài bộ để tặng bạn bè mà không có.





Ông Bà Điền ở Thuỵ Khê, cái hiệu sách cũ nhỏ chừng vài mét vuông. Khi hỏi thấy có bộ Thời đại Hùng Vương giá 160 nghìn. Tôi biết đây là nhà buôn sách cũ lâu năm. Đúng là ông Điền bán sách cũ từ 1975. Cả hai ông bà đều ham đọc và rất biết nhiều chuyện. Họ có dáng dấp của những nhà giáo từ cách đi đứng đến ăn nói giao tiếp. Mua nhiều thành quen, mỗi lần mua là một lần tâm sự về sách và những liên quan. Lâu dần như là bạn tâm giao, giá cả tương đối rẻ so với nhiều nơi. Ông để cho tôi cuốn Chiều Chiều của Tô Hoài với giá tròn 100 nghìn sau một thời gian dài tôi tiêu mất vài triệu ở hàng ông. Lúc thưa khách ngồi uống nước ở quán vợ chồng ông. Nghe ông Dần bàn thao thao như nước chảy về Đốt, Aimatop, Băn Dăc..... không khác gì các nhà phê bình. đặc biệt là những thâm cung bí sử của các nhà văn hay các tác phẩm có số phận éo le ở Việt Nam. Từ Trần Dần , Phùng Quán đến Tố Hữu, Chế Lan Viên.

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh mua ở ven đường Hoàng Quốc Việt. Hai vợ chồng khoảng 40 tuổi bày sách trên tấm ni lon trải vỉa hè. Vợ bán sách, còn anh chồng râu ria bờm xơm, mắt đảo như rang lạc đầy lòng trắng. Dựng cái xe đạp bên cạnh hàng vợ bày cờ thế câu bọn sinh viên. Chị vợ mảnh mai, hiền dịu, xinh xắn. Nét đẹp nhẹ nhàng, quý phái, thanh lịch. Chị nói với khách nhỏ nhẹ hay cười. Không như anh chồng khó tính, ngồi bên này bày cờ thế mà ngỏng sang bên kia phát giá . Giọng rất khó chịu. Về sau anh ta mới nói, lúc ấy tôi nhìn cậu không nghĩ cậu là người đọc sách. lần đầu mua sách, tôi mặc cả dữ lắm, cò kè cực nhiều làm anh ta bực. gắt mua thì mua không mua đừng hỏi nữa. Chị vợ vẫn cười nhẹ. Tôi bỏ hàng sách không chọn gì, sang hàng anh ta rủ đánh cờ ăn tiền. Tôi thắng được 15 nghìn. Anh ta nhìn tôi có vẻ nể nang hơn, hỏi tôi học ở lò cờ nào ra. Tôi bảo chẳng học đâu, dân chơi nghiệp dư. Rồi tôi mua quyển Nỗi Buồn Chiến Tranh 25 nghìn. Rẻ hơn giá ban đầu 25 nghìn. Anh ta tên là Phương, khi đã nhiều lần mua sách. Chúng tôi đều bất ngờ về nhau. Tôi không nghĩ anh ta và vợ lại là người đọc rộng, hiểu nhiều đến như vậy. Thời trẻ họ yêu nhau vì mê sách, giờ họ lang thang bán sách cũ như những người buôn đồng nát. Anh ta ăn mặc xoàng xĩnh, râu ria, tóc tai như gã bụi đời. Những tác phẩm kinh điển của thế giới anh đều thuộc lòng đên mức trích hẳn một đoạn ra để bình. Ngạc nhiên hơn là chị vợ cũng đưa ra những nhận xét tính tế cho các tác phẩm mà chúng tôi đang bàn. Khi chị đưa cho tôi tập Bóng Nước Hồ Gươm của Hoàng Minh Giám. Cái tên lạ hoắc và bảo đó là bút danh của Chu Thiên. Tôi về nhà xem kỳ thì văn phong đúng của Chu Thiên thật, nhưng vẫn băn khoăn không biết chị nói chính xác không. Thực ra của Chu Thiên hay của ai cũng không thành vấn đề, mà tôi chỉ thấy lạ là sao chị ấy biết được như vậy. Dạo đó tôi làm ăn được nên mua của anh chị nhiều sách. Có lần đang ăn diện , đi qua hàng anh chị. Đỗ xe lại vào mua sách, chuyện trò một lúc mỏi chân ngồi bệt trên miệng cống nói chuyện sách. Thiên hạ đi qua nhìn bộ dạng tương phản giữa tôi và anh chẳng hiểu chuyện gì. Nhiều khi mua sách ở hàng anh, có người mua sách . Tôi cũng chõ miệng bình luận thé này, thế kia. Người mua thích lắm, họ tự hào vì cái cách tôi nói về quyển sách họ chọn, họ đang cầm trên tay kia làm chọ thấy bản thân họ là người trí thức, biết đọc, biết cảm nhận.
Anh Phương để cho tôi cuốn Dựa Lưng Cái Chết của Phan Nhật Nam. Một tiểu thuyết gia hiếm hoi của Việt nam Công Hoà viết về cuộc chiến tranh 20 năm. Sách có chữ đề tặng của tác giả cho người bạn nào đó. Anh để giá tiền là 10 nghìn, nếu như anh có nói gấp 20 lần như vậy thì tôi cũng mua. Tôi quý vợ chồng anh ở tính không bắt chẹt vì tâm lý khách. Để bù lại tôi cố gắng mua của anh chị rất nhiều. Sách của Phan Nhật Nam làm cho tôi hiểu hơn cái nhìn của những người bên kia, họ viết về chiến tranh khá trung thực. Từ tâm trạng của người dân đến người lính. Những mối tình bi quan của các nam nữ thanh niên trước một cuộc sống ngộp thở. Phan Nhật Nam bị cải tạo giam giữ tại Sơn La gần 20 năm để học chính sách nhà nước ta.

Ở Ngô Thì Nhậm có nhiều hiệc sách cũ, nhưng nhà số 26 là đồ sộ nhất. Nhìn chật hẹp mặt tiền chưa đầy 2 mét vuông, sâu khoảng 4 m . Không ai nghĩ chủ hiệu để dành cả 4 tầng trên nữa như vậy để chứa sách. Giáo dục, khoa học, kỹ thuật một tầng. Văn học, triết học một tầng. Lịch sử, hồi ký tướng lĩnh, quân đội một tầng. Thiếu nhi một tầng. Khách tự chọn không ai trông, giá thì chủ nhà ghi sẵn bìa sau. Hơi đắt, đắt gấp đôi so với anh Phương, ông Dần, ngang ngửa với đao phủ Dư. Sách bày được cái khoa học, sạch sẽ và ngăn nắp. Thái độ chủ hiệu cũng niềm nở. Cũng như các hiệu sách cũ khác. Đồ nghề không thể thiếu đặt trước của là cái cân đồng hồ. Có điều cân của nhà ấy to hơn so với cân nhà khác. Cân tạ hẳn hoi, cái này cân người cũng tốt.

Có một bộ sách mà tôi rất thèm muốn. Đó là bộ sách viết về chiến tranh thế giới lần thứ 2 của Miền Nam in trước năm 1975. Hồi nhỏ tôi thuê sách đọc của ông Long, một vị giáo sư về hưu làm nghề cho thuê truyện ở 50 Nguyễn Hữu Huân. Khi tôi đọc hết những tác phẩm văn học nước ngoài và trong nước như Thời xa Vắng, Đứng Trước Biển, Cù Lao Tràm tần ngần không biết còngì để thuê nữa. Ông Long dẫn tôi lên nhà , chui lên gác xép lôi ra cái thùng các tông chứa đầy sách . Cuốn Hành Trình Về Phương đông, một cuốn sách rất hiếm thời ấy nằm trên cùng. Ở dưới là bộ sách kia, có rất nhiều tập. Phải nói họ viết khách quan, đây là của nhiều tác giả Phương Tây, cái nhìn của họ về cuộc chiến và các nhân vật, sự kiện ảnh hưởng lớn đến thế chiến thứ 2 cũng rất khác sách do ta hay Liên Xô xuất bản. Ông Long có con trai đi Nga bị đâm chết, ông buồn chán. bán nhà đi đâu ở không rõ. Tôi đi dò hỏi nhiều mà chưa biết. Có lẽ bây giờ ông mất rồi cũng nên. Tiếc cái bộ sách kia không biết số phận thế nào





Vừa rồi vào Nam, qua Đà Nẵng vào nhà sách Cảo Thơm, không gian rộng. Nghe thiên hạ đồn tay chủ này từng đi khắp Nam Bắc để lùng mua sách cũ. Bảo sao nhà hắn sách cũ chất đầy từng ngăn. Nhà sách đón tiếp lịch sự, mời ngồi , rót nước rồi nhẹ nhàng hỏi mua sách loại gì. Bảo có Huế Dải Khăn Xô không thì họ lắc đầu. Định về thì bỗng dưng bà chủ rút ra cuốn sách, nhìn tên tác giả rụng rời, nín thở lấy vẻ mặt tự nhiên. Đó là cuốn Đức Mẹ Chỉ Bảo Đường Lành của nhà văn Ru Ma Ni Ghieoghiu. Tôi hiện đang có hai cuốn của ông này là Giờ Thứ Hai Mươi Lăm và Lối Thoát Cuối Cùng. Một trong những nhà văn viết chi tiết nhất về CNCS được dịch ra chữ Việt.Thấy giá bìa 50k mừng rơn. Chủ nhà moi tiếp ra cuốn sách dày cộp. Vĩnh Biệt Tình Em của Patecnick, cuốn này lướt qua thấy khác nhiều so với Đốc Tờ Zivagho. Lại có cả ảnh lấy từ phim, nhiều diễn viên nổi tiếng của thế giới nữa. Giá thì chát 220k. Thôi thì ăn chơi thì chấp nhận nốt vậy. Lúc tính tiền được giảm 10%. Đang trả tiền ông Tí Hớn chạy tót ra ngoài đường, vội chạy theo ra tận xa mới tóm được. Biết thế cho nó chạy thêm quãng nữa rồi bùng luôn, quỵt được mấy trăm nghìn.

Về Hà Nội, một người quen. Mang đến cho 2 cuốn hồi ký của Trotxky xuất bản tại Pháp. Đọc xong thấy đúng là không biết tin ai, ngày xưa bọn Nga phệ cứ chửi ông ý là phản bội, Trùm khủng bố Xtalin còn cho người sang tận nước ngoài nơi ông tị nạn chính trị. Dùng búa đập vỡ sọ vì tội nói xấu CNCS ở Nga. Đọc hồi ký của ông thấy con người ông khác hẳn những gì Nga Phệ tuyên truyền.

Sách cũ có cái hấp dẫn trên hết cả vì có nhiều cuốn không tái bản. Hoặc có tái bản thì nội dung sơ lược, văn phong cũng khác, lỗi dịch chồng chất như hạt sạn bởi thời gian hối thúc do kinh tế thị trường. Tuy bây giờ trên Intenet có nhiều file có thể in ra giấy A4 đóng xén để đọc. Đó là điều bất đắc dĩ. Làm sao có thú vui khi mình mất công tìm toì, có được cuốn sách giấy ố vàng, có chữ ký của ai đó ở trên sách, rồi những dòng chú giải hay tâm trạng của người đọc trước. Cuốn sách như có hồn của thời gian, của lịch sử, của một nền văn hoá những người đi trước để lại. Đọc rồi cho bạn bè mượn. Lúc trả sách, họ sẽ đãi mình chầu cà fê, họ nâng niu cuốn sách trên bay tay đưa cho mình, có người bọc cẩn thận trong tờ giấy báo hay trong túi nilon khi trả. Rồi nhâm nhi ly cà fe cùng bàn bạc, chia sẻ ý kiến về nội dung hay những gì liên quan đến cuốn sách lật ra trang nọ chỉ đoạn văn hay câu nói nào đó bình luận như tri âm, tri kỷ. Rồi khoe nhau tôi mới mua được cuốn này của ông nọ ở nơi kia.

Trong thời đại intenet và các kênh truyền hình mọc nhiều như nấm. Thú đọc sách ít nhiều cũng mai một, bởi đọc sách cần thời gian và không gian riêng biệt. Nhưng một khi đã thành một thú vui, thú sưu tầm , thành ham muốn thì khó mà bỏ được. Vả lại nghề chơi nào mà chẳng phải bỏ ra công sức, thời gian và tiền bạc. Âu cũng là một nghề chơi tao nhã, bặt thiệp của người ham đọc




29 nhận xét:

  1. đọc xong em thấy em mới đọc quá ít, những tên sách ở trên em còn chưa nghe đến!
    thỉnh thoảng ra hàng sách cũ cũng hay hay...

    Trả lờiXóa
  2. Ngày xưa, xưa xửa xừa xưa... bố của DCT mê sách lắm. Ông cũng hay lê la mấy hiệu bán sách cũ để đem về những ấn phẩm từ tận đời Pháp. Trong nhà có đến mấy kệ đựng sách (cao hơn 2 mét) và sách được bao bìa cẩn thận. Đến sau giải phóng, sách là văn hóa phẩm đồi trụy nên bố DCT buộc phải đốt sách. Sách được xé thành từng xấp và cho vào bếp nấu nước. Bố DCT im lặng đến bình thản nhìn sách cháy trong lò. Nước đã sôi từ lâu nhưng ông vẫn tiếp tục công việc của mình. Nhìn vào mắt ông, DCT thấy hai đóm lửa nhỏ đang bập bùng cháy.
    Hy vọng bạn không phải đốt sách trước mặt Tí Hớn.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn anh vì những địa chỉ!

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết mang tính liệt kê... mà vẫn hay.
    Cám ơn vì những thông tin.

    Trả lờiXóa
  5. Nhà tớ hồi năm 1975, mấy anh chị em lớn nhỏ đã sưu tầm được mấy ngàn đầu sách ,đủ mọi thể loại cứ chất cao nơi góc của căn gác nhỏ( ông anh ,bà chị mua ,chứ khi ấy tớ còn bé)Năm ấy ông anh của mình 17 tuổi đã có thể kể vanh vách từ đấu đến cuối,từng chi tiết về Đông châu liệt quốc,tam quốc chí,thằng gù ở nhà thờ đúc bà...với ông thợ cắt tóc già ở gốc cây me đầu đường...
    Khoảng vài tuần sau 1975 có thông báo phải nộp tất cả sách báo cho chính quyền(tất cả sách báo của miền nam đều liệt vào thể loại đồi trụy)Họ gom không biết bao nhiêu "tấn" sách tại một sân vận động,chất cao thành núi và đốt xạch(phải mất vài ngày mới đốt hết)mấy anh em nhìn đống sách bị đốt mà khóc ròng,còn những người lớn chỉ biết ngậm ngùi che đậy cõi lòng vì sợ...có quá nhiều nỗi sợ bao trùm ngày ấy.
    Đã mấy mươi năm (ông đã trở thành BS của một bệnh viện lớn)vài lần anh em có chuyện trò về thú văn chương ,lão chỉ cười hoặc ấm ớ qua loa rất ngây ngô như một gã không học hành .Lão ấy thú thật trên 20 năm nay lão không hề đọc một cuốn sách.

    Trả lờiXóa
  6. Bóng nước Hồ Gươm đúng là của Chu Thiên đấy. Yên tâm đi bác. Hoàng Minh Giám mới là tên thật, Chu Thiên là bút danh. Nhưng tại sao bác lại mua sách cũ vì nó rẻ hơn à? Nhiều quyểm trong số sách bác kể tên tái bản rồi. Đọc sách mới dễ đọc hơn vì giấy tốt, chứ nhiều quyển ngày xưa in giấy xấu đọc khó lắm. Ngay sách của Phan Nhật Nam bác vào Xcafe cũng có đấy. Có một quyển tôi rất thích xuất bản ở Miền nam trước năm 1975 là cuốn Về miền Đất hứa viết về cuộc đấu tranh thành lập nhà nước Israent sau Chiến tranh thế giới thứ II, bác biết đâu có mách tôi với. Cám ơn trước.

    Trả lờiXóa
  7. Em thấy nhiều đầu sách cũ mình tìm mua có khi còn đắt hơn mua tái bản mới tinh, mà sách cũ có cái hay riêng của nó. Như quyển Tôt-tô-chan, cô bé ngồi bên cửa sổ, em thích nhất quyển xuất bản năm 9x, bìa màu đỏ hồng có hình 1 ng phụ nữ, chắc là tác giả. Trong sách có nhiều trang kèm tranh vẽ của 1 họa sĩ ng Nhật mà tác giả thấy đồng điệu với câu chuyện về Tôt-tô-chan, em ko còn thấy 1 tái bản nào của truyện này có những hình vẽ đó nữa.
    Sau khi đọc bài viết của anh, em đã tìm đọc tác phẩm của Phan Nhật Nam, thấy đó đúng là thứ mình vẫn tìm kiếm-1 cái nhìn về "cuộc chiến ko hoàn hảo". Cảm ơn anh rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  8. Đúng là đã từ lâu rồi tôi ít đọc truyện, thực ra khó lý giải vì sao, nhiều khi tự nghĩ có phải do internet có nhiều thông tin không? Nhưng không, hóa ra lâu nay các tác phẩm ở Việt Nam phần nhiều đã không được sáng tác với sự tự do sáng tạo không biên giới thành ra chủ đề, nội dụng cũng không được đa dạng và có gì thiếu thiếu.
    Mà không chỉ có truyện mà còn có nhiều bài hát... nghe rồi quên ngay, ít tác phẩm hay, mới hay rằng tự do sáng tạo theo định hướng xã hội chủ nghĩa nó thối thế nào, nó không phải là tự do.
    Đúng là đọc những bài viết của Người Buôn Gió tôi thấy có gì đó nó sâu rộng, nó thể hiện đẳng cấp của một người học rộng biết nhiều, biết lịch sử quê hương, biết hoàn cảnh đất nước, thật đáng ngưỡng mộ, tôi sẽ cố gắng đọc những tác phẩm đó và tuyên truyền cho họ hàng, người thân, bạn bè.
    Thiếu cái văn hóa, cái lịch sử văn học tôi thấy mất tự tin, mất chiều sâu khi đi ra biển lớn, thấy chơi vơi, mất gốc và tròng trành, hóa ra vì mình còn thiếu hiểu biết về cái gốc, cái lịch sử, cái văn hóa dân tộc. Còn lại trong đầu là những thứ văn hóa mà Đảng đã nhồi sọ, còn văn hóa dân tộc đã bị đốt hàng tấn sách , thứ văn hóa làm cho con người trở nên vô cảm.

    Trả lờiXóa
  9. Nhieu chu cu hay dong hoa chuyen thich van chuong voi viec thich nhung tac pham chinh tri (hay "nhay cam" nhi?), to thay rat nham nhi. Danh rang NBG la mot tay di nhieu hieu rong, am tuong van chuong nhung du sao cung chi la mot quan niem, mot goc nhin, cai nay no the hien o nhung tac pham ma NBG liet ke cho chung ta thay, chu nen van hoc Vietnam may tram nam nay dau chi co nhu the? Ngay ca van hoc cach mang cung nhieu cai de doc, de nghi chu dau phai de den muc "20 nam nay khong doc cuon nao" hay nhung tuyet tac thi da bi "Dang CSVN dot het o san van dong roi". Van chuong thoi nao cung co vi tri, cung co gia tri cua no khong the phu nhan kieu Sactre the duoc.

    Trả lờiXóa
  10. Ở đây sách cũ đắt hơn sách mới anh ạ, nói ra thì độc mồm nhưng chỉ chờ bà già nào qua đời để sang xin sách thôi.

    Trả lờiXóa
  11. Anh Tú: anh thì chưa biết tú chắc không
    Thiện Nhân: thiện thì không thấy chỉ nhân tiền
    Tấn Dũng: tấn gì lùi mãi dũng nhũn chi
    vân vân và v.v.
    phim dài xã hội hóa nhiều tập hề hề

    Trả lờiXóa
  12. anh biết nhiều hiệu sách cũ thế ^^. em cũng thích đi tìm mua sách lắm, nhưng hay tìm sách ngoại văn hơn. a biết chỗ nào bán nhiều sách ngoại văn ở hà nội k?(dĩ nhiên giá cả vừa phải í :D)

    Trả lờiXóa
  13. Người Cố Quậnlúc 21:23 26 tháng 6, 2009

    Có một con đường bán sách cũ có thể là lớn nhất nhì ở VN là đường Nguyễn Thị Minh Khai ở Sài Gòn ko thấy bác nhắc tới. Đọc toàn bài của bác cũng có thể phần nào đó là tương đối nhưng chưa đầy đủ lắm. Sách cũ giá trị không phải chỉ vì nó cổ mà là cho đến bây giờ giá trị trong những cuốn sách đó vẫn là vô giá, có nhiều tác phẩm dịch bây giờ không hay bằng bản dịch trước 75. Có những tác phẩm cho đến bây giờ vẫn không thể làm nổi mà phải đi tái bản như bộ triết học Phương đông của Nguyễn Đăng Thục, triết Tây của Lê Tôn Nghiêm.
    Sách cũ, đặc biệt là loại sách triết của SG trước 75 bây giờ khá hiếm, có thể kiếm mua một số như :Ý thức Mới của Phạm Công Thiện (giá 400.000), Hiện Sinh một Nhân bản thuyết của Thụ Nhân….trên Nguyễn Thị Minh Khai, hầu như quyển nào cũng đắt, một phần vì hiếm nên quý. Ngoài ra còn những bộ sách về học làm người, đối nhân sử thế, lịch sử và văn hóa dân tộc.
    Miền nam trước 75 đã tạo dựng nên một nền văn hóa dân tộc đồ sộ, nhưng đã bị đốt vì cho rằng tàn dư chế độ cũ, với lý do chính trị mà một kho tàng văn hóa tri thức đậm nhân tính đã bị đốt không thương tiếc dù nó tự nó chẳng có dính líu gì đến chính trị,
    Hơn 30 năm chỉ được đọc sách văn học bình thường và sách thuộc CNXH ca ngợi chế độ, ca ngợi chủ nghĩa một cách máy móc, văn hóa đọc của dân Việt đang đói trầm trọng. Mong rằng, những con người có tâm và có tầm sẽ hiểu được đâu là chân lý, đâu là lẽ phải để điều hành một cách sáng suốt hơn, chứ không phải cứ rập khuôn lý thuyết như những gã người máy thô kệch

    Trả lờiXóa
  14. Ồ! Bác có vẻ ưu ái vợ chồng nhà Phương ở Hoàng Quốc việt nhỉ? Dành cho cả một đoạn dài. Tôi mua được cuốn " Boris Pasternak con nguoi và tác phẩm" ở đó đấy, không biết cũng đã bao nhiêu lần ngồi trên cái nắp cống bác đã kể!

    Trả lờiXóa
  15. @ NBG: Bác xóa hộ tôi cái commemt thừa nhé, cảm ơn bác!
    @ coco: Tôi thì lại nghĩ "20 nam nay khong doc cuon nao" là bởi họ có cảm giác giống như một tín đồ sùng đạo không thể hành lễ ở một nơi đã bị vấy bẩn,ô uế hoặc một kẻ si tình trở thành người xa lánh phụ nữ sau khi bị một người đàn bà đẹp, một "nàng thơ" phản bội chứ không phải vì thiên hạ hết đàn bà hay trên đời chẳng còn gì đáng đọc!

    Trả lờiXóa
  16. Người Buôn Giólúc 21:23 26 tháng 6, 2009

    Tôi xoá rồi bác ạ, hôm nào rảnh mời bác qua nhà uống trà bàn sách. Thằng Co Co nó cũng chỉ nói một khía cạnh, bác chấp nó làm gì. Nhà nó cách mạng truyền thống chỉ đọc Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Khuất Quang Thuỵ..thôi. Đến Bảo Ninh nó kêu là không đáng đọc

    Trả lờiXóa
  17. Cám ơn bác NBG. Nhờ entry này, em biết thêm vài chỗ mua sách cũ. Cũng nhờ entry này, em thấm thía thêm về cái sự "lọ mọ" và "tình cờ" của những người ưa sách cũ.

    Trả lờiXóa
  18. Cam on bac, Ranh roi ma duoc ngoi uong tra, ban sach voi nguoi hien thi con gi bang!

    Trả lờiXóa
  19. e tìm được 1 số sách khác của Chu Thiên (Bút nghiên,Nhà nho,Tuyết Giang phu tử,Cháy cung Chương Võ,Bóng nước Hồ Gươm),Dương Thu Hương(Quãng đời đánh mất,Chuyện tình kể trước lúc rạng đông,Hành trình ngày thơ ấu,Các vĩ nhân tỉnh lẻ,Chân dung người hàng xóm,Bên kia bờ ảo vọng.),a cần đọc thì send message cho e nhe
    Cuốn Dựa lưng cái chết được người ta trả giá mua đến 1tr đồng nhưng vẫn có.

    Trả lờiXóa
  20. ý,xin lỗi,Dựa lưng cái chết được trả giá cao mà vẫn kg có

    Trả lờiXóa
  21. O, ong NBG noi la, dao nay khac roi, doc them nhieu roi.
    Moi nhat la "Ba nguoi khac" cua To Hoai, doc xong thay HE`N

    Trả lờiXóa
  22. Bác nào có: "Con Chim Non Yêu Kiều Nhảy Nhót ( Dương Thu Hương ) thì ới em một câu nhé, Em chỉ cần bản photo là quý lắm rồi!

    Trả lờiXóa
  23. ái mộ tiên sinh Người Buôn Gió quá!

    Trả lờiXóa
  24. Đọc entry này tuần trước, khá ấn tượng vì những sách ông anh đã mua và đọc, tự nhiên nhớ nhất cái tên "Chuyện kể năm 2000". Rồi tình cờ thế nào, đến nhà đứa bạn, lại thấy 2 tập của quyển này trong tủ sách của chồng nó, thế là alêhấp, mượn khẩn trương. Đọc rồi cứ bị ám ảnh, tự hỏi Bùi Ngọc Tấn là người thế nào nhỉ? Sao viết hay vậy?

    Trả lờiXóa
  25. Các bác phải làm sao để chia xẻ được cái "thần" của sách cho chúng em với!? Tự nhận là HẬU SINH, thời gian không nhiều để được đọc, được lắng nghe ý kiến các bậc TRƯỞNG LÃO. Nhưng vẫn canh cánh một nỗi niềm là sẽ được gặp và học các bác. Nhưng kẻ hậu sinh này ở mãi tận Sài Gòn, không biết các bác có scan sách để lưu giữ và chia xẻ cho nhau trên net không? Chỉ biết là đọc phần copies của những quyển sách sẽ không thấy được cái thần của đọc sách, nhưng vẫn nguyện sẽ góp công sức và tài lực để góp phần lưu giữ, tìm tòi và kể cả chuyển tải sang tiếng Việt những vốn quí đó cho mọi người!!!

    Trả lờiXóa
  26. Đọc muộn entry của anh. Không khí này làm nhớ tới một truyện ngắn của Stephen Zweig quá.
    Giả như tách một trong mấy nhân vật trên ra riêng, nhất là vợ chồng ở HQViệt, nhấn nhá thêm vài nét, có thể thành một truyện ngắn (hay ký) nhỏ xinh.
    P/s: nếu như có dịp ra Hà Nội gặp anh chút ít thì hay lắm.

    Trả lờiXóa
  27. Bài viết rất hay, đúng là bây giờ sách mới in bán đầy nhưng ko muốn đọc. Những sách đã đọc hoặc in ngày xưa mới thấy hay thì phải, sách cấm thì lại càng hay.

    Trả lờiXóa
  28. bài viết cho thấy tác giả đã bỏ nhiều công tìm sách cũ!

    Trả lờiXóa
  29. Hiệu sách cũ online DKT tại Hà Nội, chuyên bán sách cũ online với giá rẻ.
    Nếu muốn mua sách cũ, hãy đến với cửa hàng sách cũ của chúng tôi
    Hotline: 0973 763 751 - website: sachcudkt.com

    Trả lờiXóa